DINH DƯỠNG VÀ BỮA ĂN CHO HỌC SINH TIỂU HỌC ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
Dinh dưỡng
Chỉ dinh dưỡng cho trẻ học tiểu học từ 7 - 13 tuổi. Lúc này, tốc độ sinh trưởng và phát triển của trẻ đã chậm dần, nhưng đến khi bước vào những năm học cao của tiểu học thì lại bước vào thời kì phát triển, sinh trưởng nhanh chóng thứ hai. Thời gian bắt đầu sinh trưởng nhanh chóng của học sinh nữ sớm hơn học sinh nam, vì thế chiều cao và cân nặng đều vượt học sinh nam, nhưng không lâu sau lại bị học sinh nam vượt. Thường cân nặng hằng năm tăng trung bình 2kg, chiều cao tăng trung bình 5,8 – 6,5cm. Nhưng sự khác biệt giữa các cá thể tương đối lớn, điều này có mối liên quan chặt chẽ tới tình trạng hoạt động, giới tính nam nữ cùng việc bước vào thời kì tiền thanh xuân sớm hay muộn. Thời kì này trí lực phát triển nhanh chóng, học hành căng thẳng, lao động thể lực tăng lên.
Tổng nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng tuy tương đối giảm so với thời kì còn nhỏ và trạc tuổi đi học, nhưng đến giai đoạn sau của thời kì này sẽ tăng lên cùng với sự sinh trưởng nhanh chóng.
Lượng nhu cầu về năng lượng 7 – 9 tuổi cho mỗi kilogam cân nặng mỗi ngày là khoảng 336kJ (80kcal); 10 - 12 tuổi là 273kJ (65kcal), lượng cung cấp năng lượng mỗi ngày theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới: 7 - 9 tuổi là 9240kJ (2200kcal), 10 - 12 tuổi học sinh nam là 10920kJ (2600kcal), học sinh nữ là 9828kJ (2340kcal). Lượng nhu cầu về protein sẽ tăng lên theo sự tăng cường năng lực hoạt động và mức độ phát triển của cơ bắp, 7 - 10 tuổi mỗi ngày là 60g, 10 - 13 tuổi là 70g, cần bảo đảm có được protein chất lượng cao với năng lượng cung cấp của nó chiếm 12 - 14% tổng năng lượng. Do bộ xương sinh trưởng nhanh chóng, cho nên lượng nhu cầu về chất khoáng, đặc biệt là canxi, rất lớn, các nguyên tố vi lượng khác như kẽm, sắt, đồng, magie cùng vitamin các loại cũng cần được đưa vào đủ lượng. Lượng lipit đưa vào không nên quá cao, mức năng lượng được cung cấp từ lipit chỉ chiếm 25 - 30% tổng năng lượng, ½ trong đó nên lấy từ dầu thực vật, đưa lipit và cacbohidrat vào quá nhiều sẽ dẫn đến béo phì, và khi lớn dễ bị mắc các bệnh về tim mạch.
Bữa ăn chính
Ở những năm cuối tiểu học, trẻ sẽ bước vào giai đoạn sinh trưởng tăng đột ngột, nhu cầu về dinh dưỡng tương đối cao, giáo dục học đường đòi hỏi tập trung nhiều, sinh ra những áp lực nhất định về mặt tâm lí của trẻ, hoạt động vui chơi lại có xu thế giảm. Vì vậy, việc sắp xếp bữa ăn cho thời kì này cần chú ý:
1) Đa dạng hóa và cân đối hợp lí bữa ăn đồng thời bảo đảm đủ lượng. Dựa theo mùa vụ và tình trạng cung ứng mà phối hợp thức ăn chính phụ, tinh thô, chay mặn, khô ướt cho hợp lí, cung cấp nhiều sữa các loại và chế phẩm đậu, đảm bảo cung ứng đầy đủ canxi (xem Bảng 16).
2) Sắp xếp hợp lí các bữa ăn. Ngoài 3 bữa ra, cần tăng thêm 1 bữa điểm tâm.
Cách phân phối năng lượng cho 3 bữa chính và 1 bữa phụ nên là: bữa sáng 20 - 25%, bữa trưa 35%, điểm tâm 10 - 15%, bữa tối 30%.
Bữa sáng phải phong phú và chất, không chỉ ăn no mà còn phải ăn ngủ ngon. Nếu bữa sáng cung ứng dinh dưỡng không đủ, học sinh tiểu học sẽ thường xuất hiện cảm giác đói sau tiết thứ 2, ảnh hưởng đến việc tập trung tư tưởng học tập. Thường nên cung cấp một lượng nhất định thức ăn khô, như bánh mì, bánh gatô, bánh bao, tốt nhất là ăn một lượng nhất định thức ăn có đạm (50 - 100g), như 1 quả trứng gà, 1 bình sữa bò hoặc sữa đậu nành, một ít ruốc thịt hoặc gà, dăm bông,... Ngoài ra, nên tăng thêm một lần điểm tâm giữa giờ học để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng giúp ích cho hoạt động trí não. Bữa trưa cũng phải được coi trọng đầy đủ, trường học hoặc gia đình nếu nâng cao được chất lượng bữa trưa cho trẻ thì sẽ có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao tố chất sức khỏe của trẻ. Bữa tối thường ăn ở nhà, những gia đình cả bố mẹ là cán bộ công chức thì bữa tối là phong phú nhất, nhưng nếu xét theo quan điểm dinh dưỡng học thì bữa tối không nên ăn quá nhiều dầu mỡ và quá no, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, nghỉ ngơi. Sau bữa tối, tốt nhất là không nên ăn thêm.
3) Luyện thói quen ăn uống, chú ý vệ sinh ăn uống. Trước khi ăn, sau khi đại tiểu tiện phải rửa tay, loại quả như quả dưa phải dùng xà phòng và nước rửa sạch, rồi sau đó mới gọt vỏ ăn. Khi ăn phải tập trung, nhai chậm nuốt kĩ, như vậy không những luyện được răng, mà còn thúc cho răng và xương hàm phát triển bình thường.
Ngoài ra, còn cần luyện thói quen không kén ăn, không ăn tống ăn táng, không ăn vặt từ khi còn nhỏ.
BẢNG 16: LƯỢNG ĐƯAVÀO THAM KHẢO THỨC ĂN CÁC LOẠI CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC, TRUNG HỌC (mỗi người mỗi ngày, gam)
Độ tuổi | Lương thực (ngũ cốc) | Chế phẩm đậu | Thịt cá | Trứng | Rau | Dầu thực vật | Đường | Muối ăn |
7 tuổi | 350 | 50 | 100 | 50 | 300 | 10-15 | 15 | 4 |
10 tuổi | 400 | 100 | 100 | 50 | 400 | 10-15 | 15 | 5 |
13 tuổi | 450 | 100 | 100 | 75 | 500 | 10-15 | 15 | 5 |
15-16 tuổi | 500 | 150 | 100 | 100 | 500 | 10-15 | 15 | 6 |
Chú ý: Nếu có điều kiện mỗi ngày cho uống một bình (220ml) sữa bò hoặc sữa đậu nành, 50 - 100g trái cây.
Bữa ăn giữa giờ học
Thường chỉ bữa điểm tâm sau tiết học thứ 2 của buổi sáng. Mục đích là bổ sung năng lượng và vitamin, điều này là hết sức quan trọng đối với những học sinh ăn bữa sáng ít hoặc không ăn. Lượng bữa giữa giờ không nhiều, ngoài thức ăn khô như bánh mì, bánh bao, bánh gatô ra, tốt nhất là cho uống một cốc sữa bò hoặc sữa đậu nành, vừa có thể bổ sung nước, lại vừa cung cấp được năng lượng và protein chất lượng cao. Cần tổ chức tốt việc cung ứng bữa giữa giờ, chú ý vệ sinh sạch sẽ hai bàn tay và đồ ăn, để tránh bệnh viêm gan, bệnh lị,... lây nhiễm.
Thực đơn (Xem Bảng 17).
| Xuân | Hè | Thu | Đông |
Bữa sáng | - Sữa bò 220ml Đường 10g - Bánh bao thịt Bột mì 75g Thịt 20g Muối vừa phải | - Sữa bò 220ml Đường 10g - Bánh trứng Bột mì 75g Trứng 50g Đường 10g Dầu 3g | - Cháo tấm sữa bò Sữa bò 220ml Đường 10g Tấm 75g Trứng 30g | - Sữa bò 220ml Đường 10g - Bánh bột đậu Bột mì 75g Bột đậu 20g Đường 5g |
Bữa trưa | - Cơm thịt băm rau Gạo tẻ 100g Rau 50g Thịt lợn 50g Dầu 5g Muối vừa phải - Canh tảo đỏ tép moi Tép moi 5g Táo đỏ 2g Dầu vừng 3g Muối vừa phải | - Cơm gạo tẻ 100g - Đậu Hà Lan xào tôm nõn Đậu hà Lan 50g Tôm nõn 50g Dầu 10g Muối vừa phải | - Cơm gạo tẻ 100g - Cà rốt súp lơ thịt gà Cà rốt 50g Súp lơ 50g Thịt gà 50g Dầu 10g Muối vừa phải - Canh trứng cà chua Cà chua 25g Trứng 25g Dầu 2g Muối vừa phải | - Canh mì gạo thịt rau Mì gạo 100g Thịt lợn 75g Rau 75g Dầu 8g Muối vừa phải |
Điểm tâm | - Bánh gatô nhỏ 2 chiếc Bột mì 50g Trứng gà 30g Đường 5g Dầu 2g | - Bánh mì mứt quả Bột mì 50g Mứt quả 10g - Sữa đậu nành 220ml Đường 5g | - Bánh nướng nhân thịt Bột mì 50g Thịt lợn 20g Dầu 3g | - Chè bánh trôi táo đỏ Táo đỏ 20g Gạo nếp 50g Đường 5g |
Bữa tối | - Cơm gạo tẻ 100g - Cá Hố hấp Cá Hố 75g Muối vừa phải - Rau xào Rau 100g Dầu 7g Muối vừa phải - Táo 1 quả 50g | - Cơm gạo tẻ 100g - Rau xào thịt Thịt lợn 50g Rau 150g Dầu 10g Muối vừa phải - Dưa hấu 200g | - Bánh nhân thịt rau tôm Bột mì 100g Thịt băm 75g Tôm nõn 20g Rau 75g Dầu 5g Muối vừa phải - Cam ngọt 75g | - Cơm gạo tẻ 100g - Thịt bò hầm khoai tây Thịt bò 75g Khoai tây 100g Muối vừa phải - Nấm tươi xào rau Nấm 25g Rau chân vịt 50g Dầu 5g Muối vừa phải - Táo 50g |