VÌ SAO PHẢI CHO TRẺ NHỎ ĂN THÊM THỨC ĂN PHỤ TRỢ?
Thức ăn ăn thêm theo giờ quy định cho trẻ để bổ sung các loại sữa không đủ (bao gồm cả sữa mẹ) và làm tốt khâu chuẩn bị cho việc cai sữa, để chuyển sang bữa ăn gia đình bình thường, gọi là thức ăn phụ trợ cho trẻ nhỏ.
Mục đích của việc ăn thêm
Trước tiên, sữa mẹ tuy là thức ăn thiên nhiên thích hợp nhất cho trẻ nhỏ, nhưng vẫn có những thiếu hụt nhất định như hàm lượng vitamin D và sắt rất ít, lượng vitamin A, C và nhóm B khác nhau tùy theo hàm lượng trong bữa ăn của người mẹ rất dễ bị thiếu,... Cho nên, để đảm bảo thỏa mãn được nhu cầu sinh lí của trẻ, trong những gia đình có đủ sự an toàn về nước uống và vệ sinh ăn uống, thì nên sớm tăng thêm thức ăn phụ trợ có nhiều những chất dinh dưỡng nói trên. Tiếp đến là cùng với sự không ngừng lớn lên của trẻ, cơ quan tiêu hoá ngày càng hoàn thiện, chức năng tiêu hóa hấp thu và dung lượng dạ dày đều tăng lên, răng sữa dần dần nhú ra, thêm vào đó lượng hoạt động tăng lên, nhu cầu về năng lượng và các loại chất dinh dưỡng ở trẻ cũng ngày càng tăng. Sau 4 tháng, dù là sữa mẹ hay các loại sữa khác đều đã không thể thỏa mãn được nhu cầu. Đây cũng là một nguyên nhân buộc phải tăng thêm các loại thức ăn phụ trợ. Thứ ba, tăng thêm thức ăn phụ trợ là làm công việc chuẩn bị để cai sữa cho trẻ, để trẻ từ chỗ ăn thức lỏng chuyển sang ăn thức ăn nửa cứng và thức ăn cứng, luyện khả năng nhai, cắn, nuốt, học cách cầm thìa, cốc bát, đũa,... thích ứng dần với bữa ăn của tuổi nhi đồng nói chung. Thức ăn phụ trợ vì vậy thường được coi là thức ăn cho thời kì cai sữa.
Nguyên tắc và thứ tự ăn thêm
Chức năng đường ruột và dạ dày của trẻ nhỏ chưa đủ hoàn thiện, khả năng thích ứng với thức ăn thêm yếu, dễ xảy ra rối loạn tiêu hóa hấp thu, cho nên khi tăng thêm thức ăn phụ phải tiến hành theo nguyên tắc từ từ, có thứ tự, không được quá vội.
1. Tăng thêm các loại thức ăn mới chưa ăn bao giờ cũng phải thử một loại trước, đợi sau khi quen mới thử tiếp một loại khác. Thường mỗi loại thức ăn cần phải trải qua quá trình khoảng 7 – 10 ngày, có khi còn phải kéo dài hơn một chút. Nếu sau khi thử không thấy trẻ chán ăn, nôn, ỉa chảy,... thì nên tiếp tục thử loại khác, không thể tăng thêm đồng thời cả mấy loại thức ăn mới.
2. Tăng thêm lượng thức ăn phải bắt đầu từ lượng nhỏ rồi tăng lên dần dần. Nếu cho ăn lòng đỏ trứng, trước tiên nên thử cho ăn 1/4 quả, sau 3 - 5 ngày tăng lên l/2quả, 1-2 tuần sau tăng lên 1 quả.
3. Thức ăn phải từ loãng đến đặc, trước tiên cho ăn nước cơm, sau từ bột loãng chuyển sang bột đặc. Từ thức ăn lỏng sang nửa lỏng rồi mới đến nửa cứng, rồi đến sang ăn thức ăn cứng, như từ cháo loãng sang cháo đặc rồi sang cơm nát.
4. Tính chất thức ăn từ tinh đến thô, trước tiên cho ăn nước canh, sau đổi sang rau xay nhỏ, dần dần thích ăn rau thô, rau thái nhỏ và rau nấu nhừ.
5. Khi trẻ khó chịu, bị ốm, tốt nhất tạm thời hoãn lại việc cho ăn thêm thức ăn mới, mùa hè nóng nực oi bức cũng không nên cho ăn thêm chủng loại mới vì lúc này trẻ phần nhiều là không muốn ăn, khả năng thích ứng kém.
6. Sự thích ứng và thích thú thức ăn của trẻ có sự khác biệt giữa các cá thể rất lớn. Tháng nào bắt đầu tăng thêm thức ăn phụ trợ, và số lượng tăng lên nhanh chậm đều phải linh hoạt. Nếu trẻ thử một loại thức ăn nào đó lần đầu (như lòng đỏ trứng) mà không muốn ăn, thì đừng vội cho rằng sau này nó sẽ không muốn ăn, mấy ngày sau nên thử cho lại, thường là sẽ thành công. Thứ tự cho ăn thêm và chất dinh dưỡng chủ yếu trong các loại thức ăn phụ trợ (xem Bảng 11).
BẢNG 11. THỨ TỰ ĂN THÊM THỨC ĂN PHỤ TRỢ
Tháng tuổi | Thức ăn phụ trợ | Chất dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp | Chú ý |
1 - 3 tháng | - Nước quả tươi - Nước rau - Vitamin D dạng viên | - Vitamin A, C và chất khoáng - Vitamin A, D | |
4 - 6 tháng | - Bột gạo, bánh quy sữa, cháo nát | - Bổ sung năng lượng | Dùng thìa |
- Lòng đỏ trứng, thịt, cá, đậu phụ, tiết động vật | - Protein động vật, sắt, vitamin |
- Xúp rau, nước sinh tố… | - Vitamin A, B, C, chất xơ, chất khoáng |
7 – 9 tháng | - Bột nát, bánh bao, bánh quy | - Tăng thêm năng lượng | Luyện nhai cắn |
- Cá, trứng, gan, thịt băm | - Protein động vật, sắt, kẽm, vitamin A, B |
10 – 12 tháng | - Cháo đặc, cơm nát, mì sợi, bánh bao, bánh mì | - Tăng thêm năng lượng, vitamin B | Luyện nhai cắn |
- Rau thái nhỏ, thịt thái nhỏ, dầu, chế phẩm đậu | - Chất khoáng, năng lượng protein, vitamin, chất xơ |
Phương pháp cho trẻ ăn thêm
Thức ăn phụ trợ gồm có 4 loại thức ăn: Thức ăn chính (ngoài sữa mẹ hoặc các loại sữa khác ra tăng thêm tha loại tinh bột), bổ sung protein (protein động vật như cá, thịt, trứng sữa, gan, đậu các loại) bổ sung vitamin, chất khoáng (rau và hoa quả), bổ sung năng lượng (dầu và đường, dùng dầu thực vật là tốt nhất, vì có chứa nhiều axit béo không no). Phương pháp cho ăn thêm như sau:
1. Vitamin dạng viên
Cả sữa mẹ và sữa bò đều có chứa rất ít vitamin D. Để thỏa mãn được nhu cầu của trẻ, từ tuần thứ 3 sau khi sinh trở đi, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và nuôi bộ, mỗi ngày nên tăng thêm 10 μg. (400 đơn vị quốc tế) vitamin D. Dùng vitamin AD dạng viên hoặc thuần vitamin D dạng viên đều được, nhưng dùng thuốc giọt cho thích hợp. Căn cứ theo hàm lượng vitamin D trong pha chế, mỗi ngày uống 3 – 5 giọt là đủ, không nên quá liều lượng, để tránh dẫn đến ngộ độc vitamin D, xuất hiện chán ăn, ói mửa, bứt rứt, canxi - huyết cao,... Nếu chỉ có dầu gan cá thông thường, thì nên bắt đầu uống từ 1/4 thìa cà phê mỗi ngày, dần dần tăng lên đến 2 – 3 thìa mỗi ngày.
Chất 7 - dehydro cholesterol ở dưới da người nếu chiếu tia tử ngoại vào sẽ chuyển hóa thành vitamin D, cho nên phải cho trẻ nhỏ hoạt động nhiều ngoài trời (tắm nắng), để cơ thể có thể tổng hợp được vitamin D nhiều hơn, phòng ngừa được bệnh còi xương do thiếu vitamin D.
2. Nước quả và nước rau
Chủ yếu là cung cấp vitamin C và chất khoáng. Trẻ từ 1 tháng trở đi nên cho uống thêm nước quả tươi (như nước cam tươi) hoặc nước rau có màu (như cải xanh). Mỗi ngày 1 - 2 lần, mỗi lần bắt đầu từ 1 thìa canh (10ml), dần dần tăng lên đến 30 - 60ml mỗi ngày. Khi cho uống nên dùng nước sôi ấm pha loãng, đợi khi trẻ đã quen thì cho uống nước nguyên chất. Cũng có thể chọn cam quýt tươi mới, dùng nước sát trùng và nước lạnh để rửa, bổ đôi, lấy nửa quả cho vào máy ép lấy nước hoặc dùng thìa bỏ hạt vắt nước vào ly, cho uống bằng thìa. Cũng có thể lấy cà chua rửa sạch, dùng nước sôi chần qua, cắt bỏ phần núm, sau đó cho vào túi vải màn sạch sẽ, dùng muôi, thìa ép vắt túi lấy nước. Khi ăn lần đầu cho thêm nước vào quấy loãng. Phương pháp chế biến nước rau là lấy 1 bát lá rau xanh non đã rửa sạch, ngắt ngắn, cho vào nồi nước sôi nhỏ, đậy vung đun sôi 3 - 5 phút, sau đó dùng thìa ép vắt lấy nước, bỏ bã thì thành nước rau, nên cho thêm chút muối hoặc đường cho trẻ uống.
3. Thức ăn loại tinh bột
Sau 4 tháng, nên cho ăn thêm ngũ cốc tinh bột cùng với sự tăng cường hoạt lực của các amylaza trong tuyến nước bọt và trong ruột của trẻ. Trước tiên nên dùng bột gạo tẻ, vì lượng protein trong đó tuy ít nhưng chất lượng cao, lại khó gây ra dị ứng.
Tốt nhất là dùng loại bột gạo cường hóa vitamin và chất khoáng, đặc biệt là cường hóa sắt.
Do sữa các loại thiếu sắt, khi trẻ đủ tháng được sinh ra, lượng sắt dự trữ từ thời kì thai nhi đến khi được 4 tháng đã dùng hết, cho nên phải tăng thêm thức ăn giàu sắt để phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Mới đầu nên quấy tương đối loãng, về sau đặc dần. Thử dùng thìa cho ăn, tốt nhất là không dùng bình sữa, để luyện cho trẻ dùng thìa bát ăn được tương đối sớm. Dùng bình sữa cho ăn tuy có thể đẩy nhanh tốc độ, nhưng bất lợi cho việc luyện khả năng nhai cắn của trẻ, dẫn đến khó cai sữa. Trẻ 4 tháng đã có thể ăn được bột gạo tương đối đặc, mỗi lần một thìa cà phê (5ml) đến 1 thìa canh (10ml), khi đã thích ứng được tương đối tốt thì tăng dần lên đến 3 - 4 thìa canh. Hằng ngày, mỗi buổi sáng, chiều một 1 lần, cho ăn trước khi cho bú 1 - 1,5 tiếng, cố tránh đừng để cho ăn sát với giờ bú mẹ, tránh để cho axit thực vật trong ngũ cốc ảnh hưởng tới việc hấp thu sắt trong sữa mẹ. Sau 6 tháng, răng sữa mọc, nên đổi sang ăn cháo loãng, mì nát, từ vài thìa đến 1 bát nhỏ. Từ 7 tháng trở đi, cho ăn lát bánh hấp nướng hơi vàng hoặc lát bánh mì mỗi lần 1 lát cắn ăn, để luyện khả năng nhai cắn, giúp cho mọc răng, trong cháo, mì cũng nên cho thêm rau, lòng đỏ trứng gà và ăn cùng, để cho trẻ thích ứng dần dần với dạng thức ăn tương đối thô cứng. Sau 6 tháng, nên thay thế 1 - 2 lần sữa mẹ hoặc sữa bò bằng ngũ cốc loại tinh bột, nhưng phải tiếp tục đảm bảo có đầy đủ thức ăn loại sữa, để cung cấp đủ lượng protein chất lượng cao.
4. Thức ăn phụ trợ có bổ sung protein
Cùng với việc giảm bớt lượng sữa ăn, phải cung cấp thêm các loại protein chất lượng cao khác để bổ sung và chỗ còn thiếu. Trứng nên là loại thức ăn thêm đầu tiên. Nhưng do lòng trắng trứng dễ gây dị ứng cho trẻ cho nên thường cho thêm lòng đỏ trứng trước. Lòng đỏ trứng ngoài việc có thể cung cấp protein chất lượng cao ra, còn có chứa nhiều sắt và vitamin A, D, đều là những chất dinh dưỡng hết sức cần thiết cho trẻ nhỏ 4 – 5 tháng, nên từ 1/4 trứng tăng dần lên đến cả 1 chiếc lòng đỏ. Khi ăn, rửa sạch cả quả trứng luộc 20 phút, sau khi chín bóc vỏ lấy lòng đỏ nghiền nhỏ thành bột cho ăn, khi cho ăn cho thêm nước vào hòa thành xúp bột, ăn riêng hoặc cho vào trong cháo bột ăn cùng đều được, khi đã quen nên cho ăn cả quả trứng, hoặc cho trứng vào trong bột, cháo ăn cùng, cũng có thể chế biến thành canh trứng hoặc trứng chưng. Ngoài trứng gà ra, gan gia cầm và thịt cá cũng đều có chứa nhiều sắt và protein chất lượng cao, lại khá dễ tiêu, nên cho ăn thêm cùng với thịt lợn, bò, gia cầm (thường là từ 5 - 6 tháng trở đi). Phương pháp là lấy gan gia cầm hoặc cá hấp chín, gỡ bỏ xương, nghiền nát, cho thêm một ít muối hoặc xì dầu ăn, hoặc cho vào cháo, bột ăn.
Tiết gà, vịt, lợn cũng là nguồn thức ăn tốt có chứa sắt và protein động vật, hấp chín xong thái nghiền nhỏ thành bột hòa vào cháo, bột cho ăn cùng. Ruốc thịt được chế biến từ thịt lợn, bò, cừu, gia cầm từ 7 - 8 tháng tuổi bắt đầu cho ăn thêm, cho vào bột ngũ cốc, cháo,... Thịt lợn ninh xong đem nghiền hoặc thái nhỏ thường dễ tiêu hóa hơn thịt thái nhỏ xào sống. Khi ăn lần đầu, mỗi ngày nửa thìa canh, sau tăng dần lên 1 - 2 thìa canh. Gan động vật là loại thức ăn chứa sắt phong phú nhất, nhưng gan lợn, gan bò có hạt khá to thô. Nên lấy gan lợn rửa sạch, dùng dao thái thành lát, dùng dao dàn mỏng, cho vào trong nước sôi luộc chín rồi dùng thìa ép nát cho lẫn vào trong cháo, bột ăn cùng.
Ngoài thức ăn động vật ra, đậu các loại cũng có chứa nhiều protein chất lượng cao và canxi, sắt, nhất là hàm lượng trong đậu tương rất cao, nên cố gắng dùng đậu và chế phẩm đậu làm thức ăn phụ trợ cho trẻ. Từ 4 - 5 tháng có thể cho ăn thêm sữa đậu nành, đậu phụ non.
Trộn bột đậu với bột gạo và bột mì lại càng phát huy tác dụng bổ sung protein, làm lăng thêm giá trị sinh học của protein ngũ cốc. Có thể làm loại thức ăn thay thế sữa rất tốt.
5. Rau có màu và trái cây
Chủ yếu cung cấp vitamin A, B, C, chất khoáng, canxi, photpho, sắt và chất xơ. Trẻ được 4 tháng nên từ nước rau, nước trái cây chuyển dần sang bột xúp nhỏ mịn. Lấy rau cải xanh, rau chân vịt, rau giền, cà rốt (bỏ lõi), khoai tây,... rửa sạch, xay nhỏ cho vào nước sôi luộc 3 - 5 phút vớt ra, dùng thìa đánh nát thành bột xúp nhỏ mịn. Đầu tiên ăn mỗi ngày 1/2 thìa cà phê, dần dần tăng lên mỗi ngày 1 – 2 thìa canh, ăn lẫn với bánh, cháo, bột, cũng có thể ăn riêng. Sau khi đã quen một loại rau, nên tăng dần thêm các chủng loại khác, hoặc dùng vài loại rau chế biến thành bột xúp rau hỗn hợp. Sau 6 – 7 tháng, nên dùng rau thái nhỏ. Trẻ nhỏ sau khi ăn, trong phân có xuất hiện bã lá rau sót lại là hiện tượng bình thường, nên tiếp tục cho ăn. Sau 4 - 5 tháng, nên từ nước quả chuyển sang bột quả. Lấy chuối tiêu bóc vỏ, dùng thìa nghiền nát, hoặc lấy táo cắt lát mỏng, dùng thìa dầm nát thành bột. Lần đầu cho ăn 1/2 thìa cà phê, rồi tăng dần lên cả quả các loại. Rau xanh và trái cây đều có thành phần dinh dưỡng riêng không thể thay thế được cho nhau, ăn hoa quả rồi còn phải ăn cả các loại rau nữa.
6. Dầu mỡ và đường chủ yếu dùng để bổ sung năng lượng
Nếu trong sữa bò cho tăng thêm 5 - 8% đường mía (sucroza), thì sẽ làm cho 100ml sữa bò tăng lên đến 84- 125kJ (20 - 30kcal). Khi trẻ nhỏ đã có thể ăn được các loại thức ăn, thì lượng đường trong sữa bò nên giảm cho vừa phải. Nếu cho ăn thêm dầu mỡ thì sẽ cung cấp được nhiều năng lượng hơn.
Thường sử dụng dầu thực vật là tương đối tốt, như dầu đậu tương, dầu vừng, dầu lạc,... do chứa tương đối nhiều axit béo không no, có chứa nhiều chất béo cần thiết vừa dễ tiêu lại vừa tăng thêm được hương vị của thức ăn.
Lượng dinh dưỡng trong mỡ lợn, mỡ bò, bơ sữa đều không bằng dầu thực vật. Với những trẻ mới chỉ ăn một lượng nhỏ, nên trộn dầu thực vật đã đun chín vào trong bột, cháo hoặc bột xúp rau, hoặc dùng dần để xào rau. Đầu tiên mỗi lần ăn 1g, sau khi quen nên tăng thêm mỗi ngày 5 - 10g.
Bột trẻ em
Chế biến bằng bột gạo tẻ và cho thêm đường, có thể thay cháo, là loại thức ăn phụ trợ cho trẻ sau 4 tháng. Bột gạo dinh dưỡng trẻ em bán trên thị trường phần nhiều đã có cường hóa các loại vitamin, như vitamin A, B1, B2, B12, C, D, E, niacin (B3) và các chất khoáng canxi, photpho, sắt, kẽm, đồng, magie,... để bột thích hợp với nhu cầu sinh lí của trẻ.
Cũng nên cho thêm ít sữa bột và quấy thành bột sữa, hoặc cho thêm các loại rau xanh, thịt, gan để quấy thành bột rau hoặc bột thịt, cháo rau thịt,…
Lượng ăn và số lần ăn nên bố trí dựa theo nguyên tắc cho ăn thêm thức ăn phụ trợ, hoặc theo quy định của các sách chỉ dẫn thực phẩm.
Bánh cho trẻ em
Loại bánh chế biến từ bột gạo hoặc bột mì cho thêm đường mía (cũng có thể không thêm đường), thường gọi là bánh sữa. Chủ yếu có chứa cacbohiđrat và một lượng nhỏ protein, có chứa lượng lipit rất thấp, nên không thể là loại thức ăn thay thế sữa để làm thức ăn chính cho trẻ.
Loại bánh cho trẻ em đã có cường hóa lysin, canxi, photpho, sắt cùng các loại vitamin A, B1, B2 và D, nên dinh dưỡng tương đối tốt, nhưng cũng không thích hợp dùng làm thức ăn chính cho trẻ.
Những đứa trẻ được nuôi chỉ bằng bánh cho trẻ em là chính trong thời gian dài, do thiếu protein chất lượng cao, nên sẽ béo bệu, không chắc, mặt xanh bủng, khả năng miễn dịch kém, dễ bị bệnh. Cho nên, bánh cho trẻ em chỉ có thể thay thế cháo hoặc bột, để làm thức ăn phụ trợ cho trẻ khi được 3 - 4 tháng.