NUÔI TRẺ ĐẺ NON, TRẺ NHẸ CÂN KHI SINH CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
Những đứa trẻ sinh ra khi người mẹ mang thai chưa đầy 37 tuần là trẻ đẻ non, cân nặng sinh ra thường thấp dưới 2500g, nên tiến hành nuôi dưỡng theo Nuôi trẻ nhẹ cân khi sinh. Trẻ đẻ non có cân nặng vượt quá 2500g thì khả năng bú mút, nuốt và chức năng tiêu hóa hấp thu của chúng phần lớn đã tương đối hoàn thiện, nên xử lí theo Nuôi trẻ sơ sinh đủ tháng nhưng vẫn phải theo dõi thật chặt chẽ, nếu thấy trẻ không thể thích ứng được thì xử lí theo Nuôi trẻ nhẹ cân khi sinh.
Nguyên nhân nhẹ cân thường do 2 tình huống sau. Một là trong thời kì mẹ mang thai chưa đầy 37 tuần (tuổi thai chưa đầy 37 tuần), do nhiều nguyên nhân mà đẻ non, cân nặng lúc sinh của trẻ đẻ non thường thấp dưới 2500g, hai là thai nhi chậm phát triển trong tử cung của người mẹ, tuy không bị đẻ non, nhưng cân nặng lúc sinh của chúng cũng sẽ thấp hơn trẻ sinh ra đủ tháng phát triển tốt. Trẻ loại này còn được gọi là trẻ nhỏ hơn tuổi thai (hoặc gọi là trẻ nhỏ thó), tức cho dù bị đẻ non hay được đủ tháng, thì cân nặng khi sinh cũng đều ở mức dưới trị số thứ 10% cân nặng của trẻ sơ sinh cùng tháng tuổi. Những trẻ này, nếu đủ tháng thì gọi là trẻ nhẹ cân đủ tháng. Trẻ đẻ non gọi là trẻ nhẹ cân thiếu tháng. Ở trẻ nhẹ cân khi sinh do kém phát triển trong thai hoặc đẻ non, các chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể đều ít hơn trẻ đủ tháng và trẻ sơ sinh phát triển tốt sau khi sinh chúng lại phát triển tương đối nhanh, nên nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng đều phải nhiều hơn trẻ sơ sinh bình thường.
1. Năng lượng
Lượng nhu cầu cho mỗi kilogam cân nặng mỗi ngày trong tuần đầu là 259 - 334kj (62 - 80kcal), ở tuần thứ 2 tăng đến 502 - 543kJ (120 - 130kcal), cao nhất cần đạt tới 627kJ (150kcal) thì mới có thể đảm bảo được tốc độ sinh trưởng của chúng giống như khi ở trong tử cung.
2. Nước
Lượng nhu cầu về nước cho mỗi kilogam cân nặng với trẻ đẻ non lên tới 150- 181ml, thậm chí cao tới 200ml, vượt quá cả trẻ đủ tháng (trẻ đủ tháng là 150ml).
3. Protein
Việc cung ứng về lượng và chất đều phải cao hơn so với trẻ đủ tháng. Những trẻ bú sữa mẹ mỗi kilogam cân nặng mỗi ngày cần khoảng 2,2 - 2,5g, trẻ bú sữa bò cần khoảng 3,5 - 4g, cho nên trẻ bú sữa mẹ đơn thuần sau tháng thứ hai, lượng sữa thường không đủ, phải bổ sung thêm.
Năng lượng được cung cấp từ protein đã hấp thu đạt tới 15% tổng năng lượng. Do trẻ nhẹ dần khi sinh chức năng chuyển hóa chưa hoàn thiện, nên ngoài 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể người ra, 4 loại axit amin khác nữa như histidin, tyrosine, cystein và glycine cũng cần được xếp vào loại axit amin cần thiết. Gần đây người ta còn cho rằng taurin cũng là axit amin cần thiết. Vì tự bản thân những đứa trẻ nhẹ cân khi sinh không thể tạo ra được những axit amin này, đòi hỏi phải lấy vào từ trong thức ăn. Lactoanbumin trong sữa mẹ sẽ thỏa mãn được nhu cầu về mặt này, lại dễ tiêu hóa hấp thu.
4. Lipit
Do việc tích đọng lipit dưới da trong thời kì thai nhi phần nhiều phát sinh ở 6 tuần cuối của thời kì mang thai, trẻ sơ sinh cân nặng càng thấp, càng bị đẻ non thì lượng tồn trữ lipit trong cơ thể càng ít. Trẻ đẻ non có cân nặng 1000g, lượng lipit chỉ chiếm 1% trọng lượng cơ thể, còn trẻ đủ tháng nặng 3500g, lượng lipit sẽ lên tới 16%, cho nên lượng nhu cầu về lipit ở trẻ nhẹ cân cũng tương đối lớn, mỗi kilogam cân nặng mỗi ngày cần khoảng 4 - 6g, mức năng lượng cung cấp phải chiếm 30 - 35% tổng năng lượng. Axit béo không no, nhất là loại axit béo mạch vừa lại càng dễ tiêu hóa hấp thu hơn so với axit béo no và axit béo mạch dài cho trẻ nhẹ cân khi sinh, vì thế nuôi bằng sữa mẹ là tương đối thích hợp.
5. Cacbohiđrat
Lượng dự trữ glicogen trong cơ thể trẻ nhẹ cân khi sinh tương đối ít. Sau khi sinh ra, do nạp vào cũng ít, nên glicogen trong cơ thể nhanh chóng bị phân giải để cung cấp nhu cầu năng lượng duy trì sự sống, nếu không kịp thời bổ sung qua nuôi dưỡng thì rất dễ phát sinh đường huyết thấp, dẫn đến tổn hại tế bào não. Lactoza trong sữa mẹ là thích hợp nhất để cung ứng cho nhu cầu về mặt này, cho nên ngay sau khi sinh, phải cho trẻ bú ngay. Những đứa trẻ không thể bú mút được phải dùng ống nhỏ cho ăn hoặc nuôi bằng ống truyền vào dạ dày. Lượng nhu cầu về cacbohiđrat cho mỗi kilogam trọng lượng cần mỗi ngày là 11 - 16g, lượng cung cấp chiếm 35 - 60% tổng năng lượng.
6. Vitamin
Sự tồn trữ vitamin trong cơ thể trẻ đẻ non và trẻ nhẹ cân khi sinh đã khá ít, nên lượng nhu cầu mỗi ngày cần cao hơn so với trẻ đủ tháng. Vitamin A là 150g đương lượng retinol, vitamin C là 75mg. Sữa mẹ có thể thỏa mãn được nhu cầu về cơ bản, còn những trẻ được nuôi bằng sữa bò thì buộc phải bổ sung ngoài ngạch. Vitamin D cũng cần bổ sung sớm hơn trẻ đủ tháng bình thưởng, từ 1 – 2 tuần trở đi mỗi ngày nên cho uống 15 - 30mg vitamin D dạng viên. Lượng dự trữ vitamin E trong cơ thể trẻ đủ tháng tương đối thấp, ở trẻ đẻ non lại càng thấp hơn, hơn nữa sự hấp thu trong đường ruột lại kém, cho nên sau khi sinh mỗi ngày cần bổ sung 25 - 30 đơn vị quốc tế duy trì trong 8 - 10 tuần, nếu không sẽ dễ gây ra chứng thiếu máu tan máu. Trẻ nhẹ cân khi sinh thường vì thiếu vitamin K mà dẫn đến xu hướng xuất huyết, sau khi sinh mỗi ngày cần bổ sung 0,5 - 1mg từ 1 - 3 ngày, đồng thời cho ăn ngay để tạo lập được đám khuẩn bình thường trong đường ruột, để chúng tự chế ra vitamin K.
7. Chất khoáng
Trẻ nhẹ cân khi sinh do chức năng thận chưa hoàn thiện, thận thải natri nhiều mà hấp thu kém, nên dễ phát sinh chứng natri huyết thấp, cho nên lượng nhu cầu về natri cao hơn so với trẻ bình thường, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần 3 - 4 mmol, lượng nhu cầu về clo là 2 mmol, kali là 2 - 3 mmol, canxi là 150 - 200mg, tỉ lệ canxi photpho 2:1 là vừa. Trẻ nhẹ cân khi sinh dễ phát sinh chứng canxi - huyết thấp. Khi sinh ra, lượng sắt dự trữ trong cơ thể ít hơn so với trẻ bình thường, cho nên từ 2 - 3 tháng trở đi cần bổ sung thêm viên sắt ngoài sữa, mỗi kilogam cân nặng mỗi ngày là 2mg, nhưng không nên bổ sung sắt trong 1 - 2 tháng đầu tiên, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu và hoạt tính của vitamin E, khi cần thiết nên bổ sung sắt đồng thời với cung cấp vitamin E.
Chức năng bú và nuốt của trẻ nhẹ cân khi sinh chưa hoàn thiện, dễ bị ợ sữa và trớ, cho nên khi bắt đầu cho bú phải hết sức cẩn thận. Những trẻ khả năng bú kém nên áp dụng cách cho bú bằng ống nhỏ hoặc bằng ống truyền vào dạ dày. Trước tiên, sau khi sinh 12 tiếng dùng nước ấm thử cho ăn, nếu không thấy bị nôn, thì đổi thành nước glucoza 5 - 10% hoặc nước đường, rồi sau đó mới cho ăn sữa mẹ đã vắt ra. Để thỏa mãn được nhu cầu về năng lượng và nước, nên bổ sung bằng đường tĩnh mạch dung dịch glucoza 10%, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng 60 - 80ml. Những trẻ sinh ra cân tương đối nặng nên trực tiếp bú sữa mẹ. Sữa non của người mẹ đẻ non có chứa protein tương đối cao, đạt tới 2,42 - 2,94g protein/ 418,4kJ (100kcal), giúp cho trẻ phát triển được nhanh, vì thế cần cố gắng cho trẻ bú sữa non của mẹ. Những trẻ nuôi bộ nên dùng loại sữa được phối chế cho trẻ đẻ non, có đặc điểm hàm chứa năng lượng cao, cứ 100ml có thể cung cấp 280kJ (67kcal), trong lipit thì triglixerit (triglyceride) mạch vừa là chính, trong cacbohiđrat thì các hợp chất lactoza, sucroza hoặc glucoza là chính, dễ được trẻ đẻ non tiêu hóa hấp thu. Lượng sữa được tính theo nhu cầu năng lượng, cứ mỗi 418,4kJ (100kcal) đòi hỏi phải cung cấp 120 - 140ml sữa. Ngày thứ hai sau khi sinh mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần 40ml, ngày thứ ba 80ml, ngày thứ tư 120ml, đến ngày thứ năm khoảng 150ml, sau đó mỗi ngày tăng thêm 10ml/1kg cân nặng/ngày. Trong vòng 10 ngày tối đa mỗi ngày không quá 200ml, thường tổng lượng một ngày không được vượt quá 1/5 trọng lượng cơ thể. Trẻ nhẹ cân khi sinh có sự khác nhau rất lớn, cần tùy theo tình trạng của từng trẻ mà điều tiết cho hợp lí.
Trẻ bú mẹ nên cho bú theo nhu cầu, không hạn chế số lần. Trẻ nuôi bộ thường 2 tiếng một lần, cân nặng càng nhỏ thì số lần bú càng nhiều.