Tài liệu: Hoa Kỳ - Các loại hình Nghệ thuật

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sự phát triển của nghệ thuật ở Mỹ - bao gồm âm nhạc, múa, kiến trúc, nghệ thuật thị giác và văn chương - đã được đánh dấu bởi sự níu kéo của hai nguồn cảm hứng: sự tinh tế của
Hoa Kỳ - Các loại hình Nghệ thuật

Nội dung

Các loại hình Nghệ thuật

Sự phát triển của nghệ thuật ở Mỹ - bao gồm âm nhạc, múa, kiến trúc, nghệ thuật thị giác và văn chương - đã được đánh dấu bởi sự níu kéo của hai nguồn cảm hứng: sự tinh tế của châu Âu và sự độc đáo nội địa. Thường thì những nghệ sĩ giỏi nhất của Mỹ đã tận dụng được cả hai nguồn này. Phần này xin giới thiệu một số những khuôn mặt nổi trội nhất trong nghệ thuật của Mỹ, một số trong đó đã vật lộn trong cuộc xung đột giữa Cựu Thế giới và Tân Thế giới trong các tác phẩm của họ.

 

Âm nhạc

Mãi cho đến thế kỷ thứ 20, loại âm nhạc “nghiêm túc” của Mỹ vẫn được định hình bởi những tiêu chuẩn và cách diễn đạt của châu Âu. Một ngoại lệ nổi bật là âm nhạc của Louis Moreau Gottschalk (1829-1869). Gottschalk đã làm sinh động cho những bản nhạc của mình bằng những giai điệu Ca-ri-bê và những tiết tấu mà ông đã nghe được ở quê hương New Orleans của mình. Ông là nghệ sĩ đàn piano đầu tiên của Mỹ được sự công nhận của thế giới, nhưng cái chết quá sớm của ông đã làm cho ông tương đối lu mờ.

Một dòng âm nhạc cổ điển Mỹ đã hình thành khi các nhà soạn nhạc như George Gershwin và Aaron Copland kết hợp các giai điệu và tiết tấu của nội địa thành những dạng thức vay mượn của châu Âu. Tác phẩm “Rhapsody in Blue” của Gershwin và bản opera “Porgy and Bess” của ông chịu ảnh hưởng của nhạc jazz và những bài hát dân gian của người da đen.

Một khuôn mặt nguyên thủy khác của âm nhạc Mỹ là Charles Ives, người đã phối hợp những yếu tố của âm nhạc cổ điển với những điệu nhạc thô chói tai. Ives được coi như một nhà cải cách, đã tiên đoán trước sự phát triển của âm nhạc trong thế kỷ thứ 20.

Một số người điều khiển dàn nhạc đã tìm ra cách làm vui thính giả khi biểu diễn âm nhạc mới trước công chúng: thay vì tách riêng những bản nhạc mới, họ đã cho biểu diễn chúng song song với những bản nhạc truyền thống. Trong khi đó opera, cả dạng cũ và dạng mới, đều hưng thịnh. Bởi vì việc tổ chức rất tốn kém, nhạc opera thường lệ thuộc vào sự tài trí của những cá nhân hay các công ty.

Múa

Có liên quan chặt chẽ với sự phát triển của âm nhạc của Mỹ vào đầu thế kỷ 20 là sự nổi lên của một dạng nghệ thuật mới - múa hiện đại. Trong số những nhà cải cách đầu tiên có Isadora Duncan, người đã nhấn mạnh những động tác nguyên thủy, không có kết cấu để thay thế cho những điệu ba lê cổ điển.

Tuy nhiên, dòng phát triển chính là ở vũ đoàn của Ruth St. Denis và chồng của bà là Ted Shawn. Học trò của bà là Martha Graham, với vũ đoàn nổi tiếng nhất về múa hiện đại, đã tìm cách diễn đạt những ước muốn nội tâm qua các vũ khúc. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Graham được soạn chung với những nhà soạn nhạc hàng đầu của Mỹ, chẳng hạn như tác phẩm “Appalachian Spring” soạn chung với Copland.

Những biên đạo múa về sau này đã tìm những phương pháp diễn đạt mới. Merce Cunningham đã đưa ra lối múa với những động tác ứng biến và ngẫu nhiên. Alvin Ailey đã k kết hợp những yếu tố trong múa của châu Phi và âm nhạc của người da đen vào các tác phẩm của ông. Gần đây những biên đạo như Mark Morris và Liz Lerman đã thách thức những qui ước cho rằng vũ công phải gầy và trẻ. Niềm tin của họ, được thể hiện qua việc thuê các vũ công, là những động tác múa dễ thương và gây cảm xúc không hề bị hạn chế bởi tuổi tác hay thân hình.

Vào đầu thế kỷ 20 khán giả Mỹ thường được xem những buổi biểu điển lưu động của các vũ đoàn ba lê cổ điển của châu Âu. Đoàn vũ ba lê đầu tiên của Mỹ được thành lập vào thập kỷ 1930. Kirstein đã mời biên đạo múa của Nga là George Balanchine đến Mỹ vào năm 1933, và hai người đã hình thành trường phái lúa ba lê của Mỹ, sau đó trở thành đoàn múa ba lê New York vào năm 1948.

Điều nghịch lý là những đạo diễn sinh ra tại địa phương như Pleasant thì đưa những yếu tố cổ điển của Nga vào những tiết mục của họ, trong khi đó Balanchine lại tuyên bố rằng vũ đoàn Mỹ của ông đã được công nhận nhờ những tác phẩm mới dựa trên cách diễn đạt cổ điển, chứ không phải là những tiết mục chuẩn mực của thời trước. Kể từ đó, múa ba lê của Mỹ là một sự pha trộn giữa sự phục hưng những điệu cổ điển và những tác phẩm nguyên thủy, được biên đạo bởi những tài năng trước kia là vũ công như Jerome Robbins, Robert Joffrey, Eliot Feld, Arthur Mitchell và Mikhail Bary Shnikov.

Kiến trúc

Sự đóng góp của Mỹ vào nghệ thuật kiến trúc là những tòa nhà chọc trời, với những đường nét chắc chắn và lao vút lên, đã trở thành biểu tượng của lực lượng tư bản. Với những kỹ thuật xây dựng mới và sự phát minh ra thang máy, tòa nhà chọc trời đầu tiên đã mọc lên ở Chicago vào năm 1884.

Nhiều ngọn tháp thanh nhã nhất đã được thiết kế bởi Louis Sullivan, kiến trúc sư hiện đại tài năng nhất đầu tiên của Mỹ. Học trò giỏi nhất của ông là Frank Lloyd Wright, đã để nhiều thời gian trong sự nghiệp của mình để thiết kế những tòa nhà tư nhân. Tuy nhiên một trong những công trình nổi tiếng nhất của ông lại là một tòa nhà của nhà nước: bảo tàng Guggenheim ở thành phố New York.

Những kiến trúc sư nhập cư vào Mỹ từ trước Thế chiến thứ II đã lập nên một phong trào nổi trội trong kiến trúc, gọi là Phong cách Quốc tế. Những người có uy tín nhất có lẽ là Ludwig Mies van der Rohe và Waltger Glopius. Dựa vào những đường nét hình học, những tòa nhà do họ xây dựng vừa được khen ngợi là những công trình cho đời sống đoàn thể của Mỹ lại vừa bị tẩy chay vì chúng là những hộp kính. Để phản ứng lại, kiến trúc sư trẻ của Mỹ là Michael Graves đã phản đối hình dạng chân phương, hình hộp đó và nghiêng về lối kiến trúc với những đường nét gây ấn tượng và sự trang hoàng đậm nét, gợi lại phong cách lịch sử của ngành kiến trúc.

Nghệ thuật Thị giác

Trường phái hội họa nổi tiếng đầu tiên của Mỹ là trường phái Sông Hudson, xuất hiện năm 1820. Cũng như với âm nhạc và văn chương, sự phát triển này bị trì hoãn cho đến khi các nghệ sĩ nhận ra rằng Tân Thế giới có những đề tài độc đáo của riêng nó. Trong trường hợp này việc mở rộng định cư sang phía Tây đã mang đến vẻ đẹp tuyệt vời của phong cảnh vùng biên giới cho các họa sĩ.

Sự bộc trực và đơn giản của những họa sĩ của trường phái Sông Hudson sau đã ảnh hưởng đến những hoạ sĩ như Winslow Homer, người đã mô tả núi, biển, và những con người sống trong đó. Giai cấp trung lưu ở thành thị thì tìm thấy họa sĩ của mình ở Thomas Eakins, một người theo thuyết duy thực mà sự trung thực mạnh mẽ của ông đã tấn công vào sở thích cầu kỳ về sự đa cảm lãng mạn.

Trong những năm sau Thế chiến thư II, một nhóm những họa sĩ trẻ ở New York đã hình thành phong trào đầu tiên của Mỹ ứng dụng ảnh hưởng của những họa sĩ nước ngoài: chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Trong số những người lãnh đạo phong trào có Jackson Pollock, Willem de Kooning, và Mark Rothko.

Thế hệ họa sĩ tiếp theo lại thích một dạng trừu tượng khác: những tác phẩm thuộc dạng đa truyền thông hỗn hợp. Trong số những người này có Robert Rauschenberg và Jasper Johns. Họ đã sử dụng ảnh chụp, ảnh in và các vật phế thải trong các tác phẩm của họ. Những họa sĩ dân gian hiện đại như Andy Warhol, Larry Rivers, và Roy Lichtenstein đã tái tạo lại những vật thể và hình ảnh hàng ngày trong nền văn hóa quần chúng của Mỹ với nét trào phúng - những chai Coca-Cola, những hộp súp, những tranh truyện hài hước.

Ngày nay các họa sĩ Mỹ có khuynh hướng không hạn chế họ trong bất kỳ trường phái, phong cách hay một phương tiện thể hiện duy nhất nào cả. Một tác phẩm nghệ thuật có thể là một sự biểu diễn trên sân khấu hay một bản tuyên ngôn được viết tay; nó có thể là một mô hình đồ sộ được đặt ở sa mạc miền Tây hay một sự sắp xếp các tấm cẩm thạch khắc tên các binh sĩ đã hy sinh. Có lẽ sự đóng góp có ảnh hưởng nhất của Mỹ đối với nghệ thuật thế giới là sự khôi hài chế giễu, một chiều hướng mà mục đích trung tâm của một tác phẩm mới là tham gia vào cuộc tranh luận về định nghĩa của bản thân nghệ thuật.

Văn chương

Những tác phẩm của Mỹ thời xa xưa là có tính dẫn xuất: những dạng thức và phong cách của châu Âu được chuyển đến những bối cảnh mới. Những hạn như cuốn “Wieland” và những tiểu thuyết khác của Charles Brockden Brown là sự mô phỏng những tác phẩm Gô tích lúc đó đang được viết tại Anh. Ngay cả những truyện hay của Washington Irving, nổi bật nhất là cuốn “Ria Van Winkle” và “The Legend of Sleepy Hollow”, đều mang nặng màu sắc châu Âu mặc dù bối cảnh của truyện là ở Tân Thế giới.

Có lẽ nhà văn đầu tiên của Mỹ đã viết những truyện hư cấu và những bài thơ một cách táo bạo là Edgar Allan Poe. Năm 1835 Poe bắt đầu viết những truyện ngắn - trong đó có “The Masque of Red Death”, “The Pit and the Pendulum”, “The Fall of the House of Usher”, và “The Murders in the Rua Morgue” - khám phá những cấp độ tâm lý con người mà trước đó còn ẩn khuất và đồng thời đẩy ranh giới của truyện hư cấu đến sự thần bí và tưởng tượng phóng túng.

Trong khi đó, năm 1837, nhà văn trẻ Nathaniel Hawthorne đã cho ra đời tập truyện “Twice-Told Tales”, phong phú về chủ nghĩa tượng trưng và những sự kiện huyền bí. Tác phẩm bậc thầy của ông, “The Scarlet Letter”, là câu chuyện khắc nghiệt về một người đàn bà bị đẩy ra khỏi cộng đồng của mình về tội ngoại tình. Những truyện hư cấu của Hawthorne đã có tác động sâu sắc đến bạn ông là Herman Melville, người làm nên tên tuổi cho mình qua việc chuyển những chất liệu thực tế của những ngày đi biển vào những cuốn tiểu thuyết. Trong cuốn “Moby Dick”, cuộc đi săn cá voi đã trở thành phương tiện để khảo sát về những chủ đề như nỗi ám ảnh, bản chất của tội ác, và cuộc chiến đấu của con người với môi trường. Trong một tác phẩm hay khác, cuốn tiểu thuyết ngắn “Billy Budd”, Melville đã kịch hóa sự xung đột giữa bổn phận và lòng trắc ẩn trên một chiếc tàu trong thời chiến.

Mark Twain (bút hiệu của Samuel Clemens) đã có những tác phẩm nổi tiếng, “Life on the Mississippi” và “Adventures of Huckleberry Finn”. Phong cách của ông - chịu ảnh hưởng của nhà báo, mang tính bản xứ, thẳng thắn và không tô điểm nhưng cũng rất gợi trí tưởng tượng và hài hước cao độ - đã làm thay đổi cách người Mỹ dùng ngôn ngữ của họ. Những nhân vật của ông nói năng như người thật và thể hiện rõ nét đặc trưng của Mỹ, sử dụng những tiếng lóng địa phương và những từ mới sáng chế.

Hai nhà thơ lớn nhất của Mỹ vào thế kỷ thứ 19 là Walt Whitman và Emily Dickinson. Walt Whitman là một công nhân, một nhà du hành và là một y tá tự nguyện trong cuộc Nội chiến Mỹ, và là một nhà cải cách về thơ. Ông đã sử dụng những dòng thơ tuôn chảy tự nhiên với độ dài không theo một qui tắc nào cả. Trái lại, Emily Dickinson là một người đàn bà quí phái không lấy chồng, sống trong thị trấn nhỏ Massachusetts. Với cấu trúc theo qui cách, thơ của bà rất khéo léo, hóm hỉnh, được viết một cách trau chuốt và có sức thu hút về tâm lý.

Nhà thơ Ezra Pound sinh ra ở Idaho nhưng lại trải qua phần lớn cuộc đời mình ở châu Âu. Những tác phẩm của ông rất phức tạp, đôi khi tối nghĩa. Ảnh hưởng của ông lại tác động đến nhiều nhà thơ khác, nổi trội nhất là T.S. Eliot. Thơ của ông có rất nhiều những biểu tượng. Giống như Pound, thơ của Eliot có tính tượng trưng cao độ, và trong những bản in của tập “The Waste Land” có những chú thích của chính tác giả. Eliot đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1948.

Những nhà văn Mỹ cũng diễn tả sự vỡ mộng sau chiến tranh. Những truyện ngắn và tiểu thuyết của F. Scott Fitzgerald mang nét bồn chồn, sự đới khát khoái lạc và sự hồ nghi của những năm 1920. Chủ đề chính của Fitzgerald, được diễn đạt một cách cay đắng trong cuốn “The Great Gatsby”, nói về sự tan biến giấc mộng vàng của thanh niên trong thất bại và thất vọng.

Ernest Hemingway đã chứng kiến sự tàn bạo và chết chóc khi ông làm tài xế xe cấp cứu trong Thế chiến thứ I, và sự chém giết vô nghĩa đã thuyết phục ông rằng ngôn ngữ trừu tượng hầu như trống rỗng và làm cho người ta mê muội. Ông đã cắt bỏ tất cả những từ không cần thiết trong các tác phẩm của mình, đơn giản hóa cấu trúc câu, và tập trung vào các sự việc và hành động cụ thể. Những tác phẩm như “The Sun Also Rises” và “A Farewell to Arms” được coi như những tiểu thuyết hay nhất của ông. Hemingway đã nhận giải Nobel văn chương năm 1954.

Ngoài tiểu thuyết, thập kỷ 1920 còn phong phú về kịch nghệ. Nhưng nước Mỹ chưa có một nhà soạn kịch xuất sắc cho đến khi Eugene O'Neill bắt đầu viết kịch. Đoạt giải Nobel văn chương năm 1936, O'Neill đã vận dụng cả thần thoại cổ điển, Kinh Thánh và khoa học tâm lý để khám phá cuộc sống nội tâm. Một kịch tác gia nổi bật khác là Tennessee Williams, với chủ đề thường gặp là một người đàn bà nhạy cảm bị vướng vào vòng vũ phu. Nhiều vở kịch của ông đã được quay thành phim, chẳng hạn như “A Streetcar Named Desire” và “Cat on a Hot Tin Roof”.

Năm năm trước Hemingway, một tiểu thuyết gia khác của Mỹ đã đoạt giải Nobel văn chương: William Faulkner. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông có “The Sound and the Fury”, “Go Down”, “Moses”, và “The Unvanquished”. Faulkner một trong số những khuôn mặt trong phong trào phục hưng văn học của miền Nam, trong đó có Truman Capote và Flannery O'Connor. Tác phẩm bậc thầy của Capote là “In Cold Blood”. Còn Flannery O'Connor được biết đến nhiều nhất qua những truyện ngắn mang tính bi hài kịch của bà.

Thập kỷ 1920 cũng chứng kiến sự nổi lên của những nghệ sĩ người da đen ở khu vực Harlem kế thành phố New York. Giai đoạn được gọi là Thời kỳ Phục hưng Harlem đã cho ra đời những nhà thơ như Langston Hughes, Countee Cullen và Claude McKay. Tiểu thuyết gia Zora Neale Hurston đã kết hợp tài kể chuyện với sự nghiên cứu về nhân loại học để viết những câu chuyện về truyền thống của người Mỹ gốc Phi châu. Qua những cuốn tiểu thuyết như “Their Eyes Were Watching God” - nói về cuộc đời và hôn nhân của một người đàn bà da trắng gốc Phi châu - Hurston đã có ảnh hưởng tới những thế hệ nữ văn sĩ da đen về sau.

Sự nổi lên của những tiểu thuyết do những tác giả dân tộc ít người viết ra gần đây đã gây một ấn tượng mạnh. Nhà văn Mỹ bản xứ Leslie Marmon Silko đã sử dụng văn nói và những câu chuyện truyền thống trong những khổ thơ trữ tình của mình, chẳng hạn như “In Cold Storm Light”. Edmund White đã thể hiện sự đau khổ và hài hước của tình trạng tình dục đồng giới ngày càng gia tăng ở Mỹ. Toni Morrison tác giả của cuốn “Beloved” là một nữ văn sĩ da đen đã đoạt giải thưởng Nobel văn chương năm 1993, là nhà văn nữ thứ hai của Mỹ có được vinh dự này.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2256-02-633495571287812500/Van-hoa---Xa-hoi/Cac-loai-hinh-Nghe-thuat...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận