Nền Kinh tế sau chiến tranh: 1945-1960
Nhiều người Mỹ đã lo ngại rằng việc chấm dứt Thế chiến thứ II và sự cắt giảm về chỉ tiêu quân sự sẽ đưa nền kinh tế trở lại thời kỳ khó khăn của giai đoạn Đại Suy thoái nhưng ngược lại, nhu cầu gia tăng của nhân dân đã kích thích sự tăng trưởng của kinh tế trong thời kỳ hậu chiến. Ngành công nghiệp ô tô đã cải biến thành công để trở lại sản xuất ô tô, và những ngành công nghiệp mới như hàng không và điện tử đã tăng trưởng vượt bậc. Một cuộc bùng nổ về nhà ở, một phần được kích thích bởi việc thế chấp dễ dàng của những binh sĩ trở về từ quân đội, đã góp phần thêm cho sự mở rộng kinh tế. Tổng sản lượng quốc dân đã tăng từ 200.000 triệu USD năm 1940 lên 300.000 triệu USD năm 1950 và đến hơn 500.000 triệu USD vào năm 1960. Cùng lúc đó, sự tăng vọt về sinh sản sau chiến tranh, được gọi là cuộc “bùng nổ trẻ em”, đã làm tăng thêm số lượng người tiêu dùng. Càng ngày càng có nhiều người Mỹ tiến lên giai cấp trung lưu.
Nhu cầu về các nhu yếu phẩm chiến tranh đã làm phát triển các quần thể quân sự-công nghiệp. Nền công nghiệp này không bị biến mất sau chiến tranh. Khi Bức Màn sắt hạ xuống đối với châu Âu và Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô, chính quyền đã duy trì khả năng chiến đấu và đầu tư vào các loại vũ khí tinh vi như bom hydro. Viện trợ kinh tế đã đổ vào các nước châu Âu bị chiến tranh tàn phá theo Kế hoạch Marshall, đã lại giúp cho Mỹ duy trì một thị trường của nhiều loại hàng hóa. Và chính quyền cũng nhận thức được vai trò trung tâm của mình trong các hoạt động kinh tế. Đạo luật Tuyển dụng năm 1946 đã nói lên chính sách của chính quyền là “xúc tiến tối đa việc tuyển dụng, sản xuất và sức mua của nhân dân”.
Hoa Kỳ cũng nhận thức được nhu cầu trong thời kỳ hậu chiến là tái cấu trúc lại quan hệ tiền tệ quốc tế, dẫn đầu cho việc thành lập Quỹ Tiền tệ Thế giới và Ngân hàng Thế giới - những cơ quan được hình thành nhằm đảm bảo một nền kinh tế thế giới mở và theo dạng tư bản.
Trong khi đó việc kinh doanh bước vào một giai đoạn hợp nhất. Các cơ sở được sát nhập với nhau để hình thành những khối kinh doanh khổng lồ và đa dạng. Chẳng hạn như Công ty Điện thoại và Điện báo Quốc tế đã mua hệ thống khách sạn Sheraton, ngân hàng Continental, công ty bảo hiểm hỏa hoạn Hartford, công ty Avis Rent-a-Car, và những công ty khác.
Lực lượng lao động của Mỹ cũng thay đổi đáng kể. Trong thập kỷ 1950, số lượng công nhân trong các ngành dịch vụ đã gia tăng cho đến khi con số này bằng với và sau đã vượt qua số công nhân sản xuất hàng hóa. Và đến năm 1956, một số lớn công nhân của Mỹ đã làm công việc văn phòng thay vì công việc chân tay. Cùng lúc đó, các công hội đã ký được những hợp đồng tuyển dụng lâu dài cùng với nhiều lợi ích khác cho các thành viên của mình.
Nhưng mặt khác, các nông dân lại phải đối phó với một thời kỳ khó khăn. Việc đạt được năng suất cao đã dẫn tới số thặng dư sản phẩm nông nghiệp khi các nông trại biến thành những cơ sở lớn. Những nông trại nhỏ dạng gia đình ngày càng thấy khó khăn hơn trong việc cạnh tranh, và ngày càng nhiều nông dân bỏ ruộng đất. Kết quả là số lượng người tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, vào năm 1947 đứng ở con số 7,9 triệu người, nay tiếp tục suy giảm; và đến năm 1998 trong các nông trại của Mỹ chỉ còn 3,4 triệu người.
Những người Mỹ khác cũng phải di chuyển. Nhu cầu nhà ở cho từng hộ gia đình riêng rẽ và việc sở hữu ô tô đại trà đã dẫn tới tình trạng người dân Mỹ phải dời từ những thành phố trung tâm đến các vùng ngoại ô. Cùng với những phát minh về công nghệ như máy lạnh, những người di chuyển chỗ ở đã thúc đẩy cho việc phát triển các thành phố ngoại vi như Houston, Atlanta. Miami, và Phoenix ở các bang phía Nam và phía Tây Nam. Khi các xa lộ do chính quyền liên bang tài trợ cung ứng cho việc di chuyển tốt hơn đến các vùng ngoại ô, mô hình kinh doanh cũng bắt đầu thay đổi. Các trung tâm thương mại được nhân lên, từ 8 trung tâm của thời kỳ chấm dứt Thế chiến thứ II lên đến 3.840 trung tâm vào năm 1960. Nhiều ngành công nghiệp cũng theo bước, đã di chuyển từ những thành phố đến những địa điểm ít dân cư hơn.
NHỮNG NĂM THAY ĐỔI: THẬP NIÊN 1960 VÀ 1970
Thập kỷ 1950 ở Mỹ được mô tả như thời kỳ của sự tự mãn. Trái lại, những thập kỷ 1960 và 1970 giai đoạn của những thay đổi lớn. Trên thế giới có nhiều quốc gia mới đã nổi lên, những phong trào nổi dậy tìm cách lật đổ các chính quyền hiện hữu, những quốc gia mới được thành lập đã lớn mạnh để trở thành đối thủ của Hoa Kỳ, và các mối quan hệ về kinh tế trở nên ưu thế trong một thế giới mà quân sự đã không còn là phương tiện duy nhất của sự tăng trưởng và mở rộng.
Tổng thống John F. Kennedy (1961-1963) đã mở ra một biện pháp hoạt động xã hội nhiều hơn trong việc cai trị. Trong chiến dịch của mình vào thập kỷ 1960, Kennedy đã tìm cách xúc tiến sự tăng trưởng về kinh tế bằng cách gia tăng mức tiêu dùng của chính quyền và giảm thuế. Ông cũng thúc đẩy việc trợ giúp y tế cho người già, trợ cấp cho các thành phố nội địa, và gia tăng các quỹ cho giáo dục. Nhiều đề xuất trong số này không được thực hiện, mặc dù kế hoạch đưa người Mỹ ra nước ngoài để giúp các nước đang phát triển đã được hiện thực hóa bằng việc thành lập Quân đoàn Hòa bình. Kennedy cũng thúc đẩy việc thám hiểm vũ trụ của Mỹ. Sau khi ông mất, người Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969.
Việc Kennedy bị ám sát năm 1963 đã thúc đẩy quốc hội thực hiện nhiều chương trình về pháp lý của ông. Người kế vị ông là Lyndon Baines Johnson (1963-1969) tìm cách xây dựng một “Xã hội Vĩ đại” bằng cách phân phối những lợi ích của một nền kinh tế thành công của Mỹ đến cho nhiều công dân hơn. Việc chi tiêu của liên bang đã gia tăng đột ngột, vì chính quyền đã thực hiện những chương trình mới như Chương trình Chăm sóc Người già, Chương trình Hỗ trợ Thực phẩm cho Người nghèo, và rất nhiều hoạt động khác về giáo dục.
Lệnh cấm vận dầu mỏ trong các năm 1973-1974 của các thành viên trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đẩy giá dầu lên cao và gây ra nạn thiếu hụt. Ngay cả khi lệnh cấm vận đã được bãi bỏ, giá nhiên liệu vẫn còn cao, góp phần thêm vào sự lạm phát và cuối cùng đã làm gia tăng mức thất nghiệp tại Mỹ. Mức thâm hụt ngân sách của liên bang gia tăng, cạnh tranh nước ngoài càng gay gắt hơn và thị trường chứng khoán bị sụt giá.
Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài mãi đến năm 1975, tổng thống Richard Nixon (1969-1973) phải từ chức trước những lời buộc tội ông, và một nhóm người Mỹ đã bị bắt làm con tin tại tòa đại sứ của Mỹ ở Teheran. Nước Mỹ không thể kiểm soát được các sự kiện đó, kể cả các hoạt động về kinh tế. Sự thâm hụt trong mậu dịch tăng vọt khi việc nhập khẩu mọi thứ, từ ô tô đến sắt thép và chất bán dẫn đã tràn ngập nước Mỹ.
Thuật ngữ “tình trạng lạm phát đình đốn” - một tình trạng kinh tế trong đó có cả lạm phát liên tục và sự đình đốn của các hoạt động kinh doanh, cùng với việc gia tăng mức độ thất nghiệp - đã mô tả cho tình trạng bất ổn về kinh tế của Mỹ. Sự lạm phát có vẻ như tự nó nhân lên. Người ta bắt đầu muốn sự tăng giá các loại hàng hóa, nên đã mua nhiều hơn. Điều này làm giá cả tăng lên, dẫn đến nhu cầu tăng lương, và điều này đến lượt nó lại đẩy giá hàng hóa tăng lên nữa. Các hợp đồng lao động luôn luôn có điều khoản về giá sinh hoạt, và chính phủ cũng bắt đầu hạn chế một số chi tiêu, chẳng hạn như chi phí cho quỹ phúc lợi xã hội. Trong khi những điều này giúp cho các công nhân và những người về hưu đối phó với nạn lạm phát, nó lại kéo dài lạm phát. Nhu cầu của chính phủ về tiền quỹ ngày càng gia tăng đã làm tăng phần thâm hụt ngân sách và dẫn tới việc vay mượn nhiều hơn, điều này đã đẩy mức lãi suất lên và làm tăng các chi phí kinh doanh và tiêu dùng nhiều hơn nữa. Với chi phí cho năng lượng và mức lãi suất cao, việc đầu tư cho kinh doanh bị sa sút, và nạn thất nghiệp gia tăng đến mức bất ổn.
Trong sự tuyệt vọng, tổng thống Jimmy Carter (1977- 1981) cố gắng chiến đấu với sự suy yếu kinh tế và nạn thất nghiệp bằng cách gia tăng mức chi tiêu của chính phủ, và ông cũng đặt ra mức lương tự nguyện và chính sách về giá để kiểm soát lạm phát. Cả hai điều này đều không thành công. Có lẽ là một cuộc tấn công thành công hơn nhưng không gây ấn tượng sâu sắc là việc “bãi bỏ qui định” đối với một số ngành công nghiệp, trong đó có ngành hàng không, vận tải và đường sắt. Những ngành này đã bị qui định quá chặt chẽ, với sự kiểm soát của chính quyền đối với các tuyến đường và giá cước vận chuyển. Sự hỗ trợ cho việc bãi bỏ qui định được tiếp tục sau chính quyền Carter. Trong thập kỷ 1980 chính quyền đã nới lỏng kiểm soát đối với mức lãi suất ngân hàng và dịch vụ điện thoại đường dài, và đến thập kỷ 1990 tiến tới việc nới lỏng trong dịch vụ điện thoại nội hạt.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất của cuộc chiến với nạn lạm phát và Ban Dự trữ Liên bang. Ban này đã kiểm soát gắt gao nguồn tiền từ năm 1979. Bằng cách từ chối không cung ứng tất cả lượng tiền mà một nền kinh tế bị lạm phát đòi hỏi, ban này đã làm cho mức lãi suất gia tăng. Kết quả là việc chi tiêu của người tiêu dùng và việc vay mượn của các doanh nghiệp bị giảm đột ngột. Nền kinh tế chẳng bao lâu đã rơi tình trạng sa sút trầm trọng.