Tài liệu: Hoa Kỳ - Văn hoá giải trí của Mỹ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Chuột Mickey, Babe Ruth, hài kịch lập dị, nhóm Blues, Michael Jackson, những chàng cao bồi Dallas, “Gone With the Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió), Indiana Jones - tất cả
Hoa Kỳ - Văn hoá giải trí của Mỹ

Nội dung

Văn hoá giải trí của Mỹ

Chuột Mickey, Babe Ruth, hài kịch lập dị, nhóm Blues, Michael Jackson, những chàng cao bồi Dallas, “Gone With the Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió), Indiana Jones - tất cả những từ ngữ này, xuất xứ từ thể thao và giải trí của Mỹ, đã gia nhập vào các sản phẩm của Mỹ đi đến khắp nơi trên thế giới. Hiện nay nhiều quốc gia đã có hai nền văn hóa: một nền văn hóa bản xứ, và một nền văn hóa khác bao gồm thể thao, điện ảnh, chương trình truyền hình và âm nhạc mà sức sống và sự quyến rũ của nó có nguồn gốc từ Mỹ.

Bóng chày

Môn thể thao làm gợi nhớ đến quê hương nhiều nhất đối với người Mỹ là bóng chày. Có quá nhiều người chơi môn bóng này, kể cả trẻ em, đến nỗi nó đã được coi là “môn tiêu khiển quốc gia”. Không giống như bóng đá hay bóng rổ, những người chơi bóng chày chỉ cần có chiều cao và sức nặng trung bình là được.

Bóng chày ra đời từ trước cuộc Nội chiến Mỹ, là một môn bóng run-đơ khiêm tốn chơi trên sân cát. Những tay vô địch đầu tiên của môn này đã phát triển nó thành môn bóng phổ biến như ngày nay. Năm 1871 liên đoàn bóng chày chuyên nghiệp đầu tiên được thành lập. Và đầu thế kỷ 20, hầu hết các thành phố lớn của Mỹ đều có đội bóng chày chuyên nghiệp.

Môn bóng chày đã trưởng thành vào thập kỷ 1920, khi Babe Ruth dẫn dắt đội New York Yankees đoạt một số danh hiệu thế giới và trở thành anh hùng quốc gia trong môn thể thao này. Qua nhiều thập kỷ, mỗi đội bóng đều có những tay chơi cừ khôi. Một gương mặt nổi bật nhất là Jackie Robinson của đội Brooklyn Dodger, đã trở thành người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên trong những liên đoàn lớn của Mỹ vào năm 1947.

Kể từ thập kỷ 1950, bóng chày đã mở rộng ranh giới địa lý của mình. Những thành phố miền Tây cũng có những đội bóng riêng. Cho đến thập kỷ 1970, do những hợp đồng khắt khe, người sở hữu một đội bóng cũng sở hữu luôn cả các cầu thủ; sau đó luật lệ đã thay đổi và các cầu thủ có quyền tự do bán dịch vụ của mình cho bất kỳ đội nào. Kết quả là có một cuộc chiến tranh giành giật các cầu thủ, và các ngôi sao được trả hàng triệu đô la một năm. Sự tranh chấp giữa hiệp hội các cầu thủ và các chủ sở hữu đội bóng có nhiều khi làm đình trệ hoạt động bóng chày trong nhiều tháng. Nếu như bóng chày vừa là thể thao vừa là kinh doanh, thì vào cuối thế kỷ 20 nhiều người hâm mộ đã coi như mặt kinh doanh của nó lấn át cả mặt thể thao.

Bóng chày đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản sau khi binh lính Mỹ đưa nó vào trong thời kỳ Thế chiến thứ II. Trong thập kỷ 1990, một cầu thủ người Nhật, Hideo Nomo, đã trở thành ngôi sao trong đội Los Angeles Dodgers. Bóng chày cũng được chơi rộng rãi ở Cuba và ở những quốc gia Ca-ri-bê khác. Trong những đội bóng lớn chuyên nghiệp của Mỹ có đến 27,8% cầu thủ trong mùa bóng 2003 được sinh ra ngoài nước Mỹ, và họ đại diện cho 16 nước khác và Puerto Rico.

Bóng rổ

Một môn thể thao của Mỹ đã du hành đến nhiều nơi là bóng rổ. Môn thể thao này ngày nay đã được trên 250 triệu người trên thế giới chơi có tổ chức, và nhiều người khác chơi một cách nghiệp dư. Bóng rổ được hình thành từ năm 1891 khi một mục sư tương lai của Hội Trưởng lão tên và James Naismith được chỉ định dạy thể dục cho một lớp của Hội Thanh niên Cơ đốc ở Springfield, Massachusetts. Lớp học này rất mất trật tự, và Naismith đã được yêu cầu sáng chế ra một trò chơi mới để thu hút những thanh niên này. Vì lúc đó là mùa Đông, bên ngoài trời rất lạnh, nên trò chơi đó phải được chơi trong nhà. Naismith nhớ lại thời thơ ấu ở Canada, khi ông cùng các bạn chơi trò “vịt trên đá”, trong đó những người chơi cố gắng làm văng một tảng đá lớn ra khỏi đống đá bằng cách ném vào đó những hòn đá nhỏ hơn. Ông cũng nhớ lại những lần xem người ta chơi môn bóng bầu dục. Ông đã có ý nghĩ đóng những chiếc hộp lên tường để người chơi ném bóng vào đó. Khi không tìm được hộp, ông đã dùng những giỏ đựng đào. Và Naismith đã đặt ra các luật cho môn thể thao mới này, trong đó hầu hết ngày nay vẫn còn áp dụng.

Môn bóng rổ từ đó trở nên nổi tiếng vì những thanh niên tốt nghiệp ở các trường của Hội Thanh niên Cơ đốc đi lại nhiều nơi và vì nhu cầu cần một trò chơi đơn giản có thể chơi trong nhà vào mùa Đông. Liên đoàn bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên được thành lập năm 1898. Chưa đầy 100 năm sau, Juwan Howard, một ngôi sao của đội Washington Bullets đã nhận được trên 100 triệu đô la trong vòng 7 mùa bóng.

Điện ảnh

Những phim trường lớn của Mỹ đều tọa lạc ở khu vực Hollywood tại Los Angeles, Califomia. Trước Thế chiến thứ I, phim ảnh thường được thực hiện ở một số thành phố, nhưng những nhà làm phim đã đổ về miền Nam California khi ngành công nghiệp này phát triển. Ở đây, họ bị cuốn hút bởi khí hậu ôn hòa, giúp cho việc quay phim ngoài trời được dễ dàng quanh năm, và phong cảnh đa dạng có sẵn có tại đây.

Trong thời kỳ gọi là Thời Hoàng kim của Hollywood, vào thập kỷ 1930 và 1940, phim ảnh được sản xuất tại đây cũng giống như ô tô ra khỏi dây chuyền sản xuất của Henry Ford vậy. Không có hai phim nào giống nhau cả, nhưng hầu hết đều theo công thức: miền Tây, phim hài, phim âm nhạc phim hoạt hình, phim tiểu sử, v.v.. Phim “To Have and Have Not” (1944) đã nổi tiếng không những chỉ vì lần đầu tiên có hai ngôi sao đóng chung - Humphrey Bogart và Lauren Bacall - mà còn vì nó được viết bởi hai nhà văn sẽ đoạt giải Nobel văn chương: Ernest Hemingway là tác giả của tiểu thuyết lấy làm nội dung phim, và William Faulkner thì làm việc với kịch bản phim.

Một phim trường có thể mạo hiểm làm một cuốn phim với ngân sách trung bình cho một kịch bản phim tốt nhưng với những diễn viên vô danh. Phim “Citizen Kane” (1941) của đạo diễn Orson Welles đã được công nhận là cuốn phim vĩ đại nhất của Mỹ đã được làm theo dạng này. Thời gian tuyệt đỉnh của các phim trường là năm 1939, với những phim kinh điển như “The Wizard of Oz”, “Gone With the Wind”, “Stagecoach”, “Mr. Smith Goes to Washington”, “Only Angels Have Wings”, “Ninotchka”, và “Midnight”.

Nhạc ĐẠI chúng

Người đầu tiên soạn nhạc pop với phong cách Mỹ độc đáo là Stephen Foster. Ông đã đưa ra một mô hình mà kể  từ đó định hình cho âm nhạc Mỹ: kết hợp những yếu tố của âm nhạc truyền thống châu Âu với những tiết tấu và chủ đề của Mỹ gốc Phi châu. Là người gốc ái Nhĩ Lan, Foster trưởng thành ở miền Nam, nơi ông đã được nghe âm nhạc của những người nô lệ và xem những gánh hát rong. Những chất liệu đó đã tạo cảm hứng cho một số bài hát hay nhất của Foster mà nhiều người Mỹ vẫn còn nhớ nằm lòng: “Oh! Susanna”, “Camptown Races”, “Ring the Banjo”, “Old Folks at Home”.

Hàng chục người làm trò mua vui nổi bật của Mỹ xuất thân từ những gánh hát tạp kỹ - W.C. Fields, Jack Benny, George Burns, Gracie Allen, Buster Keaton, Sophie Tucker, Fanny Brice, Al Jolson, v.v... - Vào cuối thế kỷ thứ 19, việc sản xuất âm nhạc đã trở thành một ngành kinh doanh lớn ở Mỹ, với nhiều cơ sở tập trung ở thành phố New York.

Tạp kỹ và loại nhạc kịch hài của châu Âu đã sản sinh ra âm nhạc Broadway, trong đó kết hợp giữa hát và múa vào một câu chuyện có lời thoại. Ví dụ thành công đầu tiên của loại hình nghệ thuật này là tác phẩm “Showboat” của Jerome Kern, ra mắt đầu tiên năm 1927. Một người nhập cư gốc Nga-Do Thái, Irving Berlin, đã viết một số bản nhạc đại chúng phổ biến nhất: “God Bless America”, “Easter Parade”, “White Christmas”, “There's No Business Like Show Business” và “Cheek to Cheek”.

Những nhà soạn nhạc người da đen như Scott Joplin và Eubie Blake đã dựa vào truyền thống văn hóa của họ để soạn nhạc với những bản ractim cho piano, và riêng với Joplin, cả nhạc opera. Joplin đã bị quên lãng sau khi chết, nhưng âm nhạc của ông đã được phục hưng vào thập kỷ 1970. Nhạc Blues, vốn tiến triển từ những bài hát trong lúc làm việc của những người nô lệ, đã trở thành mốt thịnh hành ở thành phố New York và những nơi khác trong các thập kỷ 1920 và 1930.

Nhạc Jazz

Loại âm nhạc này có xuất xứ từ vùng New Orleans vào đầu thế kỷ 20, là sự kết hợp các yếu tố trong nhạc ractim của người da đen, những bài hát của người nô lệ và ban nhạc chuyên dùng nhạc khí bằng đồng và bộ gõ. Một trong những đặc tính nổi bật của nhạc jazz là tính linh động của nó: trong các buổi biểu diễn, những nhạc công không bao giờ chơi một bản nhạc hai lần giống nhau mà có thể ứng biến ra những phiên bản khác nhau về nốt nhạc và lời ca.

Nhờ những nhạc sĩ và người biểu diễn thiên tài – Jelly Roll Morton, Duke Ellington, Louis Armstrong, Benny Goodman, Bix Beiderbecke, Billie Holiday, Ella Fitzgerald - nhạc jazz đã lên ngôi trong vòng từ thập kỷ 1920 đến 1940. Vào cuối thập kỷ 1940, một dạng nhạc jazz mới được chơi chủ yếu bằng nhạc cụ, gọi là be-bop, bắt đầu thu hút các khán giả. Những nhạc công nổi tiếng có tay đàn trompet Dizzy Gillespie và tay đàn xắc-xô Charlie Parker.

Nhạc Rock and Roll

Tuy nhiên đến thập kỷ 1950 nhạc jazz đã mất sự thu hút đối với khán giả. Một dạng mới của âm nhạc đại chúng là rock and roll, vốn tiến triển từ một dạng nhạc của người da đen, với những nhịp mạnh và lời hát táo bạo, đã ra đời. Mặc dù được viết bởi người da đen và cho người da đen, những tiết tấu của loại nhạc này cũng thu hút người da trắng.

Những nhà sản xuất nhạc ghi âm vào thời đó nhận ra rằng một người da trắng có sức thu hút và có thể hát với nhiệt tình của một người da đen sẽ lôi cuốn khán giả rất mạnh trong loại nhạc này. Một ví dụ về trường hợp này là Elvis Presley, một người xuất thân từ nghèo khó ở miền Nam. Ngoài giọng hát truyền cảm, Presley còn có khuôn mặt đẹp trai và cách lắc hông lôi cuốn cả người lớn lẫn trẻ em.

Vài năm sau khi ra đời, nhạc rock and roll đã trở thành loại nhạc đại chúng của Mỹ, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhạc này đã lan tràn nhanh chóng sang nước Anh, nơi các ban nhạc Beatles và Rolling Stones bắt đầu sự nghiệp của họ vào thập kỷ 1960. Bom Dylan đã mở rộng phạm vi của nhạc dân gian bằng cách viết những bản nhạc mới đề cập đến những vấn đề xã hội đương đại, đặc biệt là về vấn đề quyền công dân của người da đen.

Nhạc rock đã trở thành loại nhạc đại chúng chiếm ưu thế ở Mỹ, phần lớn là vì nó có thể đồng hóa hầu như bất kỳ loại âm nhạc nào. Khi nhạc rock có dấu hiệu cạn nguồn sáng tác thì nó lại chuyển sang một dạng mới và nhạc rạp: lời hát có vần điệu, thường là đơn sơ với rất ít sự hòa âm.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2256-02-633495572790781250/Van-hoa---Xa-hoi/Van-hoa-giai-tri-cua-My....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận