Lối sống và thế giới quan của người Hopi
Người Hopi là những láng giềng gần gũi nhất của người Navaho, và cũng là dân tộc cố cựu ở miền Tây so với những người Pueblo hiện vẫn còn sinh sống ở nước Mỹ ngày nay. Người Hopi là một mẫu điển hình của các tộc Pueblo khác nhau ở miền Tây Nam, mặc dù tất cả các tộc Pueblo, trong một số lãnh vực, rất dị biệt với những tộc khác. Từ điểm này, một sự khảo sát sơ lược về thế giới quan của người Hopi sẽ rất hữu ích, bởi vì cái nền tảng lịch-sử-văn-hóa chung mà từ đó cả người Hopi và Navaho đã xây dựng lên hệ tư tưởng của mình, và cũng do cái xu hướng khác nhau và sự phức tạp hóa các khái niệm đã đến mức tinh tế cao độ trong hệ thống của người Hopi.
Người Hopi là những người làm nông thâm canh, sống tập trung trong những ngôi làng định cư, gồm những căn nhà xây dựng bằng đá trát vữa, tường liên kế, chung quanh một quảng trường trung tâm, cũng là nơi dùng cho cái cuộc cúng tế lễ lạc. Ruộng nương và nhà cửa là sở hữu của phụ nữ; chế độ mẫu hệ là chiếc cầu nối giữa những người trong gia đình với các thị tộc hùng mạnh, cũng được tổ chức theo chế độ mẫu hệ. Tình bà con họ hàng và đời sống kinh tế đều tập trung vào tay phụ nữ, đàn ông chỉ có quyền sở hữu loài cừu. Đời sống chính trị và lễ nghi tôn giáo lại dành cho nam giới, và được tổ chức xoay quanh một hệ thống phức tạp gồm những hội đoàn tôn giáo bí mật.
Laura Thompson tóm lược thế giới quan của người Hopi trong những dòng sau:
Ở đây, chúng ta nhận ra một thế giới quan có tính hữu cơ. Vũ trụ được hình thành như một toàn thể sinh động, trong đó những mối quan hệ cân đối một cách tinh vi giữa những thành phần này với những thành phần khác và cái tổng thể đa phương cũng giống như những tổng thể đặc trưng cho những sinh vật sống động. Các thành phần và cái toàn thể được tin rằng sẽ chuyển hóa thành điều tốt cho tất cả, tùy thuộc vào một qui luật nội tại, hời hợp, và duy nhất. Con người là một tổng thể tâm sinh lý, khác biệt với phần còn lại của thiên nhiên bởi cái khả năng ý chí tự nguyện của mình, đây là bộ phận không thể thiếu trong hệ thống phối hợp và được sử dụng phục vụ cho phúc lợi chung. Con người phối hợp với những người khác và những phương tiện hỗ trợ khác để hoàn thiện cái quy luật trên, qua bà con họ hàng hoặc những nhóm lễ bái, tôn giáo. Và cái kỹ xảo chính mà con người dùng để diễn đạt một cách tượng trưng cái quá trình vũ trụ là các hình thức nghi lễ và nghệ thuật, được củng cố thêm bằng hình thức tập trung cầu nguyện.
Sự cân bằng phức tạp giữa các bộ phận
Về mặt thuật ngữ chuyên sâu hơn, phức hợp từ này cũng là nguyên lý cơ bản nhất của người Hopi, nguyên lý này lập luận rằng thế giới là một hệ thống trật tự phức tạp, trong đó tất cả mọi thành phần đều phụ thuộc lẫn nhau một cách mật thiết, trên một nền tảng tương đồng với nhau về bản chất. Con người cũng có một nền tảng giống với những nhóm loài khác trong thiên nhiên như chim muông, súc vật, cỏ cây, côn trùng, mây gió, những sinh vật hoang đường, các vị tổ tiên - tất cả những sự vật này và nhiều sự vật khác nữa, mỗi sự vật trong tất cả đều mang sẵn chức năng của mình. Thế giới trong quan điểm của người Hopi là một cơ chế hợp nhất một cách chặt chẽ và tổ chức một cách phức tạp nhưng hoàn toàn trong trạng thái cân bằng, tương xứng.
Vai trò của con người trong vũ trụ. Không giống như những người Navaho, những người nhìn thấy thế giới là nguy hiểm, người Hopi nhìn thế giới như là nơi có thể dự đoán được và có lợi ích - ngoại trừ những nơi chốn mà sự vô trách nhiệm của con người gây nên đổ vỡ cho thế giới. Những thành phần không-phải-là-con-người của vũ trụ cũng đương nhiên bị hạn chế bởi “nguyên tắc tương liên”. Nhưng con người còn có một giới hạn ý chí để tự quyết định số phận của mình. Họ có một khoảng cách an toàn để chọn lựa. Tùy theo sự sắp xếp trong đại hệ thống, họ có thể hoặc không thực hiện những trách nhiệm của mình. Nếu thực hiện, vũ trụ sẽ tiếp tục được duy trì trong trạng thái trật tự, ổn định và đó là sức khỏe, hạnh phúc, hữu ích, thỏa mãn. Nếu không thực hiện, sẽ là mất mùa, con trẻ bị chết, đói kém, dịch bệnh, và tai ương lan tràn khắp cái cộng đồng nhỏ bé của họ. Sự hỗn loạn và vô trật tự lên ngôi.
Theo quan điểm của người Hopi, một người Hopi phải là người mong muốn mọi việc phải đâu vào đấy, mọi sự phải đúng. Anh ta phải cùng mọi người mong muốn điều này, có nghĩa là phải làm lụng một cách cần cù trên các cánh đồng, ở xưởng dệt, tại lò gốm, hoặc phải đan lát rổ rá, và phải tham gia với lòng nhiệt thành vào các lễ hội, trong đó anh ta sẽ được phân định một vai trò phù hợp với vị thế của mình. Ngoài ra, anh ta còn phải tập trung toàn bộ năng lực tinh thần của mình cho sự “tự nguyện” hay “khấn nguyện” (hai chữ này có ý nghĩa như nhau trong ngôn ngữ Hopi) cho những thành quả. Anh ta phải suy nghĩ về những ý niệm “hạnh phúc”. Nói cách khác, anh ta phải nhận thức và chấp nhận với một tinh thần tích cực vai trò của mình trong thế giới. Không thực hiện được điều này cũng có nghĩa là một sự thất bại, chẳng đáng mặt làm người và cũng không khác gì một kẻ dị giáo và phản bội. Chẳng có chỗ cho cá nhân dị biệt và những kẻ không được chấp nhận trong thang bậc hệ thống sắp xếp sự vật của người Hopi, và cũng chẳng có chỗ cho cá nhân có đầu óc cách tân, kẻ cho rằng mình có thể hoàn thiện Cái Đại Hệ Thống của xã hội. Những người như vậy là những kẻ lệch lạc nguy hiểm, nguy hiểm hơn những kẻ cẩu thả lười nhác. Mỗi bước đi của họ là một sự phá hoại sự ổn định, loại người thứ nhất vì họ không nỗ lực hết mình, loại người sau vì họ sẽ làm những việc sai trái. Cả hai đều là ka-hopi, không phải là người Hopi; họ đâm đầu vào một nguy cơ lớn lao không chỉ giống như mụ phù thủy “hai tim”, người duy trì mạng sống của mình bằng cách tước đoạt mạng sống của những bà con thân thuộc, để rồi cũng bị lên án và bị Hội Đoàn Kwan giết chết như một mụ phù thủy. Xã hội người Hopi là một xã hội tập thể, chuyên chế thần quyền.
Đối với người Navaho, tri thức là sức mạnh, quyền lực. Đối với người Hopi (cũng như các tộc thổ dân Pueblo khác), tri thức không chỉ là sức mạnh, quyền lực mà còn là nghĩa vụ. Tri thức là điều kiện tiên quyết để duy trì sự cân bằng trong vũ trụ; con người phải căng ra để biết được điều gì là cần thiết hay đang được đòi hỏi, và thực hiện điều đó. Và điều gì cần phải ưu tiên biết đến cũng đã được qui định trong các khuôn mẫu. Vai trò cho tất cả mọi người và sự vật đã được thiết kế một cách lý tưởng, và lạm dụng vai trò không được phân định là hành vi của một người-không-phải-là-người-hopi. Đối với một người không phải là tu sĩ, việc hiểu biết một lễ nghi chỉ có nghĩa là người này sẽ lạm dụng cái lễ nghi này. Cả đàn ông và phụ nữ người Pueblo đều sợ hãi việc sở hữu loại kiến thức không được phép, bởi vậy, khi nói một người nào đó “biết một vài điều” đồng nghĩa với việc nói người đó là một phù thủy.
Như là một sự đáp ứng lý tưởng đối với môi trường sống khắc nghiệt, người Hopi đã đạt được một khả năng sinh tồn có hiệu quả cao, thế giới quan của họ rõ ràng biểu trưng một hệ thống hòa nhập với môi trường, kiên định ở mức độ cao và thấm đẫm vào cái cấu trúc xã hội, nghệ thuật và nghi lễ, cũng như nhân cách con người của họ. Những yêu cầu của nó đối với cá nhân là vô cùng khắt khe, mỗi cá nhân là một vị thần Atlas, gánh trên vai sức nặng của toàn bộ thế giới. Không có chỗ dành cho những kẻ chủ nghĩa cá nhân, và cũng chẳng có sự thương xót dành cho những người bướng bỉnh, thất thường.
Người Hopi xã hội hóa con người. Thế giới quan của xã hội đòi hỏi như vậy.
Đặc tính cơ chế sinh tồn trong thế giới quan của người Navaho và người Hopi. Mặc dù người Hopi và người Navaho đều thừa nhận sự hiện hữu của linh hồn sinh vật, và trong ý nghĩa này thế giới quan của họ nhuộm màu sắc của chủ thuyết duy linh, nhưng trong quan điểm của mình cả hai đều đặt nền tảng trên thuyết cơ-hóa (lý thuyết cho rằng mọi vật trong vũ trụ là kết quả của quá trình vật lý và hóa học - ND). Người Navaho cho rằng các hành động của Dân tộc Thần thánh vĩ đại, của Dân tộc Mặt đất, và các loài ma quỷ có thể bị mất tác dụng nếu con người tinh thông và am hiểu về những lễ nghi đầy hiệu quả. Người Hopi thậm chí rất khoa học khi nhìn vũ trụ như một tập hợp phức tạp của mạng lưới nhiều hệ thống, tương liên với nhau một cách tinh tế trong một trật tự tổng thể, mà con người phải giúp duy trì bằng một ý chí tích cực cũng như bằng việc thực hiện đúng vai trò được giao phó.
Một loại thế giới quan khác, trong đó những giả định có tính duy linh chiếm ưu thế, tuy nhiên, loại thế giới quan này còn mang nhiều đặc trưng của những nền văn hóa sơ khai. Một thí dụ về một quan điểm lý tưởng và nặng về hành vi sẽ được chúng ta xem xét tiếp theo, thế giới quan của người Ashanti.