Khái niệm thượng đế tối cao
Bao nhiêu thời đại đã và đang trôi qua, từ khi những con người văn minh và thông thái nhận ra rằng trí tuệ non nớt của con người không thể có khả năng cảm nhận về một Đấng tối cao hay một Thượng Đế Tối Cao. Sai lầm lớn nhất ủa Tylor là cho rằng cái khái niệm về vị Thượng Đế Tối Cao có thể chỉ là sản phẩm sau cùng của quá trình tiến hóa trí tuệ lâu dài, bắt đầu từ khái niệm linh hồn và dẫn đến việc thờ cúng các hồn ma, các vị tổ tiên, đủ các thứ thứ thần trong thiên nhiên và cuối cùng là các tôn giáo đơn thuần.
Trước khi bước vào thế kỷ mới (thế kỷ 20 - ND), Andrew Lang (1844 – 1912) đã chứng minh rằng những khái niệm về vị Thượng Đế Tối Cao của những người dân châu Úc, châu Phi, Polynesia và các tộc thổ dân châu Mỹ không xuất phát từ những điều rao giảng của đạo Thiên Chúa. Wilhelm Schmidt (1868 – 1954), nhà nhân chủng học không biết mệt mỏi người Áo đã xác nhận điều này trong công trình vĩ đại của ông ta - tác phẩm bốn tập Der Ursprung der Gottesidee.
Bản chất của những niềm tin của con người sơ khai về Thượng Đế Tối Cao chính là lòng tin rằng Thượng Đế là Vị đã sáng tạo ra thế giới; rằng thế giới do Thượng Đế tạo ra là một thế giới tốt đẹp; Thượng Đế không phải là con người bình thường (theo ý nghĩa thông thường); và Thượng Đế không mang hình dạng con người và phi tự nhiên, sống trên các tầng mây và xa lánh những việc trần tục trên mặt đất, không dính dáng vào những chuyện thường ngày. Vì những lý do này, có rất ít nghi thức hay lễ bái để xưng tụng Thượng Đế. Các đền đài không phải đã được xây dựng cho Thượng Đế, cũng chẳng có những vật hiến tế (ngoại trừ một vài loại trái cây đầu mùa), và chỉ những lời khấn nguyện của một số ít người trong một đôi lúc nào đó.
Trong những truyền thuyết của loài người liên quan đến vũ trụ, hành động sáng tạo ra thế giới của Thượng Đế thường chỉ được mường tượng một cách mơ hồ. Huyền thoại chỉ nói làm sao Thượng Đế đã tạo ra các vị Tiểu Thần, những vị Thần có trách nhiệm hoàn chỉnh các chi tiết của sự sáng tạo và sau đó, điều hành vũ trụ. Đây là những vị thần mà con người phải quỳ lụy và cầu khấn. Họ chính là người nắm giữ và ban phát tài sản hay phẩm vật. Tai ương trong cuộc sống xuất phát từ sai lầm hay ác tâm của họ. Hình ảnh tương đồng phổ biến của Thượng Đế Tối Cao là Thần Trickster (Thần Bịp) hoặc thần Transformer (Thần Cải Biến) hoặc Thần Sói của các thổ dân da đỏ miền Tây nước Mỹ, những vị thần biến đổi hoặc hủy hoại những điều tốt đẹp của Tạo Hóa thành những gánh nặng chết chóc của con người. Thần Bịp là hình ảnh tương ứng của con rắn trong Vườn Địa Đàng Eden.
Andrew Lang đã nhận ra rằng sự hình thành khái niệm Thượng Đế Tối Cao là hậu quả tất nhiên của sự suy tưởng sâu xa về tôn giáo. Sự đổ vỡ trong lý tưởng, cũng như sự tiếp nhận hình ảnh không thuần thánh thiện của các vị thần là nguyên nhân dẫn đến một “tâm - trạng -tạo - ra - huyền thoại” và tính cách “ông tổ Adam” trong con người - cái ước vọng phi xã hội, muốn thủ lợi trên những đồng loại của mình. Trong lãnh vực này, quả là Đấng Tối Cao có muốn cũng không thể vươn tay tới; vì vậy, những hồn ma, thần linh, các vị thần dễ dãi mua chuộc được hình thành một cách ngớ ngẩn hay quái dị, một sự hình thành phi lý và làm hạ thấp giá trị của các vị thần. Như vậy, theo Lang, khi con người sơ khai xa xưa đang ở trong trạng thái thăng hoa, họ mới có khả năng suy tưởng theo luận lý. Tuy nhiên, con người cũng biểu lộ cái trạng thái tâm lý thấp hèn - cái ước vọng ích kỷ - bằng sự tận dụng tất cả những vị thần trong cái thế giới man dã của mình.
Từ lâu, những người tiến bộ chủ trương cải cách tôn giáo đã tranh đấu để loại bỏ sự ngự trị của trạng thái tâm lý thứ hai này, cố gắng tái lập hình ảnh của Thượng Đế Tối Cao ở vào một thế thống trị tuyệt đối và tinh khiết, không thể xúc phạm.
Những khái niệm về Thượng Đế của Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo đều nhằm vào mục đích này. Nhưng trên thực tế, khái niệm về Thượng Đế vẫn còn bị bóp méo hay chà đạp bởi những yêu sách lặt vặt nhỏ nhoi về quyền lợi của cá nhân hay của bộ lạc (quốc gia), và do chính những con người được xem là văn minh khởi xướng.
Paul Radin (1885 - 1963) đã bổ sung cho những quan điểm của Lang theo một cách đáng chú ý như sau. Ông ta bác bỏ quan điểm - mà sau này đã bị xuyên tạc sai lệch - một nguồn gốc thuần nhất của Thượng Đế Tối Cao. Thay vào đó, ông ta thừa nhận hai loại tính cách tương phản của loài người: người lý tưởng và người thực tế. Những người lý tưởng là những người có tính khí hay suy nghĩ và thiên về lý trí theo những đúc kết của khoa nhân chủng học họ là những người chiếm tỷ lệ thiểu số trong cộng đồng. Họ thường ưu tư về những vấn đề hóc búa trong cuộc sống hay của vũ trụ. Sự suy tư của họ nhằm tìm kiếm một sự giải thích trực tiếp, thuần nhất về vũ trụ. Kết quả từ tư tưởng của họ chính là Đấng Tối Cao. Vì là những người lý tưởng, họ ít quan tâm đến những khát vọng vật chất tầm thường. Thượng Đế của họ không dính dáng đến những đòi hỏi nhỏ nhen, vụn vặt của con người.
Trạng thái tín ngưỡng lý tưởng do Radin phân tích ở trên là trường hợp chính xác của người Kapauku mà Popisil mô tả như sau:
Phần đông người Kapauku không suy nghĩ về bản chất của cuộc sống và của vũ trụ chung quanh họ. Họ là những người thực dụng, không có khuynh hướng suy xét hay trầm tư suy nghĩ. Những chủ đề mà họ quan tâm chẳng dính dáng gì đến lãnh vực siêu nhiên hay trừu tượng; thật vậy, họ thường chỉ bàn về những chủ đề cụ thể, không liên quan gì đến triết lý như: các mối liên hệ trước mắt về quyền lực, các trao đổi tiền bạc cụ thể, chuyện làm tình, các tin tức liên quan đến những bữa chè chén thịt heo hay lễ hội nhảy múa. Họ nhường lại việc suy tư triết lý – thâm nhập vào bản chất của sự việc nằm bên ngoài rào chắn cảm giác của con người - cho một vài cá nhân có thiên hướng hay sở thích đặc biệt. Như vậy, cái triết lý sống kiên định theo hệ thống và luận lý được mô tả vừa qua không hẳn là thuộc tính của toàn thể bộ lạc Kapauku; triết lý sống này chỉ thuộc về một vài cá nhân rất thông minh từ những khu vực phía Nam của thung lũng Kamu, những người đã tận dụng sự hiểu biết về vũ trụ và thế giới vào một toàn thể có hệ thống và hợp lý.
Nhưng rất tiếc, phần đông mọi người lại là những người theo chủ nghĩa duy vật. Miếng ăn, sức khỏe, của cải và quyền lực xã hội là tất cả đối với họ. Họ phát triển niềm tin tôn giáo theo cái kiểu cách thượng đế và các vị thần linh là những người kiểm soát những phương tiện có thể thỏa mãn những nhu cầu của họ. Khi sự nguyện cầu, van xin và pháp thuật giúp đạt được những kết quả mong ước thì mọi chuyện vẫn êm đẹp. Nhưng khi nạn đói, dịch bệnh, thất bát mùa màng, và cái chết hoành hành trên trái đất thì chính những vị thần và những quyền lực xấu xa phải chịu trách nhiệm. Đối với họ, cảm xúc của con người bao giờ cũng mù mờ hay mâu thuẫn lẫn nhau. Họ vừa thương yêu vừa sợ hãi Thượng Đế và các vị thần linh. Thật vậy, những ý nghĩa phụ trợ, gợi lên những cảm xúc về tôn giáo luôn luôn bị pha tạp với nhau. Nhưng chủ yếu, xét trên cơ sở của những sự kiện thực tế, nhà nhân chủng học không thể đồng tình với quan điểm lý tưởng cho rằng, tôn giáo trong suốt tất cả quá trình lịch sử của mình tượng trưng cho cái nỗ lực duy nhất của con người vì những giá trị cao nhất của cuộc sống. Tôn giáo cũng không thể bắt nguồn từ một động lực thúc đẩy đơn lẻ. Niềm tin vào sự hiện hữu của linh hồn, sự sợ hãi các hồn ma, nỗi lo sợ sự sợ hãi, tục thờ cúng tổ tiên cùng với vô số các loại thần thánh, sự sùng bái thiên nhiên, sự suy tư về triết lý sống - tất cả đều có vai trò và nhiệm vụ của mình. Giá trị hay mức độ quan trọng có thể luân chuyển từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, nhưng tôn giáo vẫn luôn là một sự phát triển có nhiều căn nguyên và nhiều thành quá khác nhau.