Chân dung thai nhi và sơ sinh
Mỗi trẻ sơ sinh trước khi ra đời đã là một sinh vật xã hội, một con người độc nhất vô nhị, biết nhạy cảm và có ý thức. Tuy chưa hoạt động và chưa biết nói, nó đã tri giác được cái thế giới xung quanh theo cách riêng của nó. Chẳng khác gì người lớn, tính tò mò giúp nó muốn trở lại thành chủ thể của ham muốn: ham muốn được sống, được khám phá và được chia sẻ. Nhờ cộng sinh chặt chẽ với người mẹ, sự an toàn cho nhu cầu tồn tại của nó được củng cố và bằng cách đó từng bước nó trở thành con người tự chủ.
Các dữ kiện khoa học về phát triển phôi và thai phần lớn có được là nhờ nghiên cứu các mẫu phẩm lấy từ các thai đã chết sau khi sảy, những trẻ non tháng đẻ ra chết ngay hoặc chết sau đó, hoặc những cái thai chết bằng can thiệp sản khoa vì mục đích trị liệu.
Việc phân tích các khả năng tri giác và trí tuệ ngay khi bắt đầu cuộc sống của thai thường cần tới các phương tiện tinh vi (máy ghi âm từ tính, camera video, điện tâm đồ, nguồn phát âm, các hình ảnh dấu kín, những chiếc vú giả, tất cả đều nối với các máy vi tính làm nhiệm vụ phân tích) kết hợp với các dụng cụ thô sơ khác.
Một sinh thể nhạy cảm và có ý thức.
* Phát triển hệ thần kinh:
Ở loài người, hệ thần kinh đã có mầm mống ngay từ ngày thứ sáu của cuộc sống thai. Phôi lúc này được tạo bởi 3 lá chồng lên nhau, to gần bằng một đầu đinh ghim. Nằm trong là mặt lưng, một lớp các tế bào dày lên tạo thành màng mỏng thần kinh nhanh chóng kéo dài thành một cái rãnh. Vào ngày thứ hai mươi nhăm, rãnh khép lại và tạo ra ống thần kinh sau này trở thành tủy sống. Cực trước phình và giãn ra rồi tách thành hai bán cầu não, lúc này là phác thảo của não.
Các nơron được nhân lên với tốc độ 250.000 trong một phút và phải trải qua một cuộc di dân lâu dài dọc theo các sợi thần kinh đệm tỏa ra giữa ống thần kinh và vỏ não mới tới được vị trí vĩnh viễn của cuộc di cư. Đây là một quá trình lâu dài là vì nếu so sánh kích thước của nơron với kích thước của chúng ta thì tương đương với một lộ trình dài 14km theo thang đo của chúng ta. Cuộc di cư này rất chính xác, có lẽ được hướng dẫn bởi các thông tin hóa học mà ta còn chưa lần ra manh mối. Một số tác giả gán cho các chất dẫn truyền thần kinh khả năng đóng vai trò này. Giữa tuần lễ 16 và 20, các nơron ngừng phân chia, con số các nơron này được ước lượng từ 10 đến 100 tỉ.
Như vậy rất sớm trước khi ra đời, đứa bé đã có toàn bộ, nếu không phải là nhiều hơn các tế bào thần kinh mà người lớn sẽ có sau này. Trải qua năm tháng, con số này từ đó không ngừng giảm đi.
Tuy vậy, các nơron còn phải trải qua nhiều cuộc chuyển dạng để hoàn chỉnh bộ não và điều này hình như phải mất 15 năm. Để thành hình các mạch phức tạp trong não, chúng phải vươn ra không biết bao nhiêu các bộ phận kéo dài (còn gọi là trục và đuôi gai), tạo ra một vỏ bọc và nối kết với nhau bởi các khớp thần kinh. Mỗi nơron bản thân nó thôi, cũng đã có thể bắt liên lạc với 100.000 nơron khác. Những nối kết đầu tiên được thiết lập ngay từ tuần lễ thứ bảy của thai.
Quá trình myelin hóa các sợi thần kinh khởi sự vào tuần lễ thứ tám. Quá trình này diễn ra tích cực hơn trong hai năm đầu sau khi đẻ và chỉ thực sự được hoàn tất vào 14 tuổi.
Sự di chuyển các nơron y hệt như quá trình myelin hóa, rất nhạy cảm với các độc tố như rượu cũng như các tác nhân gây nhiễm trùng. Do vậy các tác nhân này có thể gây ra những tác hại không thể sửa chữa trong các giai đoạn “bước ngoặt” của quá trình phát triển thần kinh.
Nói chung, người ta thừa nhận rằng trên toàn bộ các nối kết được thiết lập giữa các nơron thì một bộ phận đáng kể được “chừa lại” chỉ để nhường chỗ cho các tế bào có khả năng đảm nhiệm một chức năng thật xác định. Sự thanh trừng này không diễn ra một cách ngẫu nhiên, như thể chức năng nối kết, mà dường như đó là một quá trình “ổn định có chọn lọc”. Như vậy là tại các thời điểm khác nhau của quá trình chín muồi bộ não, các nơron được ổn định với điều kiện được kích thích. Do có các giai đoạn bước ngoặt, trong đó não học được nhìn, nói, làm chủ một số các năng khiếu. Nếu không “chớp” đúng thời cơ này, có thể mất hết khả năng tập luyện về sau.
Điều thú vị đáng ghi nhận là ở phôi vài ngày tuổi, hệ thần kinh chính là bộ phận đầu tiên được cá thể hóa với sự xuất hiện tâm thần kinh. Não là một cơ quan có thể tích lớn nhất trong thời kỳ phôi và thai. Nếu như nó chỉ cân nặng 300 gam lúc mới đẻ so với 1.500 gam ở người trưởng thành thì như vậy nó được xem là chiếm 12% trọng lượng cơ thể so với 2,5% ở tuổi 20.
Sự tăng trưởng của não còn diễn ra rất nhanh ở tuổi bé tí là vì kích thước của nó tăng gấp đôi lần thứ nhất giữa năm đầu và năm thứ hai rồi lại tăng gấp đôi lần thứ hai giữa 2 tuổi và 6 tuổi.
Sau chót, cần nhấn mạnh tính tạo thành và tính thích ứng phi thường của não trẻ em nhất là tuổi bé tí, đặc trưng này sẽ biến mất ở tuổi thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành. Như vậy, trước tuổi 6-5 năm, thậm chí 10 năm, việc cắt bỏ một phần của não, kể cả một bán cầu não có thể loại trừ hoàn toàn và không có một biểu hiện lâm sàng nào.
Phát triển cảm giác
Trong số các loài không có khả năng sống tự lập ngay sau khi đẻ thì con người là loài duy nhất có tất cả các hệ giác quan có thể hoạt động trước khi đẻ.
Đem đối chiếu những lời các bà mẹ kể trong lúc quan sát ứng xử của thai có dùng máy siêu âm quan sát, Brazelton thu được các dữ kiện đủ thuyết phục rằng, thai vào cuối tháng thứ ba phản ứng một cách thuận lợi với các kích thích nhìn, nghe và vận động. Tính phản ứng này cho thấy mô tế bào thần kinh chưa chín muồi đã hoạt động trước khi các thụ thể của dây thần kinh hiện diện, trước khi hoàn tất quá trình myelin hóa. Rõ ràng là kích thích thai trong tử cung đóng một vai trò trong quá trình chín muồi của các giác quan.
Nhìn
- Sự tạo phôi:
Ngay từ ngày thứ 18, xuất hiện ở bên não trước hai rãnh tương đối sâu, là những bước phát triển đầu tiên của hai con mắt.
Sau khi ống thần kinh khép lại, các rãnh này tạo thành các túi quang học được bao phủ bởi các tấm quang học tức lá ngoại diệp non, mầm của thể thủy tinh sau này. Đến tuần lễ thứ bảy, nhãn cầu, dưới là một lá ngoại diệp non đã bao gồm chất thủy tinh, võng mạc sắc tố và võng mạc thần kinh cảm giác, từ đó các sợi quy tụ thành dây thần kinh thị giác được tập trung bởi động mạch dạng kính phân bố vào tiền phòng của mắt. Đến tuần lễ thứ 15, người ta có thể nhận dạng ra hết thảy mọi cấu trúc giải phẫu của mắt người trưởng thành: nào là kết mạc, tiền phòng, thủy tinh, nào là thể mi, thể kính, võng mạc, màng mạch và dây thần kinh thị giác. Đến tuần lễ thứ 25, ta có thể nhận dạng được ở tầm võng mạc bốn lớp của võng mạc người trưởng thành (hình nón, hình gậy, các lớp hạt trong và ngoài, các tế bào nhiều cực).
- Khả năng nhìn:
Nếu biết rằng các cấu trúc chính của một con mắt được biệt hóa trước tuần lễ thứ 25 thì khó khăn hơn khi nói chính xác rằng các cấu trúc đó bắt đầu hoạt động từ thời điểm nào. Trong cuối quý 3, chẳng hạn nếu hướng một ánh sáng mạnh trên bụng người mẹ trong hướng nhìn của thai thì nó giật nẩy mình. Nếu dùng một tia sáng yếu hơn cùng trong tư thế đó thì thai chủ động xoay người nhưng xoay nhẹ về phía ánh sáng. Người ta cũng đã có thể quan sát thấy, trong khi soi thai, các phản ứng chau mày của thai đáp ứng với kích thích ánh sáng của máy soi thai. Tuy vậy, người ta chắc chắn rằng khi đưa một chiếc mắt bò trước một thai non tháng, ngay từ sau tuần lễ thứ 34, đã có thể nhìn thấy nó có cái nhìn cố định và thậm chí thấy cả nhãn cầu của nó dõi theo các cử động của đầu. Từ đó không ai còn nghi ngờ rằng trẻ sơ sinh nhìn thấy ngay từ lúc mới đẻ. Cái nhìn của trẻ, trong tuần lễ đầu, tùy thuộc rất nhiều trạng thái chín muồi của não chứ không phải tùy thuộc kinh nghiệm của trẻ. Ví dụ, cùng một tháng tuổi, trẻ non tháng không nhìn rõ bằng trẻ đủ tháng và sở dĩ như vậy là vì mặc dầu có kinh nghiệm nhìn lâu hơn song tình trạng non yếu dường như làm ngừng lại sự chín muồi của vỏ não nhìn.
- Thị trường.
Ở khoảng cách với mặt trẻ 50 cm, nó chỉ tri giác thấy cái gì đó cách nó chưa tới 25 cm ở bên phải và bên trái và 9cm phía trên và phía dưới của một điểm cố định. Ngoài một mét, hết thảy các đồ vật chỉ hiện ra đối với nó như một khối lờ mờ không có cấu trúc gì cả. Lúc 3 tháng tuổi, nó có thể nhìn thấy quá 2,50 m và năng lực nhìn như người lớn hình như có thể đạt tới vào lúc 6 tháng tuổi.
Thị lực: của trẻ mới đẻ kém 30 lần so với người lớn. Song nó tiến bộ rất nhanh: kém 13 lần lúc 6 tháng và kém 6 lần lúc 4 tháng.
Điều tiết: Hội tụ: ngay lúc đẻ, trẻ nhìn bằng hai mắt. Hai con mắt bao giờ cũng di chuyển đồng thời và hội tụ cùng vào một điểm nếu điểm đó cách 25-30 cm. Mắt đã có thể điều tiết ngay lúc đẻ, song không cần đến vì thị lực còn yếu. Tới 3 tháng rưỡi, khả năng điều tiết của mắt có hiệu lực nhất so với bất cứ lúc nào về sau, cho phép nó phân biệt được các đồ vật cách mặt 5cm tới vô cực.
Các mầu sắc: Trẻ mới đẻ hình như không thể phân biệt được các mầu sắc. Tuy vậy, lúc một tháng nó có thể phân biệt được một hình tam giác xanh da trời với một hình tam giác đỏ. 4 tháng, nó có thể phân biệt được màu sắc tế nhị và gần nhau chẳng hạn màu xanh da trời với xanh lá cây, hệt như người trưởng thành. Song hình như nó thích các mầu sắc rực rỡ có các mầu trung gian, các màu xanh lam và các màu đỏ rực hơn các màu hồng và xanh truyền thống.
Các hình dạng: Ngay lúc đẻ, trẻ nhìn thế giới xung quanh và đã tỏ ra có những sở thích. Cái nhìn của nó dừng lại nhiều hơn trên các kích thích thị giác phức tạp. Nó ưa nhìn các hình dáng lấp lánh và rõ, những gạch dọc nối tiếp nhau (nó đưa mắt nhìn trái sang phải) những đường gạch dọc tỏ ra có tính đa dạng nhiều hơn một loạt các đường nằm ngang, và thích các ký họa trắng và đen. Như thế nó thích các đường cong hơn các đường thẳng và dừng lại ở một hình vuông to màu đen ít hơn 4 đến 16 hình vuông chiếm một diện tích như hình vuông to. Sự ham thích tính phức tạp này tăng lăn theo tuổi, do vậy bàn cờ có 64 hình vuông được trẻ ưa nhìn nhất lúc 8 tuần tuổi, bàn cờ có 574 hình vuông được trẻ ưa nhìn nhất lúc 14 tuần tuổi. Trẻ thích ánh sáng cường độ trung bình (393 lux) hơn cường độ mạnh hơn (3930 lux) hoặc yếu hơn (39 lux). Được một tháng tuổi, nó biết phân biệt các hình tam giác với các hình chữ thập. Khả năng phân biệt các hình vẽ trái ngược nhau có diện tích đồng bộ này là khả năng cơ bản cho sự tri giác một vũ trụ có cấu trúc như đã được chứng minh ở loài động vật.
Những gương mặt: Ngay sau khi ra đời, trong phòng đẻ, đứa trẻ nhìn chằm chằm không chỉ vào một hình vẽ giống gương mặt mà nó còn nhìn dõi theo một cung 1800, quay mặt và đầu để nhìn cho rõ. Một gương mặt có những nét mờ thì không được trẻ chú ý bằng, gương mặt biến dạng cũng vậy. Trước một gương mặt sinh động bỗng trở nên nghiêm nghị rồi thản nhiên, thì hình như nó tỏ ra lo hãi và ngoảnh mặt đi.
Khoảnh khắc thuận lợi: Bế một đứa bé hoặc đu đưa nó có một tác dụng làm cho nó yên tâm, đồng thời thức tỉnh nó, như vậy phát khởi một đáp ứng phản xạ mở mắt và chú ý tới một kích thích nhìn. Một tư thế hơi cúi (một góc 300), hình như khiến trẻ trở nên linh hoạt được lâu hơn.
Chiến lược thăm dò: trẻ mới đẻ có một hoạt tính tự phát thăm dò bằng mắt mang tính bẩm sinh, ngay cả khi không hiện diện bất cứ một vật kích thích nào. Do vậy, trong bóng tối, nó thực hiện rất nhiều vận động nhãn cầu, có vẻ nhiều hơn cả khi có ánh sáng. Ở chỗ tranh tối tranh sáng, đứa trẻ đưa cặp mắt quét không gian theo chiều ngang cho đến khi bắt gặp một cái gì đó để nhìn. Cặp mắt của nó dừng lại trên đối tượng đã gặp để phân tích hình dạng tổng thể, các đường biên, các góc cạnh. Nó sẽ chỉ quan tâm tới các chi tiết mà sau này có thể nằm ở bên trong, vào lúc 2 tháng tuổi. Như vậy, trẻ mới đẻ ra đời với các chiến lược vẫn có thể tìm kiếm thông tin chung quanh nó. Phản xạ nhìn của nó đã bị chi phối bởi các mệnh lệnh sơ đẳng:
1. Nếu đã thức và nếu ánh sáng không quá chói, hãy mở mắt ra.
2. Nếu thấy bóng tối, hãy mở mắt để thăm dò
3. Nếu có ánh sáng, hãy tiếp tục thăm dò để tìm ra các tương phản.
4. Nếu không thấy một hình dạng có góc cạnh hoặc tương phản, hãy dừng lại và thăm dò các đường biên của nó.
Các hệ thần kinh vận động: như vậy trẻ sơ sinh có thể đưa mắt nhìn theo một vật di động miễn không di chuyển quá nhanh (30cm/giây) và đứa trẻ tỉnh táo. Sự theo dõi bằng nhãn cầu này được thực hiện bằng những động tác giật cục và huy động hoạt tính toàn bộ của đứa trẻ. Đầu di chuyển rồi hai vai theo cử động của cặp mắt, làm thay đổi tư thế song vẫn tránh những cử động gây khó chịu cho thân thể. Tuy vậy đứa trẻ không thể cùng lúc thực hiện hai động tác vừa bú vừa nhìn theo một vật. Cái cử động đơn giản nhìn một khuôn mặt hoặc một trái bóng hàm ý phối hợp một trạng thái tỉnh táo với năng lực vận động là quay đầu, trấn áp những phản xạ vận động có nguy cơ làm mất đi sự chú ý và chỉnh hợp phản xạ nhìn của nó. Sự phối hợp này là bằng chứng nói lên một hệ thần kinh phức tạp phát triển cao độ và đòi hỏi sự tham gia của vỏ não.
Nghe:
Phôi sinh học: vào tháng thứ 22, ở phôi xuất hiện những mảng tai nguồn gốc ngoại diệp. Những mảng nhỏ này lộn vào trong để tạo ra những cái túi tai và đến tuần lễ thứ tám thì tạo ra ốc tai cuộn lại thành hai vòng rưỡi và cơ quan Corti. Bộ phận này thực sự là cơ quan thính giác, ngay từ tuần lễ thứ 10 đã bao gồm các phần: các tế bào thần kinh, biểu mô chia thành hai cột và màng não (não thất bốn) gắn vào vòng xoắn đầu mút đặt lên các tế bào thính giác. Sự biệt hóa đúng đắn các nhân tố khác nhau này được thực hiện vào tháng thứ 5. Còn về túi bầu dục thì nó tạo ra ba ống kính bán khuyên đã được biệt hóa vào tuần lễ thứ tám.
Tai giữa xuất phát từ túi nội mang thứ nhất và xuất hiện vào tuần lễ thứ ba để tạo ra ngách ống màng nhĩ rồi thành khoang màng nhĩ nguyên thủy. Các xương nhỏ được hình thành từ lá giữa nằm kề đó vào tuần lễ thứ bảy và biệt hóa trong lòng trung mô vào tháng thứ tám.
Tai ngoài bắt nguồn từ lá ngoài và tham gia tạo thành phần ngoài của màng nhĩ mà phần trong xuất phát từ ái nội diệp của thùng nhĩ.
Khả năng nghe: Từ nay, người ta biết chắc thai nghe được không hoàn toàn như người lớn. Thực vậy, thai tắm mình trong một môi trường lỏng, nơi đó các thông số vật lý truyền âm đã không như các thông số của môi trường khí và các ống dẫn thính giác thì chứa đầy niêm dịch.
Mặt khác, nếu các cấu trúc giải phẫu của tai ngoài được biệt hóa một cách đúng đắn vào tháng thứ năm thì các cấu trúc cần thiết khác trong thính giác, ở tầm hệ thần kinh trung ương lại chưa được chín muồi. Quá trình chín muồi này dựa trên việc khởi sự hoạt động của các enzym trong quá trình myelin hóa và tạo thành các khớp thần kinh - biểu mô.
Điều người ta biết chắc chắn là một trẻ sơ sinh đẻ non 28 tuần nghe được. Nó có các phản ứng đặc hiệu với các kích thích thính giác: những thay đổi nhịp thở và nhịp tim và nhất là sự hiện diện các tiềm năng thính giác ở thân não.
Các phản ứng đặc hiệu với các kích thích thính giác do được ở thai nhi trong tử cung (sự hiện diện các cử động chủ động, những thay đổi nhịp tim) tỏ ra không lẫn lộn với các thai 7 tháng tuổi trở đi.
Trong tử cung: Thai nghe được tiếng tim của người mẹ và cả tiếng sôi bụng. Nó cũng nghe được các tiếng cọ sát khi nó ngọ ngậy. Những tiếng động từ bên ngoài cũng đến với nó, cường độ rất giảm nếu tần số cao (trên 2000 hertz), ít giảm đi nếu là tần số thấp. Với người lớn, tiếng nói ghi được trong tử cung chỉ nghe được ít. Khi người mẹ đọc to lên một bài nào đó thì người ta chỉ nhận ra được một số từ, còn nhịp điệu và ngữ điệu thì không thay đổi. Ngược lại, âm nhạc và tiếng hát thì được truyền đi rất tốt. Lúc mới đẻ đứa trẻ nghe được hoàn toàn. Nó tri giác được chính xác cũng những tần số với những cường độ âm thanh như người lớn. Nó thích âm sắc một giọng nói hơn một tiếng động nào đó. Nó ưa những tiếng nói nữ giới, những ngữ điệu êm dịu và du dương, và sẽ cất tiếng khóc nếu tiếng nói thể hiện các sắc thái thô bạo hoặc xâm kích. Nó có thể định vị được một âm thanh và hướng cái nhìn và đầu nó về phía nguồn âm thanh.
Nếm:
Người ta quan sát thấy, ở thai nhi 6 tháng tuổi, nhịp mút gia tăng nếu tăng tỉ lệ saccharine trong nước ối. Lúc mới đẻ, các khả năng vị giác hoàn toàn như người trưởng thành. Nó nhận ra được bốn vị - đắng, chua, ngọt, mặn - mà nó phản ứng lại bằng các nét mặt thay đổi rất rõ. Nó tỏ ra thích vị ngọt. Hiện tượng này mang tính phổ quát nhưng không rõ đó có phải là một di sản của một quá khứ xa xôi không hoặc đó là kết quả luyện tập trong tử cung.
Ngửi:
Trẻ mới đẻ phân biệt được các mùi khác nhau như người lớn và, lại ở đây nữa, nó biểu hiện khoái cảm hoặc ác cảm của nó bằng các phản xạ trên nét mặt. Chẳng hạn nó đặc biệt thích mùi thơm của vang, chuối, socola hoặc bơ.
Nói chung, nó có một thiên hướng đối với các mùi của các chế phẩm sữa, các chùm quả và các hương thơm của đường, mật ong; nó ghê tởm trước mùi của dấm và rượu. Ngược lại, nó tỏ ra một phản ứng ghê tởm nếu bắt nó ngửi một mùi trứng thối và hết thấy các thứ hơi bốc ra mà người lớn cảm thấy ghê tởm. Mặt khác, nó tỏ ra thờ ơ với các mùi của thân thể mà người lớn cảm thấy, như vậy có lẽ vì lý do tính nhạy cảm này là do học được các nguyên tắc vệ sinh.
Sờ mó
Ngay từ ngày thứ 49 sau khi thụ tinh, thai đã tránh không cho tiếp xúc với vùng kích thích khi cắm cúi sát gần ngực. Lúc mới đẻ, da trẻ đặc biệt dễ nhạy cảm mà bằng chứng và các phản ứng của nó với các động tác vuốt ve: nếu là những vuốt ve chậm rãi thì có thể làm cho nó yên tĩnh hoặc ngược lại những động tác nhanh sẽ khiến nó thức giấc, thậm chí làm nó cáu kỉnh. Tuy vậy điều cốt lõi là bằng mồm (môi, má, lưỡi) chứ không phải bằng tay, đứa trẻ dùng xúc giác thăm dò đồ vật hoặc bầu vú của người mẹ.
Các trạng thái thức ngủ:
Sự cấu trúc nhịp thức ngủ của con người bắt đầu rất sớm trong cuộc sống thai nhi. Chụp siêu âm thai cho thấy rất rõ các cử động của thai (cử động lồng ngực, thân thể, các nhãn cầu) xuất hiện từ tuần lễ thứ 6 và thứ 19. Những cử động này diễn ra theo chu kỳ với tần số tim từ tuần lễ thứ 28-30 trở đi. Người ta đã đi tới phân biệt được 4 giai đoạn thức tỉnh rõ rệt: giấc ngủ yên tĩnh, giấc ngủ bị náo động, thức yên tĩnh và thức náo động từ tuần lễ 36 trở đi. Các chu kỳ này độc lập với các giấc ngủ của người mẹ. Trên bình diện điện não, ở trẻ đẻ non, quá trình cá biệt hóa hai trạng thái riêng biệt khởi sự từ tuần lễ thứ 30. Các trạng thái này tương quan chặt chẽ với các giai đoạn ứng xử tuần lễ thứ 32. Ở tuổi này, thời gian náo động giấc ngủ chiếm tỉ lệ cao: từ 50 đến 60% so với thời gian thức có 10- 15%. Ưu thế giấc ngủ náo động ở trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh đủ tháng dẫn tới giả thuyết nói rằng thời kỳ này được xem là có ý nghĩa cơ bản cho sự lớn lên và biệt hóa não.
Các chu kỳ giấc ngủ xuất hiện vào tuần lễ thứ 30, trung bình kéo dài 45 phút, rồi dần dần tăng lên một giờ từ tuần lễ 35-36 đến tuần lễ thứ 41. Lúc đẻ, các giai đoạn thức lâu nhất được lặp đi lặp lại cách nhau chừng 4 giờ. Các giai đoạn này đi theo nhịp các bữa ăn song không tương quan với nhau. Nhịp thức ngủ chỉ bắt đầu liên quan đến nhịp ngày đêm kể từ tháng thứ hai. Được 3 tháng, trẻ đi vào giấc ngủ không còn bị náo động nữa mà đi thẳng vào giấc ngủ yên tĩnh, sau một lúc chuyển tiếp ngắn ngủi. Lúc này, giấc ngủ náo động mang những nét đặc trưng ứng xử của giấc ngủ người lớn. Như vậy lứa tuổi này, dường như là một giai đoạn quan trọng cho việc hình thành nhịp thức - ngủ trong năm đầu.
Quá trình biệt hóa các giấc ngủ giống như người lớn được hoàn tất vào cuối năm đầu.
Điều quan trọng cần ghi nhận là những trạng thái tỉnh táo khác nhau có liên quan đến mức độ sẵn sàng của đứa trẻ. Đó là bối cảnh cần thiết để hiểu các phản ứng của nó. Tùy theo trạng thái hiện hữu của trẻ mà việc kích thích có phù hợp hay không. Điều này có một hệ quả thực tế là người ta chỉ có thể quan sát một hệ thần kinh trung ương còn toàn vẹn và có khả năng thích nghi nếu các kích thích thích hợp được đưa ra trong các trạng thái có ý thức thích hợp.
Việc nghiên cứu các trạng thái có ý thức này bản thân nó chứa đựng nhiều điều hấp dẫn. Thực vậy, tính đa dạng của chúng và sự kiểm soát chúng ở trẻ mới đẻ, dường như là những chỉ bảo đáng tin cậy về các thành đạt xã hội và nhận thức sau này và giúp thiết lập được tương tác với người mẹ ngay từ những ngày đầu của cuộc đời.
Trí nhớ:
Giờ đây, người ta biết rằng thai và trẻ sơ sinh có một trí nhớ khá sắc bén hơn người ta vẫn tưởng trước đây. Năng khiếu nhận ra được các tri giác và thích nghi với nó còn cho phép các nhà nghiên cứu nói được chính xác các khả năng phân biệt giữa nhiều kích thích và do đó xác định rõ hơn các năng lực tri giác của trẻ.
Quen nhờn: bằng chứng đầu tiên của trí nhớ tức thì.
Quen nhờn là một phản ứng bảo vệ, một cái khóa của hệ thần kinh đứng trước một kích thích quá mức từ bên ngoài. Nó là yếu tố cốt lõi cho sự tồn tại của đứa trẻ vì nó giúp đứa trẻ chống lại các đòi hỏi hẳn là thái quá mà hệ thần kính còn chưa được chín muồi của nó phải chịu đựng. Trước một kích thích nhìn, nghe hoặc sờ cứ lặp đi lặp lại, đứa trẻ phản ứng, nhìn nghe, hướng tới, nhịp tim và nhịp thở của nó thay đổi. Rồi nó phản ứng kém dần và hình như thiu thiu ngủ. Nếu ta thay đổi kích thích ban đầu thì nó lại trở nên tỉnh táo và như vậy ta có thể biến nó đã đi tới phân biệt được hai kích thích kề cận nhau hay chưa.
Trí nhớ thai nhi:
Những kinh nghiệm của Jean Feifoo (Paris, 1981), đầu những năm 70 đã chứng minh rằng thai nhi tuần lễ 22 hình như nghe được, trong tử cung tiếng nhạc kèn ôboa tấu một bản nhạc của Prokofiev, bằng cách phản ứng lại với các cử động chủ động. Hơn nữa nếu cho chúng nghe lại cùng tiếng nhạc này sau khi đẻ thì chúng mở mắt, tỏ ra tỉnh táo hoặc còn nín ngay nếu chúng đang khóc.
Một trải nghiệm khác cho thấy những trẻ mới đẻ 2-3 ngày tuổi thích nghe một câu chuyện mà các bà mẹ của chúng đã đọc cho chúng nghe khi chúng còn là thai nhi hơn là câu chuyện mới kể chỉ sau khi đẻ. Như vậy là đứa trẻ ngay khi còn là thai nhi, đã nhận ra được chính tiếng nói của người mẹ và các khía cạnh ngữ điệu của một bài. Về phần Francoise Dolto (Paris, 1987), bà báo cáo một ví dụ minh họa mang tính biểu tượng trí nhớ này của thai: để giúp một đứa trẻ thổ dân (người Tây Ban Nha) trở thành một nhạc sĩ biểu diễn, người ta quyết định, trong suốt 6 tuần lễ cuối trước khi đẻ và 6 tuần sau khi đẻ, cử một nhạc sĩ biểu diễn có tài hàng ngày chơi nhạc cho đứa trẻ nghe bên cạnh người mẹ mang thai, lúc đẻ và cho con bú. Về sau đứa trẻ tỏ ra thích chơi nhạc cụ này khi lớn lên và trở thành một tay biểu diễn có hạng.
Trẻ sơ sinh:
Người ta đã có một bằng chứng về khả năng nhận diện “Liên kênh thông tin” ở trẻ mới đẻ, nghĩa là khả năng nó nhận ra một thông tin và nó tri giác được bất cứ theo một kênh giác quan nào.
Ví du: Một trẻ mới đẻ một tháng tuổi vừa ngậm một cái đầu vú giả nhẵn nhụi, đang nhìn chiếc đầu vú này lâu hơn một đầu vú giả khác sần sùi đặt bên cạnh nhau. Những trẻ mới đẻ cùng lứa tuổi, trong các điều kiện giống nhau thì nhìn các đầu vú sần sùi lâu hơn nếu chúng vừa ngậm. Như vậy, nhóm trẻ nào cũng nhận dạng được bằng cách nhìn các vật thể chúng vừa mới thăm dò bằng lưỡi (ngậm).
Điều thú vị đáng ghi nhận là sự nhận dạng “Liên kênh thông tin” này cũng biểu hiện lứa sờ mó và nhìn, và giữa nghe và nhìn. Tuy vậy, khả năng này sẽ biến mất ít nhiều vào tháng thứ hai, nghĩa là lúc này phát sinh một tình trạng ức chế lẫn nhau giữa các hoạt tính cảm giác, tư thế vận động, trước đây vốn kết hợp với nhau. Sự phân ly này diễn ra vào tháng thứ hai và thứ ba, giữa hai thành phần của các trình tự giác - động, sẽ giúp trẻ phân biệt được những thay đổi của môi trường do chính tác động của những thay đổi đó gây ra. Sự phân ly này cũng là điều kiện tiên quyết cho việc thiết lập những sự phối hợp thực sự giữa các hành động mà từ nay đứa trẻ sẽ phân biệt được, nhận dạng được và phối hợp với nhau.
Hiện thời, ta chưa thể biết được tất cả điều gì có thể ghi vào trí nhớ của đứa trẻ, cũng không biết nó nhớ được bao lâu.
Về vấn đề này, Francoise Dolto (Paris, 1985) kể một câu chuyện lạ lùng về một thiếu niên có ứng xử loạn tâm, lúc 13 tuổi trong một buổi điều trị phân tâm đã nói lên rất rõ ràng qua một mẩu đối thoại dùng hai tiếng nói rất khác nhau. Thế mà những tiếng nói này được trao đi đổi lại 13 năm về trước giữa mẹ và bà chung quanh cái nôi của cậu thiếu niên đó hồi cậu ta mới được hai ngày tuổi. Những câu nổi đó vốn chứa đựng nhiều ý nghĩa đối với cậu và trong tương lai của cậu nên được khắc sâu trọn vẹn trong trí nhớ của cậu y như một cuộn băng từ vậy.
Những thí dụ như vậy dẫu hiếm hoi và thật ít có giá trị “khoa học” song nó khiến ta nghĩ rằng một trẻ bé tí vẫn có thể ghi vào trí nhớ hết thảy mọi thông tin, chỉ hơi có ý nghĩa với nó một chút thôi, đụng đến cuộc sống của nó, đến thân thể, đến quan niệm, đến bố mẹ và những người thân của nó.
Những ví dụ như vậy có giá trị cung cấp thông tin về những khả năng của đứa trẻ nhỏ mà không cần sử dụng đứa trẻ như một con chuột lang trong các thí nghiệm điều kiện hóa và người ta cũng chẳng hiểu gì về ảnh hưởng chung trong thí nghiệm này.
Ý niệm về thời gian:
Thời gian đối với trẻ sơ sinh không hoàn toàn như đối với người lớn. Một mặt, đối với trẻ, thời gian trôi đi chậm hơn rất nhiều so với chúng ta.
Với một trẻ mới đẻ 48 giờ tuổi, một ngày được xem là một nửa cuộc đời của nó. So với một người lớn 25 tuổi, một ngày chỉ là 1/9125 mà thôi. Thế nhưng cái khái niệm chúng ta có thời gian trôi đi thì trực tiếp gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Một đứa trẻ có ý thức về thời gian, nếu một trong các nhu cầu của nó không được đáp ứng tức thì. Nếu nó đói chẳng hạn, và nó phải chờ đợi mới được ăn thì nó trải nghiệm cái khoảnh khắc này đã tách cảm giác đói ra khỏi sự thỏa mãn được ăn.
Mặt khác, đứa trẻ sống trong hiện tại không hề có một ý niệm gì về điều chúng ta gọi là hôm qua hoặc ngày mai. Tất cả sự thể này khiến các cử chỉ của chúng ta đối với trẻ phải trở thành tăng tốc và đôi khi không thể hiểu được là vì chẳng có liên hệ trực tiếp nào với thời điểm hiện tại cả. Hơn nữa, việc nằm viện vài ngày đối với chúng ta thật là ngắn ngủi, có thể đối với trẻ lại là dài vô hạn.
Ý niệm về cái chết:
Thực tế về cái chết, như người lớn cảm thấy, là hoàn toàn xa lạ với trẻ. Đứa trẻ không tin vào khả năng nó sẽ già đi hoặc sẽ chết. Lúc khởi sự cuộc đời, đứa trẻ không biết đến cái chết, nó chỉ biết vắng mặt thôi. Lúc này cái sống và cái chết mang bộ mặt cái hiện diện và cái khiếm diện, cái biến mất và cái tái hiện. Với đứa trẻ, cái sống và cái chết là hai phương thức tồn tại không đối lập nhau, không đe dọa nhau, cũng không phải không hòa hợp nhau. Như vậy, chết được tri giác như là sống theo một cách khác. Nói chung, chỉ khi lên 5 thì đứa trẻ mới có ý niệm về cái chết và lên 8 mới gán cho cái chết nét đặc trưng là không thể đảo ngược lại và không quay trở lại.
Đứa trẻ nào chứng kiến cái chết như một sự chia ly thì có thể thích nghi rất nhanh chóng với nó. Người lớn thường dễ hoang mang trước cái chết. Đứa trẻ quyến luyến với giây phút hiện tại và không kề cà với trải nghiệm cảm sống ngày hôm qua. Cái chết với tính cách một sự kiện không thể đảo ngược và không thể quay trở lại tỏ ra không hiện hữu với trẻ. Điều có thể xảy ra cái chết hay lâm bệnh đối với đứa trẻ hoặc với người khác không bao giờ ảnh hưởng đến nó như ảnh hưởng đến người lớn. Trước hết, nó được trời ban cho cuộc sống. Do vậy, đứa trẻ dường như được xem là yếu ớt, song đứng trước cái chết hoặc bệnh tật lại tỏ ra vững vàng hơn người lớn.
Ý niệm về nỗi đau đớn:
Từ lâu, người ta đã tin hoặc “muốn” tin rằng sự non nớt của hệ thần kinh bảo vệ cho đứa trẻ sơ sinh khỏi bị đau đớn. Mãi gần đây, giáo điều này mới tỏ ra không ứng nghiệm. Đứa trẻ có rất sớm, từ tuần lễ 30 của đời sống trong tử cung các thiết bị tâm sinh lý thần kinh làm chức năng truyền đạt các luồng thần kinh gây đau đớn. Trái lại, các cơ chế bọc cảm giác đau thì chưa được thành thục khiến ở tuổi này tạo ra sự tăng cường tri giác đau.
Điều khó khăn cho các trẻ nhỏ là ở chỗ chúng thể hiện nỗi đau đớn rất khác người lớn. Chúng không nói được thành lời, cũng không chỉ ra được vị trí đau. Chúng cũng không thể phản kháng hoặc dùng sức mạnh chống lại người lớn đã có cử chỉ gây đau đớn cho chúng.
Chính là nhờ công lao của Anne Gauvain Picquart (1989) mà cuối cùng mọi người được giác ngộ về thực tế nỗi đau đớn của trẻ em, và nhất là lời tác giả đã mô tả các phương thức biểu hiện đặc biệt của chúng qua một cuốn phim đầy sức thuyết phục. Tất cả ngôn ngữ về nỗi đau đớn của đứa trẻ đã được quan sát và phân tích một cách tinh tế: mất hoạt tính tâm - vận động và ức chế các khởi xướng vận động, mất điệu bộ, tiết kiệm tối đa các cử chỉ, từ chối tiếp xúc, tình cảm nghèo nàn. Hết thảy các “triệu chứng” đau đớn đó đã được đưa ra ánh sáng, được lượng giá bằng các thang đo.
Nhận dạng được các đau đớn của trẻ rõ là một giai đoạn mấu chốt. Còn cần phải đi xa hơn nữa và tìm ra một thứ thuốc giảm đau thích hợp cho trẻ mà bản thân nó chẳng bao giờ đòi hỏi cả.
Trẻ sơ sinh: chủ thể ham muốn
Trẻ nhỏ là một chủ thể ham muốn. Và điều này đã có trước khi nó ra đời. Nó đã tự coi bản thân lòng ham muốn được tồn tại, đó là nguồn động lực phát triển và khiến động thái cuộc đời thêm sống Động. Nguồn lực chung cho tất cả mọi con người này khiến mỗi chúng ta người lớn hoặc trẻ em đều là một con người có giá trị ngang với người khác. “Lòng ham muốn này ẩn náu nơi một mẫu người ở trạng thái ấu thơ sẽ đạt tới mức thành thục khi đứa trẻ lớn lên. Con người, lúc sinh ra đã là chính mình, hoàn toàn như vậy dưới một dạng tất cả sẽ xảy ra. Những sự việc sẽ được thực hiện, dần từng bước, sẽ được thể hiện về sau tùy theo những cuộc gặp gỡ tạo thành (rencontres formatrices). Song tất cả đang ở đó, do vậy nó xứng đáng được tôn trọng ngang với một người từng có 50 năm trải nghiệm”. (Francois Dolto, 1985).
Trẻ sơ sinh, giống như mỗi con người, đúng là một chủ thể của dục vọng. Một dục vọng có thể chẳng bao giờ được thỏa mãn và đổi mới không ngừng. Một dục vọng luôn kêu gọi được thừa nhận, được nâng đỡ và được cáng đáng. Ham muốn khác nhu cầu ở chỗ nhu cầu tìm thấy được thỏa mãn trong khoái cảm của thân xác. Còn ham muốn thể hướng tới sự giao tiếp giữa cá nhân, tới sự trao đổi trong ngôn ngữ cá nhân với cá nhân.
Mong muốn được khám phá:
Thai - nằm trong tử cung khám phá thân thể nó và không gian bao quanh nó chẳng khác một nhà nghiên cứu hang động thăm dò một dòng sông xa lạ trong lòng trái đất. Thai nhi được nối với dây rốn khám phá các nguồn lực của sự sống nơi gần gũi nhất với người mẹ.
Lúc tuần lễ 6 - 7, nó thực hiện các cử động thân thể một cách nhẹ nhàng và vòng quanh.
Vào tuần lễ 13-14, nó cử động gấp và động, nắm và xòe bàn tay, các cử động ruột.
Từ tuần lễ 14- 16, thai nhi luyện tập thành ngực chuẩn bị cho động tác thở về sau.
Vào tuần lễ thứ 15, nó mút các ngón tay, tự làm yên lòng, kiểm soát hoạt tính vận động, tự kích thích... từng nấy chức năng giúp thai nhi khám phá điều làm cách nào thân thể hoạt động được và điều nó có thể làm được. Nó còn khám phá ra, nhờ vào mỗi bộ phận thân thể, các thành tử cung, dây rốn, bánh rau của nó lúc này là một bộ phận thân thể của nó.
Giữa tuần lễ 16-20, các bà mẹ đều tri giác thấy các cử động của thai lần đầu tiên.
Giữa tuần lễ 20-21, thai nhi phác họa được cử động cục bộ riêng rẽ của các ngón tay, ngón chân, lông mày. Có những khác biệt quan trọng tùy theo từng thai nhi, nếu như hết thảy các thai nhi đều thể hiện như vậy lòng mong muốn được sống, được ngọ nguậy và được khám phá thì mỗi cá nhân làm theo nhịp độ riêng của mình. Do vậy, con số trung bình các cử động hàng ngày của một thai nhi nào đó là vào khoảng từ 50- 150... những dấu hiệu đầu tiên của nó, lòng can đảm hoặc tính dè dặt của nó. Nó đã tỏ ra ít nhiều gan dạ trong các thăm dò của nó.
Ngay lúc mới đẻ, với các ngũ quan đã ở trạng thái thức tỉnh, đứa trẻ khám phá cái thế giới chung quanh nó. Bị tràn ngập bởi các thông tin giác quan, nhờ hiện tượng quen nhờn, nó học được cách ghi vào trí nhớ các thông tin đó cách thích nghi với chúng để chú ý tới các thông tin mới.
Từ lúc này, đứa trẻ không ngừng khám phá thân thể của nó, các vật thể và những con người chung quanh. Tính tò mò của nó là không có giới hạn và có thể nguy hiểm cho sự an toàn. Không ngừng nghỉ, nó ghi lại, thử nghiệm và tương tác với cái thế giới đón tiếp nó. Lòng mong muốn này khiến nó phát triển dần tính vận động và giúp nó nắm bắt được các đồ vật, ngồi, rồi đứng và đi. Như vậy bất cứ điều gì ngăn cản tính tò mò của nó, ngăn chặn sự kích thích và trao đổi đều có thể hiện bằng một tình trạng chậm phát triển vận động.
Mong muốn được chia sẻ.
Từ trước khi đẻ, trẻ đã bắt đầu chia sẻ với người mẹ bằng các động tác của thân thể có thể tri giác được vào tháng thứ năm. Nó nói gì vậy đơn giản là nó đang ở đây, được thúc đẩy bởi lòng mong muốn được sống.
Ngay lúc ra đời, nó giao tiếp bằng tất cả thân thể, những thái độ của nó, những cử động và nhất là nét mặt. Từ cái nhăn mặt vì giận dữ đến nụ cười nguôi giận, thông qua cái nhíu lông mày vì lo lắng, nó đều biểu lộ tình cảm trên một thang vô tận các sắc thái.
Những tiếng khóc:
Tiếng khóc đầu tiên chính là biểu thị tiếng nói của trẻ mong muốn được sống. Tiếp theo, tiếng khóc sẽ biểu thị các nhu cầu khác nhau, cái chính là đói. Theo các nhà nghiên cứu thì tiếng khóc của trẻ mới đẻ khác nhau tùy theo điều nó biểu lộ. Như vậy người ta có thể đo lường được tiếng khóc do đói là tiếng khóc ngắn (chừng 0,6 giây) và tiếp theo ngay một động tác hít vào ngắn (chừng 0,2 giây). Tần số là chừng 250 đến 400 hertz. Những tiếng khóc vì đau đớn thì khác hẳn: gắt hơn, liên tục hơn và lâu hơn.
Những tiếng khóc nhanh chóng trở nên đa dạng hơn, bộc lộ các nhu cầu khác nhau và cả các tình cảm khác nhau. Khi được thỏa mãn, trẻ mới đẻ phát ra những câu hát ngắn, tiền thân của những tiếng hát líu lo sau này.
Hiển nhiên, tiếng khóc là một thứ ngôn ngữ hiểu theo nghĩa là nó phát khởi các phản ứng nơi người nghe thấy rõ. Như vậy, khi nghe tiếng khóc của con, các bậc cha mẹ nghiệm thấy một tình cảm lo lắng trách nhiệm hay tội lỗi, thúc đẩy họ phản ứng, phải tìm ra nguyên nhân tiếng khóc và mang đến một giải pháp.
Nếu trẻ khóc là để được yên lòng thì nó cũng có thể chỉ khóc để chia sẻ và kêu gọi một đáp ứng của người lớn trong lời nói mà thôi.
Thành đạt ngôn ngữ nói:
Tới tuần lễ thứ sáu, những đặc tính tiếng nói thay đổi, những tiếng khóc luôn xảy ra trong 3 tháng đầu bây giờ được biệt hoá: Tiếp theo, những tiếng khóc giảm đi để chỉ còn xuất hiện trong những tình huống khó chịu vì sợ hãi và hụt hẫng. Âm điệu của tiếng khóc trở thành ngữ điệu. Những âm thanh chuyển động rồi trở thành những tiếng líu lo.
Chính lòng mong muốn chia sẻ lúc này thúc đẩy đứa trẻ tập nói, y hệt như mong muốn khám phá thúc đẩy nó tập đi.
Ngay từ tuần lễ thứ sáu những tiếng líu lo đầu tiên phát ra trong ngôn ngữ của đứa trẻ, Theo một số nhà nghiên cứu những đứa trẻ sơ sinh có lẻ có khả năng phát ra một số lớn các âm thanh và các âm vị, một cách phổ quát, bất luận ngôn ngữ sau này ra sao điều mà người lớn không thể làm được nữa. Như vậy, chúng sẽ vận dụng một thang vô tận các hài âm vượt ra ngoài phạm vi các tiếng nói và các dạng. Khả năng diễn ra ở những trẻ điếc lúc đẻ phát ra những tiếng líu lo theo cùng một kiểu như trẻ không điếc.
Tới 3 tháng, đứa trẻ làm chủ được các bài luyện giọng và có thể bắt đầu một cuộc đối thoại thực sự với người lớn. Giữa 3 và 5 tháng, bài luyện giọng trở thành câu nói ba hoa. Ở đây người ta nhận ra những âm vị đầu tiên, giống nhau đối với bất cứ chủng tộc nào. Lúc 6 tháng tuổi, các âm tiết được phát ra rồi kết hợp giữa chúng với nhau vào tháng thứ 7 để chỉ các đồ vật và dĩ nhiên nói được “ma, ma, ma, ma” và “pa, pa, pa, pa”. Bằng những lời rất giàu ngữ điệu, đứa trẻ cố gắng bắt chước lời nói của cha mẹ, khi thì nghi vấn, khi thì phủ định.
Được 8 tháng, những tiếng nói ba hoa có một cấu trúc tương đương với cấu trúc của từ đầu tiên được phát ra. Những từ này chứa đựng những đặc tính riêng của tiếng nói của những người chung quanh đứa trẻ. Lúc này, tiếng nói ba hoa, lúc đầu được đánh dấu bằng ngữ điệu, giờ đây trở nên có cấu âm rõ hơn và chia thành nhiều đoạn hơn và do vậy gần giống tiếng mẹ đẻ. Càng có nhiều ngôn ngữ bao nhiêu, đứa trẻ càng mất đi khả năng nói được tất cả các ngôn ngữ đó.
Như vậy, sự phát triển ngôn ngữ có lẽ không phải là thành đạt được các khả năng mới mà, ngược lại, là mất đi những khả năng hiện hữu lúc mới đẻ. Được 8 tháng tuổi, đứa trẻ nhắc lại những âm thanh nó nghe được, nhớ những âm thanh người ta nói với nó nhiều lần nhất và dần dần phát âm các từ Trung bình, được 10 tháng, đứa trẻ làm chủ được một từ, từ 10 đến 18 tháng, và chục từ. Mỗi từ là một thành phần của câu, nó sử dụng từ để gọi tên, về sau để hỏi. Hết thảy mọi đứa trẻ, bất luận nguồn gốc từ đâu, đều phải đi qua giai đoạn từ - câu này, chúng còn đặt ra những từ mới để chỉ vào một vật nào đó.
Dần dần, đứa trẻ có những mưu toan riêng, những sai lầm riêng, những khám phá riêng. Sau chót, nó đáp lại người lớn gọi bằng cùng một thứ tiếng. Song từ đây, nó rời bỏ cái thế giới của những trẻ bế bồng để bước vào cái thế giới trẻ em. Lòng mong muốn chia sẻ của nó đã dắt dẫn nó từ tiếng khóc chào đời đến lời nói rõ ràng mà người lớn hiểu được. Tuy vậy, đứa trẻ không học nói một mình. Nếu không nghe thấy người lớn nói ở chung quanh nó thì nó không thể thu hoạch được các cơ sở cần thiết. Sự trao đổi này là không thể thiếu. Tuy vậy, dường như có một giai đoạn bước ngoặt trong quá trình chín muồi hệ thần kinh mà bỏ qua giai đoạn này thì không thể tập nói được.
Mong muốn bắt chước:
Ngôn ngữ không phải duy nhất bằng lời. Những cử chỉ, thái độ cũng chuyển tải các thông tin - trẻ mới đẻ rất hiểu điều đó.
Nó tỏ ra có những năng khiếu tuyệt vời, không những chỉ biết quan sát các phương tiện giao tiếp của người lớn mà còn tái tạo được chúng. Người ta đã chứng minh trên một số cơ sở khoa học nghiêm túc rằng trẻ mới đẻ có thể bắt chước điệu bộ của người lớn diễn ra trước mặt nó. Ví dụ, một đứa trẻ 12 ngày tuổi có thể bắt chước các cách biểu lộ của nét mặt và các cử động bàn tay của người lớn. Trẻ mới đẻ có thể mở miệng và lè lưỡi ra như người lớn vậy.
Các khả năng tuyệt vời này của đứa trẻ muốn bắt chước các điệu bộ diễn ra trước mặt nó đóng vai trò to lớn trong phẩm chất tương tác giữa nó với cha mẹ. Hình như nó nói với bố mẹ nó như thế này: “Con biết bố mẹ đang ở đây, con sẽ thấy bố mẹ đang làm gì và con sẽ đích thân làm tất cả mọi điều đặng chia sẻ với bố mẹ”. Lời hứa có những trao đổi như vậy trong tương lai khiến người lớn cảm thấy thoải mái và chắc chắn kích thích sự gắn bó với đứa con.
Trẻ sơ sinh, giống hệt người lớn, là chủ thể ham muốn. Trước khi ra đời, nó đã mang trong lòng sự ham muốn được sống, được khám phá và được chia sẻ. Để thấy được điều đó, hãy tỏ ra biết lắng nghe đầy đủ, biết quan sát chăm chú và kiên trì. Chỉ có trong điều kiện đó ta mới phát hiện đứa trẻ là một sinh vật ham muốn. Được đón tiếp như vậy, đứa trẻ sẽ tỏ ra đầy sinh lực, có tính tò mò muốn biết mọi thứ và khao khát muốn được chia sẻ. Lòng ham muốn giúp nó đạt tới sự thành thục, và trở nên có trách nhiệm với bản thân. Điều này chúng chỉ thực hiện được nếu nhờ có người lớn có mặt ở đó để thừa nhận lòng ham muốn này, để tôn trọng và giúp đỡ trẻ cáng đáng lấy trách nhiệm đó. Nếu không được người lớn tiếp đón như vậy, đứa trẻ trở thành một kiếp thực vật và sinh vật vô nghĩa như đã từng thấy trong thời kỳ rất xa xưa của lịch sử.