Tài liệu: Pháp sư

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong phạm vi cơ thể của những người có tính cách thích hợp với quyền lực tôn giáo, có những điều mà họ có được do sự tiếp cận gần gũi với thế giới siêu nhiên. Họ trở thành những nhà chuyên môn trong địa hạt tôn giáo
Pháp sư

Nội dung

Pháp sư

Trong phạm vi cơ thể của những người có tính cách thích hợp với quyền lực tôn giáo, có những điều mà họ có được do sự tiếp cận gần gũi với thế giới siêu nhiên. Họ trở thành những nhà chuyên môn trong địa hạt tôn giáo. Tôn giáo và pháp thuật luôn luôn quá phức tạp và, bởi bản chất đích thực của chúng cũng quá khác thường, đến độ con người trần tục bình thường dù có tiếp xúc ngày này qua ngày nọ với những hoạt động tôn giáo để kiếm sống, cũng không thể thâm nhập sâu vào cái vương quốc thiêng liêng này được. Để làm được điều này, con người phải không vướng bận thời gian vì những “trách nhiệm cơm áo gạo tiền” (nhiệm vụ cơ bản như sản xuất lương thực), phải có một nhân cách khác thường và những thái độ đặc biệt cũng như sự khéo léo. Những người có đủ thời gian và sự khéo léo có thể trở thành các chức sắc trong tôn giáo: các pháp sư hoặc giáo sĩ. Pháp sư là chức danh ban đầu của các nhà chuyên môn trong địa hạt tôn giáo. Họ hiện diện trong những hệ thống thờ cúng mà tôn giáo chưa phát triển thành giáo hội. Pháp sư triển khai cái quyền năng của mình trực tiếp từ một nguồn quyền lực siêu nhiên, có thể bằng kinh nghiệm bí ẩn hoặc bằng khả năng cử hành những nghi thức, hoặc với những dụng cụ chuyên dùng thiêng liêng của mình. Quyền năng của các giáo sĩ xuất phát từ những hình thức thờ cúng trong hệ thống thờ cúng có tổ chức hay trong các giáo hội.

Đạo giáo Shaman ở Siberia

Một trung tâm phát triển mạnh mẽ nhất của đạo giáo shaman trong thế giới sơ khai là vùng Siberia hoang sơ. Từ “shaman” xuất phát từ ngôn ngữ bản địa của người Siberia. Các từ đồng nghĩa của với “Shaman” là “thầy thuốc” (thường được các tộc thổ dân châu Mỹ sử dụng), “thầy mo” (thường được sử dụng ở Phi châu và các dân tộc Melanesia) và angakok của người Eskimo.

Pháp sư người Siberia rõ ràng có vai trò quan trọng và nổi bật hơn nhiều so với người đồng nghiệp xứ Bắc Mỹ. Chỉ vì một lý do, tính cách của người pháp sư Siberia rõ rệt hơn rất nhiều. Và một lý do khác nữa, “danh xưng” và việc huấn luyện cũng được xác định rõ hơn. Bogoras, nhà nghiên cứu về Siberia đã viết như sau về tục Chukchi:

Đối với đàn ông, giai đoạn chuẩn bị để trở thành pháp sư là những cảnh ngộ đầy đau đớn và kéo dài rất lâu. Sự kêu gọi đến một cách bất ngờ và khó hiểu, để mặc người tu sĩ trong sự mù mờ vô định... Anh ta cảm thấy “rụt rè” và hoảng sợ... Người tu sĩ trẻ tuổi, người “mới học việc”, mất hết tất cả quyền lợi trong những công việc bình thường của cuộc sống. Anh ta phải ngưng làm việc, chỉ được ăn rất ít một số thức ăn không có gia vị, ngưng nói chuyện với mọi người, thậm chí không được trả lời các câu hỏi. Phần lớn thời gian của anh ta là dành để ngủ.[1]

Bogoras quan sát và nhận thấy rằng các pháp sư tuân theo một qui luật của sự kích động và cuồng loạn. Họ cho rằng chẳng ai trong họ là chỉ “điên có một nửa” cả. Nghiên cứu về tâm lý không phải là mục tiêu của Bogoras trong những ngày ở Siberia, nhưng ông ta vẫn phải gắn cái nhãn hiệu “tâm thần phân liệt” cho nhân cách của người pháp sư xứ Siberia.

Trở thành một pháp sư

Kinh nghiệm cá nhân của một thổ dân sống ở tây bắc Nevada, miền Đông Bắc Paiut là một điển hình đúng nghĩa của cái cách mà một thầy mo tiếp nhận được quyền năng. Như Wiliard Park đã ghi lại như sau:

Khi còn trẻ tôi đã mơ thấy những giấc mơ mà trong đó tôi chữa trị bệnh cho mọi người. Tôi không chú ý lắm đến những giấc mơ đó. Chú tôi là một thầy thuốc. Ông ta biết cái gì sẽ đến với tôi. Ông ta khuyên tôi nên cẩn thận khi ăn nói, không nên nói năng một cách báng bổ, cay nghiệt (để tránh đừng xúc phạm đến các đấng thần linh). Nhưng tôi không nhờ những giấc mơ để trở thành một thầy thuốc. Cuối cùng, tôi quyết định đến hệ thống hang động gần Dayton, lúc đó tôi khoảng mười lăm tuổi. Chú tôi không bảo tôi đến đó, tôi tự quyết định việc này.

Tôi đến hang lúc đêm xuống. Lúc đã vào bên trong, tôi nguyện cầu được ban cho quyền năng để chữa trị được bệnh tật. Tôi nói: “Dân tộc con đang bệnh tật. Con muốn cứu họ. Con muốn họ được mạnh khỏe. Ngài có thể giúp con làm cho họ mạnh khỏe. Con mong muốn ngài giúp con cứu họ. Khi họ phải chết, ngài hãy ban cho con quyền năng để mang họ trở lại [làm cho linh hồn lạc lõng quay trở lại]”. Tôi đã nói như trên với vị thần trong hang động. Đó không phải là một con người. Vị thần đến từ bóng tối. Đây là lời nguyện cầu với Thần Đêm.

Sau đó, tôi cố gắng đi ngủ. Quả thật rất khó ngủ được ở nơi đó. Tôi nghe thấy đủ loại tiếng động. Tôi có thể nghe tất cả mọi loài vật. Có một vài con gấu, sư tử núi, nai và một số loài vật khác. Tất cả bọn chúng đều ở trong các hang động của dãy núi. Sau khi đi ngủ, tôi có thể nghe mọi người đang chữa trị bệnh. Họ đã đến chân núi. Tôi có thể nghe tiếng nói của họ và những bài ca. Sau đó tôi lại nghe tiếng người bệnh rên rỉ. Một vị thầy thuốc đang hát và chữa trị cho họ. Một người đàn bà nhảy múa, tay cầm một cành cây ngải đắng. Bà ta nhảy vòng quanh đống lửa. Mỗi lần nhảy lên bà ta lại hét lên “hé, hé, hé”. Rồi thầy mo dùng cành ngải đắng vẩy nước lên người bệnh nhân. Việc ca hát và nhảy múa kéo dài một lúc lâu. Tiếng hát dừng lại. Người bệnh đã chết và mọi người bắt đầu than khóc.

Một lát sau đó, phiến đá nơi mà tôi dùng làm chỗ tạm ngả lưng bỗng nứt ra như một phiến băng bị vỡ. Một người đàn ông cao, gầy, cầm một lông đuôi của chim đại bàng hiện ra giữa vết nứt. Ông ta nói với tôi: “Ngươi đã đến đây. Ngươi đã nói những lời tử tế. Ngươi phải làm đúng những gì ta sẽ nói với ngươi. Hãy thực hiện điều đó dù ngươi sẽ có một thời gian khó khăn. Khi chữa trị bệnh tật cho người khác, ngươi phải tuân theo những chỉ dẫn mà các loài vật ban cho ngươi. Chúng sẽ bảo cho ngươi biết phải làm như thế nào để chữa lành các bệnh tật. Ta đang có trong tay chiếc lông đại bàng này. Ngươi phải tìm được những chiếc lông giống như thế này. Ngươi cũng phải tìm những vật được sử dụng chung với nó. Tìm những chuỗi hạt màu đen. Gắn chúng vào chiếc lông, cột lại bằng một dây da hươu. Và còn phải tìm cho được một cái móng của một con hươu bị đại bàng giết chết. Với tất cả những vật dụng trên, ngươi có thể chữa trị bệnh tật cho mọi người. Tất cả những thứ đó là vũ khí của ngươi, để chống lại bệnh tật. Ngươi phải có ba cuộn thuốc lá. Ngươi có thể dùng chúng để nói cho các bệnh nhân biết vì sao họ bị bệnh và sau đó chữa trị cho họ. Thuốc lá cũng có thể giúp ngươi tránh khỏi bị “sốc” khi phải hút những cục nước miếng của bệnh nhân khi đang chữa trị cho họ. Với tất cả những thứ này, ngươi đang bắt đầu trở thành một thầy thuốc. Ngươi sẽ thuộc những bài hát khi ngươi chữa trị các bệnh tật. Các bài hát đang sẵn sàng để sử dụng. Hãy tắm gội trong dòng nước dưới chân vách núi và dùng i-bi (sơn, vôi màu trắng) để tô vẽ lên người”. Và tôi thức dậy. Đã là ban ngày. Tôi nhìn chung quanh nhưng không thấy ai cả. Người đàn ông đã biến mất, chẳng có dấu vết gì của các loài vật hay của những con người đã ca hát và chữa trị bệnh tật cả. Sau đó, tôi đã làm theo những gì mà vị thần đã căn dặn và chờ đợi để trở thành một thầy thuốc. Trong khoảng sáu năm, tôi đã tiếp nhận đủ các hướng dẫn để bắt đầu chữa trị các bệnh tật.[2]

Một phương cách điển hình khác để trở thành pháp sư cũng được Barton mô tả trong giới nữ pháp sư của xã hội người Ifugao:

Việc thờ cúng [trong đạo shaman] hầu như hoàn toàn giao phó vào tay của giới phụ nữ. Trở thành pháp sư luôn luôn là sự đáp ứng “lời kêu gọi” và là một ý thức bắt buộc: người phụ nữ bắt đầu thấy khó ngủ, mộng mị, trở nên gầy ốm, ăn không ngon, và tin tưởng rằng linh hồn mình đã cưới một anilu[3] và chỉ có thể giải thoát khỏi tình trạng này bằng cách trở thành một nữ tu tế (mangaalisig). Hoặc người phụ nữ có thể cảm nhận được “sự kêu gọi khải huyền” sau một cơn đau bụng vì đã ăn các loại thức ăn bị cấm kỵ đối với các nữ tu tế như: lươn, chó, một vài loại cá, thịt bò cái (không phải là thịt trâu). Họ phải tự học - chứ không phải do những nữ tu lớn tuổi hơn truyền dạy - những nghi thức cúng bái thần linh. Nhưng dĩ nhiên, họ đã quan sát và lắng nghe những nghi thức này từ khi còn là một cô bé và tự hỏi liệu số phận sẽ kêu gọi họ sẽ trở thành một nữ pháp sư khi lớn lên hay không.[4]

Tính ám thị và tính bất kiên định trong cám giác ở một mức độ cao hay thấp là những đặc điểm chủ yếu của người pháp sư, người đạt được quyền năng bằng sự trải nghiệm bí ẩn của mình. Họ phải có được khả năng ảo giác. Người không đáp ứng được khả năng tưởng tượng và ảo giác để thâm nhập vào sự ám thị văn hóa - những điều kiện hình thành nên con đường dẫn đến quyền năng - sẽ không có cái may mắn để trớ thành một pháp sư. Sấm Rền, một thổ dân Winnebago, là một trong số những người này. Ngay cả khi anh ta mạo nhận một sự ám thị và may mắn khẳng định được cái quyền năng của mình, thì trong thâm tâm anh ta vẫn biết quyền năng của mình là không thực. Một người hướng ngoại với tính cách xông xáo thường cần đến một uy tín xã hội và cơ hội để đạt được một cái gì đó, cũng thường bị thất vọng vì tính cứng rắn thuần lý của mình. Khi không tìm được những phương cách xã hội (quyền năng siêu nhiên) phù hợp với đường hướng tốt đẹp và chính thống, anh ta rơi vào con đường tà đạo, chống lại xã hội - say sưa, bạo lực, trụy lạc, sát nhân, và gian trá. Vì vậy, khi loại cây xương rồng xâm nhập vào cộng đồng người Winnebago, loại cây thuốc kích thích ảo giác đã mang lại cho con người khốn khổ - anh chàng Sấm Rền - những ảo giác về quyền năng. Cùng với quyền năng là khuynh hướng thay đổi thái độ và quan điểm trong nhân cách sống của anh ta. Anh ta trở thành một rường cột của xã hội, một lãnh đạo tinh thần, và là một công dân gương mẫu - giúp đỡ rất nhiều cho những người trong bộ lạc.[5]

Rõ ràng, trường hợp trên chứng tỏ rằng đến một chừng mực nào đó, một pháp sư với khả năng tinh thần thiên phú, với những lợi thế được ban tặng cũng thường được chúng ta gọi một cách không thiện cảm dưới cái danh vị “kẻ cực đoan, quá khích”.

Nhưng các nền văn hóa của các dân tộc này lại sử dụng những điều kỳ dị, bất thường để giải thích hay xưng tụng các thầy mo, các pháp sư cả nam lẫn nữ của họ.

Pháp thuật của pháp sư

Vị pháp sư cha truyền con nối, thừa hưởng được quyền năng pháp thuật lại là một vấn đề khác. Thật ra, nhà thuật sĩ là người bị chính những niềm tin của mình lừa bịp, nhưng có thể ông ta đã làm việc với sự tính toán lạnh lùng. Trò pháp thuật phát triển cao thường dính dáng với sự gian trá hoàn toàn, kỹ năng ảo thuật, và sự sáng tạo trong kỹ thuật đánh lừa thị giác. Các pháp sư người Siberia và Eskimo là những người có khả năng nói bằng bụng rất điêu luyện, họ dùng những cái lục lạc để đánh lạc hướng các âm thanh tiếng nói của họ, người nghe: “sau một vài phút... mất khả năng định hướng nguồn gốc xuất phát của âm thanh... Tiếng hát và tiếng trống dường như cứ chuyển từ góc này qua góc nọ, hoặc cứ như đang di chuyển quanh chứ không xuất phát từ một nơi nào rõ ràng cả”[6].

Các thầy thuốc thổ dân Algonquian thường tổ chức những buổi cầu cơ hay gọi hồn rất ấn tượng, căn lêu rung lên và lắc lư dữ dội mỗi khi “hồn về”. Căn lều đã được xây dựng một cách khéo léo, có thể dùng tay và các sợi dây để tạo ra các tác động rung và lắc như đã nói.[7]

Các thầy tu người Pueblo trình diễn các màn kịch kỳ diệu trong đó các cây bắp mọc lên và chín tới chỉ qua một đêm và các con nai, gấu hiện hình lên trước những đôi mắt ngạc nhiên của những khán giả khờ khạo. Thực ra, những căn phòng hành lễ đã được thiết kế thêm những đường hầm bí mật, qua đó những trang thiết bị hay các nhân vật được bí mật đưa vào màn diễn[8].

Tuy nhiên, cái mánh khóe giả dối do các pháp sư thực hiện không phải bao giờ cũng chỉ là những kiểu lừa bịp thô thiển như những lần đầu chúng xuất hiện. Các pháp sư người Eskimo thường phủ nhận những mánh khóe của họ, như một người đã cố gắng phủ nhận với Peter Freuchen như sau: “Chẳng có gì để một người như ông phải để mắt đến cả. Tôi chỉ là một người nói dối vĩ đại, và nếu ngay cả những kẻ đần độn này đủ ngu xuẩn để tin tưởng nơi tôi, tôi cũng không bao giờ mong ông đứng đó để xem. Tôi chỉ là một lão già xuẩn ngốc, và những gì xảy ra ở đây - chẳng có cái nào là sự thật cả[9]. Nhưng tác động của màn trình diễn của ông ta đến với dân chúng trong khu lều trại rõ ràng là sự khoái lạc. Người dân không phản đối việc mình bị lừa gạt, miễn là sự lừa gạt này mang lại cho họ những niềm vui. Dĩ nhiên, bên cạnh đó, còn có những người cả tin nhẹ dạ bị lừa gạt nhưng vẫn nghĩ mình là những người thông minh hơn.

Thật khó mà vạch ra sự rạch ròi chính xác giữa những hoạt động có tính vụ lợi hoặc mang tính phục vụ xã hội của giới pháp sư thời sơ khai. Quả thật cũng là một thái độ sai lầm nếu không đánh giá họ đơn thuần chỉ là một giai cấp bóc lột. Trên thực tế vì tư lợi họ thường lạm dụng quyền năng và địa vị của mình. Các pháp sư người Eskimo có thể áp đặt bất kỳ điều cấm kỵ nào mà ông ta muốn lên các cá nhân khác. Nhân danh các vị thần linh, họ có thể lạm dụng tình dục với bất kỳ phụ nữ nào, dù đã có chồng hay chưa chồng để tưởng thưởng cho chính họ. Các pháp sư có thể sử dụng quyền lực của họ một cách đặc biệt để củng cố địa vị của những người lớn tuổi, chống lại thế hệ trẻ hơn. Nhưng cũng có thể vì những lý do này, họ phải trả giá bằng sự hạn chế hay kìm chế nhiều điều, công việc của họ tự thân là những việc nguy hiểm, và gánh nặng của danh vị pháp sư cũng thường rất nặng nề.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2595-02-633541281356063750/Phap-su-giao-si-va-he-thong-tho-cung/Phap...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận