Có thai và dinh dưỡng khi mang thai
Khi nào nghi có thai?
3 triệu chứng khi có thai
- Tắt kinh
- Tình trạng nghén
- Cảm giác căng tức vú
Tắt kinh hay mất kinh là dấu hiệu quan trọng nhất, nếu là một phụ nữ khỏe mạnh, vẫn có kinh đều trước đó, không có căng thẳng thần kinh. Đôi khi có hiện tượng “máu báo” xuất hiện trước kỳ kinh nguyệt dự kiến một vài ngày. Nguyên nhân “máu báo” là do phôi (tức là thai được hình thành ở giai đoạn sớm nhất) đã di chuyển vào tử cung chui vào niêm mạc tử cung làm tổ. Máu báo chỉ ra chút ít, không nhiều như khí hành kinh và chỉ một, hai ngày là hết.
Đồng thời với chậm kinh là lúc có triệu chứng “nghén”: tự nhiên người cảm thấy nôn nao, khó chịu, lợm giọng, buồn nôn hoặc nôn. Có thể chỉ là triệu chứng: chán ăn, thèm của chua, ăn giở, ăn những thứ kỳ quặc như vách đất, mảng tường vôi. Tính khí trở nên thất thường như buồn bực, giận dỗi, cáu gắt không đâu. Có khi có cảm giác gai gai rét, sởn gai ốc. Đó là những biểu hiện mất cân bằng của hệ thần kinh tự chủ (hay thần kinh thực vật) mà nguồn gốc sâu xa là những thay đổi bất ngờ trong hệ nội tiết (do sự có mặt của một vật lạ là cái thai) kết hợp với những rối loạn cảm xúc, nửa mừng nửa lo, nhất là đối với những người phụ nữ còn trẻ, có thai lần đầu. Các nhà tâm lý cho rằng thai nghén là một bước ngoặt trong quá trình phát triển tâm lý - cảm xúc ở người phụ nữ, là một khủng hoảng bình thường và tự nhiên. Giờ đây, người phụ nữ đang phải chuẩn bị rời bỏ một bến bờ thời con gái để bước sang bờ bên kia là bến đợi của người làm mẹ. Chứng “ốm nghén” rồi sẽ qua đi, không kéo dài quá 3 tháng, nhưng sẽ nhẹ hơn, rút ngắn hơn nếu được người thân chia sẻ, nâng đỡ và giảm căng thẳng tinh thần.
Người mới có thai còn có cảm giác căng tức vú. Vú căng và to dần lên. Các hạt nhỏ ở quầng vú mỗi ngày nổi rõ hơn như hạt kê, hạt tấm. Núm vú, quầng vú trước kia mầu hồng bây giờ dần dần ngả màu thâm, đen.
Khi nghi có thai, người phụ nữ cần đi khám thai để biết chắc chắn, để được hướng dẫn chăm sóc thai, biết cách để phòng và tự phát hiện sớm những trở ngại hay biến chứng có thể ảnh hưởng đến cuộc sinh đẻ, để đảm bảo “mẹ tròn con vuông” sau này.
Nên khám thai bao nhiêu lần?
Trong hoàn cảnh hiện nay, trong suốt thời gian mang thai, người phụ nữ cần đi khám thai nhiều lần, nhằm các mục đích là:
Lần 1: Trong 3 tháng đầu
Xác định có thai
- Đăng ký thai và yêu cầu được theo dõi
- Nếu thai ngoài kế hoạch có thể yêu cầu được can thiệp.
- Phát hiện các bệnh có thể ảnh hưởng đến thai.
- Phát hiện và xử lý những thai nghén bất thường như chửa trứng, chửa ngoài dạ con.
Lần 2: Trong 3 tháng giữa.
- Đánh giá thai có phát triển bình thường không?
- Cơ thể mẹ có thích nghi tốt không?
- Tiêm phòng uốn ván mũi thứ nhất.
Lần 3: Trong 3 tháng cuối (và nhiều lần tiếp theo, nhất là tháng cuối).
- Xem ngôi thai thuận hay ngược.
- Thai phát triển có bình thường không?
- Có nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và con hay không? (nhiễm độc thai, nhau tiền đạo, suy dinh dưỡng thai).
- Thông báo dự kiến ngày đẻ, gợi ý nơi đẻ an toàn nhất cho cả mẹ lẫn con.
- Tiêm phòng uốn ván mũi thứ hai.
Nếu không theo đúng các lần khám thai này thì nhiều rủi ro có thể xảy đến cho cả mẹ lẫn con như: băng huyết, đẻ non, đẻ ngạt, bệnh uốn ván sơ sinh...
Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng như thế nào?
Một phụ nữ có trọng lượng trung bình trước khi có thai 50 kg, sau khi có thai (1 thai), đến ngày đẻ phải tăng ít nhất 8 - 10 kg thì trọng lượng của thai khi đẻ mới được trung bình 3 kg. Sở dĩ như vậy là vì, ngoài trọng lượng của thai (3 kg) còn trọng lượng của nhau thai (0,5 kg), của nước ối (0,5 kg) và trọng lượng tăng do giữ nước và muối khoáng trong cơ thể mẹ khi có thai nữa.
Phân bố trọng lượng khi có thai
Trọng lượng mẹ trước khi có thai: 50 kg
Có thai đủ tháng: 58 - 60 kg
Mẹ tăng trọng: 8 – 10 kg do
- Thai: 3 kg
- Nhau thai: 0,5 kg
- Nước ối: 0,5 kg
- Tử cung: 1,0 kg
- Cơ thể mẹ tăng: 3 - 5 kg.
Để đáp ứng yêu cầu tăng trọng nói trên, ước tính phải cung cấp thêm cho bà mẹ suốt thời gian có thai một số năng lượng toàn phần là chừng 33.000 Kcal mà 90% trong số này là dành cho nhu cầu lớn lên và phát triển của thai. Tính trung bình mỗi ngày phải cung cấp thêm chừng hơn 80 Kcal trong hai quý đầu và chừng 250 Kcal mỗi ngày trong ba tháng cuối.
Cung cấp thêm cho mỗi phụ nữ khi mang thai
6 tháng đầu: 80 Kcal/ngày
3 tháng cuối: 250 Kcal/ngày.
Để đảm bảo cho thai lớn và phát triển bình thường mỗi bà mẹ (trung bình nặng 50 kg) mỗi ngày cần một lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu với tỷ lệ cung cấp năng lượng như sau:
Chất Protein (còn gọi là đạm), nhất là protein động vật (có trong thịt, cá, sữa, trứng...) cung cấp các acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tạo được, được xem là chất liệu cốt lõi tạo ra các tế bào là thành phần cơ bản của tất cả các bộ phận trong cơ thể của thai. Trong tế bào thì nhân tế bào quyết định tính di truyền và những hoạt tính chuyên biệt như các men xúc tác tất cả các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Chất béo, nhất là chất béo động vật (chứa trong các lá mỡ, trong dầu gan cá) chứa các acid béo thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được, là chất liệu không thể thiếu cho cấu trúc thần kinh hay nội tiết của thai.
Chất bột đường (gạo, mì, ngô, khoai, sắn...) là nguồn cung cấp năng lượng (calo) cho các hoạt động của thai (như tim thai đập, thai cử động). Nó cũng là nguồn năng lượng không thể thiếu cho sự tích luỹ các chất dinh dưỡng để thai lớn và phát triển. Chẳng hạn, cơ thể thai muốn tích luỹ 1g chất béo thì cần 11,5 Kcal, 1g chất đạm cần 7,55 Kcal.
Nhu cầu các chất dinh dưỡng hàng ngày cho một phụ nữ có thai (nặng 50 kg)
Chất dinh dưỡng | Nhu cầu năng lượng | Cần cung cấp theo thể trọng |
| (%) | 1 kg | 50kg |
Chất bột đường | 45 | 2,5g | 175g |
Chất béo | 35 | 2,0g | 100g |
Chất đạm | 20 | 1,5g | 75g |
Cơ thể thai nhi muốn tích lũy
1g chất béo cần 11,5 Kcal
1g chất đạm cần 7,55 Kcal
Một hậu quả nghiêm trọng do thiếu khẩu phần protein (động vật) khi có thai là làm giảm hàm lượng acid nhân trong tế bào não thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ sau này.
Những phụ nữ nào có nguy cơ thiếu dinh dưỡng khi mang thai?
Những phụ nữ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng khi có thai gồm:
- Thiếu nữ chưa đầy 19 tuổi đã mang thai. Trong trường hợp này, cân bằng năng lượng bị thâm hụt giai đoạn đầu vì nhu cầu phát triển thể lực của chính người phụ nữ còn chưa thực sự trưởng thành, nên rất cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, nếu không, chắc chắn trọng lượng thai sẽ giảm và sẽ đẻ non.
- Những phụ nữ đẻ nhiều và đẻ dầy
- Những người đã từng đẻ non hoặc những lần đẻ trước đây không thuận lợi.
- Đặc biệt, có những phụ nữ thiếu dinh dưỡng mạn tính trước khi có thai, trọng lượng chưa tới 45 kg, hoặc có các bệnh mạn tính ảnh hưởng tới tình trạng dinh dưỡng như: Lao, sốt rét, bệnh tim, thận... hoặc những phụ nữ khi có thai, nhất là những tháng cuối, ăn uống không đầy đủ theo nhu cầu mà vẫn phải lao động nặng.
Ngoài ra có hai lý do quan trọng ảnh hưởng đến dinh dưỡng khi có thai: Thiếu hụt dính dưỡng và các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính trước khi mang thai.
Thể lực phụ nữ (ở nông thôn nước ta hiện nay ở mức thấp so với chuẩn của Tổ chức y tế thế giới: Chỉ có chừng 50% đạt trọng lượng chuẩn và có tới 20% có trọng lượng rất thấp (chưa đạt tới 40 kg), trọng lượng cuối kỳ thai phần lớn chỉ tăng thêm 6 - 8 kg. Thể trọng giảm sút dần theo số lần đẻ, nạo, sẩy (có thể mất đi 3 - 7 kg nếu đẻ 4 - 6 lần).
Tình trạng thiếu máu (chủ yếu do thiếu dinh dưỡng và mắc một số bệnh nhiễm khuẩn mạn tính) là phổ biến, chừng 50% đã thiếu máu (hemoglobin chưa đạt tới 11g/dL) khi chưa có thai, và hơn 60% thiếu máu lúc có thai 3 tháng cuối.
Những nguyên nhân dẫn tới thể lực sút kém bao gồm:
- Điểu kiện dinh dưỡng thiếu hụt: thiếu năng lượng (cao) nhất là khi phải lao động (vừa và nặng). Chẳng hạn, thực tế chỉ được cung cấp chừng 2000 - 2200 kcal/ngày so với nhu cầu phải được cung cấp 2700 - 3000 kcal, với một phụ nữ trung bình nặng 50 kg, cao 1,52m. Trong chế độ ăn hàng ngày thiếu cả khẩu phần chất đạm lẫn chất béo (hiện nay chưa đạt 1/3 nhu cầu, theo một số cuộc điều tra).
- Mắc một số bệnh nhiễm khuẩn phổ biến như: Các bệnh giun sán đường tiêu hóa (giun đũa: giun móc...), bệnh lao, bệnh sốt rét (không phải chỉ ở miền núi, mà ở cả đồng bằng và miền ven biển). Những bệnh nhiễm khuẩn mạn tính này đã làm tiêu kiệt dinh dưỡng, đặc biệt gây thiếu máu (giun móc, sốt rét…).
- Điều kiện lao động nặng nhọc. Phần lớn hoặc hầu hết phụ nữ nông thôn, ngoài việc nội trợ, sinh đẻ và nuôi nấng con cái, còn phải trực tiếp tham gia lao động (nông nghiệp) nặng nhọc, vất vả chẳng kém gì đàn ông lại không được bù đắp năng lượng thỏa đáng.
- Sinh đẻ, nạo, sẩy nhiều lần cũng làm tiêu hao sức khỏe, phần lớn phụ nữ khi mang thai (nhất là 3 tháng cuối) và khi cho con bú (6 tháng đầu) đã không được cung cấp dinh dưỡng thỏa đáng tạo nên một tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng tích lũy.
- Gia đình nhiều miệng ăn (đông con, đẻ nhiều, đẻ dày) cũng làm giảm khẩu phần của mỗi người.
Hậu quá phụ nữ thiếu dinh dưỡng là đẻ non, đẻ nhẹ cân, thai nhi suy dinh dưỡng.
Những phụ nữ kém may mắn này sẽ có rất nhiều nguy cơ đẻ con nhẹ cân so với tuổi thai. Hậu quả khó tránh là trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh và chết non, hoặc đầu cố gắng chăm sóc và cứu chữa cũng dễ để lại di chứng nặng nề, nhất là những khuyết tật trí tuệ, tâm thần. Đó vừa là nỗi bất hạnh cho gia đình, vừa là một gánh nặng cho cọng đồng xã hội.
Nên dự phòng thiếu dinh dưỡng thai như thế nào?
- Nếu phụ nữ nào trước khi có thai nặng dưới 45 - 50 kg mà sau 20 tuần có thai chỉ tăng được 4 kg thì sau đó phải bổ sung mỗi ngày trung bình chừng 330 Kcal (tương đương 80 gam gạo) suốt thời gian còn lại trước khi đẻ. Như vậy mới tránh được tình trạng thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ lẫn thai.
- Trong khi có thai, người phụ nữ cần được khuyến khích và tạo điều kiện ăn theo nhu cầu, theo sở thích, chừng nào còn thấy ngon miệng.
- Nếu các chất dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ như đã nói ở trên thì không cần bổ sung đặc biệt nào ngoại trừ chất sắt (để phòng thiếu máu).
Để dự phòng thiếu máu khi có thai, người phụ nữ cần được cung cấp thêm mỗi ngày chừng 50 mg muối sắt hòa tan (dưới dạng viên sắt chẳng hạn) vào tháng cuối và hai tháng đầu sau khi đẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng hồng cầu cho mẹ và tạo khối hồng cầu cho con ở giai đoạn này.
Lời khuyên phòng thiếu máu cho phụ nữ có thai
Mỗi ngày cần được cung cấp thêm 50 - 60 mg muối sắt hòa tan vào:
* 1 tháng cuối (trước khi đẻ) và
* 2 tháng đầu sau khi đẻ (cho con bú)