Nghi thức là sự biểu lộ tượng trưng
cho tính đồng nhất của xã hội
Nghi thức là sự cử hành theo định kỳ một loạt những hành động về lòng tin, mà những hành động này cần phải giữ đúng tình trạng nguyên thủy, hoặc nhằm đạt đến những mục đích riêng biệt nào đó. Lễ nghi là một phức hợp gồm nhiều nghi thức. Tất cả mọi tôn giáo đều bao hàm nhiều nghi thức và lễ nghi, vì tính chủ quan trong niềm tin sẽ trở nên thuyết phục, hấp dẫn hơn nếu được biến thành sự khách quan. Như vậy, mặc dầu nghi thức có thể được phát triển trong những cơ hội hay nguyên nhân không có tính tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt luôn có khuynh hướng cải cách, tận dụng hình thức lễ nghi. Tất cả các tôn giáo ở cấp độ bộ lạc đều là phương tiện để mang lại một cái gì đó, chúng nhằm đến những sự vật có sẵn, giữ cho xã hội hòa hợp với những đòi hỏi của thế giới siêu nhiên, tác động đến những hoạt động của thế giới siêu nhiên theo cách hiện thực những khát vọng của các thành viên trong bộ lạc.
Thực ra nhiều tôn giáo chỉ là một vấn đề của sự trải nghiệm cá nhân, chẳng hạn như tôn giáo của thổ dân Bắc Mỹ, những người phải tìm kiếm cái ảo cảnh trong đó một vị thần linh sẽ ban cho họ cái phép màu về thuốc men chữa trị (quyền năng siêu phàm). Tuy nhiên, tất cả mọi tôn giáo đều xây dựng trên sự tham gia của cộng đồng bằng những hành động - những hành động không chỉ tác động lên sự vận hành của những quyền lực siêu nhiên, mà còn diễn tả sự đoàn kết của cộng đồng và đồng thời tiếp thu sự trung thành của tập thể, cũng như sự cam kết thống nhất với những mục đích của xã hội. Đây là luận điểm của Emile Durkheim, Malinowski và những người theo thuyết chức năng. Đối với Durkheim, người xem xã hội là thực thể cao nhất thì để giải thích một thực tại không cần viện dẫn đến một sự quái dị như Tylor - đã giải thích tôn giáo trên cơ bản những giấc mơ.
Durkheim đã xem sự tham gia vào nghi thức như là căn nguyên thực sự của tôn giáo. Con người vượt lên trên sự đơn điệu buồn tẻ để kéo dài cuộc sống và chia sẻ trạng thái xuất thần sung sướng của sự trải nghiệm thiêng liêng, điều chỉ đạt được trong các cuộc lễ nghi cúng bái hay nhảy múa tập thể định kỳ, ví dụ như điệu múa corroboree của những dân tộc bản địa châu Úc. Đối với Durkheim, tôn giáo là một sự biểu lộ tình đoàn kết xã hội và niềm tin cộng đồng. Sống đơn độc, con người không là gì cả. Con người chỉ nhận thức ý nghĩa và giá trị của mình khi họ là thành viên của một nhóm xã hội. Những nghi thức và niềm tin thiêng liêng tượng trưng cho xã hội. Phải chăng thượng đế và xã hội chỉ là một mà thôi (Nguyên văn tiếng Pháp: N’est-ce-pas que le dieu et la société font qu’un -ND).
Sự diễn giải của Durkheim về bản chất và nhiệm vụ của tôn giáo có thể là cực đoan. Tuy nhiên, ông ta đã đúng khi nhận ra rằng nghi thức và lễ nghi thể hiện tính chất vô hình, kết thành cái thực tế và cái có thể cảm nhận được, hình thành sự đoàn kết của cộng đồng.
Trong mỗi xã hội sơ khai, tất cả dân tộc đều tham gia vào một vài lãnh vực trong các lễ tiết tôn giáo. Tuy nhiên, vì mỗi xã hội lại bị phân cắt thường trực bởi những vấn đề như tính dục, tuổi tác, họ hàng, và các nhóm hôn phối mà từ những vấn đề này, con đường dẫn đến quyền lực tôn giáo hay những đặc quyền ban phát bởi tôn giáo trở thành không giống nhau. Thứ nhất, sau hàng bao nhiêu năm kinh nghiệm và học hỏi con người mới có thể hiểu biết đủ về những niềm tin cơ bản về tôn giáo, để có được cái tư thế hay địa vị tinh thông về những hoạt động tôn giáo. Trẻ con bao giờ cũng tham gia ở một trình độ thấp hơn.
Tôn giáo và ma thuật là những nguồn gốc của quyền năng; chúng cũng là những phương tiện để tác động hoặc kiểm soát quyền lực siêu nhiên, cái quyền năng lớn nhất trong mọi quyền năng. Cái uy quyền được giao phó cho những người trưởng thành là hoàn toàn cần thiết để duy trì sự tồn tại của nền văn hóa. Đây là lý do đặc biệt để duy trì trung tâm của quyền lực tôn giáo nằm trong tay của những người đã trưởng thành.
Các trung tâm quyền lực tôn giáo hầu như đều giao phó vào tay nam giới. Khuynh hướng thống trị của nam giới lại dẫn các ông đến sự độc quyền trong lĩnh vực siêu nhiên, quyền lợi chỉ giao phó cho riêng giới tính của họ. Xa hơn nữa, trong những xã hội phân chia giai cấp, quyền lực chính thức của tôn giáo hầu như không thể không đưa đến sự độc quyền của giai cấp thượng lưu, ăn trên ngồi trước.