Vàng da – xuất huyết và nhiễm trùng sơ sinh
Thế nào là vàng da sinh lý?
Vàng da sinh lý là vàng da mức độ nhẹ xuất hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba trong chừng 60 phần trăm số trẻ sơ sinh đủ tháng và 80 phần trăm trẻ thiếu tháng, và thường biến mất từ ngày thứ năm đến ngày thứ bảy. Hiện tượng vàng da này tùy thuộc mức tăng bilirubin trong huyết thanh do kết quả của sự phá vỡ các hồng cầu thai, kết hợp với một tình trạng thiếu tạm thời một loại men chuyển hóa bilirubin ở trong gan.
Ở trẻ đẻ non, mức tăng bilirubin trong huyết thanh cũng giống như trẻ đủ tháng hoặc hơi chậm hơn, song thường kéo dài hơn, có nồng độ cao hơn mà đỉnh cao vào ngày thứ 4 đến thứ 7. Tình trạng vàng da này tùy thuộc thời gian mà trẻ đẻ non cần có để hoàn tất các cơ chế trưởng thành của sự chuyển hóa và bài xuất bilirubin. Thường thì đỉnh cao của nồng độ bilirubin lên tới 8 đến 12 mg/100ml vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, nhưng ít khi kéo dài quá 10 ngày. Thường thì người ta chỉ xác định vàng da sinh lý bằng cách loại trừ những nguyên nhân đã biết gây ra vàng da dựa vào cách xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm cận lâm sàng. Nói chung phải tìm để xác định nguyên nhân vàng da nếu:
(1) Vàng da xuất hiện ngay trong 24 giờ đầu sau khi đẻ;
(2) Mức tăng bilirubin huyết thanh quá 5mg/100ml/ngày;
(3) Nồng độ bilirubin huyết thanh quá 12mg/100ml ở sơ sinh đủ tháng và quá 15mg/100ml ở sơ sinh thiếu tháng;
(4) Vàng da vẫn tồn tại quá một tuần hoặc nồng độ bilirubin trực tiếp cao quá 1mg/100ml ở bất kỳ thời điểm nào.
Bất luận yếu tố nào làm tăng gánh nặng bilirubin buộc gan phải chuyển hóa (bệnh nguyên hồng cầu thai, các bệnh thiếu máu tan huyết khác, đời sống hồng cầu bị rút ngắn do tình trạng không trưởng thành hoặc do truyền máu, bệnh nhiễm khuẩn), bất luận yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến hoặc làm giảm hoạt tính của men chuyển hóa bilirubin (tình trạng thiếu o xy của mô, nhiễm khuẩn, có lẽ cả hạ thân nhiệt và thiếu hụt hormon giáp trạng) hoặc bị khuyết tật di truyền, tình trạng đẻ non... thì đều có khả năng gây ra hoặc làm tăng vàng da. Nếu vàng da kéo dài quá một tuần thì nhất thiết cần đưa trẻ đi khám.
Vàng da nhân là gì?
Vàng da nhân là một hội chứng thần kinh bắt nguồn từ sự lắng đọng bilirubin không liên hợp (tức là bilirubin tan trong mỡ, hay bilirubin gián tiếp vào các nhân xám trung tâm của não, kể cả nhân tiểu não và nhân của các dây thần kinh sọ. Trẻ càng đẻ non càng có nhiều nguy cơ bị vàng da nhân. Các yếu tố khác như tình trạng tiêu huyết, ngạt thở, xẹp phổi, tình trạng nhiễm acid, trạng thái nhiễm lạnh, hạ đường huyết, nhiễm khuẩn... với mức độ khác nhau, đều có khả năng thúc đẩy nguy cơ vàng da xuất hiện. Ở trẻ đẻ non, vàng da nhân xuất hiện thường là hậu quả của việc dùng quá liều vitamin K hay các chế phẩm tương tự cho con hoặc cho mẹ.
Các dấu hiệu và triệu chứng vàng da nhân thường xuất hiện vào ngày thứ 2 tới ngày thứ 5 sau khi đẻ ở trẻ sơ sinh đủ tháng và muộn hơn, tới ngày thứ 7, ở trẻ đẻ non. Những triệu chứng ban đầu thường là ngủ lịm, bú kém và mất dần các phản xạ. Tiếp theo, đứa bé trở nên suy sụp, lâm vào tình trạng nguy kịch và không còn bú được nữa. Đứa trẻ nằm ở tư thế ưỡn lưng, thóp phồng, co giật ở mặt hoặc các chi và khóc thét. Về sau xuất hiện những cơn co giật và co cứng toàn thể và có thể tử vong. Những trẻ sống sót thường bị tổn thương nặng nhưng cũng có thể được hồi phục và hai hoặc ba tháng sau mới bộc lộ một vài triệu chứng. Đến năm thứ hai, tư thế ưỡn lưng và các cơn co giật có thể giảm nhưng xuất hiện các động tác thất thường không tự chủ hoặc co cứng cơ hay giảm trương lực cơ. Đến năm ba tuổi mới xuất hiện đầy đủ các triệu chứng thần kinh như múa giật, múa vờn, co giật, chậm khôn.
Chữa và phòng ngừa vàng da nhân như thế nào?
Bất luận nguyên nhân là gì, mục tiêu của việc điều trị vàng da cũng là nhằm ngăn ngừa nồng độ bilirubin gián tiếp trong máu khỏi tăng lên tới mức gây nhiễm độc cho tế bào thần kinh và khiến vàng da nhân xuất hiện. Có ba biện pháp đã được thực hiện: thay máu, liệu pháp ánh sáng, dùng thuốc phenobarbital.
1. Thay máu nhiều lần, tùy theo sự cần thiết để duy trì nồng độ bilirubin trong huyết thanh dưới mức 20mg/100ml ở trẻ đủ tháng, đã được ứng dụng rộng rãi.
2. Liệu pháp ánh sáng có tác dụng làm giảm vàng da, giảm nồng độ bilirubin máu do đó đẩy lùi nguy cơ xuất hiện vàng da nhân. Người ta cho rằng ánh sáng cường độ cao làm hư biến phân tử bilirubin và làm tăng bài xuất bilirubin gián tiếp qua đường mật.
Khi chiếu sáng, đứa bé phải cởi hết quần áo, và mặt phải che kín nhưng không nên băng quá chặt.
3. Cho uống phenobarbital có tác dụng tăng cường phản ứng liên hợp và tăng cường bài xuất bilirubin. Có thể hạn chế sự xuất hiện vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh nếu cho người mẹ uống một liều phenobarbital là 90mg/ngày trước khi thai sổ hoặc cho trẻ mới đẻ uống một liều 5mg/kg/ngày.
Vàng da tắc mật hay viêm gan sơ sinh
Các quá trình viêm ảnh hưởng đến gan trong vài tuần đầu hoặc vài tháng đầu sau khi đẻ có nhiều điểm khác các quá trình viêm ở lứa tuổi thiếu niên. Điều khác biệt chủ yếu là viêm gan sơ sinh có chiều hướng trở thành mạn tính, dễ bị xơ gan hoại tử và chết vì suy gan.
Triệu chứng thường gặp ở viêm gan sơ sinh là vàng da kéo dài, và tình trạng phân bạc màu (giống như cứt cò) có thể là do sự lưu thông các sắc tố mật (và những yếu tố khiến phân có màu vàng bình thường) từ gan tới đường ruột đã bị hoàn toàn tắc nghẽn. Chừng một phần ba số trẻ sơ sinh mang các dấu hiệu này được chứng minh là bị viêm gan; phần lớn số còn lại bị teo đường mật ngoài gan. Về lâm sàng, vàng da khởi phát vào tuần lễ thứ hai hoặc thứ ba sau khi đẻ, phân lúc đầu còn màu vàng bình thường rồi trở nên trắng bệch sau nhiều tuần.
Nếu là viêm gan sơ sinh, người ta tiến hành liệu pháp corticoid. Cho uống pretnison, với liều lượng 2mg/kg/24 giờ chia nhiều lần, liên tục trong hai đến ba tuần. Nếu sau thời gian này mà vàng da không đỡ thì không nên tiếp tục liệu pháp đó nữa. Nếu liệu pháp nói trên tỏ ra có tác dụng làm giảm triệu chứng vàng da thì nên duy trì với liều lượng thấp nhất nhưng đủ để ngăn ngừa vàng da vượng phát.
Mặc dầu hiên không có đủ lý do để tin rằng liệu pháp corticoid có tác dụng chữa khỏi viêm gan, song hiệu quả chống viêm của nó có thể đã làm giảm được quá trình tắc nghẽn và làm tăng mức bài xuất bilirubin.
Vàng da do tắc mật.
Sau đẻ chừng 10 ngày, tình trạng vàng da càng tăng hơn, đậm hơn ở lòng trắng mắt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Nước tiểu vàng, tăng cùng với vàng da, có khi sẫm như nước vối, tã loang lổ màu vàng, giặt không mất mầu.
Trái với nước tiểu vàng, phân lại trắng bệch như ma tít gọi là phân cò.
Một hai tháng đầu trẻ vẫn ăn uống, chơi bình thường, tiếp đó bụng to dần, các mạch máu nổi trên thành bụng, ngoằn ngoèo, gan, lách to, bắt đầu có những nốt, những mảng tím xuất huyết dưới da, do rối loạn đông máu mà gan giữ vai trò quan trọng.
Nếu là tắc đường mật bẩm sinh thì cách chữa duy nhất là giải phẫu.
Vì sao xuất huyết não muộn ở trẻ sơ sinh
Theo một thống kê của Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em, trong vòng 5 năm (1985- 1990), có tới gần 350 các cháu nhỏ trung bình 40 đến 60 ngày tuổi đến Viện cấp cứu vì chảy máu não. Các triệu chứng điển hình là đột nhiên trẻ nôn, bỏ bú, da xanh nhợt (chỉ nội trong một ngày), thóp căng phồng co giật rồi dần dần hôn mê và ngừng thở. Phải tiến hành rất khẩn trương hô hấp nhân tạo; cho thở máy, truyền dịch, truyền máu,... Việc điều trị thật khó khăn tốn kém nhưng tỷ lệ chết vẫn xấp xỉ 30 phần trăm. Trong số còn lại may mắn được cứu sống thì có tới 30 đến 50 phần trăm có di chứng thần kinh và phần nhiều sẽ trở thành tàn phế.
Điều đáng lưu ý là hơn 90 phần trăm số trẻ này là những trẻ sơ sinh đủ tháng, được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, 80 phần trăm là các cháu ở nông thôn và tất cả đều không được uống vitamin K dự phòng lúc đẻ.
Nguyên nhân chảy máu não (muộn) ở trẻ sơ sinh.
Vitamin K là một chất cần thiết để tạo ra một thành phần protein trong các yếu tố đông máu. Thiếu vitamin K sẽ gây chảy máu nặng, nhất là chảy máu não. Có hai nguồn cung cấp vitamin K: một là từ nguồn thức ăn, hai là do các vi khuẩn vốn cư trú sẵn trong ruột sản xuất ra.
Xuất huyết não (muộn) ở trẻ sơ sinh sở dĩ xảy ra là do thiếu vitamin K vì các lý do như sau:
1. Trẻ sơ sinh có nồng độ vitamin K trong máu rất thấp so với người lớn: chỉ bằng 1 phần 26 (0,01 so với 0,26 phân ngàn miligam trong 1ml) cá lượng dự trữ trong gan cũng vậy. Hơn nữa, lượng vitamin K từ mẹ truyền qua nhau thai cũng không đáng kể.
2. Thành phần vitamin K trong sữa mẹ rất thấp (2,5 microgam trong một lít), chỉ bằng 1 phần mười so với sữa bò (33mcg/l) nên điều nghịch lý cũng dễ hiểu là chảy máu não (muộn) hầu như chỉ xảy ra ở những trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn.
3. Trẻ mới đẻ cần mỗi ngày chừng 0,3 microgam cho mỗi kilogam thể trọng, nghĩa là chừng 1 microgam mỗi ngày. Trong 500ml sữa mẹ chỉ có một lượng vitamin K chừng 0,5-3 microgam, còn sữa bò có tới 1,5-45 microgam. Do vậy, lượng vitamin K trong sữa mẹ có thể không đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày cho lứa tuổi 1-2 tháng có thể trọng trung bình 4-5 kg, nhất là những trường hợp bà mẹ ít sữa. Kết quả là trẻ nhỏ bú mẹ hoàn toàn dễ bị thiếu vitamin K, nếu trẻ không được uống dự phòng lúc đẻ.
4. Tuyệt đại bộ phận trẻ sơ sinh mắc bệnh cháy máu não (muộn) là thuộc lứa tuổi 1-2 tháng, là lứa tuổi được nuôi chủ yếu bằng sữa mẹ. Nguồn vitamin K phong phú có trong các loại rau xanh (chứa trung bình 125-600 microgam trong 100 gam) thì trẻ chưa ăn được, còn nước trái cây, gạo, bánh mì lại có rất ít vitamin K (1-2 microgam/100gam).
5. Tỷ lệ xuất huyết não (muộn) ở trẻ sơ sinh tại các nước có thực hiện dự phòng nhất loạt bằng vitamin K sau khi đẻ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan... thì ở mức rất thấp.
Dự phòng bằng vitamin K
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ còn bú, nên việc nuôi con bằng sữa mẹ phải hết sức được khuyến khích. Song một sự thể nghịch lý cũng cần được thừa nhận nhằm phòng ngừa bệnh chảy máu não ở trẻ em là sữa mẹ lại thiếu một vitamin quan trọng. Do vậy nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ phải đồng thời phòng bệnh bằng vitamin K cho tất cả trẻ mới đẻ.
Sau đây là những khuyến nghị:
1. Trẻ mới đẻ đủ tháng, đủ trọng lượng: cho tiêm bắp vitamin K 1mg, hoặc cho uống vitamin K1 2mg. Những trẻ có nguy cơ cao (đẻ non, ngạt, suy thở...) tiêm bắp 0,5- 1mg (theo hướng dẫn của bác sĩ).
2. Nên cho uống vitamin Ki (Phyto- nadione) liều duy nhất 2mg nội trong 6 giờ sau khi đẻ. Nếu đẻ tại nhà, nên cho uống càng sớm càng tốt, lúc nhân viên y tế hay nữ hộ sinh đến thăm lần đầu tiên. Vitamin K1 dạng uống có ưu điểm độc tính thấp mà hiệu quả cao; các dạng vitamin K khác có thể gây tan máu hoặc làm tăng bilirubin trong máu.
3. Vitamin K có thể phải dùng nhiều đợt, theo hướng dẫn của bác sĩ, trong các trường hợp như trẻ bị tiêu chảy kéo dài, uống kháng sinh dài ngày, mắc bệnh gan mật hay hội chứng kém hấp thụ...
Mấy lời khuyên
* Dùng vitamin K dự phòng có thể ngăn ngừa được bệnh chảy máu não (muộn) rất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
* Cho tất cả trẻ mới đẻ uống một liều vitamin K1 2mg (hoặc tiêm bắp vitamin K 1mg).
* Vitamin K1 nên được xem là một trong các thuốc thiết yếu cung cấp rộng rãi cho tất cả các tuyến y tế cộng đồng (trạm y tế xã, bản, phường).
* phương pháp dự phòng đơn giản và ít tốn kém này sẽ góp phần bảo vệ hạnh phúc cho mỗi gia đình và góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ chết và tật nguyền ở trẻ em.
Nhiễm trùng sơ sinh (NTSS)
- Những nét đặc trưng của NTSS
Các bệnh nhiễm trùng là một nguyên nhân thường gặp và là nguyên nhân quan trọng gây bệnh và gây tử vong ở tuổi sơ sinh. Ước tính có tới 2% số thai nhi đã bị nhiễm trùng trong tử cung, và tới 10% số trẻ sơ sinh đã bị nhiễm trùng trong tháng đầu sau khi đẻ. Tính độc nhất vô nhị của các bệnh nhiễm trùng sơ sinh là hậu quả của một số yếu tố
1. Có nhiều phương thức lây truyền các tác nhân nhiễm trùng từ mẹ sang thai nhi hoặc trẻ sơ sinh. Tình trạng lan truyền từ rau thai qua đường máu có thể xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong kỳ thai, với những biểu hiện lúc đẻ hoặc vài tháng thậm chí vài năm sau khi đẻ hoặc muộn hơn. Việc lây nhiễm theo chiều đọc từ mẹ sang trẻ sơ sinh có thể diễn ra bên trong tử cung, ngay trước khi đẻ hoặc trong quá trình chuyển dạ - sổ thai - sau khi đẻ, đứa trẻ sơ sinh có thể bị tiếp xúc (phôi nhiễm) với các bệnh nhiễm trùng tại phòng dưỡng nhi hoặc tại cộng đồng. Với tính phức hợp ngày càng gia tăng tại các đơn vị chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh, những sơ sinh non tháng và đẻ nhẹ cân vẫn còn được chăm sóc và lưu lại một thời gian dài trong nuột điều kiện môi trường có nguy cơ nhiễm trùng cao.
2. Trẻ sơ sinh có thể ít có khả năng đáp ứng với nhiễm trùng do một hoặc nhiều thiếu hụt miễn dịch dính líu đến hệ lưới nội mô, đến hệ bổ thể, đến các tế bào đa nhân trung tính, các cytokines, các kháng thể hoặc tính miễn dịch qua trung gian tế bào.
3. Những bệnh của sơ sinh song song tồn tại gây rắc rối thêm cho chẩn đoán và điều trị các nhiễm trùng sơ sinh. Những rối loạn hô hấp như hội chứng màng trong có thể cùng tồn tại với viêm phổi do nhiễm khuẩn. Tình trạng nhiễm toan ảnh hưởng đến các chức năng của bạch cầu đa nhân.
4. Những biểu hiện cực kỳ da dạng của những bệnh NTSS gồm: nhiễm trùng chưa có triệu chứng lâm sàng, những dị tật bẩm sinh bắt nguồn từ nhiễm trùng trong ba tháng đầu kỳ thai nhưng hiện diện lúc đẻ hoặc sau này mới rõ, và những biểu hiện từ nhẹ tới nặng của nhiễm trùng cục bộ hoặc toàn thân.
Thời điểm phôi nhiễm trong tử cung, tình trạng miễn dịch, tác nhân bệnh căn... hết thảy đều ảnh hưởng đến biểu hiện bệnh ở một thai nhi hoặc một trẻ sơ sinh. Những tác nhân bệnh căn gồm đủ loại vi khuẩn, virus, nấm, động vật nguyên sinh (Protozoa = một vi sinh đơn giản nhất của thế giới động vật gồm những sinh vật chỉ có một tế bào) và mycoplasma (Một loại vi khuẩn thuộc nhóm Mollicutes, không có vỏ tế bào vi khuẩn thực sự). Nhiễm trùng của người mẹ là nguồn gốc nhiễm trùng từ rau sang thai, có thể có triệu chứng lâm sàng, thường là không cụ thể, hoặc chưa có biểu hiện lâm sàng, được nhận dạng bằng test huyết thanh hồi cứu, được xem là một phần lượng giá nhiễm trùng nghi vấn.
- NTSS diễn ra theo cách nào
Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng tại những thời điểm khác nhau theo ba con đường khác nhau: trong tử cung (qua rau thai), trong lúc đẻ (ngược dòng) và sau đẻ (tại bệnh viện hoặc tại cộng đồng), Trong phần lớn các trường hợp, nhiễm trùng trong tử cung là hậu quả của nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc rõ của nhiễm trùng sản phụ và truyền từ rau sang thai. Nhiễm trùng mắc phải trong tử cung có thể khiến phôi bị sẹo lại, gây sẩy thai, tử sản (thai chết lưu), dị tật bẩm sinh, chậm lớn trong tử cung, đẻ non, bệnh cấp diễn trong thời kỳ sơ sinh, hoặc nhiễm trùng dai dẳng không có triệu chứng có kèm di chứng thần kinh sau này. Trong một số trường hợp, không thấy có ảnh hưởng rõ đối với trẻ sơ sinh. Thời điểm nhiễm trùng trong kỳ thai sẽ ảnh hưởng đến kết cục. Nhiễm trùng trong ba tháng đầu thường ảnh hưởng đến quá trình tạo phôi và hậu quả là các dị hình bẩm sinh. Nhiễm trùng trong ba tháng cuối kỳ thai thường dẫn tới nhiễm trùng tiến triển vào lúc chuyển dạ. Tuy vậy, những bệnh nhiễm trùng muộn của kỳ thai có thể làm chậm biểu hiện lâm sàng cho đến một thời gian nào đó sau đẻ (ví dụ: bệnh giang mai). Ngoài việc nhiễm bệnh qua rau, thai nhi còn có thể bị nhiễm bệnh bởi các vi sinh từ âm đạo, xâm nhập dịch màng ối qua cổ tử cung, màng ối có thể nguyên vẹn hoặc không nguyên vẹn.
Nhiễm trùng nơi người mẹ là điều kiện tiên quyết cho các bệnh nhiễm trùng qua rau thai - với một số tác nhân bệnh căn, tính miễn dịch của người mẹ là vững chắc và kháng thể có tính bảo vệ ở người phụ nữ và thai nhi. Với một số tác nhân khác, kháng thể của người mẹ có thê cải thiện được hậu quả nhiễm trùng hoặc không có ảnh hưởng gì. Ngay cả trong trường hợp không có kháng thể của người mẹ, thì việc truyền bệnh qua rau thai cũng rất khác nhau, và rau thai thường có chức năng như một hàng rào hữu hiệu.
Nhiễm trùng quanh đẻ (chu sinh) là nhiễm trùng mắc phải đúng vào lúc trước hoặc trong khi sổ thai, với cách truyền các vi khuẩn từ mẹ sang sơ sinh. Hội chứng nhiễm trùng ối có nghĩa là sự xâm nhập vi khuẩn vào dịch ối, thường là hậu quả của vỡ ối đã lâu. Đôi khi, nhiễm trùng ối xảy ra mà màng ối còn nguyên vẹn và thời gian vỡ ối tương đối ngắn. Nhiễm trùng ối có thể gây rắc rối cho việc giám sát thai nhi. Nhiễm trùng dịch ối có thể không có triệu chứng, hoặc có thể làm cho sản phụ sốt cao, có kèm hoặc không kèm các dấu hiệu tại chỗ hoặc toàn thân của viêm màng ối. Thời gian vỡ ối có tương quan tỷ lệ thuận với sự hiện diện của viêm màng đệm ối. Hiện nay, vỡ ối quá 18h được xem là giới hạn cho việc gia tăng nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh. Đẻ khó, hoặc đẻ có sang chấn và đẻ sớm cũng làm nguy cơ gia tăng nhiễm trùng sơ sinh.
Tiếp xúc do hít phải vi khuẩn trong nước ối dẫn tới viêm phổi bẩm sinh hoặc nhiễm trùng toàn thể, với những biểu hiện thấy rõ trước khi đẻ (suy thai, nhịp tim nhanh), vào lúc đẻ (ngạt chu sinh) hoặc sau một giai đoạn tiềm ẩn vài giờ (hô hấp nguy kịch, shock (xốc). Hít phải vi khuẩn trong quá trình đẻ có thể dẫn tới nhiễm trùng sau một khoảng thời gian 1-2 ngày.
Tiến hành hồi sức lúc đẻ, nhất là có đặt ống nội khí quản, đặt catheter vào mạch rốn, hoặc cả hai, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn, có thể vì lý do đẻ non, có bệnh nhiễm trùng vào lúc đẻ, hoặc do ảnh hưởng đến tình trạng thông thoáng của đường thở.
Nhiễm trùng sau đẻ có thể được lây truyền do trực tiếp tiếp xúc với nhiều người, như người mẹ, những tiếp xúc của gia đình và nhân viên bệnh viện; do sữa mẹ (virus HIV...); hoặc qua các dụng cụ trang thiết bị đã bị lây nhiễm tại bệnh viện.
Phần lớn những trường hợp viêm màng não bắt nguồn từ nhiễm vi khuẩn qua đường máu. Ít xảy ra hơn, là viêm màng não do nhiễm trùng từ một khuyết tật ống thần kinh, những xoang bẩm sinh, hoặc xâm nhập những vết tiêm chích ở da đầu hoặc những máy giám sát điện tâm đồ đặt trong thai.
Nhiễm khuẩn mô tế bào não và nhồi máu do nhiễm khuẩn huyết là hiện tượng thường gặp trong viêm màng não nhiễm khuẩn. Những ổ áp xe (abces) viêm não thất, tràn dịch não thất và tràn dịch dưới màng cứng thường xảy ra nhiều hơn ở sơ sinh so với trẻ em.
- Uốn ván rốn sơ sinh cũng có thể ngăn ngừa được bằng chăm sóc rốn vô trùng. Nhiễm HIV có thể giảm thiểu nguy cơ bàng cách điều trị cho người mẹ.
- Việc xử lý tích cực viêm ối – gai rau nghi ngờ ở người mẹ bằng kháng sinh trước khi sổ thai, cho đẻ nhanh và hóa dược dự phòng trong lúc đẻ đều tỏ ra giảm thiểu được tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong chống lại các bệnh nhiễm trùng sơ sinh do vi khuẩn (còn nhạy cảm với ampicilline) trước hết là nhóm liên cầu B.
- Dự phòng nhiễm trùng tại bệnh viện cho sơ sinh là việc phức hợp bao gồm: cọ rửa 2 phút trước khi vào phòng dưỡng nhi, rửa sạch tay 15 giây trước mỗi lần khám, có các phương tiện tiệt khuẩn cho cán sự điều dưỡng và bác sĩ thường trú, có đủ nhân viên phục vụ, tránh ra vào đông người, và thận trọng thực hiện cách ly cụ thể. Kiểm soát những đợt nhiễm trùng xảy ra tại khoa phòng. Những biện pháp thường được sử dụng gồm điều tra mức độ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh và nhân viên chăm sóc, tìm kiếm một nguồn nhiễm trùng chung, thay các dung dịch khử trùng và dự phòng bằng các tác nhân kháng khuẩn. Chăm sóc rốn, tiệt trùng các trang thiết bị và rửa tay là biện pháp mấu chốt còn việc mặc áo choàng không được chứng minh là luôn luôn hữu hiệu.
- Viêm phổi sơ sinh (VPSS)
Những dấu hiệu và triệu chứng sớm của VPSS thường không cụ thể gồm: bú kém, li bì, quấy khóc, da hơi tái, thay đổi thân nhiệt, chướng bụng và một ấn tượng chung là đứa bé không được khỏe như trước. Ho chỉ báo một bất thường, thường là nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới. Khi trở ngại hô hấp gia tăng thì xuất hiện thở nhanh, nhịp tim nhanh, cánh mũi phập phồng, có tiếng rên, co kéo, xanh tím, cơn ngừng thở và dần dần suy hô hấp. Nếu là trẻ đẻ non, thì những dấu hiệu suy thở tuần tiền này có thể giống bệnh màng trong hoặc bệnh loạn sản phế quản phổi (thường do thở o xy nồng độ quá cao một thời gian dài).
Bệnh VPSS có thể tiến triển theo nhiều cách. Nhiễm trùng tối cấp phần lớn đi kèm với bệnh nhiễm khuẩn máu do liền cầu khuẩn nhóm B ở trẻ còn bú đủ tháng hoặc thiếu tháng. Bệnh khởi phát vài giờ hoặc vài ngày sau đẻ, bé thường có biểu hiện suy tuần hoàn và suy thở tăng dần.
Ngược lại, nếu là những trẻ lớn hơn nhiễm trùng mắc phải tại cộng đồng thì tiến triển lặng lẽ hơn. Trẻ thường bắt đầu bằng những triệu chứng đường hô hấp trên hoặc viêm kết mạc. Tiếp theo là triệu chứng ho không có đờm. Trẻ thường không sốt, nên gọi là “hội chứng viêm phổi không sốt”, thường do một số virus.
- Nhiễm trùng huyết sơ sinh (NTHSS)
Cụm từ này mô tả một hội chứng đáp ứng viêm toàn thể gồm hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng: (1) sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, (2) nhịp tim nhanh, (3) thở nhanh, (4) công thức bạch cầu không bình thường hoặc tăng số lượng bạch cầu non. Hội chứng này có thể do nhiều nguyên nhân: chấn thương, sốc mất máu hoặc những nguyên nhân khác do thiếu máu cục bộ. Nhưng nếu là do nhiễm trùng thì được gọi là nhiễm trùng toàn thể (sepsis). Sự thực thì với trẻ sơ sinh, những triệu chứng trên là do rối loạn chuyển hóa và huyết động là hậu quả của nhiễm trùng toàn thân gây ra; cấy máu có thể tìm thấy vi khuẩn trong máu, những triệu chứng nói trên là do các độc tố vi khuẩn gây ra.
- Dự phòng nhiễm trùng sơ sinh bằng cách nào?
Một số các bệnh nhiễm trùng trong tử cung có thể ngăn ngừa được thông qua tiêm chủng cho người mẹ, như văcxin viêm gan B, bại liệt, rubeon, uốn ván. Bệnh sốt rét khi mang thai cần phòng ngừa bằng hóa dược.