Những rối loạn thường gặp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh khóc yếu
Tiếng khóc “chào đời” đối với mỗi con người mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cất tiếng khóc chào đời là bằng chứng hiển nhiên nhất của sự hô hấp đã được thiết lập ngay khi sổ thai.
Ngược lại tiếng rên hay tiếng khóc yếu là một Dấu hiệu tiên lượng xấu mà nguyên nhân thường là một thương tổn nghiêm trọng ở phổi (xẹp phổi, xuất huyết phổi, hít phải dịch ối, v.v...) hoặc thương tổn não (sang chấn não, chảy máu não...) hoặc một tình trạng truy mạch (hay choáng) vì những lý do này khác. Song bất luận nguyên nhân là gì, tiếng khóc yếu của trẻ sơ sinh cũng là một dấu hiệu nguy kịch đòi hỏi phải được săn sóc hết sức tích cực ,và xử lý khẩn trương.
Nữ bác sĩ Ap-ga, một thầy thuốc gây mê, bằng những kinh nghiệm lâu năm, nhờ quan sát tỉ mỉ đã thiết lập một thang điểm mang tên Ap-ga để giúp đánh giá nhanh chóng và chính xác tình trạng toàn thân của trẻ sơ sinh lúc mới ra đời.
Đúng một phút sau khi đứa trẻ ra đời, người ta đánh giá về 5 dấu hiệu khách quan, và mỗi dấu hiệu được cho điểm: 0 hay 1 hoặc 2. Tổng số điểm là 10 (điểm Ap-ga 10) chỉ ra rằng đứa trẻ ở trong một tình trạng hoàn hảo. Các thống kê cho biết, nếu điểm Ap-ga là 0-1 tính trong một phút sau khi đẻ thì tỷ lệ chết trên 20%, tính trong 5 phút thì tỷ lệ đó lên tới gần 50%, nếu điểm Ap-ga là 5 trong 1 phút thì tỷ lệ chết gần 5%, trong 5 phút tỷ lệ đó lên tới 10%; ngược lại, nếu điểm Ap-ga là 7-8 tỷ lệ chết chỉ có vài phần trăm.
Cần nhớ nếu điểm Ap-ga là 0 - 1, nghĩa là trẻ bị ngạt phải tiến hành ngay lập tức hô hấp nhân tạo (đặt nội khí quản, thở máy, hay bóp bóng, hà hơi thổi ngạt).
Bảng: Thang điểm Ap-ga
Dấu hiệu | Điểm 0 | Điểm 1 | Điểm 2 |
1. Tần số tim | Không có (ngừng tim) | Dưới 100 lần/phút | Trên 100 lần/phút |
2. Thở | Không (ngừng thở) | Chậm, không đều | Tốt, khóc to |
3. Trương lực cơ | Nhão | Các chi hơi gấp | Cử động mạnh |
4. Đáp ứng khi thông lỗ mũi (sau khi lau sạch mũi, họng) | Không | Nhấp nháy | Ho hoặc hắt hơi |
5. Màu da | Xanh, tái | Mình hồng, các đầu chi xanh | Hoàn toàn hồng hào |
Trẻ sơ sinh bỏ bú
Đối với bé mới đẻ, bỏ bú phải được coi là hiện tượng bất thường không thể bỏ qua. Nếu bỏ bú vì tưa họng thì chữa tương đối dễ dàng. Song bỏ bú thường lại là dấu hiệu của một bệnh nặng hơn, mà đáng chú ý nhất là bệnh uốn ván rốn.
Uốn ván rốn mà trước đây thường được gọi là “sài chạm cữ” là một bệnh nhiễm khuẩn xuất phát từ rốn. Từ đó vi khuẩn uốn ván tiết ra một thứ độc tố ngấm vào các tổ chức thần kinh gây những cơn giật co cứng. Dấu hiệu quan trọng nhất là bỏ bú và cứng hàm thường xuất hiện vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 12 sau khi đẻ, phổ biến là vào ngày thứ 5-7, rất ít khi sau hai tuần lễ. Những ngày trước trẻ vẫn bú khỏe và hầu như không có chuyện gì xảy ra. Đột nhiên trẻ khóc và bỏ bú, hoặc bú nhưng cắn đầu vú gây cảm giác rất đau cho người mẹ, hoặc bỏ bú hoàn toàn. Đó là triệu chứng cứng hàm do cứng các cơ nhai. Tiếp đó là những cơn giật co cứng toàn thân. Có thể tự phát hoặc do một kích thích nào đó gây nên như tiếng động, ánh sáng, thay tã lót... Bệnh càng nặng nếu xuất hiện sớm (thời gian ủ bệnh ngắn), cơn giật liên tục kéo dài, sốt cao. Tính mạng đứa bé bị đe dọa trực tiếp bởi những cơn tím và ngừng thở trong một đợt co cứng kéo dài. Song phần lớn trẻ bị chết vì nhiễm khuẩn phổi và vì cơ thể suy mòn.
Tỷ lệ chết do uốn ván rốn ở trẻ mới đẻ hiện nay còn khá cao, mặc dầu có khi được mang sớm tới bệnh viện nên điều quan trọng nhất là phải dự phòng. Nguyên nhân đưa đến bệnh này là rốn bị nhiễm vi khuẩn uốn ván khi đứa trẻ bị cắt rốn bằng những dụng cụ bẩn như liềm, mảnh nứa, mảnh sành, dao hay kéo gỉ không được khử trùng. Đó là những tập quán xấu, phản khoa học trước đây của một số bà mụ vườn. Tuy vậy, ngày nay nếu người hộ sinh nào không luộc thật kỹ những đồ dùng như dao, kéo trước khi đỡ đẻ hoặc nơi đỡ đẻ không được giữ vệ sinh tốt, người đỡ đẻ không đảm bảo quy tắc vô trùng thì vẫn có thể gây ra bệnh uốn ván rốn. Một tình huống nữa để sinh ra bệnh uốn ván rốn là đẻ rơi. Nhiều bà mẹ vì quá tham công tiếc việc, sắp đến ngày ở cữ rồi mà vẫn không nghỉ việc, có thể đẻ ngay bên bờ ruộng, ở giữa chợ hay trên đường về nhà. Những tình huống bất ngờ như vậy khó có thể được đỡ đẻ trong điều kiện vô trùng tốt, và lẽ tất nhiên khó thoát khỏi tai biến này.
Bỏ bú có thể là triệu chứng của một số bệnh nặng khác như chảy máu não, viêm màng não, viêm phổi v.v..., cần sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Trẻ mới đẻ có cơn tím?
Cơn tím tái là biểu hiện một trạng thái suy hô hấp cấp do não bị tổn thương hoặc do tổn thương bộ máy hô hấp làm ngăn trở sự trao đổi dưỡng khí và thán khí. Cơn tím có thể diễn ra dưới nhiều hình thái và thường dẫn tới những cơn ngừng thở rất nguy hiểm. Đây thường là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây tử vong ở trẻ mới đẻ.
Trước hết là bệnh chảy máu não. Bệnh có thể xuất hiện ngay vài giờ sau khi đẻ, có khi 2 đến 3 ngày sau, cũng có khi 3 tuần sau mới xuất hiện. Triệu chứng bắt đầu thường là trẻ hay quấy khóc, run tay chân và những dấu hiệu kích thích thần kinh. Song triệu chứng chắc chắn nhất là rối loạn nhịp thở kèm những cơn tím, cơn tím tự nhiên hoặc xuất hiện do một kích thích nào đó như cho bú, thay tã lót, tắm, cân... Nhịp thở mạnh, nhanh rồi giảm, yếu dần với một giai đoạn ngừng thở lâu rất nguy hiểm. Trong lúc này có thể lên cơn giật, người tím đen lại. Những trường hợp nặng, trẻ nhợt nhạt, tay chân lạnh toát, hôn mê, bỏ bú..., Nguyên nhân gây nên chảy máu não ở trẻ sơ sinh một phần là do thành mạch máu dễ vỡ, hay thấy ở trẻ đẻ non tháng. Nhưng phần lớn là do những chấn thương trong khi đẻ như ngôi mông, đẻ nhanh quá hay lâu quá, đẻ bằng kẹp thai, hoặc những trường hợp mà thai nhi đã bắt đầu thở khi còn trong tử cung như nhau tiền đạo, nhau bong non: sa cuống rốn..., cũng có thể do thiếu vitamin K trong máu khiến cho máu chậm đông. Vì những lý do trên người ta khuyên đối với tất cả trẻ đẻ non tháng hay đẻ khó, nên tiêm một ống vitamin K (10mg) trong vòng vài ngày.
Trong những trường hợp tổn thương ở phổi như xẹp phổi, xung huyết phổi, hít phải nước ối, viêm phổi, hít phải thức ăn hay chất nhầy... trẻ lúc nào cũng tím, lúc khóc có đỡ tím hơn một chút. Nếu là do những dị tật tim mạch bẩm sinh (đổi chỗ các mạch máu lớn, đảo vị trí tim mạch và các phủ tạng), ruột chui qua cơ hoành lên lồng ngực gọi là thoát vị cơ hoành (xem ảnh) thì bé lúc nào cùng tím, càng khóc càng tím hơn, không những tím môi mà tím cả mồm, màng tiếp hợp ở mắt.
Thoát vị cơ hoành
Các tạng trong ổ bùng chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị cơ hoành
Cơn tím ở trẻ mới đẻ do bất cứ nguyên nhân gì cũng là một tình huống xấu, cần sớm đưa tới thày thuốc mới có khả năng hạn chế tử vong.
Trẻ mới đẻ nôn trớ
Nôn trớ ở trẻ mới đẻ là hiện tượng hay gặp. Có khi nó chỉ là chuyện bình thường. Vài giờ sau khi đẻ, trẻ được bú, có thể nôn ra một ít chất nhầy hoặc lẫn tí máu. Đó là do niêm mạc dạ dày bị kích thích vì đã nuốt phải những chất bẩn (nước ối, chất dịch trong âm đạo...) khi thai sổ. Những ngày sau, nếu thỉnh thoảng nôn ra nước sữa có thể là ăn no quá hoặc bú tham quá, bú ca hơi làm căng dạ dày gây phản xạ nôn. Trường hợp này, không nên cho trẻ bú luôn một hơi dài mà nên ngắt giữa chừng cho trẻ bú 5 - 10 phút rồi ngừng lại, sau 5 – 10 phút lại cho bú tiếp. Nên chú ý là nếu trẻ hay nôn trớ, cần theo dõi sát sau khi bú: không nên đặt trẻ nằm ngay, trẻ có thể nôn rồi hít ngay phải thức ăn vào phổi rất nguy hiểm.
Song điều quan trọng hơn cả là phát hiện sớm những bệnh tắc ruột hay hẹp ruột bẩm sinh. Hay gặp nhất là tắc tá tràng, tức là đoạn ruột non tiếp ngay phần dưới dạ dày. Ngay trong ngày đầu, trẻ đã không có phân sử hoặc chỉ thấy rất ít một thứ phân trắng vì mật không chảy vào ruột do bị tắc. Trẻ nôn ngay từ ngày thứ hai, thứ ba, bao giờ cũng nôn ra nước mật màu xanh hay vàng, hoặc nôn ra một chất giống như phân. Bụng trướng ở phần trên rốn (thượng vị) do dạ dày trướng hơi và thức ăn không xuống được. Những trường hợp này phải mổ để giải phóng chỗ tắc, mổ càng sớm càng tốt.
Teo thực quản, tức là phần... ống tiêu hóa nối với dạ dày, Và lỗ rò khí. - thực quản tuy hiếm gặp, song nếu phát hiện sớm vẫn có nhiều khả năng chữa khỏi.
Triệu chứng teo thực quản bao gồm:
- Tuyệt đại đa số xảy ra ở trẻ đẻ non (dưới 2,5 kg).
- Không có phân su, lẽ ra phải có, 6 - 12 giờ sau đẻ.
- Nôn và tím tái mỗi lần trẻ bú.
- Quanh miệng bé có bọt, như bọt ở miệng con cua, nên gọi là bọt cua, khi lau sạch, bọt cua lại xuất hiện. Do nước bọt đáng lẽ xuống dạ dày, nhưng do teo phía dưới, không có lối thoát phải đùn ngược lên miệng. Nước bọt tiết ra liên tục nên bọt cua cũng tồn tại liên tục.
- Bụng chướng: do không khí từ phổi tràn vào dạ dày qua chỗ thực quản cắm vào.
Bé khó thở, nhịp nhanh và nông. Cũng vì đoạn dưới thực quản cắm vào phế quản nên dịch dạ dày trào ngược lên, làm bít một phần hoặc phần lớn đường dẫn và các túi phổi (phế nang, đơn vị nhỏ nhất của phổi), Giảm chức năng hấp thụ o xy và thải carbonic, trẻ trong trạng thái ngạt thở - chết đuối trên cạn hoặc tương tự như viêm phổi nặng.
Thường thì vì trẻ nôn liên tục, nôn hết sau mỗi lần bú, nên bác sĩ cho đặt 1 ống thông vào dạ dày. Nhưng mỗi lần đặt ống thông cao su vào rồi lại rút ra vì đầu ống cao su không vào được dạ dày, lại tòi ra miệng. Đây là một dấu hiệu quan trọng, có giá trị dương tính của teo thực quản. Khi đặt ống cao su ở đầu có chất cản quang hoặc bơm 2-3 ml chất cản quang vào, ta sẽ nhìn thấy trên phim một túi cùng, một triệu chứng X quang có giá trị quyết định.
Nên tiêm kháng sinh để điều trị viêm phổi, thường xảy ra ở 100% bệnh nhân trước khi chuyển đến cơ sở giải phẫu. Cho dù trẻ rất đói và mất nước nhưng không được cho bú, vì sữa không xuống được dạ dày, sẽ trào ngược lên miệng và tràn vào phổi.
Sau mổ, bé được nuôi dưỡng, bằng đường tĩnh mạch và nằm lại ở bệnh viện chừng 3-6 tháng hoặc hơn, nếu cần. Phải bơm thức ăn qua 1 ống cao su đặt trong dạ dày, kéo dài 3-6 - 12 tháng. Được chăm sóc chu đáo, trẻ sẽ phát triển bình thường như bao trẻ khác.
Trẻ trướng bụng
Có thể do liệt ruột, ruột trướng hơi hoặc do tắc, hẹp hay teo một đoạn ruột nào đó.
Những trường hợp liệt ruột làm trướng bụng có thể là do tiêu chảy, trong ruột có hiện tượng lên men, sinh nhiều hơi hoặc do hạ kali máu, hoặc do một bệnh nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết: rốn bẩn, hôi, có mủ. Da chung quanh rốn tấy đỏ, nếu ấn mạnh mủ có thể chảy ra. Vi khuẩn từ đó theo các mạch máu rốn đi sâu vào các phủ tạng bên trong. Bụng sẽ trướng dần đồng thời trẻ ở trong một tình trạng nhiễm khuẩn nặng: da xanh, môi khô, vẻ mặt hốc hác, da cũng khô, tay chân lạnh, bé gầy sút nhanh. Những trường hợp này phải dùng kháng sinh liều rát cao, truyền máu và những thuốc cần thiết khác mới mong cứu được trẻ. Trong trường hợp viêm phổi nặng bé bị thiếu dưỡng khí trầm trọng cũng có thể dẫn đến tình trạng trướng bụng.
Những trường hợp trướng bụng do liệt ruột thường là bụng trướng toàn thể nhưng không nôn, vẫn đi tiêu và đánh hơi bình thường. Song nếu là trướng bụng do tắc hay hẹp ruột bẩm sinh thì thường xuất hiện rất sớm, có khi chỉ vài giờ sau khi đẻ nếu là tắc ở trên cao (đoạn tá tràng chẳng hạn) hoặc một vài ngày sau nếu là teo đoạn ruột phía dưới (teo ruột già...). Tắc hay hẹp ruột bao giờ cũng nôn, có khi nôn ra nước mật (tắc tá tràng ở phía dưới đường dẫn mật), hoặc nôn vọt ra thức ăn, bé thường đi tiêu được một lần ra phân su mà thôi. Tắc ruột, hẹp ruột, hay teo ruột ở trẻ mới đẻ là một loại dị tật bẩm sinh, chỉ có thể hy vọng chữa được bằng phẫu thuật. Nếu để muộn, trướng bụng cứ tăng lên làm cho bé thở khó, và nguy hiểm hơn nữa là bé nôn tiếp tục, rồi lại hít phải chất nôn vào phổi gây ngạt thở.
Trướng bụng do bất cứ lý do gì cũng là một triệu chứng nặng cần đưa trẻ sớm tới thầy thuốc, không nên tùy tiện chữa ở nhà, nhất là chườm tỏi lên bụng dễ gây bỏng tại chỗ, hoặc cho uống “thuốc nam” rất nguy hiểm.
Trẻ mới đẻ nôn ra máu, đi tiêu ra máu.
Trong vòng 2 đến 5 ngày đầu sau khi đẻ, đứa trẻ hay có triệu chứng xuất huyết. Có thể xuất huyết nhiều nơi: chảy máu dưới da, chảy máu rốn, chảy máu dưới màng tiếp hợp (mắt), chảy máu mũi, chảy máu mồm. Song quan trọng hơn cả là chảy máu đường tiêu hóa (dạ dày, ruột) đưa đến đi tiêu ra máu, nôn ra máu. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vitamin K mà cơ thể trẻ chưa tự tạo lấy được vì trong ruột chưa kịp phát triển một số vi khuẩn cần thiết đủ giúp cho cơ thể tổng hợp được loại vitamin này. Đi tiêu ra máu ở trẻ sơ sinh tương đối dễ phát hiện. Bé đi tiêu ra phân đen giống như cứt su hoặc như bã cà phê, nhưng để lại một quầng đỏ trên tã. Cũng có khi lầm với trường hợp bé nuốt phải máu từ vết nứt ở đầu vú người mẹ, song đây chỉ là chuyện hãn hữu thôi. Khi chảy máu đường tiêu hoá, bé thường không chịu bú và có khi nôn ra máu, nếu là chảy máu nhiều ở dạ dày. Trong trường hợp nặng, máu tươi từng giọt chảy ra từ hậu môn, người xanh nhợt, tay chân lạnh, mạch nhanh nhỏ, cần được truyền máu ngay.
Để ngăn ngừa các tai biến này xuất hiện, cách tốt nhất là nên dự phòng bằng vitamin K cho trẻ mới đẻ.
Trẻ mới đẻ “hành kinh, tiết sữa”?
Đây không phải là hiện tượng hành kinh thực sự như người lớn. Đối với một thiếu nữ, lần hành kinh đầu tiên là dấu hiệu chủ yếu của tuổi dậy thì. Ở trẻ mới đẻ ngược lại, tuy máu chảy từ tử cung qua âm đạo ra khỏi cửa mình, nhưng lại không phải là hành kinh thực sự. Hiện tượng này chỉ thấy trong vài ngày sau khi đẻ và nên xem đó là hiện tượng bình thường. Lý do chính là do tác dụng của các chất nội tiết sinh dục của người mẹ qua nhau thai truyền sang cho con vào thời kỳ trước khi chuyển dạ. Chất nội tiết này có tác dụng gây sung huyết ở bộ phận sinh dục (niêm mạc tử cung) do đó có thể gây ra hiện tượng “có kinh” giả tạo. Đồng thời nó làm cho âm hộ đứa bé sưng lên, có khi vú cũng to lên và tiết ra ít sữa non.
Song chỉ mấy ngày sau, chất nội tiết đó bị đào thải dần ra ngoài và các hiện tượng kia cũng mất theo. Không có điều gì đáng lo ngại và không nên can thiệp gì cả, trừ phi có chảy máu thêm ở nơi khác mới nên nghĩ tới một bệnh khác (về máu) phức tạp hơn.
Trẻ sơ sinh “tiết sữa” là một trong những hiện tượng thường gặp trong vòng một tuần lễ đầu, song ít thấy ở trẻ nhiều tháng. Cả sơ sinh trai lẫn gái đều cương vú hai bên, nắn có thể ra một ít “sữa non”. Trẻ gái hay kèm theo hiện tượng sưng âm hộ và chảy ra một ít chất nhày trắng ở cửa mình (nhưng không phải là mủ), tựa như một thể khí hư ở người lớn. Đây không phải là tình trạng nhiễm khuẩn mà chỉ là một chất dịch tiết ra từ các tuyến ở tử cung hay ở âm hộ. Chớ nên nắn bóp cho sữa chảy ra vì sẽ có nguy cơ gây ra nhiễm khuẩn nguy hiểm, cứ để mặc nó, vài ngày sẽ tự tiêu hết. Trong trường hợp thật cần thiết, vú sưng quá to, có sự hướng dẫn của thầy thuốc mới cần băng một chất để chống sung huyết tại chỗ.
Sở dĩ có những “biến loạn sinh dục” này là do tác dụng nhất thời của một số chất nội tiết từ mẹ truyền sang. Đó là chất foliculin làm cương vú và bộ phận sinh dục, chất prolactin, một hormon của tuyến yên gây kích thích bài tiết sữa. Những hiện tượng biến loạn này chỉ xuất hiện trong vòng một tuần rồi tự biến mất vì các hormon kia sẽ bị bài xuất ra ngoài.
Sưng bìu ở trẻ mới đẻ có nguy hiểm không?
Bìu của nhiều trẻ em trai bị sưng to, có khi mọng nước. Lý do có thể là trong những trường hợp đẻ ngôi mông, khi chuyển dạ, mông sổ trước, làm cho máu tụ ở bộ phận sinh dục do tác dụng của các cơn co tử cung đồng thời do sự đè ép của các phần mềm vào ngôi trong quá trình thai sổ. Cũng có thể là một hiện tượng tràn dịch màng tinh hoàn. Đây cũng là một hiện tượng sinh lý bình thường đối với trẻ sơ sinh.
Trong thời kỳ bào thai, màng bụng và màng tinh hoàn là một, chỉ về sau, trong quá trình tinh hoàn di chuyển từ ổ bụng xuống định cư ở bìu thì màng tinh hoàn mới ngăn cách hẳn với màng bụng. Nước từ ổ bụng đọng lại trong màng tinh hoàn sẽ gây ra hiện tượng tràn dịch ở đó. Hiện tượng này sẽ mất đi trong vòng một tuần đầu vì nước sẽ tự tiêu đi.
Một lý do nữa làm cho bìu to có thể là thoát vị bẹn. Nếu màng bụng không đóng kín lại được, vẫn thông với màng tinh hoàn qua ống bẹn thì một bộ phận của ruột, thường là một số quai ruột, sẽ tự do “lọt” xuống bìu qua ống bẹn, làm cho bìu to hẳn lên so với bên kia, người ta gọi đó là thoát vị bẹn. Có thể sơ bộ phân biệt với một trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn bằng cách dùng đèn pin soi trước bìu, nếu bìu trong suốt thì đó là tràn dịch, nếu nhìn bị mờ thì đó là ruột. Tuy vậy, vẫn nên nhờ thầy thuốc thăm khám cho trẻ. (Xem ảnh phụ bản phần 2)
Trẻ mới đẻ tưa miệng.
Tưa miệng là một bệnh nhiễm nấm xuất hiện ở niêm mạc miệng. Loại nấm này bình thường có thể xuất hiện ở những trẻ em khỏe mạnh nhưng không gây bệnh vì sức chống đỡ của cơ thể tốt. Trên những trẻ đẻ non, ốm yếu, nuôi dưỡng kém nghĩa là trẻ có sức chống đỡ tồi, nấm đó dễ phát triển thành bệnh. Với trẻ mới đẻ, nguồn lây trực tiếp có thể là nấm trong âm đạo của người mẹ.
Khi phát triển nhiều nấm tạo thành những lớp vẩy trắng giống như cặn sữa bao phủ khắp niêm mạc miệng, lợi, vòm miệng và vòm hầu. Nếu nấm phát triển nhiều làm cho bé đau không bú được, không nuốt được, quấy khóc và gầy sút nhanh.
Khi mới xuất hiện, nấm rất dễ chữa. Có thể đánh tưa bằng thuốc tím gentian dung dịch 1% hoặc xanh methylen 1%. Dùng một tăm cuộn bông thấm nước tẩm thuốc rồi bôi lên trên các vẩy nấm, ngày bôi 1-2 lần, trong vòng 3-5 ngày là khỏi. Thuốc tím gentian vừa có tác dụng diệt ngay nấm tại chỗ, vừa làm cho niêm mạc đỡ phù, trẻ đỡ đau mà hoàn toàn không gây cảm giác khó chịu.
Nếu không chữa sớm nấm có thể lan rất nhanh xuống phía dưới bao phủ cả thực quản, dạ dày gây ra tiêu chảy rất khó chữa, và nguy hiểm hơn nữa là gây bệnh viêm phổi do nấm.
Để tránh cho trẻ nhỏ khỏi bị tưa miệng do nấm thì cần giữ vệ sinh trong khi nuôi trẻ như luộc kỹ chén thìa trước khí cho trẻ ăn, lau sạch đầu vú, rửa tay sạch trước khi cho trẻ bú. Nếu trong nhà có người mắc bệnh nấm - thường là cụ già - thì nguồn lây chính là nước bọt, phân hoặc bụi. Điều cần chú ý thêm nữa là nhiều trường hợp cho trẻ dùng thuốc kháng sinh kéo dài (thường là trên 1 tuần) rất dễ có khả năng làm xuất hiện nấm ở miệng.
Trẻ mới đẻ có triệu chứng rốn chảy máu, chảy nước, chảy mủ.
Trong cuống rốn (còn gọi là dây rau) có động mạch và tĩnh mạch để nhận máu và trao đổi các chất dinh dưỡng và các sản phẩm chuyển hóa từ người mẹ sang thai nhi trong thời kỳ bào thai. Khi cắt rốn, những mạch máu đó được thắt lại và khi rốn rụng thì chúng bị tắc và teo dần. Chảy máu rốn có thể do buộc không chặt hoặc các mạch máu rốn không tắc được. Trường hợp này thường xảy ra trong 1-2 ngày đầu, buộc lại thì máu sẽ cầm ngay. Nhưng cũng có khi chảy máu rốn là triệu chứng trong bệnh chảy máu ở trẻ mới đẻ phải tiêm thuốc cầm máu (ví dụ vitamin K) và phải băng chặt lại. Hãn hữu chảy máu rốn là triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm khuẩn ngay tại rốn. Trường hợp này phải mang đến thầy thuốc thăm khám, điều trị và theo dõi. Tuy vậy để phát hiện những biến chứng do chảy máu rốn, cần chú ý theo dõi trong 1-2 tuần.
Khi rụng, rốn sẽ khô đi. Nếu rốn ướt là do giữ không sạch, không lau khô sau khi tắm rửa. Rốn được hình thành như một cái lòng chảo úp ngược tạo nên một nếp gấp chung quanh bờ. Mỗi lần tắm nếu không lau khô nước sẽ đọng lại đó làm cho rốn bị hăm rồi chảy nước. Muốn giữ sạch, phải lau khô mỗi lần tắm rửa, và chỉ nên tắm vào vùng rốn khi rốn đã rụng. Dùng một que tăm cuộn bông (Loại bông thấm nước) lau sạch quanh khe rốn, rắc một lượt phấn rôm mỏng, phấn này có bột tan, có tác dụng hút nước tại chỗ.
Điều quan trọng là cần phát hiện sớm khi rốn bị nhiễm khuẩn. Triệu chứng đầu tiên là chung quanh rốn bị nề đỏ, trẻ sốt cao, bú ít hoặc có thể kèm đi tiêu lỏng. Nhưng rốn vẫn khô và chỉ vài ngày sau, chung quanh rốn sưng tấy, khẽ ấn vào là mủ phụt ra. Điều nguy hiểm là vi khuẩn từ rốn theo các mạch máu đi thẳng vào gan qua màng bụng và nhanh chóng lan tràn khắp cơ thể gây nên nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng ào ạt như trẻ có vẻ mặt hốc hác, mắt trũng, môi khô, nôn trớ, đi tiêu lỏng, bụng trướng dần. Đặc biệt có hiện tượng viêm tấy lan rộng từ rốn, có khi tận bộ phận sinh dục ngoài. Đến giai đoạn này khả năng cứu chữa đã bị hạn chế. Phải dùng kháng sinh liều cao tiêm vào mạch máu, truyền máu và mọi biện pháp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Thịt thừa rốn, thịt sùi rốn là gì?
Bình thường ra, sau 6 đến 8 ngày, rốn sẽ khô và rụng. Rốn rụng rồi sẽ được một lớp da mỏng lan tới bao phủ để dần dần thành sẹo và sau 12 đến 15 ngày sẹo sẽ khô hoàn toàn. Sự có mặt của tạp trùng ở đây sẽ làm cho sẹo chậm lành và tạo khả năng cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Nếu là nhiễm khuẩn nhẹ, sẽ xuất hiện ở chân cuống rốn một lớp tổ chức hạt ướt rồi tiết ra một thứ nước hơi nhầy đục gọi là thịt sùi rốn. Trường hợp này chỉ cần rửa bằng cồn trong vài ngày, mỗi ngày vài lần là khỏi, hoặc lau sạch rồi bôi thuốc tím.
Song cũng có khi tổ chức hạt này cứ mọc dần lên thành một cục thịt nhỏ màu hồng, rất mềm và hay rỉ máu.
Thịt thừa rốn chính là một di tích còn lại của rốn. Nó mọc từ phía trong ổ bụng để phát triển ra ngoài. Nó giống một cục chắc và dài, đỏ hỏn hay chảy nước, khi đụng vào dễ chảy máu.
Chữa thịt sùi hay thịt thừa rốn không nên bôi thuốc mỡ có chất kháng sinh, nhất là penicilin, vì không những không có tác dụng mà còn có thể làm cho da nơi đó bị hăm, ngứa, thậm chí sinh ra chứng chàm lở. Nên luôn luôn giữ cho rốn được khô, mỗi lần tắm rửa phải lau khô bằng bông sạch, nếu thịt thừa còn ngắn có thể dùng một dung dịch nitrat bạc 2% hàng ngày chấm đúng vào chỗ đó làm cho nó sẽ bị cháy dần, song phải đảm bảo đừng để nitrat bạc đây rớt ra chung quanh làm cháy da nguy hiểm. Nếu thịt thừa đã quá dài, phải đưa đến bệnh viện để thắt mới khỏi.
Rốn lồi hay thoát vị rốn?
Rốn lồi là một dị dạng thường gặp. Thực ra dị dạng này hình thành từ khi rụng rốn. Mới đầu nhẹ, đến khi trẻ khóc, áp lực trong bụng tăng, rốn mới lồi ra rõ rệt.
Bình thường, da ở rốn nhăn nhúm và mỏng. Khi lồi ra, da căng phồng, đỏ như quả nhót chín mọng lấy đầu ngón tay ấn vào cho cảm giác một lỗ khuyết tròn, 50% trường hợp tự liền khi bé 3 – 5 tuổi. Nếu lỗ to dần, một tạng nào đó trong bụng như ruột non, mạc nối (tương tự mỡ chài ở động vật) chui vào. Trường hợp này cần mổ sớm để tránh biến chứng nghẹt ruột, hoại tử ruột khi nó chui vào nhưng không được chẩn đoán và xử lý sớm.
Có thể dùng một băng chun rộng 2 - 4cm, tương ứng với rốn là một núm tròn vừa đúng bằng đường kính của rốn. Băng ban ngày, tối bỏ ra, nhưng có thể có nhược điểm là mỗi lần thở ra, hít vào vòng bụng thay đổi, băng không chặt, bụng trẻ lại tròn, băng trượt lên, trượt xuống. Nhưng có thể dùng băng dính cố định núm tròn tại chỗ.
Khi đường kính của lỗ khuyết rộng, đã nhiều lần có ruột chui vào thì nên giải phẫu khâu kín lỗ hở để giải quyết triệt để, phòng biến chứng.
Đây là loại mổ đơn giản, không khó khăn mà phần lớn phẫu thuật viên đều có thể làm được.
Thoát vị rốn là gì?
Là một khuyết tật bẩm sinh do các cơ thành bụng vùng quanh rốn không phát triển đầy đủ, còn lại một chỗ khuyết, đường kính to nhỏ tùy thuộc từng bệnh nhân, có khi rộng tới 10- 12 cm. Lỗ hở này, chỉ có màng bụng mỏng dính, trong như tờ giấy bóng kính. Qua đó ruột gan, lách lồi ra ngoài, trông như một chiếc nấm khổng lồ. Đỉnh “khối nấm là cuống rốn.
Màng bọc khối thoát vị rất mỏng, không có mạch máu nuôi dưỡng, trước sau cũng vỡ ra, nên phải gửi tới bệnh viện chuyên khoa trẻ em ngay sau khi đẻ. Băng nhẹ nhàng bằng băng vô trùng trước khi vận chuyển, vẫn cho cháu bu bình thường.
Tùy theo đường kính của khối thoát vị mà cách giải phẫu khác nhau.
- Nếu nhỏ, vừa (<6cm) cần mổ tách lớp da để phủ kín.
- Nếu to từ 8 - 10 - 12 cm thì không mổ được vì không đủ da để phủ kín, thì điều trị bằng vô trùng, kháng sinh và chạy tia cực tím, để tổ chức hạt phủ kín thay da.
- Nếu khối thoát vị to hoặc nhỏ, bị vỡ bắt buộc phải giải phẫu bóc tách da để cố phủ kín thành bụng.
Điều không may là, ở loại bệnh này các cơ ở phía thành bụng trước quanh rốn kém phát triển, một số cháu đến muộn, màng phủ đã vỡ, nên khó có đủ da để phủ kín, các tạng trong bụng bị o ép, trẻ dễ bị suy thở và nhiễm trùng.
Những trẻ được điều trị bảo tồn không mổ, sẽ phát triển gần như bình thường. Hai đến 3 năm sau cần mổ tiếp để tạo hình lại khối cơ bụng.
Những bất thường cấu trúc rốn liên quan đến bàng quang và ruột
- Rốn liên quan đến bàng quang.
Trong thời kỳ bào thai, đỉnh của bàng quang thông với rốn bởi một ống gọi là ống niệu rốn. Từ tuần lễ thứ năm, ống này teo nhỏ thành một dây xơ, một số không teo hoặc không teo một phần đưa tới 4 loại biểu hiện khác nhau.
1. Tồn tại ống niệu rốn:
Chiếm 50% số trường hợp. Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào đường kính của ống. Nếu rộng, nước tiểu này chảy liên tục ngay sau khi rụng rốn. Khi ống nhỏ, nước tiểu rỉ ít, không thường xuyên, chỉ thấm qua băng, áo và tã, dễ nhầm với u hạt của rốn, loại này cũng chỉ rỉ ra chất dịch hay nước mủ khi nhiễm trùng.
Chụp bàng quang qua lỗ rò, đồng thời chụp bàng quang khi đái vừa chẩn đoán sự tồn tại của ống, vừa phát hiện được một van niệu đạo nếu có.
2. Nang niệu rốn
Đầu trên và dưới ống niệu rốn bịt kín, xơ teo. Phần giữa phình thành một nang chứa nước và chất nhầy. Nang nhỏ khó phát hiện, tồn tại nhưng không có triệu chứng. Nang tăng thể tích, to và đau khi nhiễm trùng. Một u nằm trên đường nối rốn với xương mu dễ lầm với một áp xe thành bụng cần được giải phẫu cắt bỏ.
3. Túi cùng niệu rốn
Khi một phần ống phía trên tồn tại, phần dưới teo nhỏ, tạo thành một túi cùng dạng như một cốc rượu sâm banh, một ít dịch tiết, là mủ khi nhiễm trùng dễ nhầm với u hạt, nang noãn hoàng.
Que thăm dò không vào được sâu, chụp lỗ rò cho hình ảnh một túi cùng. Cắt bỏ ngoài phúc mạc là giải pháp triệt để.
4. Phần trên xơ teo thành một dây xơ, phần dưới vẫn liên tục với bàng quang. Chụp bàng quang có bơm chất cản quang cho hình ảnh một quả bầu nậm - Nếu chưa có biến chứng không bắt buộc phải giải phẫu.
- Rốn liên quan đến ruột.
Trong thời kỳ bào thai, ống tiêu hóa, nơi ranh giới giữa hỗng tràng và hồi tràng đổ ra rốn, tồn tại hay teo một phần. Có thể xảy ra những khả năng như sau:
1. Còn ống rốn ruột
Nước phân, phân loãng và hơi qua rốn vào áo và tã. Chụp qua lỗ rò thấy thuốc ngấm đầy vào ruột là một dấu hiệu khẳng định. Mổ cắt đoạn ruột nơi rò hoặc cắt ruột hình chữ V là chỉ định bắt buộc.
2. Dây xơ hay nang của ống rốn ruột.
Thường tồn tại một cách thầm lặng, chỉ được phát hiện khi nang to, nhiễm trùng hoặc có biến chứng tắc ruột do xoắn mà trục xoắn và dây xơ.
3. Nếu phần cuối cùng của ống rốn ruột tồn tại đơn độc sẽ hình thành một túi phụ gọi là túi Meckel, 50% số trường hợp mạc phủ của túi có cấu trúc như dạ dày nên cũng có thể có biến chứng viêm và chảy máu.
Khi chảy máu do viêm, khó nhận ra vì lượng máu không đáng kể. Không có các triệu chứng rõ ràng, rầm rộ như chảy máu dạ dày. Chỉ phát hiện khi nhạy cảm nghĩ đến do túi phụ Meckel, xác nhận bằng xét nghiệm thấy hồng cầu trong phân.