Tài liệu: Trẻ đẻ non – trẻ già tháng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Đẻ non hiện nay vẫn được xem là một tai họa của xã hội. Tỷ lệ đẻ non có thể lên tới 3 đến 20 phần trăm tất cả các lần đẻ sống.
Trẻ đẻ non – trẻ già tháng

Nội dung

Trẻ đẻ non – trẻ già tháng

Trẻ đẻ non

Đẻ non hiện nay vẫn được xem là một tai họa của xã hội. Tỷ lệ đẻ non có thể lên tới 3 đến 20 phần trăm tất cả các lần đẻ sống. Đẻ non không những là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở thời kỳ chu sinh (trước và sau đẻ), mà nó còn để lại nhiều di chứng lâu dài. Người ta ước tính chừng một phần ba số trẻ em bị đe dọa có di chứng lâu dài là do đẻ non, song vẫn còn quá nhiều trường hợp đẻ thiếu tháng lẽ ra có thể tránh được bằng các biện pháp thích đáng, đã để lại cho đứa trẻ một tật nguyền vĩnh viễn.

Trẻ đẻ non được định nghĩa là một trẻ ra đời lúc tuổi thai chưa đầy 37 tuần lễ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Cũng có người quan niệm rằng trẻ đẻ non là đứa trẻ mà trọng lượng lúc đẻ chỉ được 2500g hoặc nhẹ hơn. Song cũng có trường hợp tuổi thai quá 37 tuần mà trọng lượng lúc đẻ chưa đầy 2500g. Những trẻ này không phải là trẻ đẻ non mà gọi là sơ sinh suy dinh dưỡng, chủ yếu không phải do đẻ thiếu tháng mà là do chậm lớn ở thời kỳ trong tử cung. Người ta quy ước: đẻ thiếu tháng (đẻ non) nếu tuổi thai chưa đầy 37 tuần; đẻ đủ tháng nếu tuổi thai được 37 đến 42 tuần; đẻ già tháng nếu tuổi thai quá 42 tuần, bất kể trọng lượng lúc đẻ là bao nhiêu. Sự thực thì sơ sinh suy dinh dưỡng chỉ chiếm chừng 1/4 đến 1/3 số trẻ đẻ ra chưa đầy 2500g. Điều đáng chú ý là sơ sinh suy dinh dưỡng ít bị biến chứng hô hấp và thần kinh hơn trẻ đẻ non.

Những nguyên nhân gì có thể dẫn tới đẻ non?

Nói chung, đẻ non có liên quan đến những điều kiện trong đó có tình trạng tử cung không còn giữ được thai, những cản trở trong quá trình thai nghén, nhau bong sớm hoặc một kích thích làm co bóp tử cung trước khi chuyển dạ.

Những yếu tố chính làm tăng nguy cơ đẻ non bao gồm:

- Trong tiền sử sản khoa đã có lần đẻ non hay thai chết khi đẻ.

- Những đặc điểm về phía người mẹ: Điều kiện kinh tế xã hội thấp kém, những thai phụ thiếu dinh dưỡng, thiếu máu hoặc mắc bệnh mạn tính như lao, sốt rét, bà mẹ ít tuổi (dưới 18) hoặc nhiều tuổi (trên 35). Những yếu tố khác có liên quan kém rõ ràng như hôn nhân bất hợp pháp (con hoang) bà mẹ phải lao động cho đến lúc đẻ (tỷ lệ này có thể lên tới hơn 60% ở nông thôn chẳng hạn) và gia đình nhiều con (trên 4 con), đẻ dày (khoảng cách giữa hai lần đẻ chưa đầy 24 tháng), bị căng thẳng thần kinh... là những yếu tố hay gặp hơn trong các gia đình mà đời sống kinh tế thấp kém.

Những biến cố xuất hiện khi đang có thai như: rong huyết, đa ối chửa đa thai (sinh đôi, sinh ba...), nhau tiền đạo nhiễm độc thai, viêm cổ tử cung hoặc viêm cổ tử cung - âm đạo, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hở cổ tử cung.

Có thể dự đoán khả năng đẻ non được không?

Để có cơ sở dự đoán khả năng đẻ non, người ta đã đi tới xác lập các hệ số của nguy cơ đẻ non (do Papecnic đề xướng) như sau (dưa trên kết quả nghiên cứu trên một vạn trường hợp trẻ sơ sinh):

- Nếu hệ số nguy cơ là 0-1-2 thì tỷ lệ đẻ non là 2,8%;

- Nếu hệ số nguy cơ là 3-4-5-6, tỷ lệ đó là 6,5%;

- Nguy cơ sẽ lớn, nếu hệ số là 7-8-9-10 và tỷ lệ đẻ non có thể lên tới 23,4%.

Ví dụ:

* Nếu đã có 2 con trở lên, hoặc chỉ có điều kiện kinh tế thấp kém, hoặc thai bất hợp pháp không thôi, ngoài ra không có điều kiện gì khác, nghĩa là hệ số nguy cơ chỉ là 2; thì tỷ lệ đẻ non là 2,85.

* Nếu hệ số nguy cơ từ 3 đến 6, chẳng hạn như đã hai lần nạo thai, hoặc tăng trọng lượng quá mức, thì tỷ lệ đẻ non tăng lên 6,5%.

* Còn nếu hệ số tăng lên từ 7 đến 10, chẳng hạn như: tăng trọng lượng chưa được 5kg lại kèm nạo thai 2 lần thì tỷ lệ đẻ non có thể lên tới 23,4%.

Đẻ non có những hậu quả gì?

Đẻ non hay tình trạng chưa chín muồi (chưa trưởng thành) được xem là tình trạng thiếu khả năng tương đối để tồn tại của trẻ sơ sinh đẻ non. Nó phản ánh những chức phận phát triển không đầy đủ về giải phẫu, sinh lý và sinh hóa học. Các chức phận đó hoạt động kém gây tổn hại đến khả năng bảo vệ đời sống ngoài tử cung như: sự kiểm soát thân nhiệt, chức năng phổi, dinh dưỡng, sự điều chỉnh tiêu hao năng lượng chuyển hoá, chức năng miễn dịch, việc khử độc cũng như bài xuất chất độc. Hơn nữa, thai càng ít tháng càng kém được chuẩn bị để đối phó với những điều kiện khắc nghiệt của đời sống ngoài tử cung.

Đẻ non chính là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở thời kỳ sơ sinh. Biến chứng quan trọng nhất là bệnh màng trong đưa tới xẹp phổi và hội chứng hô hấp nguy kịch, tiếp đến là chảy máu phổi và nhiễm khuẩn phổi hoặc nhiễm khuẩn các phủ tạng khác. Xuất huyết trong não thất cũng là một hậu quả nghiêm trọng.

Song điều còn đáng lo ngại hơn nữa là trẻ đẻ non thường để lại hậu quả xấu về mặt phát triển tâm trí và vận động. Đặc biệt, những trẻ đẻ non dưới 1500 gam có một tỷ lệ đáng kể kém phát triển cả về chiều cao lẫn trọng lượng, trí tuệ giảm hoặc có rối loạn về ứng xử hay nhân cách. Những đứa trẻ này sẽ là một gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

Phòng ngừa đẻ non như thế nào?

Trước hết cần quan niệm rằng đẻ non không phải là một định mệnh. Song việc phòng ngừa đẻ non chỉ có thể thực hiện được bằng các biện pháp quan trọng sau đây: thông tin cho các thầy thuốc, thông tin cho mọi người, tổ chức những phòng khám thai và cho nhập viện trước khi đẻ.

Mỗi thầy thuốc phải có khả năng đánh giá được các hệ số nguy cơ, phổ biến các kỹ thuật đánh giá đó và nêu ra các biện pháp cơ bản để đề phòng.

Cần phổ biến rộng rãi cho mọi người, dưới các hình thức báo chí, phát thanh, truyền hình, v.v... về những tình huống có thể đưa tới đẻ non.

Việc tổ chức các phòng khám thai phải đạt tới mục đích hàng đầu là mỗi bà mẹ phải được khám thai nhiều lần.

Những lần khám thai, các thai phụ yêu cầu phải đạt được 3 mục tiêu.

Bảng 2.3.1. Hệ số đẻ non do Papecnic đề xướng

Hệ số

Điều kiện kinh tế xã hội của thai phụ

Tiền sử sản khoa

Điều kiện lao động và sinh hoạt hiện thời

Tình trạng hiện thời về thai nghén

l

Đã có hai con trở lên mà không được sự hỗ trợ của gia đình.

Điều kiện kinh tế xã hội thấp kém

1 lần nạo thai. Đẻ dày (khoảng cách 1 năm giữa hai lần có thai), 2 lần nạo thai

Lao động ở ngoài gia đình

Mệt mỏi thất thường.

Tăng trọng lượng quá mức.

2

Thai bất hợp pháp.

Dưới 20 tuổi.

Ngoài 40 tuổi

 

Nhà ở tầng 4 trở lên mà không có thang máy.

Hút thuốc lá quá 10 điếu/ngày

Tăng trọng lượng chưa được 5 kg.

Có albumin niệu

Tăng huyết áp (huyết áp tối đa tăng quá 130,), huyết áp tối thiểu quá 80)

3

Điều kiện kinh tế xã hội thấp.

Cao dưới 1m50

Nặng dưới 45kg

3 lần nạo thai hoặc hơn.

Tử cung hình trụ

Hàng ngày phải đi làm xa. Có cố gắng bất thường.

Lao động nặng nhọc.

Hành trình dài ngày

Ngôi mông vào tháng thứ 7.

Tháng trước bị tụt cân.

Đầu thấp, đoạn dưới đã hình thành.

4

Dưới 18 tuổi

 

 

Viêm bể thận.

Băng huyết ở ba tháng giữa của thai kỳ.

Cổ tử cung ngắn.

Tử cung co bóp.

5

 

Dị hình tử cung

1 lần sẩy thai muộn

1 lần đẻ non

 

Song thai.

Nhau tiền đạo. Đa ối

Chú thích: Mỗi điều kiện được xác nhặn, ghi ở hàng ngang được cho điểm theo các trị số (1, 2, 3,4, 5) từ trên xuống dưới.

1. Phát hiện những trường hợp hở cổ tử cung ngay trong 3 tháng đầu khi có thai.

2. Thứ hai là đánh giá được các hệ số nguy cơ đẻ non mức trung bình hay mức cao dựa trên dấu hiệu khách quan như các cơn co tử cung, tình trạng cổ tử cung co ngắn v.v... Còn phải phát hiện cả những điều kiện dẫn tới đẻ non có liên quan đến sinh hoạt thường ngày như hàng ngày đi làm xa, lao động nặng nhọc, đi du lịch hoặc di chuyển chỗ ở v.v...

 Liệu pháp đầu tiên nên đưa ra. Tùy theo từng trường hợp, là đề nghỉ nghỉ ngơi hoặc làm giảm lao động nặng nhọc. Trong trường hợp cần thiết, nên yêu cầu nghỉ hẳn lao động hay công tác, ngừng đi làm xa hoặc làm việc quá sức do điều kiện lao động hay công tác gây ra. Để giảm bớt gánh nặng do các công việc nội trợ, cần có sự hỗ trợ của các thành viên khác trong gia đình.

Thuốc men chỉ là liệu pháp thứ yếu. ví dụ tiêm thuốc trợ thai hoặc một vài loại thuốc khác. Nhưng phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn cổ tử cung - âm đạo, nếu có.

3. Mục tiêu thứ ba là những trường hợp nặng đe dọa đẻ non cần được nhập viện. Việc nằm theo dõi tại bệnh viện cho phép nghỉ ngơi được đầy đủ và thực hiện các liệu pháp cần thiết. Việc nằm theo dõi tại bệnh viện còn có tác dụng giúp thai phụ hiểu rất mau nguy cơ đẻ non và thấy ngay lợi ích của việc nghỉ ngơi. Song không thể cho phép nằm quá lâu tại bệnh viên. Tốt hơn hết là sau một thời gian nằm viện, thai phụ cần được theo dõi ngoại trú.

Tuy vậy một số trường hợp dọa đẻ non cần được nằm viện lâu hơn như nhau tiền đạo chẳng hạn. Nếu là trường hợp nhau bám mép thì chỉ cần nghỉ ngơi hoặc nằm viện một thời gian ngắn sau đó nghỉ ngơi là đủ. Các trường hợp song thai cũng vậy, nên được nằm viện từ tuần lễ thử 32 đến 34.

Nuôi trẻ đẻ non như thế nào?

Có nhiều cách nuôi trẻ đẻ non, nhưng điều quan trọng là phải tránh cho đứa trẻ khỏi mệt hoặc hít phải thức ăn khi ăn hoặc trớ ra. Thực ra không có cách cho bú nào tránh được tai biến đó trừ phi được theo dõi cẩn thận.

Có thể cho phần lớn trẻ đẻ non ăn bằng cách đổ thìa hoặc bú mẹ, song bú mẹ ít kết quả hơn vì trẻ còn chưa bú được. Trẻ nhỏ và yếu hơn thường phải cho ăn bằng cách nhồi. Người ta dùng một ống thông bằng chất dẻo mềm, đường kính khoảng 0,5cm, đầu tròn để không gây xây xát và có hai lỗ nhỏ hai bên, đưa vào tới dạ dày qua đường mũi.

Muốn thử xem ống thông có vào đúng dạ dày không, người ta thả đầu tự do phía ngoài của ống vào một cốc nước, nếu thấy sùi bọt mỗi lần đứa trẻ thở ra tức là đã đưa nhầm ống thông vào khí quản, phải rút ra đặt lại, đầu tự do của ống thông phải lắp khít với một bơm tiêm thủy tinh. Những ống thông như vậy có thể để lưu từ 3 đến 7 ngày mới cần thay chiếc khác qua lỗ mũi bên kia.

Hãn hữu trẻ có thể bị kích thích tại chỗ đặt ống thông lâu ngày, biểu hiện là có chất tiết ra ở mũi họng, khi đó nên dùng một ống thông to hơn một chút đưa qua mồm vào dạ dày, rồi rút ra sau mỗi bữa ăn. Các ống thông này phải rửa sạch, tiệt khuẩn trước khi dùng. Việc này phải do cán sự điều dưỡng thực hiện hoặc huấn luyện cho bà mẹ.

Một đặc điểm của trẻ non tháng là nhu cầu về các chất dinh dưỡng tương đối thấp hơn so với trẻ bình thường nên cần pha thêm nước đường vào sữa để giảm thành phần chất béo mà vẫn đảm bảo đủ số cao cần thiết. Trẻ càng nhỏ, lượng sửa mỗi bữa càng ít, ngược lại khoảng cách giữa hai bữa càng gần nhau. Không nên cứng nhắc theo một công thức nhất định mà nên dựa vào khả năng tiêu hóa thực tế của mỗi trẻ để điều chỉnh liều lượng, song dù sao cũng nên dựa vào một bảng hướng dẫn như dưới đây:

Trọng lượng lúc đẻ (g)

1000 - 1200

1800 - 2000

Thứ tự các bữa ăn

Nước đường 10%

Sữa

Nước đường 10%

Sữa

Bữa thứ 1

4ml

 

8ml

 

Bữa thứ 2

8ml

 

16ml

 

Bữa thứ 3

12ml

 

24ml

 

Bữa thứ 4

16ml

 

32ml

 

Bữa thứ 5

12ml

4ml

24ml

8ml

Bữa thứ 6

9ml

8ml

16ml

16ml

Bữa thứ 7

4ml

12ml

8ml

24ml

Bữa thứ 8

 

16ml

 

32ml

Nếu trẻ ăn 8 bữa, mỗi bữa có thể tăng thêm không quá 4ml sữa tức là cả ngày không quá 32ml; nếu trẻ ăn 6 bữa thì mỗi bữa sẽ tăng thêm sao cho cả ngày không quá 48ml.

Cần bổ sung thêm vitamin C và vitamin D. Vitamin C có tác dụng quan trọng trong chuyển hóa chất đạm. Mỗi ngày trẻ cần khoảng 50mg. Vitamin. D phòng bệnh còi xương, mỗi ngày cần 100 đơn vị, bắt đầu cho trẻ uống từ tuần lễ thứ hai hay thứ ba. Việc ủ ấm cho trẻ đẻ non là hết sức cần thiết vì trẻ dễ bị nhiễm lạnh.

Chống nhiễm khuẩn. Đây là một yêu cầu rất quan trọng. Trẻ đẻ non có sức chống đỡ kém nên dễ bị nhiễm khuẩn và nếu bị thì nhiễm khuẩn rất nặng. Cần hạn chế tới mức thấp nhất những yếu tố nhiễm khuẩn từ thức ăn và các đồ dùng cho trẻ.

Nếu nuôi trẻ ở nhà riêng, người mẹ phải hết sức giữ vệ sinh tốt. Trước khi cho con bú và cho ăn phải rửa tay bằng xà phòng, có đeo khẩu trang, đồ dùng ăn uống hàng ngày cho trẻ như cốc, thìa, v.v... phải luộc sôi trước bữa ăn. Tã lót phải thay ngay sau khi trẻ đái ỉa, giặt xà phòng. Cần có nôi hay giường riêng, chăn đệm riêng cho trẻ. Phòng ngủ phải luôn luôn sạch, thoáng khí, tránh gió lùa. Tất nhất là có buồng riêng cho trẻ.

Phương pháp Kanguru là gì?

Kanguru là một loài động vật có vú, rất đặc trưng ở châu Úc thuộc nhóm động vật có túi, hai chân sau rất dài cho phép nó di chuyển nhanh bằng các bước nhảy. Con đực có thể cao tới 1,5m. Song, nét đặc trưng nhất là con cái ấp con nhỏ của nó trong vòng 6 tháng đầu trong một cái túi phía bụng, nên có tên gọi là chuột túi.

Có lẽ trong tất cả các loại động vật có vú thì loài chuột túi này được trời phú cho một cách nuôi con kỳ diệu nhất. Con chuột túi con trong sáu tháng đầu luôn được mẹ ôm ấp nhờ một cái túi tự nhiên có sẵn ở trước bụng, được bú mẹ bất cứ lúc nào lại luôn luôn được mẹ ôm ấp, che chở hết sức an toàn.

Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ đẻ non bao giờ cũng rất cao và tỷ lệ chết trong sơ sinh đẻ non thường xấp xỉ 50%. Trước đây, ngay tại các nước giàu có ở phương Tây, việc chăm sóc trẻ đẻ non tại bệnh viện thường rất tấn kém và ít hiệu quả. Lý do là phải dùng lông ấp - một thứ trang bị rất đắt tiền để tránh cho trẻ đẻ non khỏi bị lạnh và khỏi chết vì hạ thân nhiệt. Song đáng tiếc là phương pháp này vừa tốn kém lại vừa gây một hậu quả tai hại cho chính đứa trẻ mà vài chục năm trước đây các thầy thuốc nhi khoa đã chứng minh rằng ngay sau khi đẻ, nếu đứa trẻ phải tách mẹ sớm sẽ khiến chúng không được “gắn bó” với người mẹ, là một hụt hẫng rất lớn không thể bù đắp được. Không được gần mẹ, không được mẹ ôm ấp, đứa trẻ sẽ không có cảm giác được an toàn, mặc dầu có thể được cho ăn đầy đủ. Sự căng thẳng tâm lý (stress) này, ở vào một giai đoạn cực kỳ nguy biến (những tháng ngày đầu tiên mới lọt lòng), một mặt làm giảm sức đề kháng (miễn dịch) của cơ thể nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, mặt khác sự phát triển cảm xúc sau này sẽ có nhiều rối nhiễu. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh những trẻ sơ sinh sớm cách ly với người mẹ, bất cứ vì lý do gì, thường dễ trở thành những đứa trẻ “thiếu tình cảm”, hung hãn, thô bạo thậm chí dễ trở thành phạm tội khi đến tuổi thanh thiếu niên.

Từ năm 1978, các bác sĩ và y tá ở bệnh viện Bogota (Columbia) đã có sáng kiến đề ra phương pháp Kanguru để chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ non.

Phương pháp Kanguru được thực hiện như sau:

Trẻ mới đẻ (đẻ non hoặc đẻ nhẹ cân so với tuổi thai) được đặt nằm sấp trên ngực mẹ giữa hai bầu vu, da kề với da mẹ, đầu sát dưới cằm mẹ, mẹ quay sang một bên. Trẻ được quấn một chiếc tã hoặc đóng một cái khố sạch. Đầu đội mũ hoặc quấn khăn để giữ ấm. Sau đó dùng một tấm khăn bông đắp lên người trẻ, ngoài cùng là áo của người mẹ. Nếu người mẹ muốn đi lại cung đứa con trên ngực thì dùng một mảnh vải địu trẻ ở phía trước (như cách địu con của các bà mẹ ở vùng miền núi vẫn làm thế) để tay được thoải mái hơn không phải giữ liên tục.

Trẻ được đặt ở tư thế đó thường xuyên, trừ phi người mẹ có nhu cầu đi tắm rửa vệ sinh. Khi người mẹ ngủ, chân có thể gác lên một vật cao chừng 30 - 40 độ so với mặt giường nằm.

Việc cho trẻ bú cũng được thực hiện ngay trong những giờ đầu hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nếu lúc đầu, trẻ quá yếu, có thể vắt sữa mẹ bơm qua ống thông vào dạ dày do người điều dưỡng thực hiện hoặc chỉ dẫn cho người mẹ. Về sau kết hợp đổ thìa rồi cho bú, cho bú càng sớm càng tốt nếu đứa trẻ thích nghi được...

Ở Việt Nam phương pháp Kanguru lần đầu tiên đã được ứng dụng tại khoa Nhi bệnh viện Uông Bí từ năm 1985 cho đến nay và đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp: tỷ lệ cứu sống những trẻ sơ sinh có trọng lượng 1500 - 2000g đã đạt 97%, nhóm sơ sinh 1200 - 1500g đạt 87,5%.

Thật là một phương pháp tiện lợi, không tốn tiền (mua lồng ấp) mà đạt hiệu quả cao.

Thai chậm lớn trong tử cung hoặc thai suy dinh dưỡng

Thai suy dinh dưỡng được định nghĩa là thai có trọng lượng lúc đẻ không tương xứng với tuổi thai. Nói cách khác, trọng lượng của thai suy dinh dưỡng, bất luận tuổi thai là bao nhiêu, bao giờ cũng nhẹ hơn trọng lượng trung bình của những trẻ sơ sinh cùng tuổi thai. Ví dụ đối với trẻ em Việt Nam (theo “Hằng số sinh học người Việt Nam lần thứ hai”, 1975) trị số trung bình của sơ sinh trai đủ tháng là 3070 gam của sơ sinh gái là 3020 gam. Vẫn được xem là sơ sinh bình thường, nếu trọng lượng lúc đẻ có trị số giữa 2430 gam và 3710 gam (đối với sơ sinh trai) hoặc giữa 2320 gam và 3720 gam đối với sơ sinh gái). Gọi là “thai suy dinh dưỡng” nếu trọng lượng lúc đẻ 2430 gam hoặc thấp hơn (đối với sơ sinh trai) và 2320 gam hoặc thấp hơn (đối với sơ sinh gái) với điều kiện tuổi thai đầy đủ 37 tuần, kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới “thai suy dinh dưỡng” là tình trạng thiếu dinh dưỡng trong tử cung, cụ thể là:

- Thiếu dinh dưỡng của người mẹ.

- Thông tuần hoàn rau nghĩa là một luồng máu từ thai này chảy sang thai kia giữa hai trẻ sinh đôi khiến một trẻ bị suy dinh dưỡng.

- Tăng huyết áp thường xuyên hoặc nhiễm độc thai nếu đẻ sau 35 tuần thường dẫn tới thiếu dinh dưỡng.

- Những bệnh nhiễm khuẩn trong tử cung như viêm nội mạc tử cung là hậu quả nhiễm khuẩn từ bên ngoài đưa vào vì nạo sẩy nhiều lần. Bệnh này có thể gây suy dinh dưỡng tới 60% thai nhi.

- Người ta nhận thấy những thai phụ nghiện thuốc lá, thuốc phiện, dùng tia xạ hoặc các thuốc chống chuyển hóa cũng có thể gây suy dinh dưỡng đưa vào các dấu hiệu như: trẻ đẻ ra dài và gầy, không có mô mỡ ở dưới da, trông dáng hoạt động, lanh lợi, luôn luôn đòi uống, thường hai ngày đầu trẻ không đái, sút cân ban đầu thường không đáng kể nhưng sẽ tăng cân rất nhanh nếu được nuôi dưỡng đầy đủ.

Thai già tháng là gì?

Trẻ sơ sinh già tháng được định nghĩa là những trẻ có tuổi thai 42 tuần hoặc hơn tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của người mẹ, bất kể trọng lượng lúc đẻ và bao nhiêu. Người ta cũng gọi là sơ sinh già tháng nếu tuổi thai nhiều quá 7 ngày so với mức trung bình là 280 ngày. Chừng hai nhăm phần trăm tất cả những lần có thai kết thúc vào ngày thứ 287 của tuổi thai hoặc sau đó, 12 phần trăm vào ngày thử 294 hoặc sau đó, và 5 phần trăm vào ngày thứ 301 hoặc sau đó. Nguyên nhân của đẻ già tháng thường do người mẹ mắc bệnh đái tháo đường.

Sơ sinh già tháng, về mặt lâm sàng có thể khó phân biệt với sơ sinh đủ tháng, nhưng một số tre được chẩn đoán như vậy là do cái vẻ bên ngoài và hành vi của chúng gợi ra là một trẻ sơ sinh 1-3 tuần tuổi. Những trẻ này thường có trọng lượng tăng và có một vài nét đặc trưng là: không có lông tơ, giảm hoặc không có chất gây[1], móng tay, móng chân dài, tóc tốt và thể hiện có tính cảnh giác cao. Nếu có tình trạng thiểu tăng rau[2] thì dịch ối và thai có mầu phân su và nhịp tim thai có thể bất thường; trẻ có thể chậm phát triển. Mặc dầu hội chứng này ít khi lầm là thai già tháng, song chỉ có chừng 20% những thai có hội chứng thiểu năng rau thực sự là thai già tháng. Đa số những trẻ này là trẻ đẻ đủ tháng hoặc non tháng, nhất là những trẻ nhỏ so với tuổi thai là những sơ sinh mà người mẹ bị nhiễm độc thai, những người đẻ con đầu khi đã luống tuổi, và những phụ nữ có bệnh tăng huyết áp mạn tính - Rau thường nhỏ và ít dính, Hội chứng này được xem là hậu quả những thay đổi thoái hóa trong rau khiến thai nhi dần dần rơi vào tình trạng thiếu o xy và kém dinh dưỡng - Tỷ lệ chết của sơ sinh già tháng, nói chung tăng gấp 3 lần so với sơ sinh bình thường. Tuy vậy tỷ lệ này đã được hạ thấp nhờ cải tiến kỹ thuật sản khoa, chẳng hạn tiến hành mổ lấy thai cho sản phụ khi tuổi thai đã quá 1 hoặc 2 tuần, nhất là nếu có biểu hiện nguy kịch thai rõ rệt.

Trẻ sơ sinh nhiều nguy cơ

Nhằm cải thiện việc chăm sóc và giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết sơ sinh, người ta chọn trong số sơ sinh đẻ sống những trẻ có nguy cơ để chăm sóc đặc biệt trong vài ngày đầu hoặc vài tuần lễ đầu. Thuật ngữ “trẻ nhiều nguy cơ” đã trở nên thông dụng để chỉ những sơ sinh cần được nhân viên y tế và người mẹ theo dõi sát và cần được thăm khám thường xuyên cho đến khi không còn xảy ra các biến chứng nữa. Thời gian phải theo dõi như vậy thường là vài ngày, song cũng có thể chỉ trong vài giờ hoặc nhiều tuần sau đó.

Những trẻ được xếp vào loại “nhiều nguy cơ” bao gồm:

(1) Đẻ trước 37 tuần hoặc sau 42 tuần tuổi thai.

(2) Trọng lượng lúc đẻ chưa được 2500 gam.

(3) Có trọng lượng quá nhỏ hoặc quá lớn so với tuổi thai thường do bệnh như đái tháo đường nên lúc đẻ dễ có nhiều tai biến, (bình thường ra, một phụ nữ châu Âu có thai tuần lễ thứ 40 có thể tăng trọng lượng 12 đến 14 kg, ở Việt Nam thường không quá 12 kg).

(4) Có một lần đẻ trẻ mắc bệnh nặng hoặc đã chết.

(5) Tình trạng xấu lúc đẻ tức là có biểu hiện suy hô hấp hoặc truy mạch hoặc đòi hỏi phải tiến hành hồi sức ngay tại phòng đẻ hay tại phòng dưỡng nhi sau đó.

(6) Người mẹ bị nhiễm khuẩn, hoặc có tiền sử mắc một bệnh nào đó trong khi có thai, có kèm vở ối sớm, nhiễm độc thai, đái tháo đường hoặc một bệnh chuyển hóa khác, có một vấn đề nghiêm trọng về mặt xã hội như nghiện ma tuý hoặc hoang thai, thiếu hoặc không được chăm sóc trước khi đẻ, ít hoặc không tăng trọng lượng trong khi có thai, vô sinh nhiều năm, đã đẻ tới 4 lần hoặc nhiều hơn, tuổi sản phụ đã 35 hoặc hơn, hoặc trong thời kỳ mang thai đã uống một số thuốc nào đó thuộc các loại nội tiết, an thần, kháng sinh, thuốc chống chuyển hoá, v.v...

(7) Đa thai hoặc có thai lại quá sớm, nội trong 3 tháng sau lần đẻ trước.

(8) Lúc đẻ phải mổ hoặc có những biến chứng sản khoa bất thường kể cả đa ối.

(9) Thai nhi chỉ có một động mạch rốn, có hoặc nghi có dị tật nào đó.

(10) Đang được theo dõi vì thiếu máu hoặc bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.

(11) Người mẹ đã trải qua những căng thẳng tâm lý (stress) trong thời gian mang thai. Chẳng hạn, những vấn đề xúc cảm nghiêm trọng: nôn nghén kéo dài, tai nạn lớn hoặc phải gây mê.

Dù có kèm hay không những điều kiện nói trên, phần lớn những trẻ “nhiều nguy cơ” đều là trẻ đẻ non hoặc có trọng lượng nhẹ so với tuổi thai. Nói chung, bất luận tuổi thai là bao nhiêu, nếu trọng lượng lúc đẻ càng nhẹ thì tỷ lệ chết sơ sinh càng cao và bất luận trọng lượng là bao nhiêu, nếu tuổi thai càng ít thì tỷ lệ chết sơ sinh cũng càng cao.

Nguy cơ lớn nhất gây tử vong sơ sinh nằm trong số những trẻ có trọng lượng lúc đẻ chưa đầy 1000 gam và tuổi thai chưa đầy 30 tuần. Nguy cơ thấp nhất nằm trong số những trẻ mà trọng lượng lúc đẻ từ 3000 gam tới 4000 gam và tuổi thai từ 38 tới 42 tuần. Tuy vậy chừng 40 phần trăm tất cả các trường hợp chết chu sinh xảy ra sau 37 tuần tuổi thai ở những trẻ sơ sinh có trọng lượng là 2500 gam hoặc hơn; nhiều trường hợp trong số này chết vào thời kỳ ngay trước khi đẻ và có thể dự phòng được dễ hơn so với những trẻ có trọng lượng tương đối nhẹ và đẻ non tháng hơn. Ngoài ra, cần chú ý thêm là tỷ lệ chết sơ sinh tăng lên rõ rệt đối với những trẻ mà trọng lượng lúc đẻ nặng quá 4000 gam và tuổi thai lớn quá 42 tuần (biết được nhờ khám thai định ký, nhất là 3 tháng cuối.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4343-02-633795298801250000/Thai-va-so-sinh/Tre-de-non--tre-gia-thang...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận