BẠN BIẾT GÌ VỀ NGUỒN DINH DƯỠNG TRONG QUẢ TƯƠI VÀ QUẢ KHÔ CÁC LOẠI?
Nho
Có rất nhiều giống. Loại ăn hơi ngon thường gặp là loại nho trắng, không hạt, ngọt đậm, thơm mùi hoa hồng.
Thành phần dinh dưỡng có trong các loại nho về cơ bản là giống nhau. Thường trong mỗi 100g có chứa 0,5g protein, 0,2g lipit, 10,1g cacbohiđrat, 2mg canxi, 15mg photpho, 0,5mg sắt, 0,03mg thiamin (B1), 0,04mg riboflavin (B2), 0,2mg niacin (B3), 3mg axit ascorbic (C). Thành phần chủ yếu trong cacbohiđrat là glucoza, sẽ được cơ thể hấp thu trực tiếp, tiếp đến là fructoza, sucroza, xiloza. Ngoài ra, còn có chứa lecithin và một lượng lớn các axit hữu cơ, như axit tartric, axit xalic, axit citric và axit malic,...
Theo Đông y, nho vị ngọt, tính bình, có công dụng lợi gân cốt trị teo liệt, ích khí bổ huyết, trừ phiền giải khát, kiện vị lợi tiểu,... Ăn thường xuyên sẽ làm cho người khỏe mạnh, chịu được phong hàn, lợi tiể. Nho hoặc nước nho ép có tác dụng diệt virut và chống suy lão.
Cam quýt
Có khoảng hơn 800 giống, thường gặp có hơn 30 loại. Dựa vào đặc trưng tính trạng quả mà chia ra làm 3 loại chủ yếu: Quýt, cam và cam chanh. Quýt có các loại quả to nhỏ khác nhau, vỏ quả có màu vàng nhạt, vàng da cam, đỏ quýt và đỏ nhạt, dễ bóc vỏ. Cam thường to hơn quýt, có màu vàng cam, ruột và vỏ dính với nhau tương đối chặt, nhưng cũng có thể bóc vỏ được. Cam chanh có cam ngọt, cam chua và cam thơm. Quả hình tròn trứng, vỏ mỏng và nhẵn bóng, vỏ dính với ruột rất chặt, thường khó bóc vỏ, phải dùng dao bổ ăn. Chất lượng của cam quýt được quyết định ở màu sắc, hương thơm và mùi vị. Có màu sắc tươi, hương thơm ngào ngạt, vị ngọt, độ chua ngọt vừa miệng, nước nhiều, bã ít là loại ngon nhất.
Thành phần dinh dưỡng trong quả loại cam quýt về cơ bản là giống nhau. Trong mỗi 100g có chứa khoảng 0,9g protein, 0,1g lipit, 12,8g cacbohiđrat, 56mg canxi, 15mg photpho, 0,2mg sắt, 0,55mg caroten, 0,08mg thiamin (B1), 0,03mg riboflavin (B2), 0,3mg niacin (B3), 34mg axit ascorbic (C). Thành phần chủ yếu của cacbohiđrat là đường các loại, mà glucoza, fructoza, sucroza là chính. Ngoài ra, còn có chứa một lượng lớn các axit hữu cơ, như axit citric, axit malic,...
Cam quýt có giá trị dược dụng khá cao. Ruột quả quýt vị chua ngọt, tính mát, có công dụng khai vị lí khí, chỉ khát, nhuận phế.
Vỏ quýt theo Đông dược gọi là trần bì, thanh bì, vị đắng cay, tính ấm, có công dụng lí khí điều trung, dứt thấp tiêu đờm. Thành phần của dầu dễ bay hơi chứa trong đó là xitrotecpen (citroterpenic), aurantiamarin, axit béo, có chức năng ức chế sự sinh trưởng của tụ cầu khuẩn, nâng huyết áp, hưng phấn ở tim, ức chế nhu động đường ruột, dạ dày, có hiệu quả trị liệu rõ đối với các bệnh huyết áp thấp, nhồi máu cơ tim, gan mỡ,...
Aurantiamarin có các tác dụng tương tự như vitamin P, có thể làm giảm tính giòn của mao mạch, giảm thiểu sự xuất huyết của mao quản. Tác dụng làm thuốc của cam tương tự như quýt.
Táo tây
Có hơn 400 giống, thường gặp có vài chục loại được chia ra thành táo hè và táo thu. Táo hè quả chín sớm, chất thịt mềm, khó bảo quản, táo thu chín muộn, bảo quản để lâu được. Có thể ăn tươi, cũng có thể gia công chế biến thành mứt táo, rượu táo và táo hộp,...
Táo có chứa nhiều loại vitamin, đường. Trong mỗi 100g táo có chứa 0,3g protein, 0,1g lipit, 12g cacbohiđrat, 2mg canxi, 6mg photpho, 1mg sắt, 0,01mg thiamin (B1), 0,01 riboflavin (B2), 0,1mg niacin (B3), 2mg axit ascorbic (C). Có một số loại còn có chứa một lượng ít caroten. Thành phần chủ yếu của cacbohiđrat là đường các loại. Ngoài ra, còn có chứa các axit hữu cơ như axit malic, axit citric, axit tartric, tanin,... cùng nước nhớt, pectin và xenlulo,...
Theo Đông y, táo vị ngọt, chua, tính bình, có công dụng sinh tân hòa tì, giải thử trừ phiền, cầm ỉa chảy, được dùng khi trị liệu các chứng tiêu hóa kém, đau bụng ỉa chảy độ nhẹ, táo bón,... Các nghiên cứu gần đây phát hiện thấy, chất pectin trong táo làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu, đồng thời có thể kết hợp với các nguyên tố phóng xạ trong không khí và các chất ô nhiễm gây ung thư, thúc cho các chất này thải ra ngoài cơ thể, cho nên táo tây có tác dụng phòng ngừa bệnh động mạch vành và ung thư,... Ngoài ra, thường xuyên ăn táo tây hoặc uống nước táo tây sẽ rất có ích đối với người bị huyết áp cao.
Lê
Thường gặp có khoảng 14 giống, được chia thành các loại lê trắng, lê cát và lê tây,…
Lê trắng có quả hình trứng, hình trứng lộn ngược, khi chín vỏ màu vàng hoặc trắng vàng, thịt quả non giòn, nhiều nước, chất mịn, không có bã, vị ngọt thanh, thơm, tương đối ngon, có thể cất giữ được. Lê trắng cát quả phần lớn có hình cầu vỏ quả xanh, vàng nhạt hoặc màu hạt dẻ, ruột non giòn nhiều nước, chua ngọt vừa phải, nhưng không cất giữ được.
Thành phần dinh dưỡng của các loại lê về cơ bản là giống nhau. Thường trong mỗi 100g có chứa 0,3g protein, 0,04g lipit, 9,96g cacbohiđrat, 1mg canxi, 9mg photpho, 0,7mg sắt, 0,01mg thiamin (B1), 0,02mg riboflavin (B2), 0,2mg niacin (B3), 3mg axit ascorbic (C). Ngoài ra, còn có chứa một lượng lớn glucoza, fructoza, sucroza, axit malic, axit citric,...
Theo Đông y, lê vị ngọt, hơi chua, tính hàn, có công dụng nhuận phổi, mát tim, tiêu đờm, dứt ho, hạ hỏa, thanh tâm,... được dùng cho các chứng ho hen, mất tiếng, phòng nhiệt ở trẻ nhỏ, mắt sưng đỏ, đau họng, ợ chua,... Sau bữa ăn, ăn lê sẽ thúc đẩy việc tiết dịch vị, giúp cho tiêu hóa và kích thích thèm ăn. Thường xuyên ăn lê chín sẽ giúp ích cho việc tăng thêm tân dịch, bổ dưỡng hầu họng. Do lê có tính hàn, cho nên sản phụ, những người vị hàn và tụy hư, đi lỏng không nên ăn.
Đào
Trên thế giới có hơn 3000 giống. Dựa theo hình thái quả mà chia thành đào dính hạt và đào bong hạt; dựa vào thịt quả mà chia thành các loại có chất tan và không có chất tan
Đào có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng khá cao. Trong mỗi 100g có chứa 0,9g protein, 0,1g lipit, 10,7g cacbohiđrat, 3mg canxi, 19mg photpho, 0,8mg sắt, 0,01mg thiamin (B1), 0,04mg riboflavin (B2), 1,1mg niacin (B3), 6mg axit ascorbic (C). Ngoài ra, còn có chứa tương đối nhiều sợi thô, axit malic, axit citric,... Trong nhân hạt đào có chứa axit béo và amaroglucozit (amaroglucoside), thiamin (B1),... Đào có thể ăn tươi, cũng có thể gia công chế biến thành mứt.
Theo Đông y, đào vị ngọt, chua, tính hơi ấm, có công dụng sinh tân, nhuận tràng, hoạt huyết, tiêu tích,... Hạt đào vị đắng ngọt tính bình, nhuận, có công dụng phá huyết khứ ứ, nhuận táo hoạt trường, có tác dụng trấn tĩnh các cơ quan hô hấp, dứt ho, giảm cơn hen. Chất chiết xuất từ hạt đào có tác dụng chống đông máu, được dùng để chữ bán thân bất toại do bị nghẽn mạch gây nên. Hạt đào độc, không được ăn sống.
Mơ
Dựa theo hình thức sử dụng mà chia thành loại ăn tươi, loại dùng hạt và loại kiêm dụng hạt và khô. Loại ăn tươi chủ yếu là để ăn tươi. Loại dùng hạt được chia thành 2 loại là hạt ngọt và hạt đắng.
Loại hạt và khô kiêm dụng chủ yếu là dùng để sấy khô đồng thời dùng cả hạt.
Trong mỗi 100g mơ tươi có chứa 1,2g protein, 11g cacbohiđrat, 26mg canxi, 24mg photpho, 0,8mg sắt, 1,79mg caroten, 0,02mg thiamin (B1), 0,03mg riboflavin (B2), 0,6mg niacin (B3), 7mg axit ascorbic (C). Mơ khô do lượng nước giảm, nên hàm lượng dinh dưỡng được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, trong mơ còn có chứa catecholamin, navon (navone),...
Bộ phận dùng làm thuốc của quả mơ chủ yếu là hạt (hạnh nhân). Hạnh nhân đắng có vị cay, đắng, ngọt, tính ôn, có công dụng khử đờm, dứt ho, nhuận tràng,… được dùng cho các chứng ho do cảm gió, nhiều đờm, hen và đại tiện khô cứng,... Hạnh nhân ngọt có vị ngọt, tính bình, thiên về bồi bổ, phần nhiều dùng cho phổi hư ho lâu ngày, ho khan và đại tiện khó...
Trong hạnh nhân có chứa amaroglucozit, dầu hạnh nhân, dưới tác dụng của enzim và axit sẽ thủy phân thành fomonitrin (formonitrine) rất độc, sẽ gây ra ngộ độc cấp, tỉ lệ tử vong rất cao, nhưng độc tố có tính hòa tan, ngâm nước và đun nóng sẽ làm tăng nhanh sự phân hủy và bay hơi, cho nên phải qua gia công triệt để thì mới có thể ăn được.
Hồng
Có hơn 800 giống. Dựa theo trên cây có hết chát tự nhiên trước khi chín hay không mà chia thành 2 loại là hồng chát và hồng ngọt. Quả hồng chát sau khi thu hái phải qua khử chát nhân tạo rồi mới có thể ăn được.
Thành phần và hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi 100g hồng là: 0,7g protein, 0,1g lipit, 10,8g cacbohiđrat, 10mg canxi, 19mg photpho, 0,2mg sắt, 0,15mg caroten, 0,01mg thiamin (B1), 0,02 riboflavin (B2), 0,13mg niacin (B3), 11g axit ascorbic (C). Cacbohiđrat chủ yếu là đường các loại, trong đó sucroza, fructoza và glucoza là chính. Ngoài ra, còn có chứa pectin, axit tanic. Vị chát của hồng chát có liên quan tới hàm lượng tanin trong đó.
Theo Đông y, hồng vị ngọt, chát, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt khử phiền, chỉ khát sinh tân, nhuận phổi tiêu đờm, kiện tì, trị lị, cầm máu,... Đồng thời còn có thể hạ huyết áp giảm sưng đau trĩ, được dùng cho các chứng trĩ xuất huyết, huyết áp cao, đại tiện phân khô cứng, viêm phế quản mãn, đau họng ho khan,... Dùng lá hồng hãm thành trà uống sẽ kích thích sự chuyển hóa trong cơ thể, ổn định và giảm huyết áp, tăng cường lưu lượng máu trong động mạch vành, rất hữu ích cho người bị huyết áp cao.
Hồng, nhất là hồng chưa chín kĩ, không được ăn nhiều trong một lần, nếu không dễ dẫn đến bệnh sỏi hồng dạ dày, tức hồng ăn vào sẽ đóng cục lại trong dạ dày, nhỏ thì như hột đào, to thì như nắm đấm, rồi càng ngày càng to đến mức không thể thải ra được. Người bị bệnh này có biểu hiện đau bụng dữ dội, buồn nôn, ói mửa, chán ăn, người bị nặng sẽ dẫn đến nôn ra máu, đồng thời gây loét dạ dày. Đó là do nhựa hồng gặp dịch vị kết đọng lại gây nên. Để tránh tạo thành sỏi hồng, ngoài việc không nên ăn quá nhiều một lần ra, còn phải tránh ăn lúc bụng đói, không ăn hồng xanh và vỏ hồng.
Táo ta
Táo ta có chứa nhiều vitamin và đường các loại. Trong mỗi 100g táo tươi có chứa 1,2g protein, 0,2g lipit, 23,2g cacbohiđrat, 14mg canxi, 23mg photpho, 0,5mg sắt, 0,01mg caroten, 0,06mg thiamin (B1), 0,04mg riboflavin (B2), 0,6mg niacin (B3), 540mg axit ascorbic (C). Hàm lượng axit ascorbic (C) trong táo chua là các nhất. Trong mỗi 100g có tới 830 - 1170mg. Ngoài ra, còn có chứa đường các loại như glucoza, fructoza và polisacarit,...; axit amin tự do, flavon, ankaloit, và axit malic, axit oleic và axit linoleic,...
Táo ta có giá trị dược dụng rất cao. Theo Đông y, táo ta vị ngọt, tính ôn, có công dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết, an thần, sinh tân dịch, giải độc do thuốc,... được dùng vào các chứng tì vị hư nhược, chán ăn, đại tiện loãng, mệt mỏi, khí huyết không đủ, tân dịch hao tổn, đánh trống ngực, mất ngủ. Các nghiên cứu gần đây phát hiện thấy táo ta kích thích sự tổng hợp protein, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngoài ra, còn giúp ích cho việc bảo vệ gan, an thần, hạ huyết áp, chống dị ứng và ức chế sự sinh sôi của tế bào ung thư, có tác dụng chống ung thư, chống nấm, giảm ho. Ngoài ra, táo ta còn có hiệu quả trị liệu trong việc giảm tiểu cầu, ban xuất huyết thể dị ứng và thể đơn thuần. Trong hạt táo ta chua có chứa saponin và sterol thực vật, có tác dụng an thần rõ rệt. Khi ăn táo ta, cần chú ý đến sự kị.. Theo Đông y, táo ta ăn tươi dễ tổn hại đến tì gây ỉa chảy, người đầy bụng tránh ăn. Những người bị sâu răng, đau trướng bụng dưới, táo bón cũng không nên ăn.
Nhãn
Còn gọi là long nhãn. Có hơn 400 giống. Cùi nhãn khi tươi có màu trắng sữa trong suốt, vị ngọt như mật, sau khi khô biến thành màu nâu sẫm, chất mềm dai, được gọi là long nhãn. Được dùng để ăn hoặc làm thuốc. Dùng làm thuốc chọn loại hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt sắc là tốt nhất. Trong mỗi long nhãn tươi có chứa 1,2g protein, 0,1g lipit, 16,2g cacbohiđrat, 13mg canxi, 26mg photpho, 0,4mg sắt, 0,04mg thiamin (B1), 0,03mg riboflavin (B2), 1,0mg niacin (B3), 60mg axit ascorbic (C). Trong sản phẩm khô, hàm lượng protein, cacbohiđrat và chất khoáng đều tăng lên rõ rệt, nhưng do bị ảnh hưởng của chế biến mà hàm lượng axit ascorbic lại bị giảm xuống. Cacbohiđrat tồn tại chủ yếu dưới dạng glucoza và sucroza, cho nên có vị ngọt. Ngoài ra, còn có chứa các chất: ađenin, cholin, axit tartric,...
Theo Đông y, nhãn vị ngọt, tính ôn, có công dụng dưỡng huyết an thần, bổ dưỡng tim, tụy,... được dùng cho các chứng hư lao gầy yếu, xuất huyết mãn tính, mất ngủ, khí huyết không đủ, đánh trống ngực...
Chuối
Tên gọi chung cho các loại chuối ăn được dựa theo đặc trưng hình thái, có thể chia làm 3 loại là chuối tiêu, chuối tây, chuối bột. Chuối tiêu quả hơi nhỏ, cong, màu vàng tươi, thịt quả màu vàng nhạt, vị ngọt không chat, vỏ dễ bóc, có mùi thơm ngào ngạt. Chuối tây quả khá to, quả thẳng có góc hình thoi rõ, quả dày và dai, thịt quả màu vàng mơ, mềm, vị ngọt hoặc vị hơi chua, không thơm. Chuối hột quả ngắn hình gầu tròn, quả chín có vỏ vàng tươi mỏng và hơi dai, thịt quả màu trắng sữa, mềm, ngọt, trơn, khó bóc.
Chuối tíêu là loại ngon nhất, chuối tây đứng thứ hai, chuối hột thì không được ngon lắm.
Chuối có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, trong mỗi 100g có chứa 1,2g protein, 0,6g lipit, 19,5g cacbohiđrat, 9mg canxi, 31g photpho, 0,6mg sắt, 0,25mg caroten, 0,02g thiamin (B1), 0,05mg riboflavin (B2), 0,7mg niacin (B3), 6mg axit ascorbic (C). Thành phần chủ yếu của cacbohiđrat là tinh bột và đường các loại, cho nên có vị ngọt và bột. Ngoài ra, còn có chứa pectin, 5 - hiđroxitriptamin (5 - hydroxytryptamine), norepinephrin (norepinephrine), đihiđroxi axetophen (dihydroxy acetophen) và nhiều loại enzim.
Theo Đông y, chuối vị ngọt, tính hàn, có công dụng chỉ khát, nhuận phế trường, thông huyết mạch, điền tinh cốt,... thích hợp dùng cho các chứng táo bón phiền khát, sốt, mụn nhọt do nhiệt, sưng nhiễm trùng,... Các nghiên cứu hiện nay phát hiện thấy trong chuối có chứa các chất ức chế ung thư, chống ung thư, ăn chuối thường xuyên sẽ giúp cho việc phòng ngừa ung thư. Tỉ lệ glucoza và fructoza có trong chuối là 1:1, nên rất thích hợp cho việc điều trị bệnh lị mỡ. Do chuối tính hàn, nên người tì vị hư hàn, đau dạ dày và ỉa chảy nên ăn ít, người có dịch vị quá nhiều không nên ăn.
Dứa
Được chia làm 3 chủng là dứa Cayenne, dứa Queen (dứa hoàng hậu) và dứa Red Spanish.
Dứa Cayenne có thịt quả màu vàng nhạt, nước quả dôn dốt vừa độ. Dứa Queen quả tương đối nhỏ, ruột quả vàng hoe hoặc vàng sẫm, nước nhiều vị ngọt, hương thơm ngát. Dứa Red Spanish có thịt màu vàng nhạt phớt trắng, nước quả có độ chua tương đối cao. Dứa có thể ăn sống và cũng có thể chế biến thành đồ hộp, làm mứt, nước quả,...
Trong mỗi 100g dứa có chứa 0,4g protein, 0,3g lipit, 9,3g cacbohiđrat, 18mg canxi, 28mg photpho, 0,5mg sắt, 0,08mg caroten, 0,08mg thiamin (B1), 0,02mg riboflavin (B2), 0,2mg niacin (B3), 24mg axit ascorbic (C). Thành phần của cacbohiđrat chủ yếu là đường các loại. Ngoài ra, còn có chứa một lượng lớn các axit hữu cơ và enzim các loại.
Dứa vị ngọt, hơi chát, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, giải khát, giúp ích cho tiêu hóa, cầm ỉa chảy,... Dứa có chứa bromelain, có thể phân giải protein trong dạ dày, giúp cho tiêu hóa. Ngoài ra, còn có công hiệu nhất định đối với các chứng viêm thận, huyết áp cao, viêm phế quản.
Có những người bị dị ứng dứa, sau khi ăn 15 - 60 phút sẽ xuất hiện đau bụng, ỉa chảy, ói mửa, đau đầu, da tấy đỏ, toàn thân ngứa ngáy; người bị nặng sẽ xuất hiện khó thở, choáng,... Loại bệnh chứng này gọi là “bệnh dứa”. Khi ăn phải gọt vỏ, bỏ hết mắt dứa, bổ ra ngâm vào nước muối, rửa sạch, sẽ giảm bớt được khả năng ngộ độc, và làm cho vị càng ngon hơn.
Lạc
Có giá trị làm thức ăn và dược dụng khá cao. Trong mỗi 100g có 23g cacbohidrat, 27,6g protein, 41,2g lipit, 71mg canxi, 399mg photpho, 2mg canxi, 0,10mg caroten, 0,21mg thiamin (B1), 0,14mg riboflavin (B2), 13,1mg niacin (B3). Trong lipit có chứa nhiều loại axit béo trong đó hàm lượng axit béo không no nhiều lần chiếm tương đối nhiều, như hàm lượng axit linoleic lên lới 37,6% dễ được cơ thể tiêu hóa, hấp thu. Ngoài ra, còn có chứa nhiều vitamin E, axit panothenic, biotin, cholin, purin, bitain,...
Theo Đông y, lạc vị ngọt, tính bình, có công dụng nhuận phế hòa vị,... được dùng cho các chứng ho, ợ chua, sữa ít,… Vỏ lụa của lạc có thể chữa được các loại xuất huyết, có hiệu quả rõ rệt với các bệnh ban xuất huyết giảm tiểu cầu nguyên phát và thứ phát, xuất huyết bệnh gan, xuất huyết sau phẫu thuật.
Chất chiết xuất từ vỏ cứng của lạc có tác dụng hạ huyết áp, giãn mạch máu ngoại vi, giảm trở lực máu chảy. Nhân lạc ngâm giấm cũng có tác dụng hạ mỡ, hạ áp, giãn động mạch nhỏ và cải thiện tuần hoàn.
Hồ đào (óc chó)
Có chứa nhiều protein, lipit, chất khoáng và vitamin. Trong mỗi 100g có chứa 15,4g protein, 63g lipit, 10,7g cacbohiđrat, 108mg canxi, 329mg photpho, 3,2mg sắt, 0,17mg caroten, 0,32mg thiamin (B1), 0,11mg riboflavin (B2), 1,0mg niacin (B3). Trong lipit có chứa nhiều axit linoleic, giá trị dinh dưỡng khá cao. Ngoài ra còn có chứa nhiều vitamin E: Hồ đào vị ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng bổ thận cô tinh, ích khí kiện tì, ấm phổi nhuận tràng,...
Theo Đông y, hồ đào ăn cùng với các thức bổ, sẽ tăng cường được khả năng bồi bổ, như hồ đào uống cùng với đỗ trọng sẽ có tác dụng bổ huyết ích tinh, tăng thèm ăn, chữa chứng hư nhược. Uống dầu hồ đào có thể tẩy được sán dây. Dùng bôi ngoài có thể chữa các bậnh ngoài da như mụn nhọn, ngứa ngáy, đồng thời được dùng làm nước gội đầu. Hồ đào tính ôn, tư nhuận, những người bị đàm viêm nên ăn ít, đi phân loãng, đau bụng, ỉa chảy không được ăn.