Thế giới quan của người Navaho
Người Navaho, như chúng ta đã từng đề cập đến trong phần thảo luận về nơi ăn chốn ở của con người (Chương 16), là một dân tộc nói tiếng Athabascan, từ năm trăm năm trước hoặc trước đó nữa, đã di cư từ Canada đến các cao nguyên khô cằn miền Tây Nam nước Mỹ. Thoạt tiên là những người săn bắt và lùng kiếm thực phẩm, họ trở thành những người làm nông trong môi trường mới mẻ miền Tây Nam của mình. Khi người Tây Ban Nha mang những loài ngựa, cừu và dê đến, họ lại trở thành những người chăn nuôi súc vật trên nền tảng của những người nông dân. Việc canh tác các loại bắp, đậu và bí cũng như phần lớn những truyền thuyết huyền thoại, việc khắc chạm các hình tượng và kỹ thuật vẽ bằng cát là những điều được học hỏi từ các thổ dân Pueblo. Cũng trong cung cách như vậy, hệ thống những thị tộc theo chế độ mẫu hệ của người Navaho cũng được sao chép từ hệ thống của những người Pueblo ở miền Tây. Nhưng chúng cũng đã lưu ý rằng người Navaho đã từ chối cách sống định cư, trong những ngôi làng cố định theo cấu trúc của người Pueblo, và ưa thích ở trong những ngôi nhà làm bằng cây lá và bùn đất trong những khu đất mới và nằm rải rác, cách xa nhau. Tổ chức xã hội của họ hoàn toàn không có tính tập trung và kết dính cố định. Chế độ hôn nhân theo thị tộc được tuân thủ một cách triệt để, nhưng hình phạt dành cho tội loạn luân là thiêu sống - một loại nghiệp chướng mà những người có bà con họ hàng phải cố mà ngăn chặn. Hình phạt phải được hành xử bởi chính người phạm tội. Người Navaho tiến hành các buổi lễ lạc rất công phu, những bài thánh ca được soạn ra cho những dịp cả xã hội, cộng đồng tụ họp lại với nhau; và những người được giao nhiệm vụ ca hát cũng phải thuộc lòng các nghi thức rắc rối nặng nề. Nhưng các bài thánh ca cũng có thể được xướng lên theo yêu cầu của các cá nhân hoặc các gia đình để chữa trị những bệnh tật của họ; và khi đó chúng không phải là một phần trong quy trình cúng bái. Những người hát thánh ca là các cá thể chuyên nghiệp nhưng không phải là thành viên của hội đoàn tôn giáo. Các thị tộc cũng không phải là những nhóm liên kết được thành lập để chống đối lẫn nhau.
Một vũ trụ trật tự nhưng nguy hiểm
Xu hướng cơ bản của người Navaho là gia đình-cá thể chứ không phải là sự tập trung. Họ quan niệm rằng vũ trụ là một nơi chốn có trật tự nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm, mà con người phải đối xử với sự thận trọng và đề phòng tối đa.
Cơ sở của quan điểm này có nguồn gốc từ truyền thuyết huyền thoại của người Navaho, trong đó mô tả lịch sử và tính cách của dân tộc Thần Thánh - những sinh vật bất tử siêu nhiên thuộc về một khu vực thiêng liêng của thế giới, đối nghịch với Dân Tộc Mặt Đất những con người bình thường, có sinh và có tử. Truyền thuyết kể rằng “dân tộc đó, từ thời thượng cổ, vũ trụ là một nơi cực kỳ nguy hiểm, là nơi cư ngụ của một dân tộc không đáng tin cậy, nếu không nói là hoàn toàn xấu xa... [những người] bao giờ cũng mang đến cho người Navaho cái cảm giáo đe dọa sự phồn vinh của mình”.
Dân Tộc Mặt Đất, ngoại trừ những người bà con đang còn sống, tất cả đều có khả năng gây nguy hiểm, và dù chỉ tiếp xúc thoáng qua với những người không có họ hàng cũng có thể rước lấy bệnh tật hiểm nghèo. Bất kỳ ai cũng có thể là một ác quỷ, ngoại trừ những người đã quá thành công và giàu có. Ác quỷ là những con ma sói hoặc ma cà rồng chuyên phạm tội loạn luân và là căn nguyên của sự lo âu phiền muộn dai dẳng. Nhưng theo quan điểm của người Navaho, cái chết cũng là một điều kinh khủng đối với những hồn ma của các ác quỷ trong thế giới người chết; chúng quấy rầy và gieo rắc dịch bệnh cho người sống bằng những điềm báo trước kinh khủng và những trò những ghẹo phá phách con người không thể nào thoát khỏi. Ngay cả một người bạn khoan dung độ lượng nhất cũng có thể trở thành một hồn ma ác độc và đầy thù hận. Nỗi sợ hãi các hồn ma làm cho ngay cả những người Navaho đã trưởng thành miễn cưỡng lắm mới dám ở một mình trong bóng tối.
Tám nguyên lý cơ bản của người Navaho. Dựa trên bối cảnh này, Kluckhohn đã thiết lập tám “yếu tố chủ chốt” mà đưa vào đó thế giới quan của người Navaho đã hình thành và tồn tại:
1. Vũ trụ có trật tự: tất cả mọi sự kiện đều có nguyên nhân và tương quan với nhau.
a. Kiến thức là quyền lực.
b. Yêu cầu căn bản là sự hòa hợp.
c. Sự hòa hợp có thể phục hồi bằng các thủ tục trật tự.
d. Một cái giá phải trả cho sự vô trật tự, trong giới hạn của con người, chính là sự đau yếu, bệnh tật.
2. Vũ trụ có khuynh hướng bị cá nhân hóa.
Kết quả tạo ra có thể đồng nhất với các giới hạn cá nhân.
3. Vũ trụ đầy rẫy nguy hiểm.
4. Cái xấu và cái tết bổ sung cho nhau và cùng hiện diện.
5. Kinh nghiệm được nhận thức như một thể liên tục, được phân biệt bằng những dữ liệu thuộc cảm quan.
6. Đạo đức được cảm nhận trong những giới hạn tình huống và truyền thống, chứ không phải trong những giới hạn có tính tuyệt đối trừu tượng.
7. Những mối quan hệ của con người được giả định dựa trên cơ chế gia đình - cá nhân.
8. Các sự kiện, chứ không phải là các nhân vật hay tính cách của sự kiện, mới là yếu tố chủ yếu.
Các quy tắc này phát triển thành một thế giới quan có những điểm trọng tâm chính yếu sau đây.
Tác động bắt buộc của kinh cầu và nghi thức. Một cách máy móc, người Ashanti nhìn vũ trụ như một hệ thống tương liên giữa nguyên nhân và hậu quả Dân Tộc Thần Thánh thực ra có thể là những sinh vật có linh hồn, nhưng họ đâu được tự do để hành động một cách gàn dở vô tổ chức, họ cũng bị kiềm chế bới những luật lệ do chính họ đặt ra. Thánh ca và nghi lễ là những động thái bắt buộc nhằm điều chỉnh những thành tựu, chứ không chỉ nhằm thỉnh cầu ơn mưa móc từ các vị thần linh. Khi viết về tôn giáo của người Navaho, Gladys Reichard đã nói “kinh cầu là những lời bắt buộc, có chức năng rõ ràng do tính thứ tự lớp lang và hoàn chỉnh của mình và nhằm mục đích cụ thể bởi tính chính xác của ngôn từ”. Do vậy, tinh thông một thuật ngữ bí truyền, kèm theo một khả năng nắm bắt ngay tức thì những cơ hội và triển khai chúng một cách thực dụng, con người bỗng trở nên có quyền năng. Đây chẳng phải là loại kinh nghiệm huyền bí - cũng không phải là hình thức ma thuật hoặc khắc kỷ khổ hạnh – nhưng chỉ sự hiểu biết (theo cách nói của người Navaho - nguyên văn tiếng Anh knowledge, trường hợp này có thể nói theo kiểu Việt Nam là ngộ hay đạt - ND) mang lại quyền năng siêu nhiên. Tuy nhiên, quyền năng không có nghĩa là am hiểu, tinh thông về thiên nhiên như người thổ dân miền Tây vẫn mong mỏi, tìm kiếm. Đúng hơn, cái cơ bản mà người Navaho tìm kiếm chính là sự hòa hợp. “Tri thức mà cá nhân hấp thụ được có thể giúp phục hồi sự hòa hợp trong cuộc sống của chính mình, trong đời sống với cộng đồng, trong đời sống với thiên nhiên”. Tất cả mọi biểu tượng của người Navaho, dù bằng ngôn ngữ hay bằng hình tượng, đều được làm cân xứng thành từng cặp hay từng bộ tứ.
Những lực cản phá. Sự không hòa hợp cũng chính là sự mất cân đối, đồng nghĩa với sự biểu hiện rối loạn như lụt lội, thảm họa, và trên hết là bệnh tật của con người. Mỗi cuộc hành lễ của người Navaho là một “phương cách điều trị” được hát lên, dành cho một bệnh nhân, mặc dù một số phương cách điều trị cũng có thể lợi dụng cái trạng thái của thiên nhiên. Phù thủy, ma quỷ luôn luôn có xu hướng quấy rầy, phá vỡ sự hòa hợp của sự vật, ngoại trừ các loại ma quỷ vốn đã không mang tính xấu và tính tốt. Cái tốt hoặc điều thiện và cái xấu hoặc điều ác cùng hiện diện và bổ sung cho nhau. Nếu mọi sự cân đối, hài hòa thì con người và gia đình mình sẽ vẫn được tốt lành, nhưng tiếc thay thế giới lại đấy rẫy những hiểm nguy. Kluckhohn và Leighton đã viết: “người Navaho, đầu óc dường như bị ám ảnh bởi đủ thứ đe dọa chứa đựng trong thế giới này và thế giới siêu nhiên, những thứ mà họ sợ hãi và đặt ra”. cái cơ chế cưỡng bách phải phục tùng thể hiện rất rõ nét và tích cực trong hành vi, nghệ thuật, nghi thức và tôn giáo của họ. Bổ sung cho cái hình thức chủ nghĩa là nhu cầu né tránh những nguy cơ. Quá độ là nguy hiểm. Hầu hết các hành động tự bản thân chúng là vô đạo đức, nhưng chỉ gây ra rắc rối khi được thực hiện một cách quá quyết liệt. “Vậy thì, hãy ở trong những giới hạn an toàn”. Con người có thể bị đau yếu chỉ vì tiếp xúc với một người lạ. Bài tụng ca Con Đường của Kẻ Thù được ngâm nga suốt chín ngày có thể rất cần thiết, để phục hồi cái trật tự bị đảo lộn do sự hiện diện của một người lạ. Và ở đâu, khi đang rơi vào một tình huống đầy nguy cơ, thì người Mỹ bao giờ cũng luôn la lên: “Đừng đứng ở đó! Làm cái gì đi chứ!”. Quy tắc của người Navaho lại là “Trong tình huống mới mẻ và nguy hiểm thì đừng có làm cái gì cả!”.
Người Navaho đáp ứng lại với thế giới theo cách mà họ nhìn nhận thế giới, họ là những người cá nhân chủ nghĩa siêng năng và làm lụng trong phạm vi cái khuôn khổ của những điều đã biết. Họ tận tâm hy sinh công sức và thời gian của mình để chiến đấu chống lại những sức mạnh cản trở, gây ra sự mất cân đối trong thế giới của họ. Họ cố gắng tỏ ra quảng đại, lễ độ, và hòa nhã; tránh sự rắc rối với các loại ma quỷ, và trên hết mọi sự là tìm cách để có được sức khỏe và sức mạnh để làm việc và đạt đến sự hiểu biết; để tồn tại trong một đáng vẻ đẹp đẽ bằng y phục và trang sức của mình, cũng như cung phụng đầy đủ cho gia đình mình - tất cả không nhằm vào sự vinh quang hoặc quyền lực để sai khiến hay cai trị con người. Trong thế giới quan của người Navaho, hoàn toàn không có chỗ cho ý niệm thống trị những con người đồng loại.