Bản chất của thế giới quan
Quan niệm về cuộc sống và toàn bộ môi trường sống mà một cá nhân có được, hoặc điểm đặc trưng của các thành viên trong một xã hội thường liên quan đến cái mà ngôn ngữ Đức gọi là Weltanschauung, tức quan điểm về vạn vật trong vũ trụ. Quan điểm này mang cái gợi ý “về cấu trúc của những sự vật mà con người cảm nhận về chúng”, và do lẽ đó, nó cũng là hoàn cảnh sống mà con người nhận thức được từ cái cấu trúc đó. Quan điểm nội tại của con người được tô màu, gọt giũa, và sắp xếp lại theo những định kiến văn hóa của họ. Hành tinh mà chúng ta đang sống, thế giới của những vật thể hữu hình và những sự vật sinh động, hoàn toàn chẳng phải là một thế giới như nhau đối với tất cả mọi con người. Thật vậy, một sự miêu tả dù đơn giản về những cấu thành cơ bản nhất và có thể quan sát được của thế giới này (như bầu trời, mặt đất, nước và các loài thảo mộc,...) của một người của nền văn hóa này, có thể là những điều hoàn toàn không thể hiểu được đối với một người thuộc nền văn hóa khác. Như chúng ta đã từng nhận thấy, những nhận thức khác nhau về mục đích cuộc sống và những yếu tố trong vũ trụ có thể biến đổi rất khác xa nhau. Các định chế, những mối quan hệ, nghệ thuật và công nghệ tuy biến đổi khác nhau khắp mọi nơi trên thế giới, thành những hình thái biểu lộ có thể quan sát được, nhưng đều được nêu bật lên như là những nguyên lý cơ bản định hướng cho những định kiến riêng biệt về cuộc sống, và những phương cách mà các dân tộc tổ chức, kiến tạo nên nền văn hóa của họ. Những quan điểm về vũ trụ hình thành riêng biệt khác nhau có thể mang lại hậu quả, như chúng ta sẽ xem xét trong ba thí dụ được đưa ra dưới đây, chúng ta sử dụng những thí dụ được diễn tả tuy ngắn gọn nhưng rõ ràng và súc tích (có thể một phần nào quá đơn giản), để nêu bật những chi tiết tương phản giữa người Ai Cập và người Hy Lạp (do Edith Hamilton) cũng như với người Aztec (do Alphonso Caso).
Thế giới quan của người Ai Cập
Ở Ai Cập, tâm điểm của mọi sự quan tâm thành là cái chết... Vô số mọi con người của hằng bao nhiêu thế kỷ đều nghĩ về cái chết như là một điều gần gũi và thân thương nhất đối với họ. Đây quả là một trường hợp kỳ lạ và chỉ được xác nhận, minh chứng không bằng điều gì khác ngoài khối lượng đồ sộ những tác phẩm nghệ thuật của người Ai Cập xoay quanh về chủ đề cái chết. Đối với người Ai Cập, cái thế giới thực tại vĩnh cửu không phải là cái thế giới họ đang bước đi hàng ngày trong cuộc sống, mà chính là cái thế giới mà họ được ban tặng và bước đến qua cánh cửa của cái chết.
Thế giới quan của người Hy Lạp
Nhưng đối với những người dân thành Athenes, Hamilton đã viết như sau:
Vui hưởng cuộc sống, nhận ra rằng sống trong thế giới này là đẹp đẽ và thú vị là nét đặc biệt trong tinh thần người Hy Lạp, làm cho họ khác biệt với tất cả những dân tộc trong quá khứ... Người Hy Lạp ca tụng niềm vui sống và bỏ lại sau lưng tất cả những điều rối rắm khác... Ngay trong những khoảnh khắc đen tối nhất, họ cũng không để mất sự tinh tế trong cuộc sống của mình. Bao giờ thế giới cũng là một nơi chốn đẹp đẽ, thú vị và tuyệt vời, họ cảm thấy vui mừng vì được sống trong đó...
Đối với họ, thế giới của linh hồn cũng là cái thế giới bình thường hiện tại. Đó cũng là thế giới quen thuộc trong tâm trí họ. Cái đẹp cũng như chân lý đều được biểu lộ trong đó... Lý lẽ và cảm giác chẳng phải là những điều đối nghịch nhau. Chân lý của thẩm mỹ và chân lý của khoa học đều là chân lý.
Thế giới quan của người Aztecs
Đối với người Aztec, trong cùng chung một giai đoạn của thế giới, nhưng mười bảy thế kỷ sau chúng ta lại đọc được trong những bài viết của Alfonso Caso những điều sau:
Do tính tự cao, người Aztec tự xem mình là cộng sự của những vị thần thánh, vì họ cho rằng cuộc đời họ được sinh ra là được cống hiến cho nhiệm vụ duy trì trật tự trong vũ trụ và chiến đấu chống lại những quyền lực đen tối.
Mang cái ý thức sự tiếp tục tồn tại của vũ trụ là phụ thuộc vào họ, lễ vật dâng tặng lên thần linh cũng tùy thuộc vào họ, việc ban tặng những ân sủng cho nhân loại cũng do họ. Cũng vậy, ánh sáng mặt trời, những cơn mưa hình thành từ các rặng núi tưới tiêu cho cây bắp, những cơn gió mơn man trên đám lau sậy hay dồn thổi những đám mây, hoặc biến thành những cơn cuồng phong, tất cả đều tùy thuộc vào họ....
Ngoài cái ý tưởng tưởng tượng liên quan đến vũ trụ này, người Aztec cũng tin tưởng rằng họ có một lý tưởng đạo đức cần phải vươn tới. Cuộc chiến đấu của Thần Mặt Trời chống lại quyền lực của Thần Bóng Tối không đơn thuần chỉ là cuộc chiến tranh của các vị thần thánh, mà trên hết, là cuộc chiến của cái tốt và điều thiện chống lại cái xấu và điều ác…
Tương phản với cái lý tưởng tôn giáo và có tính thống trị này, trong sâu thẳm tâm hồn của người Aztec bao giờ cũng hiện diện một cảm giác bi quan. Họ nghệ rằng sau khi chấm dứt sự thống trị của họ, cũng là lúc mặt trời bị đánh bại... Và lúc đó, những quyền lực xấu xa sẽ thắng thế... và hủy diệt nhân loại.
Và do vậy, theo người Aztec, cuộc sống này chỉ là sự phù du, và cái cảm giác bi quan và lo âu hiện diện trong các công trình điêu khắc đồ sộ và phi thường, cũng như một nỗi buồn sâu thẳm thắm đượm trong nền thi ca của họ.
Các đoạn trích dẫn trên nêu lên đặc trưng của ba nền văn minh, nhưng những gì là thực tế của chúng cũng là sự thật của hầu hết mọi xã hội thế giới quan là một nét đặc trưng có ý nghĩa và là cơ bản đối với mọi nền văn hóa, dù cho sự diễn đạt của thế giới quan trong nghệ thuật và trong triết lý có thể là lý tưởng hơn trong thực tại và hành vi thực tế của con người. Nếu không thấu hiểu những thế giới quan, sẽ không nhận thức được về nhân loại. Vì vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu về hiện tượng này sâu hơn bằng những loại thế giới quan của các tộc thổ dân Navaho, Ashanti, Hopi và của người Mỹ.