Mây có mang theo sự ô nhiễm không?
Không có xon khí, mây sẽ không tồn tại, do đó cũng không lạ lắm là mây không chỉ mang nước ngọt. Các giọt nước hòa tan các loại hạt trong mây, dù đó là các tinh thể muối, nitrat, photphat, sunfat hay canxi. Nếu không khí bị ô nhiễm bởi các chất khí như oxyt lưu huỳnh và nitơ thì mưa trở thành axit. Trên thực tế, mưa rửa sạch bầu trời và giải thích tại sao các xon khí không tích lại trong khí quyển. Nguy hiểm là ở chỗ các trận mưa này dồn các chất độc vào những vùng được chúng tưới. Giả thuyết này đã từng được đưa ra vào cuối những năm 1960. Thoạt tiên người ta thấy rằng nước hồ ở Thụy Điển trở nên có tính axit hơn, rồi các khu rừng ở Đức bắt đầu tàn lụi: trên ghế bị cáo khi ấy là khí thải đioxyt lưu huỳnh và oxyt nitơ công nghiệp ở nhiều nước châu Âu. Nhưng sau nhiều nghiên cứu, vấn đề lại tỏ ra phức tạp hơn nhiều và khó giải quyết. Về mặt lý thuyết thì axit sunfuric không tốt cho ai cả và hiện nay khi hạn chế thải SO2, các nước phát triển đã thu hẹp vướng mắc. Nhưng các vấn đề mới lại nổi lên: mây ti nhân tạo ngày càng nhiều do các vệt ngưng tụ của máy bay tạo ra liệu có tác động gì đến tổng thể bức xạ không? Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra cho các xon khí có cacbon và sunfat với lượng ngày càng tăng, là loại có thể làm tăng khả năng phản xạ của mây, khi tăng số nhân ngưng tụ.