Tài liệu: Một bản hùng ca viết cách đây hơn 45 thế kỷ

Tài liệu
Một bản hùng ca viết cách đây hơn 45 thế kỷ

Nội dung

MỘT BẢN HÙNG CA VIẾT CÁCH ĐÂY HƠN 45 THẾ KỶ

 

Gilgamesh - ông vua muốn làm người bất tử

Mất đi người bạn Enkidu, Gilgamesh đành phải chấp nhận thân phận kẻ trần tục, có sinh có tử. Một bản hùng ca viết cách đây 45 thế kỷ kể lại giấc mơ bất tử của Gilgamesh đã bị tan vỡ như thế nào.

Được viết ra cách đây hơn 45 thế kỷ, thiên Hùng ca Gilgamesh là bản hùng ca cổ xưa nhất trong lịch sử loài người. Đây không chỉ là một thành tựu bất hủ của sáng tạo văn học mà còn là một trong các chứng ngôn khả kính và sinh động cho thấy tư tưởng của tổ tiên xa xưa nhất của nhân loại trong màn sương mù của dĩ vãng.

Viết bằng ngữ Akkad - thứ văn tự có họ xa với ngữ văn Ả Rập và Hébreux - với lối gạch khắc lạ kỳ, hình đinh đều đặn nhấn nét trên những bảng đất sét bản trường ca này ghi kín mười một tấm bảng ngói như thế, mỗi bảng ba trăm câu thơ, về sau còn được bổ sung một tấm thứ mười hai. Cho đến nay, qua hơn 100 năm đã tìm ra được trong lòng đất giàu di tích có nhiều mảnh rải rác cộng lại bằng hai phần ba công trình. Dù thiếu mất nhiều đoạn, ta vẫn có thể lần theo hầu hết các tình tiết và các diễn biến nối tiếp nhau, nhất là cảm nhận được tầm vóc khái quát và ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.

Chúng ta hiểu biết về áng thơ lớn này đủ để thấy rằng, ngay từ thế kỷ XVIII Tr.CN, tác giả (mà hầu như chúng ta không biết gì hết) chắc chắn đã sử dụng khai thác một Folklor cổ xưa hơn nữa, mà một phần ít đã được lưu truyền thành những huyền thoại súc tích. Tác giả đã tập hợp được tất cả các sợi dây rải rác đó để dệt thành một tổng thể nhất quán, độc đáo; đúc những nét truyện tản mạn thành thiên tráng ca bi hùng đồ sộ, lưu truyền tới chúng ta ngày nay.

Tấn kịch thân phận con người

Thiên trường ca giữ nguyên nhân vật anh hùng tráng các tích truyện xưa: đó là Gilgamesh, một vị quốc Vương trị vì tại cố đô Uruk kỳ vĩ vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III Tr.CN. Tên đã xa lạ mà người cũng chẳng còn lại chút gì ngoài truyền thuyết. Vậy mà, cho dù với danh vị nhà Vua - điều luôn luôn được nhắc gợi trong bản trường ca Gilgamesh hiện diện không phải nhờ vai trò chính trị hay quân sự của ông, không vì chiến trận và chiến thắng, thậm chí cũng không phải là với tư cách ''anh hùng dân tộc", mà chỉ như một con người đại diện kiệt xuất cho mỗi thành viên của cộng đồng nhân loại. Chức năng chủ yếu của ông Vua ấy – chủ đề xuyên suốt bản hùng ca – không phải là chinh phạt, không phải là duy trì thế lực và vinh quang hay sự phồn vinh của đất nước, thậm chí cũng không phải là thúc đẩy phát triển văn hóa dân tộc, mà chính là nỗi trăn trở tuyệt vọng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi ghê gớm nhất, khắc khoải nhất trên đời: làm sao đương đầu với cái chết? Bản hùng ca Gilgamesh trước hết là tấn kịch về thân phận con người, thể hiện qua vị lão tướng thành Uruk, với những cuộc viễn du phiêu lưu, với bao nhiêu ước ao, hy vọng, phấn đấu, khổ đau, và cuối cùng cam chịu thất bại.

Tấn kịch đời ấy đã được tác giả tài ba vạch ra như một cuộc vinh thăng đứt đoạn: sáu tấm bảng đầu thuật lại chặng đường dẫn lên thượng đỉnh, phần còn lại nói về sự suy sụp. Có thể là áng văn đã được ghi theo lệnh của chính Gilgamesh, trở về sau bao chuyến phiêu du, ''mệt rã rời, nhưng lòng thanh thản''; sau khi đã “thấy tất cả và nhớ lại tất cả”, nhằm lưu truyền cho hậu thế bài học trường đời quan yếu của ông.

Mở đầu, vị Vua được sùng kính ở thành Uruk xuất hiện như một siêu nhân say sưa quyền lực, tin ở sức mạnh siêu phàm của mình nên trị dân một cách hà khắc tàn bạo đến mức các Thần linh cũng biết dân chúng oán than, và quyết định can thiệp. Chư Thần phái xuống nhân gian vị Thần thông tuệ nhất tên là Enki. Bằng một mưu mẹo tâm lý, Enki đưa đến với Gilgamesh một ''đối thân" như một phiên bản của Gilgamesh, một đối thủ cùng một tầm vóc và sức mạnh như Gilgamesh nhằm làm cho Gilgamesh mất cảm nghĩ mình là độc nhất vô song, đồng thời làm cho Gilgamesh bớt những hành động thái quá.

Có thể đây là vang hưởng được truyền thuyết lưu lại từ sự đối lập xa xưa giữa những người thị dân lịch lãm với những người ''sơ khai'' vô học: ''đối thân'' của Gilgamesh là một kẻ “man di”, sinh trưởng giữa các bộ lạc trên đồng hoang, xa lạ với không gian xã hội hóa. Tên ông ta, Enkidu, nghĩa là “sinh thể do Enki tạo ra” còn mang dấu ấn quá khứ ấy.

Nghe tin nhân vật này xuất hiện. Gilgamesh lôi kéo ông ta bằng cách phái nàng Lascive tới gặp. Đó là một trong số rất đông các cung nữ dành cho tự do yêu đương, một đặc quyền lớn của nền văn minh chốn kinh kỳ. Lascive cám dỗ, lôi kéo Enkidu vào cuộc sống đô thị. Lần giáp mặt đầu tiên giữa Gilgamesh và Enkidu chẳng thân thiện chút nào: hai người cùng muốn khẳng định tư thế bề trên, xông vào đánh nhau dữ dội. Nhưng rồi, như bản văn đã viết, “Họ ôm nhau giải hoà”. Bởi vì tác giả đã chú ý biến ''tên nô bộc'' của Gilgamesh như truyền thuyết vẫn kể, thành người bạn tâm giao, hiện thân thứ hai của nhà Vua.

Đôi bạn

Vai kề vai, họ lao ngay vào cuộc mạo hiểm lớn tới khu “rừng tùng hương”. Chắc là truyền thống cổ tích dân gian đã lưu truyền sức cám dỗ từ ngàn xưa thôi thúc cư dân vùng Lưỡng Hà rời quê hương xứ sở bằng phẳng, khô cằn, toàn lau sậy và đất sét để đi tìm gỗ phiến, đá tảng và kim loại trên các triền núi ngoại vị xa xôi. Gilgamesh và Enkidu tiến theo hướng Tây Bắc tới Amanu và nước Liban. Việc này đã hé lộ ý đồ thầm kín của họ định lấy danh vọng và vinh quang vượt qua cái chết như lời Gilgamesh: “Vạn nhất có phải chết thì ít ra ta cũng được lưu danh với một tên tuổi vĩnh hằng”.

Qua nhiều gian truân mà ta không biết rõ chi tiết ngoài một điểm chung là cứ tới mỗi chặng dài Gilgamesh đều nằm mơ và Enkidu đều giải mộng thấy điềm tốt, hai người tới một khu rừng bao la... huyền bí và lặng lẽ. Truyền thuyết kể rằng khu rừng có một người khổng lồ dữ tợn canh giữ, tên là Huwawa hay Humbaba, cuối cùng bị hai người bạn kia bắt sống.

Đến đây, ý thức rằng họa tiềm ẩn đã chớm nảy sinh - như bão tố thường tiên báo rằng tiếng ì ầm vẳng tận chân trời - tác giả nói tới sai lầm đầu tiên của hai tráng sĩ. Đó là đối tượng đầu tiên ném lên bàn cân định mệnh sẽ cuốn họ đi sau khi bàn cách xử trí đối thủ bị cầm tù, họ quyết định thủ tiêu người khổng lồ giữ rừng. Rồi, không còn ai ngăn cản, hai người thả sức đốn hạ những cây tùng hương thiêng liêng hùng vĩ, không ngờ rằng hành động tưởng như bình thường ấy chính là lỗi lầm thứ hai. Đôi bạn chất gỗ nguyên cây lên một chiếc thuyền lớn, xuôi dòng sông Euphrate trở về Uruk và được Thần dân tung hô nồng nhiệt.

Họ vừa đạt tới tột đỉnh vinh quang thì xảy ra tiếp một tai ương mới, được mô tả như một thành tích nữa nhưng thật ra càng nhấn nghiêng cán cân định mệnh lệch xuống: đó là việc Gilgamesh sỗ sàng khước từ tình cảm của nữ Thần Ishtar, vì biết nàng lẳng lơ nông nổi. Để trả hận tình, Ishtar đòi ''cha" là chúa tể chư Thần, phái con “Bò mộng Nhà trời” khổng lồ xuống hạ giới trừng phạt thành Uruk. Như truyền thuyết kể, Bò mộng Nhà trời là một tai hoạ khủng khiếp đã giáng xuống kinh thành.

Gilgamesh và Enkidu giết chết và xả thịt con quái vật. Nhưng hai người lại rơi vào sự nông nổi thái quá thường xảy ra với những kẻ chiến thắng: sau sự lăng nhục ấy đối với Ishtar, Enkidu ném vào nàng một cẳng bò và còn đe sẽ lấy ruột bò làm khăn quàng cho nàng. Tuyệt nhiên không cảm thấy tai hoạ sắp ập xuống đầu, Gilgamesh tổ chức lễ chiến thắng tưng bừng và mở hội linh đình trong Hoàng cung. Say sưa thành tích, nhà Vua tự tuyên dương là "người tuấn tú nhất, vinh quang nhất”.

Giống như trong cuộc đời, nhiều thành công rực rỡ và trọn vẹn thường báo trước hoặc dẫn tới thất bại hay thảm họa, đây là lúc các ''lỗi lầm" quá khứ đột nhiên liên kết lại, là lúc chư Thần phản ứng và giông bão bùng nổ. Tấm bi ký mở đầu với cơn ác mộng kinh hoàng, trong đó Enkidu mơ thấy bị chư Thần tuyên án xử tử, tỉnh dậy sợ hãi phát ốm, người cứ héo kiệt dần, và biết mình sắp chết. Sau khi nguyền rủa người đàn bà trăng hoa đã từng muốn giúp ông ta thăng vinh nhưng rồi lại đẩy hai người đến tai ương, Enkidu lìa trần trong vòng tay tuyệt vọng của Gilgamesh. Mất đi người bạn tâm giao, Gilgamesh chưa chịu tin vào sự thật phũ phàng đó thậm chí không thừa nhận bề ngoài gớm ghiếc hiện dần trên thi hài người chết ''cho tới khi dòi bọ trong mũi bò ra”. Đây là lần đầu tiên nhà Vua chạm mặt cái chết thật, cái chết mà sự qua đời đột ngột của người bạn vẽ ra toàn bộ hình ảnh khủng khiếp và liền đó là linh cảm về cái chết của chính mình sắp tới:

Vậy là ta cũng phải lìa đời như Enkidu

Nỗi tuyệt vọng đang tràn ngập lòng ta!...

Để trốn chạy tâm tư ảm đạm từ nay ám ảnh không buông, tự giải cứu khỏi cái chết đã lộ mặt phũ phàng, Gilgamesh lên đường đi tìm cuộc sống bất tận.

            Ước mơ về cuộc sống bất tận

Gilgamesh biết là thuở xưa, các chư Thần đã từng ban cuộc đời bất tử cho một người duy nhất, là nhân vật đã vượt qua nạn Hồng thuỷ, một mình sống sót sau đại hoạ để duy trì lòi giống nhân loại: đó là Uta; Napishti ("Ta đã tìm thấy cuộc sống"). Nhưng sau khi ban cho ông ta cái đặc ân ấy, chư Thần lại tách ông ta ra khỏi cộng đồng loài người, đày đến tận cùng thế gian, Gilgamesh có ý định tìm bằng được Uta - Napishti để học hỏi bí quyết trường sinh bất tử.

Trải qua một cuộc viễn du gian nguy dài dặc, Gilgamesh tới ven bờ vùng biển cuối cùng phải vượt qua để tới đích. Một thuỷ nữ huyền bí là Siduri trụ tại miền hoang vu này đã báo trước cho Gilgamesh rằng ý đồ của ông chỉ là hoang tưởng, hão huyền:

Chạy đi đâu vậy, hỡi Gilgamesh?

Cuộc sống vĩnh cửu mà người đi tìm chẳng bao giờ có được!

Chư Thần khi sinh ra loài người,

Cùng gắn ngay họ vào cái chết,

Và trường sinh bất tử chỉ dành riêng cho Thần linh!

Thà người cứ ăn uống no nê thỏa thích,

Ngày đêm hoan lạc vui chơi,

Áo đẹp tha hồ mặc,

Tắm rửa sạch thân mình.

Hãy âu yếm đứa con thơ đang nắm tay người.

Hãy đem lại hạnh phúc cho cô vợ đẹp đang nép vào người!

Thế đó, số phận duy nhất của con người!

Nhưng say sưa ảo vọng, Gilgamesh không nghe thấy lời khuyên, và cứ đi tiếp... Giáp mặt Uta - Napishti, Gilgamesh hỏi thẳng: Làm thế nào mà được chư Thần ban cho cái đặc ân kỳ diệu ấy? Thay vì tra lời, người bất tử thuật lại cho nhà Vua nghe sự tích Hồng thuỷ, do các Thần dâng nước lên để xoá sạch giống người mà có Thần đã tạo ra để phục vụ chư Thần, nhưng rồi giống người sinh sôi nảy - nó quá đông, náo loạn cả thế gian, làm chư Thần mất ngủ.

Riêng có Thần Enki hiểu rằng chư Thần sẽ ở vào một hoàn cảnh khó xử nếu loài người chết hết, bèn tìm cách cứu lấy một người duy nhất, cho anh ta lên một chiếc thuyền lớn, không chìm, cùng với đầy đủ vật dụng cần thiết. Đó là lý do duy nhất khiến cho các Thần chịu ơn và hứa hẹn rằng Uta - Napishti sẽ không bao giờ chết. Vậy Gilgamesh sao dám mơ tưởng sẽ được hưởng hoàn cảnh như thế cho anh ta?

Và để chứng minh cho Gilgamesh thấy rằng, ông ta không thể đạt được cuộc sống vô tận, Uta - Napishti thách nhà Vua thức liền sáu ngày đêm không chợp mắt, bởi giấc ngủ chính là buổi ôn tập hàng ngày của cái chết. Gilgamesh nhận lời thách đố nhưng ngủ thiếp ngay từ ngày đầu. Nhà Vua đành cam phận quay về, ước mơ tan vỡ, không còn gì sau bao khổ ải gian truân:

Ta mệt thân như xác mà làm gì?

Ta tan ruột nát gan mà làm gì?

Nhà Vua trở về kinh đô, và tác giả kết thúc thiên trường ca bằng hình ảnh cô đúc, tả thành Uruk giàu sang, tráng lệ như ngụ ý đưa nhân vật tráng sĩ của mình - qua đó là cả loài người - trở về với những niềm vui trần thế, mà thủy nữ Siduri đã báo là “số phận duy nhất” của con người.

JEAN BOTTÉRO[1]

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389218378003278/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận