NHỮNG PHO SỬ THI VĨ ĐẠI – “BỘ KINH THÁNH”
CỦA NGƯỜI HY LẠP CỔ ĐẠI
a. IIiade- Bộ sử thi và anh hùng ca tuyệt diệu
IIiade và Odyssée là hai bản anh hùng ca của Homère, người đã được Biélinxky coi là “cha đẻ của thi ca Hy Lạp”. Thật ra, việc xác nhận hai bản trường ca này là của một tác giả mang tên Homère không phải đơn giản. Nó đã tạo thành cái gọi là “vấn đề Homère”, và đã gây lên nhiều cuộc tranh luận từ thời Cổ đại cho đến đầu thế kỷ XX.
Về cuộc đời Homère, thời Cổ đại không để lại một tài liệu nào chính xác. Có tới tám bản tiểu sử khác nhau, nhiều truyền thuyết khác nhau về nhà thơ và bảy đô thị đã tranh nhau cái vinh dự là quê hương nhà thơ! Ngay những nhà sử học là triết học thời Cổ đại cũng không hiểu rõ lắm về cuộc đời Homère. Nhiều truyền thuyết thuật lại cuộc đời Homère kỳ diệu như một truyện thần thoại. Trong số đó có truyền thuyết sau đây, được gán sai cho Hérodote, đã là nguồn cảm hứng cho nhà thơ André Chénier (Angdrê Sêniê) viết nên bài thơ Người mù.
Homère có thể sinh ở bờ sông Mélès (Mêlex), gần đô thị Xmiêcnơ. Cha ông không biết là ai; mẹ ông, bà Kréthéis (Kretêi), đặt tên con là Mélessigène (Mêlêxigien). Nhà nghèo Mélessigène được thầy giáo Phémios (Phêmiôs) nuôi nấng ăn học. Sau khi Phêmiôs chết, Mélessigène nối nghiệp cha nuôi, làm nghề dạy học. Một thương nhân, vì khâm phục tài năng của Mélessigène, đã mời ông đi du lịch. Ông đã qua thăm Ai Cập, Libi, Italia, Tây Ban Nha, ghi chép được nhiều điều. Hành trình của ông bị gián đoạn, vì tới Côlôphông, ông bị mù. Trở về quê hương mẹ ở Cymé (Xiêm), ông làm nghề ca hát để sinh sống. Từ đấy, ông mang tên là Homère. Homère ra tới đảo Chios (Kiốt), được một gia chủ mời ở lại dạy học. Ông cưới vợ, sinh được hai con gái. Cũng trong những ngày cuối đời này, ông sáng tác Iiiade và Odyssée.
Tuổi già và sự mù loà cũng không đập tắt được lòng ham muốn hiểu biết của Homère. Ông lên đường đi thăm đảo Samos và dự định sẽ tới thăm Athénes, nhưng dọc đường bị ốm nặng, và ông qua đời ở đảo Ios. Theo truyền thuyết trên đây thì Homere sinh vào quãng năm 1102 Tr.CN, nhưng hiện nay phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng Homère sống vào cuối thế kỷ thứ IX, hay đầu thế kỷ thứ VIII Tr.CN.
IIiade chỉ thuật lại một giai đoạn ngắn, năm thứ mười của cuộc chiến tranh Troie. Những diễn biến xảy ra trước giai đoạn đó, cũng như đoạn chiến tranh kết thúc, đều không được trực tiếp thuật lại. Mở tác phẩm, đọc những câu thơ đầu, ta có thể xác định ngay được nội dung cụ thể, có giới hạn của IIiade: ''Cơn giận của Asin''.
Lấy một hồi nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Troie làm đề tài, IIiade là sử thi về chiến trận của thời Homère; phản ánh cụ thể, trung thành, sinh động, nhiều màu sắc xã hội của người Hy Lạp dưới chế độ dân chủ quân sự, ở mặt hoạt động chủ yếu của họ.
Là người của thời đại họ, những nhân vật trong IIiade chỉ sống vì lý tưởng chinh chiến, say sưa với lý tưởng ấy, không có ai hèn nhát, ngại chinh chiến. Lập được chiến công hiển hách với lòng dũng cảm, coi thường sống chết, là hành động của các “anh hùng”, khiến người ta thành bất tử. Asin biết trước cái chết không thể tránh được của mình - vì người Hy Lạp rất tin số mệnh - vẫn gạt lời can ngăn của mẹ để đi tìm cái chết. Bởi vậy, Asin là ''hiện thân của sức mạnh và cái đẹp của người Hy Lạp".
IIiade chỉ thuật lại những việc xảy ra quanh cơn giận dữ của Asin, nhưng đã vẽ ra được bao nhiêu là bức tranh rất hiện thực và sinh động về đời sống của người Hy Lạp: đại hội quân sỹ, tranh chấp giữa các thủ lĩnh, kiểm điểm binh lực và chiến thuyền, tiệc khao quân trước khi ra trận, đào hào đắp luỹ, tấn công và phòng ngự, giao tranh tay đôi giữa các danh tướng, đình chiến để chôn cất người chết, đám ma và thi võ, bói toán và cúng tế Thần linh. Hai tập thơ của Homère không phải chỉ là tác phẩm văn học, nó còn là tài liệu chính xác đến mức kỳ diệu về văn hoá của người Hy Lạp trong thời gian từ thế kỷ XII tới thế kỷ XIII; và vì vậy tên Homére đã được dùng làm thuật ngữ sử học, để gọi thời đại gồm mấy thế kỷ ấy; đó là một trường hợp có một không hai trong lịch sử.
Đề tài IIiade bao quát một thực tế rộng lớn, nên nhà thơ phải vận dụng nhiều loại văn: tự sự, miêu tả, bi kịch, hát kịch, hùng biện; nhưng kết cấu chặt chẽ, trái với những sử thi nguyên thuỷ thường dài dòng, lặp đi lặp lại, chìm ngập trong những cái vụn vặt, IIiade rất tập trung; và vì vậy mà hiệu quả gây xúc động lòng người từ đầu chí cuối không giảm sút, mặc dù hình thức vẫn giản đi, tựa hồ biết đến những kỹ xảo của nghệ thuật.
Những nhân vật trong Iiiade sống ở một thế giới nửa thực nửa hư; người với Thần lẫn lộn, nhưng vẫn đậm đà tính chất nhân loại. Giữa không khí căng thẳng của chinh chiến, giữa những hành động thô bạo của thời dã man, họ vẫn được miêu tả trong những giây phút xúc động, đem đến cho bộ sử thi về chiến trận ấy những đoạn văn trữ tình thuộc loại kiệt tác trong văn học thế giới: đoạn tả cảnh Hecto gặp mẹ sau khi xông pha giữa gươm, giáo trở về; cảnh nổi tiếng Hecto từ biệt vợ trẻ, con dại trước khi ra trận; cảnh cha mẹ già cả, vợ goá, con côi chứng kiến và khóc than cái chết của Hecto trên thành Troie đã mất người bảo vệ anh hùng; cảnh Asin xót thương bạn, chiến đấu và quyết tâm báo thù; cảnh Priam, vì tình phụ tử, liều thân đi xin xác con về; cảnh Asin nghĩ đến cha già và mủi lòng trước mái tóc bạc như tuyết của Priam.
Engels (Ăng ghen) viết:''Sử thi của Homère với toàn bộ thần thoại là những di sản chính mà người Hy Lạp đã đem từ thời dã man chuyển sang cho thời văn minh''. Và các di sản ấy đã thành bộ ''Kinh Thánh của người Hy Lạp'' ở thời văn minh. Trong thơ Homère, chúng ta không tìm thấy quan niệm rõ rệt về chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa; bởi lý do dễ hiểu là, hiện thực phản ánh trong thơ thuộc về thời đại chưa có các khái niệm giai cấp và dân tộc. Tuy vậy, đối với nhân loại đã trưởng thành, IIiade vẫn ''có sức hấp dẫn vĩnh viễn'' và, theo sự phân tích của Marx, thì ''còn có thể đem cho ta những hứng thú thẩm mỹ, và, về một vài mặt nào đó, vẫn được coi là tiêu chuẩn, là những kiểu mẫu không thể nào bắt chước được''. Sở dĩ như vậy là vì sử thi Homére đã ra đời trong ''thời thơ ấu về mặt xã hội của loại người phát triển đến mức đẹp đẽ nhất, và cái thời ấy, một giai đoạn không bao giờ trở lại nữa".
H.T.S.
b. Odyssée - Bản trường ca bất hủ
“Nàng thơ ơi, hãy kể cho ta nghe chuyện vị anh hùng muôn vàn trí xảo, sau khi dùng mưu hạ được thành Troie Thần Thánh, đã phiêu lưu khắp đó đây, đặt chân lên bao nhiêu thành bang và thông hiểu biết bao phong tục! Khi còn lênh đênh trên biển cả, chiến đấu bảo vệ tính mệnh của mình, và để cho các bạn đồng hành được trở về xứ sở, người đã chịu bao nỗi đắng cay! Nhưng người không cứu được họ như lòng người mong mỏi…”
Cầu nguyện Thần thơ ở đầu thiên trường ca, Homère đã giới thiệu nhân vật chính Ulyxơ với nội dung thiên trường ca Odyssée (Ôđixê) về nhân vật ấy. Sau mười năm chinh chiến xa quê hương mới được trở về Tổ quốc, ''vị anh hùng" ấy lại phải làm mồi cho sự phục thù của Thần Đại dương, bị những cơn gió tai ương đuổi theo, thổi phiêu bạt trên biển cả mênh mông, bị những nữ Thần cầm tù ở những đảo xa lạ, gần mười năm nữa. Sau hai mươi năm xa cách, Ulyxơ mới lại được đặt chân lên đất quê hương; người vợ đức hạnh, chung thuỷ, Pênêlov, đang bị hơn trăm kẻ cầu hôn ép buộc phải tái giá với một người trong bọn họ. Con người ''muôn vàn trí xảo'' lại phải chiến thắng kẻ thù, mới được đoàn tụ với vợ con.
Cuộc lữ hành gian khổ của Ulyxơ không phải là sản phẩm đơn thuần của trí tưởng tượng. Trong đời sống của người Acai, tổ tiên người Hy Lạp ngày nay, chinh chiến và đi biển là hai mặt hoạt động chủ yếu. Là hồi quang của hiện thực xã hội trong văn học, IIiade phản ánh cuộc đời chiến trận thì Odyssée là bản trường ca về sinh hoạt hàng hải. Tả những cuộc lữ hành trên biển, nhất là những cuộc ''hồi quân'' từ Troie về quê hương, là một sử thi thịnh hành trong thời đại các anh hùng (thế kỷ XII - VIII); trường ca của Homére là công trình tuyệt mỹ đã kế thừa truyền thống của loại thơ ''hồi quân" và đưa nó đến đỉnh cao.
Thời ấy, người Acai đã tung hoành trên một nửa Địa Trung Hải; nhưng cho đến nửa sau thế kỷ VIII, phạm vi làm mưa, làm gió của họ chỉ đến Itac, quê hương của Ulyxơ, ''hòn đảo cuối cùng của Acai về phía Tây Bắc''. Lần đầu tiên phiêu lưu sang Tây Bộ Địa Trung Hải, Ulyxơ chỉ là kẻ kiến nhân ''đi tìm những lạch thông'' qua các “cửa khẩu”, các eo biển hiểm nghèo, mai phục đủ các thứ tai ương.
Tả một cuộc lữ hành trong "Biển Tây'' ấy, Homère đã dựa vào các sách hướng dẫn hải trình, những truyện đi biển của người Phénicians, những nhà hàng hải giỏi nhất thời thượng Cổ bây giờ đang làm bá chủ Tây Bộ Địa Trung Hải. Vì thế mà những cảnh tả trong Odyssée chính xác đến mức kỳ diệu.
Mọi vật lại được mô tả, mọi ý lại được diễn đạt với ngôn ngữ của những thuỷ thủ, phong phú những tiếng nhà nghề, khiến người Hy Lạp sớm xem đó là cuốn sách dạy họ thuật hàng hải. Đến nửa sau thế kỷ VIII, khi họ bắt đầu sang thám hiểm Tây Bộ Địa Trung Hải để tìm đất di thực, thì tên đất, tên người, kiến thức địa lý về khu vực ấy mà họ có được và mang theo đều do Homère trang bị cho họ cả; và theo từng chi tiết của thiên trường ca, họ cố tìm ra - và đã tìm ra đúng một số - những nơi mà Ulyxơ đã đến và Homère đã tả.
Nhưng mà sang ''Biển Mặt trời lặn'', đối với người Acai, từ nửa đầu thế kỷ VIII về trước, có nghĩa là mất hút đất nước của “những người hiền lành ăn bánh mỳ” và thờ chư Thần. Ở đấy, Ulyxơ đã gặp những bước phiêu lưu, mạo hiểm đưa tới kết quả là sáu chiếc thuyền tan tành, không còn mảnh ván, và sống sót qua mọi nỗi gian truân chỉ có một mình Ulyxơ. Câu chuyện của người anh hùng kể lại những bước lênh đênh, phiêu bạt của mình Khúc IX - XII chẳng khác nào ''một tuyển tập những việc ghê gớm''.
Điều ấy không phải là ngẫu nhiên. Chất liệu của bản trường ca không phải chỉ là những sách hướng dẫn hải trình và những chuyện đi biển, mà còn là những truyền thuyết về các cuộc lữ hành của người Phenicians nữa. Một thói quen của những kẻ “bá chủ mặt biển” từ xưa cho tới mãi thế kỷ XIX, là truyền bá các chuyện khủng khiếp để đe doạ kẻ đi sau họ. giữ bí mật những đường hàng hải và ngăn ngừa mọi sự cạnh tranh, mong củng cố độc quyền thông thường của họ.
Những gian nan, nguy hiểm vẽ ra trong Odyssée không phải để làm cho người Hy Lạp khiếp sợ. Ulyxơ đã thắng mọi gian nan, nguy hiểm bằng mưu trí. Đối với người Hy Lạp, Asin là “hiện thân của sức mạnh” thì Ulyxơ là hiện thân của trí thông minh, nhưng Ulyxơ không chỉ đơn thuần là con người “muôn vàn trí xảo”.
Ulyxơ không biết khuất phục, không biết nản lòng, là hình tượng người đi tiên phong mở đường cho một sự nghiệp lớn: phong trào di thực của người Hy Lạp sang phương Tây, sắp bắt đầu vào cuối thế kỷ VIII. Lạc bước tới đảo của bọn Xyclôv ăn thịt người, chưa biết sống chết ra sao, Ulyxơ cũng nghĩ rằng: ''Nếu có thợ đóng thuyền thì họ đã khai khẩn hòn đảo có vị trí rất tốt này rồi. Bởi vì đảo không phải là một nơi đất đai cằn cỗi mà nó có thể sinh hoa lợi cho cả bốn mùa'' (Khúc VI). Ulyxơ phải trải lắm gian truân, nguy hiểm, nhưng đã chiến thắng những gian truân, nguy hiểm ấy để đem lao động hoà bình, xây dựng cuộc đời sung túc. Trong văn học Cổ đại, có cảnh nào đậm đà tính trữ tình hơn cảnh vườn cây ăn quả tả ở Khúc VII, cảnh Nôxica đi giặt và cùng các nữ tỳ chơi bóng trên bãi biển ở Khúc VI.
Odyssée truyền tụng chưa được một thế kỷ, con cháu của Homère đã sang ''biển Mặt trời lặn'', biến Tây Bộ Địa Trung Hải thành cái ao nhà của họ: đô thị, hải cảng mọc lên đông tựa “đàn ếch ngồi quanh ao”. Trên giang sơn của Xiêcxê và Xyclôv, tại sào huyệt của Karyp và Xyta, họ xây dựng miền đại Hy Lạp giàu có, văn minh, tráng lệ hơn cả mẫu quốc. Ulyxơ quả là hình tượng lý tưởng của người Hy Lạp - trong thời di thực, không những chỉ tìm ra những đất đai xa lạ với lòng dũng cảm, bất khuất, mà còn dựng được những quê hương mới với lao động cần cù và thông minh nữa.
Từ IIiade tới Odyssée, lòng mê tín của người Hy Lạp ở chư Thần, ở định mệnh đã yếu đi không ít, vì lòng tin tưởng ở bản thân, ở con người đã tăng lên khá nhiều. Ulyxơ đã tự mình làm ra số phận của mình bằng thái độ đấu tranh không nản với lực lượng của thiên nhiên, cũng như với kẻ thù trong xã hội: Ulyxơ tiêu biểu cho một bước giải phóng tinh thần quan trọng, chứng tỏ sự trưởng thành của con người.
So với IIiade thì Odyssée đã thu bớt những quan hệ giữa người với Thần, để phát triển những quan hệ giữa người với người. Hai mươi năm lưu lạc, có lúc nào mà Ulyxơ không tưởng nhớ tới Itac và sẵn sàng rời bỏ tất cả để được nhìn thấy, dù chỉ là một làn khói bốc lên từ đất quê hương (khúc I). Thuật lại các cuộc phiêu lưu của mình ở cung Anxinut, kẻ hải hồ ấy cũng mở đầu: ''Không gì êm dịu bằng quê cha đất tổ” (khúc IX). Được giữ lại ở một nơi non nước Thần tiên, do tình yêu say đắm của một nữ thần, chỉ khẩn khoản xin biến cái kiếp phù sinh của chàng thành cuộc đời bất tử của chư Thần, Ulyxơ vẫn ngày ngày ngồi bên bờ, “đăm đăm nhìn ra biển khơi luôn luôn chuyển động mà khóc dầm dề” (khúc V), suốt bảy năm trời từ chối Thần dân, cam lộ, quyết giữ nguyên thân phận phàm nhân trở về với người vợ trần tục.
Sau hai mươi năm lưu lạc, đặt chân lên quê nhà, Ulyxơ ôm hôm mặt đất, và khấn Thần sông núi: "Xin cho tôi được sống để dạy dỗ con trai tôi cho đến ngày nó trưởng thành” (Khúc XIII). Nghĩa vợ chồng, tình cha con, lòng yêu đất nước, thương bạn bè, hợp lại làm cho hình tượng kẻ anh hùng trí dũng ấy càng thêm chan chứa tình người...
Để xứng đáng với người chồng như thế, ''người tốt nhất trong những người chồng, danh vang khắp nơi, từ Hy Lạp đến trung tâm Acgôt”, Pênêlôv - mặc dù bao nhiêu tin tức đồn đại hai mươi năm trời - vẫn không hề lay chuyển lòng tin, vẫn kiên tâm chờ đợi; luôn ba năm, ngày dệt, đêm tháo chiếc khăn liệm để khỏi phải bước đi bước nữa, khỏi phải từ giã ''cái tổ ấm mà trong giấc mơ cũng không bao giờ quên được''. ''Pênêlôv đức hạnh”, không phải chỉ người dương thế mới ngợi khen mà cả đến vong hồn ở âm ty, như Agamemnông cũng phải hai lần ca tụng. . .
Con người trong Odyssée còn biết yêu bầu trời, ngôi sao, con sông, ngọn suối, rừng cây, lội cỏ, đồng ruộng, đồi nho... Tình yêu ấy biểu hiện cách nhận thức thiên nhiên của một nhân loại đã trường thành: yêu thiên nhiên tức là đã hiểu thiên nhiên rồi và không sợ thiên nhiên như trong thời nguyên thủy nữa. Odyssée đã chứng minh rằng: ''nghệ thuật Hy Lạp là sự giải phóng con người khỏi ách thống trị của thiên nhiên, là sự hòa hợp tốt đẹp giữa lòng người với thiên nhiên, từ trước cho tới lúc ấy vẫn còn chống đối nhau”. Như nhận định của nhà dân chủ cách mạng Nga Biêlinxki, nhân loại trong Odyssée không phải đang ngập ngừng trên "ngưỡng cửa của thời văn minh'', mà đã vững vàng tiến bước dưới ánh rạng đông của thời văn minh rồi.
Sáng tác Odyssée, Homère chủ yếu dựa vào những bản hướng dẫn hải trình. Nhưng các tên đất liệt kê khô khan của các bản hải trình đã thành ra các nhân vật. Thần, người hay quái vật. Hòn đảo Chim ưng ven bờ biển Italia, tiếng Hy Lạp là Nêsos Kirkés, thành ra nữ Thần Xiêcxê; hòn đảo Bến, ẩn gần Gibranta, là Nésos Kalupsous thành ra nữ Thần Calypxxô; vùng chân núi lửa Etna, ở Italia, mà mặt đất là chỗ những hố tròn nguyên là miệng núi lửa, nhiều cái khô cạn nom như hững con "mắt tròn" - Kuklos - thì biến thành bọn khổng lồ một mắt Xyclôv; nhiều miệng còn phun khói, lửa, đá và sôi sục thì Pôlyphem cũng say rượu và nôn ọe bừa bãi ra khói, ra lửa. Những nhân vật được tạo ra như thế cũng ăn uống, cũng giận dữ, cãi cọ, chửi rủa, cũng si tình, cũng ghen tuông. Gió Bắc nhẹ nhàng đưa tàu vào bến là lòng niềm nở đón khách, và gió Nam dữ dội đẩy tàu ra khơi là cơn tức giận phũ phàng của Thần gió Eôlơ.
Dưới ngòi bút của Homère, cả những vật vô tri cũng sống hẳn dậy. Các bản hướng dẫn hải trình ghi là trong eo biển Nixida có hai hòn núi đá; trong thơ Homère, hai hòn núi ấy bay vùn vụt lên trời, do những cánh tay khổng lồ lém ra biển. Ở phía Bắc đất Phenicians có hòn đảo hình dáng nom tựa chiếc chiến thuyền; trong thơ Homère, nó là một sinh linh đang đi thì bỗng bị Thần biển biến thành đá và chôn chân tại đấy.
Phương pháp nhân cách hóa sự vật là đặc điểm tiêu biểu của nghệ thuật Hy Lạp; nhưng không có nơi nào mà mọi vật biến thành người một cách tự nhiên và nên thơ như trong Odyssée, bởi vì không một nhà văn, nhà thơ nào biết kể những chuyện ấy với một cái duyên kỳ diệu như Homère.
Odyssée tả lắm việc kỳ quái, nhưng vẫn đậm tình người. Cái sung sướng của Pênêlôv trong phút tái ngộ với chồng sau hai mươi năm xa cách, êm đềm như cảnh đất liền khi nó ''hiện lên trước mắt những người đi biển bị Poseidon đánh tan thuyền trong sóng cả gió to''. Tả lòng người đã đặc sắc, Homère tả thiên nhiên cũng không kém tài tình. Nhìn vườn cây ăn quả của Anxinut, nhà thơ đã thấy ''những gốc nho, có gốc vừa mới rụng hoa, có gốc quả từng chùm đã bắt đầu đỏ mọng''. Con mắt tế thị phi thường ấy là con mắt của một nghệ sĩ vô song; và đối với nghệ sỹ vô song ấy thì, đúng như hai câu thơ của Boalô - ''Kẻ cầm cân nẩy mực trên thi đàn” Cổ điển Pháp thế kỷ XVII - ''tất cả những gì mà người sờ đến đều biến thành vàng, tất cả đều nhận được từ tay người một vẻ ưu nhã mới”.
Nhà tu từ học La Mã Quintiliănu - người dạy Thuật hùng biện cho một dân tộc hùng biện nổi tiếng - đã đánh giá cái tài diễn đạt của Homère là ''gương mẫu và điển hình của tất cả các phần trong thuật hùng biện... tả việc lớn thì cao siêu, việc nhỏ thì tự nhiên và chính xác... lần lượt văn hoa và chặt chẽ, trang nghiêm và dịu dàng, khi lưu loát cũng tuyệt diệu chẳng kém lúc vắn tắt. Không phải người chỉ có trình độ tối cao với tất cả những tài năng của nhà thi hào; mà, còn có tất cả tài năng của nhà hùng biện nữa''.
Bởi thế, bản trường ca của Homère đã thành ra cuốn sách giáo khoa, bộ bách khoa toàn thư về mọi sự hiểu biết và mọi cách xử thế của thế giới Hy Lạp, trong suốt thời Thượng. Cổ và Trung Cổ, và từ ngót ba mươi thế kỷ nay đã làm say mê biết bao thế hệ người thuộc đủ mọi dân tộc.