NIGHTINGALE NGƯỜI KHAI SINH MÔN HỘ LÝ HỌC
Ngày nay vinh dự cao nhất cho nghề hộ lý là huy chương Nightingale do Hội chữ thập đỏ quốc tế xét tặng. Nightingale (1820 - 1910) là một phụ nữ người Anh đã từng công tác trong ngành hộ lý. Bà đã nhiều lần trong những điều kiện hết sức gian nguy, cứu sống được nhiều người bị thương và là người sớm nhất đưa ra các điều lệ trong công tác hộ lý, là người sáng lập ra trường hộ lý đầu tiên trên thế giới. Cũng chính bà đã bồi dưỡng lớp hộ lý đầu tiên có phương trình đào tạo chặt chẽ, nghiêm túc. Nightingale đã làm cho nghề hộ lý trở thành nghề đầy tính nhân đạo, bà mãi mãi được người đời sau sùng kính.
Nightingale sinh trong một gia đình giàu có, có thế lực. Từ thuở nhỏ, bà đã thừa hưởng một sự giáo dục tốt. Bà vẫn thường theo mẹ thăm viếng những bệnh nhân ở bên cạnh nhà. Bà học nghề y thông qua tai nghe, mắt thấy.
Sau này bà còn đến khảo sát công việc hộ lý ở các bệnh viện thuộc các nước châu Âu. Bà lại đến nước Đức học tập kỹ thuật hộ lý. Sau khi về nước bà về phụ trách công tác kiểm tra đôn đốc tại một bệnh viện ở London.
Cuộc chiến tranh Krimia nổ ra. Thời bấy giờ có nhiều nơi mang danh là quân y viện của nước Anh, nhưng thực ra chỉ là một vài doanh trại cũ, có doanh trại chỉ chứa được 1000 người, họ nhét đến 4000 thương binh. Sau khi Nightingale nắm được tình hình, bà lập tức cầm đầu 38 hộ lý đến tại hiện trường, cố gắng cải thiện tình hình. Dựa vào danh tiếng và địa vị vốn có của mình, bà đã vượt qua không biết bao nhiêu trở ngại do giới quân sự bấy giờ đặt ra. Bà đến từng giường thương binh, tự tình chăm sóc, rửa vết thương, thay băng, diệt bọ chét, cọ sàn nhà. Bà còn xuất ba vạn bảng Anh tiền riêng giúp bệnh viện mua thuốc, mua các thiết bị chữa trị, nhanh chóng cải thiện được bộ mặt các quân y viện dã chiến.
Sau bốn tháng, tỉ lệ tử vong trong thương binh từ 42% giảm xuống còn 2%. Theo các đề nghị của Nightingale người ta đã xây dựng nhà ăn cho thương binh, nhà phẫu thuật, lập chế độ coi sóc của các hộ lý. Hàng đêm bà cầm đèn đi xem xét các phòng bệnh, mỗi đêm đi đến hơn 7km. Mỗi ngày Nightingale làm việc đến hơn 20 giờ. Vì lao động quá sức Nightingale đã mắc chứng bệnh mạn tính, không chữa khỏi được. Phẩm đức và công tích của Nightingale nhanh chóng lan truyền khắp nước Anh. Chính phủ và nhân dân đều hết sức giúp đỡ các quân y viện, làm cho thiết bị của các bệnh viện cũng như phúc lợi của thương binh được cải thiện rõ rệt. Những cải cách của Nightingale trong công tác hộ lý được nước Anh và các nước châu Âu ủng hộ và hưởng ứng.
Năm 1860 Nightingale đã lập trường hộ lý đầu tiên trên thế giới. Bà tự mình tuyển chọn và viết các tài liệu có liên quan đến công tác hộ lý. Nightingale đã đề cao vị trí xã hội của những người làm công tác hộ lý, biến hộ lý học trở thành một môn khoa học, chính thức trong y học.