Tài liệu: Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tên gọi Sài Gòn có từ thế kỷ XVII. Trước đó có tên: Tân Bình huyện, Phiên Trấn dinh, Bến Nghé. Tuy là vùng đất mới nhưng Sài Gòn nhanh chóng chiếm được vị trí trên thương trường quốc tế.
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung

Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Tên gọi Sài Gòn có từ thế kỷ XVII. Trước đó có tên: Tân Bình huyện, Phiên Trấn dinh, Bến Nghé. Tuy là vùng đất mới nhưng Sài Gòn nhanh chóng chiếm được vị trí trên thương trường quốc tế. Sài Gòn từng được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Ngày 2-7-1976, Quốc hội rước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ nhất, đã quyết định đổi tên Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó là Nguyễn Tất Thành đã tới Sài Gòn và từ bến cảng Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, Người đã lên một chiếc tàu buôn Pháp La Toustreville ra đi tìm đường cứu nước.

Sài Gòn, mảnh đất lịch sử đã có trên 300 năm nay. Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyễn Hữu Kinh) vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lý. Thấy nơi đây “dân dư tứ vạn hộ”, đất khai mở “ngàn dặm”, ông bèn cho lập phủ Gia Định, dựng đinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó phố thị Sài Gòn - Bến Nghé, phủ lỵ Gia Định ra đời và ngày càng phát triển.

Năm 1779, phủ Gia Định gồm: dinh Phiên Trấn, dinh Trấn Biên (Biên Hòa), dinh Trường Đồn (Định Tường), dinh Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang) và trấn Hà Tiên. Diện tích phủ Gia Định lúc bấy giờ là diện tích toàn Nam Bộ, rộng khoảng 64.743 km2.

Đến năm 1802, vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định và đặt trấn để cai quản ngũ trấn: trấn Phiên An, trấn Biên Hòa, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Long và trấn Hà Tiên.

Năm 1836, vua Minh Mạng đổi ngũ trấn thành lục tỉnh.

Năm 1859, Pháp chiếm Sài Gòn, phá thành Gia Định. Năm 1867, Pháp bỏ tên tỉnh Gia Định và gọi là tỉnh Sài Gòn, trong đó có hạt Sài Gòn và thành phố Sài Gòn. Năm 1885, đổi trấn Gia Định thành hạt Gia Định để phân biệt với Sài Gòn.

Năm 1861, Pháp cho quy hoạch thành phố Sài Gòn theo kiểu đô thị phương Tây, Sài Gòn lúc bấy giờ còn rất nhỏ nằm gọn trong một góc của quận 1 ngày nay. Chợ Lớn là thành phố loại II, nằm trong một phần của quận V bây giờ. Giữa hai thành phố là ruộng rẫy hoang vu.

Năm 1931, hai thành phố được mở rộng và nối liền nhau trở thành một đơn vị hành chính gọi là Sài Gòn - Chợ Lớn.

Năm 1997, chia làm 17 quận nội thành từ quận I đến quận XII và quận Thủ Đức, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và sáu huyện ngoại thành Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Thủ Đức.

Khí hậu thành phố có hai mùa rõ rệt: Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình của cả năm là 270C. Lượng mưa hàng năm là 19.000mm, cao nhất là vào tháng 9. Độ ẩm bình quân là 70,5%. Số giờ nắng trong năm là 2.299 giờ.

Thành phố Hồ Chính Minh không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa khoa học kỹ thuật quan trọng của đất nước mà còn là một vùng du lịch hấp dẫn đối với du khách. Ngoài những khu du lịch sinh thái, thành phố còn có nhiều điểm tham quan, khu lưu niệm Nhà Rồng. Đây là một trong ba bến cảng Sài Gòn, có chiều dài 380m, với 3 cầu tàu, là bến cảng có kho hàng sớm nhất với diện tích 7.600 m2.

Tại đây có tòa nhà 2 tầng xây theo lối châu Âu, mái nhà kiểu Trung Hoa. Tại bến cảng này, năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 3-9-1979, UBND và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định lấy nơi đây làm khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một khu vui chơi, tham quan hữu ích là Thảo Cầm viên và Bảo tàng lịch sử. Thảo Cầm viên được xây dựng vào tháng 3 năm 1864, khánh thành 1865, trên một khu đất rừng 16 ha, nằm cạnh sông Rạch Lăng. Mới đầu chỉ là nơi thử nghiệm trồng một số cây công nghiệp nhập nội như: cacao, cà phê, cao su... và một số cây rừng quý như: Trắc, gõ, cẩm lại... Sau đó mở rộng thêm 8 ha và đưa thêm một số động vật quý vào nuôi dưỡng, rồi đổi thành sở thú. Đến năm 1924, Thảo Cầm Viên được mở rộng thêm 13 ha nữa. Thảo Cầm viên Sài Gòn có tuổi thọ đứng thứ 8 thế giới. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á.

Bảo tàng Lịch sử nằm trong Thảo Cầm Viên. Trước đây gọi là Bảo tàng Blanchard De la Brosse, tên một hợc giả Pháp sáng lập ra nó, được xây cất vào ngày 01 – 01 - 1929 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp là Delaval.

Tại Bảo tàng này người ta lưu giữ trên 5.000 cổ vật mang sắc thái văn hóa các dân tộc Việt Nam và của các quốc gia liên bang. Đặc biệt có nhiều bia đá, tượng Phật và các loại trang phục dân tộc rất đặc sắc của các dân tộc anh em từ Bình-Trị-Thiên trở vào, hầu hết các hiện vật có niên đại cách nay hơn 1.000 năm.

Một trong những trung tâm sôi động của thành phố là chợ Bến Thành. Trước khi Pháp chiếm Sài Gòn (1859), tại đây đã có một ngôi chợ nằm cạnh sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn nên chợ lấy tên ghép là chợ bến Thành. Mới đầu chợ xây bằng gỗ, lợp bằng tranh tre. Năm 1870, chợ bị cháy. Để có một chợ thỏa mãn nhu cầu mua ban của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và lục tỉnh, năm 1911, người ta phá chợ cũ và xây chợ mới trên vùng sình lầy, người Pháp gọi là Bress. Chợ được khánh thành vào tháng 3 năm 1914.

Năm 1985, chợ Bến Thành được trùng tu và sửa chữa, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ vẫn giữ nguyên nét xưa.

Trụ sở UBND thành phố là một công trình văn hóa di tích lịch sử. Tòa nhà này được khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 1898 và hoàn thành năm 1908, theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp, ông P.Gardes.

Một địa điểm có sức thu hút khách tham quan là dinh Thống Nhất, còn gọi là Hội trường Thống Nhất, nằm cuối đường Lê Duẩn, nơi giao tiếp với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khu đất này đầu tiên vồn là phủ toàn quyền Đông Dương, có tên là Dinh Norodom, được xây năm 1868, hoàn thành vào cuối 1869, do kiến trúc sư Hermitte thiết kế. Sau hiệp định Genève 1954 về Đông Dương, dinh này trở thành Phủ Tổng thống của chính quyền Sài Gòn và là nơi ở của gia đình Ngô Đình Diệm.

Tháng 2 - 1962, Phủ Tổng thống Diệm bị quân đảo chính ném bom làm hư hỏng nặng. Ngô Đình Diệm cho xây lại mới hoàn toàn và lấy tên là Dinh Độc Lập. Dinh được khởi công xây dựng từ ngày 1-7-1962 đến ngày 31-10-1966 hoàn thành theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.

Hồi 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của Mỹ - ngụy, chấm dứt cuộc chiến tranh trên một phần tư thế kỷ. Tháng 12-1975, nơi đây diễn ra Hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước.

Đền thờ Trần Hưng Đạo: ở số 36 đường Võ Thị Sáu được dựng từ năm 1932. Năm 1958 được trùng tu theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo. Đền có kiến trúc chữ đinh với hai tầng mái chồng lên nhau, 8 đầu mái cong có đắp hình hoa lá. Pho tượng Hưng Đạo vương uy nghi dựng ở giữa sân đền.

Chùa Vĩnh Nghiêm ở 39 Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, được xây dựng từ năm 1964, đến 1973 hoàn thành theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Kiến trúc chùa theo hình chữ công, hai bên có hai pho tượng Kim Cương, cao 2 m. Có đại hồng chung, đường kính 1,8 m, do Phật tử dòng Tào Động Nhật Bản đúc năm 1971 gửi tặng. Bảo tháp chùa hình vuông cao vút mỗi cạnh 6 m, cao 30 m, gồm 9 tầng.

Chùa Bà, còn gọi là Tuệ Thành Hội quán ở 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa ở Chợ Lớn. Trong chùa còn lưu giữ một tấm bia khắc 1859 và một chuông đồng đúc năm 1796. Chùa thờ Bà Thiên Hậu.

Lăng Ông, ở đoạn đường Đinh Tiên Hoàng giáp với đường Phan Đăng Lưu cạnh chợ Bà Chiểu, nơi chôn cất và thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt, một viên quan triều Nguyễn.

Nhà thờ Đức Bà nhìn thẳng ra đường Đồng Khởi, được khởi công xây dựng ngày 7-10-1877, hoàn thành vào ngày 11-4-1880. Ngôi Thánh đường kiểu Roman tráng lệ này dài 93m, rộng 35m, với hai ngọn tháp vuông cao 26,6m. Đến năm 1894, xây tiếp thành hai ngọn tháp nhọn cao tới 57m. Nhà thờ được xây bằng loại gạch trầm màu đỏ au, dù mưa nắng năm tháng trôi qua vẫn không làm phai màu. Năm 1959, dựng thêm tuồng “Nữ vương Hoàn Cầu”, ở khuôn viên thuộc Thánh đường. Tượng tạc bằng đá cẩm thạch ở Italia cao 4,2m nặng 8,5 tấn. Năm 1962, nhà thờ Đức Bà được Tòa Thánh Vatican nâng lên hàng Vương cung Thánh Mẫu.

Một di tích không thể thiếu đối với du khách mỗi khi đến thăm thành phố, đó là “Địa đạo Củ Chi”. Cách Sài Gòn không đầy 30km theo đường chim bay về phía Tây Bắc. Những năm kháng chiến “chống Mỹ cứu nước”, người dân Củ Chi đã xây dựng làng ngầm dưới lòng đất, với địa đạo dài hàng trăm kilômét để bám làng đánh giặc. Quân Mỹ - ngụy đã mở nhiều trận càn, bắn đủ thứ đạn pháo, trên không, máy bay ném đủ loại bom nhưng vẫn không thể phá được làng ngầm Củ Chi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, địa đạo Củ Chi được tôn tạo, xây dựng nhiều công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bến Dược trang nghiêm và lộng lẫy.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4182-02-633705736539618226/Viet-Nam/Sai-Gon---Thanh-pho-Ho-Chi-Minh....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận