NHÀ TÙY
(Từ năm 581 đến năm 618)
Dương Kiên đóng đô ở Lạc Dương, gọi là Văn đế. Sau khi lên ngôi, Văn đế lập tức áp dụng một số kế hoạch quân sự để thống nhất đất nước. Đến năm 589 Văn đế quét sạch nhà Trần, thống nhất miền Nam và miền Bắc. Nhà Tùy chỉ tồn tại vỏn vẹn 38 năm với 2 đời vua, là một trong những triều đại ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Văn đế bỏ hết đặc quyền đặc lợi của giới quý tộc vốn đã tồn tại từ thời nhà Tấn sang thời Nam Bắc Triều. Văn đế cũng mở các khoa thi để tuyển mộ người tài. Hệ thống thi cử của nhà Tùy sau này được ứng dụng trong các triều đại về sau suốt hơn 1.300 năm. Nhà vua cũng tìm cách làm giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách một mặt kiểm soát đất đai của người giàu, một mặt chia đất cho dân nghèo theo số người trong hộ. Chính sách này đã thúc đẩy năng suất nông nghiệp trong thời kỳ này. Ngoài ra Văn đế còn giảm thuế cho nông dân và thương nhân, góp phần làm phát triển kinh tế xã hội. Công trình kiến thiết lớn nhất của thời này là việc đào kinh Vận Hà, một con kinh nối liền sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.
Dưới thời nhà Tùy đạo Phật vô cùng phát triển. Số lượng các chùa và sư sãi gia tăng. Thời này đã có những vị sư phụ mà kiến thức về đạo sâu rộng không thua kém gì so với đất Ấn Độ, biến Trung Quốc thành một trung tâm học hỏi về đạo phật. Qua thời kỳ bất ổn định kéo dài trước kia, quan hệ ngoại giao với các nước khác bị suy thoái. Đến nay, nhà Tùy mở lại quan hệ, đặt nền móng cho cả nhà Đường sau này. Dạng đế đã cử sứ giả sang phương Tây mời các thương nhân đẩy sang buôn bán với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến đời Dạng đế, vì cách ăn chơi xa hoa và thường xuyên tuyên chiến với các nước khác, loạn lạc đã nổi lên. Bắt đầu từ năm 613, các cuộc nổi loạn liên tiếp diễn ra. Đến năm 618, Dạng đế bị tùy tùng của mình giết chết, và Lí Uyên bắt đầu xưng đế, lập ra nhà Đường ở Tràng An.