Tài liệu: Trung Quốc - Thiên đàn

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thiên Đàn là một trong những di sản văn hóa được bảo vệ và bảo tồn nghiêm ngặt nhất Trung Quốc.
Trung Quốc - Thiên đàn

Nội dung

THIÊN ĐÀN

Thiên Đàn là một trong những di sản văn hóa được bảo vệ và bảo tồn nghiêm ngặt nhất Trung Quốc. Hàng năm có 12 triệu du khách đến viếng đền. Thiên Đàn là bàn thờ riêng cho các vua chúa đời Minh và đời Thanh. Có sắc lệnh quy định các vua chúa của các triều đại phải đặt bàn thờ tại kinh đô để thờ Thượng Đế và cầu nguyện cho mùa màng. Người Trung Hoa thời cổ tin rằng Thượng Đế cai trị cả vũ trụ và số phận con người, từ đó có lễ nghi thờ phượng Thượng Đế. Thượng Đế mà người Trung Hoa cổ xưa đề cập đến thực sự là vũ trụ, là thiên nhiên.

Thiên Đàn được xây dựng năm 1420 dưới triều nhà Minh. Tọa lạc ở phía Nam thành phố, bộ cấu trúc to lớn này chiếm diện tích 273 héc ta. Để thể hiện trời và đất, phần phía Bắc của đền hình tròn trong khi phần phía Nam hình vuông. Cả khu vực được bao quanh bằng hai bức tường, một bức  tường vuông bao quanh bên ngoài một bức tường tròn.

Trong ngày tế lễ, nhà vua mặc lễ phục và có một viên quan phụ trách về các sự vụ tôn giáo dẫn đường vào đền. Nhà vua sẽ bước lên ba tầng phía trước để dâng lễ lên bàn thờ.

Mỗi tầng gồm có chín bậc tam cấp. Ở giữa mỗi tầng có một hòn đá tròn được bao quanh bởi chín vòng đá đồng tâm. Số viên đá của vòng thứ nhất là 9, ở vòng thứ hai là 18. vòng thứ ba là 27, ... cho đến vòng thứ chín là 81. Cả lan can cũng là có những vòng đá với bội số của 9 như vậy. Theo triết lý cổ của Trung Hoa, âm và dương là hai yếu tố trái ngược. Trời và số lẻ thuộc về dương, trong khi Đất và số chẵn thuộc về âm. Số chín và số lớn nhất của trời mà con người có thể đạt đến được. Ngoài ra người ta cũng tin rằng trời bao gồm chín tầng, và chỗ ở của hoàng đế tầng cao nhất.

Kho Nhà Trời với mái, xà, rầm tất cả đều làm bằng gạch hoặc ngói tráng men. Đây là kiến trúc độc nhất ớ Trung Quốc. Nơi đây chứa các vật phẩm cúng lễ. Ngoài kiến trúc sắc sảo, thanh tú, Kho Nhà Trời còn nổi tiếng với hai kiến trúc khác thường về âm thanh, đó là Tường Phản Âm và Đá Tam Âm. Đối với Tường Phản Âm, chỉ một tiếng nói thầm ở bất kỳ điểm nào gần tường có thể nghe được ở bờ tường bên kia, mặc dù người nói và người nghe có thể cách nhau đến 40 hoặc 50 mét. Điều này có thể là vì bức tường hình tròn và được xây kín mít bằng gạch nhẵn và chắc.

Phía trước những bậc tam cấp dẫn ra khỏi tòa nhà và Đá Tam Âm. Nếu bạn đứng ở hòn đá thứ nhất và lên tiếng hoặc vỗ tay, âm thanh sẽ phản hồi lại một lần. Ở hòn  đá thứ hai, nếu làm như vậy âm thanh sẽ phản hồi hai lần. Và ở hòn đá thứ ba thì âm thanh sẽ phản hồi ba lần. Từ đó nó được đặt tên là Đá Tam Âm.

Thiên Đàn còn nổi tiếng với cây bách - có hơn 60.000 cây bách, trong số đó có hơn 40.000 cây đã hơn 100 tuổi, làm tăng thêm không khí trang nghiêm cho đền. Có một cây bách được trồng hơn 500 năm về trước, những cành to và thân cây xoắn của nó có hình chín con rồng, bởi vậy nó được đặt tên là Cây bách Cửu Long.

Trong Thiên Đàn còn có Sảnh Cầu Mùa Màng, dùng để tế lễ cầu xin cho mùa vụ được tốt.

Sảnh đường này được xây trên một nền đá hoa cao 1,5 mét. Công trình cao 38 mét này có hình nón với ba tầng mái hiên và trên đỉnh có một quả cầu mạ vàng. Mái được lợp bằng gạch tráng men xanh da trời. Nền của sảnh đường có 3 tầng, hình tròn với đường kính 90 mét và chiều cao 6 mét, bao trùm một diện tích 4.000 mét vuông. Bước lên khỏi phần nền, người ta sẽ thấy phần chính sảnh đường, một tác phẩm kiến trúc của thời cổ Trung Hoa. Phía trong trần nhà được trang trí bằng rồng, phượng. Không có sắt, xi măng và đinh, và thậm chí không có xà nhà, toàn bộ kiến trúc được chống đỡ bởi 28 cây cột gỗ lớn. Bốn cột gỗ chính cao 19,2 mét, được sơn các loại hoa tượng trưng cho bốn mùa. Ngoài ra còn hai vòng cột nhỏ, mỗi vòng 12 cột sơn đỏ. Vòng trong tượng trưng cho 12 tháng, vòng ngoài tượng trưng cho 12 giờ trong ngày. Tổng số cột là 28 cũng tượng trưng cho 28 chòm sao trong vũ trụ - người Trung Hoa thời xưa tin rằng có 28 chòm sao tạo thành bầu trời.

Việc cúng thần ở đây được tổ chức vào lúc rạng sáng. Vì trời còn tối nên các loại đèn lồng, nến, đuốc được thắp sáng trưng. Ánh sáng này hòa quyện với hương trầm làm cho buổi tế thêm phần long trọng và huyền bí. Khi buổi tế bắt đầu, 207 nhạc công và vũ công bắt đầu biểu diễn ở sân ngoài sánh đường. Nhà vua, trong bộ lễ phục màu xanh sẽ bước lên quỳ lạy dâng rượu và khấn bái thần linh.

Ngày nay, những buổi tế thần của các vị vua thời phong kiến đã đi vào lịch sử, nhưng kiến trúc hoành tráng này vẫn còn như một chứng nhân cho sự xây dựng tài tình của người Trung Hoa cổ xưa, và nó vẫn tồn tại như một đi sản văn hóa của nhân loại.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2295-02-633505267809735000/Du-lich/Thien-dan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận