Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 17


Truyện ngắn 17
Khách trọ

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có ngày thành ông chủ nhà trọ. Nhưng ở đời, không ai lường hết mọi sự. Chẳng hạn như cái xóm phố nhà tôi đang ở. Mới cách đây chưa lâu, khi tôi ở trong quân ngũ chuyển ngành ra có ít tiền, liền mua ngay cái nhà cấp bốn cùng mảnh đất một trăm mười mét vuông, để chuyển vợ con từ trong khu tập thể nhà máy lúp xúp như cái chuồng gà ra ngoài này cho thoáng đãng. Giá mua cả nhà và đất khi ấy cũng chưa đến ba cây vàng. Vậy mà bây giờ cái chỗ tôi ở, nói như vợ chồng thằng con: "Chỉ riêng đất đã có mười lăm, mười bảy cây vàng rồi, bố ạ". Cũng chỉ tính giá đất hiện tại. Còn tương lai thì chưa biết đâu mà lường, cây vàng một mét đất cũng chưa biết chừng. Chả là từ năm ngoái đến nay, cái xóm giáp ranh quận đẩy ra, huyện đẩy vào chẳng đâu muốn nhận, bỗng trở thành chỗ béo bở, anh nào cũng muốn nhảy bổ vào nhận chỉ giới hành chính. Chỉ vì cái cơ sở sản xuất giày liên doanh với Đài Loan, tưởng nói chơi chơi, ai ngờ sau có bảy tháng đền bù đất, bàn giao mặt bằng, làm tường bao, xây nhà xưởng, lắp điện nước đã đi vào sản xuất với số công nhân mới tuyển đợt đầu đã tới chín trăm người. Nghe đâu cái xóm phố lèo thèo dải đất vạt áo này, đã nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp may và da giày xuất khẩu. Chẳng bao lâu nữa sẽ có tới hàng vạn công nhân tụ về đây cũng chưa biết chừng.

Thế là cái xóm tôi ở, chỉ mấy chục hộ, bỗng xạo sực cả lên. Nhà nào cũng bao chỉ giới, mở ngõ đi có cổng đóng then cài. Những nhà còn đất lâu nay vẫn bỏ không, giờ cũng mua cát thuê xe chở về dâng nền, xây lên một vài gian nhà lợp ngói xi măng nhưng cũng có nhà vệ sinh, nhà tắm khép kín từng gian chẳng khác cái phòng ngủ ở khách sạn là mấy. Còn những nhà xưa nay vẫn ở rộng rãi phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn riêng biệt thì nay dồn lại phòng khách cũng là phòng ăn, con nhỏ ngủ với bố mẹ, con lớn ngủ với ông bà, dành phòng cho thuê trọ. Xóm phố của tôi trở thành Xóm nhà trọ - theo cách gọi của chú công an khu vực - với đám khách trọ toàn nữ thanh niên ở ngoại thành, có đứa lần đầu mới biết thành phố nhộn nhịp, chứ không tẻ ngắt như cái phố huyện của nó. Nhưng được cái đám khách trọ này hiền lành, chất phác, lại đi làm tối ngày, có hôm chín, mười giờ đêm mới lọ mọ đưa nhau về. Có đứa đi làm về bước chân vào nhà chỉ kịp dựng cái xe là nằm vật ra giường ngủ thiếp đi như chết.

Tôi hồi đầu thấy nhà chú Sang, ông Thao, bà Vĩnh người che chái hiên, nâng cấp nhà bếp; người làm gác lửng để cho thuê trọ thì cũng chỉ dửng dưng. Nghĩ mình là người nhà quê, mới ra ở phố mươi năm nay. Mà người nhà quê thì chỉ quen cho nhau ăn độ ở nhờ, chứ có nhà nào cho thuê trọ. Nên dẫu cửa nhà từ ngày con cái Thúy đi học trên Hà Nội thì cũng rộng rãi, chứ không đến nỗi chật như bên nhà bà Vĩnh, chú Sang, nhưng có mấy đứa đến hỏi trọ tôi cũng không cho vào.

Cho mãi đến hôm, vợ chồng thằng con trai ở trong phố đưa nhau ra thăm ông bà. Giữa bữa ăn, thằng con nhìn tôi, rồi lại nhìn bà ấy, lúc lâu mới nói: "Con định bàn với ông bà đồng ý thì tuần tới con nghỉ mấy ngày dọn gian nhà trong, sát với bếp, cho ông bà ở đêm hôm đi lại cho tiện. Còn gian nhà ngoài mượn thợ xây tường ngăn cho thuê trọ". Tôi nói ngay thật: "Nếu chỉ để tao với bà nhỡ đêm hôm, thì xem có đứa nào ở quê đang làm ngoài này cho nó ở nhờ". Chả là ở quê tôi hồi này đám thanh niên nam nữ buông tay cày cấy là túa vào thành phố làm thợ nề, đạp xích lô, có đứa chỉ gánh nước, lau nhà, rửa bát thuê cũng được ngày dăm mười nghìn đồng. Tiếng không là gì với người ở phố, nhưng với người nhà quê làm ngày dăm mười nghìn, dồn lại một tháng đã bằng cả tạ thóc, thử hỏi lúa má nào cấy hái được nhanh thế. Nên hồi này chúng nó kéo nhau vào phố làm đông lắm. Đứa có xe đạp thì sáng đi, tối về. Còn những đứa không có xe thì nằm vạ vật ở nhà người quen, có đứa còn nằm cả ghế đá vườn hoa, vỉa hè, bến xe đến khổ ấy chứ. Thỉnh thoảnh mưa gió, nhỡ việc chúng nó vẫn tạt qua thăm ông bà. Cũng tình nghĩa lắm. Nhưng thằng con lại gạt đi. Có đâu mà cho ở nhờ. Ông bà thì mỗi ngày một già. Vợ chồng con thì cháu nó còn nhỏ. Cô Thúy lại học những ba năm nữa mới ra trường. Mà ra trường cũng không biết có xin được chỗ dạy ngay, hay còn chờ việc không biết đến bao giờ. Bố mẹ thì già, mà con cái lại chưa thể phụng dưỡng gì được. Vậy là mọi khoản chi tiêu trong nhà và chu cấp cho cô Thúy ăn học tận Hà Nội nhất nhất đều nhìn vào mấy đồng lương hưu của ông, chứ bà về một cục đã tiêu nhẵn từ tám hoánh. Thế nên cái sự dồn dịch chỗ ở để làm phòng cho thuê trọ, mỗi tháng có thêm vài trăm nghìn đồng cho ông bà chi tiêu và em nó học hành là một việc nhất cử lưỡng tiện.

Thằng con tôi tên Bòng, đẻ năm 1972, giữa lúc tôi đang ở thành cổ Quảng Trị tưởng mười mươi không còn lành lặn về được đến nhà. Vợ tôi khi ấy một thân một mình theo nhà máy đi sơ tán về một làng hẻo lánh tận huyện Vĩnh Hảo. Nghe đâu ngày ấy vợ tôi đẻ rơi nó ở gốc cây bưởi, hay đúng hơn là vợ tôi sợ nhà chủ kiêng kỵ người lạ đẻ trong nhà, nên khi đau lén ra ngoài vườn ngồi ôm gốc cây bưởi, rồi đẻ rơi thằng bé ở đó. Nên khi ra xã làm giấy khai sinh, bà chị vợ tôi cũng không nghĩ được cái tên nào hay hơn, liền bảo người ta ghi ngay vào tờ khai tên cháu là Bòng. Năm nay cả tuổi mụ cũng chưa đến hăm chín, nhưng xem cách làm ăn, đường đời tính toán còn hơn cả tôi khi bằng tuổi nó. Con hơn cha nhà có phúc, vợ chồng nó đã nghĩ được thế thì thôi bà ạ, cứ để nó sửa lại nhà. Nhân bảo như thần bảo, biết đâu tôi với bà cuối đời lại có lộc từ cái gian nhà cho thuê trọ mà thằng con trai đứng ra sửa cho thì sao.

Thế là chỉ hai tuần sau, nhà tôi đã có người đến hỏi thuê. Đầu tiên là ba đứa con gái sàn sàn đầu nhau hai mươi, hăm mốt quê ở An Lão, vào làm công nhân may ở công ty Giang Đông từ mấy tháng nay. Trước trọ ở nhà chú Xuê bên tổ 44; nhưng nhà chật, người đông, những mười bốn, mười lăm đứa chen chúc trong hai gian nhà, nên cũng muốn dãn bớt. Còn nhà tôi có phòng trọ rộng, kê được hai giường đôi, mùa đông có thể nằm ba đứa một giường cũng vừa; lại nhà tắm, vệ sinh khép kín sang trọng chẳng kém gì khách sạn. Nhưng nói đến giá tiền thuê phòng thì cả ba đứa đều ặt cổ vái trời. Một đứa bảo, chúng cháu làm cả tháng mỗi đứa cũng chỉ được có hai trăm bảy mươi nghìn đồng, cô chú lấy riêng tiền nhà đã hai trăm năm mươi nghìn, lại điện nước chúng cháu phải trả tiền. Vậy là chỉ khoản nhà trọ mỗi đứa đã hết một phần ba tháng lương, thì còn bỏ nhà ra phố làm làm gì hả trời! Nghĩ cũng thương chúng nó. Vợ tôi bảo: "Hay các cháu chịu khó tìm thêm mấy đứa vào ở chung cho giảm tiền đi. Nếu được bốn đứa thì cô cũng chỉ lấy thế thôi; còn hơn thì cô lấy thêm mỗi đứa mới đến một tháng mười nghìn. Nhưng cũng không được ở đông quá, nhiều nhất là sáu đứa, mà phải là toàn con gái đấy. Cô là cô rất ngại chúng mày sợ tốn tiền rủ đông đứa vào, lại cả nam lẫn nữ, tiếng là nằm khác giường nhưng vẫn chung một phòng, như bên nhà bà Vĩnh là cô đuổi ráo.

Nhưng bẵng đi mấy ngày không thấy đứa nào quay lại. Vợ tôi bảo, chắc ba đứa An Lão không có tiền, lại không rủ được người, đành ở chật bên nhà chú Xuê vậy. Có đám nào đến hỏi trọ mình cứ nhận, nhẩy. Thì đùng giữa trưa, chúng nó dẫn hai đứa con gái đến. Hỏi quê ở đâu? "Thưa, cháu ở Vĩnh Hảo". Lễ phép thế. Đúng là người nhà quê chân chỉ hạt bột. Vợ tôi khen. Rồi lại hỏi dồn: Đi làm lâu chưa? Đã được hưởng lương hay còn học việc? Dạ, chúng cháu mới cậy người xin cho vào làm được hơn tháng nay. Đang còn thử tay nghề, những ba tháng cơ, lương chỉ được mỗi tháng một trăm hai mươi nghìn đồng; nhưng chủ họ giữ lại một phần ba, còn chỉ được một trăm. Nhưng cũng phải sang đầu tháng sau mới được lĩnh lương tháng trước. Cô chú có cho trọ thì chúng cháu cũng xin được hết tháng mới trả tiền, cô nhé. Vợ tôi không nghe, còn đòi đặt cọc trước một nửa. Tiếng bấc tiếng chì đôi hồi, rồi khi năm đứa con gái ngậm ngùi bước ra khỏi cửa, vợ tôi vội gọi giật lại: "Cô quên chưa hỏi, các cháu ở Vĩnh Hảo là những xã nào, hay cả năm đứa cùng một xã?" Con bé có tên là Hồng người cao to, nước da nâu bóng, một bên mắt có vẩy mại trông lanh lợi láu lỉnh, quay nhìn vợ tôi, cười phô cả hàm răng ken dày: "Cháu với hai đứa này ở An Lão, hôm trước đến cô đã hỏi, giờ lại quên rồi. Còn hai đứa này, - cái Hồng chỉ tay vào một đứa người nhỏ nhắn, hơi cao, nước da trắng trẻo, khuôn mặt Đức Mẹ phảng phất nét buồn ưu tư, và một đứa gầy gò, nhỏ thó, có đôi mắt to luôn nhìn ngước lên - chúng nó ở Vĩnh Hảo. Xã à, cháu không nhớ. Kìa, đám thảo dân. Mau khai ra! Cái Lê trước”. - Hồng chỉ tay vào cô bé có đôi mắt to, nó vội nói: "Em ở Tân Hưng, ngay thị trấn huyện đi vào". Hồng lại quay sang cô gái đứng cạnh cái Lê làm bộ hạch sách: "Còn cái Hà, quê ở đâu, sao không mau khai ra?". "Dạ, em ở Tân Hòa, gần ngã ba Cây Gạo đi vào ạ". Bỗng vợ tôi bước một cái từ trong cửa bổ ra sân, không còn hiểu cô ấy bước hay nhảy nữa, rồi túm chặt lấy hai vai con bé cái Hà, hỏi dồn: "Cháu ở Tân Hòa người xóm nào?" Con bé bỗng trố mắt nhìn vợ tôi, cười: "Xóm nào thì cô cũng chả biết". Vợ tôi làm mặt giận, nhưng lại nói nửa đùa nửa thật: "Tao còn lạ gì cái đất Tân Hòa nhà mày, chó ăn đá gà ăn sỏi". Tôi vội gàn: "Kìa, mình...". Thì đã nghe cái Hồng giục mấy đứa: "Thôi, đừng tếu nữa. Đứa nào đi làm thì về không muộn". Nhưng vợ tôi đã ôm vai con bé người Tân Hòa và bảo cái Hồng: "Có định thuê nhà cô thì trở lại bàn cho xong đi". Cái Hồng tỏ ra là một chị cả trong đám, nói ngay: "Cô có cho đến kỳ lương trả tiền thì chúng cháu mới dám thuê. Còn cứ đặt cọc trước...". Vợ tôi thuận tay, vừa đẩy vai con bé cái Hà vào trong nhà, vừa nói: "Có bao nhiêu đặt bấy nhiêu cho cô lấy may". Vừa nghe đến đấy, thiếu một chút tôi há hốc mồn, thật chẳng hiểu vợ tôi là người thế nào. Mới vừa nãy còn khăng khăng không có đủ tiền đặt cọc thì nhất định không cho bước nửa bước vào trong nhà, giờ đã"có bao nhiêu đặt bấy nhiêu". Thật chẳng hiểu ra làm sao.

Nhưng khi cả ba đứa ở An Lão và hai đứa ở Vĩnh Hảo đã dọn đến ở, thì tôi mới lần lần hiểu ra sự thay đổi đến"chóng mặt" ấy của vợ tôi.

Đêm ấy, khoảng ba giờ sáng, vợ tôi lọ mọ dậy. Ngỡ đêm hôm có chuyện gì, tôi vội thò đầu ra khỏi chăn. Nhưng lại thấy vợ tôi bật công tắc đèn, chứ không bấm đèn pin ra ngoài như mọi khi. Thì ra bà ấy súc ấm pha trà. Bà sao vậy, ốm à? Có uống thuốc thì uống nước sôi, chứ sao đêm hôm lại pha trà. Vợ tôi bảo không ốm đau gì, mà trong người cứ thấy bứt rứt thế nào. Dậy pha ấm trà đặc uống xem có thấy đầu óc tỉnh táo trở lại. Tôi cũng tung chăn, ra bàn nước ngồi. Vợ tôi quay lại, dò hỏi: "Ông đã nói chuyện với con cái Hà, người Tân Hòa lần nào chưa?". Ơ, cái bà này có thần kinh không đấy? Tôi ngần này tuổi đầu, ai lại... Không, tôi hỏi ông nghiêm chỉnh thì ông lại nghĩ khác rồi. Nhưng mà...Tôi thề có ngọn đèn, từ khi chúng nó bước chân vào gian nhà trọ ngoài kia, tôi chưa lai vãng tới cửa phòng ấy. Nhưng có chuyện gì vậy? Vợ tôi không trả lời, lại đổi cách xưng hô, đột ngột hỏi: "Anh còn nhớ bà cụ Tu mà có chị con dâu tên là Nhuần ở xóm Thượng Đồng, Tân Hòa, Vĩnh Hảo không?". Tôi ngớ ra một giây, rồi cũng mơ màng nhớ. Có phải cái chỗ nhà máy sơ tán năm 1972, em đẻ thằng Bòng ở gốc cây bưởi góc vườn nhà ấy. Vợ tôi tiếp tục khơi gợi trí nhớ. Cái nhà ở làng Thượng Đồng,Tân Hòa mà năm 1975 anh ở miền Nam ra nghỉ phép lần đầu, em đã dẫn anh đi thăm ấy mà. Nhớ rồi, nhớ ra rồi. Lần ấy, tôi đèo vợ tôi bế thằng con đẻ rơi ngồi sau xe, vừa về đến sân thì bà cụ đã chạy ra ôm chầm lấy tôi sờ nắn bả vai, cánh tay như thể con đẻ đứt ruột vừa thoát qua mũi tên hòn đạn trở về. Sau cái đêm đẻ rơi thằng con ở gốc bưởi, vợ tôi yếu lắm. Bà cụ Tu bắt người con dâu, bấy giờ cũng mới có một thằng con đang tập bò lân cửa, xuống nằm ở chiếc giường một của vợ tôi dưới nhà, dành giường của mẹ con chị ở nhà trên cho vợ tôi nằm, để đêm hôm bà cụ tiện dậy giúp vợ tôi thay tã lót, bế ẵm thằng bé. Chị con dâu cũng có chồng đang chiến đấu ở chiến trường, nên dễ thông cảm với hoàn cảnh của vợ tôi một mình vượt cạn ở một nơi xa lạ. Hàng tuần liền chị cơm nước, giặt giũ quần áo cho mẹ, tã lót cho con như chị gái nuôi em đẻ. Nghe đâu trong cữ thằng con tôi lại hay sài đẹn, sổ mũi, ấm đầu luôn, có hôm thằng bé dậy quấy khóc đến hàng tiếng đồng hồ. Bà cụ lại phải lọ mọ dậy giúp vợ tôi bế ẵm, dỗ dành nó.

Từ bấy đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ. Thằng Bòng, con tôi, giờ đã có vợ con, lại ở nhà tầng trên phố chính, cuộc sống của vợ chồng nó bây giờ thật khác xa cuộc sống của vợ chồng tôi khi ở tuổi nó. Thời gian trôi mau, chớp một cái đã hàng chục năm trường, bà cụ Tu bây giờ còn thì dễ đã tuổi gần chín mươi? Vợ tôi bảo: "Tết này chín mốt". Bao nhiêu năm vắng bặt tin tức, sao mà tự nhiên biết rõ thế? Vợ tôi bảo cũng là may có cái Hà đến trọ. Ngay hôm đầu, nghe nó nói quê ở Tân Hòa đã giật thót cả người. Nhìn kỹ khuôn mặt, sao mà giống nét mặt chị Nhuần như tạc. Cũng khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, với đôi mắt nhỏ lưỡng quyền thanh. Một khuôn mặt đẹp thánh thiện mà đến em là đàn bà nhìn cũng thấy mê. Chồng đi bộ đội xa, chị ở nhà thật đến khổ sở vì cái sắc đẹp mê hồn của mình. Mấy ông cán bộ xã vào loại thừa tuổi gọi bằng anh, nhưng lại thiếu tuổi gọi bằng chú, chẳng mấy tối không chạm trán nhau côm cốp ở nhà chị Nhuần. Bấy giờ, chị cũng mới có thằng bé đầu lòng, đang chập chững tập đi, nên sau khi đoạn cữ, vợ tôi đi làm thì việc bế ẵm thằng con trông cậy cả vào bà cụ, còn việc bú mớm đã có chị Nhuần, mỗi khi tạt về nhà cho con ăn thì cho luôn cháu bú rình. Quả là vợ tôi số đỏ lắm, nên vào cái thời điểm năm 1972 ác liệt ấy, mới sơ tán vào đúng nhà bà Tu, chị Nhuần. Nếu không, chưa biết vợ tôi xoay xỏa nuôi nấng thằng con đầu lòng đẻ rơi, sài đẹn thế nào cho qua những ngày gian khổ, khó nhọc ấy.

Nhưng thôi, kể tiếp chuyện cái Hà.

Ngay hôm đầu, khi mấy đứa định bỏ đi, vì không đủ tiền đặt cọc trước, thì cũng là lúc vợ tôi bất chợt nhận ra khuôn mặt của cái Hà sao mà giống khuôn mặt của chị Nhuần mấy chục năm về trước đến thế. Liền gọi giật mấy đứa lại, đột ngột "xuống thang". Khi chúng nó đã dọn đến ở yên ấm, vợ tôi gọi cái Hà lên nhà chơi, tiếp nó như tiếp người bằng vai phải lứa, cũng súc ấm pha trà mới, bóc kẹo trong hộp bày ra đĩa nhỏ để trên bàn. Rồi mới hỏi thăm thân thế, cửa nhà, gia tộc. Con bé hồn nhiên, chân thật rất nhà quê biết sao nói vậy, cứ thông thống như tháo nước vào ruộng ải. Thì ra nó là con gái út vợ chồng chị Nhuần, năm nay mười chín tuổi. Theo cái Hà thì thỉnh thoảng bà và mẹ cháu vẫn nhắc đến cô, nhất là mỗi độ rằm Trung thu trẩy bưởi đi bán, mẹ cháu lại bảo: "Không biết số cô Thu thế nào, mà từ khi cô ấy đẻ rơi thằng con ở gốc cây bưởi, thì bưởi lại không chua, chứ trước thì chua lắm. Còn quả thì năm nào cũng rũ rĩ, cứ sang tháng tám nắng rám trái bưởi là quả nào quả ấy vàng rực cả lên, nhìn thật thích mắt". Khi nói lại với tôi câu ấy của cái Hà, vợ tôi bần thần cả người, vẻ mặt bối rối, ngượng ngùng như người mắc lỗi. Nhưng thế cũng còn may, mình chưa đến nỗi cạn tàu ráo máng với cái Hà và mấy đứa bạn nó, dẫu mấy đứa chưa đủ tiền đặt cọc vẫn cho vào ở hết tháng mới lấy tiền. Tôi an ủi vậy, nhưng vợ tôi dường như vẫn chưa nguôi nghĩ ngợi. Thỉnh thoảnh lại thấy cô ấy thẫn thờ nhìn mấy đứa trọ nhặt rau, xách nước, nấu cơm. Có lần bỗng nhiên nghe cô ấy gọi: "Hà ơi, vào cô bảo". Nhưng khi con bé vội chạy vào rụt rè đứng cửa, thì vợ tôi lại hỏi một câu vô nghĩa: "Cháu đi làm về rồi à!".

Cho đến hôm hai đứa ở Vĩnh Hảo vào chào vợ chồng tôi về quê ăn Tết. Vợ tôi bỗng hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn. Cô ấy mời cả hai đứa ngồi ghế xa lông. Rồi có chục hộp Cô-ca Cô-la, lúc chiều thằng con mang sang để ông có bạn già đến chơi Tết thì dùng, cô ấy xách cả ra đặt lên bàn. Vừa định bật hộp, thì cái Hà giữ tay lại: "Cô đừng bật. Tối cháu không thích dùng ngọt". Không uống thì đem về, mỗi đứa năm hộp, này, bỏ cả vào túi. Ngoài Vĩnh Hảo chỉ có hai đứa chúng mày, cô đã chuẩn bị cho đây. Mỗi đứa một gói mì chính, một hộp mứt gừng, những nửa cân cơ đấy. Về cấy hái rét mướt mà có tí mứt gừng ngâm nghi cũng ấm người. Không, cứ phải cầm cho cô vui lòng. Còn cái Hà, chờ cô một tí. Ngay đây thôi, cô đã gói sẵn cả rồi. Đây, gói túi màu vàng bên trong có gói lần giấy báo này, cháu mang về đưa cho bà hộ cô, và phải nói đúng một câu: "Vợ chồng cô Thu, có anh Bòng đẻ rơi ở gốc bưởi nhà ta, nhờ cháu chuyển lời xin bà và mẹ Nhuần tha tội". Không, có gì nhiều đâu. Cô chỉ gửi biếu bà một chiếc áo lụa đũi Lâm Động quê cô đấy mà. Còn cái gói màu trắng này là của mẹ Nhuần. Không cần nói gì cả. Trong này cô đã viết một lá thư kể hết với mẹ cháu và mong được mẹ cháu cảm thông, tha thứ, đón nhận cô với anh Bòng như đón mẹ con một đứa em gái lầm lạc trở về. Được thế thì cháu đi gọi điện ngay cho anh Bòng nhé. Đây, số điện thoại của anh đây.

Vừa nghe vợ nói đến đấy tôi đã hơi hoảng. Chẳng lẽ thằng con tôi đã biết chuyện nó đẻ rơi dưới gốc cây bưởi ở một làng quê hẻo lánh mãi tận bên sông Hóa rồi ư? Tôi vội ngăn: "Kìa, mình...". Nhưng vợ tôi vội gạt đi: "Ông không nên quá lo xa thế. Con cái bây giờ chúng nó được học hành, nên cũng hiểu ân nghĩa trước sau lắm". Thì ra từ hôm biết chuyện này, thằng Bòng luôn gằn hắt mẹ về nỗi coi cái Hà cũng như mấy đứa khách trọ trong nhà. Rồi hai mẹ con bàn nhau viết lá thư để trong gói quà gửi mẹ cái Hà. Chính nó tối qua đã đưa cái các-vi-dít cho mẹ, để khi nào cái Hà về thì dặn dò và đưa tận tay. Thằng con tôi còn muốn chuyến xuất hành đầu năm đi một nơi xa của nó là hai mẹ con được trở lại cái vùng quê hẻo lánh bên sông Hóa, để được nhìn tận mắt cây bưởi với những tán lá xanh chở che cho hai mẹ con những năm tháng gian truân, khó nhọc của kiếp người. Mà theo lời cái Hà thì cây bưởi nhà nó linh thiêng lắm. Chẳng thế đã mấy chục năm cây bưởi góc vườn vẫn sai như bện, mỗi độ thu về lại sáng rực màu nắng.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85581


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận