Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 18


Truyện ngắn 18
Lệ họ

Tôi đi làm về đến đầu phố, gặp bà cụ Lả ở trong ngõ đi ra, mừng rỡ: "Chị Mai về đây rồi! Cứ ngỡ còn phải để ông ấy ngồi đợi lâu, đang định chạy ra quán nhà Sự mua ấm chè về mời ông ấy chén nước cho ấm bụng". Tôi ngớ người, chẳng hiểu "ông ấy" bà cụ nói đây là ai? Vội dừng xe. Thì đã thấy bà cụ mặt biến sắc, còn ngỡ ngàng hơn cả tôi: "Ơ, thế ra không phải là bác họ chị ở quê ra à?". Giờ thì tôi thực sự ngỡ ngàng. Bác họ ở quê thì tôi có nhiều. Họ Đào nhà tôi to nhất làng Kênh. Mỗi năm một lần giỗ tổ vào tháng tư, thường cũng phải tới hai trăm suất đóng giỗ. Ấy là chẳng biết từ bao giờ đã thành lệ: chỉ có nam giới, bất kể là ông già đầu bạc răng long hay thằng bé mới lọt lòng đỏ hỏn, cứ có chimlà đều bình đẳng như nhau, được đóng một suất cúng tổ; còn nữ giới, dù có là bà hoàng đi chăng nữa thì đối với công việc hàng họ cũng chẳng khác gì kẻ ngoại tộc. Họ to, lại không có dịp gặp nhau với cả đàn ông đàn bà bao giờ, nói khí vô phép, có đâm xe vào "bác", đến bệnh viện mới nhận ra họ. Năm nọ thằng Quang, con nhà Tần - Thúy lái xe ở Cẩm Phả, chẳng đã yêu con gái nhà Thành làm công nhân mỏ, chạm ngõ, ăn hỏi xong dẫn nhau về chào ông bà và mời ngày ấy ngày nọ ra ăn cưới cháu. Mới té ra hai nhà cùng họ Đào. Cũng may, chúng nó chỉ đưa nhau về chào rồi phới liền, chứ ở nhà lâu cũng rách việc. Thì năm ngoái chả đã có con trai nhà Nghệ yêu con gái nhà Tuốt, bố mẹ can không được, đến khi cái bụng ễnh lên như Thị Mầu, họ một hai " khai trừ" cả hai nhà ra khỏi họ. Tình không giải quyết xong, bọn trẻ quay sang

 

cãi lý, định kiện cả họ ra tòa mới tức cuời. Vậy mà không nói quý danh, chỉ xưng chức tước hàng họ thôi, thì đến tôi có gặp cũng chịu, đừng nói bà cụ Lả, người giúp việc trong nhà. Tôi vừa thoáng nghĩ, thì nghe bà cụ chuyển giọng xởi lởi: "Buồn cười, tôi đang tưới cây trong sân, thì nghe bên ngoài tiếng người đàn ông ca cẩm: "Ngày ở nhà vẫn gọi là Mùa, giờ cải tên là Mai hay Mải, ban sáng ở nhà cái Khang nó đã dặn đi dặn lại, mà ra đến đây lại quên khuấy đi mất...". Không để bà cụ nói hết, tôi buột kêu lên: "Thế thì đúng bác họ cháu thật rồi. Bác Kha, bố đẻ ra chị Khang, học cùng lớp, giờ chị lấy chồng ở quê".

Tôi bước mải về nhà. Từ sân nhìn vào thấy một người đàn ông khoảng bảy mươi tuổi ngồi sây lưng ra ngoài, mặt đang hướng vào chiếc tủ kệ như chăm chắm nhìn những ngăn tủ với các thứ đồ bày la liệt bên trong. Tuồng như ở quê ông chưa bao giờ được nhìn thấy những thứ của lạ ấy. Cái lưng dài và bè như tấm phản đủ thấy sức vóc ông còn khỏe mạnh, hoạt bát chứ không gầy gò còm nhom như người ở tuổi ông mà ít vận động. Đúng là bác Kha, bố chị Khang thật rồi. Tôi định đánh tiếng chào, thì vừa lúc bác quay ra, nhìn tôi, mừng rỡ: "Ối giời, cháu đấy hả! Bác cứ lo không hỏi được nhà...". Tôi dựng xe ngoài cửa, nói ngay: "Nhà cháu thì cả xóm này ai chả biết. Chẳng qua là bác hay ra quá, nên khó tìm nhà cháu đấy thôi". Bác Kha cười tuế tóa: "Ừ, cũng lâu không ra thật. Từ cái năm...". Bỗng bác tắt nụ cười, dừng lời đột ngột. Tôi cũng hiểu ngay là bác vừa chợt nghĩ tới một chuyện cũ, không muốn động đến nỗi đau âm ỉ nhà chúng tôi. Nhưng còn tôi, để bạn đọc khỏi hồi hộp đợi chờ, tôi xin tạt ngang kể ngay nỗi đau âm ỉ nhà chúng tôi đây.

Theo lời mẹ tôi kể, ông nội tôi hiếm con, chỉ được bố tôi và một bà cô giờ lấy chồng ở làng. Nếu kể ngược lên nữa, thì cụ thượng, rồi cụ nội tôi cũng mỗi đời chỉ sinh được một hai người con, chứ chưa ai có phúc sinh được con đàn cháu đống bao giờ. Ngày xưa hiếm con cũng bị coi là nhà vô phúc, nhất là lại chỉ được mỗi người con trai thì đã có thể coi là con cộc rồi. Nhiều người ở cảnh hiếm con lồng lộn lấy vợ lẽ. Làng tôi có ông đã năm mươi bảy tuổi còn lấy cô vợ lẽ mới hăm mốt tuổi, để cả làng vận ca dao: "Mướp già thì mướp có xơ; ông lão có của gái tơ lăn vào". Nhưng người đời thế nào mặc, cụ kị nhà tôi không bao giờ bắt chước ai. Ngay bố tôi, một người mà mẹ tôi sau này kể lại, ông bà ăn nằm với nhau đã đến lần tắt kinh tháng thứ hai, bà vẫn mơ mơ màng màng rằng người đang nằm trên bụng mình đây có thật đã là chồng, hay vẫn còn là giấc mơ. Mẹ tôi không ngờ mình lại lấy được người chồng như trong mộng vậy. Bố tôi hồi trẻ đẹp trai nhất làng. Lại ăn nói có duyên, rất có thiện cảm với phái nữ. Chẳng thế nhiều cô gái ở làng mê ông đến mức, tháng sáu ông đi cày nghỉ trâu dưới gốc đa ngoài đồng, có cô mua dưa gang, cô xách tích nước vối nóng, cô mang điếu cày, mồi rơm đến tận nơi mời. Nhưng bố tôi cũng là người yêu vợ thương con rất mực. Ngay cả khi mẹ tôi đã sinh liền mạch ba bận toàn con gái, bà muốn lấy lòng nhà chồng, cũng đi mượn mối bắt lái tìm cho bà bé. Nhưng khi biết chuyện, ông đã hằm hằm cầm con dao dựa chém phập vào cây cột cái giữa nhà, dọa không thôi thì ông chém đứt cây cột này rồi ra sao thì ra. Lại đến cái năm đứa em gái dưới tôi bị sẩy chân chết đuối ngoài sông, người em gái duy nhất của bố tôi chẳng biết nghe ai xui khôn xui dại, về bảo: "Diêm vương thương anh chị không có người nối dõi tông đường, muốn đánh đổi lệnh nữ lấy quý tử, chị mau mau tìm chị hai cho anh đi". Bố tôi quắc mắt chỉ vào mặt cô tôi: "Cô lấy chồng biết phận nhà chồng. Đừng có về đây nói năng lung tung là không ra gì với tôi đâu". Nhưng cô tôi không biết có nhớ câu ấy, mà mấy chục năm sau, khi ông anh đã hai lần thức dậy (Lần mẹ tôi còn sống nhà nước tìm được hài cốt bố tôi ở Cam-pu-chia, mang về để ở nghĩa trang Long Xuyên, với lần năm 1996, chị em tôi mượn người vào đưa bố tôi về để trong nghĩa trang liệt sĩ xã), lại rỉ tai cô cháu gái, tức chị Yên tôi, để đến nỗi bây giờ bác Kha vừa mới nói tới" Từ cái năm...", đã đột ngột dừng lời, như chỉ sợ chạm vào nỗi đau âm ỉ nhà chúng tôi.

Ấy là vào dịp gần ngày giỗ tổ họ Đào chúng tôi năm đã lâu. Chị Yên bảo tôi: "Mai chủ nhật, dì nghỉ dạy, đưa chị về quê, chiều ra". Chưa hiểu chị về quê có việc gì mà mới về hôm Tết nay lại về. Chị nói ngay: "Về hỏi ông trưởng họ xem, hôm Tết chị đã nói khó với ông ấy cho nhà mình được theo đóng giỗ tổ từ năm nay có được không". Từ khi bố tôi qua đời, ba mươi năm có lẻ, nhà tôi như đứt sợi dây quan hệ với họ tộc. Mỗi dịp giỗ tổ, bên đông bên tây ngõ trong xóm ngoài, nhà họ Đào nào cũng rậm rịch, râm ran cả lên. Nhà có thì bàn nhau đóng giỗ tổ mấy suất, giục nhau nhắn người ấy, người nọ ở đâu về. Nhà khó thì chạy ngược chạy xuôi bán con gà, ống gạo, thậm chí có nhà gà không, gạo hết còn phải chạy vạy gán lúa non lấy tiền đóng cúng tổ. Nhưng bỏ đóng cúng tổ thì không nhà nào bỏ, kể cả đi vay đi giật về mà đóng. Chỉ có nhà nhiều đàn ông, tới bốn năm người, ông, con, rồi cháu, nhưng lại nghèo túng quá thì có khi cũng chỉ đóng được những suất người lớn, còn trẻ con dẫu có chim cũng chẳng khác đứa không chim, đành phải bỏ suất đóng cúng tổ vậy. Thế nên hai chị em tôi, từ ngày bố tôi qua đời, chưa biết cúng tổ là thế nào. Không những thế, chính bác Kha có lần còn mang ra cho chị em tôi một tin dữ: sổ họ tộc thế kỷ mới (từ năm 2001 trở đi) không có nhà tôi nữa rồi. Đơn giản chỉ là nhà tôi không còn ai đàn ông để theo đóng góp với hàng họ. Nên giỗ tổ năm ấy, chị Yên tôi lo chạy chọt suất đóng cúng tổ, cũng là tái sinh cho gia tộc nhà tôi trong danh sách họ Đào, còn vất vả gấp mấy lần chạy cho cô con gái đầu của chị vào Đại học Ngoại ngữ năm nọ. Nhưng không ai cúng tổ với đàn bà; đàn bà đâu có phép bước qua ngưỡng cửa từ đường. Mỗi lần chị Yên tôi từ thành phố đạp xe về gặp ông trưởng họ, cụ trưởng chi xin được thay cha theo đóng họ, lại được nghe những lời xỉ vả ấy. Đến Tết Nguyên đán năm ấy thì chị tôi đánh liều làm mấy cái phong bì bỏ vào, ông trưởng họ một trăm, cụ trưởng chi năm chục nghìn, còn những ông khác mỗi ông ba chục như kiểu người ta chạy điểm cho con bây giờ. Rồi lại mua biếu ông lạng chè Tân Cương, gói kẹo Thái, bao thuốc lá thơm; ông hộp mứt, gói chè Thanh Hương, chai rượu chẳng biết ngoại hay nội, chỉ thấy những chữ Anh chữ Pháp nhăng nhít tít mù là sang rồi, đem đến tận nhà kiểu như nhân viên đến thăm nhà thủ trưởng. Tưởng mười mươi năm ấy chị Yên tái sinh được gia tộc nhà tôi trong danh sách họ Đào tộc to nhất và lâu đời nhất ở làng Kênh, với bề dày dòng họ hơn bảy trăm năm kể từ khi cụ Đào Quang, một vị tướng thời Trần, được Hưng Đạo Vương phái mang quân ra chắn giữ cửa Đại Bàng. Nhưng đúng như cửa miệng người đời "tiền mất tật mang", ngay từ khi nhìn thấy hai chị em tôi dắt xe máy vào sân, ông trưởng họ đã nói ngay:

- Chị lại về xin đóng cúng tổ năm nay hả? Cái này hôm trước việc họ tôi đã đưa ra xin ý kiến chư viên, nhưng không ai dám phá lệ. Chị nhớ đến tổ tông, biết đến chúng tôi như thế cũng là tốt. Nhưng luật lệ họ tộc từ Đào Tằng Tổ Khảo, Đào Tằng Tổ Tỷ đến giờ chỉ có đàn ông được cúng tổ, chứ đàn bà dứt khoát không được bước qua cửa từ đường.

Chị Yên tôi như cố nén tủi hờn, nói còn thiếu van xin ông trưởng họ:

- Nhưng thưa bác, đàn ông nhà cháu không còn ai, nên mới phải nói khó với bác và họ tộc cho chị em chúng cháu được thay trai nối dõi tông đường, để ông và bố cháu nằm dưới suối vàng ngàn thu yên giấc, cũng là trường hợp ngoại lệ có thể chấp nhận được chứ ạ.

- Chấp nhận được với chị, chứ với họ thì không thể. Mà tôi cũng nói để chị biết, nhà chị đến đây cũng coi như tuyệt đường tông tộc...

Nghe ông trưởng họ nói đến đấy tôi bực quá chừng, định nói cho ông ấy mấy câu cho hả giận, nhưng đã nghe chị Yên tôi như kìm nén sự tức giận, bảo:

- Bố cháu đi bộ đội suốt mấy chục năm, hết đánh giặc Pháp lại giặc Mỹ, chứ có ở nhà đẻ con đàn cháu đống được như các bác đâu mà chả mới chỉ có hai chị em cháu. Thử không có giặc giã, bố mẹ cháu ở bên nhau cả đời xem, không cũng hàng đống con nếp tẻ chẳng kém gì các bác!

- Bố chị là liệt sĩ thì đã có chính sách nhà nước. Chị đừng về đây mà kể công với họ tộc như thế. Phép vua thua lệ làng, chỉ biết từ xưa đến nay lệ họ Đào ở làng này đã định: đàn bà không được sánh vai với đàn ông bước vào từ đường.

- Nhưng nhà cháu là trường hợp ngoại lệ...

Chị Yên tôi mới nói đến đấy, ông trưởng họ như đã hiểu, vội cướp lời:

- Ngoại lệ với chị, nhưng không ngoại lệ với họ tộc. Cho chị được thay cha đóng cúng tổ thì còn mấy chục nhà nữa, cũng toàn gia đình chính sách cả đấy, liệu có ngoại lệ được hết không? Mà chị cũng nên hiểu cái phận đàn bà, sống quê cha chết làm ma quê chồng, đừng có về đây hạnh hoẹ chúng tôi là không xong đâu.

Nghe câu ấy, chị Yên tôi không còn giữ được bình tĩnh, chỉ thẳng vào mặt ông trưởng họ nói lạc cả giọng:

- Ông...ông thật quá đáng!!!

Tôi cũng vội nối lời chị Yên:

- Ông ăn nói độc mồm độc miệng thế thì hổ thẹn cho cả dòng


họ đấy!

- A, hai cái con ngoại đạo này, dám về đây xúc xiểm cả trưởng tộc à!

 Ông trưởng họ miệng nói mắt trông như tìm kiếm vật gì quanh quất. Chị Yên như muốn tránh voi chẳng xấu mặt nào, vội giục tôi nổ máy xe vù thẳng ra nhà bà cô lấy chồng ở xóm ngoài. Ra đến đường cái, đang ngồi sau xe chị Yên vội nghển đầu ghé vào tai tôi như trút cơn bực bội: "Mất toi hai triệu bạc phong bao, quà cáp ". Nhưng chị chưa trút hết cơn giận ở nhà ông trưởng họ, thì ra tới nhà bà cô lại phải nghe những lời bực bõ không kém:

- Hôm trước cô đã gặp ông trưởng họ. - Giọng cô buồn buồn - Nhưng ông ấy bảo: "Anh bà không có con trai đã đi một lẽ. Đến đời con ông ấy, chính cái Yên con gái trưởng cũng chỉ lộc cộc toàn con gái, thì giờ đã vậy, sau này lấy ai thay nó theo họ cho ông ngoại đây?"

Cô tôi nói đến đấy vội dừng lời, hai mắt như có ngấn nước. Tức thì, chị Yên tôi ôm chầm lấy cô. Hai cô cháu bật lên tiếng khóc tức tưởi. Giây lát, cô nâng đầu chị Yên lên, nói như người hụt hơi:

- Hay là...cháu cứ liều...

Tôi lúc ấy thật tình chỉ coi lời bà cô nói với chị Yên cũng như bao lời cửa miệng của mấy bà nhà quê (Cũng như sau ngày em tôi chết đuối năm đã lâu, nghe cô giục mẹ tôi đi tìm vợ bé cho bố tôi vậy), chứ không nghĩ lại thành căn do hậu họa ập xuống đầu chúng tôi.

Chỉ một tuần sau ngày ở quê ra, chị Yên tôi giấu chồng, giấu cả đứa em gái duy nhất trên đời là tôi, lẳng lặng đi tháo vòng. Mấy tháng sau chị có chửa, người gầy và xanh như tàu lá chuối non. Việc đã rồi, cả anh Thắng, chồng chị, và tôi, chỉ còn biết động viên chị chịu khó ăn uống cho có sức nuôi đứa bé trong bụng. Nhưng còn trẻ có chửa đã vất vả, ngoài bốn mươi nhăm vẫn còn chửa đẻ như chị thật đáng ngại vô cùng. Chứng huyết áp thấp có lúc tụt dưới tám mươi ở chị tưởng đã nâng lên được từ ngày con bé thứ hai đỗ đại học, nào ngờ giờ lại tái phát. Không những thế, khi đi khám sản khoa bác sĩ còn bảo chị chửa ngoài dạ con, phải mổ. Chị lên bàn mổ trong tình thế "còn nước còn tát", nên vừa buông dao mổ chưa đầy một giờ chị đã đi theo ông bà ông vải. Được tin chị đi, bác Kha dẫn một đoàn chư viên trong họ, người đi xe đạp, người nhảy xe ôm, người đón ô tô lục tục kéo nhau ra một hai xin nhà trai cho đưa thi hài chị Yên tôi về mai táng ở quê. Bên nhà chồng chị, ngoài anh Thắng và vợ chồng bà chị gái, không còn ai đang sống ở thành phố này. Quê anh Thắng lại ở mãi trong Ninh Bình. Nhưng không vì thế mà anh cho mang chị về quê ngoại. Dù mọi người đã nói hết nước hết cái rằng hỏa thiêu thì hỏa thiêu, thờ lọ tro đủ bốn mươi chín ngày thì đưa về nghĩa trang làng xây nhà táng. Tôi thực tình cũng muốn để chị ở quê, đi lại cho gần. Nhưng anh Thắng dường như vẫn chưa quên câu ông trưởng họ nói với chị Yên hồi đầu năm hai chị em về xin với họ cho được đóng giỗ tổ, dù anh chỉ được nghe chị Yên về kể lại. Anh thẳng thắn nói với bác Kha: "Cháu cảm ơn bác với mấy anh, nhưng cũng nhờ bác và mấy anh về nói giùm với họ tộc rằng, chính ông trưởng họ đã bảo vợ cháu sống quê cha, chết làm ma quê chồng, thì dù thế nào cháu cũng đưa nhà cháu về trong kia".

Tôi tưởng bác Kha đã quên nỗi đau âm ỉ nhà chúng tôi lâu rồi mới phải, bởi chị Yên tôi mất đã qua mấy cái giỗ. Nhưng không ngờ vừa chạm đến mốc thời gian "từ cái năm...", bác bỗng đột ngột dừng lời, như thể bác cũng là người có lỗi trong cái chết oan nghiệt của chị Yên tôi. Nhưng cái gì qua cứ để cho nó qua, tôi bưng chén trà nóng đưa tận tay mời bác. Sau lời cảm ơn, bác Kha đón chén trà nhưng chưa uống ngay, mà đặt xuống bàn, nhìn tôi nói vẻ trách móc:

- Hôm nọ chị về xã, sao không về chúng tôi chơi, lại đi ngay. Hay chị vẫn giận chuyện ngày nọ.

- Không ạ.Thực tình hôm ấy cháu đi ô tô với đoàn, không thể tạt về thăm hai bác được.

 Mấy tuần trước, tôi có đi trong đoàn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thiệt hại chăn nuôi trong đợt dịch cúm gà vừa qua. Khi về đến huyện, anh em ở Phòng Nông nghiệp bố trí cho xuống thực tế một số trang trại chăn nuôi lớn, thiệt hại nhiều. Tôi cũng không nghĩ nơi đầu tiên đoàn xuống lại chính làng mình, hơn thế nữa, trang trại đầu tiên đến lại của bố con ông trưởng tộc. Tôi còn nhớ rất rõ giây phút đầu tiên ông Thực, trưởng họ Đào tôi, và anh Dụng, con trai lớn của ông, nhìn thấy tôi từ trên xe bước xuống còn quay mặt đi, hay còn mải bắt tay mấy anh ở Phòng Nông nghiệp huyện. Mãi đến khi trưởng phòng Nông nghiệp huyện, không hiểu có biết ông Thực là trưởng họ tôi không, lại trịnh trọng giới thiệu: "Hôm nay rất vinh dự cho trang trại của bác Thực là có trưởng chi cục thú y tỉnh, Tiến sĩ Đào Thị Thúy Diễm...". Mới nghe trưởng phòng huyện nói đến đấy, cả hai bố con ông Thực vội xăng xái đứng lên, rồi vừa bước nhanh lại chỗ tôi, vừa nói líu cả lưỡi: "Người họ Đào, người họ Đào tôi đây mà". Tôi bỗng thấy mặt hâm hấp nóng, đưa tay ra bắt tay ông trưởng họ mà cứ lúng túng không biết bắt thế nào cho phải. Mãi đến khi nghe ông Thực đọc nhanh số gà của từng loại tiêu hủy trong đợt dịch cúm gia cầm vừa qua, tôi mới lấy lại được thư thái trong lòng. Thì ra, trang trại nhà ông Thực cũng vào loại lớn. Chỉ tính số gà nuôi thịt phải tiêu hủy đã tới hai vạn con, chưa kể ba lứa gà giống mới mua ở Trung tâm giống gia cầm Trung ương về. Ông Thực đọc xong mấy con số về gà bị hại, vội ngẩng lên nhìn tôi, không giấu giếm, nói rất to như để trưởng phòng nông nghiệp huyện và mọi người nghe cho tường: "Có chị Diễm, trưởng chi cục thú y tỉnh, người họ Đào, về tận trang trại của trưởng họ kiểm tra là thực tế lắm rồi đấy nhá". Trưởng phòng Nông nghiệp huyện lúc ấy không thấy nói gì, nhưng trước khi lên xe lại kéo cô thú y xã ra một chỗ vẻ quan trọng. Còn tôi, thực tình suốt mấy tháng có dịch cúm gà cũng không đầu óc đâu nhớ chuyến về xã hôm ấy nữa, nếu như bác Kha vừa không nhắc đến. Nhưng chắc bác Kha lận đận hàng chục cây số từ quê ra tỉnh không phải chỉ để trách cô cháu họ đã về đến xã lại không quá bộ về thăm nhà trưởng chi tộc. Vậy thì là việc gì, chứ không tự nhiên bác bỏ công sức, thì giờ, tiền xe chỉ ra chơi không, có dễ trời sập đến nơi. Nhưng đã nghe bác Kha lại hỏi một câu như trách:

- Sao chị không ứng cử ở huyện nhà, mà lại sang mãi
Thủy Giang?

Câu hỏi làm tôi thực sự ngỡ ngàng, không ngờ ông bác trưởng chi tộc, có dễ mấy năm không gặp mặt cô cháu họ, mà cũng quan tâm đến việc cháu được giới thiệu ra ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa này. Quả là thời đại thông tin, không cái gì người ta không biết. Nhưng việc ứng cử ở khu vực nào đâu có quyền tôi.

- Đấy là phân công của trên bác ạ, chứ cháu thì ở đâu cũng thế.

 

- Nhưng được ở quê thì cũng hơn. Như cái Dung, con gái ông trưởng họ, khóa này ứng cử hội đồng nhân dân xã ở ngay làng mình, thì trúng mười mươi rồi.

Quả là một tin vui. Tôi vội nói như reo:

- Thế hả bác!

Thì đã nghe bác Kha xởi lởi:

- Họ ta đang vào thời âm thịnh đấy, cháu ạ. Nghe ông trưởng họ nói, hôm trước ông ấy đi xem lá số, thầy bảo thế. Lại còn bảo tới đây có người đứng đầu cả một ngành lớn trên tỉnh nữa cơ. Chả biết thực hư thế nào, nhưng Hội đồng nhân dân ba cấp khóa này đều có đàn bà họ Đào thì thật rồi. Này nhá, xã có cái Dung, có khi còn thay ông Chu làm phó chủ tịch nữa ấy chứ; huyện có cái Ninh, con gái lớn ông San, đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Hà Nam, nghe đâu vào Hội đồng kỳ này là lên làm trưởng phòng Giáo dục huyện; còn trên tỉnh thì có cháu, thấy bảo lên Sở rồi hả?

Nghe bác Kha nói, tôi không nén được cười, nhưng không dám để bật lên thành tiếng, vội quay mặt đi lấy tay che miệng. Nhưng phải công nhận mấy bố "nằm chuồng trấu nói chuyện kinh kỳ" cũng thánh thật. Chị Dung rồi làm gì ở xã chưa biết, chứ chị Ninh thì hôm về kiểm tra dịch cúm gà ở huyện, tôi có gặp ở phòng bà phó chủ tịch văn xã đi ra, chị nói gần nói xa, cuối cùng cũng để lộ cái ý định ấy của lãnh đạo huyện. Mà suy cho cùng, những chuyện như thế trong thời bùng nổ thông tin này cũng chẳng thể giấu. Bác Kha hay ai ở làng biết tin ấy hẳn cũng như tôi, đều mừng cả thôi. Tôi nói với bác:

- Nếu họ Đào ta được như bác trưỏng họ nói thì đúng là hồng phúc, bác nhỉ!

Bác Kha vừa xòe que diêm định châm điếu thuốc lá vội dừng, nhìn tôi nói như reo:

- Đúng là hồng phúc thật, cháu ạ! Tháng trước tu sửa lại từ đường, hạnh ngộ sao lại đào thấy tấm bia đá chôn ngay ở dưới bệ thờ tổ trong gian hậu cung. Tấm bia khắc rõ công lao người bỏ tiền của ra dựng từ đường họ Đào đầu tiên lại chính là bà vợ ba của kị tổ họ ta, con gái cụ thượng thư nhà Trần. Thì ra người có công đầu tiên dựng nhà thờ họ lại không phải nam giới, mà là nữ giới cháu ạ. Từ hôm đào thấy bia, công việc tu sửa từ đường cứ chạy răm rắp. Đang thiếu tiền thuê đóng cánh cửa, định bàn nhau mua giấy dầu về cạp liếp che tạm nắng mưa, bên ngoài những kẻ rỗi mồn đã đặt vè: IHọ nào bằng họ Đào chưa; thế mà thui chó nửa mùa hết rơm". Thì đùng một cái, cô gái lớn ông Nhu, cùng chi trên với ông Thực, ở Ca-na-đa dẫn con về thăm quê, biếu luôn họ hai nghìn đô-la, tính ra hơn ba mươi triệu tiền Việt, cứ gọi là đóng một bộ, chứ hai bộ cánh cửa gỗ cũng chưa hết. - Bác Kha bỗng vừa nói vừa cười rất vui - Thế không âm thịnh
là gì!

Nghe bác Kha nói mới biết họ tôi tu sửa lại từ đường. Vậy mà hôm về trại gà ông Thực không thấy ông ấy nói gì, hay vẫn coi tôi là người "ngoại tộc", con nhà "vô thừa tự". Nhưng nếu thế sao ông lại bảo tôi là người họ Đào với ông, khi giới thiệu với trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Rắc rối, càng nghĩ đến cái cuộc kiểm tra gà bị hại ở trang trại bố con ông trưởng họ càng rắc rối. Lại còn nghe nói số gà bị hại không đến thế, nhưng ông Thực cứ một mực bảo: "Đã báo cáo ba mặt một nhời trước trưởng chi cục Thú y tỉnh và trưởng phòng Nông nghiệp huyện thế nào thì chỉ như thế, không thể suy suyển". Nhưng dẫu sao giờ bác Kha báo cho tin ấy cũng là đáng vui. Tôi vội hỏi:

- Thế ra họ ta tu sửa lại từ đường ạ. Vậy mà bác không nói cháu cũng không biết.

- Lúc đầu cũng định báo tin...

Bác Kha đột ngột dừng lời. Hẳn là bác giữ ý, không muốn nói trắng ra rằng tôi là phận gái, con nhà "vô thừa tự" nên không báo tin tu sửa từ đường họ đến hạng tôi. Biết mình phận mỏng cánh chuồn, tôi đành tự an ủi bằng cách hỏi thăm công việc tu sửa từ đường đến đâu rồi. Thì lại nghe bác Kha cất giọng trầm trầm, đổi cách xưng hô:

- Hôm nay lẽ ra có cả ông trưởng họ cùng đi với tôi ra gặp chị. Nhưng sáng nay lại có thợ đến đắp cho xong bức cuốn thư, để kịp giỗ tổ tuần tới, nên chỉ mình tôi đi đại diện.

Tôi bỗng thấy trong lời nói của bác Kha có điều gì khang khác, chứ không còn là những lời trách móc, thăm hỏi như ban nãy. Tôi
vội hỏi:

- Có chuyện gì hệ trọng phải không bác?

- Hệ trọng thì cũng không hẳn. - Bác Kha cất giọng thủng thẳng như chắt ra từng lời - Nhưng bảo là bình thường cũng không thể bình thường như mọi khi. Lúc tôi đi ông trưởng họ dặn đi dặn lại là, ra phải nói thế nào để chị thông cảm bỏ qua cho cái chuyện năm
đã lâu...

Tôi thoáng nghĩ đến lần chị em tôi nặng lời với ông sau Tết
năm nọ:

- Chuyện cũ lâu ngày, cháu cũng quên rồi.

- Chị nghĩ được thế thì phúc cho cả họ.

Chẳng lẽ nỗi đau âm ỉ nhà chúng tôi cũng thành nỗi buồn của cả họ bao năm nay, mà giờ nghe tôi nói thế bác Kha lại bảo phúc cho cả họ? Tôi thực chưa hiểu rốt cục là thế nào. Thì đã nghe bác nói:

- Tôi được ông trưởng họ giao ra mời chị mồng chín tháng tư này về giỗ tổ.

Cái tai tôi không biết thính hay ù mà cứ như nghe người từ cõi nào vừa nói, chứ không phải bác Kha đang ngồi trước mặt tôi kia. Bỗng tôi quay nhìn bác Kha lần nữa. Dáng bác cao to, tầm thước, chất khí khái, thẳng thắn hiện ra trên nét mặt vuông vức, phúc hậu; chứ không như ông Thực, trưởng họ, người gầy và cao lêu khêu, nói năng lưu loát nhưng nghe rất khó tường. Bác Kha tiếng là trưởng chi họ tôi, nhưng về tuổi tác, bố tôi còn sống dễ hơn bác đến dăm tuổi. Những năm mẹ tôi còn, hợp tác xã vẫn ăn chia theo công điểm, bác làm đội trưởng sản xuất, chẳng mấy vụ không ghi thêm vào sổ nhà tôi vài trăm công, có ai thắc mắc, bác nói chẻ hoe: "Mẹ con thím ấy gia đình liệt sĩ, ưu tiên ít công điểm sợ thiệt hả. Ai đổ máu cho các người có cơm ăn, ruộng cấy như thế này!". Cái lần chị Yên tôi mất, bác dẫn mấy người ra, nhưng chồng chị Yên một mực không cho đem chị tôi về quê, bác bực chửi vung xích đế, rồi hu hu khóc như đàn bà. Tình cảm giữa bác và gia đình tôi từ lâu không chỉ là tình cảm họ tộc, mà như tình anh em ruột rà. Vậy mà có một việc như thế, bác phải vòng vo bao nhiêu lâu mới nói trắng ra được, đủ biết, để đi tới cái quyết định cho tôi được đóng giỗ tổ, ông trưởng tộc cùng các trưởng chi họ đã bàn nát nước đến mức nào. Tôi vừa định nhờ bác về cảm ơn ông trưởng tộc và chư viên trong họ chiếu cố đến hoàn cảnh nhà tôi, thì nghe bác Kha bảo:

- Ông trưởng tộc dặn tôi ra nói với chị là cố tranh thủ về giỗ tổ, vì năm nay từ đường mới được tu sửa lại khang trang lắm. Còn đóng góp chị đừng bận tâm, ngày giỗ tổ mỗi suất chỉ góp có mười lăm nghìn, tiền tu sửa từ đường tiếng thế cũng chẳng đáng là bao, mỗi suất mới có năm chục nghìn thôi. Nhưng riêng chị thì ông trưởng họ dặn, cốt mời được chị về là quý lắm rồi, tiền nong không thành
vấn đề.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi giờ không xin xỏ gì lại bỗng được mời về giỗ tổ thì còn gì vui hơn. Mà đã giỗ tổ thì các suất đóng góp phải như nhau chứ. Tôi nói với bác Kha, cũng là để bác về nói hộ
với họ:

- Nếu họ tộc đã cho cháu giỗ tổ, thì cũng phải cho cháu được đóng góp như mọi người cháu mới về.

Bác Kha hà hà cười:

- Thì ông trưởng họ đã có nhời thế, chị cứ về!

Sáng mồng chín tháng tư ta, tôi có cuộc họp bên Ủy ban nhân dân tỉnh, nên đầu giờ phải đến nghe báo cáo xong mới về được. Khi tôi về đến làng đã mười một giờ trưa. Khói rơm rạ, củi lá từ mái bếp các nhà bay lên chờn vờn một màu bàng bạc như sương. Mùi thơm khói bếp có vị ngọt của rơm rạ, vị ngai ngái của lá cây và cả vị hăng hắc của cành xoan chưa khô nỏ vương vấn trong không trung, làm tôi mỗi lần gặp lại không thể không nghĩ tới những năm tháng ở quê nhà. Đây lối rẽ vào nhà tôi, có khóm tre gộc cạnh bờ ao nhà ông Tôn, ngày tôi và Hưng yêu nhau anh thường hẹn đón tôi ở đấy để cùng nhau cuốc bộ lên thị trấn huyện xem phim, hoặc đi chơi đâu đó. Vậy mà chỉ vì cái nghề, anh thích thương nghiệp, còn tôi thích chăn nuôi thú y, mới rời làng lên trường đại học chưa được một năm hai đứa đã chia tay. Tuổi trẻ sao mộng mơ và khờ dại. Cũng có phần tôi là đứa con gái chẳng có gì sắc nước. Người cao, thanh mảnh, khuôn mặt trái xoan nhưng lại lấm tấm tàn nhang, thời nay thì chẳng thành vấn đề, chỉ trăm bạc phấn son là hết ngay, nhưng những năm giữa thập kỷ tám mươi thì cũng khó lọt mắt những anh chàng đẹp trai, hám tiền. Mà tiền thì tôi lúc nào túi cũng nhẵn như đít bụt. Mẹ mất năm tôi bước vào tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng bò, phải ăn bám chị gái và anh rể để theo đuổi hết lớp mười hai, thì làm gì có tiền mà chẳng nhẵn. Âu nhân duyên cũng là cái số, nghĩ lại làm gì. Nhưng cứ mỗi lần về quê qua gốc tre gộc nhà ông Tôn là tôi lại nghĩ đến mối tình trẻ thơ ấy. Giờ Hưng ở trong Vinh, nghe đâu từ ngày ông bố vợ làm giám đốc xuất nhập khẩu bị ra tòa, vì dính vào vụ buôn lậu qua biên giới, thì vợ chồng Hưng cũng sa sút lắm. Năm kia vào thăm quê Bác về qua Vinh, tôi cũng có ý tìm nhà vợ chồng Hưng, nhưng mấy anh ở tỉnh bảo hình như đưa nhau xuống Bến Thủy ở lâu rồi. Tôi vừa định rẽ vào lối ngõ, qua khu đất nhà tôi giờ đã bán cho nhà chú Phong, để được nhìn thấy "nhà mình" một thoáng, thì bỗng nghe có người gọi mà như reo:

- Ô chị Mai! Chị Mai ơi, mời chị đi thẳng lại đằng này. Cả họ đang chờ chị đấy!

Tôi lại quành xe ra đường cái, đi thẳng về phía có tiếng gọi. Thì ra anh Khiết, con trai lớn bác Kha. Lẽ ra anh còn ở vai trên tôi chứ, sao lại gọi tôi là chị? Nhưng đã nghe tiếng anh Khiết bảo:

 

- Bố em với bác trưởng họ bắt ra đón từ lâu rồi, mà giờ chị mới về. Mọi người cứ lo không biết đường sá xe cộ làm sao, hay chị lại bận không về...

Tôi vội nói để anh thông cảm:

- Ừ, tôi bận thật, hôm nay có cuộc họp ở tỉnh. Nhưng giỗ tổ thì bận mấy cũng phải về. Anh biết nhà tôi bao nhiêu năm không được giỗ tổ rồi còn gì.

Anh Khiết nhìn tôi vẻ thông cảm:

- Không riêng cô.- Đột nhiên anh đổi cách xưng hô, dường như anh vừa nhận ra việc mình gọi cô em họ bằng chị có cái gì không phải với tôn ti trật tự hàng họ cho lắm - Một nửa dân số họ Đào chưa bao giờ được giỗ tổ, thì năm nay được đóng suất giỗ rồi nhá!

Thật là một tin vui chưa từng có trong cuộc đời tôi mấy chục năm qua, kể từ đêm truy điệu bố tôi ngoài sân kho tù mù ánh đèn măng sông bị vỡ một mảnh bóng, cứ có gió đèn lại tắt, lập lòe lúc tối lúc sáng. Giá chị Yên tôi còn sống, hẳn nghe tin này chị phải nhảy cẫng lên, và chưa biết chừng lại chạy ngược chạy xuôi mượn tiền phân ra từng loại một trăm, năm chục, ba chục bỏ vào phong bì, bắt tôi đèo vội đến từng nhà ông trưởng họ, trưởng chi cho mà xem. Nhưng giờ chỉ còn một mình tôi, niềm vui không thể nén, tôi bảo
anh Khiết:

- Thế thì đông lắm, anh nhỉ!

- Ừ, đông lắm. Làm tám chục cỗ ngồi bốn mà đang lo thiếu đấy.

Quả là đông thật. Trên cái sân trước cửa nhà họ che chiếc vải bạt rộng gần kín mà người đi lại, đứng ngồi vẫn chen chúc. Năm gian nhà trên và ba gian nhà dưới của ông trưỏng họ xây mái bằng đã thấy trải kín chiếu, giữa mỗi chiếc chiếu đã đặt sẵn mâm cỗ đâu vào đấy. Từ đường vừa tu sửa lại trông trang nghiêm và đẹp lộng lẫy. Hai bức câu đối treo ở bốn cây cột giữa và bức bình phong lớn treo trên xà, ngay chính gian giữa nhà thờ họ. Cả bình phong và câu đối xung quanh đều chạm chim muông, rồng phượng với những đường vàng rực rỡ, giữa nền gỗ đỏ tươi là những nét chữ mực tàu mới tô còn đen ánh. Phía trong là ban chính thờ tổ, nghi ngút trầm hương tỏa ra từ trong chiếc lư đồng to, hình như đã có từ ngày lập từ đường. Trên ban thờ, cạnh mâm xôi nén cả mâm vuông vức và cái thủ lợn luộc đặt đầy một chiếc mâm đồng là những đĩa hoa quả, tiền vàng, và cả tiền thật để chen chúc, kín đến không còn chỗ cho người sau đặt lễ. Tôi cứ bưng đĩa hoa quả trên tay, loay hoay chưa tìm được chỗ nào trên bàn thờ đặt xuống cho tiện, thì nghe tiếng người đàn ông nói phía sau:

- Đang lo chị không về. Chị cứ để tôi.

Rồi không cần tôi đưa, ông đã đỡ ngay đĩa hoa quả trên tay tôi. Tôi quay lại, thì ra ông trưởng họ. Tôi vội lên tiếng:

- Cháu cảm ơn bác và chư viên trong họ đã cho cháu được về giỗ tổ.

- Thôi thôi, chị đừng nói thế. Chính chúng tôi mới là phải cảm ơn chị.

Ông trưởng họ nói câu ấy với một giọng cảm kích, pha chút ngậm ngùi. Nhưng thực tình tôi cũng chưa biết ông cảm ơn tôi vì lẽ gì, sự có mặt của tôi trong ngày giỗ tổ, hay việc tôi đã đến trang trại bố con ông giữa đợt cúm gà. Chưa biết. Chỉ biết nói xong ông quay ra, nhưng được nửa bước lại vội quay lại, đứng bên bàn thờ, chờ tôi cắm xong nén nhang, ông chắp hai tay trước ngực khúm núm:

- Mời chị sang bên này xơi nước.

Nói rồi, ông trưởng họ ra hiệu chỉ sang gian bên, toàn các cụ cao niên và trưởng các chi đang ngồi, mà ban nãy, trước khi vào thắp hương ban thờ tổ, tôi đã qua chào mọi người rồi. Còn xơi nước, thì tôi là hàng cháu con đâu được phép ngồi nước nôi chuyện trò với các cụ, các ông ở đấy. Tôi bảo ông Thực:

- Bác cho cháu được tự nhiên.

Thì may sao, bà Nhịn, bà Phù cùng mấy bà, mấy chị nữa như ùa lại chỗ tôi, người cầm tay, người ôm vai, xoa đầu nói líu cả lưỡi:

- Các bà, các cô phải cảm ơn cháu nhiều lắm, Mai ơi! Nhờ có cháu mà từ nay đàn bà họ Đào ta được đóng giỗ tổ rồi.

Tôi còn chưa hiểu đầu đuôi thế nào, thì chị Khang, con gái bác trưởng chi họ, vừa đi như chạy lại chỗ tôi vừa nói:

- Lên giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rồi hả. Cô làm chúng tôi được thơm lây đấy!

Bỗng tôi thấy hai má nóng ran, ngượng không để đâu cho hết. Nhưng chỉ biết tát nhẹ vào má chị Khang: "Bà be bé cái mồm cho tôi nhờ".

 

Hải Phòng, năm 2005

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85582


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận