Tôi phải làm gì bây giờ? Nói cho ông bà Markovich à? Khuyên Hugo nói chuyện với ông anh ư? Nhưng hậu quả đối với Solange sẽ là gì? Chắc chắn là sẽ bị đánh một lần nữa! Tôi cũng nghĩ đến việc đến nói chuyện với Fabrice, nhưng tôi chắc chắn rằng điều này sẽ không dẫn đến đâu. Dù cho tôi có làm gì đi chăng nữa, nếu như bản thân Solange không quyết tâm tự cứu mình thì cũng chịu. Tôi chỉ còn cách chờ đợi và cố gắng quên đi vết tím bầm trên mắt chị ấy, nền giáo dục "tử tế" và nỗi khốn khổ của chị ấy.
Tôi không ngủ lại được nữa nên đến Trung tâm sớm hơn giờ quy định để tranh thủ gọi điện thoại xin gặp một số người có liên quan đến hồ sơ Giselle Leguerche. Sau đó tôi gọi điện cho luật sư Revil:
- Về anh cảnh sát người Algerie hôm nọ ấy, anh thật sự nghĩ rằng tôi sẽ cộng tác với anh ta à? Anh biết là có cái được gọi là "bí mật nghề nghiệp" hay không?
- Tôi tin chắc rằng Amar Zitoun là mấu chốt của vấn đề. Việc họ không gặp lại nhau từ bao nhiêu năm nay không quan trọng. Giselle Leguerche hoàn toàn thay đổi từ sau khi họ cắt đứt quan hệ.
- Ai bảo anh thế? Bố mẹ cô ta à?
- Bố mẹ cô ta và người khác nữa.
- Chẳng nhẽ anh có thể tin rằng cô ta hoạt động bí mật cho mạng lưới khủng bố ở trong nhà tù?
- Không ở trong cũng không ở ngoài nhà tù, - Luật sư Revil bực mình đốp lại. – Nhưng có điều khá thú vị là có một cảnh sát tin điều đó.
- Vậy lý do là gì?
- Anh ta có thông tin. Vấn đề là anh ta không thích chia sẻ thông tin lắm. Nhưng nếu khéo léo thì chị có thể đạt được mục đích.
Tôi suy nghĩ một giây và bảo:
- Anh có thấy lạ là cảnh sát Algerie có thể đi lại tự do trên lãnh thổ nước Pháp như thế không?
- Theo tôi thì còn có nhiều điều hơn chị tưởng. Họ có nhiệm vụ riêng. Họ không để bị để ý đâu.
- Thật ra thì cũng còn tùy, - tôi vừa nói vừa nghĩ về việc anh ta đã bắn chết một người mà không hề run tay.
- Nếu chị muốn nói đến vụ anh ta đã cứu sống chị hôm vừa rồi thì đó là một trường hợp rất đặc biệt. Những người như anh ta không phải là dân amatơ đâu. Nếu anh ta nghĩ rằng chị đang bị nguy hiểm thì có nghĩa là đúng như vậy. Anh ta cần đến chị cũng như chị cần đến anh ta. Theo tôi thì đó là cơ sở cho một quan hệ thương mại tốt đẹp...
Tôi dập máy, vô cùng sung sướng được biết rằng mình vừa bắt đầu bước vào nghề thương mại.
Ông bà Leguerche, bố mẹ của Giselle, sống trong một con phố nhỏ, yên tĩnh, ở khu Montreuil, ngoại ô Paris. Tôi đỗ xe trước hàng rào sắt bao quanh một khu vườn nhỏ với những lối đi lát xi măng và một căn nhà hình vuông với bốn cửa sổ có cánh bằng kim loại, hoàn toàn không có vẻ gì đầm ấm. Tôi đã báo trước về giờ đến và tôi đoán rằng chủ nhà đang chờ tôi qua tấm rèm cửa bằng đăngten rung rung kia.
Tuy vậy, họ chỉ ra mở cửa sau khi tôi đã bấm chuông nhiều lần, cứ như phải tôn trọng tục lệ đó để giữ thể diện.
Họ đứng trước mặt tôi, quần áo màu ghi và xanh lá cây nhờ nhờ. Bà chủ, rõ ràng số cân hơi quá mức quy định, mặc một bộ váy liền áo bằng vải pha nilông rẻ tiền và đi loại tất đặc biệt dành cho những người bị phồng tĩnh mạch, rất giống với hình ảnh của một bà nội trợ tuổi về hưu tầm tầm bậc trung ở nước Pháp.
Ông chủ cao to, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Tóc muối tiêu cắt rất ngắn xung quanh khuôn mặt bè bè. Có thể đoán là bên dưới chiếc áo phông màu ghi và quần vải tergal là một cơ thể toàn cơ và bắp. Ông ta trẻ hơn vợ vài tuổi và giải thích với tôi là ông ta vẫn chưa về hưu. Ông ta trông đêm ở gara ôtô trên quảng trường Nation ở trung tâm Paris. Ông ta là người phụ trách kíp ban đêm.
Tôi được dẫn vào phòng ăn có bàn bằng gỗ sồi. Tôi lấy cặp hồ sơ, bút bi, tập giấy. Tôi giải thích là các thông tin sẽ được sử dụng trong hồ sơ bệnh án của con gái họ, nhưng đồng thời cũng có thể được cảnh sát sử dụng trong lần xử án thứ hai.
Để không khí đỡ căng thẳng hơn, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về các thông tin đã có trong hồ sơ. Trước hết là về thời thơ ấu của Giselle.
- Không có vấn đề gì cả, tất cả đều rất tốt. – Bà mẹ khẳng định. – Giselle hồi bé rất ngoan ngoãn.
- Lúc lớn lên cũng không có vấn đề gì cả, - ông bố khẳng định. – Nó rất hạnh phúc. Chúng tôi nghĩ rằng cháu sẽ lấy chồng và sống bình thường như mọi người...
- Khi ông bà đến thăm cô ấy thì thế nào?
Họ nhìn nhau ngạc nhiên:
- Bình thường thôi. Nó mừng khi gặp bố mẹ. Gia đình chẳng còn ai cả...
- Vậy trước đó, cô ấy có bạn bè không?
Họ cố tìm trong trí nhớ, nhăn trán và lắc đầu một cách cẩn trọng. Bà mẹ nói:
- Không, Giselle không có nhiều bạn... Ở trường nó cũng có bạn, nhưng không đưa về nhà.
- Trừ Evelyne, - ông bố sửa lại.
Tôi hỏi:
- Nạn nhân thứ nhất à?
- Vâng. Con gái chúng tôi học cùng Evelyne ở trường trung học. Sau khi tốt nghiệp, cả hai cùng học trường đào tạo thư ký. Evelyne có tham vọng, chứ Giselle chỉ cùng học để tiếp tục chơi với bạn thôi.
- Tôi nghĩ rằng nó muốn làm việc ở chỗ tôi hơn, - ông bố nói thêm. – Trông xe ban ngày, chứ tất nhiên là ban đêm thì phải là đàn ông.
Bà Leguerche quay về phía chồng, vui vẻ:
- Ông thật là... Chẳng thay đổi tí nào! Ông thì lúc nào cũng nghĩ là nó thích ở lại với mình! Nó đã ở đây rồi còn gì!
Tôi hỏi:
- Cô ấy ở đây với ông bà à? Theo hồ sơ thì cô ấy có lúc ở cùng với Evelyne.
Họ như đóng băng lại. Có vẻ như đó là một câu hỏi tế nhị. Tôi tự hỏi ai sẽ là người trả lời đầu tiên. Tôi chờ.
Bà mẹ mở màn:
- Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Giselle cùng thuê một căn hộ với Evelyne... Nhưng khi Giselle bắt đầu đi với thằng người Ả Rập ấy thì...
Ông bố nói thẳng thừng:
- Evelyne không thích dân Ả Rập! Chúng nó cãi nhau rồi Giselle bỏ đi. Cháu nó về nhà sống với chúng tôi. Ngay sau khi thằng Ả Rập cắt đứt...
- Nhưng điều đó không có gì liên quan đến Evelyne, - bà mẹ ngắt lời. – Tôi nghĩ rằng lúc đó cháu nó thật sự cần đến bố mẹ.
Tôi ghi ghi chép chép, chủ yếu là để họ tiếp tục nói hơn là để cho vào hồ sơ. Cách họ vội vàng trả lời, tất cả các chi tiết đó, những câu, những từ nói nhanh, tất cả cho tôi thấy rằng họ đã cùng thống nhất với nhau cách giải thích đó về con gái họ.
Tôi hỏi:
- Sau khi quay về ở với ông bà, cô ấy tiếp tục làm việc cùng chỗ với Evelyne. Ông bà có nghĩ là cô ấy giết bạn vì người đàn ông đó không?
Họ lấy vẻ rất bối rối như lần đầu tiên nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề đó. Dường như họ không có ý kiến gì về việc đó. Dường như cuối cùng tôi cũng sẽ mang lại ánh sáng của chân lý cho hai ông bà già trong bóng tối.
Họ bắt đầu làm tôi buồn cười. Đáng lẽ họ phải đi đóng kịch mới phải.
Cuối cùng, bà mẹ mạnh dạn phát biểu:
- Chúng tôi nghĩ rằng có thể là như thế thật. Giselle đổ lỗi cho Evelyne vì bị bỏ rơi và phải tìm ai đó để đổ trách nhiệm cho người ta.
- Đến mức giết người à?
Ông bố đột nhiên cười to:
- Chị không biết Giselle à?
- Có chứ, tôi có dịp gặp rồi.
Tôi nhìn họ, mỉm cười lạnh lùng để họ nhớ lại rằng tôi đã gặp con gái họ cách đây không lâu. Và không phải trong một buổi dạ tiệc.
- Theo như tôi thấy thì đó không phải là một người có thể giết người vì ghen tuông. Mà ông bà chắc sẽ ngạc nhiên, nhưng nói chung thì phụ nữ không giết người vì ghen, đó là một động cơ của đàn ông…
Họ hoàn toàn tin tôi. Tôi thử cách khác:
- Tôi được biết là ông bà đến thăm cô ấy hàng tháng. Ông bà có cảm giác là cô ấy có vấn đề gì gần đây không? Cô ấy có tỏ vẻ căng thẳng? Dễ nổi cáu không?
Lại một tiết mục mới của đôi vợ chồng: khi có câu hỏi không ngờ tới, họ mở to mắt nhìn nhau. Điều này cho phép họ tỏ vẻ hoàn toàn ngây thơ và đồng thời thầm hỏi ý kiến nhau. Giống như mọi cặp vợ chồng già, họ hiểu nhau trong khoảnh khắc. Nhất là có lẽ họ không nói chuyện với nhau từ hàng năm nay, hoặc nếu có nói thì chỉ là để hỏi xin lọ muối trong bữa ăn.
Tôi đoán rằng đã từ rất lâu, giữa đôi vợ chồng này, mọi ngôn từ đã bị cấm đoán, bị nhốt vào một quan tài làm bằng sự nghi ngờ và sợ hãi. Và sự im lặng mà tôi nhận thấy đằng sau những câu nói có vẻ thành thật của họ, sự im lặng khổng lồ đó bỗng nhiên chiếm hết không gian.
Tôi không cần bằng chứng, không cần có những hiện tượng khách quan để đưa ra trước một tòa án. Tôi không phải là cảnh sát. Vì vậy, trong nhiều giây đồng hồ, tôi lắng nghe sự im lặng đó, lắng nghe nó kể cho tôi nghe về tuổi thơ của Giselle, khi cô ấy trở về nhà bố mẹ, về cuộc đời của một người con gái ở giữa hai bố mẹ.
Những điều mà tôi thấy chẳng vui vẻ một tí nào.
- Bác sĩ à?
- Xin lỗi, tôi đang ghi chép một vài chi tiết. Vậy ông bà nói rằng ông bà không thấy có vấn đề gì đặc biệt? Thời gian gần đây cô Giselle vẫn bình thường?
- Không, nếu có gì thì cháu nó đã nói. Nhưng bác sĩ biết không, cháu nó không phải là loại hơi tí là kêu ca...
Tôi còn thử đặt mấy câu hỏi trước khi ra về, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời đã soạn trước, y như những câu họ đã nói với nhóm cảnh sát điều tra, và họ biết rằng những câu trả lời đó chẳng có ích gì cho tôi cả. Rõ ràng trong gia đình Leguerche, từ ngữ sinh ra là để không nói gì cả.
Đột nhiên, tôi có một ý tưởng tuyệt vời là hỏi xem phòng của Giselle Leguerche.
- Nhưng để làm gì? – Bà vợ hỏi, vẻ sợ hãi.
Lần này thì bà ta không đóng kịch. Tôi giải thích:
- Tôi muốn tìm hiểu về giai đoạn cô ấy sống cùng ông bà...
- Nhưng ai lại làm thế, - ông chồng tỉnh lại và phản ứng.
Bà vợ nói thêm:
- Vào nhà người ta thế này, lại không báo trước nữa...
Tôi mỉm cười và lần lượt nhìn họ:
- Ông bà hoàn toàn có quyền từ chối.
Như tôi đã đoán trước, tình hình càng trầm trọng hơn. Họ ở trong tình trạng sợ hãi tột cùng, họ cảm thấy có một cái bẫy ở đâu đây, không còn biết cần phải làm gì và cần phải trả lời tôi như thế nào. Cho phép tôi lên xem phòng để chứng tỏ rằng họ không hề có gì phải giấu giếm, hay từ chối để tránh những hậu quả không lường trước?
Nhưng họ có gì cần giấu đến như vậy? Hoặc họ tưởng tượng ra là cần phải giấu? Rằng con gái họ bất hạnh và họ là nguyên nhân làm cho cô ta trở nên điên rồ?
Tôi muốn khuyên họ bớt căng thẳng. Họ giả vờ đóng kịch nhưng họ đóng rất tồi trong sự im lặng gào thét xung quanh. Nhưng họ chẳng có gì phải lo sợ cả, người ta không đi tù bởi lý do này.
Cuối cùng thì họ cũng đi đến quyết định: câu trả lời là Không. Họ đưa ra lý do là tôi được phép hỏi họ, chứ không được phép khám nhà. Trong đầu họ, chỉ có cảnh sát mới có quyền vào nhà mà thôi. Họ không thể tưởng tượng được rằng mở cửa cho xem phòng là một điều gì đó hoàn toàn đơn giản. Họ cũng không tưởng tượng được rằng tôi có thể giúp gì được cho con gái họ. Mà thật ra là họ hoàn toàn không quan tâm đến việc ai đó có thể cứu giúp cô ta. Họ làm nghĩa vụ của họ, và chỉ làm nghĩa vụ của họ mà thôi. Họ chẳng đã thuê luật sư bào chữa và đi thăm con trong tù mỗi tháng một lần còn gì. Họ là những người không chê vào đâu được.
Tôi lịch sự cám ơn họ. Việc họ từ chối giúp tôi hiểu ra nhiều điều không kém gì việc đi thăm phòng. Họ cảm thấy điều đó và vì vậy họ rất bực bội. Tôi hài lòng nhận thấy rằng ít ra tôi đã làm họ mất tự tin một phần nào. Trong khoảnh khắc của một câu hỏi có vẻ ngây thơ, tôi đã nhấc hòn đá nặng đè lên gia đình này và họ đã không thể ngăn cản tôi thấy đàn dòi bọ nhung nhúc ở dưới.