Đặng Trần Nguyễn, bạn tôi, là một cây bút ký, phóng sự có hạng trong làng văn, làng báo. Anh thường vỗ ngực bồm bộp khoe với bạn bè rằng, nếu chọn năm người viết phóng sự hay nhất nước, nhất định
phải có anh và nếu khắt khe hơn, chỉ có ba người, thì vẫn có anh.
Nguyễn không tự phụ quá đâu. Anh quả là người có tài và lại có duyên viết phóng sự. Một thời những bài phóng sự cùng với tên tuổi của anh nổi như cồn. Anh phanh phui những mảng trì đọng ở nông thôn. Anh gợi ra những vấn đề nhức nhối khiến cả xã hội sửng sốt. Anh dám đấu tranh bảo vệ đến cùng những người trung thực bị oan ức, trù dập. Các báo được anh cộng tác viết bài điều tra coi đó như niềm vinh hạnh.
Có tài thường có tật. Tính Nguyễn cực đoan và nóng như hổ lửa. Ông tổng biên tập cũ về hưu, tay thư ký toà soạn dốt nát và hãnh tiến lên thay, anh đốp chát vỗ mặt ngay giữa phiên họp cơ quan, rồi quyết định về hưu một cục. Nghỉ hưu, nhưng thực ra đó là thời kỳ làm việc cật lực nhất của Nguyễn. Anh viết như kéo cày, như bổ củi.
Viết thượng vàng hạ cám, từ mẩu tin dăm chục chữ, đến trang phóng sự hàng chục trang. Bài viết của anh rải ra hàng chục báo, với nhiều bút danh, nhưng riêng
Một lần gặp tôi, Nguyễn bảo:
- Làm anh viết báo tự do không phải chuyện dễ ông ạ. Cứ như người đi ăn đong, buông bút là treo mõm. Nghĩ mà thấy tiếc cái thời làm anh nhà báo quốc doanh. Lương bổng đã có cơ quan lo, bài viết coi như một thứ làm thêm. Họp hành, công tác đã có xe đưa người rước...
- Nhưng mà ông được tự do, sướng - Tôi nói - muốn viết gì thì viết, muốn đi đâu thì đi...
- Không thể có một thứ tự do nào khi trong túi của anh rỗng tuếch - Mắt Nguyễn chợt hoe đỏ và giọng anh tắc lại - Tao ngu nên mới bỏ về hưu một cục. Hai triệu hồi ấy tưởng là to lắm, hóa ra tiêu vèo trong ba tháng là hết. Con vợ tao từ ngày chồng về vườn, đâm dở chứng. Mấy lần nó viết đơn đòi li dị...
- Thật thế ư? - Tôi sửng sốt.
- Nhục lắm, tao đã phải lên hầu tòa hai lần rồi. Mày bảo nó có muốn điên không khi mấy đứa mặt búng ra sữa, vừa tốt nghiệp trường luật, đóng vai thẩm phán để hỏi cung mình. Nghĩ thương mấy đứa con mà phải cắn răng nhờ các ông bà thẩm phán dàn hòa cho nó yên chuyện.
- Viết khoẻ như cậu, mỗi tháng làm gì chẳng kiếm được một, hai triệu bạc? Kiếm ra tiền, tự khắc sẽ chữa được chứng điên của vợ...
- Đã bảo rồi, nhưng đấy là kiểu ăn đong, buông bút là hết tiền. Ngày xưa ông Vũ Trọng Phụng chẳng ho lao thối phổi vì viết đấy sao? Với lại cái nghề viết không húp cháo cả cặn được ông ạ. Lĩnh được năm đồng thì cũng phải chi ra hai đồng, lần sau người ta mới lại đăng cho mình. Ông đọc Nam Cao thì biết. Lĩnh cái nhuận bút, gặp mấy thằng bạn là vèo ngay. Mà đã là thằng viết, lĩnh nhuận bút rồi mà lại đi chui lủi trốn tránh bạn bè thì còn có ra cái giống người.
Chưa bao giờ tôi thấy Nguyễn than phiền. Thổ lộ với tôi thế này nghĩa là cảnh ngộ của anh đã bức bí lắm. Phải tìm cách giúp vợ con Nguyễn vượt qua thời điểm cam go này. Tôi lặng lẽ đến gặp ông anh họ làm tổng biên tập một tờ báo kinh tế, thuyết phục anh cho Nguyễn nhận một chân hợp đồng.
*
* *
Có thể ví những trang báo như những mảnh ruộng trên đồng, như những sạp hàng ngoài chợ. Anh gieo gì sẽ gặt nấy, bày bán thứ hàng gì sẽ tự khắc có khách đến mua, đến bán cho anh thứ hàng nấy... Tờ báo Tiếp thị của anh tôi, vào thời kinh tế thị trường, bỗng trở thành một tờ báo siêu hạng, độc giả tăng lên vùn vụt.
Đặng Trần Nguyễn vừa đến nhận hợp đồng đã có sáng kiến khai trương một chuyên mục mới: Phiếm đàm ngoài chợ. Bằng giọng văn tưng tửng, lúc cợt nhả châm chọc, khi móc máy chua cay, Nguyễn "phiếm đàm" đủ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khi thì phiếm chỉ một cơ quan A, khi thì chỉ đích danh một công ty chi-cho-mex X. Độc giả, những người ngoài cuộc, đọc một cách khoái trá. Những ai có tật, đọc cứ thon thót giật mình. Rồi Nguyễn tiếp tục trở lại thế mạnh của anh: những phóng sự về kinh tế, xã hội. Mở tờ Tiếp thị, bạn đọc tìm ngay bài của Đặng Trần Nguyễn, xài ngốn ngấu, như người đang khát tu một hơi vại bia ướp lạnh. Tên tuổi Nguyễn lại rộ lên. Anh như một siêu sao trên sân cỏ làng báo.
Gặp Nguyễn, tôi bảo:
- Thiên hạ đồn ầm lên rằng hồi này ông rất giàu...
Nguyễn cười phá, kéo tôi ra ngoài quán bia.
- Cũng khơ khớ hơn hồi viết báo tự do. Một năm về tờ Tiếp thị, tao sang tên được con Dream II của thằng Trần Lập. Nó mới chạy hai vạn cây, để rẻ cho tao mười sáu vé. Mấy tháng trước đi viết phóng sự, cưỡi cái xe phượng hoàng tàng, mất thớ quá mày ạ.
- Tôi mừng cho ông - Tôi gật gù - Hóa ra họ đồn cũng đúng.
- Đồn thế nào?
- Rằng cán bộ phóng viên báo Tiếp thị bình quân mỗi tháng hai vé. Riêng ông thì gấp đôi.
- Hớ hớ... Phao tin đồn nhảm. Giảm sự điêu toa đi một nửa thì đúng sự thật. Nói thật với mày, cộng tất tần tật mọi khoản, mỗi tháng tao kiếm được 2,5 triệu, nộp cho Sư tử cái Hà Đông hai triệu, còn lại xăng xe, thuốc thang, bia bọt.
- Nhưng bạn bè cũng nhiều người phàn nàn về ông - Tôi lại bảo - Họ trách ông lâu nay không viết phóng sự cho báo văn. Phải xuất hiện trên báo ấy mới đúng tầm cỡ của ông.
Nguyễn phẩy tay:
- Hai trăm nghìn nhuận bút một thiên phóng sự, viết làm gì? Tên tuổi thì tao cũng chẳng màng. Hồi tao đăng nhiều ở đó là lúc còn háo danh. Bây giờ tỉnh ngộ ra rồi, thấm thía cái câu "lập thân tối hạ thị văn chương" lắm rồi, mày cũng dân viết lách còn lạ gì bút ký phóng sự. Viết những thứ ấy tốn văn lắm. Một chuyến đi mươi ngày về dốc ào ra là hết, trong khi cũng chuyến đi ấy, có thằng bôi ra mấy cuốn tiểu thuyết, hoặc nhặt nhạnh tư liệu xào xáo mấy cái truyện ngắn. Ấy là chưa nói đến nỗi cơ cực của anh đi viết phóng sự. Cuốc bộ, nhịn đói, bị người ta đuổi quầy quậy là chuyện thường.
- Có khi còn đe dọa tính mạng nữa cơ - Tôi phụ họa - Có lần tôi với ông từng bị bao vây ở trụ sở ủy ban xã Lưu Nguyễn là gì?
- Ấy đấy, sao hồi ấy hăng máu vịt đến thế. Bọn trẻ bây giờ chúng nó thực dụng hơn tao với mày nhiều. Chúng nó toàn viết các mẩu tin và đi săn lùng quảng cáo. Tin về một khách sạn khai trương; về công ty A, xí nghiệp B hoàn thành vượt mức kế hoạch; về lễ khai thông cầu Z... Mỗi tin chúng nó làm dăm trăm ngàn. Tao với mày không thể làm theo bọn chúng được. Bởi mình còn cái chất sĩ rởm...
Lần đầu tiên tôi thấy câu chuyện của Nguyễn có một cái gì khác lạ so với cách sống lâu nay của anh. Nguyễn đang tính toán điều gì? Anh sẽ viết cái gì nếu từ bỏ sở trường bút ký, phóng sự của anh?
- Này, tao nghiệm ra rồi, không chỉ bọn viết văn viết báo như chúng mình háo danh đâu nhé - Nguyễn bỗng ghé tai tôi thì thào - Bọn làm kinh tế còn háo danh hơn bọn ta nhiều. Nhưng mà cao hơn cái háo danh là chúng háo lợi. Đó là điều chúng hơn đứt bọn nhà văn nhà báo chúng ta. Tao đang nghiên cứu về bọn chúng. Thú vị lắm... À mà thôi, lúc khác tao sẽ kể...
Đang nói, Nguyễn bỗng vụt đứng dậy, gọi chủ quán thanh toán tiền. Tôi níu tay anh ngồi lại, nhưng Nguyễn đã dúi tiền vào tay chủ quán rồi xăm xăm bước như muốn trốn chạy một cái gì.
*
* *
Tôi đi công tác phía Nam. Bắng đi gần năm không gặp Nguyễn. Và cũng chừng ấy thời gian không hề thấy Nguyễn xuất hiện trên báo. Anh không viết nữa hay đã ký những bút danh khác?
Rồi bỗng một hôm tôi nghe bạn bè đồn ầm lên là Nguyễn chuẩn bị chuyển nhà mới, một ngôi nhà hơn trăm mét vuông, ba tầng. Thoạt đầu tôi không tin, Nguyễn kiếm đâu ra hàng trăm triệu để xây nhà? Trúng số độc đắc ư? Hay họ hàng nội ngoại hắn có người từ nước ngoài gửi cho tiền?
Hết hạn công tác, tôi bay ra Hà Nội, việc đầu tiên là bổ ngay đi tìm Nguyễn. Chao ôi, quả không sai, nhà Nguyễn sừng sững ba tầng, nằm giữa khu phố mới Láng Hạ, khu phố dành riêng cho các cán bộ trung, cao cấp của thành phố. Điều tôi ngạc nhiên hơn là cả hai vợ chồng Nguyễn đều mập ú. Vợ Nguyễn năm ngoái còn gầy tong teo, vậy mà bây giờ cứ phây phây như gái mới lấy chồng.
Nguyễn bận tiếp một người khách. Đó là một người đàn ông trạc bốn tám, năm mươi, ăn vận khá sang trọng, comple đúng mốt, đầu tóc chải mượt. Tôi để ý đến chiếc Toyota đậu ngoài cửa nhà Nguyễn và ngầm hiểu rằng người khách của Nguyễn hẳn phải là lãnh đạo một ngành hay một công ty nào đó đang làm ăn phát đạt.
- Vô đi, uống một cái gì nhé? Có còn nhớ câu chuyện tao định nói với mày ở quán bia hồi năm ngoái không? Đó, tất cả là ở ngòi bút. Tao vẫn sống và xây ngôi nhà này chỉ bằng ngòi bút.
Nguyễn bảo vợ lấy từ trong tủ lạnh ra chục lon Tiger, rồi lại bảo vợ đi nướng mực, rán lạp sường. Chúng tôi cụng lon, vừa nhìn nhau vừa tu một hơi trăm phần trăm.
- Thằng cha mày vừa gặp, là một trong những con mồi của tao - Nguyễn bảo tôi - Ba tháng nữa nó sẽ bảo vệ luận án phờ-tờ-sờ, tức là phó tiến sĩ.
- Sao? Phó tiến sĩ thì có liên quan gì đến câu chuyện của chúng ta? - Tôi nhếch miệng cười.
- Hố hố... Mày đếch hiểu cái gì - Nguyễn bật nắp lon bia tiếp theo, ấn vào tay tôi - Uống đi, rồi tao giảng giải cho mà nghe. Mày có hiểu thế nào là phó tiến sĩ không? Nghĩa là mày đã qua bậc đai học, có thể là mày dốt, nhưng mày vẫn khát vọng được cấp một cái bằng phó tiến sĩ? Ôkê! Mọi cánh cửa dẫn đến khoa học đều mở. Chỉ cần mày đăng ký làm luận án ở một trường đại học, một viện nghiên cứu nào đó. Điều kiện để mày có thể được bảo vệ luận án là một công trình nghiên cứu và tối thiểu là bảy bài báo có tính chất học thuật...
Nguyễn đi lại bàn mang đến cho tôi một tập bản thảo dày cộp và những bài báo đã in trên các tạp chí, các tờ báo kinh tế.
- Đây là toàn bộ các bài báo và công trình luận văn tao đã viết thuê cho ông khách mà mày vừa gặp. Tao nhắc lại, hắn là một con bò, nhưng hắn đang giữ chức vụ ở một công ty. Khi có cái bằng phó tiến sĩ, hắn sẽ còn lên nữa. Tao, cũng là một con bò, nhưng là một con bò như Lỗ Tấn từng nói với vợ: "Anh chỉ là một con bò. Suốt đời ăn cỏ và viết ra sữa ngọt cho đời"... Hơ hơ... vì thế mà tao đã bán hoàn toàn chất xám và công sức cho cái con bò kia. Thưa tiên sinh, để hoàn thành một công trình phó tiến sĩ như thế này, cái con bò kia chỉ phải mất có ba ngàn đô la...
Tôi tròn xoe mắt lật từng trang bản thảo. Đúng là chữ viết tay của Nguyễn. Ngoài trang bìa là dòng chữ ghi nắn nót: Luận án phó tiến sĩ: Giảm tỷ lệ lạm phát xuống một con số - động lực thúc đẩy nền kinh tế thị trường nhiều thành phần của Việt Nam trong giai đoạn quá độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Đây mới chỉ là một trong hàng chục công trình của tôi trong một năm trở lại đây, thưa tiên sinh - Nguyễn vẫn cái giọng bỡn cợt - Miếng đất mà tiên sinh đang ngồi đây chính là tác phẩm đầu tay của tôi trong việc xoay chuyển cơ chế...
- Một luận án đổi lấy bốn chục mét vuông đất này ư? - Tôi lắc đầu vẻ không tin.
- Tùy mày, tin hay không thì mày cũng chẳng xơ múi gì một mét vuông đất ở đây. Nhưng đó là sự thật. Ông chủ của miếng đất này giờ đã là một phó tiến sĩ kinh tế, và tất nhiên đã thăng tiến trên con đường hoạn lộ. Bản thảo phó tiến sĩ của ông ta kia, tao vẫn giữ bản gốc. Và như vậy bất cứ lúc nào tao cũng có cái để mặc cả...
- Hóa ra lâu nay ông ngừng viết bút ký phóng sự...
- Vâng, để chuyển sang dịch vụ viết luận án thuê. Cũng là viết thuê cả thôi, nhưng viết thuê cho các ông chủ tư nhân lợi nhuận cao hơn nhiều. Tất nhiên, để hoàn thành một luận án, tao phải đọc hàng trăm cuốn sách, bài báo, tạp chí, phải đến các cơ quan để lấy số liệu, phải thuê máy vi tính vẽ các biểu đồ... và cuối cùng là phải biết chờ đợi cho đến khi ông phó tiến sĩ làm lễ đăng quang.
Giọng Nguyễn bỗng khàn đi. Tôi có cảm giác hai khóe mắt anh hơi ngấn ướt.
- Chắc mày còn nhớ bài Tiến sĩ giấy của cụ Tam Nguyên Yên Đổ? Đáng buồn là thời nào cũng có những ông tiến sĩ giấy. Cái bệnh háo danh và chuộng hình thức dỏm của con người đã làm cho tiến trình phát triển của đất nước chậm lại rất nhiều... Vậy mà tao cũng đang góp phần vào sự tha hóa ấy. Chao ôi, chỉ vì những bài phóng sự không thể nuôi nổi mình...
Nhà phóng sự của một thời bỗng đưa hai tay ôm lấy mặt. Tôi thấy đôi vai Nguyễn khẽ rung lên.
12-7-1996