Ngôi Nhà Ma Truyện ngắn 8


Truyện ngắn 8
Giỗ họ

Họ Vũ giỗ vào ngày hai chín tháng Chạp ta. Theo gia phả của dòng họ để lại thì ông tổ họ Vũ tên là Vỹ, một người tha phương cầu thực đến lập nghiệp ở làng Động từ thời Hồng Đức. Ông chết vào ngày cùng tháng tận khi mới ba mươi chín tuổi, để lại người vợ trẻ và bốn người con trai là Vòng, Vo, Vặn, Vẹo. Bốn con ông họ Vũ lại đẻ ra các con trai khác, cứ thế họ Vũ sinh sôi, đến nay cây phả hệ đã tới đời thứ mười. Cả nửa làng Động, đông tới ngàn dân, bây giờ đều là chút chít của ông tổ họ Vũ xa xưa.

Tôi thuộc chi thứ hai, tức là hậu duệ đời thứ tám của ông Vũ Vo. Cũng theo gia phả để lại thì trong bốn chi của họ Vũ, chỉ có chi thứ hai có chút phát đạt về mặt văn chương. Vì thế, mặc dù chỉ là một nhà báo xoàng, tôi vẫn được coi là người có danh trong họ.

Bẵng đi bốn năm tôi không về quê ăn tết. Đột nhiên năm nay, vào ngày ông Táo chầu trời, tôi nhận được một bức điện khẩn của ông anh trưởng tộc: "Ngày 29 tới, bà với chú phải thu xếp về ăn giỗ tổ. Có việc đại sự của họ cần có sự đóng góp của chú".

 

Thế là tôi thu xếp về ăn giỗ họ, kết hợp chơi tết quê hương.

Làng Động của tôi, từ ngày tôi thoát ly công tác đến giờ đã biết bao thay đổi. Cái sân đình rộng mênh mông, một thời biến thành sân kho hợp tác, giờ lại cuốc bật lên để làm vườn cây bảo thọ. Những ngôi nhà ngói mới mọc dài theo trục đường huyện, lấn dần các chân ruộng quanh làng. Những đứa bạn cùng trang lứa với tôi đã có con dâu, con rể. Còn các ông bác bà thím thì già lụ khụ, mặt mũi nhăn nheo dầu dãi.

Gặp tôi cả họ đều mừng. Ông anh trưởng tộc xòa cả hai tay ôm lấy vai tôi lắc mãi:

- Chú đã về! Thế là cả họ toại nguyện. Nhưng còn bà, sao không đưa bà về?

- Dạ, bà em yếu. Với lại ngày tết còn phải trông nom các cháu...

- Ờ, cũng được. Cốt nhất là chú. Chú là người sang của họ. Chú mà không về ngày giỗ tổ của họ là hỏng.

Các ông bác, ông chú và anh em trong họ xúm lại quanh tôi. Tôi nhận ra rất nhiều người mà hàng chục năm tôi không gặp mặt. Đó là hầu hết những người trai họ Vũ dời làng đi công tác và lập nghiệp ở xa. Có người đã nghỉ hưu, có người vẫn đang tại ngũ hoặc tại chức. Trong cái ngày thiêng liêng này, dường như tất cả tinh hoa của dòng họ Vũ đều dồn tụ về đây.

- Xin bá cáo với chú chương trình nghị sự thế này. - Ông anh trưởng tộc, sau khi châm một tuần nhang trên khắp các điện thờ của nhà từ đường, quay lại nói với tôi - Đêm nay tất cả các trai đinh họ Vũ sẽ họp mặt bàn về công việc của họ. Chuyện ngôi mộ của họ Vũ ta phát; bà và chú chắc đã nghe nói rồi. Hồng phúc của họ Vũ còn lớn lắm. Chú cứ nghiệm rồi sẽ thấy. Bổn phận của anh và các chú là phải chăm lo đến cái rường cột trong họ. Các ông các bà trong gia tộc đã bàn bạc kỹ lưỡng rồi. Kỳ giỗ tổ này là một dịp để chúng ta chứng tỏ lòng mình với ông cha... Ngày mai đúng giờ Thìn sẽ làm lễ tổ đường, đúng giờ Tỵ sẽ khởi công xây mộ tổ. Sau đó tất cả con cháu nội ngoại từ ẵm ngửa trở lên sẽ họp mặt tại đây để ăn giỗ tổ. Tiêu chuẩn mỗi suất là năm trăm đồng và năm lạng gạo, các gia đình đã nộp đủ cả rồi...

- Dạ, thế còn công việc của họ đêm nay?... - Tôi dè


dặt hỏi.

Ông anh trưởng tộc đưa mắt về phía người đeo kính trắng. Đó là ông giáo Phúc, dạy cấp hai ở xã, người cùng chi với tôi, nhưng thuộc ngạch dưới, đã nghỉ hưu bốn
năm nay.

- Việc này để em thưa với bác Hoàng - Giáo Phúc sửa lại cặp kính trắng, nói với tôi - Em được họ phân công cùng với bác vào trong tiểu ban văn kiện. Đây là phần chính mà chúng ta cần phải thông qua trước cuộc họp họ đêm nay. Lẽ ra nếu bác về sớm vài ngày cùng em chuẩn bị thì tốt hơn. Nhưng vì bác ở xa nên em đã mạo muội soạn thảo trước. Nay xin bác duyệt qua và cho ý kiến.

Từ phía sau, một người nào đó đã dúi cho giáo Phúc một cuộn giấy crô-ki khổ lớn. Giáo Phúc chậm rãi mở cuộn giấy trước mặt tôi:

 

- Thưa bác, đây là cây phả hệ của dòng họ Vũ ta mà em đã thay mặt tiểu ban văn kiện soạn thảo. Nguyên tắc của cây phả này là chỉ ghi các con trai, còn con gái chỉ
ưu tiên người nào tiêu biểu nhất, ví như cô Bé Hảo ở
Hàng Đào.

Tôi rưng rưng nhìn vào tờ giấy mở rộng trước mặt. Đó là sơ đồ hình vẽ một cây đại thụ. Gốc của cây là một thân chữ nhật lớn màu đỏ có dòng chữ ông tổ Vũ Vỹ viết đậm bằng mực tàu. Từ đó phân ra bốn nhánh. Rồi cứ thế phân chia thành hàng chục cành nhánh, vươn mãi lên cao. Tôi đọc được dòng tên tôi - Vũ Hoàng - ở tầng nhánh thứ chín có vòng khung bằng mực đỏ dưới chân thêm hai chữ: Nhà báo.

- Thưa bác - Giáo Phúc lại nói - Nhìn vào cây phả hệ này, ta sẽ biết được sự phát triển của dòng họ Vũ. Với các nhân vật quan trọng, tỷ dụ như bác, đều có đóng khung đỏ. Như vậy là mặc dù ông tổ họ Vũ của chúng ta chỉ là một người cùng đinh nghèo khổ, nhưng kể từ đời thứ hai con cháu đều thành đạt. Quan to tuy không có, nhưng quan nhỏ và chức sắc cũng khá nhiều. - Giáo Phúc đưa tay chỉ vào những dòng tên có viền khung đỏ đậm. - Ví dụ cụ tổ chín đời Vũ Vo có hàm cửu phẩm. Cụ tổ sáu đời là chánh tổng. Cụ tổ năm đời là bá hộ. Riêng từ đời thứ tám, thứ chín, từ khi có cách mạng đến giờ, họ Vũ ta cũng có tới hai người là thiếu tá, ba người đại úy, mười tám người là kỹ sư, bác sĩ, một người là nhà báo...

- Ông quên mất rồi - Ai đó chợt kêu lên và nhoài tay vỗ đánh đét vào vai giáo Phúc. Tôi ngẩng lên và nhận ra ông Vũ Viễn, tóc bạc trắng như cước, hơn tôi gần ba chục tuổi, cùng bề vai với tôi thuộc chi trên. Ông Vũ Viễn nguyên là thiếu tá chuyển ngành về làm giám đốc một xí nghiệp thuộc khu gang thép Thái Nguyên. Về hưu hơn chục năm, có nhà cửa con cháu đề huề ở gần ga Lưu Xá, nhưng mấy năm nay ông "giở chứng", một mình về sống ở làng. Cáo chết ba năm quay đầu về núi, - Ông tuyên bố với tất cả họ thế.

- Ban "văn kiện" làm ăn thế này đáng phải cách chức. - Tiếng ông Vũ Viễn oang oang - Họ Vũ ta có một "ông quan" to nhất hiện nay sao không được viền khung đỏ?

- Ai? - Mắt giáo Phúc như lồi ra sau cặp kính trắng.

- Thằng Vũ Đạt, hiện đang là lãnh đạo tỉnh X. Nghe đồn sắp được cất nhắc lên thứ trưởng.

Mọi người cùng ồ lên, ồn ào.

- Đúng rồi. Bác Vũ Đạt bốn mươi tuổi mà đã thường vụ tỉnh ủy. Họ Vũ mình chỉ có bác ấy là nhất.

- Tôi làm thợ xẻ ở trên X. tôi biết. Vẫn gặp Vũ Đạt đi xe Von-ga đen luôn.

- Tôi không tin. - Giáo Phúc lắc đầu - Thằng ấy làm lãnh đạo thế nào được? Nó mới học dở lớp tám...

- Tôi đoán chắc ngôi mộ tổ phát về thằng Vũ Đạt. - Tiếng ông Vũ Viễn vẫn oang oang - Nhất định nó sẽ về ăn giỗ họ. Rồi khắc rõ. So với chú Vũ Hoàng nhà báo thì thằng Vũ Đạt còn danh giá sung sướng gấp chục lần. Khéo chừng mà nó cưỡi ô tô con về làng chứ không phải đạp cái xe cọc cạch như chú Vũ Hoàng đâu...

 

Giáo Phúc lấy bút bi đỏ định đóng khung cái tên Vũ Đạt ở hàng ngang với tên tôi, nhưng nghĩ thế nào lại chỉ gạch đít một nét rồi chữa thêm một dấu hỏi ở phía trên.

 - Trường hợp chú Vũ Đạt chúng ta sẽ đính chính sau. - Tôi nói - Riêng về bản sơ đồ cây phả họ này tôi đánh giá ngang với một công trình khoa học. Chú giáo Phúc rất xứng đáng là tổng thư ký của tiểu ban văn kiện.

- Bác quá khen. - Gương mặt giáo Phúc rạng rỡ. Em cho rằng về mặt văn chương chữ nghĩa, họ Vũ ta vẫn không ai sánh nổi bác. Bây giờ em trình với bác tập gia phả mới - Giáo Phúc vừa nói vừa xòe ra một cuốn sổ dày khổ lớn bọc bìa đỏ. Đây là bản do em soạn lại từ bản gia phả vẫn lưu giữ ở nhà thờ họ. Các cụ xưa viết bằng chữ nho, con cháu bây giờ không đọc được. Hôm vừa rồi các ông các bà và bác trưởng tộc đã thống nhất ý kiến cho sao chép và soạn lại bằng chữ Quốc ngữ. Tiểu ban văn kiện đã soạn thảo xong và đề nghị nhân có bác là nhà báo, nhờ bác đem tới nhà in để họ đúc chữ in đàng hoàng. Phí tổn bao nhiêu họ sẽ lo liệu...

- Sao? In gia phả họ? - Tôi tròn mắt kinh ngạc.

- Vâng, in ty-pô đàng hoàng. - Giáo Phúc gật gù - Chẳng gì họ Vũ ta cũng là một dòng họ lớn. Con cháu sinh cơ lập nghiệp suốt từ Bắc vào Nam. In ấn bây giờ dễ lắm. Khối cuốn sách nhạt hoét mà người ta vẫn cho in, huống chi một dòng họ Vũ ta, đóng góp cho cách mạng không phải nhỏ. Ba mươi sáu liệt sĩ, hàng trăm cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh chứ có bỡn đâu...

 

 - Việc này chỉ có chú Vũ Hoàng mới làm được, - Ông Vũ Viễn vuốt chòm râu bạc - Thế mới phải điện chú về. Chú quen nhà in. Cánh báo chí với nhau nên in ấn cũng dễ dàng...

- Muốn in một tài liệu phải có giấy phép. - Tôi tỏ ý ngần ngại - Vả lại giá thành sẽ tốn kém lắm vì chúng ta chỉ in có vài chục bản.

- Chuyện tốn kém không thành vấn đề. - Ông Vũ Viễn lại cười hà hà, khoát tay - Còn như phép tắc thì chú phải lo giúp họ. Mà có gì phải khó khăn nhỉ? Cũng ví bằng in một giấy mời, một tấm thiếp cưới là cùng. Họ Vũ chúng ta chỉ in gia phả chứ có tài liệu phản động gì mà phải sợ. Chú mà không nhận là chú phụ cái lòng ngưỡng mộ của cả họ...

Ông Vũ Viễn nói rồi đứng phắt lên, có vẻ như phật ý về sự lừng khừng của tôi.

 

Ở cuộc họp các trai đinh trong họ, tôi bị dẫn vào một tình huống rất khó xử. Cả họ chờ mong ở tôi, hy vọng ở tôi. Vậy mà tôi đành lắc đầu từ chối việc nhận in ấn cuốn phả tộc. Khả năng lớn nhất mà tôi có thể làm được với họ Vũ lúc này là nhận đánh xtăng-xin và cho in rô-nê-ô thành vài chục bản, có đóng gáy hẳn hoi để phân phát cho
các chi.

- Nếu chỉ như thế thì họ đã chẳng cần phải điện cho chú Vũ Hoàng về. Cánh thợ xẻ chúng tôi có đủ tiền để in với giá thành đắt nhất. Một nghìn, thậm chí hai nghìn đồng một cuốn chúng tôi cũng không ngán...

 

Sau lời phát biểu của ông Vũ Nghi, đại diện cho cánh thợ xẻ, cuộc họp họ trở thành một cái chợ vỡ. Làng tôi vốn đất thợ xẻ. Con trai từ mười sáu tuổi đã theo cha anh vác cưa lên các cánh rừng mạn ngược, cút kít hàng năm không về. Họ Vũ có tới hơn trăm đôi thợ xẻ. Có năm già nửa trai đinh ăn tết trên rừng. Vậy mà ngày giỗ họ này họ kéo về hầu như đông đủ, quả là một sự kiện mà tôi không lường hết được.

Đúng lúc tôi đang lúng túng về cái vai trò "người sang trong họ" của mình thì có tiếng còi ô tô ngoài ngõ, rồi hai vệt đèn pha sáng rực chiếu thẳng vào sân.

- Chú Vũ Đạt về! - Tiếng một đứa trẻ nào đó hét
toáng lên.

Cả họ nhao lên, tự hình thành một đám rước kéo từ sân ra ngõ. Chiếc U-oát mới thấm đỏ bụi đường vẫn còn nổ máy chiếu ánh đèn pha vào đám người háo hức mừng rỡ như đón trạng về làng.

- Tôi nói có sai đâu. Thằng Vũ Đạt nó làm quan to nhất họ. - Ông Vũ Viễn nói oang oang rồi liếc chéo ánh mắt về phía tôi - Hóa ra cái mộ tổ phát về thằng Đạt. Họ Vũ mình rồi còn khấm khá nữa.

Từ trên xe một người đàn ông to béo trạc bốn mươi tuổi bước xuống. Tôi không thể nhận ra nổi thằng Vũ Đạt ngày xưa, cái thằng em họ học dưới tôi hai lớp mà từ nhỏ bọn trẻ con chúng tôi vẫn gọi là "Đạt sáu ngón". Tiếp đến một phụ nữ trẻ đẹp rồi một cô gái khoảng mười bảy tuổi, tóc phi-dê ngắn, mặc quần áo bò căng chật. Đó là vợ và con gái của Đạt.

 

So với cuộc đón tiếp tôi, cuộc đón tiếp Vũ Đạt lần này thật là một vực một trời. Các ông bác, bà thím, ông anh, bà dì, ai cũng cố bằng mọi cách để đến sát bên vợ chồng Đạt, sờ được một ngón tay vào bộ quần áo com-ple đắt tiền của Đạt, đụng vào cái ngón tay đeo những chiếc nhẫn mặt đá óng ánh của vợ con Đạt. Rồi kẹo bánh, chè, thuốc lá được phân phát khắp lượt. Các ông bà già thì được một thanh bánh khảo, một góc bánh dẻo. Trẻ con nhai kẹo gôm, kẹo nu-ga. Riêng cánh trai đinh họ Vũ thì thỏa sức phì phèo thuốc lá Bông Sen đầu lọc.

Tôi ngồi một góc lặng lẽ quan sát từng cử chỉ của Vũ Đạt và càng không thể chắp nối lại được cái hình ảnh một ông Vũ Đạt phương phi đường bệ cưỡi xe riêng về ăn giỗ họ bây giờ và cái thằng "Đạt sáu ngón" ngày xưa.

Hơn hai mươi năm trước. Ngày ấy Đạt học lớp tám, còn tôi đang học lớp mười. Trong đám con trai họ Vũ, thằng Đạt là một đứa học giỏi, năm lớp 7, nó đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán của huyện, được vào thẳng cấp ba. Tôi học trên nó hai lớp, lại từng là học sinh tiên tiến nhiều năm nên Đạt nể tôi lắm. Nó thường đến chơi với tôi, nhờ tôi giảng cho những bài toán khó. Tôi quý nó vì sự thông minh và cầu tiến. Một lần Đạt đến nhà tôi với bàn tay sáu ngón bọc băng trắng và bộ mặt buồn thảm đến đau đớn. "Tay mày làm sao?" - Tôi hỏi. "Tay em bị nhọt đầu đinh". - Đạt lúng túng trả lời và cố giấu bàn tay về phía sau. "Đầu đinh hả? Nguy hiểm lắm. Bỏ tao xem". - Nói mãi mà Đạt không chịu giở cuộn băng. Tôi phải cáu ầm lên, nó mới chịu. Khi lớp vải sô được mở ra, tóc tôi như dựng ngược cả lên: cái ngón tay thừa thứ sáu của Đạt bầm tím sưng mọng như một quả chuối hột. Ở chỗ tiếp giáp với bàn tay, một sợi dây cước thít chặt, hai đầu dây còn rủ lòng thòng. "Mày làm gì thế này? Điên à". Thằng Đạt gục vào vai tôi, hộc lên những tiếng khóc ồ ồ như một con vật vừa bị chọc tiết.

- Em không học nữa đâu anh ạ. Em sẽ xung phong đi bộ đội. Chỉ sợ khi khám tuyển người ta không nhận em vì cái ngón thứ sáu này nên em quyết định làm cho nó rụng.

- Mày phải đến bệnh viện ngay. Nhiễm trùng thì chỉ có chết.

- Không sao đàu anh! Chỉ rức buốt một chút thôi. Mấy hôm nữa là nó sẽ rụng. - Đạt vừa băng lại tay vừa nhìn tôi cầu khẩn - Nhưng mà liệu người ta có cho em đi bộ đội không anh? Ông em, bố em đều là địa chủ...

- Cứ tiếp tục đi học đã. Đạt ạ. Em mới mười bảy tuổi. - Tôi an ủi Đạt.

- Không. Em đã quyết rồi. Lý lịch nhà em, có học hết cấp ba cũng chẳng làm gì. Ai người ta tin em, ai người ta cho em đi công tác? Chỉ có con đường đi bộ đội em mới mong chuộc lại được cái lý lịch gia đình quá nặng nề... Em sẽ xung phong hẳn vào Nam chiến đấu. Có như thế tương lai của em mới đỡ mù mịt...

Đạt đã làm theo cái chí hướng của nó. Sau khi ngón tay thứ sáu rụng hẳn, nó nghỉ học và xung phong đi khám tuyển bộ đội.

Thằng Đạt nghỉ học từ ngày đó để theo bạn bè đi xẻ ở mãi những cánh rừng mạn ngược. Tôi may mắn hơn, sau khi tốt nghiệp phổ thông, phải ở nhà một năm, rồi được người anh họ xin cho vào một đội thanh niên hỏa tuyến. Thấm thoắt vậy mà đã quá nửa đời người...

Đang chìm đắm trong những kỷ niệm, chợt tôi bắt gặp ánh mắt Vũ Đạt hướng về phía mình.

- Trời ơi, anh Vũ Hoàng phải không?

Đạt dẫn vợ con chạy bổ về phía tôi. Giơ bàn tay phải lên ngang mặt, như một động tác để cho tôi nhận dạng, rồi Đạt ôm choàng lấy tôi:

- Thằng "Đạt sáu ngón" ngày xưa của anh đây. Ôi, không ngờ anh già đi nhiều quá.

Tôi vòng tay ôm lấy đôi vai mập ú của Đạt, lòng rưng rưng như chính cái dòng máu huyết thống của họ Vũ đang hòa quyện hai anh em chúng tôi lại.

- Đây là Thúy, vợ em. Còn đây là cháu Lan Chi, con gái thứ hai của em. - Đạt chỉ vợ và con, giới thiệu với tôi - Chúng em còn một cháu trai đầu lòng đang đi học ở Tiệp.

- Em cứ nghe nhà em nhắc đến bác luôn mà bây giờ mới gặp. - Vợ Đạt nhìn tôi một cách ngưỡng mộ nhưng vẫn pha chút ngạc nhiên - Đọc các bài báo của bác em lại cứ hình dung ra một người đạo mạo béo tốt chứ nào ngờ...

- Khắc khổ và còm cõi quá phải không? - Tôi cười.

- Hình như bác viết cả truyện ngắn nữa? - Con gái Đạt dè dặt nói - Văn của bác trữ tình lắm...

- Thời buổi này không ai người ta thích đọc trữ tình đâu cháu ạ. - Ông Vũ Viễn chen vào - Văn chương bây giờ phải ác độc và khêu gợi mới mong người ta để ý đến. Tôi đoán tướng cái ông nhà báo Vũ Hoàng này hiền lành rút rát lắm, không làm nên chuyện gì đâu. Đấy như cái việc in ấn cuốn gia phả của họ...

Câu nói của ông Vũ Viễn làm tôi như muốn xỉu. Rõ ràng ông anh họ đáo để này không còn tín nhiệm gì ở tôi nữa.

Thật may cho tôi, đúng lúc tôi như đang chắm mặt xuống đất thì Vũ Đạt đưa hai tay lên ngang đầu vỗ bồm bộp rồi dõng dạc nói:

- Báo cáo với toàn gia tộc, ban nãy bác trưởng tộc đã nói với tôi về việc này. Chẳng gì tôi cũng là con cháu họ Vũ, được ơn nhờ ông cha mà có được như bây giờ. Vì điều kiện công tác xa, vợ chồng con cái sau mấy chục năm mới về thăm quê nội. Nhân có cuộc họp họ đông đủ hôm nay, xin được đề nghị thế này: Vì có điều kiện, vả lại nhà in của tỉnh thuộc quyền tôi chỉ đạo nên tôi xin nhận thay anh Vũ Hoàng in ấn tập gia phả họ. Và coi đó là món quà mọn biếu họ để tỏ tấm lòng biết ơn cội nguồn...

Tất cả con cháu dòng họ Vũ có mặt trong cuộc họp lặng hẳn đi một giây lâu. Tôi đưa mắt tìm ông giáo Phúc. Ông đang ngồi bên chiếc bàn cạnh ngọn đèn măng-sông sáng trắng thận trọng lấy chiếc bút mực đỏ kẻ một đường khung đậm quanh cái tên Vũ Đạt trong bảng sơ đồ phả hệ dòng họ Vũ.

 

*

*      *

 

 

Ngày hôm sau, cái tin Vũ Đạt cưỡi xe riêng về ăn giỗ họ đã lan truyền khắp xã. Chiếc U-oát mới nằm chềnh ềnh ở đầu nhà tổ họ Vũ không thể giấu ai được. Người ta kháo nhau rằng Vũ Đạt đang ở cấp lãnh đạo đứng đầu một tỉnh, rằng họ Vũ suốt từ xưa đến nay bây giờ mới có người làm quan to đến thế; rằng họ Vũ bắt đầu đến ngày mả phát, ông Vũ Đạt chưa biết chừng còn tiến xa...

Thật tình tôi cũng không hiểu thực hư ra sao. Chẳng lẽ cái thằng Vũ Đạt thợ xẻ hai mươi năm trước đây bây giờ lại thăng tiến đến như thế? Nhân lúc anh lái xe của Đạt ra cầu ao rửa chân, tôi lân la dò hỏi và được biết đích xác rằng Vũ Đạt hiện đang là thường vụ tỉnh ủy phụ trách khối kinh tế của tỉnh X. Anh lái xe là người dân tộc, lại mới vào nghề nên tỏ ra khá thật thà:

- Thủ trưởng cháu uy tín cao lắm. Lực lượng trẻ trong tỉnh, chú ấy là số một. Nghe nói Trung ương đang định kéo chú ấy về Bộ... Nhưng mà ngẫm ra người ta có số cả, bác ạ. Đúng là cái mả họ ta đây phát là phải. Từ ngày làm con rể ông chủ tịch tỉnh, chú Vũ Đạt cứ tiến vùn vụt...

Bây giờ thì tôi đã vỡ lẽ ra mọi điều. Cái thằng Vũ Đại này trúng số đỏ. Tử vi của nó có thân cư thê.

Buổi trưa trong bữa cỗ giỗ họ, ông anh trưởng tộc cố ý xếp một mâm vào trong gian buồng và kéo sáu anh em, gồm có tôi, Vũ Đạt, Vũ Viễn, Vũ Nghi, giáo Phúc và Vũ Hào chủ nhiệm hợp tác xã, cùng ngồi với nhau.

- Các chú thông cảm. Đóng sáu cho nó vui. Thế này là đủ mặt cả nhà chính trị, nhà báo, nhà giáo, thợ xẻ, cán bộ hưu, cán bộ địa phương rồi nhé. Anh em tha hồ mà bù khú. Tao sẽ làm chân tiếp tân.

Tôi chợt nhận ra sự bố trí của ông anh trưởng tộc thật đầy ngụ ý. Cả bốn chi họ Vũ đều có đại diện. Vũ Đạt cũng tinh ý nhận ra điều đó. Chú ấy nâng chén đưa ngang mặt, đúng phong thái một nhà ngoại giao:

- Em là chi út, xin nâng cốc trước chúc mừng các ông anh.

Cả sáu cái chén cùng chạm. Tôi định nhấp một tợp nhỏ, nhưng bị Vũ Đạt ngăn lại:

- Phải cạn chén một lượt, bác ạ, Chúng em ở miền núi quen phong tục thế rồi, phải không bạc Viễn, bác Nghi?

Ba người cạn trước. Chúng tôi cũng phải làm theo. Loáng cái, cả sáu khuôn mặt đều đỏ phừng phừng.

Ông anh trưởng tộc đang từ nhà ngoài dàn xếp công việc cũng cầm một chén vại vào ngồi ké bên tôi.

- Bây giờ thế này. - Giọng ông anh phả đầy hơi rượu - Mấy anh em mình đây, coi như đại diện cho tinh hoa của họ Vũ. Hôm nay vui ngày giỗ tổ, ta cứ nói hết với nhau. Nói khí vô phép các chú, chứ tôi tự hào lắm. Họ Vũ mình nhất cái làng Động. Thời nào cũng có quan to. Chứ sao nữa, tự hào là phải. Chú Vũ Đạt bây giờ là quan cấp tỉnh. Chú Vũ Hoàng là nhà báo. Sang quá đi chứ! Phải uống mừng dòng họ Vũ mình.

Ông Vũ Viễn phụ họa:

- Em cũng nghĩ như bác. Mấy đêm nay em cứ nằm vắt tay lên trán không ngủ. Nghĩ cũng lạ. Bất kể thời cuộc nào, dòng họ Vũ mình cũng nhất...

 

- Tôi không đồng ý với bác Viễn. - Vũ Nghi đặt chén rượu xuống mâm, mắt nheo nheo như nhìn vào cõi xa xăm - Lên voi thì đúng rồi, nhưng cũng có lúc xuống
chó chứ.

Ông Vũ Viễn vỗ đánh đét vào đùi ông Vũ Nghi, vuốt râu cả cười:

- Ấy mà bây giờ họ Vũ lật ngược thế cờ. Thằng Vũ Đạt đây... ha ha... Tôi không thể giải thích nổi, nếu không nghĩ rằng nhờ hồng phúc họ Vũ ta.

Từ nãy Vũ Đạt vẫn ngồi im lặng. Móc bao thuốc lá Hê-rô mời hết lượt, Đạt châm một điếu cho mình rồi nhìn tôi, tủm tỉm cười:

- Chỉ có bác Vũ Hoàng là biết được phần nào về em. Ngày ấy em tự làm rụng ngón tay thừa, quyết bỏ học để tình nguyện đi bộ đội mà không được, bỏ đi cưa xẻ.

- Đận ấy thì tao biết. - Ông Vũ Nghi chen ngang - Lúc tao làm ở lâm trường Chiềng Prăng thì chú mày xẻ ở trường cấp ba Nậm Cản.

- Vâng. Em với anh Vinh nhận hợp đồng xẻ ván đóng bàn ghế cho trường cấp ba Nậm Cản. Duyên số bắt đầu từ đó. Đúng dịp ấy có một đoàn giáo sinh sư phạm về trường thực tập, trong số đó có cô Thúy vợ em kia. - Vũ Đạt chỉ tay ra ngoài, nơi vợ và con gái Đạt đang bị quây giữa các bà, các cô, các chị.

- Ngày ấy chắc thím ấy phải 1ff6 ẹp mắt! - Chủ nhiệm Hào trầm trồ.

- Đẹp quá đi chứ. Bây giờ vẫn hơ hớ thế kia. - Vũ Nghi nói.

 

- Vâng, Đẹp. - Vũ Đạt thừa nhận - Anh Vinh thách đố em phải cưa đổ được Thúy. Em hứa liều và xin mất không cho ông anh ba mươi công xẻ. Máu thanh niên hăng lên bốc đồng thế thôi, chứ em nghĩ mình là cái thằng thợ xẻ quèn, người ta sắp là cô giáo cấp ba, với thế nào được. Nhưng rồi em cũng phải nghĩ mẹo. Một lần lừa lúc mọi người lên lớp hết, chỉ còn Thúy ở nhà, em liền rạch bàn tay vào cái lưỡi cưa cho máu chảy ròng ròng rồi đi lên chỗ Thúy xin ít bông băng. Nhìn thấy bàn tay em, Thúy hét lên rồi hấp tấp rút chiếc khăn mùi soa băng lại. Một cô gái vị tha và thương người lắm đây. - Em thầm nghĩ và lòng chợt run lên khi hai bàn tay trắng muốt bỗng chạm phải tay mình. Chúng em quen rồi yêu nhau từ đó.

- Chú mày khá lắm. Đáng là cái kiểu tán gái của con trai họ Vũ. - Ông anh trưởng tộc vỗ vào vai Vũ Đạt một cách bỗ bã.

Vũ Đạt đã ngấm say. Và dường như chất men càng gọi về dập dồn kỷ niệm:

- Nhưng có điều này thì em thực sự bất ngờ. Ấy là khi Thúy nói với em rằng bố Thúy hiện đang làm chủ tịch tỉnh. Ban đầu em hơi lo sợ. Mình con nhà nghèo, đụng vào con ông to dễ mất cái niêu cơm như bỡn. Nhưng rồi không hiểu sao, cái máu cơ hội trong người mình nó nổi lên, em liền quyết định một phương án liều.

Vũ Đạt dừng lời, nhìn khắp lượt các ông anh họ. Cả sáu anh em chúng tôi cùng như nín thở, há miệng chờ đợi. Đến như tôi, một người quen viết báo, lại kiêm sáng tác cả truyện ngắn nữa mà cũng chịu không phán đoán ra được cái phương án mà Vũ Đạt sắp đưa ra.

- Nói nhỏ anh em trong nhà thôi, - Đạt đưa mắt ra phía nhà ngoài rồi cúi người vào giữa mâm, giọng nhỏ lại. - Nói các ông anh tha lỗi. Em đã chuẩn bị phương án này tới nửa tháng trời. Lần ấy em rủ Thúy đi chơi trong rừng và em đã quyết định cho Thúy có chửa.

Ông Vũ Viễn, ông Vũ Nghi, rồi cả mấy anh em tôi đều cười phá và tranh nhau cụng chén chúc mừng chiến công tuyệt vời của Vũ Đạt.

- Một tháng sau Thúy về nhà. - Vũ Đạt kể tiếp - Cô báo cáo với gia đình về mối quan hệ của chúng em, ông bố đùng đùng nổi giận lôi đình. Các bác biết đấy, cái thời ấy, lý lịch nó quan trọng và ghê gớm đến mức nào! Chính em mấy tuần sau cũng phát hoảng vì tự nhiên có một chiếc xe con chở cán bộ xịch đến chỗ em cưa xẻ, hỏi cặn kẽ gia đình và cả dòng họ Vũ ta. Sau đó, chính ông chủ tịch viết cho em một lá thư cảnh cáo, nghiêm cấm em không được tiếp tục quan hệ với Thúy. Chuyện sóng gió ngày ấy dài lắm, nghĩ lại cũng đủ toát mồ hôi hột.

- Nhưng mà chú đã dùng cái sách của Bàng Thống, tức là đã bố trí phục binh sẵn rồi? - Giáo Phúc ra vẻ một vị thâm nho.

- Đó. Em thắng ở cái quả liều đó. Cũng may mà nhà em cô ấy cũng gan. Có chửa tới tháng thứ tư cô ấy mới nói cho bố mẹ biết. Đến lúc đó thì em quả là một Gia Cát Khổng Minh, cứ điềm nhiên mà chờ Lưu Bị "tam cố
thảo lư".

 

- Vậy là nghiễm nhiên chú thành con rể đồng chí lãnh đạo tỉnh? - Ông anh trưởng tộc không giấu vẻ đắc thắng. - Và cái lý lịch địa chủ cùng cái dòng họ Vũ quan lại phong kiến cũng mo phú tuốt?

Vũ Đạt gật gù:

- Ba tháng sau ngày cưới, em được nhận vào làm công tác ở huyện đoàn Chiềng Mai. Bốn tháng sau nữa em được đi học trường của Tỉnh đoàn. Rồi được kết nạp Đảng. Hai năm sau em vào huyện ủy viên. Rồi lại được đi học... Cứ thế, hai mươi năm vừa rồi là cả một bước đường thẳng tiến. - Vũ Đạt dừng lại một lát rồi nói chậm rãi - Càng ngẫm, em càng thấy các cụ xưa nói đúng. Con người ta hơn nhau ở cái phúc, lộc của ông cha để lại.

Suốt từ lúc ngồi vào mâm, tôi chỉ lắng nghe và suy ngẫm, bây giờ tôi mới nói:

- Tôi thì lại giải thích việc này hoàn toàn theo góc độ duy vật. Chú Đạt là một người có năng lực và trí thông minh. Chú đã biết thay đổi hoàn cảnh của mình, tức là biết cách phá vỡ cái mắt xích yếu nhất.

Giáo Phúc chĩa thẳng đôi mục kỉnh vào tôi, còn ông Vũ Viễn thì quàng tay kéo tôi về phía mình, tiếng như méo đi hơi rượu:

- Chú giỏi! Chú giỏi! Thế mới là nhà báo. Nhưng mà tôi đề nghị phải thưởng cái mắt xích kia, tức là con gái đồng chí chủ tịch - Rồi ông ngoái ra nhà cất tiếng gọi - Thím Thúy đâu rồi? Mời hai mẹ con thím vào trong này các anh có thưởng. Không có thím thì họ Vũ ta làm sao có một ông quan tỉnh oai vệ đến thế này.

 

Nghe tiếng ông anh gọi, Thúy và con gái kéo nhau định vào, nhưng vừa đến bậc cửa thì bất ngờ một băng pháo cối nổ như súng liên thanh ở ngoài ngõ làm hai mẹ con ngã giúi vào bức tường ngăn. Khói pháo tan, hiện ra chiếc xe Cúp đỏ chói do một thanh niên quần bò, áo Na-tô dắt. Đi cạnh là một bà trạc ngoài năm mươi, trắng trẻo, béo tốt, ăn mặc theo lối tỉnh thành. Tôi nhận ra cô Bé Hảo, con gái họ Vũ, có cửa hàng bán quần áo ở phố Hàng Đào.

- Trời ơi, cô con gái rượu của họ Vũ sao về muộn thế kia? - Mấy ông anh tôi cùng đứng cả lên, chạy ra đón cô Bé Hảo.

Vũ Đạt nắm tay tôi, như muốn nhờ tôi dìu ra nhà ngoài. Chú ấy say quá rồi. Tôi phải quàng một tay qua vai để đỡ. Vậy mà xem ra giọng nói của Vũ Đạt vẫn rất tỉnh:

- Họ Vũ nhà mình đến thời kỳ phát là phải. Cô Bé Hảo kia nghe nói vừa bỏ ra hai chục lạng vàng cùng nhà nước mở công ty liên doanh sản xuất áo thêu xuất khẩu cơ đấy. Bác là nhà báo, viết một cái phóng sự về họ Vũ mình còn hay bằng vạn những cuốn sách nhạt hoét của các ông nhà văn bia.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84045


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận