Thầy Lang (Znachor) Chương 3

Chương 3
Viên đồn trưởng cảnh sát ở Khô-tư-mô-va Vic-to Ka-nhia, ngồi vô công rồi nghề bên chiếc bàn làm việc phủ giấy màu xanh lục sạch sẽ, chốc chốc lại ngáp dài,

và đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Đồn cảnh sát nằm trong ngôi nhà cuối cùng ở rìa thị trấn, từ cửa sổ nhìn bao quát cả một khung cảnh rộng bao la những cánh đồng xanh mươn mướt, với bờ hồ nơi người ta đang phơi lưới, một dải rừng đen sẫm mờ xa, nơi đang bay lên làn khói lơ từ chiếc ống khói của xưởng cưa Hax-phen-đơ, và con đường dẫn tới xưởng cưa ấy, trên đó cảnh sát viên Xô-bơ-trắc, người phó của Ka-nhia đang đi cùng một người rậm râu, cao gầy nào đó.

Xô-bơ-trắc dang rộng chân, cứ mỗi bước đi lại lắc lư như vịt cả về hai phía, cắp dưới nách một tấm gỗ dán lớn. Người đàn ông râu ria rậm rạp kia chắc là một công nhân xưởng cưa, mà là thợ mới. Đồn trưởng Ka-nhia mới thấy ông lần đầu, mặc dù quen biết tất cả mọi người ở Khô-tư-mô-va và vùng lân cận trong vòng bán kính mười cây số. Hơn nữa, việc Xô-bơ-trắc phải đích thân mang tấm gỗ dán cũng là một điều đáng suy nghĩ. Rõ ràng anh ta không coi việc sử dụng sự giúp đỡ của người đồng hành là chuyện nên làm, điều đó có nghĩa người này có chuyện gì không ổn: ông ta đi cùng với Xô-bơ-trắc không phải vì tự nguyện.


***


Người ta đưa tới đồn cảnh sát ở Khô-tư-mô-va đủ mọi hạng người. Vì tội choảng nhau ở các làng, vì tội ăn cắp vặt trong rừng, ngoài đồng, vì tội săn bắn trái phép. Thỉnh thoảng cũng tóm được một con cá lớn, một tên kẻ cướp hay một tên biển thủ công quỹ đang tránh mọi con đường lớn, cố tìm những nẻo đường tắt để chuồn tới biên giới nước Đức.

Song người đàn ông rậm râu bị Xô-bơ-trắc dẫn đi mặc dù có tầm vóc cao to, hình như không khiến cho người cảnh sát phải lo lắng thì phải, chắc chỉ là chuyện gì vặt vãnh mà thôi.

Lát sau cửa mở ra, cả hai bước vào. Người đàn ông rậm râu ngả mũ, đứng cạnh cửa. Xô-bơ-trắc đưa tay chào rồi báo cáo:

- Người này đến xin việc ở xưởng cưa Hax-phen-đơ. Họ thuê ông ta làm, nhưng hóa ra ông ta không có một thứ giấy tờ nào, cũng không biết tên mình là gì, quê quán ở đâu.

- Để rồi xem, - đồn trưởng lầu bầu, vẫy tay ra hiệu cho người rậm râu.

- Ông có giấy tờ gì không?

- Thưa, không có.

- Xô-bơ-trắc, xét người xem.

Viên cảnh sát cởi khuy chiếc áo ngắn đã sờn cũ, lục hết các túi, rồi đặt trước mặt đồn trưởng tất cả những gì tìm thấy: một chiếc dao díp nhỏ, rẻ tiền, vài mươi xu, một đoạn dây nhỏ, hai chiếc khuy và một chiếc thìa sắt tây. Anh ta mò cả trong ống giày của ông, nhưng không có gì trong đó.

- Ông ở đâu tới đây hả? Hả? Viên đồn trưởng hỏi.

- Tôi từ Trum-ka tới, từ huyện Xu-rơ-xki.

- Từ Trum-ka?... Đến đây làm gì?

- Tìm việc ạ. Ở Trum-ka tôi làm tại xưởng cưa. Xưởng đóng cửa. Người ta bảo rằng ở đây, ở Khô-tư-mô-va này, tôi sẽ kiếm được việc làm và bánh mì.

- Thế chủ xưởng ở Trum-ka tên là gì?

- Phi-bich.

- Ông làm tại đó có lâu không?

- Dạ, nửa năm.

- Thế ông quê ở huyện Xu-rơ-xki à?

Người đàn ông rậm râu nhún vai.

- Tôi không biết ạ. Tôi không nhớ.

Viên đội cảnh sát nhìn ông dữ tợn.

- Này! Này! Đừng có mà làm tôi nổi cáu nhé! Ông biết viết không?

- Có ạ.

- Thế ông học ở đâu?

- Tôi không biết.

- Họ tên ông là gì? - Ka-nhia nổi cáu hét lên.

Người rậm râu nín lặng.

- Ông điếc hả?

- Không, thưa ông đồn trưởng, xin ông đừng giận tôi. Tôi có làm gì đâu cơ chứ.

- Nào, thế ông nói thật xem nào!

- Tôi nói thật đấy ạ. Tôi không biết tên tôi là gì. Mà cũng có thể tôi hoàn toàn không có tên họ. Ai cũng hỏi tôi điều đó, nhưng tôi không biết thật.

- Thế sao? Chưa khi nào ông có giấy tờ à?

- Chưa ạ.

- Thế làm sao người ta dám nhận ông vào làm? Không có giấy tờ à?

- Ở thành phố người ta cũng đòi giấy tờ và không muốn nhận vào làm. Nhưng ở nông thôn chẳng phải ai cũng coi trọng việc đó. Người ta cứ gọi cách nào tiện thì thôi. Ở đấy, trong xưởng cưa, tôi khai cái tên mà người ta gọi tôi tại Trum-ka: Ju-zep Brô-đa (14). Nhưng tôi đã thưa với ông đồn trưởng rồi đấy, đó chỉ là biệt hiệu mà thôi. Tôi chẳng làm việc gì xấu cả, lương tâm tôi trong sạch mà.

- Rồi xem sao.

- Ông đồn trưởng có thể viết thư hỏi những nơi tôi đã làm. Tôi chưa từng ăn cắp gì của ai hết.

Viên đồn trưởng suy nghĩ. Trong đời hoạt động của mình, y đã từng đụng chạm với đủ mọi loại người khác nhau cố tình che giấu tên họ của mình, nhưng dẫu sao bao giờ chúng cũng khai một cái tên bịa nào đó. Còn người này lại cứ khăng khăng bảo rằng chưa có tên họ bao giờ.

- Thế gia đình ông ở đâu?

- Tôi không biết. Tôi không có gia đình, - người rậm râu nói vẻ buông xuôi.

- Ông đã bị kết án bao giờ chưa?

- Rồi ạ.

Viên đội trưởng tròn mắt.

- Ở đâu?

- Năm ngoái ở Ra-đôm, còn ba năm về trước thì ở Bứt-gô-strơ. Một bận bị một tháng tù, bận thì hai tuần.

- Vì tội gì?

- Tội lang thang. Nhưng không công bằng đâu ạ. Thế hễ cứ ai đi tìm việc đều là kẻ du đãng cả hay sao?... Thực ra, vì tôi không có giấy tờ. Tôi đã xin tòa, xin cảnh sát, xin trại giam cấp cho tôi một thứ giấy tờ gì đó. Nhưng họ không muốn. Họ cứ bảo rằng không có luật lệ nào cho phép thế. Vậy thì tôi biết làm thế nào?

Ông ta hắng giọng và chìa tay ra:

- Xin ông đồn trưởng hãy thả tôi ra. Tôi chẳng làm gì xấu hơn với ai cả.

- Hả à?... Qui định không có chép, rồi họ muốn làm gì thì làm. Ông cứ ngồi chờ đấy đã. Tôi còn phải làm biên bản.

Y rút trong ngăn kéo một tờ giấy và bắt đầu viết. Y suy nghĩ mãi, vì chuyện thiếu họ tên và sinh quán của kẻ bị giữ làm hỏng cả trình tự biên bản. Rốt cuộc y cũng viết xong và đưa mắt nhìn người đàn ông rậm râu. Bộ râu cằm nhọn và mái tóc chứng tỏ ông ta chừng năm mươi tuổi. Ông ngồi bất động, nhìn dán mắt vào tường, vẻ gầy guộc đến mức kinh hoàng của ông cùng hai bên má hõm sâu vào khiến ông giống như một bộ xương. Riêng đôi bàn tay to tướng, dạn dày vì công việc, cứ thực hiện liên tục một cử chỉ nóng nảy lạ lùng nào đó.

- Ông ngủ đêm ở đây đã, Ka-nhia bảo, - sáng mai tôi sẽ gửi ông lên huyện.

Y đứng dậy và nói thêm:

- Ở đó họ cũng chẳng làm gì ông đâu. Cùng lắm, ông sẽ phải ngồi tù vì tội lang thang, rồi người ta sẽ thả ra thôi.


- Nếu không có cách nào khác, thì còn biết làm sao ạ, - người đàn ông rậm râu lẩm bẩm.

- Bây giờ ông lại đây. Y mở cửa một xà lim nhỏ bé có chiếc cửa sổ chấn song sắt. Trên sàn có một chiếc đệm nằm nhồi đầy rơm. Cửa làm bằng những phiến gỗ dày.

Khi cánh cửa đã đóng lại, người đàn ông ngả người xuống nệm. Ông bắt đầu nghĩ mông lung. Cả viên đồn trưởng lẫn người cảnh sát thứ hai kia đều không phải là kẻ xấu bụng, ấy vậy mà luật pháp buộc họ phải trở thành kẻ xấu. Tại sao họ lại tước mất tự do của ông, tại sao họ nhìn ông cứ như nhìn một tên tội phạm?... Nhất thiết phải có giấy tờ và một cái tên nào đó hay sao?... Phải chăng việc đó khiến con người hoàn toàn đổi khác?...

Người ta đã giải thích cho ông biết bao lần rằng không thể nào không có họ tên. Và cuối cùng ông buộc lòng phải thừa nhận là họ đúng. Nhưng ông sợ phải nghĩ đến điều đó. Mỗi khi ông bắt đầu nghĩ, tự nhiên ông có những cảm giác hết sức lạ lùng: dường như ông quên mất một điều gì đó vô cùng quan trọng. Và đột nhiên những ý nghĩa bị một nỗi lo lắng nóng bỏng chế ngự chạy hỗn loạn về mọi hướng cuộn thành một mớ rối tung rối mù, giằng xé một cách tuyệt vọng, giống như một con vật đột nhiên bị một nỗi sợ hoang dã nào đó đe dọa vậy: chúng quay cuồng mỗi lúc một nhanh hơn, vô nghĩa, vô mục đích, để rồi sau đó chúng rời rã ra thành từng mảnh, thành những tấm rách bươm kỳ dị, giống như những quái vật không ra hình thù gì, không chút nội dung gì cả, mà vẫn sống động, chúng phồng trương lên thành một cuộn bông khổng lồ choán hết cả sọ não.

Trong những giây phút như thế ông lại cảm thấy một cơn hoảng loạn kinh hoàng vô cùng. Ông ngỡ mình như sắp hóa điên, sắp loạn óc đến nơi rồi và trước cơn thảm họa đang tiến lại gần ông là một kẻ bất lực, vô vọng và sẽ chết mất xác. Bởi lẽ trong cái hỗn loạn kinh khủng kia không có một giây nào ông không tỉnh táo. Đâu đó bên trong bộ não, hình như có một dụng cụ chính xác nào đó, hoàn toàn thản nhiên, ghi lại mỗi một triệu chứng, mỗi một pha biến đổi. Và cái ấy chính là nỗi thống khổ lớn nhất.

Ông gắng sức một cách vô ích, cố thoát ra khỏi vũng lầy đang nuôi sống ông. Ngừng suy nghĩ, tập trung toàn bộ chú ý và một vật nào đó, tự cứu lấy mình. Chỉ duy nhất có nỗi đau đớn thể chất mang lại cho ông một chút nhẹ nhõm. Ông cắn ngập răng đến tứa máu vào thân mình, ông gặm hay và đập đầu vào tường cho đến khi kiệt sức ngất đi.

Và khi ấy, ông nằm bất tỉnh, hoàn toàn kiệt sức, như đã chết.

Vì vậy ông sợ lắm, ông sợ lắm, một nỗi sợ hãi kinh tởm đối với ký ức của chính mình. Ông sợ tất cả những gì có thể đánh thức trong ông ý muốn nhìn vào đám sương mù của quá khứ; và cái bóng tối quái đản không tài nào xuyên thấu, cứ luôn luôn níu kéo ông như một vực thẳm há hoác miệng.

Cũng vì vậy những cuộc tra hỏi như ở đồn cảnh sát vừa rồi đối với ông là những cuộc tra tấn nặng nề, và khi được nằm một mình, biết rằng mối đe dọa về cơn kịch phát của bệnh đã qua, ông lại cảm thấy vui mừng vì bị giam vậy.

Song những cuộc bắt giữ của cảnh sát, nỗi dày vò của những lần xét hỏi và mối đe dọa của các cơn kịchphát khiến ông nghĩ đến chuyện nhất thiết phải tự vệ để chống lại tất cả những điều phiền toái kia trong tương lai. Chỉ có một cách duy nhất để làm được điều đó mà thôi: có giấy tờ. Và bởi lẽ bằng con đường hợp pháp không có cách gì kiếm được giấy tờ, cần phải đánh cắp chúng, phải lấy của một người nào đấy.

Ông chưa rõ sẽ thực hiện điều ấy ra sao, nhưng ông đã quyết.

Sáng sớm hôm sau người ta giải ông lên huyện, nằm tại một thị trấn lớn cách đầy chừng hơn mươi cây số. Tòa hành chính huyện bố trí trong một khu nhà lớn, xây bằng gạch. Viên cảnh sát để ông ở lại tầng dưới, dưới sự trông coi của một cảnh binh đang giữ mấy người bị bắt nữa. Sau một hồi lâu chờ đợi, người ta bắt đầu gọi lần lượt từng người một lên tầng trên, nơi bố trí tòa án của huyện.

Một người nhân viên trẻ tuổi, béo múp míp, ngồi sau chiếc bàn trải dạ xanh chất ngập giấy tờ. Anh ta xử rất nhanh. Khi tới lượt người đàn ông rậm râu, hình như anh ta có những nghi vấn nào đó, bởi lẽ anh ta bắt ông đợi một lát. Viên cảnh sát bên đưa ông ra ngoài, dẫn sang một phòng bên cạnh. Ở đấy, có một ông già ngồi bên bàn đang viết lia lịa. Căn phòng rất nhỏ. Người đàn ông rậm râu ngồi xuống chiếc ghế băng đặt cạnh cửa sổ, bắt đầu quan sát công việc của ông già vì chẳng biết làm gì hơn. Trên bàn là hàng chồng giấy tờ. Có những thứ đơn từ có dán tem đóng dấu thị thực, có những tấm giấy báo nhiều màu, và người đàn ông rậm râu chợt rùng mình; gần sát ngay chỗ ông ngồi là một tập giấy gài ghim cặp, trên cùng là một tờ giấy chứng nhận. Đó là giấy khai sinh. Giấy ghi tên An-tô-ni Kô-si-ba, sinh quán ở Ka-lis. Ông nhẩm tính tuổi: 52. Dưới cùng là con dấu.

Người đàn ông rậm râu liếc nhìn viên cảnh sát, y đứng quay lưng lại và đang đọc một thông báo nào đó dán trên cửa ra vào. Bây giờ chỉ cần đặt chiếc mũ lên bàn che trùm lên tập giấy tờ.

- Yêu cầu bỏ cái mũ kia ra, - ông già bực mình gắt - Hắn tìm được chỗ để mũ tốt gớm chưa kìa.

- Xin lỗi, - người đàn ông rậm râu lầm bầm lôi cả mũ cùng tập giấy tờ kia cuộn lại thành một cái ống đút vào túi.


Dĩ nhiên, ngay lần này ông chưa thể sử dụng những giấy vừa kiếm được và bị phạt giam ba tuần vì tội lang thang chuyên nghiệp.

Sau ba tuần ấy, ông ra khỏi nhà giam của huyện và lên đường đi vào cuộc đời, với họ tên An-tô-ni Kô-si-ba.

Nguồn: truyen8.mobi/t110302-thay-lang-znachor-chuong-3.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận