Tiếng Dương Cầm Trong Mưa Chương 14


Chương 14
Nhà cho con

Tôi là con gái đầu lòng. Năm tôi bốn tuổi, mẹ sinh em Long. Cha tôi mừng lắm. Có một đứa con để “nối dõi tông đường” và để “chống gậy” cho cha. Vui nhất là cha có thể nói to với các bạn đồng nghiệp của mình về con gái, con trai, được ngồi “mâm trên” khi có đám giỗ.

Mẹ rất yêu cha, lo lắng hết mọi chuyện trong nhà. Cha hầu như vắng nhà, ít có thời gian chăm sóc hai chị em tôi.

Em Long dễ ăn, dễ ngủ, mẹ đi làm gửi ai trông cũng được, mẹ thường bảo trời thương cha mẹ vất vả, hiền lành nên phù hộ, cho em dễ nuôi như củ khoai củ sắn. Tôi còn nhỏ, chưa biết gì, nhưng tôi yêu em trai lắm. Khi cha mẹ đi làm, gửi em cho bà cụ nhà hàng xóm, tôi lại tha thẩn bên cạnh em, khi lau miệng, khi làm cô giáo dạy em tập nói, khi lại giả vờ làm mẹ để dỗ em.

Căn nhà của gia đình tôi nhỏ xíu, kê được một chiếc giường gỗ ba xà cũ kỹ cho cả nhà cùng ngủ. Không gian còn lại đủ trải hai chiếc chiếu đôi cho hai chị em tôi ngồi chơi. Em Long được hai tuổi, cha mẹ dành dụm những đồng tiền lương ít ỏi, những đồng tiền do mẹ trồng rau, chăn nuôi, mua một miếng đất xây nhà mới cho các con đỡ khổ. Cha mẹ mua được một miếng đất rộng trên triền đồi, cách nhà một cây số. Cùng nhau quy hoạch miếng đất, cuốc đất trồng cây. Nào mít, nào khế, nào ổi. Thơm trồng kín hai bên sườn đồi, hoa hồng trồng ở trước cửa nhà. Mẹ bảo để khi xây xong nhà, hai đứa con chuyển về ở có đủ hoa thơm, cây ra trái để ăn, để hóng mát.

Chủ nhật được nghỉ, cha mẹ tôi tự đóng gạch (bằng tàn của than tổ ong), tự kéo xe bò chở vôi, cát, đá lên đồi để đổ móng, xây nhà. Cứ như vậy, và tôi không thể hiểu nổi bằng cách nào trong hai năm, ngôi nhà ngói ba gian nho nhỏ đã xây xong, xinh xắn.

Chị em tôi được cha mẹ chở sang  nhà mới, khi cha mẹ đang quét vôi hoàn tất nốt căn nhà. Đất ở đó rất tốt, ổi, mít đã  bói quả. Mẹ trồng hai bụi hoa hồng, một màu trắng muốt, một màu hồng phấn đã cao ngang vai người. Hai bụi hồng nở đầy hoa, bông nào cũng to như cái chén ăn cơm, thơm nức mũi. Tôi thích hái những bông hồng đã nở to hết cỡ để chơi đồ hàng, còn bứt cánh hoa để nhấm nháp nữa, tôi vẫn nhớ vị ngọt hơi chát và mùi thơm dìu dịu.

Cha mẹ dự định cuối năm hoàn tất sẽ sang nhà mới. Cả nhà vui lắm.

Em Long còn nhỏ nhưng nghộ nghĩnh, hay hỏi những câu rất khó trả lời. Một hôm, khi cha đang sửa chiếc xe đạp, em cũng loay hoay quay bánh xe, vặn ốc vít, tập làm người lớn. Bỗng nhiên em hỏi:

“Cha ơi, thế xe đạp có đổi được người không cha?”

Cha tôi ngạc nhiên ôm em vào lòng: “Không, con trai của cha ạ, không có gì đổi được người cả, người là quý nhất”

Em lại nói: “ Thế con người có sống mãi không cha?”. “Người đến khi già yếu quá rồi thì sống thế nào được con, như cụ cố của mình do già yếu quá đã mất rồi”

“Nhưng con không muốn chết đâu, con muốn sống mãi cơ, vì chết phải chôn ngạt thở lắm cha ạ”.

Những câu nói của em tưởng chừng như vô tình. 

Vào ngày thứ hai của tuần, khi cha đã đi làm, em Long đang chơi bình thường bỗng bị sốt rất cao, đôi mắt thất thần, người lả đi. Mẹ lo lắm vì em tôi ít ốm vặt, chưa bao giờ sốt. Mẹ nhắn gọi cha về để đưa em đi bệnh viện Hồng Gai cách đó 30 cây số. Trong khu nhà tôi ở mọi người đi làm cả, không có phương tiện nào để đi. Cha đang bận tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm đơn vị nên không thể về được. Cha nhắn mẹ cứ yên tâm, cho uống hạ sốt, đưa vào bệnh xá của bộ đội. Chờ cha xong việc sẽ về chở đi. 

Các bác sỹ trong trạm xá khám nói em Long bị cảm nắng. Tối cha xong việc về, em đã mê man. Chở em ra bệnh viện. Tất cả các bác sỹ tập trung cấp cứu, tiêm, cạo trọc đầu tìm ven để chuyền huyết thanh, chọc cột sống hút tủy, đè em ra để làm mọi xét nghiệm, nhưng cuối cùng, bác sỹ cúi mặt lắc đầu. Em không còn cảm nhận sự đau đớn. Tất cả các y bác sỹ trong khoa, bệnh nhân các buồng bên cạnh nhìn thấy em đều rơi nước mắt. Bác sỹ chữa bệnh cho em buồn lắm, nếu nhập viện sớm hơn một chút thôi khả năng sẽ cứu được em. Em Long bị viêm màng não!

  Em nằm đó, mắt nhắm thiêm thiếp, hơi thở phập phồng lúc khỏe, lúc yếu, đầu bị cạo trọc, dán băng nhiều chỗ sau khi tìm ven truyền huyết thanh. Ốm nặng như thế, nhưng gương mặt em vẫn tròn trĩnh, toát lên vẻ phương phi, thông minh. Thỉnh thoảng em lại co giật, tội lắm. Có lúc, em bỗng mở choàng mắt ra, nhìn xung quang rồi gọi to nhiều lần: Mẹ ơi, cha đâu rồi? - Cha vội vàng ôm em nhưng em lại thiếp đi. Cha và mẹ đều khóc. Các y bác sỹ cũng khóc. Thương em quá!

Sau ba ngày sốt liên tục như vậy, em mất. Mắt mẹ thâm quầng vì mất ngủ và khô cạn hết nước mắt, nói không ra hơi nữa. Còn cha như người tâm thần, gầy rộc, không ăn uống được gì, đi đứng liêu xiêu.

    Mộ của em được đặt trên đồi thông lộng gió. Cha trồng hai cây thông non trên mộ để đánh dấu. Ngày nào cha cũng lên thăm em, đắp thêm đất vào mộ cho em. Từ khi em Long mất, các chú ưu tiên cho cha có được nhiều thời gian hơn, ít phải tiếp khách hơn. Nhưng để làm gì, em đã mất rồi! Giá như... trước đây cha về sớm nửa ngày đưa em đi viện!

Một thời gian sau, cha mẹ tôi vẫn chưa hết suy sụp. Không ai nhắc đến việc chuyển sang nhà mới ở nữa. Ngôi nhà mới khoá lại, cây cối không ai trông nom, cỏ hoang mọc đầy trong vườn, bọn trẻ con hàng xóm thỉnh thoảng sang hái mít, hái ổi ăn khi thấy quả chín toả hương thơm lừng. Có người duy tâm cho rằng, ngôi nhà đó không hợp với tuổi cha mẹ tôi.

Cũng từ sau đó, tôi hơi sốt cao một tí là cha mẹ vội vàng khăn gói đưa đi bệnh viện, dù ngày, dù đêm.

Ba năm trôi qua, nhưng nỗi buồn, mất con, sự ân hận, dằn vặt trong lòng vẫn còn đọng lại và ám ảnh cha mẹ tôi mãi. Căn nhà mới được bán đi với giá thật rẻ: hai chỉ vàng. Cha mẹ gói kỹ qua nhiều lần vải, ni lông rồi cất sâu trong rương, hầu như không bao giờ mở ra.

Thời gian trôi, trôi mãi. Cha mẹ tôi không sinh thêm được em nào nữa. Mỗi khi có ai hỏi anh chị được mấy cháu, hoặc khoe tôi có trai gái đủ cả, cha mẹ tôi lại buồn.

Trên đồi thông nhìn ra biển, gió thổi mát vi vu quanh năm, hai cây thông non cha tôi trồng làm dấu đã thành hai cây thông lớn, vững chãi, che mưa nắng cho mộ em. Em nằm đó, có thấu hiểu tấm lòng cha mẹ không?

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83618


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận