Văn Viễn bị điểm mê huyệt nằm ngủ li bì đến sáng hôm sau mới thức giấc. Ông tỉnh dậy ngơ ngác nhìn quanh mà cất tiếng gọi Ác Ma Song Tẩu mấy lần. Tên tiểu nhị đang lui cui dọn dẹp phòng liền đáp:
- Hai vị đó tối qua đã đi rồi. Bọn họ còn trả hết tiền phòng. Khách quan muốn ở lại bao lâu đều tùy ý!
Văn Viễn nghe vậy thì thảm nảo nói:
- Hai vị tiền bối cũng bỏ ta mà đi sao?
Ông càng nghĩ càng thấy đau đớn không kềm được mà bật khóc. Tên tiểu nhị không hiểu cớ sự gì. Hắn đứng gãi đầu gãi tai một lúc liền vội vàng chuồn êm. Văn Viền cứ ngồi trên giường mà khóc lóc thê thiết. Ông thấy mình bây giờ không khác gì trẻ côi nhi bị hắt hủi, càng mủi lòng mà khóc lớn.
Bất chợt có tiếng gõ cửa bên ngoài. Văn Viễn tưởng tên tiểu nhị vừa rồi nên nói:
- Ta không cần gì cả! Ta chỉ muốn yên tĩnh một mình! Ngươi đi đi!
Tiễng gõ cửa vẫn vang lên tiếp. Văn Viễn ngửi được mùi son phấn thì ngơ ngác:
- Không phải mùi của bà bà thần tiên! Cũng không phải là mùi của các vị tiểu thư Mai Hoa Trang! Nữ nhân nào mà tìm ta? Ta có còn quen ai đâu?
Ông vội vàng lau nước mắt rồi hỏi:
- Ai ở bên ngoài? Cửa phòng không khóa!
Ông vừa nói xong thì cửa phòng lập tức mở ra. Một nữ nhân chừng hai mươi lăm hai mươi sáu tuổi bước vào. Văn Viễn nhận ra người này hôm qua đã giả làm tiểu nhị mà tra hỏi ông ở Thính Vũ Đài. Nữ nhân không nói không rằng thoát cái đã rút kiếm kề sát cổ Văn Viễn. Nàng ta gằn giọng:
- Ngươi mau nói thật cho ta biết! Phan Khôi Diện có đưa cho ngươi món đồ gì hay không?
Văn Viễn thấy lưỡi kiếm sáng loáng thì sợ hãi đáp:
- Không…không có! Thật sự không có!
Nữ nhân kia cau mày lắc nhẹ tay đã cứa trên cổ Văn Viễn một đường tươm máu. Ông càng sợ hãi nói:
- Tại hạ với Phan Khôi Diện chỉ là bèo nước gặp nhau. Làm sao hắn có thể giao vật gì đó được? Tại hạ chỉ thấy hắn sắp chết nên mới nhận lời giúp mà thôi!
Nữ nhân kia nghe vậy cũng có lý:
- Đúng là hắn không thể tùy tiện đưa vật quý giá như vậy cho người mới gặp được! Nhất định bọn U Minh Cung đã lấy mất rồi!
Nữ nhân thở dài rồi thu kiếm. Nàng ta nhìn Văn Viễn, lại hỏi:
- Phan Khôi Diện còn dặn dò điều gì hay không?
Văn Viễn ngẫm nghĩ thấy nàng này có thể là người đã hẹn với họ Phan. Ông bèn đáp:
- Phan Khôi Diện chỉ nói vì tin người không phòng bị nên tử thương chết không sao nhắm mắt được!
Nữ nhân kia lúc này chợt hiện nét thương tâm trên mặt. Nàng ta vái Văn Viễn một cái mà nói:
- Đa tạ đã chuyển lời! Mấy lần mạo phạm xin đừng trách khứ!
Văn Viễn cũng vái đáp lễ:
- Không dám! Chỉ là giúp việc mọn, nào dám kể công!
Nữ nhân nhìn thấy Văn Viễn từ hành động đến lời nói đều ôn nhu không chút gian xảo thì ưng bụng. Nàng ta nói:
- Sau này không nên tự tiện kể chuyện với ai! Bằng không thân sẽ gặp nguy hiểm!
Văn Viễn nghe vậy liền vái tạ:
- Tại hạ đã biết!
Ông nghe nữ nhân hơi thở có chút nặng nề vội hỏi:
- Hình như cô nương đã có bệnh trong người? Tại hạ y thuật có chút hiểu biết! Để tại hạ xem thử tâm mạch cô nương thế nào?
Nữ nhân không ngờ ông lại đoán được mình bị thương thì kinh hãi. Nàng ta cho rằng ông nhất định y thuật cao minh liền không do dự mà ngồi xuống. Văn Viễn nắm lấy mạch môn của nàng nghe ngóng. Một lúc sau Văn Viễn nói:
- Cô nương trong người có ba huyệt đạo bị nghẽn lại, tuy nhiên phải trực tiếp xem xét tại hạ mới biết là huyệt đạo nào. Hình như cô nương là do tự mình làm bị thương không phải do người khác tác động!
Nữ nhân nghe vậy càng phục trong bụng. Nàng ta quả nhiên là do luyện công quá mức mà bị nội thương. Nàng ta định hỏi phương cách chữa trị thì bốn bề đều có tiếng bước chân vội vã. Nàng ta liền đứng phắt dậy:
- Không xong! Kẻ thù đã đến truy kích!
Nàng ta toan phóng người ra ngoài bỏ trốn. Tuy nhiên phòng này lại nằm tận lầu mười cách mặt đất mấy chục trượng cao. Xung quanh lầu Vọng Nguyệt lại trơ trọi không có gì để bám víu. Nàng dầu khinh công siêu việt, nhảy ra tất nhiên sẽ bị đám người kia phát hiện.
Văn Viễn thấy nàng ta chần chừ thì vội nói:
- Cô nương đang mang thương thế không thể dùng sức được, chi bằng cứ chui xuống gầm giường mà ẩn thân. Bọn người kia không thù oán với tại hạ, tự nhiên sẽ không làm khó dễ!
Nàng ta nghe có lý vội vàng chui lọt dưới gầm giường. Vừa lúc đấy đã có mấy chục tên U Minh Cung tràn vào phòng vây kín Văn Viễn. Văn Viễn thấy tên nào đeo mặt nạ quỷ cũng trừng mắt giận dữ thì la thầm trong bụng.
Một tên chỉa kiếm vào mặt ông mà quát:
- Cô nương vừa rồi đến tìm ngươi đâu?
Văn Viễn cố trấn tỉnh mà đáp:
- Làm…làm gì có cô nương hay tiểu thư nào? Tại hạ làm gì có cô nương nào mà đến thăm viếng?
Một tên trong bọn liền nhận ra ông:
- Đây chẳng phải là kẻ làm loạn ở Gia Lăng hay sao? Chúng ta bắt về cho thiếu cung chủ xử lý!
Văn Viễn nghe vậy thì càng sợ hãi. Ông lần trước ở Gia Lăng tự nhận là Cầm Điệp Cuồng Sinh mà gây sóng gió. Ông phen này nghĩ rằng nếu bị lọt vào tay Quỷ Công Tử nhất định khó sống nổi. U Minh Cung Chủ đánh tử thương bà bà thần tiên , tất nhiên cũng đoán bà bà đã chết. Chúng sẽ không còn e dè mà nương tay với ông.
Ngờ đâu tên ban đầu lại nói:
- Hắn chỉ là kẻ mạo danh! Bắt hắn về cũng vô dụng mà thôi!
Văn Viễn nghe vậy liền thở phào nhẹ nhỏm. Mấy tên U Minh Cung thi nhau lục lọi khắp phòng vẫn không tìm thấy gì thì mắng chửi liên hồi. Bọn chúng lại vây Văn Viễn mà tra vấn liên tục:
- Ngươi mau nói cô nương kia đâu rồi! Bằng không bọn ta nhất định sẽ nặng tay!
Văn Viễn đáp:
- Thật sự là không có cô nương nào đến đây! Tại hạ không dám nói dối!
Tên kia điên tiết chém liền một kiếm. Văn Viễn sợ hãi vội vận công lực mà giơ tay đỡ bừa. Tên kia liền la hự rồi bị hất văng ra xa. Trên ngực hắn bị một lớp băng đóng trắng xóa. Bọn người U Minh Cung đùng đùng nổi giận múa kiếm ập vào. Văn Viễn hoảng loạn cứ dồn công lực mà đánh bừa khắp phía. Bọn U Minh Cung trúng phải đều bị hàn nhiệt công tâm té bật ra nằm ngay đơ. Văn Viễn đánh một lúc thì bình tâm lại. Ông dồn công lực mà bật tràn cười điên loạn. Văn Viễn đã mấy lần dùng Loạn Tiếu Mệnh thành ra cũng đã thông thuộc. Ông cười một tràn thì không còn tên U Minh Cung nào có thể đứng vững được trong phòng. Nữ nhân kia nằm dưới giường tâm mạch cũng chấn động.
Văn Viễn thu lại tiếng cười. Bọn người U Minh Cung tan hồn khiếp vía nên vội vã dìu nhau mà chạy trốn. Chớp mắt đã không còn một bóng. Văn Viễn đợi cả bọn đi khỏi mới lật đật khom người ngó xuống giường. Nữ nhân kia đang ói mấy ngụm máu lớn, tất nhiên là do bị Loạn Tiếu Mệnh đả thương.
Văn Viễn vội vàng kéo nàng ta ra. Ông dựng nàng ngồi dậy mà dùng hàn nhiệt truyền sang. Nàng ta thấy vậy liền mượn nội hàn của Văn Viễn đả thông hết thảy kinh mạch. Các huyệt bị thương tổn tức thì không còn đau nhức. Nàng ta cứ mượn nội lực Văn Viễn như vậy hơn nửa canh giờ lập tức sắc mặt đã tươi tỉnh. Nàng nghe khí lực trong người tràn trề vui mừng khôn xiết. Vốn nàng ta bị nội thương nên dầu công lực cao cũng không thể dùng được. Thành ra bị Loạn Tiếu Mệnh công tâm, nàng vô phương chống đỡ.
Nàng ta thấy Văn Viễn tuy chỉ mới gặp mặt nhưng sẳn lòng truyền công dưỡng thương thì biết ông là người hào sảng. Thông thường kẻ tập võ quý công lực còn hơn tính mạng. Nếu không phải là thân hữu hay tình nghĩa thâm nặng, nhất định sẽ chẳng có chuyện vô duyên vô cớ cho kẻ khác mượn công lực dưỡng thương. Nữ nhân kia vì vậy càng kính phục Văn Viễn.
Nàng ta sau khi đã hồi phục hoàn toàn thì nói:
- Đã xong rồi!
Văn Viễn nghe vậy liền buông tay. Nữ nhân kia đứng dậy thấy ông hơi thở vẫn bình thường thì càng phục nội công thâm hậu. Nàng nghĩ đến lúc mới bước vào đã kề kiếm lên cổ Văn Viễn, đúng là hấp tấp. Ví như lúc đó ông phát công đánh, nàng nhất định đã thảm bại.
Nàng ta vái sâu một cái nói:
- Chỉ là bèo nước gặp gỡ, lại còn mạo phạm nhiều lần, huynh vẫn sẳn lòng giúp đỡ! Phong Tuệ Nhã thật vô cùng cảm kích!
Văn Viễn nghe nàng xưng tên liền ồ lên:
- Phải chăng cô nương là Dạ Hành Phong Tuệ Nhã?
Phong Tuệ Nhã đáp:
- Huynh đã giúp Phan đệ chứng tỏ lòng không hề ham muốn chuyện tranh đoạt. Ta cũng không giấu. Ta chính là Tam Nương Phong Tuệ Nhã của Hoa Sơn Thất Hiệp. Ta cũng là người đã hẹn Phan Khôi Diện ở Thính Vũ Đài! Ta luyện công sai phương thức nên bị nội thương. Định nhờ Phan đệ cho mượn mấy trang Tử Hà Thần Công mà chữa trị. Ngờ đâu Phan đệ nửa đường đã bị hại mất! May có huynh ra tay chữa thương!
Văn Viễn cười hì hì luôn miệng đáp:
- Chỉ là chút chuyện xin Phong tiểu thư đừng để bụng!
Văn Viễn nói vậy nhưng lại thầm nghĩ:
- Phan Khôi Diện trước lúc chết vẫn một mực tặng mấy trang Tử Hà Thần Công cho ta! Ta hỏi hắn có thân thích nào không, để ta mang đến, hắn vẫn nhất mực khăng khăng tặng cho ta! Hoặc là hắn không biết Phong Tuệ Nhã muốn mượn bí kíp để chữa thương, hoặc là bên trong còn có điều bí ẩn! Ta cứ vờ như không biết là tốt hết!
Phong Tuệ Nhã sợ bọn U Minh Cung lại kéo đến liền bái biệt. Nàng ta trước khi đi không thôi dặn dò Văn Viễn cẩn thận. Nàng nói xong chỉ nhấc chân bóng dáng đã mất biệt. Văn Viễn ước lượng khinh công cao không thua kém gì bà bà thần tiên hay Ác Ma Song Tẩu. Quả nhiên ngoại hiệu Dạ Hành không hề thổi phồng quá đáng.
Văn Viễn một mình ngồi xuống mà tư lự:
- Phan Khôi Diện trước khi chết đã tặng tấm da có yếu quyết của Tử Hà Thần Công. Lẻ ra ta phải đưa cho Phong Tuệ Nhã mới đúng! Nhưng họ Phan đến chết cũng chỉ muốn tặng nó cho ta, còn dặn dò không được mở miệng cho ai biết. Nhất định hắn đã nghi trong Hoa Sơn Thất Hiệp có kẻ làm phản. Hắn sợ ta không may đưa cho kẻ đó thành ra họa lớn! Xem ra Tử Hà Thần Công phải rất kỳ diệu!
Văn Viễn càng nghĩ càng tò mò. Ông bèn đứng lên đóng hết cửa lại mới ngồi xuống giường nghe ngóng. Khi chắc chắn không còn kẻ nào rình mò xung quanh, Văn Viễn mới lục trong người lấy tấm da dê của Phan Khôi Diện ra xem. Dòng chữ đầu tiên viết:
- Luyện khí thường bế tắc. Do tham cầu thành công. Biết dừng lại tức thì. Không siêng cần vẫn đạt!
Văn Viễn ngẫm nghĩ thấy chân lý thật sâu sắc. Phàm ai được luyện công phu thượng thặng đều muốn mau chóng thành tựu. Do nóng vội nên luyện công nhất định bị bế tắc không sao vượt qua được. Văn Viễn thường ngày ở Ứng Kê luyện chữ đôi lúc cũng hấp tấp thành ra không tiến triển được gì. Ông phải ngơi nghỉ thời gian cho tâm tính bình lặng mới có thể viết tiếp được. Chân lý trên quả nhiên đúng cả văn lẫn võ.
Văn Viễn tấm tắc khen lại tiếp tục đọc. Thì ra bên dưới là các yếu quyết về điều dưỡng công lực. Văn Viễn càng đọc càng phục tiền bối sáng tạo ra Tử Hà Thần Công. Người này đã biết hậu nhân đời sau của phái Hoa Sơn khi tập luyện không tránh được lao lực quá mức. Cho nên tiền bối sáng tạo thần công đã dành riêng bảy trang chỉ cách tu dưỡng nội hàm thân thể. Mấy khẩu quyết này thật sự lọt vào tay kẻ thường hay nội lực yếu kém thì xem như vô dụng. Tuy nhiên Văn Viễn lúc này công lực hùng hậu. Ông lẩm nhẩm vừa đọc vừa nghiền ngẫm tự nhiên thấy hàn nhiệt tụ hết về căng đầy đan điền. Hàn nhiệt không tỏa đi mà cứ tích tụ liên tục. Văn Viễn không để ý đến cứ nhìn theo yếu quyết trên tấm da mà đọc tiếp.
Ông đọc đến giữa chừng tự nhiên nghe mấy tiếng răng rắc. Ông ngơ ngác nhìn quanh thì giật mình. Hóa ra từ quần áo ông đang mặc trên người đến chăn nệm đều bị đóng một lớp băng lớn. Văn Viễn vô tình cử động đã khiến lớp băng bị rạn vỡ phát ra tiếng kêu răng rắc. Vốn hàn nhiệt tích tụ đầy đan điền liền phát ra ngoài. Hàn nhiệt trong người Văn Viễn hùng hậu nên khi thoát được liền bám đầy lên xung quanh.
Văn Viễn mừng rỡ. Ông nhớ lại lời trăn trối của Phan Khôi Diện càng khâm phục hắn. Hắn quả nhiên là thông thuộc các môn nội công trong thiên hạ. Hắn trước lúc chết vẫn chắc chắn Văn Viễn chỉ cần tập theo thần công sẽ mau chóng thành tựu đến cảnh giới thượng thừa. Hắn đã biết được nội công Văn Viễn thâm hậu chỉ là không biết cách tự dưỡng nên khí lực cứ tán loạn bừa bãi. Bây giờ ông chỉ mới đọc thử yếu quyết lập tức đã có công hiệu. Văn Viễn càng nghĩ càng phục Phan Khôi Diện vô kể.
Ông nhìn xuống bên dưới tấm da dê thấy vẽ mấy hình người đang ngồi tọa thiền. Ông đọc chú giải thì biết là cách điều hòa khí lực đi khắp thân thể. Văn Viễn không chần chừ liền bắt chước hình vẽ mà ngồi. Cả thảy có mười sáu đồ họa. Mỗi một hình đều có vẽ hướng mũi tên chỉ từ đan điền đi đến kỳ kinh bát mạch. Văn Viễn sẵn có nội công thâm hậu nên dễ dàng lãnh ngộ. Ông vận khí điều tức, quả nhiên là hàn nhiệt lưu thông nhanh hơn thông thường bội lần. Hàn nhiệt đến đâu, xương cốt Văn Viễn kêu răng rắc đến đó, tinh thần vô cùng sảng khoái.
Văn Viễn chưa kịp vui mừng thì nghe bên tai có mấy tiếng động. Ông vội vã nhét tấm da dê vào trong người. Văn Viễn ngửi thử mới giật mình phát hiện đã có kẻ đứng bên ngoài từ lâu. Kẻ này thấy Văn Viễn hành động như vậy cũng xô cửa xông vào:
- Thì ra ngươi đang giữ Tử Hà Thần Công của Phan Khôi Diện! Mau đưa cho bổn tọa!
Người này đeo một mặt nạ quỷ màu bạch kim thân hình lại cao dong dỏng. Văn Viễn thấy liền biết hắn nhất định là người của U Minh Cung. Ông mấy lần giáp mặt bọn U Minh Cung đều để ý chỉ có hai loại mặt nạ đen đỏ. Ông nhìn tên này mang mặt nạ bạch kim ước chừng là kẻ có vai vế lớn. Văn Viễn liền chối:
- Tử Hà…Thần Công gì đó tại hạ nào biết?
Tên kia cười hà hà đáp:
- Ta đã tận mắt thấy ngươi còn giấu làm gì? Ngươi nhất định đã gặp Phan Khôi Diện trước lúc chết. Khôn hồn mau đưa Tử Hà Thần Công cho ta! Đừng để có kết cục như tên họ Phan!
Văn Viễn nghe vậy liền đoán tên này nhất định là Tứ Đường Chủ U Minh Cung. Văn Viễn lại nhớ đến Nhị Đường Chủ Lạc Tín Phủ. Ông thầm so sánh tuy tên này thua hai bậc nhưng chắc chắn nội lực không kém bao nhiêu. Văn Viễn đã mấy lần thấy Lạc Tín Phủ trổ thần oai nên càng để dạ phòng bị tên Tứ Đường Chủ này.
Tứ Đường Chủ lại nói:
- Ngươi với tên họ Phan không thân thích. Ngươi cũng không biết Tử Hà Thần Công dùng cách nào. Nếu ngươi tập bừa nhất định sẽ bị tẩu hỏa nhập ma mà chết. Bổn tọa không làm khó. Chỉ cần ngươi đưa ra, ta nhất định để ngươi tự do đi!
Văn Viễn nhẩm tính không thể cứ quanh co chối mãi bèn đáp:
- Tử Hà Thần Công nằm trong tay ta. Tuy nhiên nó cũng không phải của các người. Sao các người có thể đòi được? Phan Khôi Diện trước khi chết đã tặng ta thì tự nhiên nó là của ta mà thôi!
Tứ Đường Chủ thấy ông cương quyết bèn cười nhạt:
- Giỏi lắm! Ta phân nặng nhẹ ngươi lại không nghe! Phải để cho ngươi thấy một chút lợi hại!
Hắn dứt lời liền xòe tay giáng thẳng một chưởng. Văn Viễn có lòng phòng bị trước nên kịp dùng Du Ảnh Biến mà né tránh. Hắn hụt một chưởng vội vàng sửa thế tấn công liên hồi. Văn Viễn cứ như bóng ma lạng qua lạng lại khắp phòng khiến tên Tứ Đường Chủ đánh hơn hai mươi chưởng chỉ toàn trúng vào không khí.
Tứ Đường Chủ liền nổi giận. Hắn lúc này không thèm xuất chưởng mà bám theo Văn Viễn, cuối cùng đã dồn ông vào mọt góc phòng. Hắn cười nhạt vận công lên hai tay tống thẳng ra. Nội kình chưa chạm đến, Văn Viễn đã nghe lồng ngực bị ép lại. Ông không còn đường nào thoát bèn dồn hàn nhiệt mà đón đỡ. Chỉ nghe binh một tiếng, Văn Viễn vẫn đứng nguyên tại chổ. Tên Tứ Đường Chủ đã bị đẩy lùi lại hơn ba bước chân. Rõ ràng nội kình của hắn còn thua Văn Viễn một bậc.
Văn Viễn lúc này liền tự tin không còn sợ hãi. Ông nhớ lại cái dẫn khí của Tử Hà Thần Công mà phát hàn nhiệt ra ngoài. Chớp mắt ông đánh liền năm sáu chưởng liên tiếp. Tên Tứ Đường Chủ mỗi lần đón đỡ đều phải lùi lại mấy bước chân. Trong phút chốc, hắn đã bị Văn Viễn đẩy ra sát tận cửa phòng.
Văn Viễn mừng rỡ toan dồn hết hàn nhiệt ở đan điền tống một chưởng đánh văng Tứ Đường Chủ ra khỏi phòng. Ngờ đâu hắn bỗng nhiên như thành người khác. Hắn chỉ tung một chưởng đã đánh bật Văn Viễn trở lại góc phòng. Văn Viễn hai tay tê buốt ngơ ngác không hiểu vì sao trong nhất thời Tứ Đường Chủ công lực bất ngờ thăng tiến vượt bậc. Ông nhìn lại thì thấy quanh người hắn đã bao bọc một luồng khí tím nhạt. Văn Viễn há hốc miệng không nói được lời nào.
Ông ở miếu thổ thần đã tận mắt nhìn Ngọc Thủ Trần Quang dùng Tử Hà Thần Công đánh với mấy chục cao thủ. Họ Trần đã bọc một luồng khí tím quanh người. Văn Viễn nhìn tên Tứ Đường Chủ cũng đang dùng thủ pháp tương tự thì nhất định hắn đã luyện qua Tử Hà Thần Công. Trần Quang vóc người to lớn vạm vỡ nên tên Tứ Đường Chủ này nhất định không thể là họ Trần được. Văn Viễn nhớ đến lời trối của Phan Khôi Diện thì nghĩ:
- Tên Tứ Đường Chủ nhất định nằm trong số Hoa Sơn Thất Hiệp. Phan Khôi Diện tin tưởng không phòng bị nên đã trúng ám toán. Thành ra, Phan Khôi Diện đã nhờ ta đến Thính Vũ Đài treo chữ để Phong Tuệ Nhã phòng bị! Kẻ bán đứng nhất định là tên Tứ Đường Chủ này!
Tứ Đường Chủ thấy Văn Viễn đứng ngẩn mặt hoang mang liền đắc ý. Hắn lập tức đánh liên tục mấy chưởng. Văn Viễn càng đỡ càng thấy hai tay đau nhức. Ông hiểu không phải vì nội công thua sút, chỉ là ông chưa biết cách dùng hết hàn nhiệt trong người.
Nghĩ vậy, trong đầu Văn Viễn liền hiện lên các hình vẽ trên tấm da dê. Ông vội tĩnh tâm theo đó mà lưu dẫn khí lực. Tứ Đường Chủ đang áp đảo tự nhiên thấy nội lực Văn Viễn tăng dần thì thấy khó hiểu. Hắn sợ kéo dài sẽ có biến càng đánh rát. Tuy nhiên lúc này, Văn Viễn đã thản nhiên có thể đối chưởng cùng hắn không chút lép vế. Ông theo hình vẽ trước hết tích đầy hàn nhiệt ở đan điền rồi mới từ đó truyền dẫn lên hai tay. Văn Viễn cứ phát chưởng thì đan điền lại căn đầy. Liên tục như vậy, Văn Viễn vô tình ép Tứ Đường Chủ phải đấu nội lực.
Tứ Đường Chủ càng lúc càng bị đẩy lùi thì vừa sợ vừa giận. Hắn chưa nghĩ ra cách ứng biến thì trúng phải hai chưởng rất nặng của Văn Viễn văng ra ngoài cửa phòng.
Tên Tứ Đường Chủ không ngờ Văn Viễn chỉ vừa nhìn qua Tử Hà Thần Công một lần đã có thể vận dụng được. Hắn càng muốn chiếm đoạt mảnh da dê trong người Văn Viễn. Mắt hắn lúc này đã phát hung quang rờn rợn. Hắn nghiến răng khiến cơ thể phát ra tiếng rêu răng rắc. Luồng khí tím bao quanh đã sẫm lại. Văn Viễn biết hắn quyết đánh một đòn để phân hơn thua. Ông cũng tích hết nội lực ở đan điền. Cả căn phòng lập tức đầy khí lạnh lẽo lan tỏa.
Tứ Đường Chủ hét lớn tống thẳng hai chưởng vào Văn Viễn. Kình lực màu tím lao ra nhanh như chớp. Văn Viễn cũng tức thì ứng phó. Một luồng hàn nhiệt lao ra đón đầu. Tứ Đường Chủ nghĩ rằng hai nguồn nội lực giao nhau nhất định sẽ phát sinh chấn động. Hắn liền thủ thế chờ đợi phòng ngừa phản lực. Ai dè luồng khí tím của hắn gặp phải hàn nhiệt tự nhiên tiêu tán hết không còn chút uy lực nào. Hắn sửng sốt mở to mắt mà nhìn hàn nhiệt xông thẳng tới trước ngực. Tứ Đường Chủ trúng chưởng bị đánh văng từ cửa phòng Văn Viễn rơi thẳng xuống đất.
Vốn nội lực hắn luyện là thuần dương. Nội lực Văn Viễn lại là thuần âm. Ví phỏng cả hai nội lực cân bằng tự nhiên phát chưởng sẽ tương đồng không nghiêng về bên nào. Tuy nhiên lúc này, nội hàn trong người Văn Viễn đã cao hơn Tứ Đường Chủ một bậc, thành thử đôi bên giao thủ, nội hàn đã trung hòa hết thảy chưởng lực thuần dương theo kiểu nước tràn đê, cứ thế mà lấn tới. Tứ Đường Chủ dồn hết sức lực cho phát chưởng cuối cùng nên hắn nhất định bị thương rất nặng. Văn Viễn nhân cơ hội đó vội chạy ra thành lầu nhìn xuống. Ông định bụng sẽ thay Phan Khôi Diện mà trả thù. Nhưng tên Tứ Đường Chủ tuy bị rớt xuống vẫn kịp bám lấy một thành lầu tầng dưới để cản bớt lực rơi. Hắn gom chút tàn lực rồi vận khí bỏ chạy biệt tích. Lúc Văn Viễn nhìn thì hắn chỉ còn là cái bóng mờ ở hướng Tây.
Văn Viễn nhớ đến tình trạng thê thảm của Phan Khôi Diện trước lúc chết thì trong lòng hậm hực:
- Ta thật sơ sót! Lẽ ra phải đánh hắn chết để trả thù cho họ Phan. Ta lần sau gặp lại hắn nhất định mạnh tay mà trừng trị!
Văn Viễn đoán chừng bây giờ có đuổi theo cũng không kịp nữa liền thở dài. Ông bước vào phòng mà suy ngẫm:
- Tứ Đường Chủ rõ ràng là một trong Hoa Sơn Thất Hiệp nên mới biết Tử Hà Thần Công! Nam nhân trong bảy tên đó chỉ còn Sầu Thiên Thu, Ân Thương Bá, Tiêu Hàn, Đế Khuyết! Tên Tứ Đường Chủ này thật ra là kẻ nào?
Văn Viễn nhớ vóc dáng của hắn mang máng giống Sầu Thiên Thu. Tuy nhiên, ông ngẫm lại vẫn thấy không phải. Văn Viễn thở dài nói:
- Mấy tên kia ta ngoài Sầu Thiên Thu, ta chưa gặp lần nào, làm sao có thể phân định đúng sai được! Phải cho có bà bà thần tiên ở đây thì hay quá. Bà bà thần tiên nhất định sẽ biết là kẻ nào!
Văn Viễn cả ngày toàn găp chuyện giao tranh nên tâm trí xao nhãng. Tuy nhiên giờ ông vô tình nhắc bà bà thần tiên thì đáy lòng lại não nùng. Văn Viễn ngó thấy góc giường vẫn còn tấm khăn lụa màu đen mà Bạch Mi bà bà đưa cho. Ông cầm lên lệ tự nhiên lăn hai dòng dài. Văn Viễn nghĩ:
- Lúc ta bị nguy khốn ở Gia Lăng, bà bà thần tiên nhất định đã gần chết thành ra không đến cứu ta được! Ta lúc đó còn oán hận mà trách móc bà bà. Ta đúng là kẻ không ra gì!
Văn Viễn ấm ức bật khóc. Ông lại không biết mình đã làm ra lầm lỗi gì mà Ác Tẩu Song Ma cũng lặng lẽ bỏ đi. Văn Viễn buồn bã lớn tiếng gọi tiểu nhị. Bọn tiểu nhị sáng giờ thấy đông người lăm lăm vũ khí mà tìm lên phòng Văn Viễn. Bọn chúng đoán chừng ông chắc khó sống nổi. Tuy nhiên lát sau lại thấy bọn người kia dắt dìu nhau mà chạy bán mạng, đám tiểu nhị càng sợ hãi bội phần. Có mấy tên còn thấy ông đánh văng tên Tứ Đường Chủ xuống đất. Lập tức một đồn mười, mười đồn lên trăm ngàn, khiến Văn Viễn trong chốc lát trở thành cao thủ võ lâm vào hạng nhất nhì. Bọn tiểu nhị mấy lần toan lên xem thử tình trạng ông thế nào. Nhưng tên nào cũng nhát gan chỉ dám thập thò đằng xa. Lần này nghe ông lớn tiếng gọi, bọn chúng liền bạo gan mà bước đến vòng tay cung kính.
Văn Viễn liền gọi mấy chục cân rượu cùng đồ nhắm. Bọn tiểu nhị thấy chỉ có một mình ông lại kêu phần rượu bằng mấy người uống thì thấy khó hiểu trong lòng. Tuy nhiên bọn chúng không dám dài dòng lôi thôi vội vàng chạy đi. Một tên tiểu nhị lấm lét thấy Văn Viễn cầm tấm lụa đen mà khóc liền thêu dệt một khối tình si lâm ly bi đát. Văn Viễn nhanh chóng từ một cao thủ võ lâm thượng thừa lại thành một cao thủ võ lâm thượng thừa si tình đang ngồi nhớ cố nhân. Vọng Nguyệt Lầu lại có thêm chuyện để thực khách bàn tán. Có mấy người tò mò muốn lên xem thử, bọn tiểu nhị nhất định ngăn cản. Bọn chúng kể chuyện Văn Viễn tay không đánh bại mấy trăm người trường kiếm sáng loáng trên tay, lại còn một chưởng đánh văng hai mươi cao thủ xuống đất. Những thực khách nghe vậy đều xanh mặt không dám bén mảng đến nhìn mặt. Bọn họ đành ngồi dưới mà phỏng đoán.
Chuyện thiên hạ, ở đâu có gì lạ thì lập tức sẽ đông người. Trong nửa ngày phải hơn hai ngàn lượt khách ghé Song Minh Các chỉ để nghe bọn tiểu nhị thêm mắm dặm muối về Văn Viễn. Bọn họ nghe xong liền chụm đầu vào nhau bàn luận rôm rả. Kết cuộc chẳng có tên nào đoán được Văn Viễn là ai nhưng Song Hoa Các lại bán trà rượu tính tiền đến mệt nghỉ.
Mấy tên tiểu nhị mau chóng bày rượu thịt lên bàn rồi cắm đầu đi vội. Văn Viễn không thèm để ý tới. Ông mở nắp một vò năm cân mà ngửa cổ tu ừng ực. Trong chốc lát vò rượu năm cân chỉ còn trơ đáy. Lập tức hàn nhiệt trong người liền hòa lẫn men rượu mà bốc khắp người Văn Viễn một làn sương mỏng. Văn Viễn càng uống, lớp sương kia càng dày đặc mà rơi từng giọt lớn xuống sàn. Ví thử kẻ nào tửu lượng yếu kém ngửi phải làn sương lúc này nhất định sẽ lăn đùng ra mà say lì bì. Tuy nhiên, Văn Viễn càng uống lại càng thấy tỉnh táo. Ông chán nản vứt vò rượu xuống sàn bể thành mấy mảnh mà nói:
- Lưu Linh tiên sinh ngài đã sai rồi! cái gì mà uống ngàn chung không say? Thật là nông cạn, nông cạn lắm! Uống rượu không say còn gì là lý thú nữa! Ta bây giờ chỉ muốn say để quên bà bà thần tiên mà thôi!
Văn Viễn tự la hét một mình đến chán chê rồi lại uống rượu. Ông càng uống lại càng có sức là la hét.
Văn Viễn uống hết mười cân rượu mà trong người lại không chút chếnh choáng thì càng chán nản. Ông cứ ôm chặt tấm khăn lụa trong lòng mà òa khóc nức nỡ. Nội hàn lồng vào tiếng khóc dội xuống tận cửa ra vào Song Minh Các còn nghe. Thực khách bên dưới thấy não nùng càng tin vào chuyện thêu dệt của đám tiểu nhị. Có mấy thực khách còn lắc đầu đồng cảm với Văn Viễn mà ngao ngán thương xót.
Văn Viễn càng khóc thương tâm không hề giảm bớt còn tăng thêm. Ông nghe đan điền căng ứ hàn nhiệt thì thấy khó chịu. Văn Viễn ôm một vò rượu còn hơn phân nửa trên tay nhè hướng đông mà dùng khinh công chạy đi.
Ông văng mình nhảy khỏi Vọng Nguyệt Lâu rơi xuống một nóc nhà cách đó hơn hai mươi trượng êm không tiếng động. Hàn nhiệt căng đầy đan điền thành thử khinh công của Văn Viễn cũng tăng mấy lần. Ông vừa nhảy qua nhảy lại càng nóc nhà vừa khóc kể vang trời. Giữa đêm vắng, tiếng khóc của ông càng vang dội ai oán. Sáng hôm sau, cả thành Hàng Châu lại phao tin đồn có ma quỷ nửa đêm kêu khóc đòi mạng người. Tin đồn được thêu dệt đủ kiểu người nghe đều bán tin bán nghi, nhưng đêm đó tiếng khóc thì ai ai cũng nghe. Khiến đến mấy tháng về sau, trời chập tối thì nhà nhà đều cài chặt cửa mà bảo vệ con trẻ khỏi bị ma quỷ bắt mất. Thiên hạ thường hay nhận định theo số đông, thành thử khi hồ đồ cũng bị theo số đông mà hồ đồ.
Văn Viễn chạy một lúc đã ra ngoại thành Hàng Châu. Ông không thèm phân định đường hướng cứ tùy tiện mà đi. Ông vận hết hàn nhiệt trong người chạy đến khi thân thể mỏi nhừ thì tới một bờ sông, cũng không biết là sông lớn hay nhỏ. Trong màn đên, chỉ nghe tiếng lau sậy xào xạt. Văn Viễn nằm dài trên một phiến đá lớn ngửa cổ mà uống rượu.
Ông vốn đã vận hàn nhiệt quá mức nên đan điền trống rỗng. Vò rượu chỉ còn không quá một cân nhưng đã làm ông say mèm. Tửu lượng Văn Viễn vốn rất yếu, chỉ nhờ hàn nhiệt trung hòa tính rượu mới có thể uống bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng bây giờ hàn nhiệt chưa kịp tích tụ về thành ra ông uống chưa cạn thì đã ngẻo đầu qua một bên không còn biết trời đất gì nữa.
Văn Viễn tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch. Ông ú ớ trở mình rơi thẳng xuống mé sông, mặt chúi xuống nước. Ông không kịp phản ứng nên uống liền mấy ngụm nước ho sặc sụa. Văn Viễn nhỏm dậy ngơ ngác nhìn quanh không biết đã lạc đến chốn nào. Văn Viễn thấy chỉ có một mình giữa ba bề đều là trời nước mông quạnh thì cười thảm:
- Nơi nào có quan trọng gì! Ta bây giờ còn không biết phải làm gì nữa!
Ông chán nản nằm vật trên bờ sông thở dài mấy bận ngao ngán. Văn Viễn suy tính sẽ đi tìm gặp Vô Sách Đại Sư chào hỏi một tiếng sau đó sẽ thẳng đường về lại Ứng Kê. Nhưng cuối cùng ông nói:
- Không cần tìm nữa! Sư phụ rõ ràng thấy ta giống Cầm Điệp Cuồng Sinh thành ra mới kiếm chuyện cho ta vào trung nguyên, nhất định có ý muốn gây sóng gió! Tuy ta không hiểu dụng ý thật của sư phụ thế nào, nhưng ta mặc kệ! Ta cứ về lại Ứng Kê ngày ngày đánh đàn họa chữ, tiêu dao biết bao!
Văn Viễn sực nhớ lại lời bọn người U Minh Cung thì lẩm bẩm:
- Bọn đó nhận ra ta lại không bắt, chứng tỏ đã biết ta không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh. Như vậy cũng hay, từ giờ không cần trốn tránh nữa! Ta đến cùng có phải là tên Cuồng Sinh kia đâu!