Vũ Điểm Cô Thiên Chương 35. Thần Y Hoảng Loạn Bày Thuốc Giải

Chương 35. Thần Y Hoảng Loạn Bày Thuốc Giải
Cao Bạch Vân bê hai vò rượu ngon vào phòng thuốc thì thấy Văn Viễn đang ngồi một góc mà sụt sùi khóc.

 

Nàng tuy mới thân cận mấy ngày nhưng đã biết ông là người rất dễ mủi lòng. Nàng nhìn ông lúc này lại càng thương cảm, đành rón rén đặt hai vò rượu lên bàn. Văn Viễn nghe tiếng động thì vội vàng lau nước mắt. Ông cố làm bộ tươi cười vái chào Cao Bạch Vân.

Cao Bạch Vân làm như không biết chuyện gì. Nàng nhoẻn miệng cười mỉm hỏi:

- Ngài luôn nói mình có khứu giác nhanh nhạy, không biết có ngửi ra được đây là rượu gì?

Nàng ta mở hé lớp giấy dầu phủ trên miệng vò rượu. Văn Viễn hít một hơi dài liền đáp:

- Là rượu Tuyết Hỏa Trì của Bạch Gia Trang! Vị rượu tuy lạnh lẽo nhưng hậu lại ấm nồng! Rượu này là do một vị trang chủ của Bạch Gia Trang tên Phùng Nghi chế ra!

Cao Bạch Vân thỉnh thoảng cũng hay lén lút hoặc công khai trộm rượu của Công Tôn Bạch. Nhưng nàng chỉ vì thấy rượu ngon nên mới uống, còn chuyện xuất xứ thế nào thì không hề hay biết. Nàng thấy Văn Viễn chẳng những nói đúng mà còn ra vẻ thông thuộc liền tò mò hỏi:

- Phùng Nghi gì đó đã chế rượu như thế nào?

Văn Viễn liền ngồi xuống bàn. Ông rót rượu ra hai chén rồi thong thả nói:

- Nghe đồn Phùng Nghi lão gia hơn ba mươi tuổi mới có được một con trai để nối dõi! Đến khi công tử kia lấy vợ, Phùng Nghi lão gia đã hơn ngũ tuần. Phùng lão gia vui mừng vô kể liền chế ra loại rượu này. Trước lạnh sau nồng, ý muốn là cung chúc khổ tận cam lai cho con cái đời đời gặp phúc phần, lại chúc cho con trai hôn nhân như vị rượu, lúc nào cũng nồng ấm! Thành thử, rượu này uống vào dịp dựng vợ gả chồng là hợp lý nhất!

Cao Bạch Vân hai má liền ửng hồng nghĩ ngợi:

- Vậy thì ta mời chàng khờ này uống xem như là rượu mừng vậy!

Văn Viễn nào để ý tới. Ông bê chén rượu lên uống một hơi cạn sạch nét mặt liền thích thú:

- Tại hạ ngày trước ở Ứng Kê, được bạn hữu tặng cho hai vò rượu lớn. Không hiểu sao mỗi lần uống đều cảm thấy trong lòng ấm áp thân thuộc! Có lẻ rượu do Phùng Nghi lão gia chế ra, tại hạ cũng mang họ Phùng thành thử được hưởng phúc phần lây!

Cao Bạch Vân nhìn ông cao hứng nên vội vàng rót thêm rượu. Chưa tàn nửa nén hương, Văn Viễn đã trút sạch phân nửa vò rượu năm cân vào bụng. Văn Viễn vốn biết rượu Tuyết Hỏa Trì khi ủ có thêm mấy vị thuốc cân bằng âm hỏa. Hàn nhiệt trong người Văn Viễn gặp thứ thuốc này càng tương ứng, thay vì triệt bỏ tính rượu thì sẽ khiến men phát tác mạnh hơn.  Ông thông thường có uống mấy chục cân rượu đều thản nhiên như không. Nhưng lần này, chỉ mới uống chưa tới ba cân đã bắt đầu ngấm rượu. Văn Viễn trong lòng vốn chán nản việc luyện thuốc thất bại nên cũng tính uống say một phen cho thỏa.

Văn Viễn uống hết vò rượu năm cân liền chếnh choáng. Ông lúc này không còn tỉnh táo nên ôm mặt khóc nức nở:

- Tại hạ thật vô dụng, uổng phí mấy ngày vẫn không chế được thuốc giải! Còn nhọc công tiểu thư hầu hạ! Tại hạ thật sự rất vô dụng! Tại hạ trước đây còn không biết xấu hổ mặt dày tự thị sẽ chế ra được thuốc giải! Thật sự quá ngông cuồng!

Cao Bạch Vân nghe ông khóc, nước mắt cũng cũng lăn dài trên má. Nàng liền vòng tay kéo ông vào lòng mà nói:

- Ngài không hề vô dụng! Ngài với bọn thiếp đều không thân thích nhưng lại ra tay giúp đỡ! Ơn đức này bọn thiếp không dám quên làm sao còn trách khứ ngài được!

Văn Viễn gối đầu lên ngực Cao Bạch Vân tự nhiên thấy ấm áp vô kể. Ông nghe mùi xạ hương trên thân thể nàng lại khiến thần trí càng mơ hồ. Văn Viễn lúc ở Vọng Nguyệt Lầu nghe tin bà bà thần tiên chết, còn bị Ác Ma Song Tẩu bỏ đi, tâm trí đau đớn khôn xiết. Cao Bạch Vân bây giờ lại hết lòng an ủi. Nàng ta còn không màng địa vị trại chủ mấy ngày liền tận tụy hầu hạ, tâm ý đó làm sao Văn Viễn không biết cho được. Văn Viễn nhất thời động tình liền ôm chặt lấy Cao Bạch Vân. Ông đem bao nhiêu tủi hờn gặp phải mà khóc sướt mướt. Cao Bạch Vân được ông ôm ấp khỏi nói cũng biết vui sướng tột độ. Nàng cứ lựa lời dỗ dành an ủi. Nàng nghe Văn Viễn khóc kể thì lệ tuy chảy dài trên mặt xót thương nhưng lòng lại hân hoan khó tả.

Cao Bạch Vân sóng lòng cứ liên hồi đánh dồn dập. Nàng len lén toan cúi xuống định hôn lên má Văn Viễn một cái, ngờ đâu cũng đúng lúc Văn Viễn vô tình ngước mặt lên. Ánh mắt nhiếp hồn của Cao Bạch Vân, Văn Viễn lúc tỉnh táo còn bị mê mị huống hồ gì còn có men rượu trong người. Ông thấy đôi mắt Cao Bạch Vân lại phát ánh sáng lung linh huyền ảo. Ông càng ngắm nhìn càng ngỡ như nàng ta mời gọi. Văn Viễn cứ nhìn chăm chăm vào ánh mắt Cao Bạch Vân không biết môi đã chạm môi nàng từ lúc nào. Văn Viễn giật mình toan lùi lại nhưng làn môi của Cao Bạch Vân như có ma lực, ông càng muốn tránh lại càng muốn áp chặt vào.

Cao Bạch Vân cũng chợt tỉnh ngộ. Nàng vội đẩy Văn Viễn ra mà nói:

- Không! Không! Chàng chỉ vì ánh mắt nhiếp hồn của ta! Chàng không hề yêu thích ta!

Nàng nhắm mắt lại để Văn Viễn không bị động lòng dục. Cao Bạch Vân thực lòng si mê nhưng cho rằng, nếu dựa vào ánh mắt nhiếp hồn thì không thể trói giữ trái tim Văn Viễn suốt đời được. Cho nên Cao Bạch Vân thà cứ đợi đến lúc ông thật lòng thật dạ yêu thương nhất quyết không chịu dùng thuật để mê hồn.

Nàng nhắm chặt mắt gục đầu qua một bên. Giờ khắc ấy, trong lòng tưởng chừng ứa lệ. Nàng nghĩ Văn Viễn thoát khỏi thuật chiêu hồn nhất định sẽ vội vàng đứng lên mà vái lễ xin lỗi. Nàng cho rằng, ông là văn nhân ngay thẳng làm sao có thể chịu kết đôi với một nữ tặc. Cao Bạch Vân nghĩ đến điều này thì cắn môi hờn tủi. Lệ ngấp nghé khóe mí chực trào.

Bỗng nhiên Cao Bạch Vân nhận thấy bờ môi mình ấm áp lạ thường. Hóa ra Văn Viễn vẫn áp chặt môi mà hôn nàng. Nàng toan đẩy ra, không hiểu sao kết cuộc lại vòng tay ôm chặt lấy cổ Văn Viễn mà ngoan ngoãn vai kề má ấp.

Sàn gỗ thô cứng thành giường gấm thượng hạng.

Nơi chứa thuốc đơn sơ hóa ra phòng tân hôn.

Cả hai cuống cuồng quấn quýt lấy nhau đắm chìm trong bể hoan ái. Văn Viễn thấm rượu nên bạo dạn. Ông không còn nề hà lễ nghi tiểu tiết gì nữa. Hàn nhiệt trong người ông theo sóng tình tự động bộc phát ra bên ngoài vây kín lấy cả hai. Cao Bạch Vân tuy ngây dại đê mê nhưng cảm giác càng lúc càng buốt rét thịt da. Nàng không muốn dứt mộng tình đang chín mọng bèn ôm chặt lấy Văn Viễn. Tuy nhiên hàn nhiệt càng lúc càng tăng cao, Cao Bạch Vân không chịu nổi vội xô Văn Viễn ra mà thỏ thẻ:

- Chàng đừng…đừng vận công nữa! Định làm thiếp chết cóng hay sao?

Văn Viễn nghe lời nàng nói cũng chợt tỉnh mộng. Ông hoảng hồn khi thấy hai tay mình đã nằm bên trong tiểu yếm của Cao Bạch Vân từ lúc nào. Người ngọc xiêm áo trễ xuống tận eo, tiểu yếm màu thiên thanh cũng bị kéo lệch qua một bên. Khuôn tình đầy đặn của Cao Bạch Vân đang bị đôi tay Văn Viễn ôm trọn. Văn Viễn hoảng loạn tính rụt tay lại nhưng luống cuống thế nào lại giật tuột tiểu yếm ra khỏi người Cao Bạch Vân. Trong phòng thuốc đèn thắp sáng rực, nửa tấm thân khỏa thể của Cao Bạch Vân càng đập vào mắt Văn Viễn rõ không sót chi tiết nào. Văn Viễn sợ đến tái mặt. Ông vội nhắm chặt mắt lại, miệng liên hồi lắp bắp:

- Tại..hạ..tại..hạ…thật đáng…đáng chết!

Cao Bạch Vân thẹn thùng vội mặc lại tiểu yếm rồi chỉnh xiêm áo ngay ngắn. Nàng nhìn mặt mũi Văn Viễn đều ướt đẫm mồ hôi thì biết ông đang hối hận. Nàng chua chát nói:

- Thiếp chẳng còn là xử nữ, cũng chẳng phải trâm anh khuê các! Ngài không cần lo lắng! Chỉ là thiếp mộng với cao mà không tự biết thân phận mình! Ngài chỉ bị ánh mắt nhiếp hồn của thiếp làm cho mất tự chủ mà thôi!

Cao Bạch Vân nói một lời một tiếng đều như tự dùng dao rạch nát ruột gan. Nàng nói đến lời cuối cùng thì mím môi ứa lệ ra ngoài mắt. Nàng nghĩ Văn Viễn nghe xong nhất định càng khinh khi không muốn ngó ngàng gì nữa. Cao Bạch Vân không kềm nổi đau xót. Nàng vội nhỏm người đứng dậy định bỏ ra ngoài tìm một chổ mà khóc cho thỏa thê. Ngờ đâu nàng vừa đứng lên thì Văn Viễn đã nắm chặt tay nàng giữ lại. Văn Viễn hai mắt vẫn nhắm , nói:

- Không! Không! Ta nào dám cho ý xem thường nàng! Ta đến cùng chỉ là tên văn nhân nghèo hèn! Được nàng để mắt tới mà mấy ngày liền tận tụy hầu hạ, trong lòng ta vô cùng cảm kích! Chỉ là…chỉ là…

Cao Bạch Vân nghe Văn Viễn ấp úng nói không thành tiếng lại đoán ông chỉ vì thương hại mà dỗ dành an ủi. Nàng càng ấm ức sụt sùi khóc ra tiếng:

- Thiếp tự biết tấm thân ô uế, không cần ngài phải áy náy làm gì!

Cao Bạch Vân vận công lắc nhẹ cổ tay một cái đã thoát khỏi bàn tay Văn Viễn. Văn Viễn biết nàng đã hiểu sai ý thì hoảng loạn. Ông bất kể nàng đã vận lại xiêm áo hay chưa, vội vàng mở mắt nhỏm người đứng dậy. Ông ôm chặt lấy Cao Bạch Vân, nói:

- Ta không hề có ý đó! Chỉ là..chỉ là…tất cả nữ nhân gần gũi ta đều không có kết cục tốt! Nàng nếu gần gũi ta nhất định…nhất định sẽ như họ! Ta…ta là một tên xui xẻo chuyên mang bất hạnh cho người khác!

Cao Bạch Vân nghe vậy càng cho rằng Văn Viễn đang kiếm cớ để dỗ dành. Nàng tủi hờn khóc òa lên nức nở:

- Ngài vốn đã coi khinh thiếp thì cần gì phải níu giữ! Ngài còn muốn làm thiếp đau lòng đến chết mới vừa dạ hay sao?

Văn Viễn nghe Cao Bạch Vân khóc lóc thì không còn biết nói như thế nào. Ông ngày trước mỗi lần thấy bà bà thần tiên khóc lóc thì bao nhiêu lời thật tâm đều nói ra hết. Nhưng bây giờ ông nghe Cao Bạch Vân khóc tự nhiên tâm thần bấn loạn, lưỡi như tế cứng làm cách nào cũng không trọn câu được.

Cao Bạch Vân càng khóc, Văn Viễn càng khổ sở. Tuy nhiên, ông nhất quyết không chịu buông tay. Cao Bạch Vân vừa tức vừa thẹn càng cố sức vùng vẫy. Nàng so bì nội lực còn kém ông đến mấy bậc. Văn Viễn chỉ cần dồn hàn nhiệt xuống hai tay mà ôm chặt, Cao Bạch Vân không sao thoát được. Nàng vận công đến cực điểm cùng lắm chỉ cựa quậy được một chút đành xui tay bất lực. Cao Bạch Vân giận quá liền giơ tay tát Văn Viễn một cái. Văn Viễn ngoan ngoãn đưa mặt ra không hề chống đỡ. Cao Bạch Vân tát liên tiếp hơn mười cái, Văn Viễn cũng chỉ đứng yên. Nàng tát thêm năm sáu cái thì trong lòng đã nguôi ngoai mấy phần. Nàng nhìn khóe miệng ông rỉ máu liền chua xót. Nàng vội vàng xoa xoa má Văn Viễn hỏi:

- Ngài có đau không?

Văn Viễn biết nàng đã bớt giận thì cười thảm nảo đáp:

- Nàng dầu đánh thế nào cũng đâu bằng đại tiểu thư đánh ta! Đâu bằng bà bà thần tiên đánh ta!

Văn Viễn nhắc đến bà bà thần tiên nước mắt đã chảy thành dòng trên má. Cao Bạch Vân thấy vậy liền tò mò hỏi:

- Đại tiểu thư..bà bà thần tiên là ai?

Văn Viễn không tỵ hiềm kể hết một mạch cho Cao Bạch Vân nghe. Ông đem chuyện mạo danh Cầm Điệp Cuồng Sinh đến Mai Hoa Trang, chuyện đại tiểu thư chết thảm ra sao, Ân Ân chết oan uổng thế nào cũng đều nói không chút che giấu. Cao Bạch Vân không ngờ quanh Văn Viễn còn có không biết bao nhiêu nữ nhân tuyệt sắc, trong bụng ghen tức dâng đến nghẹn cổ. Nàng nghe ông nhắc đến bà bà thần tiên gì đó vô cùng trìu mến lại càng uất ức chỉ muốn tìm các nữ nhân nọ mà giết hết cho hả dạ. Tuy nhiên, nàng nghe Văn Viễn kể việc náo loạn ở Gia Lăng, chuyện bà bà thần tiên gặp nạn, liền ngơ ngác hỏi:

- Bà bà thần tiên đó chàng chưa từng thấy mặt ư?

Văn Viễn thật thà đáp:

- Ta chưa từng thấy mặt! Lần nào xuất hiện, bà bà cũng đều đội nón lớn mà che kín, ta nào có gan dám thử giở ra xem!

Cao Bạch Vân tròn mắt nhìn ông, hỏi tiếp:

- Vậy làm sao chàng có thể yêu một vị bà bà đã lớn tuổi còn chưa một lần được thấy rõ mặt mũi?

Cao Bạch Vân cho rằng có thể bà bà kia đã tu luyện tà công nào đó giúp trẻ mãi không già. Văn Viễn vì nhìn thấy dung nhan kiều diễm nên mới si tình. Ngờ đâu đến cùng ông vẫn chưa một lần biết mặt mũi mà còn liều mạng ở Gia Lăng để thỏa lòng si muội. Cao Bạch Vân càng nghĩ càng không sao hiểu nổi.

Văn Viễn cười thảm đáp:

- Bà bà tuy hay đánh ta nhưng mỗi lần ta gặp nguy biến, bà bà đều xả thân cứu giúp! Ta cũng không biết đã yêu bà bà từ lúc nào! Nhưng quả thật đến giờ, ta cũng chỉ yêu một mình bà bà thần tiên mà thôi!

Cao Bạch Vân liền nhủ thầm trong bụng:

- Thì ra là một chàng khờ chung tình!

Nàng nghĩ vậy tự nhiên giơ tay tát Văn Viễn một cái rồi hỏi:

- Có đau không?

Văn Viễn đáp:

- Đại tiểu thư đánh ta rất đau! Bà bà thần tiên dầu nương tay nhưng khi đánh ta cũng thấy đau! Còn nàng thì…

Văn Viễn lấp lửng không dám nói tiếp. Cao Bạch Vân tò mò hỏi:

- Còn thiếp thì như thế nào?

Văn Viễn lắc đầu nói:

- Ta nói ra thì nàng sẽ lại nổi giận! Ta không nói vẫn hơn!

Cao Bạch Vân nghe vậy càng tò mò. Nàng liền rụt tay lại giấu sau lưng, nói:

- Chàng nói đi, dầu là gì đi nữa thiếp hứa sẽ không nổi giận!

Văn Viễn nhìn nét mặt của nàng ta thấy ôn nhu mới dám đáp:

- Nàng dầu đánh ta cật lực nhưng ta…ta…ta lại nghe êm ái vô cùng mà không thấy đau đớn! Nàng càng đánh ta càng dễ chịu! Ta trước giờ sợ nhất là nghe nữ nhân khóc! Bà bà thần tiên chỉ cần khóc thì lòng ta liền tức thì mềm nhũn, không dám giấu diếm điều gì! Chỉ mong làm sao bà bà thần tiên chịu nín! Nhưng hôm nay ta nghe nàng khóc thì lòng dạ đều bấn loạn, càng nghe càng muốn giơ tay ôm chặt lấy nàng mà che chở! Ta…ta cũng không biết vì sao nữa!

Văn Viễn chắc mẩm nói ra những lời này Cao Bạch Vân sẽ cho ông là kẻ không đoan chính buông lời đưa đẩy. Nàng ta sẽ lại đánh thêm một trận. Nghĩ vậy Văn Viễn liền nhắm mắt mà chìa má ra trước chờ đợi. Ông nào biết Cao Bạch Vân lúc này ánh mắt long lanh, lòng dạ như được tắm trong mật ngọt. Nam nhân từ trước tới nay đến bên Cao Bạch Vân nếu không phải hạng trêu hoa ghẹo nguyệt thì cũng là hạng chỉ muốn cưỡng đoạt để thỏa mãn nhục dục. Nàng làm gì được nghe những lời luyến ái chân thành đến vậy. Nàng bẽn lẽn liếc lên thấy bộ dạng Văn Viễn đang đưa má chờ đòn thì càng thêm ấm áp. Cao Bạch Vân kiễng chân hôn một cái lên má Văn Viễn mà nói:

- Ngài buông thiếp ra đi! Thiếp không bỏ chạy nữa đâu!

Văn Viễn mặt mũi liền đỏ ửng vội vàng buông tay. Ông được người ngọc hôn, nhớ lại vừa rồi mặn nồng quấn quýt dưới sàn gỗ thì gượng chín hết mặt. Cao Bạch Vân dường như đoán được cũng e thẹn giả lơ. Cả hai cứ đứng tần ngần trong phòng thuốc chỉ biết liếc mắt nhìn qua lại ngượng ngạo.

May sao lúc đó ba lão trại chủ cũng xô cửa bước vào. Ba lão nhìn bàn ghế bị đẩy lộn xộn, trên mặt Văn Viễn còn nhòe vết son của Cao Bạch Vân thì mười phần hết chín đoán được chuyện vừa xảy ra. Không lão nào nói ra nhưng trong bụng đều thích chí. Công Tôn Bạch quay sang thì thầm với Chu Tất Niên:

- Xem chừng tứ muội đã thu phục được Phùng văn nhân! Chúng ta khỏi cần dùng kế của Lục Kiến Bân nữa!

Chu Tất Niên gật đầu cười mỉm ý nhị. Lão đại Phạm Bố là hả hê nhất. Lão nhìn hai má của Cao Bạch Vân ửng hồng thì cười hà hà đắc ý. Lão cho rằng nhất định vừa tạnh một cơn mưa ân gió ái. Văn Viễn thấy ba lão trại chủ không ngừng thì thầm to nhỏ thì càng ngượng ngùng. Ông vội vòng tay vái hỏi:

- Không biết ba vị trại chủ tìm tại hạ có việc gì?

Phạm Bố nói:

- Bọn ta chợt nghĩ, ngài bỏ mấy ngày mấy đêm vẫn chưa chế ra được giải dược. Chúng ta cũng đã bắt được Thông Thiên Thần Y. Thuốc độc là do lão thần y đó chế ra, chi bằng ngài theo bọn ta đến gặng hỏi lão thử xem sao?

Văn Viễn nghe có lý liền gật đầu ưng thuận.

Văn Viễn thẹn không dám đi gần Cao Bạch Vân. Ông bước lên đi cùng Phạm Bố. Cả bốn người rẻ trái sang một hành lang nhỏ rồi bước xuống mật đạo bằng gỗ. Lát sau đã đến căn phòng rộng có người canh gác cẩn thận. Bọn chúng thấy bốn vị trại chủ liền hành lễ cung kính rồi mở cửa. Văn Viễn theo các trại chủ vừa bước vào phòng thì đã nghe tiếng nói:

- Các ngươi chớ van xin hay tra khảo vô ích! Khôn hồn thì mau thả ta về, bằng không đến tai bang chủ của các ngươi, các ngươi sẽ thê thảm lắm!

Văn Viễn thấy một lão già râu tóc đều hoa râm đang ngồi quay lưng. Lão tuy bị giam cầm nhưng không hề sợ sệt còn dương dương tự đắc. Rõ ràng lão biết cả bọn đều trúng độc phải cần có thuốc giải. Nếu kẻ nào dám giết chết lão, nhất định sẽ không còn ai bào chế thuốc để giảm độc tính. Thành ra, lão chắc chắn dầu có gan trời, bốn trại chủ cũng không dám làm gì.

Cao Bạch Vân thấy lão trịnh thượng thì cách không đánh một chưởng. Thông Thiên Thần Y bị trúng chưởng ngay lưng té sấp xuống đất kêu la đau đớn vang trời. Cao Bạch Vân thản nhiên bước đến dẫm chân lên lưng lão mà nói:

- Ngươi không nói cũng không sao! Bây giờ bọn ta không cần ngươi cũng đã tự giải được độc! Để ngươi sống cũng chỉ vô dụng!

Thông Thiên Thần Y tuy đau đớn nhưng vẫn bật cười hề hà đáp:

- Các ngươi định lừa ta hay sao? Nếu các ngươi quả thật có cách giải độc, chưởng vừa rồi đã giết chết ta cần gì phải nương tay! Ta cho ngươi biết, thuốc độc do ta bào chế ra, khắp thiên hạ này đều không có kẻ nào chế được ra giải dược! Khôn hồn thì đối xử tử tế với ta!

Lão thật sự nói trúng ngay tâm cang. Bốn vị trại chủ chẳng qua được uống máu Văn Viễn mới thoát được độc tính, thực chất Văn Viễn chưa hề chế ra được giải dược bao giờ.

Văn Viễn bước đến cạnh lão mà nói:

- Ngài hành y sao lại tiếp tay cho kẻ ác mà chế độc dược! Trời còn có đức hiếu sanh, phàm kẻ hành y phải đặt thiện tâm lên làm đầu mới phải! Lẽ nào ngài muốn mấy trăm mạng người phải lay lắt sống đau đớn đến hết đời hay sao?

Thông Thiên Thần Y nghe vậy thì cười hà hà:

- Ta sống đến từng tuổi này không cần ngươi phải lên mặt dạy dỗ! Ngươi là tên khốn nạn…!

Lão nói đến đây chực run lẩy bẩy:

- Giọng…giọng nói này…

Lão vội vàng hất chân Cao Bạch Vân mà lồm cồm đứng dậy. Lão quay lại nhìn Văn Viễn tự nhiên rú lên một tiếng khiếp đảm. Cả thân người lão đều run cầm cập như bị phong hàn. Lão lui sát về góc phòng lắp bắp hỏi:

- Ngươi…ngươi…ngươi là người hay ma?

Các vị trại chủ thấy vậy đều ngơ ngác. Nhất là lão đại Phạm Bá. Lão đích thân bắt Thông Thiên Thần Y về rồi dùng mọi cách từ dọa nạt đến hạ mình, Thông Thiên Thần Y vẫn ngạo nghễ không hề sợ hãi. Tuy nhiên, lão Thông Thiên này chỉ mới thấy Văn Viễn thì đã tiêu tan hồn vía như trông phải ma quỷ. Văn Viễn cũng ngạc nhiên không kém. Ông vừa tiến thêm một bước thì Thông Thiên Thần Y liền xua tay lia lịa:

- Không..không! Ngươi.. đừng đến gần ta! Ngươi…ngươi tên gì?

Văn Viễn không hiểu chuyện gì. Ông cung kính vái lễ đáp:

- Tại hạ họ Phùng tên Văn Viễn!

Lão Thông Thiên Thần Y lại rú lên một hồi thảm thiết. Lão khiếp đảm nói:

- Các vị trại chủ muốn thuốc giải phải không? Được được! Ta sẽ chỉ cách bào chế giải dược! Các vị mau mau đuổi tên âm hồn bất tán này đi đi!

Văn Viễn chưa đoán được cớ sự bên trong. Tuy nhiên, ông liền đoán rằng lão thần y có lẻ rất sợ Cầm Điệp Cuồng Sinh. Thành ra lão thấy ông thì tưởng âm hồn Cuồng Sinh hiện về báo oán. Văn Viễn không bỏ lỡ cơ hội. Ông liền đanh giọng bước chầm chậm về lão mà gằn giọng:

- Ngươi cuối cùng cũng đã để ta gặp được! Mau, nói cho ta biết cách bào chế thuốc giải độc!

Lão Thông Thiên Thần Y sợ đến tiểu tiện ra quần. Lão lập tức quỳ xuống dập đầu liên tục xuống sàn nhà:

- Xin Bạch công tử tha mạng! Xin Bạch công tử tha mạng! Tiểu nhân cũng chỉ là bị người khác ép buộc! Xin công tử tha mạng cho tiểu nhân!

Văn Viễn la thầm trong bụng:

- Sao lại là Bạch công tử? Không lẻ tên Cuồng Sinh kia họ Bạch ư? Hắn họ Phùng kia mà?

Văn Viễn không nghĩ ngợi thêm. Ông bèn nhìn Phạm Bố nháy mắt một cái. Lão Phạm hiểu ý vội cho người đi lấy giấy mực. Lát sau, Văn Viễn đưa giấy mực đến trước mặt Thông Thiên Thần Y rồi gằn giọng:

- Ngươi không muốn chết thì mau mau viết cách điều chế giải dược ra đây!

Thông Thiên Thần Y luôn miệng vâng dạ. Lão vội vàng cầm bút mà viết. Văn Viễn lần đầu tiên đi hù dọa người khác không ngờ lại hiệu quả nên thích chí cười mỉm. Ba lão trại chủ liền tiến đến gần ông mà hỏi:

- Lão thần y này sao thấy ngài lại sợ hãi đến vậy?

Văn Viễn sợ Thông Thiên Thần Y nghe thấy bèn hạ giọng thì thầm:

- Chắc lão thấy tại hạ giống kẻ nào đó nên mới khiếp sợ! Tại hạ vì cần phương pháp giải độc nên đành lừa gạt! Xong việc, tại hạ nhất định tạ lỗi với lão mới được!

Công Tôn Bạch liền bật cười ha hả nói:

- Được! Được! Đợi xong việc, ta sẽ dùng thanh đao lớn của ta thay ngài tạ lỗi với lão!

Văn Viễn nghe vậy biết lão vô cùng oán hận Thông Thiên Thần Y. Ông toan mở miệng khuyên can thì Chu Tất Niên nói:

- Ngài bản tính nhân hậu nên nhìn việc đều thoáng đạt! Tuy nhiên không chỉ có bốn chúng tôi hận tên Thần Y này! Tất cả thủy tặc Thiên Hồ Bang đều hận lão! Chỉ cần thoát được độc dược, lão không chết ở đây thì ra đến ngoài kia cũng khó sống được!

Văn Viễn đành thở dài.

Thông Thiên Thần Y viết xong phương thức điều chế giải dược liền run run cầm cả hai tay mà dâng lên. Lão nói:

- Xin Bạch công tử mở lượng hải hà, tha mạng cho tiểu nhân!

Văn Viễn chỉ ậm ừ chiếu lệ. Ông cầm lấy tờ giấy rồi chăm chú đọc. Bốn vị trại chủ đều như nín thở căng mắt chờ đợi. Văn Viễn đọc xong thì la lớn một tiếng nói:

- Thảo nào ta dùng đúng vị thuốc vẫn không điều chế ra được! Lão đã cân chỉnh thời gian lẫn liều lượng, lão thật sự quỷ quyệt đa đoan!

Thông Thiên Thần Y nghe Văn Viễn mắng càng khiếp đảm. Lão dập đầu lia lịa thống thiết:

- Xin Bạch công tử đại xá cho tiểu nhân! Tiểu nhân ngày trước nếu biết đại danh đại tánh của ngài nhất định không dám mạo phạm! Xin ngài tha cho tiểu nhân con đường sống!

Văn Viễn tuy oán hận lão dùng y thuật chế độc dược hại người, nhưng thấy lão dập đầu liên tục thì cũng động lòng. Văn Viễn liền nói:

- Tại hạ chỉ lừa đó thôi! Tại hạ nào phải Bạch công tử gì đó! Lão không cần phải sợ hãi!

Thông Thiên Thần Y càng dập đầu van nài thảm thiết:

- Bạch công tử lẽ nào không muốn tha thứ cho tiểu nhân! Xin Bạch công tử độ lượng!

Lão đại Phạm Bá thấy Thông Thiên Thần Y dập đầu đến tươm máu thì vội kéo tay Văn Viễn mà nói:

- Lão hoảng sợ quá độ thành loạn trí rồi! Nếu ngài còn ở đây thì lão nhất định sẽ dập đầu đến chết!

Văn Viễn nghe vậy thì bước ra ngoài. Ông cũng muốn nóng lòng bào chế giải dược liền đi ngay về phòng thuốc. Thông Thiên Thần Y quả nhiên không hề viết bừa. Văn Viễn theo phương pháp của lão chế thuốc say sưa thức đến trắng đêm. Ông không ngủ, bốn trại chủ cũng không dám ngủ. Bọn họ cứ chực chờ bên ngoài phòng thuốc mà nghe ngóng. Ba lão trại chủ thấy Cao Bạch Vân chạy ra chạy vào liên tục nét mặt hồ hởi thì mừng thầm trong bụng. Cả bọn đinh ninh lần này nhất định đã bào chế ra được giải dược.

Tờ mờ sáng hôm sau, Văn Viễn cùng Cao Bạch Vân mới bước ra khỏi phòng thuốc. Ba lão trại chủ thấy khuôn mặt cả hai rạng rỡ thì đã biết việc luyện thuốc đã xong. Phạm Bá liền bắt ngay một tên tiểu tốt cho thử. Hắn uống xong thì ôm bụng ói liền mấy ngụm máu đen, sau đó hoàn toàn vô sự. Văn Viễn cẩn thận bắt mạch kiểm tra kỹ lưỡng mới an tâm độc tính đã được hóa giải hết.

Phạm Bá lập tức đem vàng bạc cứ theo đúng các vị thuốc mà cho người lùng mua về. Lão còn cho một trăm thủy tặc đi đến các huyện lân cận gom hết những thầy lang. Trong một ngày, cả thủy doanh Phi Hổ trại chỉ toàn thuốc và lang y. Bọn thầy lang vốn sợ thủy tặc Phi Hổ thành ra dốc hết sức mà luyện thuốc không dám cẩu thả. Đến ngày hôm sau, quả nhiên đã chế đủ thuốc giải cho năm sáu trăm người dùng. Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên, Cao Bạch Vân lập tức cho triệu hồi người của ba trại Hoành Long, Kim Quy, Chu Tước. Chỉ mấy canh giờ sau, thuyền thủy tặc tấp nập hướng về doanh trại Phi Hồ nhiều không đếm xuể. Phạm Bá ra lệnh các thuyền neo đậu sát nhau trước thủy doanh. Lão cho người đi đến từng thuyền phát thuốc. Hơn năm trăm thủy tặc được giải độc, kẻ nào cũng la hét vui mừng, tiếng hô vang rền như sấm dậy.

Phạm Bố ra hiệu cho đám thủy tặc im lặng rồi đem hết công lao của Văn Viễn ra kể. Lão có lòng muốn tiến cử Văn Viễn thành thử lời nói mười phần hết mười là tâng bốc. Trong chốc lát, Văn Viễn giống như là thần tiên hạ phàm cứu giúp. Bọn thủy tặc nghe xong đều tán tụng ông đến chín tầng mây, còn hơn cả cha mẹ thân thuộc. Phạm Bố, Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên, Cao Bạch Vân, Lục Kiến Bân lập tức đến trước mặt Văn Viễn vòng tay cung kính nói:

- Xin Phùng văn nhân làm thủ lãnh dẫn dắt các anh em!

Văn Viễn chưa kịp đáp thì bọn thủy tặc đều đồng thanh hô lớn theo.

Phạm Bố suy tôn Văn Viễn là thật nhưng vẫn có có ẩn ý khác. Lão biết tính Văn Viễn cả nể lại thật thà, khó lòng mà từ chối được. Chỉ cần Văn Viễn chịu ở lại, Cao Bạch Vân sớm ngày kề cận hầu hạ thì sợ gì mộng đẹp không thành. Cao Bạch Vân hiểu được thâm ý của lão càng long mắt cảm tạ.

Văn Viễn bị mấy trăm người đồng thanh hô to thúc ép thì cuống cuồng xua tay lia lịa nói:

- Không được! Không được! Tại hạ làm sao có thể làm thủ lãnh gì đó được! Chi bằng các vị đừng làm thủy tặc nữa! Các vị đều thông thuộc thủy tính, nên thành lập tiêu cục để nhận vận chuyển hàng hóa đường sông, nhất định sẽ làm ăn tốt!

Phạm Bố liền chớp lấy cơ hội. Lão vận công hô lớn:

- Phùng văn nhân đã chỉ thị, chúng ta không được làm thủy tạc nữa! Các ngươi có đồng ý không?

Mấy trăm người đồng loạt hô lớn:

- Phùng văn nhân cao kiến! Thủy tặc có gì hay ho? Chúng ta không làm thủy tặc nữa!

Phạm Bố lại hô lớn:

- Phùng văn nhân ra lệnh thành lập tiêu cục để vận chuyển hàng hóa đường thủy! Từ giờ bốn trại đều sẽ thành Văn Viễn Tiêu Cục!

Bọn thủy tặc mừng rỡ reo hò vang dậy mặt sông:

- Văn Viễn Tiêu Cục! Văn Viễn Tiêu Cục! Tổng tiêu đầu Phùng Văn Viễn sáng suốt! Tổng tiêu đầu Phùng Văn Viễn anh minh!

Phạm Bố mượn uy mấy trăm người mà thúc ép. Văn Viễn không thể từ chối được bèn đứng gãi đầu gãi tai cười ngượng. Phạm Bố lập tức cho bày tiệc rượu. Bọn thủy tặc được giải hết độc tính trong lòng vui mừng được chết đi sống lại. Rượu đổ tràn thuyền, linh đình hơn cả yến tiệc của vua chúa. Bọn thủy tặc không ngừng nâng chén chúc rượu Văn Viễn. Văn Viễn thấy cả bọn hớn hở nên cũng vui lây. Chưa đầy hai canh giờ, ông đã đổ hơn hai mươi cân rượu vào bụng. Rượu vào chưa kịp ngấm đã bị hàn nhiệt đẩy ngược ra khỏi cơ thể tạo thành làn sương mờ ảo. Bọn thủy tặc đã chếnh choáng nhìn không rõ đều đinh ninh Văn Viễn có phép thuật quái dị, trong lòng lại thêm kính phục.

Chừng gần tàn tiệc, Phạm Bố liền cho người bày riêng một bàn trà trên gác cao. Bốn vị trại chủ nhất tề mời mọc Văn Viễn bàn việc. Văn Viễn uống nhiều rượu nên cổ họng đều rát đắng. Ông nghe uống trà liền vui vẻ nhận lời.

Căn gác này nằm ở giữa thủy trại Phi Hổ, cao hơn năm trượng. Ngồi trên gác phóng tầm mắt bao quát hết được cảnh sông nước mênh mông. Văn Viễn chưa đến tận nơi đã nghe hương trà man mác liền buột miệng hỏi:

- Có phải là trà Vô Ưu của Lệ Gia?

Bốn vị trại chủ mỗi người đều có sở thích riêng biệt. Công Tôn Bạch thì mê rượu. Chu Tất Niên mê thư pháp. Cao Bạch Vân là nữ nhân tất nhiên yêu son phấn điểm trang. Lão đại Phạm Bố lại thích nhất là uống trà. Nếu như Văn Viễn biết hầu hết mọi loại rượu ngon trong thiên hạ thì Phạm Bố cũng đã uống gần tám phần các thứ trà thượng hạng trên đời. Lão mời trà tất nhiên là đem loại trà ngon nhất ra pha. Không ngờ Văn Viễn chỉ ngửi đã nói được lai lịch, Phạm Bố cười hà hà đắc ý:

- Hóa ra là tri kỷ! Tri kỷ!

Bên trái sông Lệ có một thôn trang nhỏ gọi là Lệ Gia, chừng năm sáu chục hộ. Nơi này thủy thổ tươi tốt, trông ra loại trà rất khác biệt. Lá trà có màu xanh như ngọc bích, dầu sơ chế cỡ nào vẫn không hề mai một. Điều kỳ thú là tại Lệ Gia chỉ trồng được đúng chín cây trà loại này. Nửa năm mới đâm chồi, lại thêm nửa năm mới hái được. Thành thử, loại trà này rất quý hiếm. Phàm không phải đại phú hộ hay các bậc đế vương thì khó có thể đủ tiền mà mua nổi. Vị trà đắng chát đầu lưỡi nhưng hậu lại ấm thanh, cảm giác uống xong chén trà như đem bao phiền muộn mà trút đi hết. Vì vậy loại trà đặc biệt này mới có tên Vô Ưu.

Phạm Bố tất nhiên phải biết Lệ Gia rành rẽ. Phạm Bố mấy lần cho người đến hỏi mua trà nhưng đều về tay không. Trà Vô Ưu ở Lệ Gia đều bị một viên ngoại tên Lục Nghị vơ vét tích trữ trong kho. Phạm Bố lại cho người đến gặp Lục Nghị để thương lượng. Tuy nhiên, Lưu Nghị dễ gì gật đầu đồng ý. Họ Lục đưa cái giá trên trời dưới đất mà từ chối. Phạm Bố hận không kềm được bèn đem hai trăm thủy tặc đổ vào Lệ Gia. Lão trong đêm vét hết vàng bạc của Lục Nghị chất thành đống bên bờ sông Lệ. Phạm Bố quy ước rất đơn giản, cứ một cân trà Vô Ưu đổi lại một vạn lạng vàng, bằng không tất cả tài bảo của họ Lục bị ném xuống sông hết. Lục Nghị xót của tức thì đồng ý. Phạm Bố như vậy đã có được mấy chục cân trà Vô Ưu thượng hạng mà không tốn một nén bạc vụn nào.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t114369-vu-diem-co-thien-chuong-35-than-y-hoang-loan-bay-thuoc-giai.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận