Vũ Điểm Cô Thiên Chương 40. Lại Gặp Được Đại Sỹ

Chương 40. Lại Gặp Được Đại Sỹ
Nhè Hướng Bắc Mà Đi

Phong Tuệ Nhã đang toan đâm kiếm tới Văn Viễn, nghe vậy liền ngừng tay lại:

- Ngươi…ngươi nói cái gì?

Văn Viễn đáp:

- Trong người tại hạ có hai phần Tử Hà Thần Công giống như cô nương tiểu thư!

Phong Tuệ Nhã quát:

- Ngươi còn muốn lừa gạt ta! Ngươi làm sao có được Tử Hà Thần Công?

Văn Viễn sợ nàng ta nổi giận giết mình nên nói thật:

- Phan Khôi Diện tặng tại hạ một phần! Phần còn lại là của người khác nhờ giữ hộ!

Phong Tuệ Nhã lần này không thèm đôi co. Nàng ta nhằm vào ngực Văn Viễn đâm liền ba kiếm. Văn Viễn hoảng hồn vội dùng Du Ảnh Biến. Thuyền này nhỏ hẹp, bốn bề lại toàn lau sậy cao ngút, Văn Viễn không còn cách nào bèn chạy vòng ra sau lưng Phong Tuệ Nhã. Nàng ta đâm chưa hết kiếm đã biết bị hụt liền nhanh chóng vòng ngược kiếm về sau. Văn Viễn la oai oái vội vàng chạy ra phía trước. Phong Tuệ Nhã không buông tha, công kích liên tục. Nàng ta cứ đứng một chổ hết đâm trước mặt lại đâm ra sau lưng. Văn Viễn không tìm được chổ đành nhảy qua nhảy lại hai đầu thuyền.

Văn Viễn dùng Du Ảnh Biến đã nhuần nhuyễn, thân người chỉ mờ ảo như sương khói. Tuy nhiên, Phong Tuệ Nhã lại tấn công không ngừng. Văn Viễn loay hoay hơn một khắc vẫn thấy mũi kiếm của nàng ta lúc nào cũng ở trước ngực. Ông kinh hãi càng gia tăng khinh công, nhưng mũi kiếm của Phong Tuệ Nhã vẫn không kém cạnh. Văn Viễn toát mồ hôi dùng Du Ảnh Biến đến cực đỉnh cũng không thoát được mũi kiếm. Ông la thầm trong bụng:

- Kiếm pháp cô nương tiểu thư này lợi hại đến vậy hay sao?

Văn Viễn ngẫm nghĩ một lúc liền hiểu được nguyên do. Phong Tuệ Nhã căn bản vẫn chỉ giữ nguyên thế đâm kiếm tới. Nàng ta chỉ cần đảo bộ về sau ra trước theo thân hình của Văn Viễn. Căn bản là cách đảo bộ của nàng ta nhanh nhẹn khác thường. Văn Viễn dầu cố sức cũng không sao nhanh hơn nàng ta được. Ông chợt nhớ đến ngoại hiệu Dạ Hành của Phong Tuệ Nhã thì run rẩy:

- Phải rồi! Cô nương tiểu thư đây giỏi nhất là dùng khinh công! Ta đâu thể bì lại cho được!

Văn Viễn mồ hôi càng lúc càng ra đẫm lưng áo, Phong Tuệ Nhã vẫn ung dung không chút mệt mỏi. Ông thấy tình hình kéo dài thế nào cũng bị kiếm của nàng ta xuyên vào ngực, bèn la lớn:

- Tại hạ không có gạt cô nương tiểu thư! Chuyện tại hạ được Phan Khôi Diện tặng Tử Hà Thần Công là sự thật!

Phong Tuệ Nhã quát:

- Ngươi là tên gian trá hay gạt người khác! Sao lần trước ta hỏi, ngươi lại không nói? Bây giờ ngươi lại nói, ta làm sao tin được lời nào là thật, lời nào là giả đây?

Văn Viễn hoảng sợ quá độ bèn lớn tiếng đọc khẩu quyết Tử Hà Thần Công. Phong Tuệ Nhã nghe chừng ba câu đã biết là thật bèn thu kiếm lại. Văn Viễn liền đứng ở đuôi thuyền thở hồ hển. Ông nói:

- Tại hạ muốn biết một điều, có phải Tử Hà Thần Công đều được chép trên các miếng da dê?

Phong Tuệ Nhã gật đầu:

- Không sai! Tử Hà Thần Công được chép trên bảy tấm da dê lưu truyền từ đời này sang đời khác! Ngươi mau mau đưa Tử Hà Thần Công cho ta!

Văn Viễn xua tay lia lịa:

- Không được! Phan Khôi Diện trước khi chết đã tặng cho tại hạ! Tại hạ hỏi hắn có thân thích nào không, tại hạ sẽ giúp hắn đưa đến! Hắn đã nhất định vẫn tặng cho tại hạ! Rõ ràng hắn không tin tưởng bằng hữu nào khác!

Phong Tuệ Nhã liền ủ rủ mặt mày:

- Phải lắm! Hắn vì ta mà bị ám toán chết oan ức! Hắn làm sao còn tin ai được nữa!

Văn Viễn lại hỏi thêm:

- Có phải trong Hoa Sơn Thất Hiệp có một người là Thiết Thủ Ân Thương Bá?

Phong Tuệ Nhã gật đầu:

- Là tứ đệ của ta! Chính hắn tối qua đã nhờ ta chăm sóc cho ngươi! Ngươi làm sao lại quen được tứ đệ?

Văn Viễn ngạc nhiên:

- Ta đã gặp tứ đệ của cô nương tiểu thư bao giờ?

Phong Tuệ Nhã nhìn vẻ mặt ngô nghê của Văn Viễn liền tức giận:

- Ngươi còn dám nói dối? Tứ đệ của ta vốn là kẻ không thích giao thiệp với ai bên ngoài! Hắn ngày trước ở Hoa Sơn tuy mang tiếng là đồng môn nhưng bọn ta thỉnh thoảng mới được gặp hắn! Nếu ngươi không phải rất thân thiết, hắn tối qua đâu cần hiện thân mà gởi gắm cho ta!

Văn Viễn liền lẩm bẩm:

- Quả nhiên ta đã đoán không sai! Ân Thương Bá rất ít khi tiếp xúc với đồng môn ở Hoa Sơn, cho nên hắn hóa thân thành Lạc Tín Phủ học kiếm thuật với Hoàng Kỳ, không một ai mảy may nghi ngờ!

Văn Viễn thì thầm ngờ đâu lại lọt cái tên Lạc Tín Phủ vào tai Phong Tuệ Nhã. Nàng ta đanh mặt:

- Ngươi làm gì lại nhắc cái tên bội nghĩa đó? Ta tối qua định âm thầm lên thuyền để giết hắn! Hắn là tên phản đồ khinh sư diệt tổ! Phan Khôi Diện nhất định đã bị hắn làm hại! Ngày trước, chỉ có hắn là thân thiết với Phan Khôi Diện mà thôi!

Văn Viễn nghe vậy liền hỏi:

- Thì ra cô nương tiểu thư đêm qua đã cứu mạng tại hạ ư? Tại hạ lúc đó bị U Minh Cung Chủ đánh trúng một chỉ cứ ngỡ đã chết rồi! May mà cô nương tiểu thư xuất hiện kịp lúc!

Văn Viễn đứng dậy vái Phong Tuệ Nhã mấy cái:

- Cô nương tiểu thư vóc người nhỏ nhắn lại có thể đánh lùi được U Minh Cung Chủ để cứu tại hạ! Tại hạ vô cùng khâm phục!

Phong Tuệ Nhã lắc đầu:

- Ta làm sao đánh lại tên Cung Chủ kia được! Là người đấu nội lực với Cung Chủ U Minh Cung rồi bị lão đánh rơi xuống nước! Lúc đó, ta đang lặn gần đó nên kịp thời chụp ngươi lại! Bằng không ngươi đã bị nước cuốn đi mất!

Phong Tuệ Nhã nhớ lại lúc đó tự nhiên rùng mình. Nàng ta nói:

- Ngươi bản lĩnh cũng rất ghê ghớm, có thể đánh ngang ngửa với U Minh Cung Chủ! Môn nội công người dùng lúc đó là gì vậy? Ta thấy tóc tai mặt mũi ngươi trắng bệch như xác chết, thật sự rất khủng khiếp!

Văn Viễn ngẩn mặt ra:

- Tại hạ lúc đó đã nằm dài trên sàn thuyền còn bị U Minh Cung Chủ đánh thêm một chỉ! Thần trí đã trở nên mê tỉnh! Tại hạ làm sao còn đánh lại U Minh Cung Chủ được! Cô nương tiểu thư có nhìn nhầm hay không?

Phong Tuệ Nhã lúc đó tận mắt chứng kiến đâu thể nhầm lẫn được. Tuy nhiên, nàng ta đoán chừng Văn Viễn không muốn tiết lộ món nội công kia. Chuyện giang hồ, giấu đi thân phận chiêu số võ học là bình thường, thành ra Phong Tuệ Nhã cũng không muốn hỏi tới.

Đêm qua Phong Tuệ Nhã dò được tin Lạc Tín Phủ đang ở trên thuyền lớn. Nàng ta bèn trộm một chiếc thuyền nhỏ rồi phục kích trên sông. Thấy thuyền lớn neo lại một lúc thì có tiếng náo loạn, Phong Tuệ Nhã đoán chừng đang có giao tranh. Nàng ta sợ bị phát hiện bèn lặn sâu dưới nước nghe ngóng. Phong Tuệ Nhã bỗng nhiên thấy Lạc Tín Phủ xuất hiện đi lững thửng về phía mạn thuyền. Nàng ta mừng rỡ toan trồi lên ám toán. Mới nhô đầu lên khỏi mặt nước, Phong Tuệ Nhã chút nữa đã kêu to kinh sợ. Nàng tự nhiên nhìn thấy ở mạng thuyền một người trắng bệch như xác chết đứng dậy. Chính là Văn Viễn đang nửa mê nửa tỉnh theo khẩu quyết trong đầu mà biến thân thành kỳ dị.

Phong Tuệ Nhã nhớ lại thì vừa sợ hãi vừa tức giận. Nàng ta lườm Văn Viễn một cái:

- Cũng tại tên văn nhân vụng về nhà ngươi! Bằng không ta đã có thể lấy mạng Lạc Tín Phủ mà trả thù cho lục đệ Phan Khôi Diện của ta!

Văn Viễn vội cải chính:

- Lạc Tín Phủ không hại Phan Khôi Diện! Kẻ phản đồ đích thực là tên Tứ Đường Chủ kia!

Đến lượt Phong Tuệ Nhã ngơ ngác:

- Tứ Đường Chủ U Minh Cung? Hắn thì có can hệ gì?

Văn Viễn đáp:

- Ở Vọng Nguyệt Lầu, cô nương vừa bỏ đi thì hắn đã tìm đến còn đánh với tại hạ một trận! Hắn biết Tử Hà Thần Công!

Phong Tuệ Nhã giật nảy người như bị ong đốt:

- Hắn biết Tử Hà Thần Công ư?

Văn Viễn không kiêng dè gì bèn nói:

- Tại hạ ngay lúc đó đã nghĩ, biết Tử Hà Thần Công chỉ có thể là người trong Hoa Sơn Thất Hiệp! Nam nhân trong Hoa Sơn Thất Hiệp thì tại hạ đã gặp được Ngọc Thủ Trần Quang, Sầu Thiên Thu, Phan Khôi Diện thì đã chết, thành thử Tứ Đường Chủ kia chỉ có thể là Bách Tửu Độc Hành Tiêu Hàn, Thiết Thủ Ân Thương Bá, hoặc là Đế Khuyết Châu Thương mà thôi! Tuy nhiên, tại hạ không thấy được mặt Tứ Đường Chủ nên cũng không dám chắc!

Phong Tuệ Nhã liền hỏi:

- Tướng mạo tên Tứ Đường Chủ kia như thế nào?

Văn Viễn ngẩn người nhớ lại rồi đáp:

- Hắn cao gần bằng tại hạ, nhưng hơi gầy!

Phong Tuệ Nhã liền bắt Văn Viễn đứng dậy. Nàng ta nhìn ngắm ông một hồi ước lượng:

- Châu Thương thì dáng người nhỏ bé, không thể cao bằng ngươi được! Đại sư huynh Trần Quang thì nhất định phải cao lơn hơn ngươi! Nhị sư huynh Sầu Thiên Thu thì lại thấp hơn ngươi! Tứ đệ Ân Thương Bá phải cao lớn như ngươi! Chỉ có ngũ đệ Tiêu Hàn mà thôi!

Phong Tuệ Nhã đang mải mê nghĩ ngợi thì đùng đùng nổi giận. Nàng ta lại chỉa kiếm vào Văn Viễn:

- Tên văn nhân gian trá này định gây thị phi hiềm khích hay sao? Có phải ngươi muốn Hoa Sơn Thất Hiệp bọn ta tàn sát lẫn nhau để ngươi ung dung chiếm đoạt Tử Hà Thần Công?

Văn Viễn hồn vía lên chín tầng mây:

- Tại hạ nào dám có ý đó!

Ông chưa nói hết câu thì mũi kiếm của Phong Tuệ Nhã chỉ còn cách ngực trái chưa tới một tấc. Ông hoảng loạn vận hàn nhiệt lên hai tay mà tống một chưởng. Hàn nhiệt tích tụ trong người Văn Viễn từ tối hôm qua đến giờ rất sung mãn. Thanh kiếm của Phong Tuệ Nhã lập tức bị đánh bạt qua một bên. Trên thân kiếm đã đóng một lớp băng dày.

Văn Viễn xem chừng Phong Tuệ Nhã tính tình ưa nóng giận thất thường. Ông không dám đôi co thêm bèn nhóm chân nhảy vọt đi hơn năm trượng. Văn Viễn đang lúc sợ hãi nên dồn hàn nhiệt đến cực điểm để bỏ trốn. Phong Tuệ Nhã vừa nhóm người nhảy theo thì đã thấy bóng dáng ông mất hút giữa lau sậy ngút ngàn. Nàng ta đành quay trở lại thuyền giậm chân tức tối:

- Tên văn nhân gian trá chết tiệt! Để ta gặp ngươi lần nữa, ta nhất định sẽ đâm chết ngươi!

Văn Viễn cắm đầu chạy thục mạng. Ông biết Phong Tuệ Nhã khinh công rất giỏi nên không dám lơi là. Lau sậy ở đây mọc lâu năm nên tương đối cứng cáp. Văn Viễn cứ điểm chân lên ngọn hướng về phía bắc chạy cho đến khi mệt nhoài mới dừng lại.

Văn Viễn lúc này đã chạy đến cuối đám lau sậy mù mịt. Ông chạm chân lên bờ sông thì phóng thẳng người vào bụi cây gần đó mà thở dốc. Văn Viễn hít mấy hơi trong gió không nghe mùi của Phong Tuệ Nhã thì mới an tâm. Văn Viễn nghỉ ngơi một chốc, lại vội vã bỏ chạy. Ông không biết đang ở nơi nào nên cứ nhè hướng bắc đi bừa.

Văn Viễn đi hơn một canh giờ đã ra được con đường đất tương đối to lớn. Ông đang ngó nghiêng xác định phương hướng thì chợt nghe giọng nói quen thuộc bên tai:

- Văn nhân thật lớn mạng! Ta chờ ở đây đã hai ngày, tự bói ra một quẻ vừa xấu vừa tốt, còn tưởng vận hạn của ngài  đã tận!

Văn Viễn ngoái lại sau lưng đã thấy một cổ xe ngựa trắng được kéo cao rèm trước. Bên trong cổ xe đang có một nữ nhân mặc toàn y phục bằng lụa trắng đang ngồi. Nàng ta đầu lại đội nón lớn để che đi khuôn mặt. Văn Viễn vội vàng bước đến vái chào:

- Thì ra là Đại Sỹ! Không ngờ được gặp tiểu thư ở đây!

Đại Sỹ liền giục:

- Ngài mau lên xe! Nếu còn chậm trễ sẽ gặp rắc rối!

Văn Viễn đã biết được Đại Sỹ có tài đoán chuyện như thần nên vội vã trèo lên xe. Đại Sỹ tức thì buông rèm xuống rồi khẽ kéo dây cương một cái. Hai con ngựa liền nhẹ nhàng phi nước kiệu. Đại Sỹ không cần điều khiển, hai con ngựa cũng tự động nhắm hướng bắc mà đi, như được huấn luyện trước. Văn Viễn tính mở miệng khen thì Đại Sỹ đã ra hiệu im lặng. Chừng uống cạn chung trà đã nghe tiếng vó ngựa khua dồn, một tốp kỵ mã đang đi tới. Văn Viễn liếc nhìn qua khe rèm thì mồ hôi đổ ra ướt áo. Tốp kỵ mã này toàn là người của U Minh Cung. Vừa rồi nếu không gặp được Đại Sỹ, Vă Viễn cứ đứng ngẫn ngơ thì nhất định đã bị U Minh Cung phát hiện.

Văn Viễn đoán chừng bọn U Minh Cung vẫn lùng sục ven sông để tìm kiếm. Ông nghĩ đến bộ dạng U Minh Cung Chủ càng thêm sợ hãi. Ông không dám thở mạnh, vái thầm trời phật trong bụng. Đại Sỹ ngó thấy thì không nhịn nổi bật cười khúc khích. Văn Viễn thẹn quá bèn nói:

- Tại hạ đã làm cho tiểu thư phải chê cười!

Đại Sỹ đáp:

- Ta cười là cười chuyện bảo đao sắc bén lại đi sợ dao cùn rỉ sét!

Văn Viễn không ngẫm ra được ẩn ý bên trong bèn cung kính nói:

- Xin tiểu thư khai dẫn cho tại hạ!

Đại Sỹ cười khúc khích:

- Ngài bây giờ so bì nội lực đã ngang bằng các đại cao thủ trong giang hồ! Những kẻ bằng hoặc hơn ngài không quá năm đầu ngón tay! Ngài lại đem tấm thân tuyệt thế đó đi sợ mấy tên tiểu tốt đến run tay run chân! Ta không cười làm sao được!

Văn Viễn cho rằng Đại Sỹ đang nói đùa để châm chọc nên cười hì hì không đáp. Ông hỏi:

- Tiểu thư sao lại xuất hiện ở đây?

Đại Sỹ đủng đỉnh đáp:

- Ta mấy hôm trước ngồi buồn nên tự bói một quẻ, biết hôm nay có khách quá giang lên mạn bặc! Thành ra ta đứng đợi ở đây!

Văn Viễn đã biết tài đoán việc của Đại Sỹ từ lâu. Nhưng lần này ông vẫn nhảy nhổm lên kinh hãi:

- Tiểu thư biết tại hạ sẽ lên mạn bắc ư?

Đại Sỹ ung dung nói:

- Quẻ bói có hai chữ Tuyết Sơn! Mạn bắc nếu là núi tuyết thì chỉ có Trường Bạch mà thôi!

Văn Viễn chấp tay vái lạy nàng ta:

- Tiểu thư thật sự như thần thánh nào phải người thường! Tại hạ đang muốn đến núi Trường Bạch một chuyến!

Đại Sỹ liền bày ra khuôn giấy cùng bút mực. Nàng ta nói:

- Ngài hãy viết một chữ để ta đoán xem chuyến đi này thế nào!

Văn Viễn lập tức cầm bút lên. Ông định viết đại một chữ thì nàng ta ngăn lại nói:

- Tuy nhiên, lần đoán này ta lại có yêu sách!

Văn Viễn đang muốn thử tài Đại Sỹ bèn đáp:

- Không biết là yêu sách gì? Tại hạ nếu giúp được sẽ tận lực không từ chối!

Đại Sỹ cười khúc khích đáp:

- Ta chỉ muốn ngài tặng ta chiếc quạt lụa của Phùng Ân Khổ!

Văn Viễn ngơ ngác:

- Tại hạ làm sao có được quạt lụa của Phùng Ân Khổ mà tặng cho tiểu thư?

Đại Sỹ nói:

- Tiên cơ không thể nói trước! Ngài chỉ cần nhớ như vậy là được! Mau mau viết một chữ để ta đoán xem!

Văn Viễn có ý thử tài nên viết liền chữ nhất. Chữ nhất chỉ có một nét ngang. Ông đinh ninh phen này Đại Sỹ sẽ đắn đo suy tính. Ngờ đâu, nàng ta lại nói như đã lường trước Văn Viễn sẽ viết chữ này:

- Chữ nhất hai đầu to đều! Chuyến đi này họa phúc đều song hành! Ngài nếu phạm sai lầm sẽ thành đại họa! Ngài nên cẩn trọng với những kẻ muốn gần gũi ngài! Nét chữ này ngài viết không đều tay, ở giữa lại phình to, chứng tỏ chuyến này ngài sẽ có được đại phúc! Biết đâu lại nhận được thân thuộc!

Văn Viễn từ đầu chưa hề mở miệng nói đến việc lên Bạch Gia Trang để tìm hiểu thân thế của mình. Đại Sỹ chỉ nhìn qua chữ nhất mà đoán đúng tâm ý, Văn Viễn chỉ biết lắc đầu thán phục:

- Tại hạ sau này nếu được phúc phần nhất định theo tiểu thư học đoán chữ! Tiểu thư đoán việc như đem ruột gan của tại hạ bày ra ngoài!

Đại Sỹ cười khúc khích:

- Chỉ là một chút tài con để kiếm chén cơm, ngài đã quá lời! Chỉ cần ngài nhớ, khi việc thành phải tặng cho ta chiếc quạt lụa của Phùng Ân Khổ!

Văn Viễn bèn hỏi:

- Không biết chiếc quạt lụa đó có điểm gì đặc biệt mà tiểu thư lại muốn có được?

Đại Sỹ thong thả đáp:

- Tam Ác Thánh tuy là ma đầu khét tiếng nhưng mỗi người lại có một sở thích tao nhã! Phùng Bất Nghiêng thì thích đánh cờ! Phùng Nghi Văn lại thích đàn! Phùng Ân Khổ thì mê tranh họa! Không biết ngài đã nghe qua chuyện chiếc quạt của Thái Tử Đan chưa?

Văn Viễn liền gật đầu:

- Tại hạ đã từng nghe qua! Theo Chiến Quốc Ngoại Truyện có viết, Thái Tử Đan rất si mê một nữ nhân chuyên dệt lụa! Chỉ vì nàng ấy là người nước Tần thành ra không sao Thái Tử Đan có thể cưới về cung được! Sau chuyện Kinh Kha thích sát Tần Vương bị bại lộ, Tần Vương tức giận đã đem nữ nhân kia chém đầu rồi gởi tặng cho nước Yên! Thái Tử Đan đau khổ tột độ đã dùng áo lụa của nữ nhân kia mặc nhờ thợ họa hình giỏi nhất nước Yên vẽ hình lưu lại! Sau lại dùng áo lụa đó làm quạt, tính ra Thái Tử Đan cũng là kẻ chung tình! Tuy nhiên, chiếc quạt đó không phải đã được tuẫn táng cùng Thái Tử Đan hay sao?

Đại Sỹ đáp:

- Ngài quả nhiên là thông làu điển cố! Đúng là chiếc quạt kia đã được tuẫn táng theo Thái Tử Đan! Nhưng vào thời Tấn, có một kẻ đào mộ trộm đã tìm thấy mà dâng lên cho Tấn Vũ Đế! Chiếc quạt đó lại lưu truyền trong hoàng cung mấy trăm đời mới bị lén mang ra ngoài! Phùng Bất Nghiêng lúc đại chiến quần hùng ở Tây An cách đây ba mươi năm vô tình có được quạt lụa! Biết Phùng Ân Khổ mê thư họa, Phùng Bất Nghiêng đã đem tặng! Thành ra hơn ba mươi năm nay, chiếc quạt lụa của Thái Tử Đan luôn kề cận bên Phùng Ân Khổ! Ngài nghĩ xem, một vật lưu tình hơn ngàn năm tuổi, có đáng quý hay không?

Văn Viễn cười hì hì gật đầu:

- Tiểu thư nói phải, đáng quý lắm! Đáng quý lắm!

Ông lại nhủ thầm trong bụng:

- Chiếc quạt lụa nào có được tuẫn táng theo Thái Tử Đan! Ta chỉ thuận miệng nói ra như vậy để dò ý, tiểu thư này lại theo đó mà viện giải thêm! Bên trong nhất định có chuyện mờ ám!

Văn Viễn nét mặt vẫn tươi cười nhưng tâm trí bất giác dè chừng Đại Sỹ. Ông ngẫm lại, mấy lần gặp nàng ta tuy ngoài mặt nói là ngẫu nhiên nhưng thật sự hành tung của ông như bị đoán trước được. Văn Viễn bất giác nghe sóng lưng lạnh toát. Ông bụng bảo dạ:

- Nếu không phải tiểu thư này là kẻ có tài đoán chữ như thần thánh thì nhất định là kẻ muốn lợi dụng ta làm việc gì đó! Tiểu thư này nói, ta lên Bạch Gia Trang cần phải đề phòng những kẻ muốn gần gũi! Xem chừng chính là đề phòng tiểu thư đây!

Cổ xe ngựa của Đại Sỹ đi hết tốc lực mới đến được phía bắc. Càng gần núi Trường Bạch, không khí mỗi lúc lại lạnh dần. Văn Viễn có hàn độc trong người nên vẫn thản nhiên như không. Nhưng Đại Sỹ phải khoác thêm một lượt áo dày mới chịu nổi. Chiếc xe ngựa leo núi được mấy dặm thì không sao tiến thêm được. Tuyết dày khiến lũ ngựa không sao nhấc vó lên được. Đại Sỹ cùng Văn Viễn đành phải ra khỏi xe. Văn Viễn ngó thấy bốn bề mênh mông tuyết trắng không thấy đâu là bờ bến liền có cảm giác thân thuộc. Ông ngơ ngác tự hỏi:

- Ở Ứng Kê làm gì có tuyết rơi? Ta lại thấy nơi này tự nhiên gần gũi kỳ lạ? Ta phải chăng là Bạch công tử của Bạch gia trang?

Đại Sỹ ngó quanh xác định phương hướng liền giục Văn Viễn lên đường. Nàng ta khinh công như gió thoảng, lướt băng băng trên tuyết không hề để lại dấu chân. Văn Viễn cố hết sức mới theo kịp. Tuy nhiên, núi Trường Bạch băng giá lạnh lẽo. Đại Sỹ chạy một hồi thì tê cóng chân tay đành phải dừng lại không sao đi tiếp được. Nàng nhìn qua thấy Văn Viễn phong phanh áo vải vẫn thản nhiên như không thì tròn mắt ngơ ngác. Đại Sỹ bèn vận công để chống lại lạnh giá mà đi tiếp. Nhưng chừng thêm nửa dặm, nàng ta đã la oai oái mà té xuống tuyết. Văn Viễn vội vàng đỡ nàng ta đứng dậy. Ông toan tìm nơi có củi khô để đốt lửa sưỡi ấm. Chỉ là bốn bề toàn màu tuyết trắng, Văn Viễn liền cõng Đại Sỹ lên lưng mà nói:

- Tại hạ không sợ lạnh! Tiểu thư cứ chỉ đường, tại hạ sẽ đưa tiểu thư đi!

Đại Sỹ tuy hơi ngượng ngạo nhưng vì tay chân bị tê cóng nên đành theo ý Văn Viễn. Nàng ta hết chỉ trái lại sang phải. Văn Viễn dùng khinh công chạy hơn ba canh giờ liền mới thấy được một mỏm đá nhô cao khỏi tuyết. Văn Viễn ngó thấy bên dưới mỏm đá đang có sẵn một đống lửa thì mừng rỡ. Ông vội vàng cõng Đại Sỹ đến. Bên cạnh đống lửa còn có một bộ cung tên, Văn Viễn đoán chừng là thợ săn nào đó để lại. Đại Sỹ mừng rỡ vội vàng ngồi xuống hơ tay chân trước lửa. Một lát sau, tay chân nàng ta đều cử động lại bình thường.

Văn Viễn ngửi ra trong gió có mấy chục mùi hương tản mác trên chu vi hơn bốn dặm vuông. Ông đoán chừng là đám thợ săn đang chia ra mai phục để tìm thú hoang. Từ xa liền có tiếng người nói cười văng vẳng. Bọn họ đang hướng về nơi Văn Viễn cùng Đại Sỹ đang ngồi. Tiếng mới đó mà người đã đến cách chừng không quá một trăm bước. Văn Viễn chưa kịp định thần nhìn kỹ thì hai người kia đã đến ngay trước mặt. Cả hai đều là trung niên đã hơn bốn mươi tuổi. Trên vai mỗi người đều đang vác một con sói lớn còn đang nhe nanh giãy giụa, rõ ràng là bị bắt sống.

Văn Viễn liền vòng tay cúi đầu hành lễ:

- Tại hạ cùng tiểu thư bị lạc đường, đành phải nương nhờ nơi các vị!

Hai người kia thấy Văn Viễn mặc áo đơn sơ lại không hề bị lạnh thì cười ha hả:

- Ngươi còn trẻ đã luyện được thân thủ như vầy cũng đã là hiếm có! Đáng ngưỡng mộ lắm!

Văn Viễn luôn miệng nói không dám xá thêm một cái mới ngẩng đầu lên. Hai người kia đang cười nói chợt trợn mắt nhìn chằm chằm vào ông. Cả hai tức thì ném con sói đang vác trên vai xuống tuyết. Cú ném mạnh khiến sợi dây trói bốn chân con sói bị tuột ra. Con sói liền nhe nanh nhảy vọt tới tấn công. Người kia không thèm liếc mắt thuận tay đánh một quyền. Con sói rú lên thê thảm văng qua một bên mà chết. Văn Viễn cùng Đại Sỹ thấy người kia ra quyền vừa nhanh lại chuẩn thì tự nhiên đều giật mình, trong lòng đã có mấy phần ngán ngại.

Cả hai thợ săn đều run rẩy quỳ sụp xuống nền tuyết:

- Công tử…công tử đã về đó ư? Ngài không nhớ bọn ta hay sao?

Văn Viễn gãi đầu gãi tay ngơ ngác:

- Tại hạ..thật sự không nhớ!

Hai người liền nhìn nhau, bụng bảo dạ:

- Có lẻ công tử lưu lạc bên ngoài gặp nhiều biến cố nên đã quên hết!

Cả hai liền tự xưng tên giới thiệu. Người vừa đánh chết con sói là Trương Tấn Thành. Người còn lại là Trương Thượng Thành. Đại Sỹ nghe xưng tên liền tròn mắt:

- Hai vị chính là Trương Thị Song Hùng đó ư?

Trương Tấn Thành đáp:

- Không ngờ tiểu thư lại biết đến chút danh mọn của bọn ta!

Văn Viễn chưa nghe hiệu Trương Thị Song Hùng bao giờ. Ông liếc chừng điệu bộ của Đại Sỹ thì đoán hai người này cũng là bậc chọc trời khuấy nước một thời. Ông vội vàng đỡ cả hai người đứng lên. Trương Thượng Thành vội quay sang hướng bắc mà hú dài ba tiếng. Tiếng hú của lão  vang dội hơn mấy dặm. Văn Viễn nghe tự nhiên thấy hai tai đều đau nhói liền ớn lạnh công lực của lão.

Trương Thượng Thành hú vừa dứt tiếng thì bốn bề cũng có mấy tiếng hú đáp lại. Chưa đầy bốn năm cái chớp mắt, từ ba hướng đông, tây, bắc đã có bóng người lướt tới. Bọn họ đi trên tuyết lún như chạy giữa đất bằng. Có mấy tiếng nhao nhao hỏi:

- Chuyện gì mà Trương Thị Song Hùng lại gọi mọi người đến?

Văn Viễn đếm được bốn người, tuổi tác đã ngoài năm sáu chục tuổi. Văn Viễn thấy bọn họ râu tóc đều bạc trắng nhưng thân thể tráng kiện. Giữa trời rét buốt, bốn lão nào vẫn chỉ mặc áo chẽn mỏng manh. Văn Viễn liền biết không phải hạng thường.

Trương Tấn Thành quay nhìn bốn lão già mà nói:

- Tứ vị hộ pháp, công tử đã về thật rồi!

Bốn lão già đều giật mình vội vàng chạy đến gần Văn Viễn. Cả bốn lão bật khóc nức nở quỳ sụp xuống:

- Công tử đã về rồi ư? Bao năm qua các lão đều nhớ công tử biết bao!

Văn Viễn thấy bốn lão vừa khóc vừa quỳ lạy thì hoảng hốt vội đỡ dậy:

- Tại hạ …tại hạ chưa chắc là vị công tử của các người! Xin cho hỏi, có phải các vị đều là người của Bạch gia trang!

Bốn lão già nghe Văn Viễn nói vậy liền ngơ ngác nhìn nhau. Một lão già hỏi:

- Công tử đã quên bọn lão rồi sao?

Văn Viễn đáp:

- Tại hạ thật sự không nhớ đã từng gặp các vị trước đây! Không biết phải xưng hô với các vị thế nào?

Bốn lão già vẫn ngơ ngác nhìn Văn Viễn không sao nói nên lời. Trương Thượng Thành liền đáp:

- Đây là bốn vị hộ pháp của Bạch gia trang!

Đại Sỹ lúc này đã nhổm người đứng dậy kinh hãi:

- Bốn vị đây là…Bạch Đầu Tứ Yêu đó sao?

Nàng ta nói xong liền giật mình. Bạch Đầu Tứ Yêu là ngoại hiệu giang hồ gán ghép ý chỉ cả bốn lão đều là phường ác ma. Đại Sỹ vì lỡ miệng đã gọi, muốn thu lại cũng không kịp. Nàng sợ bốn lão già nổi giận nên ngấm ngầm vận công phòng bị. Bốn lão già tuy có chút phật lòng nhưng thấy nàng ta đi cùng Văn Viễn nên không dám bắt bẻ. Lão nhất Bạch Đầu vội nắm lấy tay Văn Viễn. Thủ pháp của lão nhanh hơn chớp nhá. Văn Viễn chưa kịp phản ứng đã bị lão nắm chặt lấy cổ tay phải. Lão nhất cau mày hỏi:

- U Minh Chỉ? Công tử đã bị trúng U Minh Chỉ ư?

Lão nhị Bạch Đầu cũng vội vàng chụp lấy cổ tay bên trái của Văn Viễn. Lão lập tức gật đầu:

- Đúng là U Minh Chỉ!

Lão tam thì nói:

- Mau mau nhìn xem sau ót của công tử có vết sẹo tròn hay không?

Lão tứ không đợi lão tam nói hết câu đã vòng ra sau lưng Văn Viễn. Lão la toáng lên:

- Có! Có! Có vết sẹo như vậy!

Lão tam hừ nhạt:

- Là U Hồn Chỉ của U Minh Cung Chủ! Thảo nào công tử đã quên sạch hết mọi chuyện! Mau mau đưa công tử về Bạch gia trang!

Trương Thị Song Hùng tức tốc nhằm hướng tây bắc mà chạy. Cả hai vừa chạy vừa hú không ngừng những tràng dài. Văn Viễn chưa kịp mở miệng đã bị lão nhất, lão nhị kẹp hai bên hông. Đại Sỹ thì được lão tam, lão tứ dìu. Bốn lão già đồng loạt nhấc chân đã phóng băng băng trên tuyết trắng. Văn Viễn bị gió lạnh táp vào đau rát hết mặt mũi, càng sợ hãi khinh công của Bạch Đầu Tứ Yêu. Ông thầm nghĩ nếu có chuyện gì thì khó bề trốn khỏi tay bốn lão này.

Được hơn hai khắc, Văn Viễn đã thấy trước mắt thấp thoáng một ngôi trang viện trên nền tuyết. Lão nhất liền thì thầm vào tai ông:

- Trang chủ mấy năm nay ngày nào cũng mắng công tử! Công tử nên cẩn thận!

Văn Viễn ngơ ngác:

- Sao…sao tại hạ phải cẩn thận!

Lão nhất đáp:

- Từ lúc công tử bỏ đi, hai vị phu nhân đều khóc lóc đến sanh bệnh! Trang chủ vì thế không thôi trách mắng côn tử! Lão e, trang chủ gặp công tử sẽ nặng tay!

Văn Viễn nghe hai từ nặng tay đã ớn lạnh trong bụng. Ông nghĩ đến bà bà thần tiên cũng không sao địch nổi Phùng Bất Nghiêng. Lão họ Phùng mà nổi giận đánh một quyền chắc ông khó bề sống được.

Lão nhị liền nói:

- Xin công tử chớ lo sợ! Cùng lắm bốn lão già này sẽ đở đòn cho công tử! Trang chủ nhất định sẽ nể tình! Từ xưa đến giờ trang chủ chẳng phải chưa hề nặng ta với công tử đó sao?

Văn Viễn biết lão nhị đang lựa lời trấn an ông. Ông vì vậy lại càng thêm sợ hãi:

- Trang chủ…trang chủ trước đây hay đánh mắng tại hạ lắm sao?

Lão nhất cười híp mắt đáp:

- Công tử suốt ngày chỉ ham đọc sách, không thì vẽ tranh họa chữ chểnh mảng luyện tập võ công! Trang chủ đấu cờ lại không thắng được công tử, thành ra phải quát nạt dọa dẫm mới khiến công tử chịu chuyên tâm học võ!

Văn Viễn đã nghe Đại Sỹ nói Phùng Bất Nghiêng ham thích đánh cờ. Ông giờ đây được nghe lão nhất kể thì chắn chắn, Bạch công tử trước kia tài đánh cờ rất giỏi thắng được Phùng Bất Nghiêng. Hiển nhiên, Phùng Bất Nghiêng chỉ còn nước dùng vũ lực đe dọa mới ép được. Trương Thị Song Hùng về trước báo tin. Cho nên, lúc Bạch Đầu Tứ Yêu đưa Văn Viễn cùng Đại Sỹ đến Bạch gia trang thì đã có mấy chục người xếp hai hàng cung kính cúi đầu vái lễ. Văn Viễn nhìn qua thì ai nấy cũng đã ngoài bốn năm mươi tuổi nhưng thân thể đều tráng kiện tinh anh. Ông đoán chừng công phu những người này  không phải tầm thường. Văn Viễn nói thầm trong bụng:

- Chỉ là kẻ hầu người hạ trong trang đã như thế này thì Tam Ác Thánh còn đến ngưỡng nào nữa?

Văn Viễn cùng Đại Sỹ được Bạch Đầu Tứ Yêu đưa thẳng đến phòng khách. Bạch gia trang tuy ở nơi hoang vắng nhưng lại được xây dựng rất tinh xảo. Đến phiến đá lót sàn cũng chạm trổ thủ công tinh xảo. Văn Viễn nhìn trần cao, cột lớn đều được tạc từ đá trắng quý hiếm tự nhiên phục thầm công sức kẻ đã kiến tạo. Ông ngồi trong phòng khách một lúc thì nhận ra cả gian phòng ấm áp kỳ lạ. Văn Viễn để ý quan sát phát hiện cứ năm miếng gạch trắng lót sàn thì có một miếng gạch màu đen. Chính những miếng gạch đen này đã tỏa ra hơi nóng để sưởi ấm. Thành thử bên ngoài dầu rét buốt thế nào, mọi người bên trong Bạch gia trang đều không hề hấn gì. Văn Viễn nhìn lại. Trương Thị Song Hùng, Bạch Đầu Tứ Yêu ở trên cổ đều có đeo vòng đá nhỏ màu đen. Nơi cổ tay bọn họ cũng đeo chiếc vòng bằng đá tương tự. Văn Viễn liền hiểu vì sao cả bọn có thể an nhiên đi trong tuyết. Tất cả đều nhờ loại đá hắc thạch phát ra hơi nóng này.

Văn Viễn không rành các loại đá quý hiếm. Ông bèn liếc mắt nhìn sang Đại Sỹ. Nàng ta biết ý liền nói:

- Đây là loại hỏa thạch lấy ra từ miệng núi lửa! Vì vậy có hơi nóng bên trong! Trên đỉnh Trường Bạch có hồ Thiên Trì! Loại hỏa thạch này quanh hồ Thiên Trì nhiều vô kể!

Văn Viễn nghe tiếng Đại Sỹ thở mạnh đoán chừng nàng ta rất hồi hộp. Ông cũng không dám hỏi thêm. Ông cứ đảo mắt  nhìn quanh quẩn, càng nhìn lại càng có cảm giác thân thuộc kỳ lạ. Văn Viễn cố nhớ thử đã từng đến đây lần nào nhưng vẫn không sao nhớ ra được. Vừa lúc đó có tiếng bước chân gấp gáp, lại có thêm hai tiếng nữ nhân thống thiết:

- Phùng nhi đã về ư? Các người có gạt ta không?

Văn Viễn nghe thì tự nhiên nổi gai ốc cùng mình:

- Lúc ta bị U Minh Cung Chủ đánh bất tỉnh trên thuyền, chẳng phải đã nghe được hai giọng nói này đó sao?

Nguồn: truyen8.mobi/t114606-vu-diem-co-thien-chuong-40-lai-gap-duoc-dai-sy.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận