Vũ Điểm Cô Thiên Chương 47. Mật Thất Bạch Gia Trang

Chương 47. Mật Thất Bạch Gia Trang
Chứa Điều Gì?

Người kia nói:

- Ta sẽ đem tin tức của Hắc Quan Âm nói cho công tử biết! Đổi lại, công tử đưa phần Tử Hà Thần Công cùng quạt lụa thái tử Đan cho ta!

Văn Viễn hừ nhạt:

- Hóa ra tiền bối cũng có ý dòm ngó bí ẩn Tử Hà Thần Công ư?

Người kia cười lớn:

- Tàng thư bảo điển, ai lại không ham? Công tử vốn đã không thích tranh đoạt chi bằng đưa cho ta sẽ hữu dụng hơn!

Văn Viễn lắc đầu đáp:

- Chỉ vì bí ẩn tàng thư, không biết bao nhiêu kẻ đã khổ sở! Để nó lọt vào tay tiền bối, nhất định sẽ gây cho người khác thêm nhiều khổ sở!

Văn Viễn nói dứt lời liền ra tay. Ông đánh mười mấy trảo liên hồi nhằm vào khuôn mặt người kia, chủ yếu chỉ muốn lột lớp khăn xuống để trông rõ mặt mũi. Văn Viễn được Phùng Nghi Văn chỉ điểm về trảo pháp nên cũng được tiến bộ đáng kể. Người kia bị Văn Viễn ép lùi liên tục hơn hai chục bước chân. Văn Viễn dùng trảo chụp đến liên hồi không cho đối phương cơ hội phản kích. Đến chừng được mười chiêu, người kia đã bị Văn Viễn đẩy xuống thế nguy nan. Văn Viễn mừng thầm trong bụng. Ông dùng tay trái đánh liên tục bốn năm hư chiêu khiến người kia mất cảnh giác rồi bất thần vươn tay phải chộp lấy mép tấm vải che trên mặt. Người kia kinh hãi tột độ. Ngay khắc lâm nguy, hắn bất ngờ cung cả hai tay tống thẳng vào Văn Viễn một chưởng. Hắn vốn sợ bị lộ chiêu số võ công nên không chịu bộc lộ bản lãnh. Chẳng ngờ bị Văn Viễn ép đến cùng cực, hắn bí quá đành phát chiêu. Văn Viễn chỉ thấy như có trăm ngàn bàn tay hướng thẳng về phía mình. Ông giật nảy người vội nhảy ngược về sau hơn mười trượng mới thoát khỏi chưởng pháp quái lạ vừa rồi.

Vừa lúc đấy, từ phía sau lưng người kia có giọng nói lanh lảnh:

- Phật Múa Nghìn Tay! Thì ra cao tăng đến viếng Bach gia trang, sao lại lén lút che mặt làm gì?

Văn Viễn liền nhận ra ngay giọng nói của Phùng Nghi Văn.

Phùng Nghi Văn vẫn thường hay để ý động tĩnh của Văn Viễn. Bà ta thấy nửa đêm, ông lặng lẽ chạy ra khỏi phòng thì sanh nghi nên âm thầm theo sát để đề phòng. Phùng Nghi Văn quan sát Văn Viễn giao đấu với người bịt mặt chiếm ưu thế thì không thèm ra tay. Tuy nhiên, lúc người kia phát lộ chiêu thức Phật Múa Nghìn Tay, bà đoán chừng Văn Viễn khó bề thắng nổi, liền hiện thân.

Người kia bị Phùng Nghi Văn nói đúng chiêu số, bèn quay lại nhìn. Hắn thấy bà ta đứng trên lớp tuyết mềm nhưng chân không hề lún xuống tự biết thân thủ cao thâm khó lường. Hắn ngần ngại hỏi:

- Không biết xưng hô với phu nhân thế nào?

Phùng Nghi Văn đáp:

- Ta là Tam Thánh Hậu của Tam Ác Thánh!

Người kia sửng sốt bất thần lùi lại:

- Phu nhân là Tam Thánh Hậu đó ư?

Văn Viễn từ lúc về lại Bạch gia trang chưa hề mở miệng hỏi về chuyện tung hoành ngày trước của Tam Ác Thánh. Ông cứ tưởng cha cùng hai mẹ đều được giang hồ gọi chung là Tam Đại Ác Thánh, hóa ra, mỗi người đều có hiệu riêng. Phùng Bất Nghiêng hiển nhiên là Đại Ác Thánh. Phùng Ân Khổ là Nhị Ác Thánh. Phùng Nghi Văn là Tam Thánh Hậu. Sỡ dĩ giang hồ lại đặt ngoại hiệu có phần tôn kính Phùng Nghi Văn nào phải vì bà ta hiền lành nhân từ gì. Trong Tam Ác Thánh, Phùng Nghi Văn ít khi phải động tay động chân nhất. Bản tánh bà khi đụng việc, xử sự rất tàn bạo. Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ vì vậy cực chẳng đã mới để Phùng Nghi Văn can dự vào chuyện ân oán. Giang hồ vốn khiếp sợ Đại Ác Thánh, Nhị Ác Thánh, nhưng gom hết hai nổi sợ đó vẫn không bằng sợ hãi Phùng Nghi Văn. Bọn họ thường rỉ tai, chạm mặt Tam Ác Thánh đã xui rủi cùng cực, nhưng chạm phải Phùng Nghi Văn càng xui rủi nhất đời. Vì vậy, bà ta được giang hồ cung kính cho ngoại hiệu Tam Thánh Hậu, căn bản cũng cầu mong bà ta rộng lượng như thiên vương thánh hậu mà thông dung.

Văn Viễn thấy người kia nghe danh Tam Thánh Hậu thì run rẩy toàn thân, đã phần nào đoán được uy danh của mẹ nhỏ Phùng Nghi Văn. Ông liền nói:

- Thưa mẹ, người này nửa đêm đứng bên ngoài dùng khăn lụa của Hắc Quan Âm để dụ con đến đây hòng tìm cách trao đổi! Nhất định hắn không có ý tốt!

Phùng Nghi Văn nghĩ thầm:

- Đứa con khờ này, chẳng phải trong lòng con còn nặng tình với Hắc Quan Âm giả mạo kia nên mới dễ dàng bị người khác dụ dỗ đó ư?

Bà ta không đáp mà hỏi người kia:

- Đã là cao tăng sao còn học thói trộm gà bắt chó che đậy mặt mũi! Ngươi tự tháo xuống hay để đích thân ta ra tay?

Người kia bị vây ở giữa liệu bề khó thoát nổi, bèn nói:

- Ta chỉ đến để trao đổi! Nếu quý công tự của phu nhân không chịu thì thôi! Sao phu nhân còn làm khó?

Phùng Nghi Văn chợt cười khanh khách:

- Phật Múa Nghìn Tay chẳng phải nằm trong Đạt Ma Thần Quyền đó sao? Cao tăng luyện thành dường như chỉ có tên Vô Sách! Ngươi chính là tên Vô Sách đó ư? Chính ngươi lúc gặp Phùng nhi của ta mất trí ở Ứng Kê rồi dẫn dụ nó vào giang nam! Ngươi đã biết nó bị Thiên Niên Trùng cắn, bản thân tuy đau đớn nhưng dần dà sẽ có nội hàn sung mãn trong người! Ngươi vì sợ một khi nội lực nó sung mãn nhớ lại chuyện cũ nên giả từ tâm dạy cho nó Tác Quang Thiền Thổ mà khống chế lại! Chỉ vì đứa con khờ của ta không hay biết nên mới bị ngươi gạt! Người làm mẹ như ta sao có thể không tính toán nợ nần này với ngươi!

Từ lúc Văn Viễn đem mọi chuyện kể lại cho Tam Ác Thánh nghe, Phùng Nghi Văn đều để bụng hết thảy những kẻ làm khổ con mình. Nếu không vì đã rút chân khỏi tranh đoạt giang hồ từ lâu, bà ta nhất định đã về lại trung nguyên mà chém giết cho hả giận. Tự nhiên hôm nay có kẻ tìm đến, bà ta đâu dễ gì bỏ qua.

Văn Viễn nghe bà ta nói cũng ngơ ngác:

- Người này là ân sư Vô Sách của con đó sao?

Phùng Nghi Văn cười nhạt:

- Cứ cởi tấm khăn che mặt của hắn xuống thì khắc rõ!

Bà ta tức thì tung trảo nhằm về hướng người kia. Trảo pháp của Văn Viễn vốn được Phùng Nghi Văn dạy, tất nhiên tự thân bà ta ra tay, còn lợi hại hơn ông gấp bội lần. Người kia bị bóng trảo trùng điệp vây khốn đành phải xuất quyền đánh trả. Văn Viễn lúc ở Ứng Kê đã thấy đại sư Vô Sách múa Đạt Ma Thần Quyền một lần. Ông nhìn người bịt mặt giao đấu với mẹ nhỏ hơn hai mươi chiêu, toàn sử dụng Đạt Ma Thần Quyền.

Người kia dùng quyền thuật rất tinh diệu nhưng rốt cuộc vẫn không thoát khỏi bóng trảo của Phùng Nghi Văn. Hắn bí đường đành phải đem nội lực ra đấu. Hiển nhiên, hắn càng không sao địch lại Phùng Nghi Văn. Kể cá chiêu Phật Múa Nghìn Tay đánh ra, liền bị vô vàng bóng trảo của Phùng Nghi Văn hóa giải hết. Phùng Nghi Văn hừ nhạt:

- Nằm xuống cho ta!

Phùng Nghi Văn chuyển trảo thành chưởng đánh thẳng vào ngực người kia. Chưởng pháp đẩy kình lực nặng như núi lớn ào đến áp đảo. Người kia hoảng loạn vung cả hai tay lên chống đỡ. Phùng Nghi Văn tức thì đổi chưởng thành trảo. Bà ta giật lấy tấm khăn che mặt, tiện tay tát liền bốn năm cái, đánh văng người kia bay qua một bên. Văn Viễn nhìn theo, quả nhiên là nhà sư Vô Sách. Ông tuy giận nhà sư vì chuyện dối gạt nhưng thật tâm vẫn rất kính trọng. Ông thấy Phùng Nghi Văn toan ra tay đánh bồi liền can ngăn lại. Phùng Nghi Văn biết Văn Viễn không quen nhìn cảnh giết chóc, cho nên vội thu kình lực. Bà chộp lấy Văn Viễn kéo về bên cạnh rồi hỏi:

- Mau nói! Hắc Quan Âm kia thực sự là ai?

Nhà sư Vô Sách lắc đầu đáp:

- Ta không biết!

Phùng Nghi Văn liền quát:

- Ngươi còn định nói dối! Nếu không biết vì sao ngươi dám đến đây để đặt điều kiện trao đổi? Hay là ngươi từ đầu đã có ý lừa gạt Phùng nhi của ta!

Phùng Nghi Văn thuận tay đánh thẳng một chưởng đẩy nhà sư văng đi gần năm trượng, toàn thân lấm lem tuyết trắng. Nhà sư Vô Sách nằm bất động gần nguội một chén trà mới có thể lồm cồm đứng dậy được. Phùng Nghi Văn tụ lực ở bàn tay rồi giơ cao hướng về phía nhà sư:

- Mau nói! Tam Thánh Hậu ta ra tay thế nào thì ngươi đã biết! Đã lâu ta chưa hề xé xác người nào! Ngươi có muốn thử hay không?

Bà ta nói giọng lạnh băng, hai mắt đều tràn đầy sát khí. Văn Viễn ngó thấy cũng phải lạnh người sợ hãi. Nhà sư Vô Sách liệu chừng Phùng Nghi Văn sẽ ra tay thật, bèn đáp:

- Được, được, ta nói! Ta tuy không biết Hắc Quan Âm là ai nhưng bà ta còn sống, lại còn đang là phu nhân của U Minh Cung Chủ!

Văn Viễn nghe lời này chẳng khác gì sét đánh ngang tai:

- Hàm hồ! Bà bà thần tiên sao lại là cung chủ phu nhân được?

Nhà sư Vô Sách đáp:

- Hà cớ gì sau trận náo loạn ở Gia Lăng, U Minh Cung đã thông cáo công tử không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh mà thu lại lệnh truy sát?

Văn Viễn liền tức thì tỉnh ngộ. Ông từ lúc biết chuyện này đều không hiểu nguyên do vì sao. Ông chợt nhớ đến lời của U Minh Cung Chủ lúc muốn ra tay diệt khẩu, lão một hai khẳng định phu nhân mới cưới của lão quen biết Văn Viễn, còn nặng tình, nặng ý. Thì ra, đều do Hắc Quan Âm. Văn Viễn thần người lẩm bẩm:

- Bà bà thần tiên sao lại đi làm cung chủ phu nhân?

Lòng dạ Văn Viễn lúc này không khác gì phiến đá bị vỡ muôn ngàn mảnh, đau đớn thê lương vô kể. Ông bất giác ngửa mặt thét vang rồi ngã vật xuống tuyết bất tỉnh nhân sự. Phùng Nghi Văn hốt hoảng vội đỡ lấy. Nhà sư Vô Sách nhân đó nhanh chân chạy trốn. Phùng Nghi Văn lo lắng cho Văn Viễn nên mặc kệ. Bà ta cắp ông bên hông chạy như bay về Bạch gia trang.

Phùng Nghi Văn cắp Văn Viễn chạy thẳng đến phòng riêng. Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ đang ngồi đánh cờ không khỏi giật mình ngơ ngác. Phùng Nghi Văn kể lại vắn tắt mọi chuyện. Lúc này, Văn Viễn mê mang cứ luôn miệng gọi bà bà thần tiên. Tam Ác Thánh nghe thấy tự nhiên lại thương cảm. Phùng Nghi Văn thở dài:

- Đứa con khờ của chúng ta sao lại si tình quá đỗi!

Phùng Ân Khổ lắc đầu đáp:

- Nó trong lòng vẫn có người đàn bà giả mạo Hắc Quan Âm kia, chỉ sợ không làm rõ về thân phận người này, nó sẽ không sao yên lòng được! Chỉ tội cho con dâu chúng ta!

Vừa lúc đó, Đại Sỹ cũng rón rén gõ cửa phòng rồi bước vào. Nàng nhìn Văn Viễn mê mang cứ luôn miệng gọi bà bà thần tiên liền bước đến quỳ xuống trước mặt Tam Ác Thánh:

- Xin cha mẹ để chàng được quay lại giang nam giải quyết hết mọi uẩn khúc! Bằng không, chàng nhất định sẽ khổ não vô cùng!

Phùng Ân Khổ liền nắm tay nàng nâng dậy:

- Con không chút ghen hờn ư?

Đại Sỹ đáp:

- Người đó ở trong lòng chàng trước, con làm sao có thể ghen tuông được! Hơn nữa lúc biết chàng, con cũng đã biết chàng si tình người đó vô cùng! Chàng tuy thật lòng yêu thương con, nhưng con không nở để chàng ngày nào cũng sầu nảo trong dạ!

Phùng Nghi Văn không ngờ Đại Sỹ lại có lòng dạ bao dung. Bà liền nắm lấy tay nàng mà nói:

- Con đúng là con dâu tốt của ta! Nếu là ta, ta nhất định sẽ xé xác hết những nữ nhân kia!

Bà nói câu này xong lại liếc xéo Phùng Bất Nghiêng một cái. Phùng Ân Khổ cũng hằn học liếc nhìn lão. Phùng Bất Nghiêng bản tính cương trực hào sảng. Đoạn hành hiệp lúc trẻ của lão tuy thật tâm không hề có tình ý với ai, rốt cuộc lại có nhiều nữ nhân si mê như điếu đổ. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn nổi cơn ghen không biết bao nhiêu lần. Cho nên sau này, Tam Ác Thánh như hình bóng, hiếm khi tách rời. Phùng Bất Nghiêng biết hai phu nhân đang nhắc lại chuyện hờn giận khi trẻ liền cười hà hà:

- Xem chừng Phùng nhi đã có được diễm phúc hơn ta!

Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn nghe xong không khỏi ấm ức trong bụng. Chỉ vì có Đại Sỹ ở đây nên hai bà không tiện trách móc nên đành cho qua.

Phùng Bất Nghiêng cũng không muốn châm chọc hai vị phu nhân ưa hờn mát. Lão nói:

- Thiên hạ cũng vì bí mật Tử Hà Thần Công mà tranh đoạt, tính ra cũng đã mấy năm dài chém giết! Chi bằng để Phùng nhi nam hạ một chuyến giải quyết, xem như Tam Ác Thánh chúng ta tích ít công đức!

Phùng Ân Khổ nhìn Văn Viễn vẫn đang mê mang mà thở dài:

- Đứa con khờ của chúng ta dễ tin người! Chỉ sợ nó sẽ bị người khác tìm cách hãm hại mà thôi!

Phùng Bất Nghiêng cười ha hả:

- Kẻ nào còn chán sống mà đụng vào công tử của Bạch gia trang! Ta có lẻ phải ra tay một phen để thị uy mới được!

Lão nói xong tức tốc đứng dậy. Phùng Ân Khổ cũng lập tức đi theo. Cả hai khinh công cao ngoài sức tưởng tượng, vừa nhấc chân đã mất tăm mất dạng. Đại Sỹ ngơ ngác hỏi:

- Cha và mẹ lớn sao lại bỏ đi?

Phùng Nghi Văn cười mỉm:

- Bọn lục lâm sắp khổ tới nơi rồi!

Đại Sỹ vẫn chưa hiểu ra được, chỉ đoán chừng hai người định đi thanh toán chuyện gì đó.

Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ đi hai ngày hai đêm mới quay về lại Bạch gia trang. Lúc về, cả hai vẻ mặt đều hớn hở. Đại Sỹ nhìn thấy y phục của họ có chút cáu bẩn. Một lát sau, Phùng Ân Khổ lôi ra không biết bao nhiêu là thẻ bài đủ hạng. Đại Sỹ tò mò cầm lên xem thử. Nàng đọc được nào là Lôi Âm Phủ, Hoành Địa Cung, Thiên Sơn Các, Hắc Tín Phòng liền giật nảy người:

- Đây…đây chẳng phải toàn là các bọn cường hào ác bá hay sao?

Phùng Bất Nghiêng cười hà hà:

- Ta đã muốn dọn dẹp lâu lắm rồi nhưng chưa có dịp! Nhân tiện Phùng nhi chuẩn bị đi vào giang nam, ta thị uy một chút!

Phùng Ân Khổ gật gù:

- Thử xem còn kẻ nào chán sống động vào con của chúng ta!

Đại Sỹ nhìn thấy hơn mười mấy thẻ bài có khắc hình mặt nạ quỷ liền biết là của U Minh Cung. Nàng chưa kịp hỏi, Phùng Ân Khổ đã nói:

- Phân đà của U Minh Cung ở mạn bắc kể như là đã xóa sổ! Mẹ tính tìm xuống tận U Minh Cung để dẹp bỏ, chỉ vì trong lòng nôn nóng muốn về xem Phùng nhi thế nào nên thôi!

Đại Sỹ thầm tính sơ sơ những nơi này ít ra cũng là hai ba trăm người. Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ dọn dẹp, hiển nhiên là đốt sạch giết sạch, chỉ mất có hai ngày hai đêm, chưa kể đường xá xa xôi. Nàng nhẩm xong tự nhiên không khỏi rùng mình sợ hãi. Phùng Bất Nghiêng sợ Văn Viễn đi xuống giang nam bị kẻ khác ám hại. Cho nên lão quyết định gây mấy trận thảm sát lớn để thị uy. Tam Ác Thánh ác danh hiển nhiên đã khiếp đảm giang hồ, nhưng tính ra cũng đã hơn hai mươi năm chưa hề ra tay, đâu tránh khỏi có kẻ sanh lòng miệt thị. Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ lần này xuất đầu lộ diện ở giang hồ đều cố tâm gây sự chú ý. Thành thử, cả hai toàn lựa những nơi đông đảo cường hào ác bá hung hãn để thảm sát. Từ nam chí bắc đều chấn động, nơi đâu cũng toàn nghe bàn tán. Tam Ác Thánh xưa giờ chuyên làm chuyện ác, bỗng nhiên lại giết sạch bọn ác bá dọc theo mạn bắc, không ai là không nghi hoặc. Bọn tà ma khiếp đảm là một chuyện, cả phường chánh đạo cũng nhấp nhổm chẳng yên. Tuy nhiên, Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ đã giúp trừ đi không ít ác nghiệt, thành ra người thầm mang ơn cũng không ít. Hiển nhiên, sau vụ này, chẳng có kẻ nào không để lòng vừa kính vừa sợ.

Văn Viễn một canh giờ trước đã tỉnh lại. Phùng Nghi Văn liền nhỏ to tâm sự với ông những việc đã bàn với Đại Sỹ. Văn Viễn nghe xong vui mừng tột độ. Ông cảm kích Tam Ác Thánh, lại càng cảm kích tấm lòng bao dung của Đại Sỹ. Phùng Nghi Văn dắt Văn Viễn ra đại sảnh. Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ, Đại Sỹ đều đã ngồi ở đó đợi. Văn Viễn thấy Đại Sỹ, ánh mắt tự nhiên nồng nàng ngọt lịm. Nàng ta thầm đoán Phùng Nghi Văn đã kể hết mọi chuyện nên bẽn lẽn đỏ mặt ngượng ngùng. Phùng Bất Nghiêng liền đưa mọi người đi. Văn Viễn nhận ra chính là lối đi mà lúc làm lễ kết hôn, lão đã âm thầm đem bài vị tổ tiên cất. Hành lang dẫn đến một phòng nhỏ để làm nơi thờ cúng. Phùng Bất Nghiêng nắm lấy một con kỳ lân nhỏ bằng đá xoay nhẹ. Tức thì nơi bức tường để lộ ra lối đi riêng dẫn xuống một mật đạo. Phùng Nghi Văn liền ở lại trong phòng canh gác. Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ đưa Đại Sỹ cùng Văn Viễn đi theo lối đó. Qua chừng hơn mười mấy bậc tam cấp, cả bốn người đã bước xuống một phòng đá rộng lớn có bày đủ các bài vị. Phùng Bất Nghiêng nghiêm giọng:

- Đây là nơi chứa đựng gốc gác Phùng gia của chúng ta! Con chim bay ngàn phương vạn hướng vẫn còn nhớ tổ của mình! Con và con dâu phải nhớ rõ!

Lão nói rồi lại chạm tay lên một phiến đá lồi ra trên tường. Bức tường liền bị sụp xuống đất, để lộ một gian thờ. Văn Viễn cùng Đại Sỹ nhìn thấy ở giữa là một bộ giáp phục là lẫm, bên cạnh là thanh kiếm nạm vàng sáng rực. Hai bên bộ giáp này có hơn sáu bài vị đặt theo thứ tự, đoán chừng là các đời tổ tiên của Bạch gia trang. Đại Sỹ nhìn mãi vẫn không ra là giáp phục của triều đại nào. Nàng còn thấy bên cạnh giáp phục có một giá đỡ khuôn vãi thếp vàng chỉ đỏ rất bắt mắt, không khác gì thánh chỉ. Nàng ngó bên trái giáp phục có một bài vị lớn bằng đá tạc chi chít những hình thù rất lạ lẫm. Văn Viễn vốn đã ở Ứng Kê hơn năm. Thành thử ông vừa nhìn đã nhận ra ngay. Ông đọc bài vị bằng đá thấy đề, Định Quốc Công Nguyễn Bặc liền ngơ ngác:

- Sao chúng ta lại thờ vị thần khai quốc của nam triều?

Phùng Bất Nghiêng nghiêm giọng:

- Quỳ xuống!

Văn Viễn cùng Đại Sỹ vội vàng quỳ lên hai bồ đoàn đã được chuẩn bị sẵn. Phùng Ân Khổ cũng quỳ xuống bên cạnh. Phùng Bất Nghiêng lúc này mới quỳ phía trước. Lão dập đầu lạy chín cái vô cùng nghiêm cẩn. Văn Viễn cùng Đại Sỹ tức thì làm theo. Phùng Bất Nghiêng lạy xong liền chấp tay hướng về bộ giáp phục mà nói:

- Hậu nhân đời thứ tư xin đưa con trai cùng con dâu ra mắt các tổ tiên! Mong chư vị tổ tiên phù hộ cho chúng khỏe mạnh bình an!

Văn Viễn ngơ ngác lẩm bẩm:

- Sao…sao Bạch gia trang lại là con cháu trọng thần nam triều?

Phùng Ân Khổ thấy ông ngẩn người ngơ ngác liền kéo tay áo ra hiệu. Văn Viễn vội vàng lạy tạ thêm chín lạy. Phùng Bất Nghiêng, Phùng Ân Khổ liền ngồi lên hai chiếc ghế đá, vẫn để cho Văn Viễn, Đại Sỹ quỳ dưới đất. Phùng Bất Nghiêng nói:

- Phùng Nhi! Con đã ở Ứng Kê, hẳn phải biết vị công thần khai quốc này!

Văn Viễn cung kính đáp:

- Con có biết! Đồng liêu khi đó vẫn thường luận dẫn anh hùng ngày xưa! Ai nấy đều tán đồng Định Quốc Công Nguyễn Bặc xứng là anh hùng khai quốc của triều Đinh!

Đại Sỹ quen ở giang nam, tuy kiến thức nàng rộng lớn nhưng thủy chung chưa hề đi sang các nước lân cận đại Tống nên không hiểu Văn Viễn đang nói triều đại nào. Nàng đanh im lặng lắng nghe.

Phùng Bất Nghiêng lúc này kể:

- Tổ tiên của con tên Nguyễn Mạnh, là con nuôi của Định Quốc Công Nguyễn Bặc! Tiếc thay lúc cuối triều nhà Đinh ở Đại Cồ Việt, hoàng đế cùng thế tử bị độc chết! Vua tôi kế nhiệm còn nhỏ, đã bị gian thần lộng hành giành quyền có ý hoán triều đổi vị! Định Quốc Công Nguyễn Bặc cùng Lưu Cơ, Phạm Hạp, và những vị công thần khai quốc khác phát binh thảo phạt, không ngờ bại trận, bị chém chết! Tổ tiên khi đó chỉ kịp đem theo bộ giáp phục của Định Quốc Công cùng vài vật được hoàng đế gia phong lên thuyền trốn đi để tránh tội! Thuyền gặp bão lớn trôi vào biển bắc, may mắn gặp được viên ngoại tên Phùng Kiến Bang, chính là trang chủ của Bạch gia trang lúc bây giờ, cứu giúp! Tổ tiên chúng ta đang tìm một chốn dung thân nên theo Phùng viên ngoại về núi Trường Bạch! Từ đó chúng ta đổi sang họ Phùng! Phùng viên ngoại không có thân thích nên khi qua đời, tổ tiên chúng ta tiếp quản Bạch gia trang mà sinh sống đến nay! Chúng ta là dân Nam Việt, là con cháu của công thần khai quốc tiền triều không phải là người Tống, con suốt đời không được quên điều này!

Văn Viễn lúc ở Ứng Kê ăn nói bằng thổ ngữ rất lưu loát. Ông sau này khi nhớ lại vẫn không hiểu nếu bản thân là dân Tống vì sao lại biết tiếng nói của người Nam Việt. Thì ra từ nhỏ, Phùng Bất Nghiêng đã dạy ông nói tiếng Hán và tiếng Nam Việt.

Phùng Bất Nghiêng cảm khái nói tiếp:

- Tổ tiên chúng ta mấy đời đều đau đáu chuyện giúp tiên đế trừ gian thần! Tuy nhiên, đơn thân đất khách làm sao có thể mưu tính chuyện đại sự được! Vì vậy, các đời sau đều chú trọng căn dặn con cháu phải tập luyện võ nghệ để cường thân! Đến đời của ta, khi ta biết chuyện đã dốc sức tập luyện! Ta bỏ suốt ba mươi năm dài vẫy vùng khắp nơi cốt chỉ để gầy dựng thanh thế! Tuy nhiên, người trong giang hồ bản tính âm hiểm trí trá, ta làm sao có thể tin mà dùng cho việc lớn! Thành ra cuối đời, ta cùng hai mẹ của con đành ngậm ngùi ẩn mình nơi lạnh lẽo này! Nghĩ đến tâm nguyện của tổ tiên để lại, ta không khỏi hổ thẹn!

Văn Viễn liền hiểu ra:

- Có phải cha muốn con hoàn thành tâm nguyện của tổ tiên?

Phùng Bất Nghiêng gật đầu:

- Bây giờ ở nước ta đang là triều Lý, gian thần lộng hành ép vua từ ngôi! Ta hay tin có nhiều nghĩa sĩ tụ tập ở vùng Quan Tế đợi thời cơ! Chỉ cần con tìm ra được bí ẩn Tử Hà Thần Công! Ta nghe nói sẽ dẫn đến kho tàng thời Chiến Quốc của nước Sở! Chỉ cần lấy được chổ vàng bạc đó, đem về ủng hộ các nghĩa sĩ để giúp Chiêu Thánh Hoàng Đế dẹp gian thần! Xem như đã thỏa tâm nguyện của tổ tiên con để lại!

Phùng Bất Nghiêng nghiêm giọng, Văn Viễn nhìn không khỏi kính sợ:

- Con bản tính quá bi lụy vào chuyện luyến ái nam nữ, chuyến này đi giang nam, con hãy giải quyết hết mọi chuyện!

Văn Viễn vội vàng dập đầu dạ lớn. Phùng Bất Nghiêng nhìn Đại Sỹ, nói:

- Con cũng như hai phu nhân của ta đều là người phương bắc! Tuy nhiên, khi đã gả vào Bạch gia trang, con phải tuân kính tổ tiên, giữ đúng lễ nghĩa không được có lòng khinh thị! Sau này ta trăm tuổi, con sẽ ngày ngày phải cúng bái hành lễ, không được chểnh mảng, lơi là!

Lão tuy hạ giọng ôn nhu nhưng đầy nghiêm nghị. Đại Sỹ vội dập đầu đáp:

- Con đã nhớ kỹ lời dạy hôm nay! Con không dám để lòng khinh mạng mà lơi là lễ nghĩa!

Phùng Bất Nghiêng liền ra hiệu cho Đại Sỹ đến bên cạnh. Lão xoa đầu nàng mà nói:

- Người Tống thường tự cho mình cao quý, đều gọi các dị tộc khác là rợ, xem họ như hạ đẳng! Tuy nhiên, tộc nào cũng có sự cao quý của nó! Vạn vật chúng sanh đều bình đẳng, không hề có thượng đẳng hay hạ đẳng bao giờ! Con học nhiều chữ nghĩa, hẳn đã rõ điều này!

Phùng Bất Nghiêng chớ hề vỗ về an ủi ai. Đến Văn Viễn là con ruột, lão vẫn để khoản cách để giữ tôn nghiêm. Lão phá lệ dỗ dành Đại Sỹ, hiển nhiên rất coi trọng nàng:

- Con là đứa dâu tốt! Phùng nhi của ta thật may mắn mới cưới được con! Con đừng thấy ta hay lạnh nhạt, nghĩ rằng ta để dạ xem thường! Đối với ta, ta yêu thương con không khác gì yêu thương Phùng nhi!

Đại Sỹ xúc động đến rơi nước mắt:

- Con nào dám có lòng nghĩ như vậy! Xin trời đất chứng giám!

Phùng Bất Nghiêng cười ha hả:

- Con cứ an tâm để nó đi giang nam! Nếu nó dám đem về nữ nhân khác, ta nhất định sẽ xé xác người đó trước mặt cho con hả giận! Con đừng lo bị thiệt thòi!

Lão nói đều nhè vào ruột gan của Đại Sỹ, khiến nàng ta không khỏi thêm phần quý mến.

Phùng Bất Nghiêng quay sang Văn Viễn dặn dò:

- Con đi chuyến này, nếu tìm được kho tàng càng tốt, nếu không được thì đừng gượng ép! Tổ tiên chúng ta có nhiều người võ công rất siêu quần! Bọn họ nếu muốn về lại xâm nhập cấm cung giết nghịch thần thì dễ dàng biết bao! Tuy nhiên không có ai làm việc ấy, con có biết vì sao không?

Văn Viễn liền đáp:

- Con không biết!

Phùng Bất Nghiêng thở dài nói:

- Là vì thái bình! Gian thần kia ép vua giành ngôi nhưng hắn xây dựng triều đại phát triển rực rỡ! Bách tính đều an lạc! Nếu giết đi, tuy trả được thù tổ tiên nhưng hại trăm ngàn dân chúng lâm cảnh binh đao loạn lạc! Cho nên, tổ tiên chúng ta không ra tay! Nhưng bây giờ đã có thêm gian thần khác tác quái! Nếu có thể giúp chỉnh đốn triều cang, tổ tiên chúng ta cũng ngậm cười chín suối!

Văn Viễn cảm khái đáp:

- Con đã nhớ rõ!

Phùng Ân Khổ lúc này mới lên tiếng:

- Mẹ và cha vừa mới gây mấy vụ lớn! Con bây giờ đi giang nam không còn có kẻ nào dám gây hại! Ta thật lòng chỉ muốn con kề cận bên ta mà thôi! Chuyến này con phải đi nhanh về nhanh, được việc càng tốt, không được cũng không sao! Tuy nhiên, con phải giải quyết hết những khúc mắc vướng bận trong lòng, sau đó về lại Bạch gia trang, không được để con dâu của ta trông ngóng mỏi mòn!

Văn Viễn nghe bà nhắc đến khúc mắc trong lòng liền đỏ mặt xấu hổ. Ông vội vàng dạ lớn.

Bốn người tiếp tục quỳ lạy các bài vị tổ tiên thêm mấy lượt mới trở ra ngoài.

Văn Viễn quyết định sớm mai sẽ lên đường. Thành ra cả ngày hôm đó, ông được Tam Ác Thánh luân phiên căn dặn đủ chuyện.

Tối hôm đó, ông cùng Đại Sỹ thức trắng đêm thủ thỉ tâm sự. Sau mấy bận lửa tình hoan ái càng khiến quyến luyến không muốn dứt đi. Văn Viễn đề nghị đưa Đại Sỹ đi cùng thì nàng liền từ chối. Nàng tự biết chuyến này, Văn Viễn sẽ gặp lại không ít nữ nhân, có thêm nàng chỉ càng làm mọi chuyện bất tiện. Nàng tuy không nói ra nhưng Văn Viễn đều đoán được. Cho nên ông càng thêm yêu quý nàng:

- Ta chỉ muốn xem thử bà bà thần tiên là ai! Khi xong việc, ta nhất định sẽ về lại bên nàng!

Đại Sỹ cười khúc khích đáp:

- Chàng dầu có dẫn năm sáu thê thiếp về đi nữa, thiếp cũng không oán trách! Chỉ cần trong lòng chàng có thiếp là được rồi!

Lửa tình mới tắt lại bùng cháy, cả hai cuống cuồng trong bể hoan ái ngỡ nồng nàn không sao dứt được. Đến quá canh ba, cả hai mới thiu thỉu chợp mắt.

Sáng hôm sau Văn Viễn lập tức lên đường. Hết thảy mọi người trong Bạch gia trang đều ra đưa tiễn ông hơn năm dặm đường núi mới dừng lại. Văn Viễn không dám rề rà sợ yếu lòng nên dùng khinh công chạy như bay. Ông chạy chừng hai canh giờ sau đã xuống đến chân núi rồi theo lối đi cùng Đại Sỹ ngày trước mà về lại giang nam. Văn Viễn trong lòng nôn nao nên chạy không biết mệt. Ông đi một mạch đến gần chiều mới thấy đói bụng đói, bèn tấp vào một quán dọc đường ăn uống.

Quán này chỉ đủ kê bốn năm cái bàn nhỏ. Chủ quán kiêm luôn phục vụ bưng bê. Văn Viễn gọi bốn năm món rồi tranh thủ ăn uống mau lẹ. Đột nhiên bên ngoài có tiếng ngựa hí vang trời, sau đó là tiếng của bốn năm người mắng chửi không ngớt. Văn Viễn hiếu kỳ vội nhìn ra. Ông thấy năm trung niên lực lưỡng đang vây lấy một con ngựa đen tuyền. Những tên này trên tay lăm lăm dây lớn được buộc thòng lọng ở đầu. Bọn họ mấy lần ném dây định tròng lấy đầu con ngựa. Con ngựa đen như biết ý, liền nhảy qua nhảy lại né tránh. Tiện đà nhảy, con ngựa đá hậu mấy cước nhanh như điện. Bọn người kia có kẻ không ngờ tới, trúng phải đau thấu trời xanh không ngừng khóc cha kêu mẹ. Văn Viễn nhìn một lúc liền giật mình la lên:

- Chẳng phải Truy Phong Mã của các tiểu thư Mai Hoa Trang đó sao?

Ông vội vàng chạy ra ngoài. Con Truy Phong Mã nhận ra Văn Viễn liền dựng vó hí vang. Nó nhún một cái đã nhảy ra khỏi vòng vây chạy đến cạ đầu vào người ông liên tục. Mấy trung niên kia liền hậm hực mắng Văn Viễn sa sả:

- Món hời này là của bọn ta! Ngươi đừng hòng phỏng tay trên! Mau mau trả con ngựa đó cho bọn ta!

Văn Viễn chấp tay cung kính nói:

- Con ngựa này không phải của các vị, làm sao các vị lại đòi cho được?

Năm gã trung niên nhìn Văn Viễn dáng vẻ thư sinh thì liếc mắt nhìn nhau đắc ý. Một tên bước lên nói:

- Con ngựa này có phải là của ngươi hay không?

Văn Viễn ôn nhu đáp:

- Không phải của tại hạ! Nhưng chủ nhân của nó là thân hữu của tại hạ!

Tên kia liền nói:

- Của thân hữu ngươi thì xem như là của ngươi! Ngươi phải mau mau trả bọn ta hai ngàn lượng vàng mới được đem con ngựa này đi!

Văn Viễn ngơ ngác:

- Vì sao tại hạ phải đưa tiền cho các vị?

Tên kia đáp:

- Con ngựa này đi lạc, bọn ta phải cực khổ mới đưa nó về đây được! Nó còn đá mấy anh em ta bị thương! Hai ngàn lượng vàng coi như là tiền đền bù thuốc men chữa trị! Bọn ta lấy như vậy là rẻ lắm rồi! Mau mau đưa tiền ra đây!

Bọn chúng vốn thấy Truy Phong Mã chạy đơn lẻ liền hè nhau toan bắt để bán. Ngờ đâu loay hoay hơn nửa ngày vẫn không khống chế được. Bọn chúng toan bỏ cuộc thì Văn Viễn ra mặt. Cả năm tên thấy Văn Viễn ăn mặc tươm tất, lại có dáng thư sinh đoán chừng có thể kiếm chác nên liền làm khó dễ.

Văn Viễn nhìn cả bọn mặt mũi đều bất lương thì đã đoán ra được cớ sự. Ông ngẫm lại cũng không muốn rước phiền phức bèn nói:

- Hai ngàn lượng vàng thì hơi cao! Nhưng một trăm lượng thì được!

Tên kia quay lại hội ý với đồng bọn rồi đáp:

- Được! Coi như bọn ta dễ bụng! Một trăm lượng thì một trăm lượng!

Văn Viễn liền lấy trong người ra một thỏi vàng. Tên kia tinh mắt thấy còn vô số ngân phiếu lập tức nổi lòng tham. Hắn quát:

- Ngươi mang theo nhiều vàng bạc như vậy còn dám chê mắc chê rẻ!

Mấy tên kia tức thì ùa nhau xông tới Văn Viễn. Văn Viễn thấy cả bọn có ý bất chính liền hừ nhạt:

- Các vị làm vậy khác gì trộm cướp!

Ông dồn hàn nhiệt xuống lòng bàn tay đẩy nhẹ một chưởng. Cả năm tên đang đà lao đến nghe khí lạnh buốt phả vào mặt. Cả bọn chưa hiểu chuyện gì đã bị đánh văng ra sau hơn hai trượng. Tên nào tên nấy tức thì lồm cồm bò dậy, quay đầu chạy thẳng một mạch không dám ngoái lại nhìn.

Nguồn: truyen8.mobi/t115510-vu-diem-co-thien-chuong-47-mat-that-bach-gia-trang.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận