Hôm nay, ông Cư không đi làm. Sau khi chở bà Chín ra cửa hàng, ông về lại nhà. Dạo gần đây ông tập trung thời gian vào chăn nuôi gia súc. Ông mới tậu về một đàn dê, buổi sáng thì lùa xuống vườn cho ăn cỏ, tối đến thì lùa về.
Cũng vì vậy mà công việc sửa xe của ông chểnh mảng. Ông từng tuyên bố với bà con cô bác: “Năm năm nữa tôi sẽ làm tỷ phú.” Ai nghe ông nói cũng gật gật đầu tỏ vẻ tin rằng ông sẽ làm được. Nhưng trong thâm tâm mọi người nghĩ gì thì chỉ có Chúa mới biết.
Có hai luồn dư luận tập trung xung quanh ông. Một là, ông Cư, người con có hiếu với mẹ già, chịu khó làm ăn. Hai là, ông Cư, một kẻ tâm thần đang được tại ngoại.
Mặc ai nói ngã nói nghiêng, ông vẫn cứ là ông. Bình thường thì ăn nói vô cùng tỉnh táo. Say lên thì bắt đầu trở tính, biến thành một kẻ nói nhảm, nói bậy.
Trong những chiến tích của ông có hai vụ tuy nhỏ nhưng cũng gây xôn xao dư luận trong khu xóm ông ở. Chuyện là:
Lần đó cả xóm góp tiền làm đường. Bê tông được láng chưa khô, ông Cư từ trong nhà lao ra, không biết hôm đó ông đã uống chưa. Chỉ thấy ông như đứa trẻ đang cáu bẳn, ông chà chà, đạp đạp… làm đủ cách phá hỏng công trình mà mọi người khổ công xây dựng. Bao nhiêu hộ gia đình tập trung vào chửi mắng ông. Ông chỉ phán lại một câu:
- Tôi đóng tiền, tôi phá.
Vậy là từ đó ông bị mang tiếng “hâm”.
Một lần nữa là vào rằm tháng tám. Khi bọn trẻ con đã theo đoàn múa lân đi rước đèn Trung Thu. Ông ngà ngà đi về, gặp ngay “bố Vui” đang bắt chim đứng đái chờ đợi người qua kẻ lại. Ông Cư thấy vậy thích chú kêu lên:
- Hú, hú, bới làng xóm ơi! Ra đây mà xem con tu hú.
- Im mồm ngay thằng kia không tao cắt lưỡi. – Ông Vui quát lên.
- Cắt lưỡi hay là cắt chim? – Ông Cư nói thản nhiên.
Ông Vui không còn biết nói gì hơn nữa. Bỏ chim vào quần, đi vào nhà. Kể từ đó tuy hay nhậu nhẹt với nhau nhưng trong lòng đã có sự hiềm khích ngấm ngầm.
Hôm nay, thấy ông Cư có vẻ yêu đời, mồm miệng huýt sáo lanh lảnh. Ông Vui mới hỏi chuyện:
- Dạo này vui quá nhỉ?
- Vui chứ sao không, đời mà, sống được bao năm, buồn phiền làm gì.
- Phải rồi, có kèo thơm mà.
- Ý anh là sao?
- Có sao đâu, hôm nay có nhậu không?
- Anh chuẩn bị mồi nhậu đi, tôi sẽ lo rượu.
- Anh khôn thế, tôi lo rượu.
- Được thôi.
- Chà chà, dạo này trúng nhờ.
- Trúng gì đâu, đời mà, hào phóng lên.
- Vậy thì lo rượu luôn đi.
- Anh tưởng tôi là thằng ngốc chắc, anh chuẩn bị đi, chiều khoảng 5 h xuống nhà tôi.
- Bây giờ anh làm gì?
- Tôi đi lo cho đàn dê đã.
- Hiểu rồi, hiểu rồi. – Ông Vui cười tinh quái.
Hai người đang nói chuyện thì bà Tài từ trong nhà đi ra. Thấy hai người đang bàn chuyện nhậu nhẹt, bà nói xen vào:
- Nhậu đi các con, rồi bắt đầu làm sảng.
- Này, không phải chuyện của bà. – Ông Cư nói.
- Nhưng là chuyện của xóm. – Bà Tài đốp lại.
- Hừ, bà hào hiệp quá hơ. Bà lo cho mớ kinh kệ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” của bà đi.
- Mày dám nói tao vậy hả Cư.
- Sao lại không dám, ở cái xóm này từ đầu hẻm đến cuối hẻm ai mà không biết danh tiếng của bà nữa. Chỉ có mỗi bà là không biết thôi.
- Mày im cái miệng chó lại đi thằng biến thái.
- Bà, Đ... má. Con mẹ già, mày muốn gì? – Ông Cư điên tiết lên.
- Thôi, thôi, hai người làm ơn. – Ông Vui nói, đẩy bà Tài vào nhà, kéo ông Cư ra xa.
- Sao anh không để tôi chửi cho con mẹ đó một mẻ. – Ông Cư chưa nguôi giận.
- Thôi mà, đồ lừa già đó chấp làm gì.
- Mẹ, già thì già chứ, già mà không nên nết.
- Thôi, bỏ qua đi. Cứ như hẹn nhé!
- Được rồi, anh yên tâm. Để tôi lên sạt con mẹ này một trận đã…
Hai người đang dằn co thì anh Ti con của bà Tài vừa về. Thấy vậy ông Cư cũng xuôi xuôi, nguôi giận đi lập tức. Ông Vui cười tủm tỉm nói khích:
- Tôi không giữ anh nữa đâu, lên cho mụ ta một mẻ đi.
- Hừ, dù sao thì mụ ta cũng là hàng xóm của mình, lại già cả rồi. Sống trên đời phải biết bao dung, anh về đi. Tôi vào nhà đây, hẹn gặp lại tối nay.
Họ chia tay nhau, ai về nhà người nấy.