Đồng hồ báo thức reo vào 6h05. Helen với tay và ấn nút. Mắt nhắm, bà nghe tiếng chim chim chíp kêu trên cành cây phía bên kia cửa sổ. Bà thích thời điểm cuối cùng của mùa hè, khi đêm tương đối mát để ngủ không cần mở điều hòa và ban ngày thì ánh sáng rọi vào phòng ngay khi ngủ dậy. Bà mở mắt và ngắm nhìn căn phòng bà thích nhất, có một cái đệm dày đặt ngay trên sàn, hai khối bằng gỗ trắng, một cái bàn thấp trên đặt vô tuyến và một cái tủ nhỏ màu trắng để bà đựng đồ trang sức. "Thẩm mỹ tối thiểu", Alexandru đã nói với bà như vậy. Bà sung sướng khi có thể đặt một cái tên bác học cho sở thích vốn có của mình.
Cơ thể bên cạnh bà không hề nhúc nhích.
- Jacob!
- Mmm...
Ông thở dài và nghiêng mình trở dậy, rồi từ từ ngồi lên và lại thở dài. Helen đứng dậy và lấy từ tủ tường một bộ âu phục và một áo sơ mi. Bà quay trở lại. Jacob đang ngồi trên giường, chân đặt lên sàn, vai thõng xuống. Bỗng chốc ông có vẻ già nua. Bà như thoáng nhìn thấy cha của Jacob trong ngôi nhà ở Haïfa, cũng với vẻ mệt mỏi này.
- Ông sao thế?
- Tôi cảm thấy có gì là lạ.
- Ở đâu?
- Đây. - Ông chỉ vai trái. - Nó nặng trĩu. Tôi ngủ tệ lắm.
Bà cau mày. Hiếm khi Jacob phàn nàn về một cơn đau nào đó.
- Hôm qua ông có mang cái gì nặng không?
- Không.
- Chắc ông đã nằm sai tư thế khi ngủ?
- Có lẽ vậy. Chắc sẽ khỏi thôi.
Bà đi tắm. Trong khi nước rất nóng rào rào chảy khắp cơ thể, một mối lo lắng tiềm ẩn thay cho sinh lực vẫn có mỗi buổi sáng. Bà vội vàng lau khô người và mặc quần áo, rồi trở lại phòng ngủ, khi Jacob đang cài khuy áo.
- Ông thấy sao rồi?
- Vẫn vậy.
- Nó làm ông đau lắm à?
- Không. Không đau lắm. Mà khó chịu, cứ như có gì chèn ép ở bên trong. Lạ thật. Tôi không bao giờ thấy như vậy.
- Hãy gọi bác sĩ Goldberg.
- Mới sáu giờ rưỡi, Lenoush. Chắc không sao đâu.
- Phòng khám của ông ấy mở vào tám giờ. Ta sẽ đến đó trước khi lên tàu.
- Sẽ muộn mất hai giờ.
- Thế vẫn hơn. Ông ta sẽ kê cho ông thứ gì đó và ông sẽ hết đau.
Ông gật đầu không phản đối nữa. Helen thấy lo lắng hơn.
Như mọi buổi sáng, Jacob đánh xe ra khỏi gara, tay trái cầm vô lăng, cánh tay phải đặt trên lưng ghế và mặt ngoảnh về phía sau. Helen liếc nhìn ông. Ông có vẻ căng thẳng. Bỗng nhiên, một tiếng kêu thảm thiết làm đinh tai họ. Bà giật nảy mình. Jacob đạp phanh gấp.
- Chuyện gì vậy? Bà hỏi với giọng run run.
- Không biết. Để tôi xem.
Ông kéo phanh tay và ra khỏi cái xe Lincoln. Một phút sau ông quay lại.
- Một con thỏ. Nó bị bánh xe chẹt.
- Một con thỏ? Ở đây ư?
- Có lẽ nó xổng chuồng. Bé Thomas ở nhà bên không có thỏ chứ?
- Có chứ. Ôi, khủng khiếp quá! Làm sao bây giờ?
- Chả làm gì được nữa. Sẽ phải mua cho nó con khác.
Con thỏ là chủ đề nói chuyện tới lúc họ đến phòng khám bệnh ở gần trung tâm thương mại. Bảy giờ rưỡi và cửa còn đóng. Họ vừa ngồi đợi trong xe vừa nghe tin tức. Helen châm một điếu thuốc. Họ nhìn thấy chiếc xe của ông bác sĩ đa khoa đến. Ông bác sĩ già quen họ từ khi họ đến ở New Jersey cách đây chín năm, mời họ vào ngay. Ông đề nghị Jacob mô tả chính xác cảm giác và chỉ vào chỗ đau. Bà quay lại phòng đợi trong khi ông nghe bệnh cho chồng. Mười phút sau, bác sĩ gọi bà.
- Helen, tôi muốn Jacob đi ngay đến bệnh viện để làm vài xét nghiệm.
- Đến bệnh viện! Tại sao?
- Bình tĩnh nào, Lenoush. Chỉ để xác minh là mọi cái ổn cả. - Bác sĩ Goldberg trấn an. Phải rồi, để phòng bất trắc, tôi gọi cho các vị taxi.
- Không cần đâu, Helen nói, chúng tôi có xe rồi.
- Để xe lại đây và hãy đi taxi.
Helen tái mặt. Bà không dám hỏi tại sao.
May thay, ở phòng cấp cứu không phải đợi lâu. Có lẽ nhờ có thư của bác sĩ Goldberg. Không đầy mười phút, một cô y tá gọi Jacob. Helen đứng lên để đi theo nhưng cô bảo bà chờ. Bà ngồi xuống lấy một tờ báo trên bàn trước mặt, tờ Newsweek mà bà lấy hú họa. “Rắc rối ở nhà trẻ”, tên bài báo dưới bức ảnh một em bé trong tay cha. Bà đọc câu chuyện về một đứa trẻ đẻ non hai mươi tư tuần tuổi, đã sống sót nhưng lại bị mù vì ánh sáng của bệnh viện. Bình thường, một chuyện như vậy thường làm bà kinh hãi. Nhưng nay tâm trí bà không thể tập trung vào đứa trẻ, mà luôn hướng tới Jacob, tới cái cửa ông đã đi ra và từ đó đã có rất nhiều người vào. Phòng đợi đầy người và xung quanh rất ồn ào nhưng bà không nhận ra. Bà nhìn đồng hồ. Mười giờ hai mươi. Bà hoảng hốt khi nhớ rằng bà có một cuộc họp vào mười giờ mà bà vẫn chưa gọi về cơ quan. Bà xem lại thấy có tiền xu trong túi xách nhưng trong phòng đợi không có buồng điện thoại. Chắc phải ra sảnh của bệnh viện. Bà không dám đi xa để gọi điện thoại cũng như để hút một điếu thuốc mà bà rất thèm. Nỗi lo lớn dần, tới mức bà thấy chóng mặt. Một nữ y tá bước vào.
- Ai là bà Tibb?
Bà bật dậy. Tờ Newsweek rơi xuống đất. Bà nhặt lên và đặt tờ báo lên trên cái bàn thấp.
- Mời bà theo tôi.
Không nói lời nào, bà theo người phụ nữ mặc áo bờ lu trắng vào hành lang. Jacob ở đâu nhỉ? Có gì đã xảy ra? Tim bà đập loạn xạ. Nữ y tá đưa bà vào một căn phòng có một bác sĩ trẻ người da màu mặc bờ lu trắng đang ngồi ở bàn. Anh ngẩng đầu mỉm cười với bà. Rất hiền từ.
- Bà Tibb phải không ạ? Mời bà ngồi. - Anh ta đợi cho bà ngồi xuống cái ghế tựa bằng da. - Tôi lấy làm tiếc báo với bà ông nhà vừa trải qua một cơn đau tim. - Bà nhìn bác sĩ chằm chằm mà không cất nổi lời nào. - Ông vẫn sống, bà yên tâm. Ông bà đã đến bệnh viện kịp thời. Tuy nhiên, động mạch của ông hoàn toàn bị tắc. Sáng mai, chúng tôi phải mổ phanh cho ông. Hiện tại bà không thể gặp ông được. Ông đang được hồi sức. Bà ở lại đây cũng chẳng được việc gì. Bà hãy về nhà đi, bà Tibb! Bà có muốn uống nước không?
Bà nhìn bác sĩ, môi khô và mắt vô hồn. Cơn đau tim, động mạch tắc, hồi sức. Những từ ngữ này không có nghĩa gì hết. Hai giờ trước đây, Jacob cùng bà vào bệnh viện này. Con thỏ bị chẹt chết bỗng hiện về với bà, như báo trước một điềm gở.
Nữ y tá mang cho bà một cốc nước, cầm tay bà, chỉ cho bà lối ra, gợi ý bà gọi taxi ở cổng.
Taxi chở bà về nhà. Bà đưa cho tài xế hai mươi đô la và bảo giữ lại tiền lẻ, rồi bà đi lên bậc cầu thang đến tận thềm, để không đi lại lối đi ban sáng. Vừa đóng cửa xong, bà gọi số của tòa báo ở Boston. Alexandru không có đường dây trực tiếp nên cô thư kí trả lời. Helen đề nghị được gặp con trai.
- Alex Tibb hôm nay không có đây ạ.
Bà gọi về nhà cho con. Nó ốm ư? Sau bốn lần chuông reo, điện thoại chuyển chế độ nhắn tin. Helen biết rằng Alexandru hiếm khi nhấc máy, trừ phi nghe thấy giọng mẹ. Bà nói vào máy: "Alexandru, Alexandru! Trả lời mẹ đi! Có việc gấp!" Không động tĩnh. Nó có đang hút thuốc trong vườn không nhỉ, nó có nghe thấy tiếng điện thoại reo không? Mười phút sau, bà thử gọi lại. Không kết quả. Nó ốm? Nó ngủ say? Tiếng chuông điện thoại rồi cũng đánh thức nó chứ. Bà bấm số của nó mười lần liên tục chỉ để cho điện thoại réo. Bà cũng để lại nhiều tin nhắn. Nếu có nhà, dứt khoát nó phải nhấc máy. Nó ở đâu vào lúc này cơ chứ? Bà đi vòng quanh bếp. Bà hút thuốc. Bà uống Pepsi. Bà khóc. Bà cầu nguyện nữa. Bà đã không cầu nguyện kể từ khi bà lên bảy. Bà không biết gọi ai nữa. Giữa hai cuộc gọi cho Alexandru, bà đã gọi cho Bill để giải thích việc hôm nay bà không đến cơ quan. Bà kể cho anh ta nghe những gì đã xảy ra. Bill đã an ủi, rất tử tế và làm bà yên lòng. Nhưng anh ta phải làm việc. Bà không thể làm phiền anh ta khi không có gì mới để thông báo. Cần phải chờ đợi. Trong gạt tàn, mẩu thuốc chất đống.
Vào sáu giờ hai mươi, điện thoại réo. Bà chạy bổ đến, chân vấp vào ghế, làm bị thương móng chân - sau đó bà thấy máu khô - và không thấy đau gì cả. May thay, đó là Alexandru, chứ không phải bệnh viện để chỉ có thể thông báo một tin xấu. Bà muốn nói với con bằng một giọng bình tĩnh, nhưng không được. Bà suy sụp trước máy điện thoại, bật khóc nấc lên. Bà đọc tên con như một đứa bé gọi mẹ. Bà bảo con đến ngay với mình. Giọng đàn ông của con bà, đĩnh đạc, bình tĩnh mới ngọt ngào làm sao:
- Con đi ngay đây mẹ. Năm tiếng nữa con sẽ đến.
Năm tiếng sau đó là chờ đợi, nhưng một sự chờ đợi dễ chịu, với mục đích đã biết, đợi Alexandru đến. Bây giờ lại thêm một mối lo mới làm bà đờ đẫn, bà sợ Alexandru vì muốn đến với mẹ nhanh nhất nên lái xe ẩu.
Hẳn anh đã phóng xe cực nhanh vì chưa đến nửa đêm bà đã nghe thấy tiếng rú của động cơ trong cái phố yên tĩnh. Bà lao bổ ra. Từ trên thềm, bà nhìn thấy đúng là chiếc xe Ford màu vàng. Anh đậu xe trước gara, trong đó không có xe của Jacob - Helen thoáng nghĩ phải bảo con trai đi lấy xe Lincoln đang chiếm một trong bốn chỗ dành cho người bệnh trước cửa phòng khám của bác sĩ đa khoa. Anh xuống xe và bà nhìn thấy rõ ràng trong ánh sáng đèn đường mái tóc đen của anh, khuôn mặt anh mỉm cười hướng về mẹ. Cửa phía người ngồi cùng mở ra. Ai đó bước ra. Một cô gái mặc váy ngắn, tóc dài vàng óng. Helen nhướn mày. Bà không nhớ có nghe con trai nói sẽ đến cùng ai. Thời gian này, bà không biết con có bạn gái. Cô gái đi sau Alexandru. Helen bỗng nhận ra. Đó là cô gái Pháp, người đã gọi điện thoại cho bà vào tháng Hai, bảy tháng trước đây, để hỏi bà liệu Alexandru có phải là người đáng tin cậy hay không.
*
Marie nhận ngay ra ngôi nhà gạch xây trên một gò đất có trồng cỏ mà cô đã tưởng không bao giờ thấy lại. Theo Alex, cô bước lên cầu thang bằng bêtông. Helen đứng đợi trên thềm như cách đây một năm, nhưng bà không nở nụ cười nồng nhiệt và không đánh môi son. Mái tóc dài quăn màu xám không buộc làm bà có vẻ già nua. Mắt bà mọng lên vì khóc, nước da nhợt nhạt, dáng vẻ mệt nhọc. Marie vụng về ôm hôn bà, gắng biểu lộ sự đồng cảm của mình với bà.
- Chào Helen! Cháu rất buồn khi biết tin ạ.
- Cảm ơn, cảm ơn.
Helen không thể quên được cuộc nói chuyện giữa họ vào tháng Hai khi Marie gọi cho bà từ Paris để hỏi liệu bà có cho rằng con trai bà là người đáng tin không. Tuy nhiên, hiện tại Helen quá bối rối nên không để ý đến sự có mặt không đúng lúc của Marie. Bà khóc lóc và nói với con trai bằng tiếng Rumani. Anh gật gật đầu và hỏi han bà. Marie theo họ vào nhà. Họ đi qua phòng khách kê những trường kỉ to bằng da màu hạt dẻ. Trong bếp, họ ngồi ở cái bàn tròn bằng kính sẫm màu trải khăn lót đĩa màu xanh sáng. Alex mở tủ lạnh, lấy thịt gà và côca. Họ đã tranh thủ rời Boston thật sớm nên chưa ăn chiều. Alex giải thích cho cô bằng tiếng Anh sự việc xảy ra. Rồi anh đưa cô vào căn phòng nhỏ, nơi mẹ đã mở trường kỉ và chuẩn bị giường nằm cho con trai.
- Anh nói chuyện một chút với mẹ rồi sẽ vào với em. Ngủ ngon nhé.
Cô nghe thấy giọng Alex, bình tĩnh và làm yên lòng mẹ bằng tiếng Rumani với những âm "r" rung và rất nhiều "u" đặc trưng. Mẹ anh thổn thức. Marie tưởng tượng rằng Alex đang nhắc đi nhắc lại với bà: rằng cha anh sẽ qua khỏi, rằng ông đã thông minh hiểu được sự trầm trọng của cơn đau, rằng không lâu, tất cả rồi sẽ trở thành một kỉ niệm tồi tệ. Cô trở dậy xem những tấm ảnh trên giá bằng gỗ anh đào dại, trước những cuốn sách được đóng bằng da, trên gáy khắc chữ vàng. Bên cạnh một bức ảnh Alex thời niên thiếu mặc đồng phục carô, cavát màu xanh rực, kính vuông to và rẽ ngôi lệch - hình ảnh sáo mòn rất điển hình của những năm bảy mươi khiến Marie mỉm cười - còn có bức ảnh đen trắng của cha mẹ anh ngày cưới. Jacob complê đen, da và tóc sẫm màu, có vẻ là một thanh niên trẻ trung. Ông trông thật đẹp trai. Helen hẳn yêu ông chết mê chết mệt như cô yêu Alex bây giờ vậy. Marie hơi nhận ra người phụ nữ trẻ đứng cạnh ông. Bà có gò má cao, miệng xinh và đôi mắt to mở rộng - giống như mắt Alex. Tóc bà buộc thành búi và bà mặc một cái váy đầm không tay rất giản dị, mối buộc ở vai như một cái áo cổ Hy Lạp. Bà xinh xắn và tươi trẻ.
Ngày mai, Marie sẽ trở về Paris. Khi đặt chân đến New York cách đây một tháng, cô không nghĩ sẽ gặp lại Alex. Đã kết thúc kể từ tháng Hai, khi lẽ ra phải đến Paris thì anh mất hút, kết thúc từ tháng Ba, khi cô lọt qua được màng lọc máy nhắn tin để nghe anh trút cho những lời lẽ này: "Đáng tiếc, Marie. Đành lỗi hẹn thôi. Khi tôi yêu cô, cô lại không yêu tôi. Bây giờ cô yêu tôi thì tôi lại không yêu cô nữa." Nhưng tháng Tám, cô ghé qua Boston để thăm một người bạn gái. Hoặc ít ra đó là cái cớ cô tự nghĩ ra. Khi xuống tàu, cô bỗng dưng gọi số phôn của anh mà cô vẫn thuộc lòng, ở buồng điện thoại đầu tiên gặp trên đường. Anh đã nhấc máy. Cô đã nghe thấy giọng của anh, cô thấy mềm lòng, anh không còn giận nữa, họ đã gặp lại nhau trong một quán cà phê, và mọi sự lại bắt đầu. Không mặc cảm tội lỗi, không khổ đau, không oán hận, không cuồng nhiệt. Nhẹ nhàng, cứ như là một năm xa cách rốt cuộc khiến họ chấp nhận nhau. Họ vừa mới sống cùng nhau ba tuần lễ.
Sáng nay, trời đẹp quá nên họ quyết định ra bãi biển cả ngày. Khi trở lại nhà anh vào lúc mặt trời lặn, cơ thể họ đầy cát, muối, ham muốn, thì máy nhắn tin nhấp nháy. Alex nhấn nút. Giọng hốt hoảng của mẹ vang lên trong phòng. "Alexandru! Alexandru! Trả lời mẹ đi! Gấp!" "Alexandru, gọi cho mẹ ngay nhé! Có việc gấp! Mẹ đang ở nhà!" Helen đã để lại ba lời nhắn, mỗi lần lại hoảng hốt hơn. Alex đã gọi cho mẹ. Họ đã nói với nhau một chút bằng tiếng Rumani. Marie đã nghe tiếng khóc phát ra từ điện thoại. Anh đã gác máy.
- Cha anh đã bị một cơn đau tim, Marie. Ông đang ở bệnh viện. Anh phải đi ngay. Mẹ anh đang đợi.
Buổi chiều trên bãi biển của họ hình như bỗng trở nên vô cùng hão huyền. Tình yêu của họ có trọng lượng gì bên cạnh cuộc sống của cha anh? Marie đã không thể gạt bỏ một ý nghĩ ích kỉ. Cô quá cần đêm cuối cùng này với Alex. Dù tin là Alex yêu mình, cô cũng không an tâm, vẫn sợ anh lại mất tăm như hồi tháng Hai. Thế mà, chỉ năm phút nữa thôi anh sẽ đi. Mà
- Em có thể đi cùng anh được không, Alex? Cô rụt rè hỏi.
Cô đã biết trước là không thể được. Cô còn quá mới mẻ nên anh không thể để cô tham gia vào chuyện rất riêng tư của gia đình. Mẹ chỉ đợi có mình anh thôi. Anh đã phân vân.
- Được.
Không thể có bằng chứng tình yêu nào lớn hơn câu trả
lời này.
Alex đã dành suốt đêm nói chuyện với mẹ trong bếp. Tảng sáng, anh tuồn vào giường và ôm chặt Marie, cơ thể anh run lên vì một mối xúc cảm vốn xa lạ với anh. Anh khóc.
- Anh rất sợ cha anh mất, Marie ạ.
*
Tháng Mười một năm 1989. Cả quá khứ mà Helen đã để lại đằng sau run rẩy và có cơ động đậy, giống như một khối băng lớn của Bắc Cực rời ra vào mùa tuyết tan. Nước này sau nước kia, các nước Đông Âu bài trừ Xtalin và yên bình trở thành những nước dân chủ. Chỉ có một nước đi ngược lại, đó là Rumani. Sự hoan hỉ của những đám đông mà Helen nhận thấy trên vô tuyến, với những gương mặt vui tươi và tràn đầy hi vọng không vượt qua biên giới. Ceausescu vẫn kiểm soát đất nước. Mọi cái đều tốt đẹp ở Rumani. Đó là một Nhà nước cảnh sát.
Cho tới ngày Jacob reo lên một tiếng vào bữa ăn sáng. Ông đang đọc tờ New York Times mà mỗi sáng người đưa báo đặt dưới chân thềm và Helen còn đi giày trong nhà xuống cầm lên. Sáng nay, các bậc thềm phủ một lớp sương giá làm bà suýt ngã. Sau một mùa thu ấm áp, cuối cùng mùa đông cũng đến. Ngày 20 tháng Mười hai, theo lệ thường.
- Nghe này Lenoush. Đã xảy ra một sự kiện ở Timisoara. Một mục sư li khai người Hung đã mất việc, các giáo dân đã tụ tập để bảo vệ ngài, những người khác cũng nhập vào với họ nhân danh tự do tôn giáo, và đã trở thành một cuộc nổi dậy! Cơ quan an ninh và quân đội đã không trấn áp được và Ceausescu đã cho công nhân của vùng khác mang dùi cui đến thiết lập lại trật tự. Không thể tin được. Người ta cho rằng mọi việc bắt đầu thay đổi ở nước ta.
- Ồ, chớ có tưởng bở. Ông sẽ biết Ceausescu sắp nghĩ ra trò gì. Ông đã uống thuốc chưa?
Chiều tối hôm sau, bà đang nấu bữa chiều thì Jacob gọi bà từ trong phòng ngủ: "Lenoush ơi!"
Nghe giọng khẩn cấp, bà chạy bổ vào, hoảng hốt, tim đập như muốn vỡ lồng ngực, với chiếc thìa gỗ còn cầm trong tay, sẵn sàng gọi xe cấp cứu. Nhưng ông ngồi bình thản trên giường, và không có vẻ đau đớn gì. Ông lấy tay chỉ vào vô tuyến. Bà quay lại và sững người khi nhìn thấy trên màn hình những khuôn mặt đặc tả của Ceausescu và vợ ông ta, người đã làm cho bà ghét cay ghét đắng cái tên Elena. "Codoi.(1)" Bỗng bà nhớ lại cái biệt danh mà trưởng khoa Nenitescu đã tìm ra cho bà Ceausescu, nhà hóa học tiếm quyền đã đánh cắp công trình của người khác và thậm chí không biết đọc CO². Họ đã già đi mau quá! Một bản đồ Rumani thay thế cho khuôn mặt những kẻ bạo chúa. Thành phố Bucarest và Timisoara là hai chấm đỏ trên đó. Bản đồ Rumani được thay thế bằng bản đồ châu Âu để cho khán giả Mỹ có thể xác định được vị trí của cái nước nhỏ bé ở cực Đông của châu Âu nhỏ bé, bên bờ biển Đen. Ceausescu với áo khoác đen lại xuất hiện trên màn hình, đầu đội một cái mũ xám, đang đứng trên ban công. Helen nhận ra tòa nhà của Ủy ban trung ương ở trung tâm Bucarest. Ông ta đang đọc một bài diễn văn. Lần đầu tiên Helen nghe tiếng Rumani trên truyền hình ở lục địa mới. Ceausescu nói về sự vĩ đại của nước Rumani và những lợi ích của chính sách khắc khổ đã cho phép ông thanh toán hết nợ nước ngoài. Người Rumani chắc phải tự hào và cảm ơn ông. Ông dự kiến tăng lương cho người lao động thêm mỗi tháng một trăm lei (năm đô la, Helen tính). Tiếng người bình luận của CNN, Christine Amanpur át tiếng của nhà độc tài, để giải thích rằng đó là cuộc tập hợp của một trăm nghìn người do Ceausescu tổ chức để chứng tỏ với Rumani và thế giới rằng nhân dân Rumani ủng hộ chính phủ mình. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã diễn biến xấu đi. Đang giữa bài diễn văn thì ở phía đầu quảng trường vang lên tiếng pháo và tiếng súng nổ. Mọi người như vừa tỉnh sau một giấc ngủ sâu, bắt đầu hô vang những khẩu hiệu chống chính phủ.
Trên ban công, đằng sau Ceausescu có ai đó đang chạy. Một tấm màn vén lên. Ceausescu giơ tay lên, im lặng nửa phút, rồi hét vào micro: "Alo! Alo!" như ông đang gọi điện thoại. Helen thoáng nghe được ở phía sau những lời nói của vợ ông ta không được dịch: "Vorbeste-le, vorbeste-le!" "Nói với họ đi, nói với họ đi!" Elena Ceausescu hét lên như thể nhân dân Rumani là một lớp học trẻ con ở trường mẫu giáo. "Stati linistiti la locurile voastre!" "Hãy ở yên vị trí!" nhà độc tài thét lên như một thầy giáo không có khả năng kiểm soát một nhóm trẻ con vô kỉ luật. Cách mạng đã mở màn ở Bucarest.
Ở New York, đó là vào kì nghỉ Noël. Mỗi ngày sáu lần, vào giờ phát tin, Helen và Jacob vội đến bên vô tuyến, ở trong phòng ngủ hoặc dưới tầng hầm. Một trong hai người canh chừng để gọi người kia ngay khi có tin về Rumani. Sáu lần một ngày, họ xem lại những hình ảnh ấy, những lời bình luận ấy, nhưng ngày hôm sau khác hôm trước. Cách mạng lan ra như lửa cháy. Họ nghe những khẩu hiệu chống cộng sản, chống Ceausescu. Trong bếp, nơi mà Helen bỏ ra hàng giờ để chuẩn bị bữa tiệc mời khách, những từ ngữ cứ âm vang trong đầu bà. “Jos dictatorul!” “Moarte criminalului!” “Noi suntem poporul!” “Đả đảo tên độc tài!" "Tên tội phạm phải chết!" "Chúng ta là nhân dân!" Lần đầu tiên từ mười lăm năm nay, bà cảm thấy mình là người Rumani.
Ngay khi mở mắt vào bảy giờ sáng, họ đã nhìn vào màn hình vô tuyến mà họ đã để suốt đêm. Ngày 22 tháng Mười hai, trung tâm Bucarest bị hàng trăm nghìn người chiếm đóng. Quân đội tiến vào Bucarest. Cảnh sát dùng dùi cui tàn sát và bắn súng. Các lực lượng an ninh đứng về phe những người nổi dậy. Bộ trưởng Quốc phòng tự vẫn. Có phải bị ám sát không?
Bây giờ không phải chỉ có CNN và NBC mà tất cả các kênh của Mỹ đều đưa tin về sự kiện này. Cuộc cách mạng Rumani đẫm máu và cuộc trốn chạy của nhà độc tài bằng trực thăng cùng với vợ và hai cộng sự đã trở thành những sự kiện nổi bật trong ngày. Phi công lái trực thăng hạ cánh, từ chối đi tiếp. Ceausescu cùng vợ và những cộng sự trung thành tiếp tục chạy trốn bằng một cái xe mà họ chặn trên đường, giống như những tên tội phạm tầm thường trong một bộ phim truyền hình. Họ ẩn náu trong tòa nhà gần một nhà máy thép. Một kĩ sư gọi, cảnh sát đã đến tìm và đưa họ vào trại của quân đội. Ở đó, Ceausescu và những người thân tín biết rằng họ đã bị bắt. Bộ mặt ông già vô hồn và đờ đẫn với làn da tai tái của người ốm che kín cả màn hình. Và vợ ông ta, nhà khoa học rởm, trông mới xấu làm sao! Một bà giáo già độc ác.
Ngày 24 tháng Mười hai, Helen và Jacob mời cơm nhà Popescu, những người bạn Rumani đã giúp họ khám phá lập trình hóa vi tính, và em gái của bà Popescu tên là Amanda Schor. Alexandru và bạn gái người Pháp Marie cũng có mặt. Helen đã đặt những cái đĩa nhỏ trong những cái đĩa lớn. Những cái đĩa sứ đẹp nhất của bà và những cái cốc có chân bằng pha lê Bohême trang điểm cho cái bàn được phủ một tấm khăn thêu dày. Bà đã chuẩn bị những cốc khai vị với tôm, rồi món piftie bằng thịt gà nguội đông lạnh, tiếng Pháp gọi là vol-au-vent - những bánh xốp có nhân với nấm và sò Saint-Jacques, cà tím nghiền và ớt ngọt nướng; món chính là ragu lợn, xúp mì hột phó mát - mamaliga - và sarmale, bắp cải nhồi thịt, làm lâu và lâu tiêu, mà Alexandru và Jacob khoái khẩu. Bà muốn cho bạn gái của con trai nếm mọi món ăn Rumani. Trong bữa ăn chỉ toàn bàn tán về các sự kiện đang diễn ra. Chưa 139e bao giờ cuộc tranh luận lại sôi nổi như thế. Marie khẳng định rằng khi cô rời Pháp bốn ngày trước đây, Rumani đã là chủ đề thời sự nóng bỏng. Ông bà Popescu, Amanda Schor, Alexandru và Jacob đưa ra những dự đoán về tương lai. Tướng Stanculescu vừa chọn Ion Iliescu lên đứng đầu chính phủ. Liệu có thanh trừng hay không? Cuộc cách mạng sẽ vẫn là của nhân dân? Những cựu thành viên cộng sản có bị loại trừ không? Số phận của nhà Ceausescu ra sao? Helen nghe và im lặng. Bà bi quan. Bà sợ ngay ngày mai sẽ thấy cách mạng bị đàn áp, và vợ chồng Ceausescu lại giành chính quyền. Nicolae Ceausescu đúng là bộ mặt của cái ác.
Nhưng trưa hôm sau, sau khi đã dọn dẹp bếp, rửa và lau chùi tất cả cốc chén pha lê, lau sạch những vết tích của bữa tiệc, bà quay trở lại buồng ngủ, nơi mà vô tuyến vẫn mở; bà vỗ tay lên miệng rồi gọi Jacob đang cho rác ra ngoài. Trong khi họ ngủ, vợ chồng Ceausescu đã bị một tòa án quân sự xử tử hình. Người ta mới hành quyết họ ở Targoviste. Truyền hình đưa những hình ảnh. Một tiểu đội đã xử bắn họ. Người ta nghe thấy tiếng súng nổ đanh gọn. Vợ chồng Ceausescu ngã gục xuống. Những kẻ bạo chúa đã chết. Ngồi trên giường, Jacob và Helen nắm tay nhau và xem, không nói lời nào.
- Gọi Alexandru đi! Jacob kêu lên.
Bà vội đi nhanh về phía cái phòng nhỏ đối diện phòng của họ.
- Alexandru! Alexandru!
Bà không nghĩ đến gì khác ngoài cái tin quan trọng này muốn báo cho con. Bà đặt tay vào nắm đấm cửa và xoay.
"Hãy khoan, mẹ" con trai bà từ trong cửa nói bằng một giọng bình tĩnh nhưng như mệnh lệnh.
Bà dừng ngay lại. Bà đã hoàn toàn quên mất Marie có trong đó.
- Alexandru này, họ đã giết vợ chồng Ceausescu rồi! - Bà kêu lên bằng tiếng Rumani. - Họ đã xử sáng nay và đã hành quyết hai vợ chồng bằng đạn bắn vào đầu! Nicolae và Elena Ceausescu đã chết!
- Con ra ngay, anh nói.
*
Tiếng chân bước xa dần. Marie thở phào nhẹ nhõm. Một phút trước đây cô thực sự tưởng rằng cánh cửa sẽ mở ra và mẹ Alex sẽ bắt gặp hai người trần như nhộng trên sàn, Alex đè lên cô và nhập làm một với cô. Họ không thể khóa trái phòng vì cửa không có ổ khóa.
Chết rồi, những kẻ bạo chúa - mà vì chúng, Alex phải chạy trốn cùng cha mẹ - đã cầm quyền trong hơn hai mươi năm. Bị sát hại. (Đó là tin tức phấn khích nhất mà cô được nghe. Lớn lên trong một đất nước tự do, cô chưa bao giờ quan tâm đến chính trị, lần đầu tiên cô thấy lịch sử liên quan mật thiết với bản thân mình đến vậy. Quan hệ với Alex, cô cũng như là một phụ nữ Rumani vậy.
Cô chờ đợi anh rời khỏi cô, mặc quần áo và đến bên cha mẹ trước màn ảnh nhỏ. Nhưng anh nhìn vào mắt cô với sự ham muốn cao độ vẫn thường khiến cô hứng khởi, và anh từ từ tiếp tục cử động trong cô. Động tác còn mạnh mẽ hơn cách đây hai phút, như thể anh rủa “mẹ kiếp/fuck you” với vợ chồng Ceausescu mà người ta mới hành quyết với viên đạn trong đầu, như thể anh khẳng định khoái lạc cá thể hơn hẳn phong trào tập thể của lịch sử, như thể anh chọn cô, cô chứ không phải là mẹ, người đang chờ anh. Anh tới và lui cho đến khi họ cùng đạt khoái cảm trong yên lặng. Rồi họ rúc rích cười như hai đứa trẻ. Đó là một giây phút thiêng liêng mà cả hai cùng ý thức được.
1. Chỉ Elena Ceausescu, mẹ dân tộc.