Sống trên đời sống cần có một tấm lòng.
Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi...
(Trịnh Công Sơn)
Chợ họp ở ven sông.
Tan chợ. Ngổn ngang hàng hóa. Đêm tháng mười xuống nhanh, mọi người hối hả dọn hàng, quét dọn. Rau trái ngon cất vào thùng. Rau héo, trái cây dập vất ngổn ngang từng đống. Vài người tất bật mua vội đôi ba thứ còn sót lại cho bữa cơm chiều.
Bà cụ thì không vội vã. Hai bàn tay gầy guộc, gân guốc từ tốn xếp từng lá trầu, hộp dầu cù là, gói thuốc rê... vào bên trên tấm phản nhỏ bằng manh chiếu một ọp ẹp, nứt cả bốn góc, mòn vẹt, cáu đen mang dấu vết thời gian.
Người ta chỉ biết bà cụ ngoài bảy mươi tuổi, bán hàng xén ở chợ từ lâu lắm rồi, không chồng, không con, không họ hàng. Bà suốt ngày quanh quẩn ở trong góc chợ.
... Con mèo mướp đi chơi về, nó uốn mình, nhảy phóc nhẹ nhàng lên lòng bà cụ, cong lưng cọ cái miệng nho nhỏ, xinh xinh ướt át vào tay bà cụ, miệng kêu meo meo làm nũng. Bà cụ lấy trong cái túi vải cũ kỹ một gói mỳ hai tôm vỏ giấy, run rẩy bẻ đôi. Bà cẩn thận rót nước sôi trong cái phích cũ mèm vào bát mỳ tôm. Con mèo nhanh nhảu nhai ráu ráu những vụn mỳ tôm bà làm vãi ra ngon lành.
Trời bỗng đổ mưa. Sầm sập, xối xả. Những dòng nước đen ngòm len lỏi chảy trong chợ, cuốn theo đầu tôm, cá vụn, trái cây hỏng chưa kịp dọn từ chợ chảy xuống sông. Dòng nước đục ngầu tuôn chảy dưới tấm phản, bốc mùi hôi khó tả. Mùi bùn, mùi động vật phân hủy, mùi chua... Bà cụ bình thản ăn mỳ. Bà chừa lại một phần cho con mèo, bà đã quen với những cơn mưa bất chợt thế này. Cả ngày nắng chang chang. Mưa thì mát.
Nhưng mưa vô tình. Mưa ngày một to. Mưa dai dẳng. Bà cụ bó gối ngồi co ro trong chiếc áo mưa mỏng dính,
Con mèo ướt lướt thướt, quay đầu vẩy tung tóe những hạt mưa ra khỏi bộ lông màu xám. Vẩy mãi vẫn còn ướt. Nó cố thu người nép sát vào bà cụ, mắt lim dim gật gù khi thức khi ngủ.
Đêm tối đen. Trời loé sáng bởi sấm chớp đì đùng, vần vũ. Bà cụ ôm mẹt hàng xén vào lòng, bà kéo miếng nilon, cố che những gói thuốc rê, hộp dầu cù là, năm ba cái kẹo the... Toàn thân bà run bần bật vì lạnh, con mèo chui hẳn vào lòng bà, họng phát ra những tiếng gừ gừ làm nũng,
nó cảm thấy ấm lòng bên bà cụ, nó thấy được che chở và yên ổn.
... Cô bé mười sáu tuổi, dáng người mảnh khảnh, mái tóc đen dài, mượt mà buộc gọn gàng sau gáy. Thỉnh thoảng, cô ghé hàng bà cụ mua hộ bà, khi thì hộp cù là, khi chai dầu gió, dù cô cũng chẳng mấy khi dùng. Cô hay đứng lại, tần ngần hỏi chuyện bà, giúp bà bán hàng, cất hàng. Cô thương cảnh đơn chiếc của bà cụ lắm. Cô nghĩ hàng đêm bà nằm một mình, không ai chăm sóc, thiếu thốn đủ bề, đơn độc giữa những đêm mưa bão... lần nào cô về, nước mắt cũng hoen mi.
Nhà chỉ có hai mẹ con. Cô kể chuyện bà cho mẹ nghe. Mẹ cô cũng thương bà. “Là con người, ai rồi cũng phải lúc đến tuổi già con ạ. Khi đó cần lắm những tấm lòng nhân ái. Con hãy giúp bà những gì con có thể”.
Hình ảnh bà cụ cứ theo cô mãi. Mỗi tối khi đi ngủ, những đêm chuyển mùa, trời lạnh, gió heo may về, trái tim nhỏ bé của cô thắt lại khi nghĩ đến bà. Tối, lên giường nằm nhắm mắt lại, cảnh bà cô độc giữa chợ lại hiện ra, làm sao bây giờ? Câu hỏi cứ xoáy mãi vào cô đau nhói.
Những ngày bà ốm nằm co ro, cô về nhà nấu cháo thịt nạc bỏ vào cặp lồng xách ra mời bà ăn. Bà lấy những ngón tay gầy guộc kéo vạt áo lên chấm nước mắt...
Bà cháu thân nhau từ khi nào. Những ngày cô bận đi thi cả ngày, bà cụ nhớ và nhìn mãi về hướng đường xa xa, mong thấy bóng dáng của cô...
... Thời gian trôi. Bà cụ yếu lắm, không thể bán hàng được nữa. Cô bé xin mẹ đón cụ về nhà.
Đêm mùa đông, căn nhà nhỏ bé ấm áp thơm mùi khoai nướng. Cô bé ngồi học bài, ngày mai cô làm luận văn tốt nghiệp.
Cô khẽ bước tới, kéo tấm chăn đắp ngang ngực cho bà cụ đang nằm ngủ bình yên trên giường. Cô trìu mến nhìn cụ và gọi thầm “Ngoại ơi!”. Con mèo mướp nằm cuộn tròn dưới chân bà cụ.
Ngoài hiên, chậu tầm xuân cô trồng chi chít những nụ hoa bé tí xíu, xanh mướt, đầy sức sống.
Mùa xuân đang về! Không gian ấm áp, an lành và dịu ngọt biết bao.