Tiếng Dương Cầm Trong Mưa Chương 19


Chương 19
Đón cháu ngoại

Ngày đầu tiên của cháu

 

 

Những ngày tháng mong chờ với bao niềm vui, hạnh phúc. “Nụ hoa” tình yêu đã tròn xoe, lặc lè gần đến ngày “nở”. Thấy có dấu hiệu báo sinh (như bác sỹ dặn), Minh khăn gói vào bệnh viện phụ sản. Hồi hộp điện thoại báo cho mẹ đẻ biết đã vào nhập viện lúc năm giờ sáng!

 Trời còn tối mờ. Phòng khám đông người ra vào nhộn nhịp. Khoảng hơn nửa tiếng làm thủ tục ở phòng khám xong, bác sỹ thăm khám cho cô và bảo: “Em có dấu hiệu sinh rồi, nhập viện đi!”. Vừa mừng vừa lo, cô líu ríu đi theo chị hộ lý vào phòng thay váy đồng phục bệnh viện. Tháo hết nhẫn, dây chuyền, giày... cô tiếc nuối đưa nốt cái điện thoại cho chị hộ lý và đi vào  phòng chờ sanh cách đó một tầng lầu (phòng cách ly).

 Minh mất hẳn liên lạc với bên ngoài từ đó. Trong phòng đã có khoảng hơn chục chị em như cô đang vật vã, nhăn nhó vì đau. Mỗi người được xếp vào một giường trải ga trắng nằm chờ. Thỉnh thoảng có bác sỹ thăm khám độ mở của sản phụ để chuyển sang phòng sanh.

Bảy giờ sáng, nhận được thông báo “Mời sản phụ ra ăn sáng và gặp người nhà!” Cô đau bụng, nhưng vẫn chịu được, lò dò đi ra cửa. Gặp mẹ đẻ hớt hải, tay xách nách mang, trong làn nào táo, giò lụa, phích nước... (Bà sốt ruột, bắt xe ôm vào bệnh viện ngay sau khi cô gọi điện báo). Thấy cô, bà mừng lắm, lấy giò lụa, chuối ra:  “Ăn đi con, để lấy sức mà đẻ..." Gặp mẹ, cô  phấn chấn và yên tâm hơn, cố ăn trong tâm trạng bồn chồn,  chưa nuốt xong lát giò thì bụng đau quặn. Ăn xong quả chuối thì hết giờ, cô ôm từ giã mẹ và đi vào phòng cách ly. Mẹ đứng nhìn theo con gái nặng nhọc, ánh mắt đầy lo âu.

 Lên giường nằm, bụng đau quặn từng cơn, nhìn bên cạnh ai cũng vật vã, cô cố gắng hít thở sâu để quên đi thời gian và cơn đau ngày một tăng. Đau quá, nằm cũng không được, ngồi cũng không xong, Minh ôm bụng đứng lên, mò mẫm bám vào cạnh giường để chịu đựng. Mỗi tiếng bác sỹ thăm khám một lần. Hơn ba tiếng đau vật vã, mới mở có hai phân (bảy phân mới đẻ được). Càng ngày càng đau. Cô bật rên rỉ lên thành tiếng, một y tá trẻ, xinh đẹp thăm khám cho cô, lên giọng: “Muốn có con thì phải chịu đau chứ kêu la gì!”. Không hiểu do đông bệnh nhân hay sao mà cô y tá khám bằng những động tác rất mạnh với thái độ bực dọc, cáu gắt. Vừa tủi thân, vừa đau, Minh cố gắng nhìn biển tên thấy y tá có một cái tên rất đẹp (D.Y.T).

 

Thấy bệnh nhân đau khác thường, y tá đến gặp bác sỹ trao đổi, rồi quay lại với thanh kim loại màu trắng nhọn như mũi khoan, dài khoảng hai mươi phân, cô đau quá ngất lịm đi sau cảm giác nước chảy thành dòng nóng ấm ở đùi.

 Lúc này y bác sỹ mới lo lắng tập trung lại, bắt mạch, đo huyết áp và đưa cô vào băng ca để cấp cứu, truyền nước biển. Cô  tỉnh dậy, thấy quanh bụng quấn máy nghe nhịp tim thai đang đập lách chách. Cô T. thấy vậy ghé tai cô dịu dàng, khác hẳn lúc trước: “Chị bị sốt nhiễm trùng ối, bác sỹ chích kháng sinh và thuốc giảm đau cho chị nha”.

 Tai Minh ù đi, lùng nhùng, mắt hoa, đầu đau như búa bổ. Cô cảm thấy mình kiệt sức, khó thở, ngột ngạt. Cô cảm thấy cái chết đang ở gần đầu đây... Nghĩ đến mẹ đang đứng ngồi không yên ở dưới, nước mắt cô chảy hai dòng nóng bỏng. Cô muốn được nói vài lời với mẹ, với chồng... Cô tiếc không giấu điện thoại mang vào phòng như một vài chị trót lọt.  Cô không còn cảm nhận cơn đau vẫn hối thúc ngày một tăng và lả người đi.

Hai mẹ con thoát hiểm nguy trong gang tấc! Nhiễm trùng nước ối nặng. May mà cứu kịp.

Dưới lầu dưới, mẹ cô, chồng và em gái đang nóng lòng trông tin. Mẹ ôm túi tã lót trẻ con vào lòng, nhìn vô vọng vào cô hộ lý trực: “Khi nào đẻ sẽ thông báo cho người nhà, cứ chờ đi!”. Bảy mươi tuổi, mẹ vẫn ngồi chờ chín tiếng đồng hồ, bà nhất định không chịu về nhà!

 

Cơn sốt của cô giảm dần, vẻ mặt cô T. giãn ra theo, dỗ dành: “Chị ráng chịu đau thêm cho mở chút nữa, em đưa vào phòng sanh nha!”.

 

  Ba rưỡi chiều, vào phòng sinh.

 

Ca đẻ khó, đã mở sáu phân nhưng đầu em bé vẫn ở trên cao. Rất may bác sỹ đỡ cho cô giàu kinh nghiệm nên qua khỏi. Em bé 3.1 kilogram, bị ngạt tím hết da, không khóc được, cô chỉ kịp nhìn thấy cái mũi, cái trán không có tóc là cô hộ lý bế đi ngay lên phòng chăm sóc đặc biệt.

    Mẹ cô bật khóc khi nhìn thấy cháu ngoại, khóc vì thương cháu, thương con! Khóc mừng qua cơn hoạn nạn.

Cô về phòng hậu sinh, tiêm kháng sinh liều cao đặc biệt. Sức khoẻ lại dần, nhưng em bé chưa về với mẹ, nằm cách ly thật tội. Hai bàn tay nhỏ tí xíu cuốn đến chục vòng dây nhựa trong suốt có gắn kim chích cố định vào tĩnh mạch để truyền kháng sinh. Không hiểu bằng cách nào bác sỹ có thể lấy được ven trên bàn tay bé xíu của bé!

Những ngày đau đớn vượt biển một mình cũng trôi qua, cô may mắn được làm mẹ như những người mẹ bình thường khác trên cuộc đời này, được ôm con vào lòng, cảm nhận đôi môi nhỏ xíu háo hức nuốt từng dòng sữa mẹ, được yêu thương và bài học về tình mẫu tử, cô thấy yêu thương  mẹ mình biết bao!

 


Cháu sinh ra ở Meulborne (Úc),

 Em gái định cư tại Meulborne. Con trai đầu lòng. Bác sỹ dặn: ăn uống những thức ăn tốt cho thai nhi, kiêng ăn nghêu, sò, hàu, ốc (khác với Việt Nam). Bà bầu đi bơi, tập Yoga... hai vợ chồng đi học lớp chăm sóc con nhỏ, chuẩn bị tất cả, háo hức đón chờ...

Đến ngày dự sinh, em đi khám tại bệnh viện. Bác sỹ cho về nhà nằm chờ và dặn khi nào đau nhiều mới quay lại bệnh viện!

Ở nhà, được nằm nghỉ, chồng xoa lưng, an ủi khi đau. Đến tối khi cơn đau dồn dập, liên tục mới vào nhập viện.

  Phòng sinh rộng 45 mét vuông. Gia đình chờ ở cửa, được nhìn thấy sản phụ qua ô kính, có điện thoại gọi liên lạc đến khắp nơi trên thế giới. Có nhạc hoà tấu xoa dịu cơn đau. Em đã qua những cơn đau. Một giờ sau nhập viện lên bàn sinh. Bác sỹ người Úc đỡ. Mười phút sau em bé ra đời, khóc to và đã  biết cho tay vào miệng bú!

Em bé hồng hào. Bác sỹ Úc dặn không cho bú hoặc uống bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ trong sáu tháng! Mẹ đẻ chuẩn bị nào cam thảo, mật ong, nước đun sôi để nguội... cho chiến dịch chăm sóc bà đẻ bị... thừa.

Một điểm khác biệt khi mẹ về Việt Nam thắc mắc mãi: Khi bà đẻ bị tắc tia sữa, chỉ cần lấy túi đá lạnh chườm là hết ngay. Phong tục Việt Nam nào là hơ lá mít, nào xôi nóng để chườm, nào lược để chải... thật đau khổ và hư hết... đôi gò bồng đảo xinh đẹp thời con gái.

Em gái không kiêng cữ gì cả, sau ba ngày đã tắm nước ấm, không xông, không nằm than, đi lại bình thường.

Thế mới biết mẹ phục vụ Minh ở Việt Nam vất vả quá! Kiêng tắm gội, ăn kiêng, bịt tai, đeo kính, mang tất, cả ngày xông, nằm than... lúc nào người cũng bức bối khó chịu trong ba tháng mười ngày...

 

Chị em ruột, nhưng phương trời khác nhau...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83623


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận