Truyện Và Kí Chương 1


Chương 1
PARI

Trích Những bức thư gửi cô em họ do tác giả tự dịch từ tiếng Nam.

 

Ở Pari(1) có một vùng, cô em họ thân mến của tôi ạ, tự một mình nó nó trình diễn ra được đủ bộ mặt và đủ tâm lý của cả Pari, cả nước Pháp, cả vũ trụ. Ai có muốn nghiên cứu tình hình xã hội thời ta ngày nay, thì chỉ cứ đi ngang vùng này mà thôi là đáng giá cả một pho sách lớn cỡ Bách khoa toàn thư vậy.

Vùng gồm ba xóm chính, là Êtoan, Batinhon, Êpinét(2). Cô vốn có trí tưởng tượng phong phú, nên tôi chắc thế, chỉ cứ đọc tên mấy xóm đó là cô đã đoán ra được thứ bậc xã hội của những nhóm người ở đây rồi. Tôi ở đây như đang nghe thấy cô tự mình thì thầm với mình: Êpinét, Êpinét - Những-cái-gai-con! Cuộc sống ở đây hẳn phải chật vật lắm, gai góc lắm. Còn Êtoan - Ngôi sao, cái đó hẳn phải là nơi cư ngụ của những kẻ diễm phúc, có đặc quyền đặc lợi; một Bồng Lai tiên cảnh chứ gì nữa.

Vâng, cô em họ nhỏ của tôi ơi, cô đoán gần đúng thế đấy, ấy nhưng tôi vẫn cứ phải tả cho cô cái sang trọng của bên này và cái đau khổ của phía kia, sang trọng ra sao, đau khổ ra sao thì cái đầu óc xinh xắn của cô chẳng thấy nổi nó mênh mang đến thế nào đâu. Xóm Êtoan thì bắt đầu với Khải Hoàn Môn. Ấy là một đài kỷ niệm nguy nga dựng lên để ghi nhớ tài danh quân phiệt của Napôlêông. Bây giờ thì nó dùng làm mồ chôn một người lính không tên tuổi chết trong đại chiến.

Sự đời sao nó mỉa mai thế, cô nhỉ! Người ta đem thu lại để cùng một chỗ cả cái hư vinh của tác giả bao cuộc giết chóc khủng khiếp ở châu Âu và cả nắm di hài của nạn nhân cuộc tàn sát thế giới!

Cái đài này là nơi lưu tồn tượng trưng những nguyên nhân của mọi cuộc chiến tranh trước kia và sau này; cũng như người lính không tên tuổi này là hiện thân tượng trưng của tất cả những ai bị giết hại để thỏa mãn cái tham vọng và cái kiêu kỳ của bọn tướng lĩnh. Bởi vì ai mà đã đọc tên những chiến trận đầy tràn lịch sử từ đầu đến cuối, ai mà đã đọc bấy nhiêu tên khắc lên riêng một đài kỷ niệm này thôi(1), thì phải kinh hoàng thấy biết bao nhiêu là nông dân, bao nhiêu là công nhân đáng thương đã ngã xuống không tên tuổi, như kẻ đang nằm đây!

Để một chuyến thư sau, tôi sẽ kể cho cô nghe về anh lính tội nghiệp này, khi còn sống đã phải đương đầu những tràng súng đại bác liên thanh như thế nào, nay vẫn phải đương đầu như thế nào những tràng văn diễn thuyết ngoại giao và tỏ tình thân thương vờ vịt của các vị sứ thần và của các cụ Phị(1). Hôm nay thì hãy trở lại câu chuyện vùng này đã.

Vậy, tôi đang nói với cô rằng Êtoan là xóm các phủ đệ thênh thang, các vườn cây hoa nở sum suê, các cỗ ngựa xe vương giả. Đó là một ổ xa hoa tứ xứ, thừa thãi tràn trề và biếng lười lòe loẹt. Đó là thiên đường của bọn ăn bám đủ các cỡ và đủ các xứ. Sang trọng là sang trọng cho đến cả con vật. Chả nói làm gì đến cái giá ngông cuồng thả ra đãi một con mèo hảo hạng hay một con ngựa loại khoái(2) nó đủ để nuôi sống toàn bộ dân cư một tỉnh nước ta, cứ cái con khuyển xóm này là cũng được sống lộng lẫy và tốn kém hơn người đi làm thợ nhiều.

Rời chính lộ Vagơram và đại lộ Cuốcxen, là vào xóm Batinhon. Xóm này là xóm kiểu con dơi, nghĩa là dân bản địa nơi này thuộc một giai cấp trung gian. Họ không giàu sụ để bay nhảy như bọn cừ khôi trong giới tư bản, mà cũng chẳng đủ nghèo để phải vất vả giống đám thợ thuyền. Phong vũ biểu đo mức giàu có của họ cứ là theo sự thăng trầm kinh tế hàng ngày mà lên xuống; họ có thể hôm nay thì thư thái trồng bắp cải, để rồi hôm sau là phải bán đứt vườn tược đi. Dân đây là tiểu thương, là ông xếp phòng giấy, là ông cò về hưu. Bà đi đâu là có một con điêu(1) to quấn quanh cổ và một con chó con bồng trên tay. Ông thì bao giờ cũng có cái gì chểnh mảng cài khuyết ve áo, một củ kiệu Công huân Nông nghiệp hoặc là bông hoa tím của vị chức sắc Học chính(2). Bà canh cửa thì sáng sáng chăm chút tưới những chậu hoa thu hải đường cổ truyền của bà bày trên cửa sổ, sáng sáng giũ cái thảm trải cầu thang chính - tấm thảm này bướng bỉnh nhất định không chịu leo cao hơn tầng gác ba(3). Cứ suy quy luật vận hành của vạn vật thì dân cư xóm này có nhiều khả năng vô sản hóa hơn là sản sinh ra những đức ngài tư bản chủ nghĩa.

Xóm Êpinét là phía chân của cái thang. Nó là người bà con khốn khó, kẻ thừa kế bị gạt bỏ của hai xóm kia. Nó gần như là thuộc một giống người khác, ra vẻ bẽn lẽn, khiêm nhường, bị cái khốn cùng nó đè bẹp. Này cô hãy xem ông bác mình ép mía lấy đường theo cái kiểu nghìn năm xưa cũ của dân ta, thì cô nghĩ ra được cái cảnh xã hội ở đây nó thế nào. Có bao nhiêu nước ép ngon ngọt thì cứ tuôn cả ra một bên cối, còn bên kia thì chỉ có bã, bẹt ra, quắt lại. Đây cũng thế. Một bên là giàu sang và nhàn rỗi, một bên là cần cù và thiếu thốn. Lôi thôi và gầy guộc như ngón tay khoằm khoằm của con mụ phù thủy già, ống lò sưởi ở Êpinét mùa hè thì um khói và mùa đông thì lại như tắt ngấm. Trông xa, nhà cửa khẳng khiu trong xóm giống y mặt người vậy: những bộ mặt người ngơ ngác, mà cái bề mặt tiệm của một bác buôn giẻ rách hay một hiệu thịt ướp lạnh thì làm ra dáng cái miệng móm, còn cửa sổ đã toác toạc thì dùng làm những con mắt nhèm những dử lại cận thị. Xóm những con người làm lụng, sản xuất và đói meo. Xóm người làm thợ, xóm người nghèo, xóm người


cùng khốn.

Giữa xóm, có một mẩu phố dài chừng dăm chục mét. Quanh phố thấy tề tựu một ngôi trường tiểu học, một nhà máy và một quán cháo bình dân. Có phải thế không nào, cô em họ thân mến, cả cái bộ sậu ấy thế là rất mực tiêu biểu? Khi còn bé, thì trẻ con đi học để mà biết tôn trọng quyền thiêng liêng của các ông chủ. Lớn lên, anh thợ rời nhà trường đi góp phần làm giàu cho giới chủ nhân ông mà mình đã được học tập sùng bái cái uy nghi. Già rồi yếu đi, thì ông lão được, vẫn giới chủ nhân ông đó mà cụ đã làm giàu cho, tống ra ngoài đường, để nhờ chẩn bần mà sống nốt cuộc đời hay lam hay làm của mình!

Sáng sáng, tôi đi ngang quán cháo bình dân để đến xưởng làm việc của tôi. Trời đẹp hay xấu, nắng ấm hay tuyết rơi, thì tôi cũng cứ thấy tụm lại trước ngôi nhà công này lối ba chục các cụ. Các cụ ăn bận thật không tưởng tượng được. Người thì khoác cái chăn trên lưng, người thì lại mặc cái áo dài bó của hầu bàn trưởng - đầu đội cái mũ rơm đã vàng úa, người khác nữa tả tơi đụp vá muôn màu sắc. Giày các cụ, mõm há ra như hộp thư cả, cười nhạo với mọi khách qua đường. Trong lúc đợi cửa mở và để giết thì giờ, các cụ xem mấy mẩu báo Buổi sáng hay tờ Pari nhỏ nhặt được chẳng biết ở đâu nữa. Trời có lạnh quá thì các cụ thổi thổi lên ngón tay hoặc là giở điệu nhất bộ ra nhảy(1) để tự sưởi ấm. Một cụ nhìn tôi cả cười: "Chú xem, sưởi kiểu trung tâm(2) của bọn này đấy!"

Dáng hình các cụ tồi tàn thế, nhưng ai nấy đều thật dễ thương, và các cụ trông thấy tôi mãi rồi, thì cuối cùng, ấy cũng là có quen biết. Một thứ tình bằng hữu thế là nảy ra giữa chúng tôi và hai bên chào nhau khi tôi đi qua.

Tôi đặc biệt để ý một cụ già trong số đó. Ông cụ sạch sẽ, tươm tất, và bộ dạng biểu lộ một nỗi buồn phiền được nén xuống, một niềm tự trọng chẳng chịu để ngã khuỵu, ngay trong cơn quẫn bách. Cụ có đeo một dải huy chương thưởng công cứu nạn. Cụ bao giờ cũng cứ đứng đằng sau người khác.

Một hôm, tôi đến bắt tay cụ và nói với cụ: "Cố ơi, cố có vui lòng cho phép được mời cùng dùng bữa lót dạ, chủ nhật tới, được không ạ?". Cụ đáp: "Ông tử tế quá, thưa ông, thế cho nên tôi từ chối thì hóa ra phụ lòng tốt của ông, vậy xin vâng".

Chúng tôi cùng đến một quán ăn nhỏ. Đặt xong món ăn, chúng tôi chuyện trò, và ông cụ bảo tôi: "Tôi không dám tự tiện ngỏ lời trước với ông, bởi vì trước hết ông là người nước ngoài, thế rồi tôi lại còn ngại làm phật lòng ông: thanh niên dễ tự ái khi thấy có người bắt chuyện mình lại là người như tôi, một lão già nghèo khổ, chẳng khác đứa ăn mày vậy. Nhưng mà cứ mỗi lần ông đi qua trước mặt tôi, là lòng tôi lại tràn ngập một niềm đau đớn không cùng, tôi chỉ muốn khóc. Tôi rất hiểu ông lấy thế làm lạ, nhưng vốn là tại thế này: thấy ông, là tôi lại nhớ thằng con thứ của tôi, tôi đã mất nó trong trận giặc. Nó cũng khoảng tuổi ông đấy. Chắc ông hăm nhăm, hăm sáu chứ gì?" - "Hăm sáu, cố ạ", tôi trả lời. - "Đúng rồi, nó kém ông một tuổi. Ông không chán tai thì để tôi kể chuyện nó ông nghe, chuyện nó mà thật ra là chuyện tôi." - "Xin mời cố, nghe chuyện cố, sẽ thích thú lắm." - "Thời tôi còn ít tuổi," ông bạn cùng bàn đáng kính của tôi kể, "tôi làm nghề hải đăng bạ(1). Tôi đã có đi vòng quanh thế giới nhiều lần. Tôi cũng có lần đến xứ ông, đến Sài Gòn, đến Hải Phòng. Sau tôi tằn tiện cưới một cô gái nông thôn hiền lành. Vợ chồng đến lập nghiệp ở vùng Bắc. Nhà tôi mở một cửa hàng nhỏ bán gia vị vặt vãnh, còn tôi thì vào làm một nhà máy. Vợ chồng tôi có hai trai, một gái, ba cháu thật là của trời cho, ông ạ. Nhà tôi với tôi, bọn tôi chịu khó kham khổ cũng nhiều, nuôi được các cháu ăn học, nó giỏi giang lắm. Bà con lối xóm đều lấy làm thèm thuồng, vì các cháu nết na, thật là ngoan ngoãn, chăm làm, lại có học. Cháu Môrixơ là cháu lớn, làm nghề thợ vẽ. Cháu Anbe thì làm thợ máy. Em gái các cháu, cháu Yvon, nó là một bông hoa xinh xinh mười tám cái xuân xanh - như ở xứ tôi người ta hay nói văn hoa thế, - hoa làm si ngây lứa trai khắp vùng, cháu nó đánh máy chữ. Mỗi đứa kiếm được đồng tiền cũng kha khá, đủ cho mình và cho vợ chồng chúng tôi. Ban ngày thì các cháu đi làm, tối đến cả mấy cháu mải mê học hành. Chủ nhật nào cũng cả ngày bàn luận với nhau những cái học được trong tuần. Nói thật tình để ông hay, cứ nghe các cháu nó bàn, nó nói là sướng lạ sướng lùng; ấy chính là các cháu đã dạy chúng tôi, mẹ các cháu với tôi, biết được bao nhiêu là thứ. Vậy là vợ chồng chúng tôi thật là đôi bố mẹ sướng nhất trần đời.

Chiến tranh bùng nổ. Cháu Môrixơ bị thương nặng ngay từ đầu, ít lâu sau thì chết. Cháu Anbe thì bị ghi là mất tích sau ba tháng chiến trận. Cứ thế nhà tôi với cháu gái hóa điên lên, điên vì đau đớn. Làng tôi là cái đích cho pháo nã, đạn Pháp đến với chúng tôi cũng nhiều ngang đạn Đức; đạn nó không có quốc tịch, nên đạn bên này hay đạn bên kia thì cũng đều phá phách đồ đạc, cũng đều giết hại người ta, dửng dưng như nhau, tàn khốc như nhau.

Một hôm nọ, trong gian nhà chúng tôi đã đổ vỡ đến nửa, vợ tôi cùng cháu gái đang nấu nướng thì một cái nồi(1) - chẳng phải loại nồi Na Uy nổi tiếng của ông Lui Phorextơ(1) đâu, mà là cái loại nồi giập be giập bét tuốt - nó bổ xuống.

Một tiếng nổ kinh hồn, rồi tất cả hất tung lên. Tôi thoát thân vì đang xuống tầng hầm lấy cái gì đó. Đến khi lại người, từ dưới hầm lên, thì lên hết cầu thang, tôi chẳng còn thấy nhà cửa, thấy vợ, thấy con đâu cả nữa, mà chỉ thấy một khoảng trống không, một khoảng trống không khủng khiếp, hãi hùng, một khoảng trống không nó lấp đặc không trung bằng cái não ruột của cái tận cùng, của cái chết chóc, của cái tan hoang. Tôi quá sững sờ để còn hoảng hốt... Nhưng hãy chờ đấy, đã hết đâu! Cái lúc ghê gớm nhất trong cả cuộc đời tôi, là lúc mà tôi nhận ra trong đống nhà cửa vụn nát, một cái bàn tay máu me của cháu Yvon tội nghiệp của tôi, rồi cách mấy bước, là một cái chân còn giày tất y nguyên của người vợ đáng thương của tôi. Ấy bấy giờ, ấy bấy giờ..."

Đến đây, ông già tái nhợt. Tôi đọc thấy trong mắt cụ, bỗng dại đi, một niềm đau xót và căm hờn không sao tả xiết. Một cơn co giật làm cụ toàn thân run rẩy. Cụ tì hai bàn tay đang quắp lại lên mép bàn. Hai chân cụ di di đều nhịp, như phát sốt, trên sàn nhà, mà căng gân cốt ra như vậy, thì là khi nào con người ta đang cố kìm lại một niềm xúc động đang muốn bùng ra. Tôi nhỏ nhẹ bảo cụ: "Thôi, vừa rồi, cố ơi! Xin để hôm khác cố kể cho nghe. Cố xơi củ khoai rán, cố nhé!". Ông cụ như không nghe thấy tôi nói, cụ thở dài một hơi, nói tiếp: "Đấy ông xem, ông thân mến, chiến tranh, cuộc chiến tranh trời tru đất diệt này, tôi có cái gì thì nó đã giết sạch cả, nào là hạnh phúc, nào là nhà cửa, nào là người vợ quý, nào bầy con yêu. Còn tôi, thì bây giờ tôi nhờ thiên hạ bố thí để sống qua ngày, sau bấy nhiêu năm trời làm ăn cực nhọc. Biết đâu, vâng, biết đâu chẳng phải chính cháu Anbe đáng thương của tôi là người bây giờ đang nằm đó dưới Khải Hoàn Môn!".

Cụ gạt một giọt nước mắt thật to, tay cụ run run nâng cái cốc mà tôi vừa rót rượu vào, miệng nói: "Nào, chúc sức khỏe ông!".

 

NGUYỄN ÁI QUỐC

Báo Nhân đạo, ngày 30 và 31-5-1922.
Bản dịch: Phạm Huy Thông
báo
Nhân dân, số 8044, ra ngày 16-5-1976.



1. Pari: thủ đô lâu đời của nước Pháp, một trong những thành phố lớn trên thế giới. Trước đây, Pari vốn nổi tiếng là một trung tâm văn hóa nghệ thuật. Từ cuối thế kỷ XVIII và trong thế kỷ XIX, Pari còn là một trung tâm cách mạng của châu Âu. Cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và cuộc cách mạng vô sản Pháp chống tư bản năm 1871 lập nên Công xã Pari, là hai điển hình cách mạng của nhân dân thành phố này.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đến nước Pháp ngay từ buổi đầu đi tìm đường cứu nước và đã dừng lại ở Pari một thời gian khá lâu.

Tháng 6-1923, Người đã rời Pari đi Maxcơva (Liên Xô) để họp Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản và sau đó về Trung Quốc để chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

2. Thuộc quận 17 Pari, phía tây bắc. Hẻm Côngpoăng, nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở lúc bấy giờ, chính ở giữa xóm Êpinét.

1. Khải Hoàn Môn Êtoan có khắc đầy vào đá tên các chiến trận và các tướng lĩnh thời Napôlêông.

1. Ph(từ chữ Fatty): chỉ bọn tai to mặt lớn. Gốc tiếng Anh có nghĩa là người béo. Cũng là tên một hề màn ảnh nổi tiếng trong những năm 20 của thế kỷ XX.

2. Mèo hảo hạng: mèo loại tốt; ngựa loại khoái: ngựa loại hay. Chỉ đĩ điếm.

1. Con điêu (zibeline): giống điêu Bắc Cực, tức một loại con thú lông dài và mượt, mình dài, đuôi dài nên người ta thuộc da giữ nguyên lông dùng làm khăn quàng cổ phụ nữ sang trọng.

2. Những loại huân chương, huy chương của Pháp, với hình dáng và màu sắc riêng của mỗi loại.

3. Nhà ở Pari thường từ năm đến tám tầng; những hộ sang trọng nhất hay ở tầng gác, cho đến gác ba. Ở gác cao hơn, là những hộ gia tư nghèo hơn.

1. Nhất bộ (one step): "một bước", tên một điệu vũ gốc Mỹ, nhanh và mạnh. Ở đây nói các cụ già khoa chân múa tay cho đỡ rét.

2. Sưởi kiểu trung tâm: lối sưởi sang, sưởi cả nhà (hoặc cả khối nhà), nhưng chỉ đốt lò ở một nơi thôi, có ống dẫn hơi nước nóng đến từng phòng.

1. Tức thủy thủ dân sự. Do yêu cầu của sự kiểm soát quốc gia và quốc tế, người đi biển phải theo luật hàng hải quốc tế, được đăng ký vào một danh bạ Nhà nước. Có đăng bạ mới là công nhân hàng hải chính thức.

1. Cái nồi: từ lóng chỉ đạn pháo cỡ lớn.

1. Lui Phorextơ (Louis Forest): nhà báo và nhà văn Pháp, lúc ấy muốn gây phong trào cải thiện đời sống bằng mọi biện pháp hợp lý hóa nhằm tiết kiệm sức, chống lãng phí, v.v... "Nồi Na Uy" là kiểu thổi nấu tiết kiệm: đun nóng nồi rồi bỏ vào thùng kín đựng chất cách nhiệt, để thức ăn tiếp tục chín mà không cần thêm chất đốt.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83962


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận