Văn Viễn suy nghĩ tiếp:
- Ta thật sự là tên Xú Tiểu Tử Phùng Văn Viễn! Nhưng vì sao ta lại được bà bà thần tiên yêu thương? Theo lời kể của đại tiểu thư thì đích thân bà bà thần tiên đã đánh ta một chưởng chết, vậy tại sao cuối cùng ta lại thành ra một tên văn nhân bị trùng độc cắn ở Ứng Kê Quan? Nói vậy song thân cũng không phải là cha mẹ ruột của ta! Ta tính ra chỉ ở Ứng Kê không quá năm năm. Ta cuối cùng có gốc gác thế nào?
Văn Viễn lẩm bẩm một lúc liền thở dài nói:
- Ta mặc kệ! Ta có là ai đi nữa cũng không quan trọng! Ta chẳng phải năm năm dài ở Ứng Kê tiêu du nhàn hạ mãn nguyện lắm sao? Ta bị người sắp đặt vào Giang Nam, tính ra dù nhiều nguy hiểm, nhưng may mắn đã gặp được bà bà thần tiên, không phải đã mãn nguyện lắm sao? Ta còn đòi hỏi gì nữa? Trang Châu ngày xưa mơ thành bướm tỉnh giấc ngơ ngác bần thần. Hậu nhân ngàn đời sau cứ cho là ông ngơ ngác tự hỏi, nào hay thánh nhân đang tự thán! Là người thì sao? Là bướm thì sao? Phàm là người có ai biết được tự an vui với thực tại của mình? Ta sao có thể không thấu điều này được lại còn đòi hỏi?
Văn Viễn nghĩ thông suốt liền thấy lòng nhẹ nhỏm. Ông ngồi dậy chỉnh lại y phục gọn gàng bèn quay đầu về hướng Tây quỳ lạy chín cái, nói:
- Vãn bối với bà bà chỉ có phúc gặp gỡ lại không có duyên cận kề! Bà bà còn sống đều hết lòng giúp đỡ vãn bối, lại tận tâm bảo ban săn sóc, ơn đức này Văn Viễn không bao giờ dám quên! Vãn bối về Ứng Kê nhất định sẽ lập bài vị cúng bái! Mong bà bà an vui cửu tuyền mau trùng sinh chuyển kiếp!
Văn Viễn càng khấn nguyện lại thấy chạnh lòng. Ông nghĩ đến việc về Ứng Kê, cả đời không quay lại Giang Nam, không còn dịp gặp lại Ác Ma Song Tẩu liền rơi nước mắt. Ông càng khóc thì càng nhớ tới khuôn mặt ngẹn ngào của Ân Ân, nhớ đến đại tiểu thư thân ngọc lạnh lẻo nằm cô quạnh dưới vực sâu, lòng lại đau như cắt. Văn Viễn không kềm được bật khóc thành tiếng. Ông thấy đây chỉ là khúc sông vắng ít người qua lại nên không sợ bị ai bắt gặp mà cười nhạo. Vì vậy, ông cứ thỏa thê mà khóc. Ai dè gần đó lại phát ra tiếng khóc hư hư.
Văn Viễn cứ khóc một tiếng, người kia cũng khóc một tiếng. Văn Viễn khóc hai tiếng, người kia cũng khóc hai tiếng. Văn Viễn khóc một hồi dài, người kia cũng khóc một hồi dài. Hai bên làm như đang thi nhau bày tỏ sự thương tâm. Sau mấy lần khóc qua khóc lại như vậy, Văn Viễn chắc bụng người kia đang châm chọc liền ngước nhìn mà nói:
- Ta có chuyện đau lòng nên khóc, bằng hữu không cảm thông sao còn nỡ chế nhạo ta?
Cách Văn Viễn chừng hơn hai mươi bước chân, có một người đang nằm trên một tảng đá ven sông mà khóc. Người này chỉ là thiếu niên chừng mười chín hai mươi tuổi. Chàng ta thân hình nhỏ nhắn , mặc y phục thiên thanh. Chàng ta da ngọc môi hồng nhìn là biết hạng thế gia đại phú. Chàng ta nghe Văn Viễn nói liền ngước nhìn mà đáp:
- Ngươi có chuyện đau lòng của ngươi! Ta có chuyện đau lòng của ta! Ngươi khóc được sao lại cấm ta không khóc được?
Văn Viễn liền nói:
- Ngươi thì có chuyện đau lòng như thế nào?
Chàng thiếu niên cũng hỏi lại:
- Vậy văn nhân như ngươi thì có chuyện đau lòng gì?
Văn Viễn khóc thêm một chập mới đáp:
- Ta yêu thích một người, chưa từng thấy mặt cũng chưa từng có dịp bày tỏ. Ngờ đâu người đó vì ta mà chết đi. Ta đến cùng cũng không có cơ hội nhìn lần cuối! Ta hỏi ngươi có đau lòng hay không?
Chàng thiếu niên nghe vậy liền nói:
- Chuyện nam nữ luyến ái có gì là đau lòng. Năm năm, mười năm, hay hai mươi năm sau chẳng qua đều phai nhạt hết đó sao? Chuyện của ta mới đau lòng!
Chàng ta òa khóc nức nở rồi nói tiếp:
- Ta mất mẹ từ nhỏ! Cha ta đã hứa sẽ chăm sóc ta suốt đời. Ngờ đâu mấy ngày trước cha lại âm thầm tái hôn. Ta không ưa mẹ kế. Mẹ kế cũng không ưa ta! Đoạn đời sau này của ta nhất định sẽ rất thê thảm. Ta đành phải bỏ nhà mà đi! Ngươi nghĩ thử xem, ta quen nhung gấm kẻ hầu người hạ, giờ phải lang bạt giang hồ, ta có thể chịu được mấy ngày? Ta nhất định sẽ chết dọc đường mà không ai thương xót!
Văn Viễn ngẫm thấy chàng ta cũng thật đáng thương. Tuy nhiên ông suy nghĩ một lát lại nói:
- Không đúng! Người cùng lắm chịu khổ không được sẽ quay về nhà. Mẹ kế của ngươi dầu thế nào nhưng cha ngươi còn sống thì bà ta nhất định không dám làm bừa. Ngươi ở nhà vài năm nữa sẽ lại thành thân với một khuê các trâm anh môn đăng hộ đối. Như vậy ngươi cũng không sợ cảnh cơ cực! Ngươi có gì mà than khổ? Còn ta có duyên hạnh ngộ lại không có phúc cận kề. Bây giờ bà bà đã chết, ta có muốn cũng đâu thay đổi được! Ta mới thật sự là đau khổ!
Chàng kia nghe Văn Viễn nói liền giật mình:
- Bà bà? Ngươi không lẽ lại đi yêu thích một bà bà? Ngươi cùng lắm chỉ là ba mươi tuổi! làm sao lại đi yêu một bà bà được?
Văn Viễn thấy chàng ta hỏi giọng đầy châm chọc liền ấm ức đáp:
- Ta yêu một bà bà thì sao? Có ai cấm là ta không được phép làm vậy? Ngươi…ngươi …
Văn Viễn càng kích động mà khóc rống thê thảm. Ông khóc một hồi lại nghe chàng thiếu niên kia khóc theo. Văn Viễn giận quá quát:
- Ta khóc mặc ta! Sao ngươi còn cố châm chọc! Ngươi thích mỉa mai người khác như vậy sao?
Chàng thiếu niên kia xua tay nói:
- Không phải! Lý ra ta không muốn khóc. Nhưng nghe ngươi khóc thê lương quá nên ta không kềm lòng được! Ngươi thật là kẻ chung tình hiếm thấy! Ngươi đừng khóc nữa, lỡ như có kẻ nào nhìn thấy thì còn gì khí khái trượng phu?
Chàng ta lựa lời khuyên nhủ thì Văn Viễn mới nguôi ngoai. Văn Viễn lại hướng về phía tây lạy thêm chín lạy rồi khấn nguyện. Ông khóc kể mấy trận trong lòng đã nhẹ nhỏm hơn nhiều tự nhiên tâm tư cũng bớt trĩu nặng. Chàng thiếu niên kia lúc này mới đến bên cạnh mà nói:
- Tại hạ tên Kim Lam Ngọc, không biết phải xưng hô với huynh như thế nào?
Văn Viễn liền vái lễ đáp:
- Tại hạ tên Phùng Văn Viễn!
Lam Ngọc gật gù:
- Văn nhân mang chí hướng xa rộng! Cái tên đặt thật hay, chắc hẳn Phùng huynh thi thư trong bụng còn nhiều hơn cả vàng bạc ở nhà ta!
Văn Viễn nghe Lam Ngọc khuôn mặt lanh lợi, ăn nói lại nhẹ nhàng, thì thắc mắc:
- Kim huynh sao lại có cái tên nghe như khuê nữ?
Lam Ngọc cười hì hì đáp:
- Ta từ nhỏ khó nuôi thành thử cha ta mới đặt cái tên giống khuê nữ!
Văn Viễn thấy Lam Ngọc điệu bộ cử chỉ đều yếu đuối đoán chừng đã quen nhung lụa hưởng lạc. Ông nghĩ các bậc công tử giàu có đều như vậy nên không lấy làm lạ. Văn Viễn hỏi:
- Tại hạ đêm qua say rượu nên đi bừa! Cho hỏi không biết đây là đâu?
Lam Ngọc đáp:
- Sông này là một phụ lưu của sông Yên Hà. Nếu ngược về đông bốn chục dặm là tới Hàn Châu, còn nếu đi thẳng trước mặt là địa phận của Tô Châu! Không biết Phùng huynh muốn đi về đâu?
Văn Viễn nói:
- Tại hạ muốn dò đường về phương nam!
Lam Ngọc liền cười hớn hở:
- Hay lắm! Ta cũng muốn về phương nam ghé Đại Lý mà ngắm hoa trà! Chúng ta xem ra đã có duyên mới gặp nhau ở đây! Dọc đường xuôi nam có bạn đồng hành chẳng phải lý thú lắm sao?
Văn Viễn cũng mừng rỡ đáp:
- Thật là hạnh ngộ! Không biết Kim huynh năm nay đã bao nhiêu tuổi?
Kim Lam Ngọc đáp:
- Ta mới hai mươi, còn huynh?
Văn Viễn đáp:
- Tại hạ hơn bằng hữu đúng một giáp!
Lam Ngọc lúc này mới rút chiếc quạt giấy được cài bên hông ra phe phẩy mà nói:
- Việt Vương Câu Tiễn xưa kia mười năm nhẫn nhục cuối cùng trả được cái thù lớn! Văn Chủng mười năm để an bang. Phạm Lãi cũng chỉ cần mười năm để luyện quân bình thiên hạ! Không biết Phùng huynh đây là Văn Chủng hay là Phạm Lãi!
Văn Viễn thấy Lam Ngọc đem tích cũ mà ví von thì cười đáp:
- Tại hạ chỉ có chút chữ nghĩa thông thạo, sao dám ví với hai đại hiền ấy! Thật sự hổ thẹn!
Cả hai dùng lời lẽ kính trọng mà vấn hỏi nhau một lát đều ưng bụng. Không ai nói ai nhưng tự nhiên thấy quý mến đối phương. Kim Lam Ngọc lúc này mới nói:
- Cách đây chừng mấy dặm có trấn nhỏ. Chúng ta vào đó tìm chốn nghỉ ngơi! Dầu gì cũng đã đên Tô Châu, cũng nên tham quan danh lam thắng cảnh để khỏi uổng công!
Văn Viễn nghe thấy có lý liền đồng ý.
Ông thấy Lam Ngọc thân hình mảnh khảnh nên đoán chừng không biết võ công. Thành thử, ông không dám dùng khinh công sợ chàng ta theo không kịp. Ai ngờ, Lam Ngọc tuy đủng đỉnh vừa đi vừa phe phẩy quạt nhìn trời ngắm đất nhưng một cái nhấc chân thì đã đi xa mấy trượng. Văn Viễn ban đầu không để ý tới, càng về sau bị Lam Ngọc bỏ xa hơn mấy chục trượng thì kinh hãi. Văn Viễn nhận ra Lam Ngọc quả thật có khinh công hơn người. Ông không dám khinh thường dùng Du Ảnh Biến mà đuổi theo. Lam Ngọc thấy ông đuổi kịp thì gia tăng cước lực. Hai bên đem khinh công ra thi thố đến tàn mấy nén hương, Văn Viễn mới theo kịp được.
Lam Ngọc cười khanh khách hỏi:
- Hình như Phùng huynh đang dùng khinh công Du Ảnh Biến của Ngô gia trang?
Lam Ngọc chỉ cần nhìn đã biết được, chỉ là thuận miệng hỏi. Văn Viễn phục thầm trong lòng đáp:
- Quả thật là Du Ảnh Biến! Tại hạ may mắn được Ngô tiểu thư truyền thụ!
Lam Ngọc nheo mắt đầy ý nhị hỏi:
- Khinh công Ngô gia là nhất mạch đơn truyền. Hóa ra Phùng huynh đã là con rể quý của Ngô Ứng Bình! Ta thật thất lễ! Ta nghe nói có kẻ dụ dỗ tiểu thư nhà họ Ngô sau đó còn cưỡng dâm mà giết đi, phải chăng kẻ đó là Phùng huynh?
Văn Viễn nghe vậy liền xua tay lia lịa:
- Không không! Chỉ là do lão Ngô Ứng Bình thêu dệt! Tại hạ nào có làm việc động trời ấy!
Văn Viễn không giấu diếm mà kể hết thảy mọi chuyện xảy ra ở Ngô gia trang cho Lam Ngọc nghe. Cả việc bản thân bị ngộ nhận là Cầm Điệp Cuồng Sinh ông cũng không giấu. Lam Ngọc nghe xong lại chăm chú nhìn Văn Viễn dò xét. Văn Viễn lại giật mình lớ buột miệng nói bản thân đã đại náo Gia Lăng. Ông nghĩ nếu như trong số kẻ bị giết chết ở Gia Lăng có thân thích của Lam Ngọc, không phải vô tình đã sinh thù. Lam Ngọc thấy khuôn mặt âu lo của Văn Viễn liền phá lên cười:
- Ta không tin chuyện dùng tiếng đàn có thể gọi bướm được! Nhất định là huynh đã thêm thắt!
Văn Viễn gãi đầu đáp:
- Thật sự …thật sự là có! Khúc nhạc đó gọi là Hồ Điệp Khúc, chỉ cần đánh đàn sẽ thấy muôn vạn cánh bướm khắp trời!
Lam Ngọc cười ầm lên:
- Phùng huynh đừng nghĩ ta khờ khạo! Trên đời làm gì có chuyện như vậy? Ta nhất quyết không tin!
Văn Viễn thấy có giải thích thế nào cũng không được, bèn nói:
- Đợi đến trấn trước mặt ta mua một cây đàn. Khi đó ta sẽ đánh cho huynh xem!
Lam Ngọc gật đầu:
- Được! Nếu quả thật huynh có thể dùng tiếng đàn mà gọi bướm thì ta mới tin!
Lam Ngọc nói xong liền cực lực nhằm thẳng trước mặt đi tới. Chàng ta khinh công như gió cuốn. Văn Viễn phải đồ hôi mới theo kịp. Chừng một canh giờ đã thấy trước mặt có đông người qua lại. Lúc này Lam Ngọc mới đi chậm lại. Chừng nguội một tách trà, Văn Viễn mới đuổi theo kịp. Ông nhìn Lam Ngọc dùng khinh công thượng thừa mà sắc mặt vẫn không đổi thì khâm phục. Văn Viễn ước chừng Lam Ngọc về nội lực có thể thua kém nhưng so bì cước lực, ông không thể nào bì lại chàng ta được.
Trấn này có tên là Yên Hà, Văn Viễn đoán chắc vì có sông Yên Hà chảy qua nên đã lấy tên sông mà đặt. Trấn Yên Nhà tuy không sầm uất nhưng vẫn đông vui nhộn nhịp. Lam Ngọc quen nết sa hoa. Chàng ta lựa mãi mới được một tửu quán sang trọng liền ưng bụng bước vào. Lão chưởng quầy thấy Lam Ngọc thì cung kính ra tận cửa nghinh đón:
- Không biết công tử quang lâm! Xin thứ lỗi tiếp đón chậm trể!
Văn Viễn nhìn lão vừa cung kính vừa sợ hãi thì đoán thầm Lam Ngọc nhất định là người có vai vế rất cao. Đến một trấn nhỏ cũng có người nhận ra mà biệt đãi.
Lam Ngọc ra hiệu miễn lễ cho tên chưởng quầy rồi ung dung bước vào quán. Lập tức có bốn tên tiểu nhị chạy đến khom người vái lễ. Văn Viễn nhìn bốn tên này tuy ăn mặc xềnh xoàng nhưng cước bộ lại nhẹ nhàng thì đoán thầm đều có học qua võ công. Lam Ngọc thấy Văn Viễn còn chần chừ liền thúc giục. Văn Viễn đành ậm ừ bước theo.
Bọn tiểu nhị liền đưa cả hai lên tầng trên dành cho thượng khách. Đích thân lão chưởng quầy chọn món chọn rượu. Lam Ngọc gật đầu ưng thuận, lão mừng rỡ liền vội vàng quay xuống quát tháo nhà bếp. Lát sau mấy tên tiểu nhị khệ nệ khuâng lên vừa rượu vừa thức ăn. Văn Viễn đếm thầm được trên hai mươi sáu món thì la hoảng trong bụng. Rõ ràng là Lam Ngọc quen thói vương giả nên mặc lão chưởng quầy chọn, chàng đều gật đầu. Chàng liền giục Văn Viễn:
- Quán này chỉ có hai món ngon! Một là rượu Bát Nhi Tập! Hai là món canh hạt sen! Phùng huynh mau mau dùng thử!
Văn Viễn cảm tạ rồi cầm đũa. Ông cứ nhè món nào gần mình thì ăn. Lam Ngọc ngược lại, chàng ta mỗi món đều thử một miếng, thử xong hai mươi sáu món thì cũng đã no căng bụng. Lam Ngọc buông đũa rót rượu ra chén. Chàng ta uống rượu từ tốn cung cách không khác gì trâm anh khuê nữ. Văn Viễn ban đầu không để ý nhưng lâu dần, ông ngửi được trên người chàng ta có thoang thoảng mùi son phấn thượng hạng. Văn Viễn lẩm bẩm:
- Không lẽ các công tử sang trọng đều đem bột thơm trong người? Nhưng sao mùi bột thơm lại giống son phấn nữ lưu?
Văn Viễn đoán chừng Lam Ngọc đã quen nết nên cũng không để ý tới. Ông thấy đồ ăn còn ê hề thì hết hứng cầm đũa. Văn Viễn tự rót cho mình một chén rượu rồi uống. Vị rượu ngọt dịu, hậu lại cay nồng. Văn Viễn uống liền bốn chén mà tấm tắc:
- Rượu thật ngon! Không thua gì các loại mỹ tửu thượng thặng trên đời! Tại sao vẫn không hay nghe thiên hạ nhắc đến cái tên Bát Nhi Tập? Quả là đáng tiếc!
Lam Ngọc liền đáp:
_Ở cách Yên Hà hai dặm về hướng đông có một làng nhỏ chuyên trồng ra loại nếp trắng rất độc đáo. Rượu Bát Nhi Tập chính là dùng loại nếp độc đáo này thêm men Hạnh Nguyên mà chưng cất suốt một trăm ngày! Sau đó, lại đem ủ trong hầm kín thêm mười năm dài! Rượu ủ càng lâu thì càng đậm đà! Vò rượu mà Phùng huynh đang uống ít nhất đã ủ hơn bốn mươi năm! Nếu không phải bậc thượng khách thì khó lòng được dùng đến! Thành thử thiên hạ không mấy người được nếm thử, Bát Nhi Tập ít biết đến là vậy!
Văn Viễn hiểu ra chỉ ậm ừ. Ông biết Lam Ngọc diễn giải còn có ý nói cả hai đang là thượng khách mới được dùng đến rượu quý. Văn Viễn không hiểu lai lịch Lam Ngọc thế nào, nhưng ông quả quyết bên trong nhất định có gì mờ ám. Văn Viễn để ý Lam Ngọc từ lúc vào quán đến giờ đều cố tình khoe chiếc quạt giấy. Lão chưởng quầy đến tiểu nhị thấy chiếc quạt này mới tỏ ra cung kính khiêm nhường với Lam Ngọc. Văn Viễn liếc nhìn, chỉ là chiếc quạt giấy bình thường, tuy nhiên trên nền quạt có họa khung cảnh sông nước mênh mông. Văn Viễn đoán chừng còn có chuyện trí trá nên không nói gì cứ thản nhiên uống rượu mà chờ đợi.
Lát sau, lão chưởng quầy tất tả chạy lên. Lão khom mình vòng tay cung kính với Lam Ngọc:
- Không biết Thạch đường chủ quang lâm! Quán nghèo chỉ có chừng ấy vật ngon của lạ, Thạch đường chủ xin rộng lượng nhận hảo ý của bọn tiểu nhân!
Lam Ngọc liền cười khanh khách:
- Lão nói gì ta không hiểu? Ta chỉ cùng vị Phùng huynh đây dọc đường lỡ bước, chỉ định vào quán xin một bữa cơm! Ai ngờ lão lại thịnh tình cung phụng! Ta thật cảm kích bất tận!
Văn Viễn la thầm trong bụng biết chàng ta đã lợi dụng tên Thạch đường chủ nào đó mà gạt đồ ăn thức uống. Tuy nhiên đã gạt thì gạt đến trót, nửa chừng nói ra rõ ràng có ý muốn gây sự. Văn Viễn nghĩ vậy, càng lo lắng.
Lão chưởng quầy nghe Lam Ngọc nói xong thì trừng mắt nhìn:
- Ngươi…ngươi không phải là Thạch đường chủ? Tại sao lại có chiếc quạt này?
Lam Ngọc đáp:
- Thì ra cái tên chủ nhân của chiếc quạt là Thạch đường chủ gì gì đó. Hắn tư cách thấp kém, võ công lại tệ, chi bằng các người tôn ta lên làm đường chủ còn hơn!
Văn Viễn nghe Lam Ngọc mở miệng toàn tính đường gây sự. Ông vội vã lên tiếng:
- Xin lão đừng nóng giận! Vị bằng hữu của tại hạ chỉ lỡ lời mà thôi. Chổ thức ăn này bao nhiêu ngân lượng, tại hạ xin trả hết!
Lão chưởng quầy nghiến răng:
- Các ngươi dám đến kiếm chuyện với Thái Hồ Bang, coi như đã chán sống!
Lão dứt lời thì bọn tiểu nhị đã lục đục kéo lên vây kín. Văn Viễn thấy khó tránh khỏi trận giao tranh ngao ngán nhìn Lam Ngọc. Lam Ngọc vẫn thản nhiên nói:
- Ta cũng không làm khó! Mau giao món đồ đó ra, bằng không đến Thái Hồ Bang ta cũng đốt sạch, đừng nói là cái quán nhỏ này!
Chàng ta quay sang nói với Văn Viễn:
- Phùng huynh! Huynh chẳng phải thích món đồ đó sao? Huynh nên ra tay mà thị uy với bọn chúng!
Nói xong Lam Ngọc lùi lại đứng sau lưng Văn Viễn. Văn Viễn gãi đầu gãi tai biết đã bị chàng ta gài vào thế. Bọn người Thái Hồ Bang nghe vậy cho rằng kẻ chủ mưu đích thực là Văn Viễn. Cả bọn không thèm tra hỏi ập vào mà đánh đấm túi bụi. Văn Viễn hoảng loạn dồn hàn nhiệt lên hai tay xô bừa mấy cái. Bọn người kia trúng chưởng văng đi tứ phía. Tên nào trên ngực cũng bị đóng một lớp băng mỏng, đau nhức mà rên la thảm thiết.
Lão chưởng quầy quắt mắt chụp lấy thanh kiếm của tên tiểu nhị gần đó. Lão múa kiếm như chớp vây lấy Văn Viễn. Văn Viễn hoảng sợ liền dùng Du Ảnh Biến né tránh. Lão đánh hơn hai mươi chiêu đều hụt vào khoảng không. Lão kiếm pháp tuy lợi hại nhưng Văn Viễn cứ vờn qua vờn lại mờ ảo như bóng ma. Lão mấy lần đâm kiếm tưởng trúng hóa ra đều trật hết. Lam Ngọc bên ngoài thấy vậy liền reo hò cổ vũ rất hào hứng.
Lão chưởng quầy đánh đến ngoài năm mươi chiêu đều không làm gì được thì nổi giận đùng đùng. Lão vừa đánh vừa luôn miệng mắng chửi:
- Ngươi là tên hèn nhát! Là con rùa rút đầu rút cổ! Sao không dám đường đường chính chính mà đấu với ta!
Văn Viễn biết lão đang có ý nói khích thì mặc kệ không thèm quan tâm tới. Lão thấy vậy càng chửi sa sả:
- Ngươi là con rùa rút đầu! Cha mẹ ngươi cũng là con rùa rút đầu! Tôn ti của người cũng chỉ là con rùa rút đầu!
Lão lôi hết tổ tiên mười mấy đời của Văn Viễn mà mắng càng lúc càng nặng lời. Văn Viễn vừa dùng Du Ảnh Biến né kiếm vừa đáp:
- Tại hạ đến song thân nội tổ cũng chưa biết được mặt mũi, không ngờ lão lại rành như thế, thật khâm phục!
Lão chưởng quầy càng điên tiết mà mắng chửi, lời lẽ thậm tệ không sao kể được. Văn Viễn né tránh một lúc thấy không thể cứ chạy hoài được. Ông bèn ngầm vận công rồi bật cười một tràng. Lão chưởng quầy không chịu nổi buông kiếm xuống hai tay ôm chặt tai mà ru réo thảm thiết. Bọn tiểu nhị cũng hùa nhau tháo chạy té lăn lộn xuống tầng lầu. Văn Viễn cười một chập rồi thu nội lực lại. Lão chưởng quầy run rẩy dập đầu quỳ lạy:
- Không biết là đồ tôn của Hắc Quan Âm giá đáo! Tiểu nhân đã mạo phạm! Xin Hắc Quan Âm tha thứ!
Lão dập đầu xuống sàn mấy cái đến tươm cả máu trán. Văn Viễn biết lão sợ uy bà bà thần tiên nên nói:
- Chỉ là chút hiểu lầm! Hắc Quang Âm sẽ không trách khứ! Ngươi cứ an tâm!
Lão chưởng quầy nghe vậy mừng rỡ. Lão vội vã hò hét xuống dưới. Lát sau đã có một tên tiểu nhị khúm núm đem lên một túi vải lớn. Lão chưởng quầy cầm lấy túi vãi hai tay dâng lên trước mặt Văn Viễn nói:
- Món đồ này Thiên Hồ Bang không biết Hắc Quan Âm cần nên đã dại dột lấy làm của riêng! Bây giờ xin đem trả lại!
Văn Viễn thấy không thể từ chối đành ậm ừ nhận lấy. Lão chưởng quầy đứng dậy vái lễ nói:
- Tiểu nhân chiều này sẽ đốt bỏ quán xá, tìm một nơi hẻo lánh mà ẩn thân, suốt đời suốt kiếp không dám bước chân đi lại giang hồ! Xin đại hiệp nói lại với Hắc Quan Âm đừng bận lòng!
Văn Viễn đã mấy lần thấy bà bà thần tiên thị uy với lũ tà mà nên không lấy làm lạ. Chỉ là khơi lại chuyện cũ, trong lòng dậy lên xót xa, Văn Viễn ừ nhẹ rồi vội vàng rời khỏi quán. Ông nghĩ Lam Ngọc hay lừa lọc, còn ưa gây sự với người khác, dọc đường nhất định sẽ thêm rắc rối. Thành thử, Văn Viễn một mình bỏ đi không hề thấy lưu luyến.
Ông rời quán nhằm hướng nam mà đi. Ông định bụng cứ thẳng trước mặt chờ gặp nơi thị tứ sẽ mua ngựa rồi dò đường về Ứng Kê. Lam Ngọc mấy bận ở sau lưng gọi, Văn Viễn vờ như không nghe. Ông theo cách vận khí của Tử Hà Thần Công rồi dùng Du Ảnh Biến, khinh công lập tức vượt trội hơn hẳn. Lam Ngọc cố chạy hết sức vẫn bị bỏ xa hơn hai mươi trượng không sao thu hẹp được. Không ngờ phía trước lại là một bờ sông rộng, Văn Viễn đến nơi không thấy cầu cũng chẳng có thuyền đành phải bấm bụng đứng lại. Lam Ngọc liền vội vàng chạy đến. Chàng ta thấy Văn Viễn ngó lơ thì cười hì hì nói:
- Huynh chưa gì đã giận ta! Sao không mở túi vải coi món đồ này là gì?
Văn Viễn không thèm đáp trả cứ nhìn chăm chăm bên kia bờ đợi thuyền. Lam Ngọc không chần chừ mở túi vải, thì ra là cây đàn ngọc của Cầm Điệp Cuồng Sinh. Lam Ngọc nói:
- Huynh đã kể lần trước đại náo Gia Lăng nên bỏ mất đàn ngọc. Bọn Thiên Hồ Bang đã âm thầm trộm đi! Ta có lòng tốt đòi lại dùm huynh, sao huynh còn giận?
Văn Viễn trong bụng đã thấy Lam Ngọc hay gây sự với người nên không muốn gần gũi. Ông tuy thấy đàn ngọc nhưng vẫn thản nhiên đáp:
- Đàn này ngày trước tại hạ chỉ nhặt được! Tại hạ ngỡ mình là Cầm Điệp Cuồng Sinh thành ra mới giữ nó. Bây giờ, đã không phải là Cuồng Sinh, cây ngọc cầm này sao là của tại hạ được? Ngươi thích thì cứ cầm lấy! Tại hạ không quan tâm!
Lam Ngọc nghe Văn Viễn lời nói lạnh nhạt thì cười khanh khách đáp:
- Phùng huynh chắc đang trách ta sao hay kiếm chuyện với người? Phùng huynh ở Gia Lăng bày ra chuyện kinh thiên động địa chẳng phải cũng là kiếm chuyện với người khác đó sao?
Văn Viễn thở dài nói:
- Đó là lầm lỗi của tại hạ! Đa tạ đã nhắc nhở!
Vừa lúc đó có hai chiếc thuyền lớn rẽ sóng lướt tới. Văn Viễn mừng rỡ toan gọi lớn nhờ quá giang. Tuy nhiên ông thấy hai chiếc thuyền đang nhằm thẳng hướng mình thì nghi ngại. Văn Viễn ngửi ra trên thuyền tụ tập hơn năm sáu chục người đoán thầm có chuyện chẳng lành. Lát sau thuyền đến gần, ông nhìn thấy ở đầu thuyền treo lá cờ lớn thêu chữ Thiên Hồ Bang liền quay lại nhìn Lam Ngọc mà nghiêm giọng:
- Ngươi đã gây lớn chuyện rồi!
Thuyền vừa cách bờ chừng hai mươi trượng liền dừng lại. Lập tức chừng mười người dùng khinh công nhảy xuống. Bọn chúng chỉ điểm mũi chân trên mặt nước một lần đã đến bờ. Văn Viễn nhìn thấy cước lực như vậy đoán chừng toàn là cao thủ. Ông không muốn gây thêm chuyện nên cung kính nói:
- Có phải là người của Thái Hồ Bang! Vừa rồi ở trấn Yên Hà, tại hạ có mạo phạm xin hãy thứ lỗi mà bỏ qua!
Một tên trong bọn đáp:
- Ta nghe nói các hạ là đệ tử của Hắc Quang Âm?
Văn Viễn liền đáp:
- Tại hạ chỉ có chút giao tình không dám tự nhận là đệ tử hay thân thích của bà bà!
Tên này họ Trương tên Đại Thành. Hắn nhìn Văn Viễn lời lẽ cung kính khiêm nhường, khuôn mặt thì ôn hòa, khác hẳn phong cách ngạo thị miệt thế của Hắc Quan Âm. Tên Trương Đại Thành đã từng thấy Hắc Quan Âm thị uy một lần, thành thử không dám cẩu thả đoán bừa. Hắn nói:
- Hắc Quan Âm uy danh lừng lẫy, giang hồ ai cũng phải nhín nhường. Thái Hồ Bang dầu gan to bằng trời nào dám chọc giận! Tuy nhiên, các hạ mượn danh Hắc Quan Âm đến phân đà của Thái Hồ Bang gây sự, không biết có mang theo tín vật? Kẻo sau này Hắc Quan Âm biết chuyện lại trách phạt tội hồ đồ!
Văn Viễn hiểu hắn ăn nói ngọn ngành cũng chỉ muốn biết đích xác ông có lá Hắc Mai Kỳ hay không. Văn Viễn vẫn giữ lá cờ trong người, nhưng ông nghĩ, dầu gì bà bà thần tiên cũng đã mất, không nên để tổn hại uy danh. Ông đáp:
- Chỉ là một chút hiểu lầm! Mong các vị đại xá! Tại hạ thật sự cảm kích bất tận!
Trương Đại Thành nghe vậy thì cười gằn:
- Hóa ra các ngươi chỉ là bọn giả danh! Mau mau trả lại đàn ngọc cho ta!
Văn Viễn liếc nhìn Lam Ngọc. Lam Ngọc vẫn ôm đàn trên tay mà thản nhiên đáp:
- Đàn này không phải của các người! Các ngươi sao đòi lấy?
Văn Viễn sợ hãi chàng ta lại làm lớn chuyện bèn đến cạnh bên mà nói nhỏ:
- Ngươi mau trả lại cho bọn họ đi! Chúng ta đừng nên gây sự!
Lam Ngọc không thèm ngó ngàng đến ông mà đáp:
- Thiên Hồ Bang các ngươi chỉ là bọn thủy tặc! Các ngươi chỉ quen thói cướp bóc! Có giỏi thì đến mà cướp cây đàn trên tay ta!
Trương Đại Thành nghiến răng trèo trẹo:
- Miệng lưỡi cứng lắm! Để ta xem cái cổ của ngươi có cứng như vậy không?
Hắn ra hiệu, năm tên đứng cạnh đó liền nhào đến Lam Ngọc. Lam Ngọc không chút sợ hãi. Chàng ta chờ cả bọn đến gần thì giơ tay phất nhẹ một cái như đuổi ruồi. Năm tên kia liền la hét đau đớn. Tên nào cũng hai tay ôm lấy đầu mà cào cấu rồi ngã vật ra chết. Văn Viễn kinh động không hiểu Lam Ngọc đã dùng thủ pháp gì. Ông nhìn thấy chàng ta phất tay một cái nữa. Lập tức có thêm năm kẻ ngã vật ra chết, mặt mũi nhăn nhó rất đáng sợ.
Văn Viễn lần này hoảng hồn thực sự. Lam Ngọc chỉ phất tay đã giết mười mạng người, mặt cũng không chút đổi sắc. Trương Đại Thành cũng nhìn không ra thủ pháp Lam Ngọc. Lão mồ hôi ướt lưng mà nói:
- Ngươi…ngươi dùng thủ pháp hạ lưu đê tiện gì?
Lão thấy Lam Ngọc không đáp mà hướng tay về phía mình thì hồn vía lên mây. Lão đánh bừa hai chưởng rồi vội vã nhảy vọt lại lên thuyền. Tuy nhiên, thân hình lão còn đang lơ lững trên mặt nước thì Lam Ngọc đã phất tay một cái. Lão la thét đau đớn rơi tỏm xuống nước mà chết mất xác. Bọn Thái Hồ Bang liền ru réo nhau mà bỏ chạy tán loạn. Phút chốc bờ sông chỉ còn lại Văn Viễn, Lam Ngọc cùng mười cái xác không hồn nằm lăn lóc. Văn Viễn sợ hãi nhìn Lam Ngọc nói:
- Ngươi đến chổ người ta gây sự cướp đồ, bây giờ người ta đến lấy lại ngươi không trả còn ra tay giết người. Ngươi thật là độc ác!
Lam Ngọc cười khanh khách đáp:
- Bọn Thái Hồ Bang này đều là trộm đạo khét tiếng. Giết bọn chúng coi như là trừ hại cho giang hồ, sao huynh lại nói ta độc ác?
Văn Viễn lắc đầu đáp:
- Giết người là giết người! Giết một kẻ đại ác cũng là giết. Giết một người hiền lương cũng là giết! Ta cũng từng giết người nhưng do là bị người khác bức bách không thể không ra tay để bảo vệ bản thân! Còn ngươi bản lĩnh ghê ghớm, rõ ràng có thể tha cho bọn họ nhưng ngươi vẫn cố lấy mạng! Ngươi…ngươi thật ham giết chóc!
Lam Ngọc thấy ông lời nào cũng toàn đả kích thì giận dữ. Chàng ta giơ tay về hướng Văn Viễn nói:
- Nếu ngươi còn dám mắng ta, ta sẽ giết ngươi! Ngươi có sợ không?
Văn Viễn tuy lòng khiếp đảm nhưng đáp:
- Ngươi thích thì ngươi cứ giết ta! Ta trước sau cũng chết, không sớm không muộn cũng phải chết! Ngươi muốn thì ta làm sao mà cản được?
Lam Ngọc trừng mắt hỏi:
- Vậy ngươi có sợ không?
Văn Viễn đáp:
- Chết thì ai mà không sợ? Ta sao có thể không sợ cho được! Nhưng ngươi động một chút là giết người, trước sau cũng sẽ bị người khác lập kế mà giết hại!
Lam Ngọc thấy Văn Viễn cương liệt thì liền cười khanh khách:
- Ngươi là kẻ gàn rỡ! Giang hồ ngươi không giết người sẽ bị người giết! Bọn Thái Hồ Bang chuyên làm chuyện ác, ta giết bọn chúng cũng chẳng có gì sai! Nói như ngươi thì ai cũng phải chết! Vậy bọn chúng chết vì già hay chết vào tay ta có khác biệt gì? Ngươi gàn rỡ như vậy thảo nào bà bà gì đấy không thèm mới bỏ mặc ngươi!
Lam Ngọc nói lại làm cho Văn Viễn nhớ đến bà bà thần tiên. Ông nhẫm ra toàn là do bản thân thích can dự chuyện người khác để rồi bà bà phải hiện thân mà giúp. Vốn nếu không phải vì ông thì bà bà thần tiên đâu đối đầu với U Minh Cung, kết cuộc bị chết thảm. Văn Viễn tự nhiên thấy lòng đau như cắt. Ông thở dài ngao ngán đáp:
- Cũng do ta hay xen vào chuyện thiên hạ mới khiến bà bà gặp nạn! Ngươi nói đúng lắm! Từ giờ ta không thèm can dự vào việc của ngươi nữa! Ngươi muốn giết ai thì giết!
Nói rồi ông quay lưng bỏ đi thẳng. Lam Ngọc liền gọi lớn mấy bận, ông cũng không thèm dừng lại. Chàng ta tức tối giơ tay về phía Văn Viễn phất một cái rồi chờ đợi. Tuy nhiên, Văn Viễn vẫn đi tiếp không xảy ra chuyện gì. Lam Ngọc thấy vậy liền ngơ ngác:
- Tại…tại sao không có tác dụng với hắn? Hắn cũng luyện nội công âm hàn, lẽ ra phải bị càng nặng hơn? Tại sao hắn vẫn bình yên vô sự?
Lam Ngọc lập tức đuổi theo Văn Viễn. Chàng ta cứ nhè lưng ông mà phất tay liên tục. Tuy nhiên, ông vẫn không hề bị gì. Lam Ngọc lẩm bẩm nói:
- Tán Cốt Thủ vô dụng với hắn ư? Thật lạ lùng!
Chàng ta bèn gia tăng cước lực đi theo Văn Viễn. Hễ Văn Viễn đi nhanh thì chàng ta đi nhanh. Hễ Văn Viễn đi chậm lại thì chàng ta đi chậm lại. Thủy chung cả hai như hình với bóng không sao tách rời. Chừng được hơn dặm đường, Văn Viễn liền quay sang mà nói:
- Ngươi sao cứ bám theo ta?
Lam Ngọc thản nhiên đáp:
- Con đường này rộng lớn chẳng lẽ ngươi đi được, ta lại không đi được? Ngươi đi công việc của ngươi! Ta đi công việc của ta!
Văn Viễn nghe vậy biết chàng ta cố tình theo sát. Ông không muốn sanh chuyện lôi thôi nên im lặng mà đi tiếp. Lam Ngọc cười khanh khách lại cất bước theo sau. Cả hai đi chừng nửa dặm đã gặp một bến đò, vừa lúc có một chiếc thuyền đã neo sẳn ở đó.