Tài liệu: Ba ngày quốc tế lớn

Tài liệu
Ba ngày quốc tế lớn

Nội dung

BA NGÀY QUỐC TẾ LỚN

Ngày quốc tế lao động 1-5, Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, Ngày quốc tế thiếu nhi 1- 6 là 3 ngày quốc tế lớn.

Ngày quốc tế lao động 1-5 là ngày lễ của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới cùng nhau đoàn kết, chiến đấu.

Vào những năm 80 của thế kỷ 19, cùng với sự phát triển mau lẹ của chủ nghĩa tư bản Mỹ, đội ngũ của giai cấp vô sản cũng lớn mạnh lên. Họ bị bóc lột và áp bức tàn tệ, ngày làm việc từ 12 đến 16 tiếng đồng hồ. Bắt đầu từ năm 1884, các tổ chức tiến bộ của công nhân Mỹ đã thông qua quyết nghị đấu tranh đòi thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Yêu sách này được công nhân các nơi ở Mỹ nhiệt liệt ủng hộ và hưởng ứng, họ quyết định sẽ tổ chức cuộc tổng bãi công  vào ngày 1-5- 1886. Ngày hôm đó, hơn 30 vạn công nhân ở Chicago và một số thành phố khác đã rầm rộ bãi công và biểu tình thị uy, buộc các nhà tư bản phải  đáp ứng một phần yêu sách của công nhân, cuộc đấu tranh đã giành được thắng  lợi  bước đầu.

Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của  công nhân các nước trên thế giới. Tháng 7 năm 1889, tại đại hội thành lập Quốc  tế thứ hai ở Paris để kỷ niệm thắng lợi cuộc bãi công 1- 5 của công nhân Mỹ, thúc đẩy cuộc đấu tranh của công nhân các nước đòi chế độ làm việc tám giờ  một ngày, và để tăng cường tình đoàn kết quốc tế, vô sản, Đại hội đã thông qua  nghị quyết: ngày 1-5-1890, những người lao động các nước trên toàn thế giới sẽ  tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình thị uy và lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm hàng  năm. Từ đó, ngày 1-5 trở thành ''Ngày quốc tế lao động''.

Ngày 8-3-1909, cũng tại thành phố Chicago (Mỹ), các nữ công nhân đã rầm rộ tổ chức bãi công và biểu tình để phản đối sự áp bức bóc lột của bọn tư  bản, đòi quyền tự do và bình đẳng, đòi chế độ ngày làm 8 giờ, đòi tăng lương.

Năm 1910, Đại hội đại biểu phụ nữ quốc tế xã hội chủ nghĩa lần thứ hai họp tại Copenhogen - thủ đô Đan Mạch. Từ diển đàn đại hội, nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa Đức, lãnh tụ của phong trào phụ nữ quốc tế, bà Clarazetin đã đề nghị với đại hội hàng năm lấy ngày 8- 3 là Ngày đấu tranh của phụ nữ trên toàn  thế giới. Đề nghị này đã được các đại biểu nhiệt liệt ủng hộ và nhất trí thông qua. Từ đó, ngày 8- 3 trở thành Ngày quốc tế phụ nữ đấu tranh chống chủ nghĩa  đế quốc, chống chiến tranh xâm lược, chống áp bức và bóc lột, đòi quyền lợi cho  phụ nữ và trẻ em.

Ngày l-6 là ngày tết của các trẻ em trên toàn thế giới. Tháng 11- 1949,  Hội liên hiệp phụ nữ dân chủ thế giới đã họp ở Moskva. Tại hội nghị, Ban thư  ký Hội đã đề nghị lấy ngày 1-6 hàng năm làm Ngày quốc tế thiếu nhi. Đại biểu của các tổ chức tham dự hội nghị đều nhất trí ủng hộ và thông qua nghị quyết chào mừng Ngày quốc tế thiếu nhi và kêu gọi chính phủ các nước phải đặc biệt  quan tâm đến các quyền lợi của trẻ em.

 

 

 

 

 

                                          




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/829-02-633371075410522273/Ngay-the-gioi-va-nam-quoc-te/Ba-ngay-quoc-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận