CHẾ ĐỘ CÔNG HỮU – NỀN TẢNG CỦA CHẾ ĐỘ KINH TẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Chế độ công hữu bao hàm chế độ sở hữu toàn dân và chế độ sở hữu tập thể. Nói về chế độ kinh tế của nước ta, Hiến pháp Việt Nam ghi rõ: đó là ''Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể làm nền tảng''.
Thiết lập và củng cố chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa là yêu cầu của nền sản xuất lớn xã hội hoá. Vì cùng với sự phát triển của sức sản xuất, trình độ kỹ thuật nâng cao, qui mô sản xuất trở nên rất to lớn, mối liên hệ giữa các xí nghiệp vô cùng chặt chẽ. Thiết lập và củng cố chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa có lợi cho việc tập trung lực lượng xây dựng nền kinh tế, có lợi cho việc phối hợp và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các xí nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trong điều kiện của chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, người lao động là người sở hữu chung các tư liệu sản xuất. Họ vừa là người lao động lại vừa là người quản lý. Giữa người lãnh đạo với người bị lãnh đạo, người lao động trí óc và người lao động chân tay, người lao động thành thạo và người lao động không thành thạo, chỉ có sự phân công xã hội khác nhau, không có sự phân biệt cao thấp sang hèn; thành quả sản xuất thuộc sở hữu chung của người lao động và được phân phối theo lợi ích chung của người lao động; giữa những người lao động, sản phẩm tiêu dùng cá nhân được phân phối theo lao động và cùng nhau đi lên con đường giầu có chung.
Ở nước ta, do trình độ sức sản xuất còn thấp, kinh tế phát triển không đều, nên cơ cấu chế độ sở hữu hiện nay song song tồn tại nhiều hình thức kinh tế trong đó chế độ công hữu đóng vai trò chủ thể. Song, chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa là nền tảng của chế độ; kinh tế xã hội chủ nghĩa, cho nên, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa thì phải củng cố và phát triển chế độ công hữu.