Tài liệu: Công pháp nội đan của đạo gia Trung Hoa

Tài liệu
Công pháp nội đan của đạo gia Trung Hoa

Nội dung

CÔNG PHÁP NỘI ĐAN CỦA ĐẠO GIA TRUNG HOA (D)

 

“…Chúng ta biết rõ rằng, toàn bộ tư tưởng của loài người xoay chuyển trong một vòng tròn giới hạn, lúc ẩn lúc hiện, song không ngừng tồn tại. Có những tư tưởng chúng ta tưởng như mới mẻ nhất thì lại chính là những cái cũ nhất. Vấn đề chỉ là thế giới đã lâu không nhìn thấy chúng mà thôi…”

Romain Rolland (1866 - 1944)

a. Uyên nguyên của thuật trường sinh

Sách Liệt tiên truyện của Lưu Hướng kể rằng: "ông Bành Tổ là quan đại phu nhà Ân, họ Tiền tên Kiên, con thứ ba Lục Chung, từng sống qua nhà Hạ đến cuối Ân, nổi tiếng trường thọ, sống trên 800 năm, thường ăn rau quế, rất giỏi phép đạo dẫn hành khí”. Sách Thần tiên truyện của Cát Hồng còn cho hay: "Trong cả cuộc đời, Bành Tổ đã lấy cả thảy 49 đời vợ và chứng kiến cái chết của 54 người con”.

Đến như Lão Tử, người được suy tôn là thuỷ tổ của Đạo giáo, có sách nói ông sống trên 160 tuổi, nhưng cũng có sách nói ông sống trên 200 tuổi, vì ông tu đạo để kéo dài tuổi thọ.

Ở đây có lẽ do ước mơ Trường sinh cửu thọ mà người xưa phần nào đã phóng đại tuổi tác của các sư tổ đạo gia tới mức hoang đường. Song nếu gạt bỏ những ảo tưởng, những ước mơ siêu thực, ta vẫn thấy trong đó một phần sự thực. Đó là: nếu con người chịu gắng công tu luyện, tất có khả năng duy trì sức khoẻ, đẩy lùi tật bệnh, kéo dài cuộc sống. Quả thế, về Bành Tổ, người ta bảo rằng ông chẳng hề theo đuổi hư vinh, ăn vận xa hoa mà chỉ chăm giữ mình thanh tịnh vô vi, tu luyện đạo dưỡng sinh trường thọ. Có người tên Hoàng Sơn Quân, tu thân theo đạo thuật của Bành Tổ, đã gom nhặt và chỉnh lý những lời thuyết giảng của ông, soạn thành Bành Tổ Kinh. Còn Lão Tử thì suốt đời chẳng hề hám lợi cầu danh, chỉ chuyên tâm tu tính, luyện mệnh, hàm dưỡng nguyên thần. Vì thế mà trong lúc tuổi thọ người xưa do thời tiết, tai hoạ, đói khát, bệnh dịch nên hãy còn quá thấp, thì cuộc đời của các Đạo gia vẫn xấp xỉ độ tuổi 70-80. Tổ sư Đạo Toàn Chân Trương Tử Dương sống gần trăm tuổi. Tôn Tư Mạc, tác giả hai cuối y thức trác việt Thiên kim yếu phương Thiên kim dực phương, được mọi người tôn xưng là “Dược vương”, rất giỏi nghệ thuật dưỡng tâm, sống trên trăm tuổi. Cát Hồng, nhà Lý luận kiêm thực hành Đạo giáo vĩ đại, tinh thông hoá học, y dược học và thuật dưỡng sinh, tác giả Bão Phác tử nổi tiếng của Đạo giáo về thuật luyện đạo, thọ 81 tuổi.

Theo giới sử học và giới Đạo gia thì Đạo giáo hình thành vào thời Hán Thuận Đế (126-144); cách đây khoảng chừng 1800 năm.

Đạo giáo coi Đạo đức kinh là kinh điển chính, tôn Lão Tử là giáo chủ. Đối với người Trung Hoa, Đạo giáo là một di sản văn hoá đồ sộ, được xem là một trong ba cột trụ tư tưởng chính của lịch sử Trung Hoa. Giáo lý của đạo giáo thể hiện sâu sắc quan niệm thiên nhân hợp nhất, quan niệm thiên mệnh, quỷ thần cũng như tư tưởng luân lý truyền thống của nhân dân Trung Quốc.

Trải qua lịch sử lâu dài, Đạo giáo đã tích luỹ được một số lượng lớn kinh sách và bản văn về các lĩnh vực nghệ thuật như mỹ thuật, văn hoá, âm nhạc cũng như các tài liệu khoa học và triết học, hoá học và y học, trong đó có phép dưỡng sinh. Tất cả những di sản đó là một bộ phận toạ thành quan trọng của nền văn hoá truyền thống Trung Hoa, gắn bó chặt chẽ với đời sống chính trị, tư tưởng và sinh hoạt của xã hội Trung Quổc. Lỗ Tấn, nhà văn kiêm nhà tư tưởng sắc bén nhất, từng nói: "Toàn bộ cội rễ Trung Quốc là Đạo giáo. Một chuyên gia Nhật Bản chuyên nghiên cứu về Đạo giáo đã nhất mạnh: "Muốn hiểu người Trung Quốc, bất luận thế nào cũng phải hiểu Đạo giáo.

Đi sâu tìm hiểu thuật dưỡng sinh của các Đạo gia là một việc làm mang nhiều ý nghĩa.

b. Ba “Đại dược”: tinh, khí, thần.

Theo ý các Đạo gia, "Đạo" là nguồn gốc của vạn vật trong Trời Đất, là quy luật tiến hoá của Tự nhiên và xã hội. Ngay cả thể xác con người cũng do "Đạo" chi phối. Nếu như con người chịu tâm dưỡng tính, cuối cùng thể xác sẽ đạt được bản chất “Đạo”. "Đạo" là bất tử, cho nên thể xác “Đạo'' cũng sẽ bất tử. Vậy làm thế nào để đạt ''Đạo''? Chính câu hỏi này đã gieo mầm tư tưởng cho thuật luyện đan Trung Quốc. Các Đạo gia chia luyện đan ra làm ngoại đan và nội đan. Ngoại đan là dùng lửa luyện các khoáng chất như chì, thuỷ ngân với các loại dược vật khác trong những lò đặc biệt, biến chúng thành đan được (còn gọi là tiên đan hay kim đan), nuốt vào sẽ có thể thành tiên, trường sinh bất tử.

Song do ảo tưởng ngây thơ đối với thuốc trường sinh, do niềm tin đầy ma lực vào kim đan huyền bí, có khi mang lại độc tính rất cao, nên nhiều khi người xưa đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Đời Đường, Lý Thế dân (Tức Đường Thái Tông) nổi tiếng thông minh đã bỏ mạng vì uống nước kim đan. Còn cái chết của Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, Đường Vũ Tông, Đường Tuyên Tông tất thảy đều liên quan đến việc trúng độc do uống kim đan. Vì thế kể từ đời nhà Đường trở đi, ngoại đan dần dần suy vi, cuối cùng chỉ còn là thuật luyện đan “biến đổi kim loại”, khởi thuỷ của ngành luyện kim ngày nay mà thôi.

Tới giai đoạn này, các thức giả Đạo gia dần dần vỡ lẽ ra rằng, muốn trường sinh cửu thọ, chẳng cần nấu chì và luyện thuỷ ngân, tìm kiếm linh đan đâu đó bên ngoài, mà phải tìm ngay ở ''trong mình”. Thế là công pháp nội đan ra đời. Cái tên nội đan xuất hiện vào hậu kỳ Nam Bắc triều. Về thực chất, nội đan là phương pháp rèn luyện bản thân mà qua đó, người ta vận dụng học thuyết âm dương ngũ hành, thiên can địa chi và bát quái đề luyện hơi thở, khí lực, điều hoà kinh mạch, một mặt kéo dài tuổi thọ, mặt khác khai quan phát huệ, thấu đạt lẽ huyền vi của tạo hoá.

Về các thức tu luyện, nội đan Đạo gia mô phỏng theo nguyên lý ngoại đan, mượn thuật ngữ ngoại đan để ví cơ thể con người thư ''lò vạc” gọi Tinh - Khí - Thần để luyện trong ''lò vạc" cơ thể là dược vật, vì thế mà có câu danh ngôn chí lý: ''Ba Đại lượng - Tinh - Khí - Thần”.

Các Đạo gia cổ xưa nói: "Trời có tam bảo: Nhật - Nguyệt - Tinh, người có tam bảo: Tinh - Khí - Thần. Người xưa đã đặt tên ba ''dược vật'' Tinh - Khí - Thần là Tam bảo. Tác dụng quan trọng của Tam bảo đối với cơ thể cũng giống như sự vận hành của Trời Đất Tự nhiên luôn gắn liền với Nhật - Nguyệt - Tinh. Nếu tổn tinh, hao Khí, thương Thần, con người không sao sống nổi. Vì thế, Tinh - Khí - Thần là cốt lõi tồn vong của sinh mệnh, là ba đối tượng chủ yếu trong công pháp Nội đan của các Đạo gia”.

Truy tìm về nguồn gốc, thoạt kỳ thuỷ, con người kế thừa Tinh - Khí - Thần ở Tinh của cha mẹ, sau đó diễn ra các quá trình hoá Thần, hoá Khí. Trong Dưỡng lão phụng thân thư, Trần Trực, nhà dưỡng sinh học nổi tiếng đời Tống viết: ''Chủ trì cơ thể chính là Thần, dưỡng Thần chính là Tinh, ích Tinh chính là Khí, bổ Khí chính là thức ăn''. Điều đó nói lên mối quan hệ tương hỗ giữa Tinh - Khí - Thần cần phải được bổ dưỡng thì mới không ngừng phát triển. Trong ba báu vật Tinh - Khí - thần thì Tinh có thể hoá thành Khí Thần. Vì thế, Tinh còn là cơ sở sản sinh ra Khí Thần. Nội kinh chủ trương ''bảo Tinh, bảo Thần'', nhằm tiêu trừ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, đồng thời cho rằng Tinh của ngũ tạng nếu như không tàng trữ được thì âm hư và vô Khí, rất dễ chết yểu. Khí là cơ sở và vận hành liên tục không ngừng, liên quan đến sức khoẻ và sự thọ yểu của con người. Đúng như Trương Cảnh Nhạc, nhà y học nổi tiếng cuối đời Minh đã từng nói: ''Phàm Đạo sinh thành và biến hoá đều lấy Khí làm gốc. Trời Đất, Vạn vật, không có cái gì là không do Khí... Con  người sống được, tất thảy đều dựa vào Khí ấy. Từ đó, ông chỉ rõ rằng, vạn vật sinh hoá và tồn vong đều dựa vào Khí. Chính vì Khí là gốc rễ của sự sinh hoá cho nên Tinh và Thần cũng sinh ra nhở Khí, bởi vậy Đạo dưỡng sinh tất phải lấy Khí làm gốc. Thần tuy sinh ra nhờ Tinh và Khí, nhưng ngược lại, nó có thể chi phối hoạt động của Tinh và Khí. Thần là chủ lực của hoạt động sống, đồng thời là gốc của thuật dưỡng sinh, cho nên trong Linh khu - Thiên Thiên niên đã nêu rõ: ''Mất Thần thì chết, giữ được Thần thì sống. Ba nguyên tắc lớn dưỡng Khí, bảo Tinh, toàn Thần thấu suốt toàn bộ phép dưỡng sinh của các Đạo gia Trung Hoa.

c. Phép tu tập ''Tam quan''

Ngay từ thời đại xa xưa, trong Tây thăng kinh của Đạo tạng đã viết: tính mệnh ta do chính nơi ta, không phải do Trời. Nếu biết tu Đạo dưỡng sinh, tinh thần thư thái, cơ thể tráng kiện, tất sẽ trường sinh bất lão”. Nhìn toàn cục, để đạt đích trường sinh, nội dung phép luyện đan xem trọng tu ''Tính'' và luyện “Mệnh”. Vậy thực chất của Tính công là gì? Mệnh công là gì? Linh nguyên Đại Đạo ca viết: ''Cốt lõi của Đại Đạo là toàn Thần và toàn Hình”. Toàn Thần, nói cho dễ hiểu, là Tính công. Toàn Hình là Mệnh công. Ở đây, theo ý các Đạo gia, nếu chịu tu luyện về tinh thần, ý nghĩ, tức là về phương diện tâm lý, từ đó lấy tâm lý đẩy mạnh các mặt hình thể tức là Tính công. Còn nếu luyện tập về mặt hình thể tức là về mặt sinh lý, từ đó lấy sinh lý để duy trì sự cân bằng Tâm lý thì đó là Mệnh công. Tính công và Mệnh công, nhìn chung, đều nhằm duy trì sự cân bằng tâm lý và sinh lý, để từ đó đi vào cảnh giới an lạc, trường thọ.

Về công pháp cụ thể, người xưa đề ra công pháp Tiểu chu thiên để luyện Mệnh; công pháp Đại chu thiên, xem thư giai đoạn quá độ từ Mệnh công sang Tính công; giai đoạn thuần tuý tính công.

Nhìn khái quát cả quá trình luyện Mệnh công và Tính công, các Đạo gia phân ra Sơ quan (luyện Tinh hoá Khí), Trung quan (luyện Khí hoá Thần) và Thượng quan (luyện Thần hoàn Hư).

Như trên đã nói, công pháp nội đan xem Tam bảo Tinh - Khí - Thần trong cơ thể là ''dược vật''. Sơ quan luyện Tinh hoá Khí, tức không để Tinh hao tán mà dùng để để bổ dưỡng nguyên Khí, nguyên Thần.

Công pháp Tiểu chu thiên chỉ rõ: Nhờ quá trình gạt bỏ tạp niệm, hình thần an tĩnh, ý nghĩ hướng nội, hành giả từng bước dẫn nội khí đi một vòng theo các mạch Nhâm, Đốc và các huyệt Hội Âm, Bách Hội, làm cho nguyên khí tản mát trong cơ thể con người dần dần tích tụ, tập trung nơi khí huyệt, giúp cơ thể đẩy lùi bệnh tật, tinh thần an lạc. Sơ quan luyện Tinh hoá khí, hay còn gọi là công pháp tiểu chu thiên, thường kéo dài 100 ngày, vì thế còn có tên là Bách nhật quan.

Trung quan luyện khí hoá Thần nhằm hợp nhất tam bảo Tinh - Khí - Thần thành Đại Đan. Lúc này, trên cơ sở của giai đoạn Tiểu chu thiên, Tinh - Khí hợp nhất, hành giả tiến thêm một bước, kết hợp Thần với Tinh - Khí để đạt đích kéo dài tuổi thọ. Ở đây, nội khí vận hành theo hai mạch Nhâm, Đốc và các kinh mạch khác trên một phạm vi rộng hơn. Khi luyện Đại chu thiên, đường đi của nội Khí khác nhau ở từng hành giả: ở người này thì đi theo tám mạch kỳ kinh, ở người khác thì đi theo hai mạch Nhâm, Đốc và một vài kinh mạch khác. . . luyện công pháp Đại chu thiên, kể về thời gian, xấp xỉ bằng thời gian thai nhi nằm trong bụng mẹ, kéo dài trên dưới mười tháng, nên công pháp Đại chu thiên còn có tên là Thập nguyệt quan.

Thượng quan luyện Thần hoàn Hư nhằm mục đích giúp các Đạo gia đạt tới lý tưởng tối cao của đan Đạo là hợp nhất với Trời đất, hoà đồng cùng Vũ Trụ. Hành giả đạt tới cảnh giới thường thừa này sau khi đã hoá được Tinh thành Khí, hoá được Khí thành Thần và Thần hoàn Hư. Hoàn Hư là trạng thái cơ thể khi Tinh - Khí - Thần phúc túc, sung mãn, khang cường.

Về công phát cụ thể, ở đây hành giả trải qua hai giai đoạn: ''Hữu tưởng'' “Vô tưởng”. Trong giai đoạn ''hữu tưởng" phải thực hiện các bước luyện các cung Minh Đường, Động Phòng, Nê Hoàn, để từ đó bước sang giai đoạn ''vô tưởng'' thanh tĩnh vô vi…

Dựa vào câu chuyện Tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm bích diện tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, các Đạo gia cho rằng hành giả tu luyện đạn Đạo cũng cần phải tu luyện trong một thời gian dài như thế, nên Thượng quan còn có tên gọi là Cửu niên quan.

Toàn bộ quá trình khổ công tu luyện Tam quan trong khoảng thời gian xấp xỉ 10 năm, theo Nội đan truyền thông gọi là Đan thành, tức đạt đích trường sinh bất lão. . .

Mục đích của công pháp Nội đan là nhằm tu Đạo thành tiên, đạt đích trường sinh bất tử. Tuy nhiên, như cuộc sống đã cho thấy, chẳng thế nào tu để trở thành tiên, song thông qua việc tu luyện công pháp Nội đan, con người có thể điều chỉnh được các chức năng của vỏ não, khơi gợi những tiềm năng quý giá của con người, từ đó đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức khoẻ, kích thích khả năng sáng tạo và duy trì sự cân bằng tâm lý.

Công pháp Nội đan của Đạo gia cũng như Khí công Trung Quốc nói chung là một di sản quý báu trong kho tàng văn hoá của dân tộc Trung Hoa và của cả loài người.

Nhà Bác học Anh J. Needham, trong tác phẩm "Lịch sử khoa học kỹ thuật Trung Quốc”, viết: "Tư tưởng Đạo gia, ngay từ đầu, đã có khái niệm trường sinh bất tử. Điều này không thấy có các quốc gia khác trên thế giới. Đối với khoa học, tư tưởng bất tử có một tầm quan trọng không tài nào lường hết được”.

THẾ TRƯỜNG (C.D)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/143-02-633385777145312500/Nen-van-hoa-co-than-bi-Dong-Tay-phuong-ky-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận