KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN –
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ THẾ GIỚI
Tây Nguyên vùng cao nguyên trung phần Việt Nam với rất nhiều dân tộc: Ba Na, Brâu, Cơ Ho, Gia Rai, Giê Triêng, Ê Đê, Mạ, Mơ Nông, Pa Cô, Sê Đăng, Stiêng… nằm trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Tây Nguyên không chỉ là miền đất trù phú, tiềm năng kinh tế dồi dào, Tây Nguyên còn là vùng văn hóa dân gian truyền thống phong phú đa dạng, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng mang nét đặc trưng của Tây Nguyên mà không một nơi nào có được. Chính vì vậy, tháng 11 năm 2005, Uỷ ban Di sản của UNESCO đã chính thức trước bạ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, trước đó hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên phải được Hội đồng Âm nhạc truyền thống Quốc tế (ICTM) thẩm định. Đặc biệt là sự đánh giá hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên, ICTM, phải dựa trên tài liệu nghiên cứu thẩm định của GS.TS. Trần Văn Khê, một thành viên danh dự quan trọng của ICTM, nhưng theo quy định chung thì hồ sơ di sản nước nào, chuyên gia nước ấy không có quyền tham gia. Song vì không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chưa có một chuyên gia nước ngoài nào nghiên cứu cả, do đó ICTM phải mời chuyên gia Việt Nam, GS.TS.Trần Văn Khê.
Ngoài ra, một trong những tiêu chuẩn nữa mang tính quyết định quan trọng nhất mà Uỷ ban Di sản của UNESCO đòi hỏi là di sản đó phải có giá trị nổi bật ngang tầm kiệt tác sáng tạo của nhân loại. Cồng chiêng Tây Nguyên của nước ta trước hết thể hiện đầy đủ khía cạnh âm nhạc và nằm trong không gian văn hóa. Loại hình âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thường xuất hiện hầu hết trong các lễ hội của dân tộc Tây Nguyên không chỉ với dân tộc nhiều người như: Ê Đê, Ba Na, Gia Rai. . . mà cả trong các lễ hội của dân tộc ít người như: Brâu, Giẻ Triêng . . . Tại các lễ hội như thế, cồng chiêng giữ vai trò chủ đạo và là phương tiện duy nhất để con người giao hoà với thần linh, trời, đất và giao tiếp cộng đồng. Cồng chiêng còn là một loại hình âm nhạc rất đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên: Ba Na, Chu Ru, Ê Đê, Gia Rai, Mạ, Mơ Nông, Sê Đăng. . . Nó thường có mặt trong các lễ hội bỏ mả, lễ ăn mừng cơm mới, mừng được mùa, lễ đâm trâu, mừng đám cưới, mừng nhà rông. . .
Hầu hết người dân Tây Nguyên, không phân biệt già trẻ, trai gái, đều là những nghệ sĩ, nhạc sĩ thực thụ. Họ có thể vừa múa vừa hát, vừa sử dụng các nhạc cụ hoặc tham gia vào dàn cồng chiêng. Ngay từ khi đứa trẻ mới lọt lòng, người ta đã mang cồng chiêng đến đánh bên tai đứa trẻ gọi là lễ thổi tai. Lớn lên đứa trẻ càng làm quen và sử dụng thành thạo cồng chiêng. Đặc biệt xưa kia, lứa tuổi thanh niên khi đến tuổi trưởng thành mà không biết chơi cồng chiêng thì sẽ rất khó lấy vợ, gả chồng. Khả năng tiếp nhận âm nhạc của người dân Tây Nguyên được phát triển khá tự nhiên, không qua trường lớp nào cả, mà chủ yếu được phổ biến trong cộng đồng thông qua các mùa lễ hội, hoặc những đợt tổ chức trình tấu liên tục thâu đêm suốt sáng ở buôn làng. Ban ngày, đội cồng chiêng làng sẽ đi vòng quanh từng ngôi nhà của buôn làng để cầu phúc cho gia chủ. Ban đêm, cả làng tụ tập quanh đống lửa hồng ở sân nhà rông (hoặc sân chung) để cùng nhau nhảy múa ca hát theo nhịp của cồng chiêng.
Cồng chiêng Tây Nguyên bảo lưu hình thức biểu xướng tập thể của cộng đồng. Hợp tấu bằng cách nghe nhạc, trong đó tâm linh càng đóng vai trò quan trọng. Bởi mỗi cồng chiêng Tây Nguyên chỉ là một nốt nhạc ngân thành nhiều âm khác nhau. Mỗi chiếc trong dàn kết hợp với nhau để tạo ra một bản hợp tấu, khi nghe sẽ thấy đầy đủ bè trầm, bè trung và bè cao. Do đó, mỗi nhạc công trong dàn cồng chiêng chỉ chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp chung lại thành bè, thành giai điệu. Giai điệu cồng chiêng Tây Nguyên không của một cá nhân nào, nó là sự sáng tạo của cộng đồng. Cồng chiêng Tây Nguyên do đó mang tính dân gian rất rõ nét. Trong dàn cồng chiêng thường có một chiêng lớn nhất làm nhiệm vụ giữ nhịp nền cho dàn cồng chiêng làng. Chẳng hạn đội cồng chiêng Pray Mrong Yo, Xã Jaka, Huyện Chư Pảh, Tỉnh Gia Rai có một chiếc chiêng lớn mang tên Bâ Khơch nặng tới 20kg, núm chiêng chứa nhiều đồng đen, có tuổi thọ hơn 120 năm, đường kính chiêng 75cm. Đây là chiếc chiêng giữ nhịp cho dàn cồng chiêng có âm thanh trầm ngân dài.
Song, cồng chiêng mỗi dân tộc Tây Nguyên đều mang những nét đặc trưng riêng. Mỗi buôn làng thuộc từng dân tộc thường có một bộ cồng chiêng riêng cho dân tộc mình. Họ đặt tên cho từng cồng chiêng theo vai vế như trong một gia đình và phân biệt chiêng có giáng phú hộ và chiêng thường; nhằm tiện sử dụng trong các dịp lễ quan trọng hay sinh hoạt văn hoá thường nhật.
Xưa kia, những chiếc chuông quan trọng thuộc loại quý khi đúc phần núm có pha bạc, vàng hoặc đồng đen và chiêng nào có tuổi thọ lâu đời nhất là những chiếc chiêng có giá trị bằng một hai con voi hoặc 40 chú trâu mộng hay một tá nô lệ. Các gia đình có chiêng càng cổ bao nhiêu thì Thần chiêng (Yêng chăng) càng mạnh bấy nhiêu. Gia đình nào có nhiều cồng chiêng không chỉ là người có nhiều của cải giàu có mà điều quan trọng là có được sức mạnh Thần linh phù hộ. Đặc biệt, dòng họ nào, làng nào có nhiều cồng chiêng cổ sẽ được dòng họ, làng khác nể trọng. Gia đình nào có nhiều cồng chiêng có thể được làm già làng cho cả vùng. Già làng là người được buôn làng tín nhiệm giữ dàn cồng chiêng làng để sử dụng mỗi khi buôn làng có lễ hội.
Cồng chiêng Tây Nguyên là một nhạc cụ gắn chặt với đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong đời sống cũng như trong tâm linh. Vì vậy, cồng chiêng Tây Nguyên thực sự sống khi nó được thể hiện giữa không gian núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, bên bếp lửa hồng những đêm lễ hội hoặc ở nhà rông. Để cho cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hoá phi vật chất của thế giới đến được với nhiều người dân trong nước cũng như nước ngoài, nên chăng trong các chuyến du lịch cần tổ chức các lễ hội của đông bào các dân tộc Tây Nguyên để quảng bá.
NGHỆ SỸ NHIẾP ẢNH TRẦN MẠNH THƯỜNG