Tài liệu: Kinh vệ đà - một bộ kinh đồ sộ, một kho tàng văn hóa Tr.CN của Ấn Độ

Tài liệu
Kinh vệ đà - một bộ kinh đồ sộ, một kho tàng văn hóa Tr.CN của Ấn Độ

Nội dung

KINH VỆ ĐÀ – MỘT BỘ KINH ĐỒ SỘ,

MỘT KHO TÀNG VĂN HÓA TR.CN CỦA ẤN ĐỘ

 

Vệ Đà là phiên âm Việt - Hán của một từ chữ Phạn (Sanscrit) VEDA. Veda nguyên nghĩa Trí thức, thường hiểu là Tri thức tôn giáo.

Vệ Đà tập hợp tri thức của người Ấn - Âu, người Aryans sống ở vùng Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ khoảng thiên niên kỷ thứ hai Tr.CN; vốn là văn học truyền miệng, mãi đến khoảng thế kỷ VIII Tr.CN, mới định hình thành văn bản. Truyền thuyết cho rằng, Vyàsa đã hoàn thành văn bản này ở vùng Cachemire, văn tự Vệ Đà là Sanscrit có nghĩa ngôn ngữ hoàn thiện (samsketam), thứ ngôn ngữ của Thần linh dùng để cho con người có thể hiểu được. Khi dịch thành chữ Phạn là theo ý đó.

Về thời đại Kinh Vệ Đà, các nhà nghiên cứu không thể xác định được một cách chính xác. Nội dung Vệ Đà phản ảnh những sự kiện sớm nhất là 2.000 năm Tr.CN như trong bộ Vệ Đà cổ nhất Rigveda. Muộn nhất là thế kỷ VIII Tr.CN tìm thấy chứng tích trong các bộ Upantshad (Áo Nghĩa Thư) bộ sách có ý nghĩa sâu kín. Kinh Vệ Đà được coi là lời phán truyền thiên khải do các nhà tiên tri nửa Thần, nửa người truyền đạt thành lời. Các nhà tiên tri này - KAVI hay RSI - được ghi tên trong Vệ Đà: Bhrgu, Kanva, Visvàmitra, Gotama...

Vệ Đà còn được dịch là Minh Luận, Tri Luận. Nó gồm có 4 bộ nhưng lại được chia thành bộ nhỏ hay bộ bốn. Bộ ba gọi Tam Minh thường dùng trong dòng văn học Pàli. Bộ bốn gọi Tứ Minh thường dùng trong văn học Sanscrit.

Trong văn tự Vệ Đà gọi bộ Vệ Đà samhità chỉ ý chí. Tổng tập gồm các bộ:

Bộ thứ nhất, bộ cổ nhất: (Rigveda) dịch âm là Câu vệ (phệ) Đà, dịch nghĩa Tán Tụng Minh Luận vì gồm có 1028 bài tán ca (RC), (gồm 10552 khổ). Thầy cúng Hotr đọc Kinh này. Tán ca ca tụng các Thần tự nhiên như sấm, Mặt trời, Mặt trăng, gió. . .

Bộ thứ hai, Yajurveda dịch âm Da Nhu Vệ Đà, dịch ý Tế Tự Minh Luận vì trình bày trình tự hiến tế, ca hát khi tiến hành tế tễ một vị Thần nào. Thầy trợ tế (Adhvaryu) đọc các Yajus (công thức) Kinh này.

Bộ thứ ba, Sàmaveda dịch âm Sa Ma Vệ Đà, dịch ý Ca Vịnh Minh Luận vì gồm có 1549 bài ca phổ nhạc các tán ca trong Rigveda. Điển nhạc Udgatr hát các sàman (bài hát) theo thứ tự qui định trong Yajurveda.

Ba bộ này hợp thành Tam Minh. Thực ra chỉ có bộ Rigveda mới là văn bản chính mang nội dung tôn giáo, còn hai bộ sau chỉ là trình thức hoá nghi lễ.

Bộ thứ tư, Atharvaveda dịch âm A Thát Bà Vệ Đà, dịch ý Nhương Tai Minh Luận gồm 730 bài ca liên quan đến ma thuật, thần chú, tín ngưỡng dân gian và cả khoa học tự nhiên như thiên văn học, y tế… Truyền thuyết cho rằng ông Rsi Atharvan Angirasa là tác giả Atharvaveda. Thầy Brahman (Bà La Môn) với tư cách thầy tư tế của Vua đọc Kinh này.

Nếu kể cả bộ Kinh thứ tư thì gọi Tứ Minh.

Bộ thứ hai, ba, tư đều muộn hơn thứ nhất. Bộ Rigveda được hình thành khoảng 2000 năm hay 1600 năm Tr.CN.

Ba bộ sau hình thành khoảng 1000 năm Tr.CN hay muộn hơn.

Về sau hình thành những bộ sách khác nhằm giải thích và phát triển nội dung Vệ Đà. Đó là các bộ Bràhmanas, Ârannyakas, Upanishad. Các tác phẩm này hình thành vào khoảng 700 - 600 năm Tr.CN. Đó là thời kỳ tôn giáo Vệ Đà diễn biến thành Bàlamôn giáo và cũng là lúc Phật giáo cùng nhiều tôn giáo khác xuất hiện.

Bràhmana dịch là Phạn Thư, Tịnh Hạnh Thư, Bà La Môn Thư. Phạn Thư giải thích cội nguồn, mục đích, phương pháp các tế lễ, giải thích ý nghĩa tán ca, thần chú, văn tế. . . Mỗi bộ Vệ Đà vốn có một bộ Phạn Thư. Hiện nay chỉ còn các Phạn Thư về bộ Rigveda Yajurveda. Âranyaka dịch Sâm Lâm Vệ Đà, với ý nghĩa mật truyền như thầy trò trong rừng sâu: Sâm Lâm Vệ Đà thuyết minh nghi thức và phương pháp tế tự, Vũ trụ quan, nhân sinh quan, Thần linh luận, thường lẫn lộn với Upanishad.

Upanishad dịch nghĩa Áo Nghĩa Thư vì nội dung ảo diệu. Nguyên nghĩa Upadishad là: "ngồi gần nhau'' tức thầy truyền thụ bí mật cho đồ đệ. Vì vậy có khi gọi là Cận Tọa Thư hay Bí Thư. Hiện nay còn lưu lại hơn 200 bản Áo Nghĩa Thư nội dụng rất rộng rất mâu thuẫn. Áo Nghĩa Thư vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, đề cập đến những vấn đề triết học như cội nguồn. Thế giới, bản chất con người, quan hệ con người với thế giới tinh thần, vận mệnh con người sau khi chết. . .

Lại có những văn bản giải thích các bộ sách kể trên: Smrti- Smrti dịch ý Minh Luận Chi Tiết Lục là khoa học bổ trợ cho Vệ Đà. Smrti bàn sáu chủ đề: Kinh văn, ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, âm vận thiên văn trong Vệ Đà.

Nội dung tôn giáo chủ yếu trong Vệ Đà - Rigveda - là các Thần tự thiên. Đề cập nhiều nhất là Thần Indra (Thần Sấm). Indra là một dũng sỹ khổng lồ, tóc râu một màu râu hung hung, sức khoẻ phi phàm, tay cầm vajra (kim cương chữ, tức tầm sét, tức đinh ba), rượu uống như rồng lấy nước, ngồi xe tứ mã băng qua bầu trời, khi nổi giận râu tóc dựng ngược. Ban đầu Indra là Thần nông nghiệp, tiếng sấm đưa mưa đến cho hoa màu tốt tươi. Sau đó trở thành Thần chiến tranh bảo hộ thị tộc. Càng về sau kết hợp với nhiều Thần khác trở thành Thần bảo hộ Vương quốc.

Ngoài Indra, Thần Agni (Thần lửa) được tôn thờ long trọng nhất với ý nghĩa dùng hai thanh gỗ cọ lấy lửa, bảo vệ lửa cho cuộc sống cộng đồng. Thần Mặt trời (surya), Thần Mặt trăng hay Thần rượu (Soma), Thần Rạng đông (Usas)... cũng được thờ. Người ta đặt tên Védisme - Vệ Đà giáo cho tín ngưỡng thờ các Thần tự nhiên trong Vệ Đà. Đó là đa Thần giáo. Dần dần trong các bộ Phạn Thư và Áo Nghĩa hình thành bộ ba chủ thể. Baràhmanas, Vishnu, Shiva. Bàlamon giáo thay thế Vệ Đà giáo.

Bản thân tôn giáo là văn hoá cho nên Vệ Đà mang nội dung văn hoá rộng lớn hơn phạm trù tôn giáo mà ngày nay các nhà nghiên cứu quy định cho nó. Trong Vệ Đà chứa đựng nhiều tư tưởng triết học hữu quan bản thể luận khá sâu sắc như truyền thuyết Sáng Thế, Quẫy Bể Sữa, Quả Trứng Vàng... Việc giải thích Vệ Đà đã dẫn đến công trình nghiên cứu ngôn ngữ học khá tinh vi bao gồm ngữ âm, ngữ nghĩa, âm vận, ngữ pháp rất có giá trị cho cả ngày nay. Trong kho tàng Vệ Đà chứa đựng tất cả nhân tố tôn giáo, triết học xã hội, chế độ đẳng cấp, lý thuyết luân hồi, nghiệp báo… thuộc truyền thống văn hoá Ấn Độ.

Vệ Đà truyền miệng. Người ta truyền dạy thuộc lòng một cách có phương pháp, bảo đảm không sai lạc lầm lẫn qua số lượng từ từng câu từng bài. Tuy vậy thời gian và không gian đã khiến nội dung Vệ Đà dị bản hoá. Niên đại văn bản này cũng không chắc chắn, không phải ai cũng công nhận thống nhất các niên đại trên đây.

Vệ Đà là kho tàng văn hoá Ấn Độ mà cũng chung cho nhân loại: ảnh hưởng Vệ Đà vượt ra ngoài Ấn Độ, vượt ra ngoài thời gian xa xưa Tr.CN. Đó là di sản trí tuệ của nhân loại.

PGS NGUYỄN DUY HINH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1056-02-633389218875659528/Nhung-tac-pham-do-so-bat-hu-cua-Nhan-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận