Tại sao người ta mắc chứng cận thị hoặc loạn thị?
Những biến dạng của cầu mắt hoặc thủy tinh thể làm thay đổi các tính chất quang học của mắt và làm giảm thị lực. Thị lực này tương ứng với kích thước nhỏ nhất mà mắt có thể thấy ở một khoảng cách nào đó. Trong thực tế, một thị lực 10/10e đánh dấu khả năng phân biệt một vật nhỏ 0,6mm ở cách 5m.
Nếu con mắt quá ngắn hoặc thủy tinh thể không còn điều tiết được thì hình ảnh của các vật gần được tạo ra ở đằng sau võng mạc, đó là tật viễn thị hoặc lão thị. Nếu con mắt quá dài hoặc thủy tinh thể quá gồ, thì hình ảnh của các vật xa được tạo ra ở đằng trước võng mạc, đó là tật cận thị. Khi sự biến dạng không đụng chạm tới toàn bộ mắt, mà chỉ là một hướng đặc biệt, thì mắt được gọi là loạn thị.
Những rối loạn này rất phổ biến và quen thuộc, nhưng nguồn gốc của chúng đôi khi còn bí ẩn.Chẳng hạn, đối với tật cận thị nặng, từ lâu người ta đã quy cho các nhân tố di truyền, dựa vào những nghiên cứu ở những người sinh đôi ít nhiều bị cận thị. Nhưng hiện nay có lẽ chủ yếu là lối sống: ví dụ, chỉ 10% người Ấn Độ sống ở Ấn Độ bị cận thị, so với 70% người Ấn Độ sống ở Singapore. Vấn đề là ở chỗ mọi người đều biết rằng nếu chỉ đọc và nhìn vào màn hình máy vô tuyến truyền hình hoặc máy tính thì mắt sẽ mỏi, nhưng người ta không hiểu tại sao điều đó lại gây biến dạng giác mạc hoặc thủy tinh thể.
Trong thời gian dài, những rối loạn này được chữa bằng kính đeo điều chỉnh. Khoảng từ 25 năm nay, người ta cũng sử dụng những thấu kính tiếp xúc. Vai trò của chúng là làm lệch hướng ánh sáng ít nhiều để hình ảnh được tạo ra ở võng mạc (vì thế mới có đi ốp đo độ lệch này). Gần đây hơn, các kỹ thuật ''laser'' đã giúp cắt giác mạc để khôi phục các tính chất quang học gần như bình thường. Chúng có hiệu lực đối với các tật cận thị, loạn thị và viễn thị nhẹ hoặc trung bình.