Thông tin truyền như thế nào từ mắt tới não?
Các tế bào cảm quang ở võng mạc là những nơron chuyển đổi tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu thần kinh. Tín hiệu sau được truyền cho các nơron võng mạc khác gọi là tế bào hạch có các sợi trục tạo thành dây thần kinh thị giác. Những sợi trục này được chia thành hai nhóm ở một chỗ gọi là giao thoa thị giác: nửa trái của trường thị giác (gọi là thị trường cũng được) được não phải thu nhận và ngược lại. Cuối cùng phần lớn dẫn vào một vùng đặc biệt của đồi não[1] gọi là thể gối bên. Ở đây, các nơron khác tiếp nối để truyền thông tin vào vỏ não, đúng hơn là vào vùng vỏ thị giác sơ cấp gọi là V1, nằm ở sau não. Ở mức này, thông tin từ hai mắt quy tụ. Chính sự quy tụ này tạo khả năng của hiệu ứng hai mắt, nghĩa là cách nhìn ba chiều. Sau đó thông tin được xử lý theo rất nhiều phương thức ở các vùng thị giác thứ cấp chuyên hóa: theo hình dạng ở V2, theo màu sắc ở V4, theo chuyển động ở V5, v.v... (Người ta đã biết khoảng 30 vùng thư cấp).
Năm 2002, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số tế bào hạch của võng mạc ở động vật có vú cũng là tế bào cảm quang (chúng có một sắc tố gọi là melanopsin). Chúng nhạy cảm với mức độ chiếu sáng chung và nối với nhau bằng các đường đặc biệt ở vùng não kiểm soát đồng hồ sinh học, gọi là nhân siêu giao thoa. Thông qua các trạm tiếp nối khác nữa, chúng kiềm soát sự co đồng tử (con ngươi).