THẾ NÀO LÀ KĨ THUẬT TẢI LƯỢNG GLICOGEN?
Một loại kĩ thuật làm cho glicogen ở vào trạng thái tồn trữ siêu lượng. Vận động viên thuộc các hạng mục cần đến sức chịu đựng, sử dụng kĩ thuật này trước khi thi đấu sẽ làm gia tăng được lượng dự trữ glicogen trong cơ bắp để giữ làm nguồn năng lượng sử dụng trong khi thi đấu. Gần đây, kĩ thuật này đã được sử dụng phổ biến ở các nước nhất là đối với các tuyển thủ chạy maratông.
Phương pháp cơ bản của kĩ thuật này được phân thành 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là thời kì tiêu hao. Hằng ngày đưa vào một lượng cacbohiđrat thấp (60 - 100g), đồng thời duy trì cường độ luyện tập ở hạng vừa trong ngày, lượng glicogen dự trữ trong cơ bắp của vận động viên bị tiêu hao hết. Giai đoạn thứ hai là thời kì tổng hợp. Mỗi ngày đưa vào một lượng cacbohiđrat cao (loại tính bột, 500 - 600g), đồng thời ngừng luyện tập để kích thích glicogen tồn trữ ở trong cơ bắp. Lúc này, lượng tái dự trữ glicogen trong cơ bắp có thể tăng lên gấp nhiều lần, hàm lượng glicogen trong mỗi 100g cơ bắp sẽ lên tới 4 - 5g.
Trong toàn bộ quá trình 7 ngày tiến hành phương pháp tải glicogen, lượng cung cấp protein, chất khoáng, vitamin và nước vẫn giữ như cũ. Với các hạng mục cần tới sức chịu đựng mà thời gian thi đấu không quá dài, thì chỉ cần chạy bộ 10km trước cuộc thi 48 tiếng, sau đó nghỉ ngơi, đồng thời ăn các bữa ăn với một lượng cacbohiđrat cao là sẽ có đủ lượng glicogen cơ bắp để dự trữ sử dụng.
Khi tổng hợp glicogen, mỗi gram glicogen sẽ kết hợp với 2,7g nước. Như vậy, glicogen phân giải khi đang vận động, nước nó mang theo sẽ bốc hơi có tác dụng làm cho thân nhiệt hạ xuống. Song glicogen mang theo nước sẽ làm tăng cân nặng. Nếu mỗi 100g cơ bắp dự trữ 5g glicogen, thì trọng lượng phụ gia của cơ bắp cộng với glicogen và nước, tổng cộng sẽ lên tới 18,5g. Các cơ bắp đầy ắp glicogen và nước sẽ bị cứng lên, làm cho vận động viên cảm thấy nặng nề, không quen. Vì thế phương pháp nói trên nên được thử nghiệm trước tiên ở giai đoạn huấn luyện, để cho vận động viên quen và thích ứng rồi mới ứng dụng vào khi thi đấu.